Tôi đang chạy hối hả khi đã muộn giờ trong màn đêm dần buông xuống. Ôm khư khư chai rượu đắt đỏ mà đôi mắt tôi vẫn mở to nhìn chằm chằm vào cánh cổng đền sừng sững phía trước mặt. Tôi đã thật sự đặt chân đến nơi đây rồi. Tự véo mình cho tỉnh cơn mê, tôi lướt qua cổng rồi rẽ trái tới đền thờ vị thần tri thức Tenmangū dưới hình hài ngôi nhà cổ xưa rời rạc. Bầu không khí nơi đây tràn ngập tiếng rì rầm trao đổi đầy háo hức xen lẫn bản hòa ca êm dịu của hàng trăm chú ếch kêu ộp oạp. Tôi mường tượng về những vị khách tai to mặt lớn đang tụ họp nơi đây rồi chợt nảy sinh ý muốn rút lui trong im lặng. Viễn cảnh phải đứng trong căn phòng họp tề tựu toàn các vị học giả, các chuyên gia ngôn ngữ, những tay buôn tác phẩm nghệ thuật và vô số nhân vật cây cao bóng cả lọc lõi về mọi sự trên đời khiến cô bé ở tuổi mười chín như tôi cảm thấy e ngại. Và tôi còn chẳng quen ai ở chốn lạ lẫm này.
Nhưng rồi tôi lại nhớ lại động lực nào đã khiến mình xuất hiện nơi đây. Làm thế nào mà cuốn sách Lost Japan (Nước Nhật đã chìm khuất), tuyệt tác do chính chủ nhân ngôi nhà cổ này chấp bút, đã nâng bước tôi vượt qua những kỳ kiểm tra thời trung học, gieo vào tôi khát vọng về cuộc sống phiêu lưu và bí ẩn đầy quyến rũ sau ngưỡng cửa trường đại học. Không biết vì sao cứ mỗi khi tôi trăn trở viết luận, chỉ nhấc cuốn sách lên rồi đọc một vài trang, tâm hồn tôi lại căng tràn cảm hứng để nỗ lực thêm một giờ nữa.
Ngay khi đặt chân đến Kyōto, tôi đã gửi một bức thư cảm ơn tới tác giả Alex Kerr, ông vốn từ lâu đã nhập tịch thành một công dân Nhật Bản và hiện nay là một trong những người bảo tồn văn hóa nổi tiếng nhất xứ sở mặt trời. Trong sự ngạc nhiên của chính mình, tôi đã nhận được thư hồi âm từ trợ lý của ông mời tham dự buổi tiệc tại một trong những địa điểm cực kỳ quyến rũ được giới thiệu trong cuốn Lost Japan, tư gia của chính ông.
Ngôi nhà, và những vị khách mời đã khiến tôi vô cùng thỏa mãn. Tôi dành gần hết cả buổi tối để dõi theo các cuộc trò chuyện hấp dẫn về lịch sử, chính trị, đồ cổ Á Đông cũng như đủ loại chủ đề trên trời dưới biển mà một cô bé ở độ tuổi mới lớn như tôi cảm thấy chưa đủ tầm hiểu biết để tham dự. Nhưng được hiện diện trong căn nhà cổ xưa hàng trăm năm tuổi và đắm mình trong bầu không khí nơi đây đối với tôi đã là thỏa mãn lắm rồi. Vào một thời điểm người ta mời các vị khách tham dự rời bước đến khu kiến trúc doma cổ, hay còn gọi là khu nhà bếp mà giờ đây người ta sử dụng là nơi chuyên dành cho sáng tác viết lách. Khi bước dưới không gian gồm những thanh xà mái nghiêng, dường như nơi đây có phép lạ khiến mọi vật được phóng đại gấp nhiều lần. Đứng trước tấm giấy khổng lồ làm từ gỗ dâu tằm được trải ra trên chiếc bàn dài, Alex Kerr với chiếc bút lông cực lớn trong tay đang vẽ nên một trong những kiệt tác thư pháp tuyệt đẹp nhất mà tôi từng được chiêm ngưỡng.
Thời gian cứ chầm chậm trôi. Âm thanh trò chuyện dần lắng xuống. Mọi người dường như đã hóa đá tại chỗ mà nụ cười vẫn đọng lại trên môi, ánh nến lung linh tỏa bóng ra khắp căn phòng. Tôi thầm nghĩ, thời khắc này thật kỳ diệu. Hãy lưu giữ trọn vẹn khoảng khắc này trong kho báu cuộc đời của ngươi đi.
Hai thập niên trôi qua, rất nhiều ký ức chi tiết về ngày hôm đó đã phai nhạt nhưng chính khoảnh khắc tôi đã trân trọng lưu giữ vẫn nguyên vẹn như mới ngày hôm qua.
Điều thực sự hoàn hảo
Tôi sẽ cho bạn biết một bí mật. “Hoàn hảo” thực ra là một trong những từ mà tôi ưa thích nhất. Tôi nói hay viết về nó vào mọi lúc mọi nơi nhưng chỉ trong bối cảnh thuộc về những khoảnh khắc. Tôi tin rằng chỉ có sự hoàn hảo trong chốc lát là thực sự tồn tại. Những lát cắt thời gian mỏng manh nhất có thể bay bổng và tỏa sáng lung linh trong thời khắc tĩnh lặng thoáng qua. Và rồi dần tan biến. Một khoảnh khắc hoàn hảo trong một thế giới không hoàn hảo.
Khoảnh khắc tuyệt diệu diễn ra trong xưởng sáng tác của ngài Alex Kerr tại ngôi đền Tenmangū thật hoàn hảo. Khoảnh khắc tôi lặng yên trên giường ôm ấp cô con gái út mới sinh bé bỏng đẹp tuyệt trần và nhìn ngắm biển cả dưới ánh bình minh, hiểu được rằng sẽ chẳng còn lúc nào được thai nghén một sinh linh như vậy nữa, thật hoàn hảo. Khoảnh khắc sáng nay khi tôi trao đổi trong im lặng với chú chim sẻ đang ngắm nhìn tôi bên bàn làm việc, thật hoàn hảo.
