Hamana-sensei đã sắp đặt hài hòa những cánh hoa anh đào thanh nhã bên nhành hoa cải dầu vàng tươi trong chiếc bình gỗ tre mộc mạc đặt bên hốc tường thụt vào kiểu tokonoma. Bên trên hốc tường treo bức thư pháp “Tâm cho mỗi ngày” do một vị đạo sư tại ngôi chùa thiêng Myōshin-ji đề tặng. Tôi ngồi quỳ, hai chân gập lại bên dưới theo tư thế seiza cùng tấm đệm phẳng đặt trên mặt sàn chiếu tatami, ngồi bên tôi là anh bạn Izumi, người đã nghiên cứu trà đạo cùng Hamana-sensei suốt nhiều năm nay.
Xuất hiện lộng lẫy trong trang phục kimono màu đen, Hamana-sensei bước ra và tiến nhập trà thất với phong cách vô cùng trang nhã, ông mang theo bộ dụng cụ pha trà cùng chiếc hũ bóng loáng xinh xắn đang đong đầy thứ bột trà xanh tươi mơn mởn. Chiếc ấm sắt kiểu móc treo tsurigama đu đưa nhẹ nhàng trên lớp than hồng trong ro (kiểu bếp lửa thiết kế chìm dưới mặt sàn phòng), đâu đây trong trà thất như đang có làn gió nhẹ lướt qua. Đông dần qua và Xuân đang tới.
Chúng tôi ngồi yên lặng, quan sát, lắng nghe, và thưởng thức hương vị trà. Hamana-sensei là một vị chủ nhà lịch thiệp và hiếu khách, hành động và cử chỉ ông thực hiện trong nghi thức pha trà cho chúng tôi hàm ý thay cho mọi lời muốn nói. Tôi được mời thưởng trà trong chiếc bát mang phong cách Raku sơn đen thẫm phủ lớp men bóng tinh tế cùng các mặt vát cạnh thẳng đứng được tạo hình thủ công đầy khéo léo. Khi tôi đưa những ngón tay ôm vòng quanh eo bát, chiếc bát như trở thành một phần nối dài của đôi tay. Bát uống trà của anh Izumi lại có kiểu dáng nông hơn với mặt cạnh nghiêng nghiêng mang màu đất nhàn nhạt. Thức trà xanh lục mang đầy nét quyến rũ hòa quyện cùng lớp váng bọt mong manh. Vị trà đăng đắng trở nên thanh mát lạ thường khi thưởng thức cùng những chiếc bánh ngọt mang dáng dấp những bông hoa anh đào đang mùa khoe sắc.
Ánh than hồng phập phù nơi bếp lửa giữa căn phòng.
Mưa đầu xuân vẫn đang rơi lộp độp.
Ngày hôm nay thư thả đến lạ thường.
Tinh hoa mỹ học của người Nhật hiển hiện trọn vẹn trong nghi lễ trà đạo truyền thống mà chẳng cần ai chỉ dẫn quá tận tường. Hamana-sensei hầu như không bao giờ nói về những triết lý sâu xa trong những buổi hướng dẫn trà đạo, ấy vậy mà tôi vẫn luôn có cảm nhận bản thân đã học hỏi thêm điều gì đó vô cùng quan trọng. Chỉ là nghi thức pha trà thôi, ấy vậy mà trà đạo còn ẩn chứa những giá trị sâu sắc đến vô ngần. Ba người chúng tôi đã trao đi và nhận lại, hiến dâng trọn vẹn thời khắc ấy cho nhau.
Những bài học từ trà thất
Ngày xưa, samurai sẽ trút bỏ kiếm và treo chúng lên kệ đỡ katana-kake trước khi bước vào trà thất qua lối tiến nhập kiểu nijiri-guchi (lối vào kiểu phải bò qua) ‒ ô cửa nhỏ đến mức tất cả mọi người, chẳng phân biệt địa vị sang hèn đều phải khom mình để trườn qua. Trà thất bao trọn cả thế giới vào một không gian, một thời khắc hiện tại và một trải nghiệm chung. Bên trong trà thất, tất cả mọi người đều trở nên bình đẳng. Chủ nhân và các vị khách đối đãi với nhau bằng sự quan tâm và ân cần. Họ đều tỉnh thức và sẵn lòng tương trợ lẫn nhau. Họ đều cảm thấy biết ơn và trân trọng những gì đang được chia sẻ.
Nền tảng của trà đạo là một hệ thống gồm bốn nguyên tắc gọi là wa kei sei jaku (和敬清寂): Hài hòa, tôn kính, thanh tịnh và tĩnh lặng.
Wa (hài hòa)
Đây là trạng thái lý tưởng cho mối quan hệ qua lại giữa chủ nhân và các vị khách, cũng như cho hiệu ứng tác động lẫn nhau giữa thời tiết, trà cụ, thức ăn đi kèm và tâm trạng phổ biến trong mỗi dịp tụ họp thưởng trà. Sự hài hòa theo nghĩa khái quát hơn có thể được xem như bản chất tương tác lý tưởng giữa người với người trong cuộc sống thường nhật. Đó là cảm giác hợp thành một thể duy nhất với thiên nhiên và con người cùng sợi dây giao cảm giữa tất cả với nhau. Sự hài hòa dẫn tới các mối quan hệ an yên và mang lại cho chúng ta cảm giác thanh bình.
Kei (tôn kính)
Nguyên tắc này xuất phát từ sự chấp nhận bản chất thật trong mỗi con người, không phân biệt địa vị sang hèn. Đây cũng chính là món quà chúng ta được nhận lại khi trao đi sự tử tế và thái độ khiêm nhường. Chủ khách cùng nâng niu trà cụ một cách chú tâm và thành kính. Những vị khách bày tỏ sự tán thưởng chân thành với bố cục không gian cùng các chi tiết nhỏ mà chủ nhân buổi tiệc trà đã kỳ công chuẩn bị. Chủ khách cùng có mặt ở giây phút hiện tại và quan tâm lẫn nhau, như cách chúng ta có thể hành xử trong cuộc sống thường nhật.
