Tôi không thể tưởng tượng được rằng sẽ có ngày mình tham gia một buổi trao đổi hướng nghiệp với một người Nhật mà ở đấy chúng tôi đề cập đến chủ đề wabi sabi. Bản thân hai từ “sự nghiệp” đã khiến ta mường tượng đến sự phấn đấu, cạnh tranh, áp lực, mục tiêu cụ thể. Còn wabi sabi lại gợi lên phương diện gần như hoàn toàn đối lập với tất cả những điều kể trên. Nhưng sau khi trải qua gần một thập kỷ giúp đỡ nhiều người chuyển hướng sự nghiệp sang những lĩnh vực khiến họ thành công rực rỡ, hoặc tìm ra những cách thức mới để tìm lại niềm đam mê trong sự nghiệp hiện tại, tôi nhận ra chúng ta có thể học hỏi được rất nhiều điều khi quan sát sự nghiệp của bản thân qua lăng kính wabi sabi.
Bài học cốt lõi của wabi sabi chính là vạn vật đều mang tính nhất thời, không hoàn hảo và bất toàn ‒ bài học này khiến tôi có cảm giác chúng ta được trao tấm giấy thông hành vạn năng để tự do khám phá và thử nghiệm trong suốt sự nghiệp của mỗi người. Mặc dù chúng ta hay có thiên hướng xem sự nghiệp như một đường thẳng không có lối rẽ ngang, wabi sabi nhắc nhở chúng ta cuộc sống vốn tuần hoàn, và chúng ta có thể có nhiều hơn một “sự nghiệp” trong cả cuộc đời. Tất cả nội dung chương này đều nói về cách tận hưởng hành trình sự nghiệp và điều đó bắt đầu bằng việc hiểu rõ vị trí hiện tại của bản thân để từ đấy chọn ra phương thức tiến lên phía trước.
Vòng tròn của sự không hoàn hảo một cách hoàn hảo
Những tham vọng đầy mâu thuẫn khi muốn hòa nhập mà vẫn nổi bật, muốn bắt kịp và vươn lên dẫn đầu, tất cả những nỗ lực theo đuổi thứ mục tiêu hoàn hảo huyễn hoặc ngoài kia đang trở thành một sự sao lãng khủng khiếp kéo bạn rời xa khỏi cuộc sống hiện tại.
Trong công việc của mình, tôi đã nhận ra cạm bẫy của sự hoàn hảo này đang đóng vai trò chi phối mạnh mẽ đến nhường nào và tiêu cực ra sao. Nó len lỏi vào mọi lĩnh vực cuộc sống của mọi người và có vai trò không hề nhỏ trong sự nghiệp của họ, nó nghiền nát sự tự tin cũng như lòng tự trọng và làm gia tăng cảm giác lo âu cũng như mức độ căng thẳng. Nó còn gây ra tác động thực tế thông qua việc chi phối cách họ phân bổ các nguồn lực quý giá của bản thân mà cụ thể ở đây là thời gian và tiền bạc.
Sau đây là năm kịch bản sự nghiệp điển hình mà tôi đã chứng kiến trong quá trình công tác:
Trong hầu hết các trường hợp, những điều mà khách hàng của tôi nghĩ là vấn đề lại hiếm khi là vấn đề thực sự. Rất nhiều người xem “tiền bạc” và “thời gian” là những thách thức chính mà họ cần vượt qua, nhưng chúng ta có thể giải quyết chúng chỉ với một chút điều chỉnh khéo léo các thứ tự ưu tiên (và trong Chương 8 sẽ có vài bí quyết giúp bạn giải quyết vấn đề này). Đây cũng thường là hoàn cảnh khiến họ trở nên hoàn toàn mù mờ với vô vàn các cơ hội được làm việc linh hoạt từ xa, hoặc tự điều hành công việc kinh doanh của mình.
Tuy nhiên, ẩn sâu bên dưới tất cả sự kháng cự trước những thay đổi và vô vàn cảm giác “bế tắc” chính là hòn đá tảng đang thực sự ngăn cản lối đi: nỗi sợ hãi không đủ trình độ; nỗi sợ thiếu hiểu biết; nỗi sợ thất bại; nỗi sợ hãi khi thử một điều gì đó hoàn toàn mới mẻ mà không biết hiệu quả sẽ ra sao; nỗi sợ hãi mất kiểm soát (mặc dù ngay từ đầu chúng ta cũng chẳng kiểm soát thứ gì cả đâu); nỗi sợ không thể trở nên hoàn hảo. Và dẫu cho hoàn cảnh mỗi người mỗi khác, tôi đã nhận ra một mô thức chung dần nổi lên, một vòng tuần hoàn luẩn quẩn của “sự thất bại khi cố đạt mục tiêu hoàn hảo” như sau:
Chúng ta có thể sử dụng tất cả các trí tuệ và công cụ lấy cảm hứng từ thế giới quan wabi sabi mà tôi đã chia sẻ trong cuốn sách này để phá vỡ vòng tuần hoàn luẩn quẩn đó, chỉ cần chúng ta thực sự tiếp nhận quan điểm bản chất tự nhiên của vạn vật là nhất thời, bất toàn và không hoàn hảo. Nhưng chúng ta luôn có thể thu được kết quả vô cùng to lớn chỉ bằng cách thả lỏng, đối xử với bản thân khoan dung hơn và quyết định tận hưởng quá trình. Nhìn chung, điều này có thể giúp ta chuyển sang vòng tuần hoàn tự củng cố “không hoàn hảo một cách hoàn hảo” như sau:
Sử dụng các công cụ được truyền cảm hứng wabi sabi của bạn
Bất cứ khi nào tham gia một buổi đàm thoại trên truyền hình hoặc điều hành một diễn đàn mở cho giới doanh nhân, tôi cũng thường xuyên gặp một câu hỏi liên quan đến sự cạnh tranh, tâm lý so bì hoặc biết thế nào là đủ. Thật quá đỗi khó khăn khi vừa phải căng mắt căng tai để điều hành một doanh nghiệp vừa phải thoát khỏi cạm bẫy so sánh “thành công” của bản thân với “thành công” của kẻ khác.