Trong một thế giới mọi thứ không ngừng biến động, những khoảng lặng hoàn hảo này khiến ta có cảm giác vị thần thời gian đang nháy mắt ra hiệu với chúng ta. Trong chớp mắt, chúng ta hoàn toàn đắm mình trong trải nghiệm hoàn hảo mà chẳng màng đến quá khứ hay tương lai nhưng đồng thời nhận ra khoảnh khắc này sẽ không còn mãi. Trong văn học, người ta đôi khi gọi trải nghiệm này là “một khoảnh khắc haiku”, một sự mô tả nắm bắt trọn vẹn vẻ đẹp nên thơ khi chiêm ngưỡng thứ trải nghiệm ngọt ngào tuyệt mỹ đến vậy. Ta có thể tìm ra những khoảnh khắc đáng trân trọng trong những chi tiết đời thường nhỏ bé nhất, nếu ta có thể sống chậm lại, tỉnh thức và chú tâm đủ lâu để cảm ngộ.
Trong khoảnh khắc chỉ bằng một nhịp đập con tim trước khi cánh chim khuất nơi phương trời xa, thế giới quan wabi sabi đã hiện diện để giúp tôi cảm nhận vẻ đẹp thiên nhiên tuyệt mỹ hơn gấp bội phần khi ý thức được nó sắp không còn nữa.
Lời hiệu triệu của vẻ đẹp
Một quý bà ở độ tuổi bảy mươi đã nói với tôi “Ta trải nghiệm được wabi sabi khi đứng một mình trong không gian tĩnh mịch mà vẫn cảm nhận phảng phất sự hiện diện rất dỗi dịu êm của của những con người vừa vãng lai nơi đây.”
Đấy là cảm giác thấp thỏm mong ngóng sự trở về của người thân yêu ngay trước lúc cánh cửa đón khách nơi phi trường rộng mở. Như câu chuyện bên ánh lửa hồng ta gửi theo làn sương khói tan vào hư vô. Như ký ức hoài niệm về nụ hôn khi ta vẫn chìm đắm trong môi hôn.
Mỗi khi hồi tưởng về cuộc đời, chúng ta luôn nhớ rõ những khoảnh khắc tuyệt diệu này. Khi chúng ta lướt đi quá nhanh với tầm nhìn khóa chặt vào tương lai vô định, hay dán mắt vào khung màn hình điện thoại hoặc bị sao lãng trước lối đi của kẻ khác, chúng ta lỡ mất cơ hội được sống chậm lại để tích lũy những khoảnh khắc đẹp diệu kỳ và cảm nhận wabi sabi.
Chúng ta biết rằng cuộc đời sẽ hạnh phúc biết bao khi chúng ta chủ động đến với cuộc đời, ấy vậy mà chúng ta vẫn ngày ngày sống trong sự hối hả, mất tập trung, căng thẳng, và ràng buộc để rồi hướng đến một cuộc đời dường như không còn thuộc về ta nữa. Khi chúng ta thực sự mở rộng tầm nhìn và con tim, cũng là lúc vẻ đẹp tuyệt mỹ xé tan tấm màn che hỗn loạn xen lẫn ồn ào và cất tiếng gọi chúng ta. Vẻ đẹp ấy sẽ gợi cho ta cái nhìn thoáng qua phiên bản cuộc đời mà ở đó tâm hồn ta cất cao tiếng hát cho những cố gắng rèn giũa tài năng, cho sự chuyên tâm xây đắp ý tưởng, cho quá trình nuôi dưỡng tình yêu và cho sự chủ động ta hiến dâng cho cuộc đời.
Đôi khi chúng ta cảm nhận được một cuộc đời như vậy nhưng lại ngoảnh mặt làm ngơ bởi nó không giống như ta đã kỳ vọng. Đấy không phải là cuộc sống hào nhoáng và rực rỡ mà người khác đã dạy chúng ta phải ham muốn: Nhà cửa, công việc, xe cộ, đối tác, gia đình hay bất kỳ thứ gì khác đều phải hoàn hảo. Nhưng khi chúng ta sẵn sàng và thực sự lắng nghe tiếng gọi của mỹ cảm, ta sẽ khám phá ra phiên bản cuộc đời đích thực dành cho ta. Một cuộc đời không hoàn hảo nhưng vô cùng trọn vẹn.
Vẻ đẹp cất lời hiệu triệu trong thầm lặng. Chúng ta phải cảm thụ được tiếng gọi này và sau đó thực thi chức trách của mình. Cảm hứng sáng tạo, vẻ đẹp quyến rũ nơi thôn dã, sự khát khao về những tình bạn đậm sâu, dẫu vẻ đẹp đặc biệt đang cất lời mời gọi bạn có là gì đi chăng nữa, hãy chú tâm bởi đó chính là vẻ đẹp nguyên bản của cuộc sống.
Sống lâu, sống khỏe
Theo tổ chức UNDP, Nhật Bản là quốc gia có tuổi thọ bình quân cao nhất trên thế giới, với 67.824 người thọ hơn trăm tuổi còn sống vào năm 2017. Tại Nhật Bản, ngôi làng nông thôn ở thành phố Matsukawa tại Nagano có tuổi thọ bình quân cao nhất cả nước.
Khi thông tin này được Bộ Y Tế, Lao Động và An Sinh Xã Hội công bố, thị trưởng thành phố Matskukawa, ông Akito Hirabayashi đã trả lời trong một cuộc phỏng vấn như sau:
Tôi đã ngạc nhiên đến ngã ngửa khi nghe được thông tin này. Chúng tôi đã không cố làm bất kỳ điều gì đặc biệt để có được thành tựu này. Chúng tôi may mắn sở hữu môi trường thiên nhiên tuyệt đẹp, ngày ngày đa số người dân lao động nơi đây vẫn miệt mài làm việc trên khắp các cánh đồng và ăn những thứ họ tự gieo trồng. Ngoài những yếu tố kể trên tôi chắc rằng ý thức cộng đồng cực kỳ mạnh mẽ nơi đây cũng góp phần không nhỏ.