Sei (thanh tịnh)
Sự thanh tịnh ở đây hàm ý đề cao tầm quan trọng của sự sạch sẽ tinh tươm cũng như sự chú tâm đến từng tiểu tiết trong nghi lễ trà đạo. Theo truyền thống, các vị khách tại buổi tiệc trà sẽ băng qua lối đi kiểu roji (lối đi trong vườn) rồi rửa tay và miệng tại một chiếc bồn đá nhỏ trước khi tiến nhập trà thất. Khi các vị khách bước dọc theo lối đi cũng là lúc họ thoát ly khỏi thế giới bụi bặm, ồn ào trong cõi nhân gian và tiến vào không gian thuần lặng của trà thất. Sei còn mang ý nghĩa về sự thanh tịnh trong tâm và sự tự do không bị ràng buộc vào vật chất cũng như địa vị, qua đó nhắc nhở chúng ta hãy tìm kiếm những giá trị tốt đẹp nhất trong mỗi người theo phương thức tin tưởng, quan tâm và không phán xét.
Jaku (tĩnh lặng)
Jaku là một trạng thái tĩnh lặng chủ động ‒ một cảm giác thanh bình. Theo trường phái trà đạo Urasenke, một người có thể chăm chỉ tập luyện tới khi lần lượt thành thạo ba nguyên tắc đầu tiên (hài hòa, tôn kính và thanh tịnh) nhưng với nguyên tắc cuối cùng, người đó chỉ có thể đạt được sau khi trải qua quá trình liên tục thực hành cả ba nguyên tắc đầu tiên. Urasenke cho rằng “một người có tâm hướng về Trà là người đã được chuẩn bị đầy đủ để đạt tới sự an yên và tĩnh lặng tuyệt đối của jaku”. Giữ tâm bình thản trước mọi biến cố cuộc sống giúp chúng ta suy nghĩ sáng suốt và ứng biến hợp lý.
Bốn nguyên tắc trên đã lưu truyền suốt bao thế kỷ như những tôn chỉ trong trà thất và giúp chúng ta tìm thấy sự thanh bình trong cuộc sống thường nhật. Cho tới tận ngày nay, chúng vẫn là một bộ nguyên tắc tinh tế giúp chúng ta xử lý các mối quan hệ giữa người với người, cả trong các suy xét thường ngày lẫn trong những thời điểm xung đột.
Ngẫm xem, mọi mối quan hệ của bạn sẽ chuyển biến tích cực như thế nào nếu bạn chú tâm hơn một chút tới các yếu tố hài hòa, tôn kính, thanh tịnh và tĩnh lặng.
Bao dung với những người ta yêu thương
Chồng tôi Mr. K có thói quen để khăn lau bát ướt nhẹp bên cạnh bếp. Điều này từng khiến tôi nhiều lúc tức điên. Tại sao anh ấy lại không thể treo cái khăn đó lên giá chứ? Tôi luôn tự dằn vặt như vậy khi phải treo đi treo lại chiếc khăn mà không hề nhận ra suy nghĩ đó đã gieo trong tôi một hạt giống nho nhỏ mang đầy nỗi thất vọng. Tôi đã nhắc nhở vài lần và anh sẽ treo khăn lên được một thời gian rồi mọi chuyện lại đâu vào đấy, chiếc khăn vẫn cứ chình ình ra đó. Tôi cứ ngẫm đi ngẫm lại chuyện này trong tâm trí, và thường là trong khi đang làm việc khác: Tôi tự hỏi không biết chồng người ta có đãng trí thế hay không? Tôi có phải là người duy nhất luôn phải đi sau thu dọn cho chồng và lũ trẻ hay không? (Kỳ thực, nói thế này là hoàn toàn bất công với chồng tôi, người vốn luôn sống sạch sẽ và ngăn nắp hơn tôi.)
Và rồi, một ngày nọ tôi đã vỡ lẽ. Lý do duy nhất khiến chồng tôi quên không treo khăn lên giá là do anh ấy vừa mới rửa dọn sạch sẽ, lau khô và cất gọn mọi thứ. Chưa kể trước đó, anh ấy đã cặm cụi vào bếp nấu bữa tối, kể chuyện cho các cô nhóc nhà chúng tôi, ôm ấp và hỏi han tôi những chuyện trong ngày. Việc chiếc khăn bị bỏ quên chỉ xảy ra sau khi anh ấy đã làm cả nhà cười nói vui vẻ, nhảy múa tưng bừng quanh bếp và chia sẻ điều thầm kín khi nhâm nhi một tách trà. Tôi trân trọng vô cùng những gì chồng tôi đã làm cho gia đình, ấy vậy mà không hiểu tại sao tôi cứ luôn ám ảnh về chiếc khăn lau bát ướt nhẹp đặt bên bếp kia chứ. Cuối cùng, tôi đã buông bỏ cảm giác chấp nhặt ấy. Và giờ đây, mỗi khi treo chiếc khăn ướt lên giá, tôi xem đó là hành động biểu trưng cho lòng biết ơn mà tôi dành cho anh.
Không một ai trên thế gian này là hoàn hảo cả. Sẽ thế nào nếu bạn nhìn nhận người khác bằng con tim thay vì soi xét cũng như đánh giá họ bằng đôi mắt và tâm trí? Nếu bạn buông bỏ tâm trạng phán xét hay thất vọng, và biết chấp nhận bản chất con người họ mà không phải cố gắng làm thay đổi họ? Nếu bạn không hài lòng với những gì mình nhận được, hãy xem đây là bài học hữu ích và chọn cho bản thân mục tiêu phấn đấu tiếp theo. Nhưng có lẽ khi bạn biết buông tay chấp nhận, bạn sẽ nhìn thấy viễn cảnh tươi sáng hơn và chợt nhận ra điều thực sự ý nghĩa trong cuộc đời.
Sự rộng lượng của tâm hồn: Nhìn vào mặt tốt
Thôi thúc bởi mong muốn hiểu cho thấu đáo làm thế nào mà tất cả các nguyên tắc trà đạo đều quy tụ về triết lý Thiền và wabi sabi, tôi đã cùng đàm luận với sư thầy Takafumi Kawakami, phó trụ trì ngôi đền Shunkō-in tại Kyōto. Ngài đã giải thích khái niệm kū trong giáo lý đạo Phật mà chúng ta thường diễn giải là “rỗng không” hoặc “vô ngã”. Theo sư thầy Kawakami, khái niệm này không thiên về sự lãng quên đi bản ngã mà nghiêng về cảm giác hòa thành một với vạn vật.