Tình cảnh này cũng lặp lại y hệt trong giới làm công ăn lương. Thật khắc nghiệt khi bạn luôn phải dè chừng với biến động đang diễn ra trong công sở hay trong ngành nghề bạn đang tham gia mà không gặp phải những tình huống kích động tâm lý so bì và cạnh tranh. Chừng nào tâm lý so bì còn có thể giúp bạn khát khao vươn tới thứ mà bạn thực sự mong muốn thì nó còn có thể hữu ích. Nhưng ngay khi nó khiến bạn đi chệch khỏi lộ trình mà bạn đã chọn, nó có thể trở thành yếu tố gây tổn hại.
Điều cần phải nhớ ở đây chính là: Sự thành công của người khác không phải là rào cản ngăn trở bạn đạt được những gì bạn mong muốn. Sự thành công của họ thậm chí có thể mở ra những cơ hội mới cho bạn và bao người khác nữa. Họ vẫn sẽ đi con đường của chính họ; còn bạn hãy nên đi con đường của chính mình. Bạn có mọi thứ bạn cần để đi đến bất cứ nơi đâu bạn muốn.
Việc áp dụng các công cụ nuôi dưỡng mối quan hệ, tái định hình thất bại và chấp nhận bản thân vốn không hoàn hảo một cách hoàn hảo của mỗi chúng ta ở trong công sở và ngoài cuộc sống đều mang tính chất quan trọng tương đương nhau. Nếu bạn toàn tâm toàn ý với công việc và cho phép vẻ đẹp bên trong bạn được tỏa sáng thì bất kỳ công ty hay khách hàng nào cũng đều sẽ nhận ra họ may mắn đến dường nào khi có được bạn. Nếu họ không hề bày tỏ lòng cảm kích, hãy cảm nhận bằng trái tim và hãy xem có hay chăng đã đến lúc bạn phải ra đi.
Nhìn sâu vào bên trong sự nghiệp hiện nay của bạn
Cách đây không lâu, tôi đã tham gia một cuộc họp ngoài văn phòng công ty mà câu hỏi phá tan thế bế tắc chính là: “Nếu chúng tôi lấy đi công việc của bạn, chúng tôi sẽ tìm thấy điều gì còn sót lại?” Một trong những người phụ nữ ngồi đó đã chết lặng. Bạn có thể nhận ra sự tỉnh ngộ lướt qua cơ thể cô như một cơn sóng dâng trào. “Không gì cả. Bản thân tôi chính là công việc. Và tôi đã không nhận ra điều đó cho tới tận bây giờ. Ồ, thật ngạc nhiên, tôi thực sự không ngờ về điều đó. Điều gì đó cần phải được thay đổi.”
Người phụ nữ đó là một trong số những người thông minh nhất, truyền cảm hứng nhất, hài hước và tử tế nhất mà tôi được biết. Ấy vậy mà cô đã chẳng thể nghĩ ra được điều gì để nói về cuộc đời mình mà không dính dáng đến công việc. Tôi vô tình biết được rằng cô có một bản thảo dở dang còn mắc kẹt trong ngăn bàn, một tình yêu sâu sắc cho đam mê du lịch và một nhóm những người bạn vô cùng đáng yêu. Nhưng cô đã gạt tất cả những điều tốt đẹp đó ra thật xa để theo đuổi một mục tiêu nghề nghiệp hoàn hảo vô cùng khó nắm bắt, đến cuối cùng công việc đã choán chỗ và nuốt hết những khoảng không gian tự do trong cuộc sống của cô. Cuộc sống đã chỉ còn xoay quanh những thứ mang giá trị bề mặt như thành tựu, lời tán dương, sự thăng tiến, lương lậu và địa vị, tấm áo choàng mang tên bận bịu. Cô cũng như bao nhiêu người trong chúng ta đã quên mất rằng những thứ ẩn sâu bên dưới vốn cũng mang ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Do vậy, chúng ta hãy dành một khoảng lặng để nhắc nhở bản thân về bốn tầng cảm xúc ẩn chứa trong vẻ đẹp Nhật Bản, và xem điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta đặt những tầng cảm xúc này lên con đường sự nghiệp của chính mình:
Mono no aware
Nhận thức về vẻ đẹp tuyệt mỹ thoáng qua trong cuộc sống.
Yūgen
Chiều sâu của thế giới trong trí tưởng tượng của chúng ta. Vẻ đẹp của sự huyền bí, và của nhận thức rằng chúng ta là một phần nhỏ bé của điều gì đó vĩ đại hơn bản thân chúng ta ngàn vạn lần.
Wabi
Cảm xúc sinh ra khi nhận biết được vẻ đẹp trong sự đơn giản. Cảm giác mãn nguyện trong thầm lặng tồn tại hoàn toàn tách biệt với những thứ đặc hữu trong thế giới vật chất.
Sabi
Một vẻ đẹp an nhiên và sâu thẳm tỏa sáng mãi theo thời gian.
Cuộc sống tại đất nước Nhật Bản ngày nay
Trong suốt khoảng thời gian hơn 200 năm từ đầu thế kỷ 17 cho tới giữa thế kỷ 19, Nhật Bản hầu như bế quan tỏa cảng với thế giới bên ngoài bởi chính sách quốc gia theo chủ nghĩa biệt lập được biết đến với tên gọi sakoku. Thời kỳ này đã kết thúc khi Phó Đề đốc Matthew Perry và đội tàu “Hắc Hạm” nổi tiếng đến từ Hoa Kỳ cập cảng tại vịnh Tōkyō năm 1853 và ép nước Nhật một lần nữa mở lại chế độ giao thương. Trong vòng 5 năm, nước Nhật đã ký hiệp ước giao thương với nhiều quốc gia bao gồm cả Nga và Vương Quốc Anh.