Một người bạn của tôi, đã viếng thăm thành phố Matsukawa để thu thập thông tin cho đài truyền hình, kể rằng, “Tôi thấy người dân địa phương hay cùng nhau dạo chơi và tập thể dục trong công viên cũng như tham gia bơi lội. Họ cũng tổ chức rất nhiều các buổi dạy học nấu ăn và tinh thần lạc quan nói chung luôn hiện diện trong thị trấn.” Giới chức địa phương đã điều tra kỹ hơn và tìm ra ba nguyên nhân chính lý giải cho tuổi thọ cao ngất ngưởng của người dân nơi đây: sức khỏe cộng đồng nơi đây có tiêu chuẩn rất cao, họ có trình độ nhận thức cao về sức khỏe và thường xuyên tham gia các hoàn động rèn luyện thân thể, họ duy trì một cuộc sống ý nghĩa tràn ngập cảm hứng trong công việc cũng như tham gia các hoạt động xã hội.
Ayumi Nagata, một nhân viên trẻ ở tiệm đã nói với tôi:
Khi ta quá bận bịu đến mức mất đi kết nối cảm nhận với wabi sabi, chúng ta nhận ra mình đã lạc lối. Đó chính là một lời nhắc nhở để ta sống chậm lại, hít thở và có đủ thời gian để cảm nhận được vẻ đẹp quanh ta. Khi chúng ta mất đi cảm nhận về wabi sabi cũng là lúc chúng ta đang bị sao lãng, chịu nhiều áp lực hay lơ là việc chăm sóc bản thân.
Khi hồi tưởng về cuộc đời, chúng ta muốn nhớ đến điều gì? Chúng ta muốn có được cảm xúc thế nào? Những gì chúng ta muốn có đã góp phần ý nghĩa ra sao? Điều gì đáng lý ra đã giúp cuộc đời chúng ta trở nên ý nghĩa? Trong hành trình đã qua, có bao nhiêu khoảnh khắc tuyệt mỹ mà bạn ước muốn được trải nghiệm?
Và xin đừng quên vẻ đẹp tuyệt mỹ luôn tiềm ẩn trong mọi cung bậc cảm xúc. Khi ta buông lơi cho con tim rung động nhiều hơn, ta cảm nhận được gần gụi hơn sức sống và những xúc cảm đẹp tuyệt trần dẫu quanh ta là muôn trùng gian khó.
Xin hãy nhớ, một trong những bài học cốt lõi nhất wabi sabi dạy cho ta chính là không có gì tồn tại mãi mãi, bản thân ta hay những người ta thương yêu cũng như vạn vật trên cõi đời này. Chúng ta chẳng thể sống mãi với thời gian. Chúng ta thậm chí còn chẳng có được một cuộc sống dài lâu. Nhưng cuộc đời vẫn luôn đẹp dẫu chỉ là thoáng qua. Sống trọn vẹn mỗi giai đoạn cuộc đời là lựa chọn của chính chúng ta, ngay tại đây và ngay phút giây này.
Bài học từ bậc cao niên
Tôi thích được trò chuyện bên những người cao tuổi để đắm mình trong những câu chuyện từ xa xưa và thấu hiểu nhân sinh thế thái qua lăng kính của họ. Do vậy tôi đã có một trải qua một buổi chiều thực sự thú vị khi được tâm sự với bà Mineyo Kanie, cô con gái chín mươi tư tuổi của cụ bà Gin quá cố tại tư gia của họ ở thành phố Nagoya. Gin-san và người chị em song sinh của bà, Kin-san, nổi tiếng là cặp song sinh thọ nhất thế giới, Gin-san hưởng dương 108 tuổi còn Kin-san thọ 107 tuổi. Họ thường xuất hiện trên truyền hình và trở thành cặp đôi nổi tiếng tại Nhật Bản với dáng vẻ luôn luôn hài hước và tràn đầy sức sống. Tôi muốn biết Kanie-san đã học được bí quyết gì từ mẹ và dì của bà để sống một cuộc đời viên mãn đến vậy. Tôi cũng tò mò muốn nghe quan điểm của một người phụ nữ mà nếu tính theo phương diện thống kê cũng đã sống đến cái tuổi xưa nay hiếm.
Kanie-san ngồi quỳ gối trên tấm nệm phẳng đặt trong căn phòng khách lợp cói tatami, ở bà toát lên một nét thần thái an yên dịu dàng. Bạn có cảm giác dường như bà đã nhìn thấu tất cả sự đời. Ngày bà chào đời ngay chính tại ngôi nhà này, nơi đây chẳng có gì ngoài những cánh đồng lúa trải dài tít tắp. Còn ngày nay, chốn này đã trở thành vùng dân cư sầm uất nằm trong lòng thành phố Nagoya hừng hực sức sống.
Nhâm nhi trà xanh và nếm những chiếc bánh ngọt việt quất, chúng tôi trò chuyện rôm rả về cách làm cha mẹ, chính trị, xã hội và cả tình bạn nữa. Chúng tôi cười thật nhiều. Tiếng cười rúc rích không e dè của bà thật dễ lây. Có lúc, Kanie-san nhìn đăm chiêu vào vô định rồi tâm sự: “Con biết không, sống thọ có cái hay của nó nhưng thật buồn khi xung quanh chẳng còn mấy bạn bè.”
Chúng tôi gặp nhau ngay trước lễ hội Hina-Matsuri thường niên mà theo truyền thống người ta sẽ trưng bày một bộ búp bê mặc trang phục giống như Hoàng đế và Hoàng hậu, khách tham dự cùng các nhạc công sẽ mặc các bộ quần áo truyền thống vào thời kỳ Heian (794–1185). Thay vào đó, khu trưng bày của nhà Kanie-san lại lấy tâm điểm là hai búp bê đại diện mặc trang phục giống như Kin-san và Gin- san, tên của họ trong tiếng Nhật nghĩa là “vàng” và “bạc”, chúng là món quà từ một người hâm mộ gửi tặng cách đây nhiều năm. Những dịp lễ hội kể trên đánh dấu cho sự dịch chuyển thời gian mà nói theo cách nào đó cũng tương tự như những khúc giao mùa. Đây là lời nhắn nhủ chúng ta hãy đoàn tụ với những người thân yêu và cùng nhau trân hưởng cuộc sống này.