Tất cả chúng ta đều có mối liên hệ qua lại và phụ thuộc lẫn nhau. Chúng ta không thể tồn tại nếu thiếu vắng lẫn nhau hoặc thế giới xung quanh. Điều này cũng lý giải tại sao mối liên kết mà chúng ta cảm nhận trong không gian trà thất lại sâu sắc và mãnh liệt đến vậy. Đấy chính là thời khắc để ta suy tư lắng đọng và trân trọng mối quan hệ qua lại giữa người với người. Tất cả chúng ta đều mải miết cuốn theo nhịp sống của bản thân nhưng trong chính thời khắc chúng ta ngừng lại để tận hưởng trải nghiệm trà đạo bằng nhiều giác quan, chúng ta thấy mình bước qua cõi thời không. Trà đạo nhắc nhở chúng ta làm thế nào mà các nguyên tắc wa kei sei jaku có thể mang lòng trắc ẩn và sự an bình đến với cuộc sống vốn rất đỗi thân thương nhưng đôi khi chẳng kém phần điên đảo của mỗi người.
Dạo gần đây, tôi đã có bữa trưa gồm gạo yuzu và rau củ mùa đông với cô bạn Ai Matsuyama, tôi đã quen cô từ nhiều năm trước khi cả hai cùng tham gia khóa học dẫn chương trình truyền hình tại đại học NTV. Giáo viên của chúng tôi hồi đó là một chuyên gia kỳ cựu trong ngành truyền hình Nhật Bản. Lần đầu tiên khi tôi mở miệng để giao tiếp trong lớp học, cô đã lắc đầu với vẻ âu lo và nói: “Ồ, giọng cưng nghe như mới ở quê lên vậy.” (Tôi vừa chân ướt chân ráo tới Tōkyō từ một nơi hẻo lánh phía Bắc Nhật Bản mà ở đó khẩu ngữ địa phương vốn rất nặng). Cô chẳng hề đoái hoài gì đến thực tế là tôi đang phải vận dụng thứ ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ mỗi khi đọc những bản tin thời sự hoặc thời tiết hay phỏng vấn ý kiến người dân ngay trên những con phố. Cô xem tôi không khác gì những sinh viên người bản xứ. Và tôi thực sự yêu mến cô vì điều đó.
Tôi có vô vàn lý do để cảm thấy lo lắng và áp lực khi tham gia khóa học này, nhưng cô bạn Ai luôn chọc tôi cười phá lên trên giảng đường và không bao giờ cho phép tôi tự gây căng thẳng quá mức cho bản thân. Trong lần gặp lại này, chúng tôi hẹn nhau ở một quán cà phê sang chảnh và cô lại khiến tôi cười mất duyên hết lần này tới lần khác. Ai là cô gái biết nhìn vào mặt tốt đẹp trong cuộc sống và luôn mang đến nguồn năng lượng tuyệt vời trong mỗi dịp tụ họp. Tôi đã hỏi cô về bí quyết sống tích cực. Và cô đáp: “Tôi luôn cố gắng tìm ra ít nhất một điểm tốt trong mỗi người, thậm chí ngay cả trong những người mà tôi không thực sự ưa gì họ.” Sự khoan dung độ lượng trong tâm hồn chính là món quà ẩn danh cho người nhận được nó, đồng thời nó khiến chính Ai cảm nhận thoải mái hơn rất nhiều về mối quan hệ đó. Chắc chẳng phải ngẫu nhiên khi từ Ai (愛) trong tên cô có nghĩa là “tình yêu”.
Bí quyết này đã đưa tôi quay trở lại cuộc trao đổi với sư thầy Kawakami, trong cuộc nói chuyện này, ông đã đưa ra gợi ý rằng con người thường có thiên kiến xác nhận: Một khi chúng ta đã chắc chắn ai đó là “kẻ xấu” hoặc “người tốt”, ông nói, chúng ta sẽ bắt đầu tìm kiếm căn cứ để củng cố thêm cho giả thiết dựa trên định kiến vốn đã hình thành sẵn trong tâm trí. Vì thế tâm trí ngày càng bồi đắp thêm những giả thiết mà chúng ta đã hình thành từ trước về ai đó.
Tuy nhiên, nếu chúng ta có thể nhận ra cơ chế này và thay vào đó cố gắng tìm kiếm những căn cứ chứng tỏ chúng ta đã nhận định sai lệch, các mối quan hệ của chúng ta sẽ có bước chuyển biến vô cùng to lớn. Phương thức này không hề có nghĩa là chúng ta chấp nhận những thói cư xử không phù hợp hoặc cho phép người khác áp bức hay kiểm soát chúng ta, mà chỉ đơn giản là cố gắng nhận ra khía cạnh tốt đẹp trong mỗi người kể cả nếu chúng ta mâu thuẫn với họ về mọi mặt.
Nếu ai đó làm bạn cảm thấy bực mình với thói quen dị biệt của họ, bạn có thể tiến hành một trong bốn lựa chọn sau:
Điều đó phụ thuộc vào chính bạn.
Giúp người khác tìm ra nơi họ thuộc về
Một ngày nọ, khi vừa đặt chân tới Kyōto với mục đích nghiên cứu, tôi đang tự mình khám phá một con phố hẹp phía sau Con đường Triết học nổi tiếng thì vô tình bắt gặp một ngôi chùa nho nhỏ vô cùng đáng yêu mang tên Anraku-ji. Ngôi chùa đã hết giờ đón khách nhưng lối cửa bên vẫn mở ra he hé. Tính tò mò của một cô thiếu nữ đã thôi thúc tôi len lén đẩy cửa và ghé mắt nhìn vào bên trong. Ở đó, tôi bắt gặp bà Tanaka đang dạy dệt lưới cho một nhóm các bà các cô người Nhật luôn cười nói rôm rả. Bà đã vẫy tay ra hiệu mời tôi đến gần và tham gia cùng với lớp học.
Hóa ra chuyên môn chính của bà Tanaka là dạy ikebana (nghệ thuật cắm hoa Nhật Bản) và nhờ sự tốt bụng của bà, tôi đã dành tất cả những ngày thứ Hai của năm tiếp theo đó tại nhà bà sau giờ học chính khóa để học nghệ thuật bố cục và cắt tỉa những bông hoa theo phong cách Sōgetsu. Ở nơi đây chẳng hề tồn tại áp lực cũng như sự ganh đua, chỉ là chốn an yên dành cho sự gắn kết và tình bạn. Tôi thuở ấy chỉ là một thiếu nữ cô đơn trên xứ người. Khi bà Tanaka mời tôi bước qua cánh cửa đó, bà đã dang tay đón tôi vào thế giới mỹ cảm và văn hóa, và hơn hết thảy là gia nhập cộng đồng của bà.
Ký ức này ùa về khi tôi đang đọc một nghiên cứu mới đây của Đại học Manchester Metropolitan cho thấy áp lực phải thành công đang khiến cảm giác cô đơn gia tăng trong giới trẻ khi mà cứ ba thanh niên lại có một người mắc phải chứng cô đơn tại Vương Quốc Anh. Nghiên cứu đã viện dẫn “nỗi sợ thất bại và làm người khác thất vọng, áp lực từ truyền thông đại chúng, những thay đổi to lớn trong cuộc sống, nạn đói nghèo và cảm giác khác biệt” là một vài trong số những vấn nạn đang tạo ra tác động tiêu cực này.
Mặc dù nghiên cứu này chỉ tập trung vào giới trẻ, chúng ta có thể nhận ra vấn nạn tương tự xuất hiện trong mọi tầng lớp xã hội và không có ngoại lệ với bất cứ lứa tuổi nào. Trong tất cả ngóc ngách của nền giáo dục, chúng ta buộc phải cạnh tranh với nhau ở kết quả học tập, ở những ngày hội thao, ở những cuộc thi âm nhạc và cứ thế ở khắp mọi nơi mà còn chưa kể đến sự ganh đua để được nổi tiếng trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Tại chốn công sở mọi chuyện cũng diễn ra tương tự: Ai được thăng chức? Ai giành giải “Nhân viên xuất sắc của năm”? Ai bán được nhiều hàng nhất? Và ngay trong cả giáo dục làm cha mẹ nữa: Con nhà ai bắt đầu biết đi sớm hơn? Biết nói sớm hơn? Thắng được cúp này hay vượt qua kỳ thi đầu vào nọ? Tôi không hề có ý nói rằng chúng ta chẳng nên tự hào về những thành quả mà chúng ta hay những người thân yêu đạt được. Dĩ nhiên là chúng ta nên tự hào chứ. Nhưng chúng ta cũng nên có cái nhìn toàn diện về tất cả những điều mà chúng ta muốn tôn vinh ‒ hãy lưu tâm đến bản chất con người trong mỗi chúng ta chứ không chăm chăm vào thành quả mà chúng ta đạt được, hãy nhìn nhận những nỗ lực đã bỏ ra cũng đáng được trân trọng không kém gì ánh hào quang chiến thắng.
Càng thể hiện cho những người thân yêu rằng chúng ta trân trọng và chấp nhận tất cả những nét khiếm khuyết tuyệt vời trong con người họ, chúng ta càng khiến họ hiểu được rằng sẽ chẳng có sự phán xét hay chối bỏ nào nhắm đến họ dẫu việc đời thành bại lúc được lúc không. Càng giúp họ định vị bản thân trong thế giới thực tại thay vì đắm mình trong những ảo ảnh trên màn hình điện thoại, chúng ta càng có cơ hội giúp họ cảm nhận rõ hơn nơi chốn mà họ thuộc về.
Những bài học từ quán cà phê nhạc Jazz
Vào một đêm tháng Tám hai mươi mốt năm về trước, tôi đang cùng ban nhạc Blue Moon trình diễn tại một quán cà phê nhạc Jazz dưới ánh đèn leo lắt. Tôi chơi đàn bass trong khi Kyōko ‒ vợ tôi đang cất cao giọng ca đầy tâm trạng hòa cùng tiếng trống của anh bạn Shibue-san. Cánh cửa quán cà phê mở ra và một thiếu nữ người Anh đeo chiếc ba lô nhỏ đã bước vào với mái tóc nhuộm vàng hoe và nụ cười toe toét trên môi.
Cô vẫy tay với Shibue-san, rồi đi tới quầy bar và gọi một chai bia. Khi tiết mục của chúng tôi kết thúc, Kyōko đi tới và trò chuyện cùng cô gái mà xem chừng là nhân viên mới tại văn phòng của Shibue-san. (Anh là một nhân viên chính phủ nghiêm nghị vào ban ngày và là một tay trống đầy nhiệt huyết vào ban đêm.) Sau vài phút, cuộc trò chuyện đã trở nên sôi nổi. Một lát sau, cô gái tỏ vẻ ngạc nhiên và hạnh phúc. Cô bắt đầu gật đầu và cúi người cảm tạ.
Tôi đi tới và hỏi chuyện gì đang diễn ra. “Đây là Beth”, Kyōko giới thiệu. “Cô ấy mới từ Anh Quốc tới. Cô ấy chưa có chỗ trú chân, do vậy em đã bảo cô ấy có thể đến ở cùng với chúng ta. Anh không phiền chứ, phải không nào?”
Và vậy là bắt đầu một năm mà ngôi nhà của chúng tôi trở thành “Bệnh viện Adaichi cho những kẻ ngoại quốc da diết nỗi nhớ nhà”. Chúng tôi sở hữu một studio âm nhạc nho nhỏ có quầy bar và một chiếc đàn dương cầm cỡ lớn trong ngôi nhà có đôi chút dị thường. Thời kỳ Beth sống cùng với chúng tôi, căn nhà luôn tràn ngập những tay ngoại quốc và người Nhật bản xứ có chung sở thích, họ sẽ đến để tiệc tùng và lắng nghe những buổi biểu diễn nhạc Jazz đầy ngẫu hứng hoặc để học kỹ năng pha chế cocktail từ anh bạn Fuji.
Chúng tôi thường bàn tán rôm rả tới tận đêm khuya, chia sẻ cho nhau những câu chuyện và nồi súp thịt hầm khi tuyết đang rơi trắng xóa ngoài trời. Tôi đã phiêu bạt nhiều năm ở nước ngoài khi mới tuổi đôi mươi và đã nhận được vô vàn tình thương yêu và tấm lòng tử tế từ những con người tôi có dịp hội ngộ trong suốt quãng thời gian đó. Tôi đã sống ở khu vực Notting Hill tại thành phố London từ rất lâu trước khi nơi đó trở thành địa điểm sinh sống lý tưởng, tôi đã kiếm sống bằng những nghề kỳ quặc chỉ để duy trì miếng ăn và có xăng cho xe chạy.
Có Beth trong nhà khiến tôi hoài niệm lại những ngày tháng rong ruổi nơi xứ người. Cô nàng lúc nào cũng tràn trề năng lượng và luôn mang trong mình trí tò mò bất tận. Beth mang về khối chuyện hài hước từ những người mà cô đã gặp gỡ hoặc những tình huống mà cô gặp phải khi làm việc cho chính quyền địa phương.
Cho đến ngày nay, tuy cuộc sống đã thay đổi qua bao bước thăng trầm, nhưng chúng tôi vẫn cùng nhau chia sẻ một tình yêu mộc mạc với những điều giản đơn. Một cuộc chuyện trò vui vẻ, một chai bia lạnh, và một tình bạn đích thực. Mỗi ngày tôi đều thầm cảm ơn vì những điều tốt đẹp trong cuộc sống, bước qua càng nhiều năm tháng cuộc đời, tôi càng trân trọng hơn những món quà mà cuộc sống giản đơn đã ban tặng.
Đây là hồi ức của Michiyuki Adachi kể lại cái ngày mà chúng tôi gặp nhau. Adachi-san là một trong những người tốt bụng nhất, hào phóng nhất và biết hài lòng với cuộc sống nhất mà tôi được quen biết. Tôi nghĩ chẳng phải ngẫu nhiên gì khi con người ông là tổng hòa của tất cả những đức tính tốt đẹp này. Giờ đây khi đã là chủ tịch của một công ty làm ăn phát đạt, cứ hai năm một lần, Adachi- san lại đưa toàn bộ nhân viên công ty đi nghỉ dưỡng ở nước ngoài, ông khuyến khích tiếng cười sảng khoái tại văn phòng và hầu như chẳng có nhân viên nào nghỉ việc ở công ty ông. Tôi cứ mỉm cười mãi khi biết được rằng tên của ông, Michiyuki, có nghĩa nguyên gốc là “hạnh phúc trên hành trình” hoặc như ông thường diễn giải, là “tận hưởng chuyến đi”. Ông và vợ, bà Kyōko, đã dạy tôi rất nhiều về cách làm thế nào để tìm thấy cảm giác mãn nguyện trong cuộc sống. Sự mãn nguyện luôn bắt đầu bằng việc tu dưỡng mối quan hệ giữa con người với con người và kết thúc khi thực sự cảm thấy biết ơn vì tất cả.
Dĩ nhiên là sẽ có những lúc chúng ta cần cảnh giác bên những người lạ. Nhưng trong mỗi người đều tích hợp sẵn một hệ bản năng giúp chúng ta nhận thức rõ điều này và bảo vệ an toàn cho chúng ta. Thường thì cách người ta đối xử với bạn khi đi du lịch phản ánh cách mà bạn đi du lịch. Nếu bạn khám phá với một trái tim và tâm hồn rộng mở, con người ở khắp nơi nơi cũng sẽ mở lòng với bạn, và quy luật này luôn đúng với trải nghiệm của tôi trên đất Nhật Bản.
Mặt đối mặt
Trong quá trình nghiên cứu để làm tài liệu viết cuốn sách này, hầu như tất cả những người vui vẻ đồng ý phỏng vấn với tôi đều yêu cầu gặp mặt trao đổi trực tiếp. Bạn có thể thấy dường như phải bay nửa vòng Trái đất chỉ để nói chuyện với nhau trong thời buổi giao tiếp truyền hình miễn phí như hiện nay có chút gì đó thái quá, nhưng thành thực mà nói, việc này mang ý nghĩa rất quan trọng. Chính thứ trực giác dẫn lối cho người Nhật cảm nhận vẻ đẹp wabi sabi sẽ giúp họ nhìn ra con người thật của bạn. Họ nhận ra có bao nhiêu sinh lực đang hiện diện trong những ngôn từ, trong những điều chưa nói, và chẳng gì có thể sánh được cảm giác mặt đối mặt để cho tâm được đối tâm.
Có một cụm từ trong tiếng Nhật, kūki o yomu, có nghĩa là “đoán biết bầu không khí”. Cụm từ này ám chỉ đến khả năng cảm nhận tâm trạng đang diễn ra trong bầu không khí để từ đó đưa ra hành động phù hợp. Những manh mối để đoán biết có thể xuất phát từ chính ngôn ngữ cơ thể, những nét biểu cảm trên mặt hoặc đơn thuần chỉ là một cảm giác. Khả năng cảm nhận bầu không khí giúp mọi người trong nhóm giao tiếp hòa hợp với nhau hơn bởi nó cho phép bạn dự đoán được mong muốn của người khác mà không cần họ phải nói ra thật cụ thể, hiểu được khi nào nên mở miệng và khi nào nên chăm chú lắng nghe. Khả năng này không đơn thuần chỉ là đặc tính riêng của người Nhật. Bất kỳ ai cũng có thể thực hiện được điều này khi biết kết hợp trực giác, trí thông minh cảm xúc và sự thấu cảm sâu sắc. Kỹ năng này có thể trở thành một công cụ vô cùng hữu ích khi bạn muốn đề cập đến một chủ đề lắt léo, chia sẻ thông tin tế nhị hoặc đơn thuần cho thấy là bạn đang đồng điệu với ai đó. Thay vì chỉ quan sát bằng mắt và lắng nghe bằng tai, hãy cố gắng cảm nhận một con người và câu chuyện từ con tim của chính bạn, bằng cách toàn tâm toàn ý tham gia đối thoại và thật sự chú ý lắng nghe. Hãy chứng kiến sự khác biệt lớn lao mà phương thức này tạo ra.
Các quy tắc giữ bình tĩnh
Nhật Bản luôn là một trong mười quốc gia thanh bình nhất trên thế giới theo bảng xếp hạng chỉ số Global Peace. Nhà báo Danielle Demetriou của tờ Telegraph gần đây đã nhận xét: “Tōkyō có lẽ là một trong những thành phố đông dân nhất thế giới nhưng đây cũng là thành phố sở hữu một nhịp sống hiệu quả và thanh bình đến mức trái ngược hẳn với những chiều không gian ngổn ngang của nó.” Cô tiếp tục lưu ý rằng: “Thành phố Kyōto lại chuyển động theo một nhịp điệu hoàn toàn khác biệt với rặng hoa anh đào bên sông đang tưng bừng khoe sắc như những áng mây hồng và những khu vườn thiền với nền cát cào uốn lượn quanh bố cục hòn non bộ thấm đượm cảm hứng thơ haiku.”
Đằng sau khung cảnh những chuyến tàu điện ngầm chật ních, những tiệm trò chơi panchiko ồn ào, hay những tiếng phát thanh inh ỏi, là lớp nền nhuốm màu trầm tĩnh như đang mời gọi bạn thư thả và hít thở thật sâu. Một vài người có thể khẳng định nhịp điệu thanh bình này có sự liên quan đến mật độ dày đặc của các ngôi chùa và điện thờ (chỉ riêng thành phố Kyōto đã có hai nghìn ngôi chùa và điện thờ) đan xen với cảnh sắc thiên nhiên tuyệt diệu hiển hiện khắp nơi đây. Lại có người nói nguyên nhân nằm ở cái gu thẩm mỹ của người Nhật, chính là thứ mỹ cảm tinh tế vẫn luôn dẫn dắt xứ sở này trao tặng những khoảnh khắc tĩnh lặng, giản đơn và tuyệt mỹ tại những nơi bất ngờ nhất. Tuy nhiên, vài người sẽ nhận định nó có gì đó liên quan tới cách con người cư xử và tương tác với nhau.
Nếu giữ được tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến, chúng ta có thể ứng phó, ra quyết định đúng đắn, giữ được sự trầm ổn và giao tiếp với nhau hiệu quả hơn rất nhiều. Điều này rất tốt cho trí não và thân thể vì nhờ có nó mà cơ thể của chúng ta tránh được tình trạng quá tải hormone căng thẳng mỗi khi gặp phải điều gì đó mang tính thách thức hoặc ngoài ý muốn.
Cuộc sống luôn có thời gian và nơi chốn cho những cảm xúc phấn khích, lâng lâng hạnh phúc, hồ hởi và thậm chí cho cả tâm trạng lo âu thấp thỏm. Những loại hình cảm xúc cao trào như vậy hiếm khi tồn tại song song với sự bình tĩnh, và chúng là phần đi sâu vào trải nghiệm cuộc sống của chúng ta. Nhưng thật mệt mỏi biết bao khi sống mà cứ phải vật lộn mãi với những cảm xúc mang thái cực thăng trầm. Những cảm xúc quá độ chồng chất lên sự mệt mỏi căng thẳng và bất định mỗi ngày có thể gây hỗn loạn cuộc sống. Sự bình tĩnh là liều thuốc bổ quý giá giúp chúng ta lấy lại sự cân bằng, thanh tĩnh và thiên tư trầm lặng. Nó nhắc nhở chúng ta vạn vật dẫu sao đi chăng nữa cũng không có gì là mãi mãi, luôn khiếm khuyết và không trọn vẹn, nó khuyến khích chúng ta tìm kiếm sự giản đơn và giữ đầu óc thanh tỉnh dù ở bất cứ đâu.
Giao tiếp trầm ổn
Trong quãng chuyển giao thiên niên kỷ, tôi nhận ra mình đang có mặt ở Tōkyō để phục vụ công tác tổ chức Giải Vô địch bóng đá thế giới của FIFA diễn ra tại Hàn Quốc/Nhật Bản vào năm 2002. Việc đồng tổ chức một trong những sự kiện thể thao lớn nhất thế giới hiển nhiên đã kéo theo đủ loại thách thức trên phương diện chính trị cũng như vận hành đi cùng với nhiều cuộc thương lượng vô cùng nhạy cảm. Dẫu vậy, đây là một dịp gặp gỡ hiếm hoi giữa các quan chức Nhật Bản và những người đồng cấp bên phía châu Âu và châu Mỹ mà bên phía Nhật Bản cất lên tiếng nói của mình.
Một bài học quý báu mà tôi đã rút ra trong quãng thời gian này chính là giá trị của khả năng giao tiếp trầm ổn. Ý kiến các bên có sự vênh lệch một trời một vực, các vấn đề tưởng chừng như không thể khắc phục được và các bên đều thể hiện cảm giác thất vọng rõ rệt, ấy là còn chưa kể đến sự hiểu lầm do rào cản giao thoa giữa các nền văn hóa. Cơn giận dữ hay những màn thể hiện sức mạnh bằng lời qua tiếng lại chẳng thể giải quyết được bất cứ vấn đề nào. Nhờ sự hỗ trợ tuyệt vời của những phiên dịch viên tài ba, phương thức giao tiếp trầm ổn đã khai thông thế bế tắc của ngày hôm đó.
Tâm lý con người ai mà chẳng muốn được lắng nghe và thấu hiểu, và khi duy trì sự trầm ổn trong giao tiếp, chúng ta có thể giữ được bình tĩnh tốt hơn rất nhiều. Khi ai đó nói với chúng ta với thái độ gây hấn, áp đặt ý kiến, nói ra những điều gây tổn thương hoặc những điều chúng ta cực lực phản đối thì chúng ta vẫn luôn có lựa chọn: chúng ta có thể chọn phản ứng bằng cách khiến năng lượng và tâm trạng gây hấn tiêu cực ngày càng leo thang, hoặc chọn cách phản hồi thật trầm ổn giúp mang lại những cuộc thảo luận cân nhắc kỹ càng hơn hoặc thậm chí kết thúc được cuộc đối thoại. Phương thức trầm ổn không phải lúc nào cũng là sự đồng thuận, hay nhượng bộ mà là việc sử dụng các công cụ giữ trầm ổn để tạo ra những cuộc đối thoại tốt đẹp hơn và tránh những căng thẳng không cần thiết.
Vượt trên cả ngôn từ
Tất cả chúng ta đều giao tiếp với ngôn ngữ cơ thể và những biểu cảm trên gương mặt, với các sắc thái giọng nói và năng lượng toát ra từ mỗi người. Tùy vào cách thể hiện các phương diện biểu cảm trên ra sao, chúng ta có thể mở ra bầu không khí giao tiếp hòa hợp hơn hoặc đóng sầm lại cơ hội trò chuyện trước mắt. Khi ai đó chọn ngừng giao tiếp thì mọi lời bạn cố gắng nói ra với họ đều trở thành khó nghe, và nếu bạn cho phép bản thân rơi vào dòng xoáy đầy rẫy năng lượng tiêu cực thì cũng rất khó có lời nào lọt nổi tai bạn nữa.
Một trong những điều quan trọng nhất mà tôi học được về phép giao tiếp trầm ổn tại Nhật Bản chính là điều này: Bạn có thể trao đổi cụ thể về điều mà bạn cảm nhận chứ không cần tái thể hiện cảm xúc của bản thân. Do vậy, nếu có ai đó khiến bạn giận dữ, bạn có thể giải thích quan điểm của mình mà không phải gào tướng lên. Bạn có thể cho ai đó biết rằng bạn cảm thấy căng thẳng mà không phải hành xử mất kiểm soát trước mặt họ. Nếu bạn có thể làm vậy, mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp với tất cả các bên.
Ngữ cảnh trong giao tiếp bằng tiếng Nhật mang ý nghĩa sâu sắc hơn rất nhiều những lời được nói ra. Từ mức độ lịch thiệp và chiều sâu của tư thế cúi chào cho đến bầu không khí và sự thông hiểu lẫn nhau mà vì một lý do nào đó chẳng cần trao đổi qua những ngôn từ, giao tiếp bằng ngôn ngữ Nhật Bản có vô vàn hàm ý vượt trên cả những ngôn từ.
Mặc dù thật khó khăn để diễn giải thấu triệt những chi tiết tinh tế trong giao tiếp này nhưng chúng ta vẫn có thể học hỏi hết thảy những điều có giá trị như: sự nhạy cảm, sự kiên nhẫn, sự chuyên chú lắng nghe, sự quan tâm đến người khác.
Những bài học từ suối nước nóng
Tôi vẫn nhớ rõ thời điểm tôi đã mắc phải sai lầm.
Đó là một trong những ngày mà tôi đang cố gắng cày ải cho xong một danh sách dài công việc, tôi đang bị cảm mạo, cô con gái lớn bám lủng lẳng trên cánh tay trong khi tôi đang cố gõ bàn phím giữa lúc cô út lại đang quờ quạng dưới chân mẹ để tìm bằng được đôi giày búp bê đang thất lạc đâu đó. Tôi thực sự nên chờ cho đến lúc thật yên tĩnh để có thể hoàn thành việc đặt chỗ khách sạn, nhưng tôi không còn nhiều thời gian trước chuyến đi, do vậy mà tôi cứ thế cắm đầu làm cho xong. Lối suy nghĩ ấy đã báo hại tôi.
Một tuần sau, tôi có mặt tại nhà khách suối nước nóng Kanbayashi Onsen với tấm thân mệt rã rời sau chuyến bay xuyên đêm và hành trình đi tàu dài đằng đẵng để tới được khu vực hẻo lánh thuộc tỉnh Nagano. Tôi được chào đón nồng hậu với tách trà đậu đen và một người quản lý ca trực rất thân thiện, và mọi chuyện khởi đầu thật tốt đẹp. Nhưng sau đó nét mặt của người quản lý tỏ rõ vẻ bối rối.
“Xin cho tôi được biết bạn đồng hành của cô đâu?” Anh hỏi.
“Chỉ có tôi thôi”, tôi trả lời.
“Ồ.” Hóa ra tôi đã trả tới 250 bảng Anh cho căn phòng đôi duy nhất trong khu nghỉ dưỡng suối nước nóng dù chỉ đi một mình. Giá đặt phòng không hề bao gồm phục vụ đồ ăn, và đã quá trễ để đặt món vì nhà bếp đều đã chuẩn bị theo số lượng khách đặt cả rồi. Nếu bạn đã từng tới suối nước nóng ở Nhật Bản, bạn sẽ biết rằng một trong những trải nghiệm hạnh phúc nhất, sau khi trầm mình vào bể nước suối nóng, là bạn sẽ được mặc bộ đồ kimono bằng chất cotton kiểu yukata và tha hồ thưởng thức bữa tiệc gồm các món sơn hào hải vị của địa phương được kỳ công chế biến. Chỉ món ăn thôi đã chiếm một nửa trải nghiệm rồi. Chả ai lại đi đặt mỗi phòng nghỉ ở khu suối nước nóng.
“Tôi rất lấy làm tiếc. Tôi có thể chỉ cho quý khách một quán mỳ ramen rất ngon dọc trên con đường này.” Anh chào mời và cố gắng giúp tôi vơi bớt sự hụt hẫng. Tôi đau khổ đến tan nát cõi lòng. Bên ngoài tuyết đã phủ dày cả thước. Và tôi chắc chắn rằng sau khi ngâm mình trong bồn nước suối nóng, chẳng ai còn muốn lặn lội dọc theo con đường lạnh buốt chỉ để ăn một bát mỳ trong khi mọi người đang tận hưởng bữa tiệc đúng nghĩa tại khách sạn này.
Tất nhiên, mọi lỗi lầm đều thuộc về tôi. (Ừ thì, lỗi của tôi và cả của trang Expedia nữa, khi đưa ra lựa chọn mỗi tiền phòng mà không kèm phí bữa ăn tại khu suối nước nóng.) Nhưng biết thế rồi thì còn có ích gì nữa đâu. Những âm thanh hỗn loạn cứ vang lên trong đầu tôi: Tại sao mình lại không tập trung trong vòng năm phút thôi chỉ để đặt phòng cho chính xác ngay từ đầu? Tại sao mình lại không bỏ thời gian đọc cho kỹ các thông tin chi tiết? Vẫn tệ như mọi khi nhỉ. (Mặc dù tôi thường không mắc lỗi tệ như vậy. Tôi luôn rất khá với những thứ đòi hỏi tính lô-gic.) Đôi khi sự hỗn loạn cứ thế nảy sinh trong cuộc sống của chúng ta.
Nhưng sau đó kỹ năng tiếng Nhật của tôi được kích hoạt và tôi bày tỏ lời xin lỗi chân thành nhất. “Ồ, xin đừng lo lắng, đó hoàn toàn là lỗi của tôi. Tôi đáng nhẽ ra phải cẩn thận hơn lúc đặt phòng. Thật tiếc quá, ngay khi tôi lại đang trông chờ được thưởng thức các món đặc sản thơm ngon của Nagano, nhưng đây hoàn toàn là lỗi của tôi vì đã làm mọi sự sắp đặt trở nên rối tinh rối mù. Tôi thành thật xin lỗi vì đã khiến cho anh cảm thấy khó xử với mớ hỗn độn này...”
Có lẽ có điều gì đó trong tông giọng của tôi khi nói bằng tiếng Nhật, thứ ngôn ngữ quá đỗi lịch thiệp duy nhất mà tôi thấy phù hợp để sử dụng vào lúc này và, có lẽ chính ngôn ngữ cơ thể của tôi ăn nhập với ngôn ngữ cơ thể của người quản lý ca trực và đã khiến anh phải suy ngẫm. Có lẽ chính sự phản hồi nhã nhặn đến bất ngờ của vị khách ngoại quốc mệt lử đang quay cuồng với một ý nghĩ duy nhất là được ngâm mình trong bồn nước nóng và thưởng thức bữa tối ngon lành, một vị khách chẳng hề cư xử ồn ào cũng như bất lịch sự như các vị khách khác thi thoảng vẫn phản ứng, người đã hành xử thật lịch sự kèm lời xin lỗi rối rít và khiến cho anh suy nghĩ cân nhắc lại.
“Xin hãy ngồi xuống thưởng thức trà và bánh. Tôi sẽ quay lại văn phòng và thử xem tôi có thể làm gì đó không.” Nói đoạn, anh cúi chào và chạy vụt đi.
Anh thực hiện một cuộc điện thoại và, trước khi tôi ăn xong miếng bánh mời khách thì anh đã quay lại với một tin tốt lành. Anh quỳ xuống bên cạnh tôi, xin lỗi một lần nữa và nói rằng nhà bếp sẽ chiếu lệ đặc biệt vì tôi đã mất bao công sức đi từ rất xa đến đây, và rằng tôi được chào đón với bữa tối mười hai món miễn phí, và có hay chăng nếu tôi chấp nhận bữa ăn này? Liệu tôi có bao giờ từ chối được không? Tôi hoàn toàn ngỡ ngàng.
Sự khiêm nhường và ứng xử lịch thiệp được đáp lại bằng sự đối đãi khiêm nhường và lịch thiệp tương xứng. Không kịch tính. Không căng thẳng. Chỉ lòng tốt đối đãi với nhau mà thôi.
Tôi đã nghĩ về điều này khi chúi đầu thưởng thức các món củ sen, tôm và đậu Hà lan trong súp miso của nhà hàng thuộc khách sạn vào đêm đó. Tôi đã ngẫm đi ngẫm lại khi thầm gửi lời cầu nguyện biết ơn người đầu bếp đã chuẩn bị hết sức chu đáo món mầm đương quy chiên giòn ăn kèm với củ ngưu bàng luộc, đậm hương vị đất và gỗ đang bốc khói nghi ngút quyện mùi gia vị. Trong khi món thịt bò Nagano cùng hành tây đang được nướng trên một ngọn nến ngay trước mặt, tôi suy ngẫm tại sao phản hồi tự nhiên của mỗi chúng ta khi gặp phải vấn đề nan giải lại thường là phát tiết ra một loạt phản ứng căng thẳng, tức giận và đổ lỗi. Khi tôi dùng đôi đũa đảo món nấm được gom góp tại địa phương, tôi đã ngẫm nghĩ về việc làm thế nào những cơn phát tiết sự bực dọc hiếm khi giúp giải quyết được vấn đề.
Và khi người ta đưa lên món súp sò, cơm và dưa chuột địa phương, tôi đã tìm ra ba câu hỏi có thể giúp chúng ta xử lý những tình huống đầy thách thức với một hình mẫu suy nghĩ bình tĩnh hơn. Lần tới, mỗi khi bạn muốt hét lên trong lúc xảy ra xung đột, hãy hít một hơi thật sâu rồi hãy tự hỏi mình:
Có phải bởi vì bạn muốn tìm ra phương thức giải quyết vấn đề và vượt qua hoàn cảnh rối ren hay chỉ vì cái tôi đang khiến bạn muốn ăn miếng trả miếng hoặc tìm mọi cách thắng trong cuộc tranh luận? Tập trung vào giải pháp hòa hợp đôi bên thay vì đấu đá hoặc lôi kéo có thể cho phép bạn xử lý tình huống theo chiều hướng bình tĩnh hơn, đưa ra giải pháp nhanh hơn.
Hãy cố suy ngẫm về những câu hỏi này mỗi khi bạn cảm thấy cơn tức giận đang trào dâng, hoặc khi bạn thấy mình đang trút giận lên con cái, đối tác hoặc đồng nghiệp và hãy xem bạn có thể giải quyết mọi chuyện theo cách bình tĩnh hơn được hay không. Sau đó, hãy để ý bạn cảm thấy khác biệt ra sao mỗi khi làm như vậy.
Hãy cố gắng đưa thế giới quan wabi sabi tới tất cả các mối quan hệ của bạn, và bạn sẽ sớm nhận thấy các mối quan hệ sẽ khác biệt đến nhường nào khi được nhìn qua lăng kính này.
TRIẾT LÝ WABI SABI
VỀ NUÔI DƯỠNG CÁC MỐI QUAN HỆ.
THỰC HÀNH: KẾT NỐI TINH THẦN TRÀ ĐẠO VỚI CUỘC SỐNG ĐỜI THƯỜNG
Hãy nghĩ về ai đó mà bạn đặc biệt thân thiết ‒ như người bạn đời, con cái, một bậc phụ huynh, một người bạn hoặc đồng nghiệp. Hãy ghi chú lại các cách mà bạn có thể áp dụng những nguyên tắc bên dưới vào các mối quan hệ thường ngày với các đối tượng kể trên. Các câu trả lời của bạn có thể thiên về cảm xúc hoặc mang tính thực tế.
Wa (hài hòa)
Kei (tôn kính)
Sei (thanh tịnh)
Jaku (tĩnh lặng)