Sự ồ ạt của các luồng tư tưởng và công nghệ tiếp sau đó đã tạo ra một tác động không thể đảo ngược đối với phong cách sống của người dân Nhật Bản. Bước vào thời kỳ hậu Thế chiến thứ hai, chính quá trình nổi lên từ một đất nước có nền kinh tế yếu kém thành một cường quốc trên thế giới đã kéo theo trào lưu Âu hóa với sự du nhập của vải vóc, phong cách châu Âu và theo khía cạnh nào đó, cả lối tư duy của phương Tây. Kể từ đó, Nhật Bản vươn mình trở thành xã hội có thu nhập cao và công nghệ tân tiến. Người dân đã có cuộc sống sung túc hơn và một tiêu chuẩn sống cao cấp hơn dần hình thành. Nguồn của cải mới được khai phá này đã kéo theo sự tăng trưởng vũ bão của các thành phồ, sự gia tăng chóng mặt các tòa nhà chọc trời cùng loại tàu siêu tốc trứ danh.
Dù chưa bao giờ đặt chân đến Nhật Bản, bạn chắc hẳn đã từng mường tượng về bức tranh cuộc sống chốn công sở nơi đây trông sẽ ra sao. Có lẽ, bức tranh sẽ có hình ảnh “những nam giới làm công ăn lương” trong trang phục vest lịch thiệp hoặc những quý cô không may bị gán biệt danh “OL” (Office Ladies ‒ các quý cô công sở) đang bị các nhân viên nhà ga mang găng tay trắng nhồi nhét chật cứng vào những chuyến tàu đi đến công sở; hoặc những nhân viên kiệt quệ đang ngủ gà gật trên đường về nhà. Có lẽ Nhật Bản trong tâm trí bạn chính là hình ảnh mang tính biểu tượng với dòng người đi bộ tràn về giao lộ sầm uất Shibuya dưới ánh đèn nê-ông từ các bảng và biển hiệu khổng lồ ‒ hàng ngàn những con người đang mải miết đi đến nơi mà họ thuộc về.
Tōkyō luôn sục sôi một thứ năng lượng phi thường với hàng triệu người thực sự hòa vào nhịp sống công sở như vậy tại nơi đây và cũng như bao thành phố khác trên toàn cõi Nhật Bản. Trong dĩ vãng xa xưa, tôi đã từng là người làm công giống như họ và có vài khía cạnh trong lối sống này từng khiến tôi mê mẩn. Nhưng hơn bao giờ hết ở rất nhiều nơi trên thế giới, các lựa chọn đang mở ra ngày càng nhiều cho những người không muốn bị cuốn vào nhịp sống và làm việc lúc nào cũng hối hả như vậy nữa.
Cuộc cách mạng đang chầm chậm diễn ra
Ẩn sâu trong dãy núi thuộc quận Shimane là ngôi làng mang vẻ đẹp huyền bí Ōmori-chō. Vào thời kỳ nhộn nhịp nhất diễn ra hai thế kỷ trước, vùng đất xung quanh khu vực Iwami-Ginzan đã phát triển mãnh liệt với sức sống của 200.000 người tham gia phục vụ tại một trong những mỏ khai thác quặng bạc lớn nhất thế giới. Nhưng khi khu mỏ đóng cửa vào năm 1923, ngôi làng giống như bao cộng đồng khai mỏ trước đây dần trở nên hoang tàn. Thậm chí có lúc, số lượng dân sinh tại làng Ōmori-chō đã teo lại tới mức gần như hoàn toàn biến mất nếu như không nhờ có sự nỗ lực phi thường của địa phương và một cặp vợ chồng mang vai trò tiên phong, gia đình nhà Matsuba. Họ đã di cư đến đây đầu những năm 1980 và thổi luồng sinh khí mới cho vùng đất này. Giờ đây, Iwami-Ginzan được coi là điểm sáng trong phong trào phát triển bền vững của tổ chức UNESCO.
Nhà thiết kế Tomi Matsuba và chồng bà, ông Daikichi, đã chuyển tới sinh sống tại đây gần bốn thập kỷ trước cùng cô con gái nhỏ. Ōmori-chō là thị trấn quê hương của ông Daikichi, và họ đã nghĩ rằng có lẽ nhịp điệu sống chậm rãi sẽ phù hợp với gia đình nhỏ của họ hơn là thành phố Nagoya, nơi họ đang sinh sống. Nhờ có vài cơ hội việc làm, Tomi đã bắt đầu sáng tạo những tác phẩm chắp vá từ các mảnh vải cũ rồi sau đó chồng bà sẽ đem bán chúng ở các cửa hàng bán lẻ. Đây chính là khởi đầu khiêm tốn của một doanh nghiệp mà giờ đây đã trở thành nhà tiên phong trong ngành may đồ chắp vá với chuỗi cửa hàng trên toàn quốc có thương hiệu Gungendō (dựa theo một từ trong tiếng Hán có nghĩa là “một nơi mà ai cũng có quyền phát biểu chính kiến”). Công ty của họ giờ đây tạo công ăn việc làm cho khoảng năm mươi công dân địa phương và rất nhiều người khác nữa trong chuỗi cửa hàng trên toàn quốc.
Bà Tomi đã nói với tôi:
Chúng tôi không coi mình như một thương hiệu thời trang. Ngày càng có nhiều người chia sẻ giá trị tương đồng với chúng tôi và đấy là lý do tại sao sản phẩm của chúng tôi thu hút họ đến vậy. Nhiệm vụ của chúng tôi là duy trì chất lượng và những giá trị kế thừa mà chúng tôi mang lại, và đồng thời hỗ trợ mọi người sống một cuộc đời bình yên và đích thực.
Ngoài việc tận dụng các nguồn vật liệu và nhân công tại địa phương để sản xuất quần áo và dụng cụ gia đình theo phong cách thiết kế của mình, Tomi và chồng đã tiến hành tân trang lại một vài tòa nhà mang tính lịch sử nhằm bảo tồn nét truyền thống trong khu vực. Những vị khách nghỉ lại qua đêm được tiếp đón trong những căn phòng đầy đủ tiện nghi nhất mang phong cách Nhật Bản truyền thống, và cộng đồng nơi đây tận dụng rất nhiều tòa nhà để phục vụ cho các buổi biểu diễn và triển lãm nghệ thuật.
Ngày nay, nếu bạn rảo bước trên con phố chính ở làng Ōmori- chō, bạn sẽ có thể quan sát thấy một nhóm các bà mẹ trẻ đang tán gẫu ngoài tiệm bánh mỳ, một vài người đạp xe thư thả đến chỗ làm hay một đôi bạn già đang cùng nhau đi hái rau trên núi. Bạn sẽ bước qua vài dãy nhà gỗ được bảo dưỡng cẩn thận và nghe loáng thoáng những tiếng người ta chào hỏi nhau nhỏ nhẹ khi họ bắt đầu bận bịu với một ngày mới. Ngôi làng này là biểu tượng cho lối sống chậm, ta cảm nhận sự thân thuộc và niềm tự hào hiển hiện rõ nét trong chính cộng đồng những người vốn coi đây là quê hương của họ.
Cuộc đời và sự nghiệp mà bà Tomi đã tạo dựng nơi đây chính là thành quả nỗ lực của tình yêu, và sự nghiệp của bà đã biến chuyển rất nhiều lần qua bao thăng trầm. Bà là trụ cột trong cộng đồng nơi đây và bà cảm thấy tự hào khi góp phần giành lại sức sống cho vùng đất thanh bình này. Chính làn sóng người du nhập đặc biệt tràn đến nơi đây kể từ sự kiện Đại Địa chấn diễn ra tại phía Đông Nhật Bản vào năm 2011 đã khiến nhiều người phải cân nhắc lại tầm quan trọng của thứ thành công ở khía cạnh vật chất và ưu tiên hơn cho điều thực sự có ý nghĩa.
Tomi và chồng bà không chỉ miệt mài khám phá phương thức mới cho ngành kinh doanh thân thiện với môi trường mà còn thực sự trở thành hình mẫu tiêu biểu về sự phát triển biến hóa đa góc cạnh và liên tục. Khi bắt đầu khởi nghiệp, họ chẳng hề có ý niệm gì về đích đến của cuộc phiêu lưu này. Giờ đây khi đã lên chức bà, Tomi vẫn luôn tràn trề các ý tưởng và năng lượng sống. Sự nghiệp cả đời của bà có lẽ sẽ không bao giờ có điểm kết thúc và bà thực sự trân trọng điều đó.
Câu nói khẩu hiệu của chuỗi cửa hàng Gungendō chính là “cuộc sống bám rễ sinh sôi”. Bà Tomi nói: “Phong cách sống lý tưởng của chúng tôi tương tự phong cách sống của một cái cây vậy ‒ bám rễ và lan tỏa ra khắp nơi, vươn mình vững chãi và phát triển chậm rãi. Chúng tôi tận hưởng cuộc sống mỗi ngày khi rễ còn trong đất, kiên trì theo đuổi những mục tiêu dài hạn và tạo ra tác động tích cực đến những người xung quanh.”
Trên phương diện cá nhân, tôi cảm thấy đặc biệt hào hứng khi biết được rằng bà Tomi đã khởi nghiệp với thương hiệu Gungendō ở tuổi 43, chỉ nhỉnh hơn vài tuổi so với tôi khi bắt đầu viết cuốn sách này. Chẳng bao giờ là quá muộn để gây dựng điều gì đó thật đặc biệt. Tomi nhắc nhở chúng ta một sự nghiệp có thể mở tung ra dấu vết rải rác của những kho báu rực rỡ nhưng chúng chỉ thực sự hiện ra rõ ràng khi bạn chấp nhận dấn thân vào chuyến du hành và đi theo tiếng gọi con tim, biết nắm bắt triết lý tinh hoa của sự nghiệp chứ không chỉ theo đuổi một mục tiêu đơn lẻ.
Hãy đi trên con đường của chính mình
Một trong những ký tự Kanji mà tôi yêu thích nhất trong tiếng Nhật chính là 道, đọc là michi, nghĩa là “lối đi” hay “con đường”. Nhưng người ta thường sử dụng nó kết hợp với các ký tự khác để tạo thành nghĩa “đạo”, trong trường hợp này đọc là dō. Bạn có lẽ đã từng nghe ở đâu đó về ý nghĩa này: chadō và sadō (là hai cách đọc của 茶道) nghĩa ý là “Trà Đạo”, bushidō (武士道) nghĩa là “Võ sĩ Đạo” và thư pháp Nhật Bản được biết đến với tên gọi shodō (書 道), “Thư Đạo”. Trong số các môn võ phổ biến, chúng ta thấy nào là jūdō (柔道), “Nhu Đạo”, và karatedō (空手道), thường được thế giới biết đến với tên gọi đơn giản là môn Karate, hay còn gọi là “Không thủ Đạo”.
Cũng gần tương tự như vậy, nghề nghiệp của chúng ta chính là các con đường thuộc về đạo. Khi nhìn lại hành trình mà ta đã qua, chúng ta nhận ra rằng hành trình đó không chỉ quanh co uốn lượn mà còn có cả những nút thắt lòng vòng, khi thì cong mềm mại có lúc lại quanh co khúc khuỷu. Nỗ lực chăm chỉ vốn cực kỳ quan trọng, còn cam kết kiên định sẽ được tưởng thưởng. Thời gian mà chúng ta đã bỏ ra để đạt được vị trí hiện nay không phải là trọng điểm. Thời gian mà chúng ta sẽ phải đầu tư để đến được nơi ta muốn đến tiếp theo cũng chẳng phải điều cốt lõi. Trong thực tế, chính thành quả cũng chẳng phải điều quan trọng nhất: quá trình mà bạn phải trải qua để thu được kết quả còn quan trọng hơn nhiều kết quả mà bạn đạt được.