Ngoài tấm lòng tôn vinh giá trị truyền thống, Kanie-san còn lưu giữ được nhiều nghi lễ đơn sơ thường nhật cũng như thói quen sinh hoạt giúp bản thân bà luôn tràn trề sức sống. Bà tự nấu ăn từ đầu chí cuối, luôn sử dụng nguyên liệu tự nhiên và thường dùng thực phẩm mà bà đã tự tay gieo trồng. Có được sức khỏe dồi dào, Kanie-san vẫn thường đạp xe quãng ngắn tới tảo mộ tại nghĩa trang gia đình và đều đặn mỗi ngày dành thời gian chăm sóc cho khu vườn nhà. Tôi để ý thấy một điều rất thực tế, đó là bà chỉ dùng khay nhỏ trong các bữa ăn và luôn ngừng ăn trước khi cảm thấy no. Tại Nhật Bản họ gọi đây là phương thức hara hachi bu ( 腹八分), buông đũa xuống khi bụng mới đầy khoảng 80%.
Kanie-san nói với tôi: “Chúng ta không cần quá giàu có để sống một cuộc đời hạnh phúc. Khi con biết ơn những gì mình đang có, và chia sẻ chúng với người con yêu thương thì tức là con đã có đủ mọi thứ cho cuộc sống rồi.” Lòng biết ơn sâu sắc của bà về những món quà từ cuộc sống giản đơn chính là hiện thân của wabi sabi. Bà tiếp tục nói: “Đừng tốn sức lo lắng về những thứ mà con không có. Con đường ấy chỉ dẫn đến bất hạnh mà thôi. Thay vào đó, hãy tập trung vào những điều tốt đẹp đang hiện hữu trong cuộc đời con, và hãy phấn đấu hết mình cho những gì mà con đang thực hiện. Hạnh phúc nằm trong chính sự thỏa mãn đó chứ chẳng ở đâu xa.”
Có lẽ lời khuyên giá trị nhất mà Kanie-san trao gửi chính là: Hãy luôn sống vui vẻ. Đừng lo lắng quá nhiều về những thứ vốn chẳng có nghĩa lý gì.
Suy ngẫm về tuổi thọ của bản thân
Trong Chương 7, chúng ta đã cân nhắc về những tác động tiềm ẩn đối với sự nghiệp khi thọ đến trăm tuổi nhưng chuyện sẽ ra sao nếu cuộc đời bạn thực sự ngắn ngủi hơn nhiều so với kỳ vọng? Hãy nhìn lại một lần nữa về những kịch bản khác nhau sẽ xảy ra:
Hãy tưởng tượng về các khả năng sẽ xảy ra với điều mà chúng ta không thể nào biết trước được ‒ chúng ta còn sống được bao lâu ‒ là một cách thức khai mở cho ta khám phá những điều thực sự có ý nghĩa đối với bản thân mỗi người và qua đó tái tổ hợp lại những ưu tiên trong cuộc sống. Phương thức này giúp chúng ta cân nhắc lại điều gì thực sự khẩn thiết trong cuộc sống, và tiết lộ cho ta thấy biết bao lầm tưởng về những thứ mà xưa nay ta vẫn nghĩ là quan trọng. Nó truyền cảm hứng cho chúng ta sống trọn vẹn trong mỗi phút giây của hiện tại và tránh xa khỏi nhịp sống hối hả thường nhật để hít thở sâu hơn và đắm mình trong cảm giác thăng hoa.
Những bài học tại sân bay
Tôi đang ở sân bay trong lúc chờ chuyến bay tới Tōkyō và đứng tần ngần trước hai loại kem dưỡng da mặt đắt tiền trên tay. Tôi đang cố gắng ra quyết định chọn mua bởi nếu tôi mua một lọ, họ sẽ tặng thêm quà khuyến mãi. Và rồi tôi chợt bừng tỉnh: Điều đó đang xảy ra. Tôi nhận ra mình đang lóa mắt trước món kem dưỡng da hào nhoáng, tôi đã bị dụ hoặc bởi lời hứa hẹn về một làn da mềm mại và ít nếp nhăn hơn trong khi bản thân đang chờ lên chuyến bay tới Nhật Bản để nghiên cứu khái niệm vẻ đẹp không hoàn hảo. Khi thực tế mỉa mai dần hé lộ, tôi cười phá lên rồi đặt hai lọ kem trở lại chỗ cũ và tiết kiệm được cho bản thân 40 bảng Anh.
Việc tự nguyện tiêu tiền vào kem “chống lão hóa” chính là tín hiệu cảnh báo cho thấy tôi đang kháng cự lại quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể. Và tôi không cô đơn trong xu thế này. Ngành công nghiệp chống lão hóa có tổng doanh thu toàn cầu xấp xỉ 300 tỷ đô la Mỹ mỗi năm. Nhiều hơn ngân sách toàn cầu dành cho công tác giải quyết và điều trị bệnh sốt rét cả trăm lần.
Chúng ta đang quá ám ảnh với ham muốn níu giữ tuổi thanh xuân đến nỗi quên mất đi vẻ đẹp sabi tiềm ẩn trong chính mình.
Vẻ đẹp khi ta già đi
Đó là một buổi sáng tháng Mười hai lạnh giá, tôi thức dậy thật sớm để cùng đi ăn sáng với người bạn cũ Duncan Flett, người đã sống ở Kyōto suốt gần hai mươi năm. Duncan là một hướng dẫn viên du lịch cực kỳ uyên bác, anh có thể chạm vào nhịp đập trái tim của thành phố cổ nơi đây. Anh đã gợi ý chúng tôi nên gặp nhau tại quán ăn mới mở Kishin Kitchen mà ở thời điểm đó hoàn toàn xa lạ với chúng tôi. Nhà hàng này sau đó sớm được vinh danh là “Nhà hàng phục vụ ăn sáng tốt nhất Nhật Bản”. Cái tên “Kishin”, viết trong tiếng Nhật là 喜心, có nghĩa là “trái tim vui sướng”, và bạn có thể dễ dàng nhận ra mọi thứ trong bữa ăn sáng nơi đây đều được chế biến bởi những đầu bếp thực sự yêu công việc của họ. Trong suốt bữa ăn mà đầu bếp trẻ tài năng Toshinao Iwaki đạo diễn, chúng tôi đã ba lần được phục vụ món cơm. Nhà hàng phục vụ phần cơm đầu tiên đặt ngay ngắn trong chiếc bát gốm thủ công, những hạt cơm vừa chín tới trông thật bóng bẩy, tỏa hương và cực kỳ dẻo thơm. Không lâu sau khi dư vị đã trở nên êm xuôi trong chốc lát, họ phục vụ chúng tôi thêm một phần cơm nữa. Và rồi, dần về cuối bữa sáng, hai chiếc bát ăn của chúng tôi lại được chêm đầy món cơm okoge ‒ vốn là “những mẩu cơm cháy trứ danh” vét từ phần cạnh chảo.
Dẫu trong giai đoạn nấu nướng nào đi chăng nữa, mỗi phần cơm đều mang hương vị rất đỗi thơm ngon. Mỗi phần cơm đều có điểm nổi bật ‒ sự tươi mới của những hạt cơm đầu tiên, hương vị thân thuộc của phần cơm thứ hai và kết cấu giòn dai của món thứ ba. Phần cơm tôi thích nhất chính là món okoge, thành phẩm của giai đoạn nấu gạo sau cùng, nhưng người đầu bếp chỉ có thể thu được phần cơm cháy sau khi đã lấy đi phần cơm trắng qua các giai đoạn nấu ăn trước đấy. Hương vị trở nên quyến rũ hơn theo thời gian.
Chúng ta có thiên hướng nhìn nhận quá trình lão hóa như thứ gì đó cần phải né tránh hay thậm chí đáng ghê sợ. Nhưng tất cả những triết lý wabi sabiđều nói với chúng ta quá trình này đáng được trân trọng ‒ rằng cuộc đời chúng ta đơm hoa và kết trái theo dòng thời gian; rằng chúng ta chín chắn hơn và thông tuệ hơn mỗi khi thêm tuổi mới; rằng chúng ta còn có ích cho đời sau với tất cả trải nghiệm mà chúng ta đã đi qua.
Nếu như bạn nghĩ về người bạn thật sự ngưỡng mộ, khả năng cao là bạn sẽ chọn người nào đó hơn tuổi. Ấy vậy mà chúng ta lại cảm thấy khó khăn để nhìn nhận giá trị của quá trình lão hóa khi nó xảy đến với chính chúng ta. Chúng ta tiêu tốn biết bao thời gian và tiền bạc để gìn giữ nét thanh xuân cho lớp vỏ bọc bên ngoài nhưng lại lờ đi vẻ đẹp và trí tuệ của tuổi tác ẩn sâu bên trong.
Đạo sư Takafumi Kawakami, phó trụ trì đền Shunkō-in tại Kyōto đã nói với tôi:
Nếu xem xét kỹ khái niệm wabi sabi, bạn sẽ nhận ra nó ẩn chứa một tiến trình lão hóa. Tiến trình này có mối liên hệ với khái niệm mujō (vô thường) trong đạo Phật, tính nhất thời. Tôi gần đây có tham gia vào một buổi luận đàm trên truyền hình cùng các chuyên gia về lĩnh vực sức khỏe toàn cầu mà ở đây mọi người đều hào hứng bàn luận về chủ đề làm thế nào để giữ gìn nét thanh xuân lâu hơn như thể chúng ta đã quên đi lão hóa là một phần tất yếu trong vòng tuần hoàn tự nhiên của cuộc sống. Chúng ta sợ mình già đi. Chúng ta sợ hãi cái chết. Chúng ta muốn níu giữ tuổi thanh xuân và sự tồn tại của mình càng lâu càng tốt. Nhưng wabi sabi dạy ta hãy tận hưởng quá trình lão hóa và thanh thản đón nhận tuổi già như một lẽ tự nhiên của vạn vật. Già đi cũng ổn thôi mà. Chúng ta ai mà chẳng phải già đi. Mọi chuyện sẻ ổn thôi khi chúng ta biết mình sẽ chẳng thể sống mãi mãi và điều đó giúp chúng ta biết trân trọng khoảng thời gian mà chúng đang có và đi tìm những điều tốt đẹp cũng như ý nghĩa trong cuộc đời.
Wabi sabi khuyến khích chúng ta chọn lối đi thanh thản và hạnh phúc qua việc chấp nhận bản thân đang ở đâu trong chu trình tự nhiên của cuộc sống. Biết vận dụng những công cụ mà tôi đã chia sẻ trong cuốn sách này, chúng ta có thể nhẹ nhàng rời xa khỏi căng thẳng và bực dọc, giải tỏa năng lượng tiêu cực ách tắc để khơi thông dòng chảy năng lượng cuộc sống.
Giai đoạn chuyển giao trong cuộc đời mỗi người có thể trở nên vô cùng khó khăn, đặc biệt là khi chúng ta không công nhận hay chấp nhận những biến đối đang diễn ra trong cơ thể, tâm trí và cảm xúc của bản thân. Thời điểm chuyển giao mấu chốt trong cuộc đời mỗi người thường là lúc mọi thứ trở nên khó khăn hơn, rối rắm hơn, thậm chí đáng sợ. Nhưng trong chính những thời khắc như thế, chúng ta chứng kiến sự trưởng thành và phát triển mạnh mẽ đến lạ thường. Đôi lúc chúng ta cứ nấn ná chờ đợi cho đến khi có đột biến to lớn thúc đẩy chúng ta bước sang giai đoạn mới của cuộc đời, nhưng thực ra chúng ta không cần phải làm vậy.
Nếu chúng ta chủ động đón nhận quá trình chuyển giao thay vì bấu víu thật chặt vào những gì chỉ còn trong quá khứ, chúng ta có thể vươn tới những tầng tri thức vĩ đại hơn và nhẹ nhàng lướt sang giai đoạn tiếp theo của cuộc đời mà chẳng còn vương vấn cảm giác sẵn sàng hay chưa nữa. Theo cách thức này, wabi sabi có thể nhắc chúng ta hãy sống sao cho thật tỉnh thức, đón nhận mỗi giai đoạn cuộc đời theo bản chất vốn có của nó, trưởng thành trên phương diện trí tuệ và biết tu dưỡng bản thân theo mỗi dặm đường đời.
Người Nhật thường dùng từ “fushime” (節目), có nghĩa là “vạch đốt trên thân măng tre” để công nhận chúng ta trưởng thành theo giai đoạn và để mô tả những thời khắc chuyển giao quan trọng trong cuộc đời mỗi người. Người ta thường ăn mừng những thời khắc chuyển giao bằng các buổi lễ kỷ niệm và bằng những lời cảm ơn tới những ân nhân đã giúp họ trải qua giai đoạn đặc biệt này trong cuộc đời. Tôi nghĩ thật thú vị khi coi sự chuyển giao giữa hai giai đoạn cuộc đời là một sự kiện đáng để cùng nhau ăn mừng.
Ngay khi chúng ta chọn sống theo nhịp điệu phù hợp với chính mình, nỗ lực hết khả năng và chấp nhận rằng bấy nhiêu thôi là tất cả những gì ta cần làm trong cuộc sống, cảm nhận trong ta về mọi thứ đều sẽ đổi thay. Mỗi giai đoạn của cuộc đời là cơ hội để trưởng thành. Chúng ta vẫn đang luôn học hỏi và đổi thay trong mỗi giai đoạn dẫu chủ động hay bị động. Vào bất kỳ thời điểm nào, dù thuận lợi hay khó khăn, chúng ta luôn có thể hỏi bản thân những câu hỏi như:
Những câu hỏi này đưa sự chú ý của chúng ta trở lại những trải nghiệm trong cuộc sống giống như lúc chúng đang thực sự diễn ra, giúp chúng ta cảm thấy nhẹ nhõm hơn khi bước sang giai đoạn tiếp theo trong cuộc đời. Và khi chúng ta hoàn toàn nắm quyền chủ động trong cuộc sống, dù ở bất kỳ độ tuổi nào, đó cũng chính là lúc vẻ đẹp trong tâm chúng ta tỏa sáng rực rỡ.
Tìm thấy niềm vui trong những điều nhỏ bé
Toàn bộ những người cao tuổi mà tôi từng trò chuyện trong quá trình nghiên cứu cho cuốn sách này đều đề cập đến tầm quan trọng của việc tìm thấy vẻ đẹp trong cuộc sống thường nhật. Chúng ta có thể làm được điều này đơn giản chỉ bằng cách sống chậm lại và tìm kiếm những công việc khiến ta biết trân trọng: tưới hoa, nướng bánh, ngắm nhìn hoàng hôn, đếm sao trời, ngâm thơ, rảo bước, hay tạo nên thứ gì đó. Thậm chí những việc vặt trong nhà cũng có thể trở thành thú vui thiền định nếu chúng ta coi chúng là như vậy.
Chúng ta có thể tạo ra những nghi thức để đưa bản thân về với thực tại. Trước mỗi khi ngồi viết lách, tôi thường đun một ấm trà, suy ngẫm về lời trích dẫn nổi tiếng trong vở kịch Hamlet được in trên chiếc cốc sứ mà tôi yêu thích: “Hãy thành thật với chính mình.” Đây chính là nghi thức trước mỗi lần sáng tác của tôi. Nghi thức này nhắc nhở rằng tôi đang đầu tư thời gian vào điều mà tôi thực sự quan tâm. Và nghi thức ấy cũng khiến cho vị trà trở nên ngon hơn bao giờ hết.
Chúng ta cũng có thể sẵn sàng tiếp nhận điều bất ngờ. Những ký ức ngao du tại Nhật Bản trong tôi in đậm dấu ấn về lòng tốt của những người nơi xứ lạ: Cái ngày mà tôi đạp xe qua những cánh đồng ở Okayama và người phụ nữ cao niên đã vẫy tôi lại để tặng một trái dưa hấu tươi ngon vừa mới thu hoạch, to đến mức không nhét vừa giỏ xe; hay một vị công chức đã sắp xếp cho tôi một buổi liệu pháp hòa mình với thiên nhiên trong rừng, đã cất công bỏ cả buổi sáng ngày thứ Bảy của ông để hộ tống tôi vào tận nơi; còn vô số những lần tôi đi lạc và những con người nhân hậu đã vui vẻ đồng hành với tôi trong suốt cả chặng đường. Mỗi ký ức đều mang lại cảm giác hạnh phúc trong tôi, và bất cứ khi nào tôi cố gắng tiếp nối những cử chỉ cao đẹp, tôi lại nhận về một thứ hạnh phúc khác, thứ hạnh phúc khi có thể giúp ích cho ai đó.
Lên kế hoạch không hoàn hảo một cách hoàn hảo
Chấp nhận mọi thứ đều có khiếm khuyết, mang tính nhất thời và không trọn vẹn không phải lý do để hành động liều lĩnh và tránh lên kế hoạch. Đối với tôi, lập kế hoạch mới là thượng sách. Lập thời khóa biểu làm việc khôn khéo sẽ giúp chúng ta ưu tiên cho những gì thực sự quan trọng, tạo thêm những phút rảnh rang trong cuộc sống để cảm ngộ cái đẹp và đảm bảo sống sao cho trọn vẹn nhất.
LÊN KẾ HOẠCH THẾ NÀO
ĐỂ CÓ THÊM NHỮNG KHOẢNH KHẮC HOÀN HẢO
Cuộc sống viên mãn là một vũ điệu không bao giờ dứt giữa mộng mơ và hành động. Điều quan trọng ở đây là bạn đừng quá ám ảnh phải lập kế hoạch thật hoàn hảo. Bạn sẽ chẳng thể biết hết chuyện gì sắp xảy ra, do vậy lập kế hoạch quá tỉ mỉ sẽ dẫn tới những căng thẳng không cần thiết khi diễn ra thay đổi. Lập kế hoạch thực chất là đưa ra một vài quyết định mấu chốt để bạn không phải mất thời gian cả ngày vì những chuyện không đâu của người khác.
Phần A: Dọn dẹp não bộ
Bạn sẽ cần: Giấy nhớ dán, vài tấm giấy khổ lớn và một chiếc bút.
Phần B: Các khả năng
Giờ đây hãy tưởng tượng cuộc sống của bạn trong 5 năm tới, sẽ có thời điểm bạn cảm thấy thỏa mãn và dạt dào cảm hứng. (Chúng ta không thể biết lịch trình cụ thể cho bất kỳ ước mơ nào nhưng bài tập này có thể giúp đưa ra các quyết định quan trọng hướng bạn đến gần những ước mơ hơn.) Hãy ghi chép cẩn thận, sử dụng những gợi ý sau:
Phần C: Sự dịch chuyển
Để biến ước mơ thành hiện thực, thay đổi là điều không thể tránh khỏi. Hãy sử dụng những câu hỏi dưới đây để xác định những thay đổi nào là cần thiết cho quá trình dịch chuyển này:
Phần D: Lập thứ tự ưu tiên
Theo kinh nghiệm cá nhân của tôi, sự dịch chuyển quan trọng bậc nhất mà bạn có thể thực hiện để toàn tâm toàn ý đơn giản hóa lịch làm việc của bản thân chính là hãy tư duy theo góc độ dự án, không phải theo đầu công việc. Dự án là thứ có điểm khởi đầu và kết thúc rõ ràng. Một ví dụ đơn giản có thể là “Dự án thay đổi sự nghiệp”, “Dự án viết một cuốn sách” hoặc “Dự án làm đám cưới”. Đây là một cách để tập trung sự chú ý vào điều thực sự có ý nghĩa đối với bạn. Hãy chọn tối đa năm dự án mà bạn muốn biến trở thành hiện thực trong mười hai tháng tới. Bạn không cần phải khởi động tất cả các dự án cùng lúc và có thể phân bổ chúng trong quãng thời gian mười hai tháng.
Phần E: Tái tổ chức theo định hướng
Bây giờ hãy lấy năm tờ giấy trắng và lần này viết tên từng dự án thành đầu mục. Quay trở lại công trình các mẩu giấy dán ở phần A và tái phân bổ chúng vào các tấm giấy mang đầu mục dự án của bạn. Bạn có thể cảm thấy sốc khi thấy rất nhiều mẩu giấy dán mà bạn chẳng biết phải gắn vào dự án nào. Điều này vẽ nên bức tranh hiện thực trái ngang khi bạn nhận ra bản thân quá tập trung chú ý vào những điều vốn chẳng hề liên quan đến cuộc sống mà bạn ước ao.
Phần F: Phương thức lập kế hoạch mới
Hãy lên một kế hoạch để hoàn thành, giao phó hoặc quên đi các hạng mục công việc cần làm nhưng không phù hợp với các dự án chủ chốt của bạn. Từ những việc vặt trong nhà cho tới các nghĩa vụ tương tự, kế hoạch này giúp gom các việc bên lề lại một chỗ và sau đó giải quyết hết trong một lượt. Ví dụ như, ở nhà mình, chúng tôi xử lý tất cả vấn đề tài chính gia đình hai lần mỗi tháng. Hãy rà soát lại lịch làm việc hằng tuần để đảm bảo bạn đang đầu tư lượng thời gian đáng kể cho các dự án thực sự quan trọng đối với bạn. Thay vì tranh thủ thực hiện những ước mơ một cách lòng vòng không hiệu quả, trước tiên hãy ghi nhật ký về những dự án của bạn và lên kế hoạch hành động với các dự án này là yếu tố trung tâm.
Sự đơn giản giàu cảm xúc trong quản lý tài chính
Bất cứ khi nào chúng ta lo lắng về mặt tiền bạc, phát tiết ra năng lượng tiêu cực về những thứ chúng ta không thể mua hoặc hối hận vì đã lỡ mua những thứ không cần thiết, chúng ta tự kéo chính mình xa rời khỏi thực tại. Chính thứ tâm trạng lo lắng bất an cũng như sao lãng sẽ cản trở năng lực cảm nhận thế giới quan wabi sabi và trải nghiệm vẻ đẹp cuộc sống của chúng ta. Điều này dường như chẳng có gì liên quan nhưng nếu biết lập kế hoạch tài chính và quản lý tiền bạc một chút thôi, chúng ta sẽ tạo ra được sự khác biệt vô cùng lớn lao trong lối sống chủ động hơn và nhờ vậy tận hưởng cuộc sống sao cho trọn vẹn nhất.
Năm đầu tiên tại Nhật Bản, tôi sống chung với một gia đình theo dạng homestay bản xứ. Người phụ nữ chủ gia đình bản xứ mà tôi vẫn thường xưng hô thân mật là Okāsan (một cách gọi mẹ trong tiếng Nhật) đã dạy tôi tất cả về kiểm soát chi tiêu trong gia đình. Bà từng làm công việc bán thời gian với nhiệm vụ chủ yếu là so sánh giá cả cho các siêu thị trước khi công nghệ so sánh giá và mua hàng trực tuyến trở nên phổ biến. Bà đã áp dụng những hiểu biết từ công việc bán thời gian đó vào việc quản lý gia đình, và một bản kakeibo (biên bản dành cho tài chính hộ gia đình) không chê vào đâu được với các cột điền chi chít chữ số. Bà nắm tường tận từng đồng vào đồng ra trong nhà. Tại Nhật Bản, kakeibo đã cực kỳ phổ biến qua gần một thế kỷ. Ngay nay, ứng dụng kakeibo nổi tiếng nhất là Zaim do một phụ nữ tên Takako Kansai phát minh ra trên quãng đường từ nhà đến chỗ làm, hiện ứng dụng có đến 7 triệu người sử dụng.
Tôi thường nhìn thấy Okāsan lúi húi trong bếp, tay thì nhét bánh chikuwa (miếng bánh hình con cá chế biến sẵn) cho chú chó của gia đình, tay thì lướt đọc báo để tìm phiếu giảm giá. Bà không bao giờ mua nhiều hơn một giỏ siêu thị mỗi lần đi chợ và luôn chờ tới cuối ngày để được mua với giá rẻ hơn.
Vào quãng thời gian khi còn là sinh viên xa xứ tới nửa vòng Trái đất, tôi luôn sống trong tình trạng chi tiêu eo hẹp. Nơi ăn và chốn ở thì đủ nhưng các chi tiêu khác hoàn toàn phụ thuộc vào tài xoay sở của tôi. Cứ đầu tháng, tôi sẽ mua một lô vé xe buýt phòng những ngày trái gió trở trời mà tôi không thể đạp xe đến trường, dành dụm một số tiền nho nhỏ làm quỹ du lịch khám phá đó đây và sau đó tới ngân hàng để đổi một cọc tiền xu loại 100 yên. Tôi thường gom những đồng tiền xu này thành từng cọc nhỏ bốn đồng và quấn băng chúng lại với nhau, mỗi một cọc dành cho một bữa trưa. Một tách cà phê ởkissaten (tiệm cà phê) tại nơi đây sẽ khiến ngân sách hao hụt còn khoảng 250 yên, do vậy 400 yên chẳng thấm tháp vào đâu cho một bữa trưa. Số tiền đó sẽ đủ xoay sở cho một bát cơm kèm một ít súp, hoặc một túi bánh bao nhân nho mua tại tiệm bánh phía bên kia giảng đường. Thi thoảng, tôi sẽ hy sinh bữa trưa đổi lấy một chiếc bút mới hoặc một vài miếng dán xinh xinh để phục vụ cho sở thích sưu tập đồ dùng văn phòng của Nhật Bản, một thú vui khó cưỡng mà tôi vẫn duy trì cho tới tận ngày nay.
Bài học mà tôi thu được từ Okāsan chính là tầm quan trọng của sự minh bạch, tính ưu tiên và thực tiễn trong chi tiêu tài chính. Duy trì bảng kiểm kê kakeibo thu nhập và chi tiêu giúp tôi hiểu bản thân sở hữu những gì. Tôi cũng duy trì ghi chép về các khoản tiết kiệm, nhờ vậy tôi luôn ý thức được vị thế của bản thân. Tôi ưu tiên những điều quan trọng với bản thân (đến trường, vài chuyến phiêu lưu và bữa trưa/đồ dùng văn phòng, hầu hết là theo thứ tự ưu tiên này). Và rồi tôi đã hình thành một thói quen kiểm tra tiền nong hằng tuần. Đây là những thói quen mà tôi đã hình thành từ đó đến giờ, và tôi vẫn giữ phiên bản kakeibo cá nhân cho tới tận hôm nay.
GIẢN LƯỢC TÀI CHÍNH
Để giản lược tình hình tài chính cá nhân theo cách đơn giản hết mức mà vẫn giàu cảm xúc, hãy tự hỏi bản thân những câu hỏi sau đây:
Sự minh bạch
Dù khám phá ra điều gì đi chăng nữa, xin hãy nhớ, bạn đang ở đúng nơi vốn dĩ xứng đáng thuộc về bạn. Sử dụng các công cụ chấp nhận bản thân ở Chương 2 để phản ứng với bất kỳ cảm giác hối hận hay lo lắng bất an nào phát sinh vì cách mà bạn đã sử dụng đồng tiền. Điều thực sự ý nghĩa là tiếp sau đây bạn sẽ làm gì.
* Những câu hỏi này có mục đích trao cho bạn triển vọng mới về tình hình tài chính cá nhân. Hãy tìm kiếm hỗ trợ từ các chuyên gia tư vấn nợ hoặc chuyên gia tư vấn tài chính chuyên nghiệp nếu cần thiết.
Mức độ ưu tiên
Thực hành
Khi bạn thực sự hiểu rõ về tình hình tài chính cá nhân và biết ra các quyết định cũng như lập kế hoạch tài chính dựa trên những điều thực sự có ý nghĩa với bản thân và gia đình, bạn sẽ giảm thiểu hoặc trút bỏ hoàn toàn ba nguyên nhân gây căng thẳng chủ chốt sau đây:
Làm được như trên sẽ tạo cho bạn không gian để tạo dựng cuộc sống tuy không hoàn hảo nhưng vô cùng trọn vẹn của chính bạn, để bạn tự do tìm kiếm hạnh phúc ngay từ điểm xuất phát trong hiện tại.
TRIẾT LÝ WABI SABI
VỀ VIỆC TRÂN QUÝ TỪNG KHOẢNH KHẮC
THỰC HÀNH: CHÚ Ý ĐẾN TẤT CẢ MỌI THỨ
Từ một thiên niên kỷ trước, trong tác phẩm nổi tiếng The Pillow Book (Sách gối đầu), nữ thi sĩ người Nhật Sei Shōnagon đã viết nhiều về những điều mang nghệ thuật đầy ý vị dưới dạng liệt kê về “Những điều...” (Ví dụ như, “Những điều không còn mãi”) như một cách để bà cảm nhận về thế giới xung quanh mình và trân hưởng những khoảnh khắc quý giá. Lấy cảm hứng từ đây, bạn hãy tự lập ra vài danh sách “những điều” hay những bài thơ, sử dụng những gợi ý sau hoặc tự tạo ra gợi ý cho chính mình: