Đấy là một ngày đầu tháng Ba và tôi đang ngồi thơ thẩn bên ngoài quán cafe trên Con đường Triết học tại thành phố Kyōto. Tôi giữ lấy tách cà phê nóng trong tay và co ro với chiếc khăn quấn quanh đầu gối. Đâu đây có tiếng chuông gió leng keng, vài chiếc lá xanh còn sót lại đang run rẩy trên những nhánh cây dọc bên bờ kênh. Chỉ vài tuần nữa thôi là đến kỳ hoa anh đào nở rộ khoe sắc và con đường này sẽ tràn ngập khách du lịch thập phương. Nhưng vào lúc này, toàn bộ cảnh sắc nơi đây chỉ thuộc về mình tôi.
Tôi đang suy tư về buổi nói chuyện vừa qua với Hiraiwa-san, một nữ nhân viên trẻ của cửa hàng đồ gia dụng Ginishō nằm trên con đường này, cửa hàng này thuộc sở hữu của công ty kiến trúc sáng tạo KisoArtech tại tỉnh Nagano. Tôi đã hỏi tại sao cô nghĩ khách hàng có thể cảm nhận được bầu không khí đậm chất wabi sabi trong cửa hàng mà cô trông coi, nơi có các vách tường hoa văn lốm đốm, vài món hàng số lượng giới hạn được làm thủ công bằng nguyên liệu gỗ địa phương, và tông màu tối trang nhã đầy ý vị. Câu trả lời của cô lại chẳng liên quan gì đến những thứ trên.
Cô nói: “Tôi nghĩ bởi lẽ chúng ta đang ở một nơi có thể cảm nhận tường tận cảnh sắc lúc giao mùa và có một lằn ranh không rõ ràng giữa bên trong và bên ngoài khi mà cửa tiệm lại có vị trí ngay sát mép kênh thủy lộ. Điều này tạo cảm giác như chúng tôi đang trở thành một phần thuộc về thiên nhiên nơi đây.”
Tôi chắc rằng mình đã viếng thăm khu vực này của thành phố Kyōto hơn 50 lần, chuyến thăm thú đầu tiên khi còn là một cô bé tuổi vị thành niên khi tham dự các buổi học nghệ thuật cắm hoa ikebana hằng tuần tại nhà phu nhân Tanaka gần đấy, và dạo gần đây là lần đạp xe tìm bắt đom đóm giữa đêm hè cùng chồng tôi Mr. K. Một lần khó quên khác, khi tôi còn là một sinh viên nghèo không xu dính túi đi lang thang một mình giữa mùa đông lạnh giá và suy tính đủ đường để duy trì ngân sách èo uột cho đến hết tháng. Một lần khác nữa là lúc tôi được thưởng trà và bánh vào tiết trời mùa thu. Và giờ phút này tôi lại về chốn đây ngay giữa khúc giao mùa để ôn lại hành trình mà chúng ta đã cùng nhau trải qua và tất cả những gì chúng ta đã học được trong hành trình tìm kiếm chân lý về wabi sabi.
Điều dẫn dắt ta khởi hành khám phá vẻ đẹp tuyệt mỹ đã trở thành bài học mang ý nghĩa lớn lao hơn rất nhiều. Nó đã trở thành một phương thức hoàn toàn mới để trải nghiệm thế giới, không phải bằng suy nghĩ lô-gic mà bằng cảm nhận từ con tim với tất cả cảm quan trong ta. Wabi sabi đã cho chúng ta thấy những khoảnh khắc thoáng qua cực kỳ tinh tế, vẻ đẹp phù du nhắc nhở chúng ta về chân giá trị của cuộc đời.
Chiếc bát nhỏ bé vừa lòng bàn tay
Chứa trong nó cả vũ trụ bao la
RAKU KICHIZAEMON XV,
NGHỆ NHÂN LÀM GỐM NHẬT BẢN GIA TRUYỀN HỆ THỨ 15
Đối với tôi, bài học vĩ đại nhất từ wabi sabi chính là sự dịch chuyển nhân sinh quan.
Thế giới qua lăng kính wabi sabi trở nên tươi đẹp, dịu dàng và bao dung hơn, tràn ngập hi vọng và kỳ thú.
Ở phần đầu cuốn sách này tôi đã nói, “Wabi sabi có chút gì đó giống tình yêu”. Còn điều tôi đã khám phá ra bấy lâu từ hành trình đã qua chính là wabi sabi vốn rất giống tình yêu. Wabi sabi gần giống như sự trân trọng yêu thương - cho vẻ đẹp, cho tự nhiên, cho bản thân chúng ta, cho nhau và cho chính cuộc sống.
Tôi hy vọng bạn cũng đã nhận ra làm thế nào để wabi sabi có thể trở thành liều thuốc giải độc thanh mát cho thế giới đang chìm đắm trong chủ nghĩa tiêu dùng và nhịp sống hối hả, và rằng wabi sabi đã khích lệ bạn dám sống chậm lại, tái kết nối với tự nhiên và bao dung hơn với chính mình. Tôi hy vọng bạn đã được truyền cảm hứng để đơn giản hóa mọi thứ, tập trung vào những điều có ý nghĩa, tìm thấy hạnh phúc ở ngay trong hiện tại.
Giờ đây khi chuyến hành trình của chúng ta dần đi đến hồi kết, tôi vẫn còn một món quà lưu niệm cuối cùng dành tặng bạn. Hãy chìa đôi tay ra và hình dung về món quà tôi muốn trao gửi. Đó là một túi bùa hộ mệnh omamori (お守り) chúc phúc cho bạn được thượng lộ bình an. Ở mặt trước tấm bùa thêu ký tự sachi (幸), cầu chúc cho hạnh phúc. Mặt sau viết một lời nhắn nhủ dịu dàng:
Bạn không hoàn hảo một cách hoàn hảo,
như chính con người vốn dĩ của bạn.