Những bài học từ võ đường
Ngày nay, bạn sẽ dễ dàng tìm thấy họa sỹ trường phái phức hợp phương tiện truyền thông Sara Kabariti trong xưởng vẽ của bà hơn là trên võ đường, nhưng với gần ba thập kỷ luyện võ tại Nhật Bản, bà nói rằng trải nghiệm ấy vẫn thấm nhuần trong cuộc sống của bà trên rất nhiều cấp độ. “Tựu chung lại, tôi đã học được cách làm thế nào để học. Tôi đã không chỉ học được tầm quan trọng của kỷ luật, sự chăm chỉ và ý chí kiên cường mà còn học cả cách tiếp cận mọi thứ bằng sự đam mê và niềm hạnh phúc lớn lao. Tôi đã trải qua hàng trăm giờ đồng hồ tập đi tập lại để cải thiện tư thế và sức mạnh.”
Cuốn từ điển cho các ngôn ngữ chuẩn tắc trong kinh doanh của NTC, trong hạng mục từ shūgyō (修業 – được dịch nghĩa là “rèn luyện cho trí tuệ trực giác”) đã xác nhận điều này: “trong hệ thống giá trị của người Nhật Bản, phương thức thực hiện mang ý nghĩa quan trọng hơn kết quả đạt được”... Người Nhật tin tưởng rằng cái gì khó học hơn và đòi hỏi nhiều nỗ lực để tiếp thu hơn thì kiến thức hay kỹ năng đó càng có giá trị hơn.
Tại Nhật Bản, hình thức là tất cả. Điều này đúng ngay trong cả lĩnh vực chế tác thủ công mỹ nghệ (vì vậy mà các nghệ nhận thường trải qua hàng thập kỷ luyện tay nghề trước khi họ thực sự thừa nhận kỹ năng của chính mình) và cả trong thái độ của người Nhật đối với cuộc sống (đây là lý do có nhiều thể thức và nghi lễ trong đời sống người Nhật đến vậy). Nghệ nhân làm gốm Makiko Hastings mô tả bà đã nỗ lực ra sao để cải thiện kiểu dáng tác phẩm thủ công của mình mà không bao giờ kỳ vọng đạt đến sự hoàn hảo tuyệt đối. Bà hiểu rằng sự không hoàn hảo là bản chất của vạn vật, do vậy bà luôn làm việc với mục tiêu hướng sát tới giới hạn cao nhất mà bà có thể nỗ lực và trưởng thành mà không hề mang thứ kỳ vọng hư ảo nào về đích đến cuối cùng.
Sự xuất sắc quan trọng hơn sự hoàn hảo
Khi người ta có coi sự xuất sắc như một tác nhân khích lệ đáng để khao khát theo đuổi, việc này có thể trở thành thứ có giá trị cực kỳ to lớn. Quan điểm này hoàn toàn trái ngược với việc nỗ lực nhắm đến một mục tiêu hoàn hảo khó nắm bắt cùng sự kỳ vọng chúng ta rồi sẽ “đến đích”, vắt kiệt sinh lực bản thân trong lúc không ngừng nỗ lực lao lên phía trước, và kết thúc trong nỗi thất vọng khi nhận ra đích đến đó vốn dĩ ban đầu chỉ là thứ ảo tưởng. Sự khác biệt trong cách hiểu vốn rất mỏng manh nhưng tác động mang lại thì vô cùng to lớn.
Nhờ biết chú trọng đến tư thế nên Sara Kabariti đã đạt được thành quả tương xứng. Hồi tưởng về quãng thời gian bà thi đấu tại Đại hội Vô địch Võ thuật châu Âu, bà đã kể cho tôi về nỗi lo lắng thực sự diễn ra trong tâm trí bà khi đứng trước viễn cảnh phải thực hiện một bài quyền (kata) đặc biệt phức tạp. Thầy luyện võ đã tiến đến chỗ bà và nói: “Sara, sau tất cả quá trình rèn luyện mà em đã trải qua, cơ thể em biết phải làm gì nhưng tâm trí sẽ không dễ dàng để cho nó thực hiện việc đó.” Vào chính thời khắc đó, bà đã thấu hiểu và buông lỏng. Bà biết rằng chúng ta phải đưa ra các mục tiêu, có mặt để tập luyện, và nỗ lực hết sức. Và rồi hãy tin tưởng. Bà và đồng đội của mình đã giành được huy chương vàng trong giải đấu đó.
Sara nói:
Thời khắc chúng ta biết buông bỏ và tin tưởng chính là thời khắc phép màu kỳ diệu thực sự diễn ra. Người Nhật Bản là những bậc thầy trong việc tìm ra quy tắc kháng cự tối thiểu, thậm chí ngay cả khi quy tắc ấy dường như vượt ra ngoài khuôn khổ tư duy lôgic. Võ thuật dạy chúng ta biết cách hòa mình vào chứ không phải đi ngược dòng chảy của năng lượng và chuyển động. Tôi cũng đã học được rằng ngay khi bạn nghĩ rằng mình biết tất cả hoặc mình không thể làm được điều đó thì có nghĩa là bạn đã thất bại rồi. Tôi đã sớm được học cách để trở nên cởi mở và hoàn toàn tỉnh thức trong hiện tại. Buông bỏ không chỉ là một bài học quan trọng trong cuộc sống mà còn là bài tập cần thực hành mỗi ngày. Chúng ta có thể đưa ra các chủ định, chăm chỉ tập luyện, nhưng sẽ có thời điểm bạn phải thực sự tin tưởng và cho phép mọi việc rơi vào đúng quỹ đạo của nó. Hiện tại, câu thần chú mỗi ngày của tôi là chính là “chấp nhận buông bỏ”.
Tự đề ra nhịp độ cho chính bản thân
Để vươn tới gần hơn những ước mơ trong bối cảnh cuộc sống vốn không hoàn hảo nhưng vô cùng trọn vẹn, bạn sẽ cần có sự chuẩn bị, lòng quyết tâm và sự tin tưởng vào bản thân cũng như quá trình phấn đấu. Bạn cần buông bỏ ham muốn phải có được mọi câu trả lời hay sở hữu một bức tranh mô tả “hoàn hảo” về tương lai trước khi bạn góp phần kiến tạo ra nó. Thế giới quan dạt dào cảm hứng wabi sabi trao cho chúng ta quyền được bước từng bước chắc chắn trên đường đời, bớt quan tâm tới những giả tưởng đối với suy nghĩ của người khác mà chúng ta tự đặt ra (hoặc về những điều mà chúng ta nghĩ rằng bản thân nên làm dựa trên quan điểm của người khác) và tập trung hơn vào những điều thực sự có ý nghĩa với chúng ta. Hãy cứ đặt những câu hỏi và tiếp tục tiến lên, lúc nhanh, lúc chậm tùy vào sự thăng trầm của cuộc đời.
Khi đọc cuốn Nihonjin no kokoro, tsutaemasu (Tâm hồn người Nhật Bản, tôi trao gửi nơi bạn), một cuốn sách ngắn về thế giới trà được chấp bút bởi người từng đứng đầu trường phái trà đạo Urasenke, tiên sinh Sen Genshitsu, tôi đã gặp khái niệm về johakyū (序破急). Khái niệm này hàm ý mô tả ba tốc độ hành động khác nhau ‒ chậm, nhanh hơn một chút và nhanh. Tiên sinh Sen Genshitsu đã giải thích tại sao lại tồn tại nhịp điệu trong trà đạo cũng như tại sao người thực hành trà đạo phải biết biến tấu tốc độ đúng như yêu cầu. Ông tiếp tục mô tả cả về việc họ phải làm thế nào để điều chỉnh cường độ nỗ lực của bản thân ‒ đôi lúc nhẹ nhàng từ tốn, đôi khi lại gia tăng thêm chút lực, thi thoảng phải mạnh mẽ dứt khoát. Và ông kết luận, đây cũng là lời khuyên rất tuyệt vời để áp dụng trong cuộc sống.
Tôi đã từng thảo luận kha khá về chủ đề sống chậm lại để bản thân trở nên tinh ý hơn, nhạy cảm hơn, nhìn nhận rõ hơn và trải nghiệm sâu sắc hơn. Chủ đề thảo luận này này có xuất phát từ phong thái vội vã mà dường như đã trở thành nhịp sống mặc định hiện nay của rất nhiều người trong chúng ta. Nhưng sống chậm lại không có nghĩa là đã đến lúc phải dừng khát khao thực hiện công việc có ý nghĩa trên thế giới hoặc từ bỏ tham vọng hay ngừng tham gia vào những dự án thú vị. Bước đi chậm lại quan trọng như một bản đối âm hòa phối với nhịp chạy hối hả, và đôi khi thay đổi nhịp điệu cũng thú vị lắm chứ.
Và như những gì tiên sinh Sen Genshitsu đã khẳng định, điều chỉnh nỗ lực mang tính chất sống còn đối với sức khỏe của chúng ta. Chúng ta chẳng thể nào đem tất cả tinh lực tập trung cho bất kỳ dự án, buổi họp hành, cơ hội hay các cuộc trao đổi nào nếu đồng thời phải dây dưa với quá nhiều việc khác. Chúng ta phải có sự ưu tiên rõ ràng, sống có tổ chức và mỗi lúc chỉ tập trung vào một việc mà thôi.
Chúng ta cần đặt nỗ lực của bản thân vào nơi có tác động to lớn nhất và có thể đưa chúng ta đi theo con đường mà chúng ta đã chọn. Và cứ mỗi khi chúng ta dồn hết tất cả tinh lực cho việc nào đó, chúng ta phải đặt những thứ khác sang một bên. Sau mỗi nỗ lực mang tính quyết định, chúng ta phải thu xếp thời gian hồi phục và cho phép bản thân được thả lỏng đôi chút. Biết khai thác và tận dụng ba cơ chế tốc độ và ba cơ chế nỗ lực có thể tác động quyết định đến việc chúng ta có thực sự tận hưởng lộ trình sự nghiệp và duy trì được trạng thái sung mãn trong tương lai hay không.
Sẵn sàng tiếp nhận những thay đổi
Giới lao động đang có những thay đổi với tốc độ chóng mặt kể từ thời kỳ Cách mạng Công nghiệp. Vị thế của rất nhiều nghề nghiệp truyền thống đang dần biến mất và những cơ hội mới đang liên tục mở ra. Không ai trong chúng ta biết được nghề nghiệp sẽ chuyển biến thế nào sau 50 năm nữa. Chúng ta có thể cố gắng bấu víu vào thực tại hay nắm bắt thời cơ cách mạng này, tận dụng tối đa để gây dựng một sự nghiệp làm bệ đỡ cho cuộc sống mà bạn mơ ước. Lời nhận định này trở nên đúng hơn bao giờ hết khi tốc độ phát triển công nghệ vũ bão đã trao cho chúng ta quyền lựa chọn làm việc ở bất cứ đâu theo bất kỳ nhịp độ nào mà chúng ta mong muốn. Hơn bao giờ hết, chúng ta phải nhìn thẳng vào thực tế là giới lao động sẽ thay đổi ngay cả khi chúng ta không chịu thay đổi. Tác động đối với sự nghiệp của chúng ta phụ thuộc vào quyết định chúng ta sẽ nắm lấy cơ hội hay cố giữ nguyên hiện trạng, thậm chí ngay cả khi hiện trạng đó cũng đang dần dịch chuyển.
Chúng ta sở hữu tập hợp nhiều kỹ năng không chỉ chuyên cho bất cứ ngành nào và có thể sử dụng chúng theo nhiều cách khác nhau. Khi quen dần với nhận thức sự nghiệp là thứ mang bản tính chất biến động chứ không bất di bất dịch, chúng ta sẽ sẵn sàng đón nhận những triển vọng vốn chưa từng được biết đến. Thừa nhận và lập kế hoạch đề phòng bất trắc trong những công việc mà chúng ta trước nay vẫn coi là an toàn sẽ giúp chúng ta đối phó tốt hơn nếu có những thay đổi ập tới, đồng thời nhắc nhở chúng ta sau cơn mưa trời lại sáng. Chúng ta thậm chí có muốn làm như vậy hay không? Con người ở độ tuổi đôi mươi, bốn mươi, sáu mươi hay tám mươi sẽ có xu hướng mong muốn những thứ rất khác nhau.
Tất cả nhận định trên đều đi ngược lại mọi thứ mà nhiều người trong chúng ta đã được dạy để trở nên thành đạt ‒ rằng chúng ta nên bấu víu vào chỉ duy nhất một sự nghiệp mà thôi, tiền tài và địa vị là mục tiêu tối thượng, và nếu như bạn không đạt đến một hình mẫu hoàn hảo đặc biệt nào đó, tức là bạn đã thất bại. Sau cả thập kỷ giúp nhiều người chuyển đổi sự nghiệp, khởi nghiệp hoặc tái định vị các thứ tự ưu tiên để có thể thỏa chí đam mê, tôi biết rằng các quan điểm đang dần có chuyển biến nhưng chúng ta vẫn còn rất nhiều việc phải làm trước mắt. Xét một cách toàn diện trên những gì tôi đã chứng kiến trong công việc, chúng ta vẫn còn quan tâm quá nhiều đến suy nghĩ của người khác, và không có đủ sự tập trung cho những điều hợp lý.
Chúng ta ngày càng cần tăng cường khả năng quan sát, đọc hiểu, đồng cảm, đặt câu hỏi, thích nghi và điều chỉnh để hòa nhập với kỷ nguyên chuyển giao nghề nghiệp hiện nay. Các chuyên gia nói với chúng ta rằng một vài người trong chúng ta, và khả năng cao là rất nhiều con cháu của chúng ta, sẽ sống tới trăm tuổi hoặc thọ hơn. Điều khác biệt nào sẽ diễn ra nếu như bạn biết rằng mình sẽ sống tới hơn trăm tuổi?
Những câu hỏi để nhìn xa trông rộng
Ngay bây giờ, hãy tự hỏi bản thân những câu hỏi trên nhưng lần này thay vì tìm kiếm những câu trả lời mang tính lôgic, hãy nói ra điều con tim bạn muốn nói?
Xin hãy nhớ rằng, sự rung cảm của con tim trước vẻ đẹp chính là cốt lõi tinh hoa của wabi sabi. Vậy sự nghiệp hiện tại của bạn có thể tạo ra được vẻ đẹp nào?
Điều mà con tim bạn đang mách bảo là gì?
Hãy đưa ra những câu hỏi khơi gợi những câu trả lời tràn ngập cảm hứng
Khi chúng ta hỏi lũ trẻ: “Sau này lớn lên con muốn làm gì?” Chúng ta thường cố gieo cho chúng những hạt giống của ước mơ. Nhưng rồi đôi khi chính cái cách mà chúng ta phản ứng lại nghiền nát những ước mơ con trẻ và gây ra tổn thương sâu sắc. “Một nghệ sỹ ư? Ồ không, con yêu, con không muốn trở thành một nghệ sỹ đâu. Con sẽ chẳng kiếm được tiền với cái nghiệp đó đâu.” Hoặc lũ trẻ nhà chúng ta cuối cùng sẽ gắn liền ước mơ của chúng với một nghề nghiệp cụ thể mà chúng nghĩ rằng làm vậy sẽ khiến cho cha mẹ chúng cảm thấy tự hào, và trong rất nhiều trường hợp thường chính là thứ nghề nghiệp mà phụ huynh chúng hiện vẫn đang làm. Đó là những gì mà chúng biết hoặc những gì chúng nghĩ chúng ta muốn chúng làm theo, hoặc là những điều chúng ta luôn rót vào tai chúng, bố mẹ nghĩ con nên làm thế này thế kia.
Nhưng sau đó nếu chúng không thể theo đuổi nghề nghiệp đó thì sao? Hoặc giả sử chúng thực sự theo nghề nghiệp đó nhưng không hề cảm thấy thích thú mà lại chẳng dám bỏ việc bởi chúng cảm thấy làm vậy sẽ khiến cha mẹ thất vọng? Hoặc giả sử chúng bị cuốn vào vòng xoáy vơ vét và tranh giành chức vụ, địa vị, khách hàng, lương bổng và cả sự thừa nhận để rồi không kịp nhận ra chúng đã đi hết nửa cuộc đời, kiệt quệ và tự hỏi bản thân chuyện gì đã xảy ra suốt hai mươi năm qua? Tôi chắc rằng chẳng ai trong chúng ta muốn con cái mình hay chính bản thân chúng ta phải rơi vào kết cục như vậy.
Tất cả những ví dụ trên đây đều là chuyện người thực việc thực mà tôi chứng kiến hết lần này đến lần khác trong cộng đồng quanh tôi. Nhiều người đến với chúng tôi để được hỗ trợ tìm ra cách làm thế nào để theo đuổi đam mê bởi lẽ họ không thể chịu đựng nổi thêm một phút giây nào nữa với thứ công việc mà họ đang phải đối mặt hằng ngày nhưng lại không biết làm sao để thay đổi cũng như chẳng thể tìm ra một công việc khả thi nào khác. Tin tốt lành là vẫn có vô vàn những cơ hội ngoài kia mà họ không hề biết tới.
Một bài báo quốc tế gần đây về chủ đề việc làm trong tương lai dựa trên phiếu điều tra từ hơn 10.000 người trên khắp châu Á, Anh Quốc và Mỹ đã nhận định: “Chúng ta đang sống qua thời kỳ biến đổi nguyên tắc căn bản về cách thức con người làm việc. Tự động hóa và các cỗ máy biết suy nghĩ đang dần thay thế các công việc mà trước nay vẫn do con người đảm nhiệm, và làm thay đổi nhu cầu về kỹ năng của các tổ chức đối với lực lượng lao động của họ.”
Trong một phần khác của bản báo cáo này, ông Blair Sheppard - Lãnh đạo toàn cầu về Phát triển Chiến lược và Khả năng lãnh đạo tại tổ chức PwC đã nói : “Vậy chúng ta nên nói gì với thế hệ con cái của chúng ta? Rằng để vượt lên tuyến đầu, con cần phải tập trung vào khả năng liên tục thích ứng của bản thân, hợp tác ăn ý với mọi người trong quá trình thích ứng đó, và quan trọng hơn hết thảy, con phải giữ được bản sắc và các giá trị cốt lõi.”
Các câu hỏi mà chúng ta có thể áp dụng để gợi ra hướng đi khác cho sự nghiệp.
Điều này quan trọng tới mức cần phải nhắc đi nhắc lại nhiều lần: cuộc đời không chỉ có một cách duy nhất để sống, không chỉ có một sự nghiệp duy nhất, và không tồn tại cách thức hoàn hảo để xây dựng sự nghiệp của bạn đâu. Điều hoàn toàn nằm trong tầm tay bạn là dần dần cải tiến sự nghiệp và quyết định làm việc đó theo cách khiến bạn vui vẻ.
Cảm giác mơ màng
Có một điều gì đó về đất nước Nhật Bản luôn khiến tôi cảm thấy bất kỳ việc gì cũng đều khả thi. Thậm chí từ lúc tôi không thể nào đọc nổi bất cứ bảng chỉ dẫn nào, chẳng quen biết bất kỳ ai và hầu như không thể duy trì nổi một cuộc hội thoại cho ra trò, tôi vẫn luôn cảm thấy có gì đó trong bầu không khí nơi đây đang truyền thêm trong tôi chút... “gì đó” mà chính tôi cũng không biết chắc nữa. Nhưng chính “thứ đó” đã khiến tôi trở nên phóng khoáng và tò mò hơn, và nó đã dẫn dắt tôi đi hết trải nghiệm này đến trải nghiệm khác mà có nằm mơ tôi cũng không bao giờ thấy được, từ những cuộc hội ngộ với những con người xa lạ khiến cuộc đời thay đổi cho tới lúc tôi sở hữu chương trình truyền hình của riêng mình. Trên một vài phương diện, cảm giác ấy giống như trạng thái mơ màng. Thậm chí ngay cả khi giờ đây tôi quay trở lại, không khí nơi đây vẫn thường mang lại cảm giác đó.
Tôi muốn trao gửi cho bạn phần nào “thứ đó”, bọc cẩn thận như kho báu giấu trong lụa furoshiki, để mang lại cho bạn cảm hứng và ý chí tu dưỡng trên con đường sự nghiệp. Khi những ước mơ dường như sắp biến mất bên lề cuộc sống, hãy mở bọc quà và hít thật sâu chút phép thuật diệu kỳ. Hãy dành chút khoảng lặng để đưa ước mơ vào tầm mắt, rồi hãy mang bản thân về với thực tại và cân nhắc thận trọng về bước tiếp theo trên hành trình của bạn. Hãy tự hỏi bản thân, điều gì mà ta có thể làm ngay lúc này đây để tiến gần hơn tới ước mơ cháy bỏng? Trái tim bạn đang muốn nói điều gì?
Chúng ta không thể biết cụ thể lịch trình. Chúng ta không thể dự đoán con đường phía trước. Nhưng chúng ta có thể bước từng bước có chủ đích và đôi khi dừng chân để thưởng thức vẻ đẹp quanh ta.
日々是好日 (nichinichi kore kōnichi)
Mỗi ngày đều là ngày tuyệt vời.
- Châm ngôn Thiền
TRIẾT LÝ WABI SABI
TRONG VIỆC TẬN HƯỞNG LỘ TRÌNH SỰ NGHIỆP
THỰC HÀNH: KHÁM PHÁ LỘ TRÌNH CỦA BẠN
Trước hết, bạn hãy trả lời những câu hỏi sau đây vào sổ ghi chú:
Tiếp đó, hãy vẽ thời gian biểu theo phương ngang với các đường kẻ dọc đánh dấu cho mỗi thập kỷ (hay cho mỗi 5 năm nếu bạn đang ở độ tuổi dưới 30) trên một trang giấy lớn. Nhìn vào những câu trả lời cho các câu hỏi ở trên, hãy phác ra những trải nghiệm quan trọng nhất từ trước đến nay trong cuộc đời bạn. Đánh dấu vào bất kỳ thời điểm nào khi bạn có được khoảnh khắc ngộ ra chân lý “À ha”.
Bây giờ, hãy vẽ đường nối giữa các sự kiện theo cách nào đó có sự liên kết với nhau. Sự kiện nào sẽ phải xảy ra trước để những sự kiện khác có thể diễn ra? Bạn quan sát thấy những yếu tố chủ đạo nào dần hình thành?
Bây giờ, với tất cả những thông tin đang bày ra trước mắt, hãy trả lời những câu hỏi sau đây: