Người Nhật có câu tục ngữ nổi tiếng, 七転び八起き nana korobi ya oki, nghĩa là “Ngã bảy lần, đứng dậy tám lần”. Một điều mà tôi đã thấm thía trong quá trình học tiếng Nhật. Câu tục ngữ trên khuyên nhủ chúng ta không được bỏ cuộc, nhưng nó còn bao hàm ý tứ sâu sắc hơn khi không bắt đầu từ chuyện ngã xuống (vì như thế sẽ là “ngã bảy lần, đứng dậy bảy lần”). Nó tính đến cả lần đứng thẳng đầu tiên của bạn, qua đó nhắc nhở chúng ta trước hết phải hiên ngang hiện diện thì mới có thể ngã xuống, và rồi có cơ hội để đứng dậy một lần nữa.
Vì là sinh viên duy nhất trong khóa học không thông thạo ngôn ngữ, mọi chuyện khởi đầu thật khó khăn với tôi. Trong tuần đầu tiên bỡ ngỡ tại trường đại học, khi những người bạn mới đang miệt mài học những kiến thức cao siêu trong phòng luyện nghe và trên giảng đường thì đứa như tôi lại đang loay hoay học cách nói “Xin chào” theo ba kiểu tùy theo thời điểm trong ngày. Và thỉnh thoảng tôi cứ nhầm lẫn loạn cả lên.
Là một sinh viên Khoa nghiên cứu Đông Á tại đại học Durham, tôi say mê truyền thống và những trải nghiệm nơi đây ‒ những buổi phụ đạo nhóm nhỏ cùng các giảng viên ân cần trong những lớp học dưới mái hiên căn nhà cổ thời Victoria, hàng dãy sách tiếng Nhật mà tôi mong ước một ngày nào đó có thể đọc được, và cả Bảo tàng phương Đông ngay cạnh chứa vô vàn những bản in khắc gỗ và tranh vải cùng những cổ vật từ những xứ sở xa xôi. Chúng tôi học những phép tắc xã giao khi đến thăm nhà người Nhật, xem những bộ phim hoạt hình của Miyazaki, miệt mài chấm chấm quẹt quẹt bút lông vào nghiên mực đen sáng loáng suốt những buổi chiều ngày thứ Năm để vẽ những ký tự Kanji bay lượn trên nền giấy gạo trong không gian du dương tiếng nhạc cổ điển. Tiếng Nhật như một bài hát tuyệt vời mà giai điệu luôn làm tôi mê đắm. Tôi chỉ khá vụng về khi cất lời ca mà thôi.
Kể từ bài kiểm tra từ vựng đầu tiên, hành trình học tiếng Nhật của tôi đã luôn ngổn ngang những thất bại tan nát. Trong kỳ thi năm nhất, kết quả kiểm tra của tôi tệ hại đến nỗi một giảng viên cao cấp đã gọi tôi lên văn phòng rồi nghiêm nghị tuyên bố rằng Khoa không chắc liệu tôi có nên đến Kyoto trong kỳ học tiếp theo hay không. Gì cơ? Chẳng lẽ họ không hiểu sao? Được đến và sinh sống tại Nhật Bản là tất cả những gì mà tôi hằng ao ước. Tôi ở đây là để có được chuyến đi đó. Tôi đã van xin rồi năn nỉ và cả thề thốt rằng mình sẽ ổn thỏa khi sống trong môi trường ngôn ngữ và văn hóa Nhật Bản. Thế rồi thật kỳ diệu làm sao nỗ lực đó đã thành công, và vài tuần sau, tôi ngồi trên chuyến bay đến phương Đông, với hành lý là chiếc vali chứa đầy sự hoài nghi về bản thân cùng cuốn từ điển Kanji và một lô quần áo đủ dùng trong suốt cả năm trời.
Bước dọc sân bay quốc tế Kansai, tôi ngơ ngác trước những biển chỉ dẫn mà tôi không thể đọc được, nghe những tiếng trò chuyện và thông báo mà tôi không thể hiểu nổi và chết lặng nhận ra rằng những người xung quanh đang nói thứ ngôn ngữ mà bấy lâu nay tôi theo học. Chính là thứ ngôn ngữ mà đáng lẽ ra tôi đã phải đầu tư thời gian học thay vì ngồi đọc những bản tin vắn cho đài phát thanh của trường hoặc lượm lặt thông tin nội bộ cho tập san sinh viên. Và rồi tôi gặp gia đình bản xứ mà tôi sẽ tá túc trong thời gian học tập, người mẹ chỉ nói được phương ngữ Kyōto, trong khi các thành viên còn lại hoàn toàn không nói được tiếng Anh. Tôi chợt nhận thức rõ rằng mình cần phải cải thiện trình độ tiếng Nhật nếu muốn sống ổn thỏa một năm tới.
Hành trình học ngôn ngữ của tôi, nếu vẽ thành đồ thị, sẽ bắt đầu từ con số không tròn trĩnh ở phần góc dưới bên trái, đi lên bằng một nét run rẩy biểu thị cho giai đoạn đầu không vững vàng, rồi sau đó tiến bộ kha khá trong năm đầu sinh sống tại Kyōto. Đồ thị đi lên những lúc tôi dạt dào cảm hứng và đi xuống mỗi khi tôi sa sút tinh thần. Đồ thị đi ngang đều đều ở quãng giữa, vọt lên mỗi khi gần đến các kỳ thi, và rồi lại vươn cao hơn nữa khi tôi hoàn tất văn bằng và quay trở lại Anh. Tôi cảm thấy khá tự tin vào thời điểm tốt nghiệp, chỉ để rồi bị sốc nặng khi đi làm tại Nhật, nhận thấy rằng yêu cầu công việc đòi hỏi trình độ cao hơn nhiều những gì tôi mường tượng. Những kiến thức mà tôi cho rằng đã đủ dùng hóa ra lại chẳng thấm tháp vào đâu, tôi nhận ra điều này khi làm phiên dịch trực tiếp cho các vị thống đốc, các ngài đại sứ và cả các vận động viên hàng đầu trên những sân khấu lớn. Tôi ghi âm những cuộc gặp và nghe đi nghe lại cho đến lúc hiểu thật rõ ràng mới thôi, tôi mày mò dịch báo, đồng thời tích cực tham gia những lớp học về văn hóa và nhiệt tình giao lưu với bạn bè. Suốt khoảng thời gian này, cảm xúc của tôi chao đảo giữa hãnh diện và tuyệt vọng, khi tôi nghĩ đến những gì đã đạt được rồi lại nhận ra những điều còn cần phải phấn đấu.
Sau tất cả, tôi nhận ra rằng mình chỉ có thể làm những gì trong giới hạn khả năng, với những công cụ sẵn có hiện thời. Tôi có thể chuẩn bị kỹ lưỡng hết mức rồi sau đó chỉ cần có mặt ‒ lý tưởng nhất là đã được nghỉ ngơi đầy đủ và tỉnh táo ‒ để thực hiện tốt nhất công việc trong khả năng. Mỗi lần làm vậy, tôi lại thấy mình tiến bộ hơn một chút, học được thêm vài điều và trở nên tự tin hơn. Tất nhiên, cũng có những lần sự tự tin ấy lại bị đập cho tan tành, nhưng rồi tôi tự gượng dậy và tiếp tục phấn đấu.
Đồ thị thể hiện trình độ ngôn ngữ của tôi cứ thế đi dần lên theo mỗi năm làm việc tại Tōkyō. Đồ thị này có lẽ đạt tới đỉnh điểm trong cái năm tôi vùi đầu vào nghiên cứu các kỹ năng phiên dịch song song để lấy bằng thạc sĩ. Sau đó, tôi làm việc cho Liên Hiệp Quốc để có thêm kinh nghiệm công tác. Ở đây, tôi được ngồi cùng cabin phiên dịch với những người phụ nữ được nuôi dạy bằng hai thứ tiếng từ tấm bé, họ đã có 30 năm kinh nghiệm làm việc và vừa ngồi đan len vừa phiên dịch. Công tác tại đây có lẽ là một sai lầm. Tôi đã vô cùng hoảng hốt và ngày càng mất tự tin. Đồ thị trình độ tiếng Nhật của tôi bất thình lình trông giống hệt chỉ số Nikkei sau cuộc khủng hoảng thị trường chứng khoán.
Nhưng bản chất con người vốn vậy. Càng giỏi thứ gì chúng ta lại càng hướng tầm mắt ra xa hơn. Chúng ta chuyển dịch từ vũng tù đọng sang ao hồ, từ ao hồ vươn ra biển lớn. Tiêu chuẩn luôn luôn thay đổi, và chừng nào chúng ta xem đó là động lực thúc đẩy để làm việc hiệu quả và tâm huyết hơn thì mọi chuyện vẫn ổn thỏa. Nhưng nếu chúng ta hành động để so đo với người khác, tiêu chuẩn sẽ trở thành một mối nguy hại. Ý tôi không phải là bạn nên an phận trong vũng nước tù đọng, mà là bạn có thể hạnh phúc cả trong chốn ao hồ, và điều đó chẳng có vấn đề gì nếu đây là nơi bạn có thể phô diễn hết năng lực bản thân. Bạn có thể cảm thấy định mệnh của mình là vùng vẫy nơi biển lớn và điều này cũng hoàn toàn tốt thôi. Chỉ cần đảm bảo rằng bạn giương buồm ra khơi vì những lý do chính đáng.
Vậy điều này có liên quan gì đến wabi sabi? Đó là cảm giác nhẹ nhõm khi biết rằng trên đời này không có gì là mãi mãi, hoàn hảo hoặc trọn vẹn. Khi tôi làm hỏng việc thì đấy chỉ là chút nhiễu loạn nhất thời chứ không phải một bản án chung thân. Khi tôi mắc lỗi, tôi có thể sửa lại cho đúng hoặc làm tốt hơn lần sau. Ở bất kỳ đâu trên hành trình học tập, tôi vẫn luôn tiến bước chứ không dừng lại ở vạch đích nào cả, tâm thế đó cho phép tôi cảm thấy thoải mái khi biết rằng mình không có nghĩa vụ biết hết tất cả, và khiến tôi tò mò về về những điều chưa biết.
Đồ thị học tập luôn tiềm tàng khả năng đâm xuống, chạy ngang hoặc đi lên. Nó hoàn toàn phụ thuộc vào bạn, thái độ, nỗ lực và mức độ chuyên tâm của bạn. Điều này không chỉ đúng khi học một kỹ năng, mà còn đúng cả khi học về tài chính, tình yêu hoặc nuôi dạy con cái. Thậm chí là học về chính bản thân mình. Sự học vốn không bao giờ kết thúc, trọn vẹn hoặc hoàn hảo cả. Học, học nữa, học mãi.
Thái độ của người Nhật đối với thất bại
Trong quá trình nghiên cứu của tôi, một trong những vấn đề nan giải nhất là tìm cách dung hòa quan niệm về sự không hoàn hảo của triết lý wabi sabi với sự ác cảm cố hữu của người Nhật dành cho những thất bại công khai. Nếu một doanh nghiệp bị phá sản, Tổng giám đốc điều hành thường là cá nhân phải chịu trách nhiệm. Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á vào những năm 1990 đã chứng kiến sự sụp đổ liên hoàn của một số nhân vật hàng đầu tại đất nước này. Và không chỉ những người nằm trong tầm mắt của công chúng ‒ hằng năm, phần lớn học sinh đều miệt mài ôn luyện tại các juku (lớp luyện thi) sau giờ học chính khóa để chuẩn bị cho các kỳ thi vào trường cấp ba và đại học, cốt để không đánh mất cơ hội theo học tại những ngôi trường danh tiếng. Như người dân ở bất cứ đâu, người Nhật chẳng thích thú gì chuyện thất bại, và trong xã hội vẫn còn kỳ thị chuyện “mất mặt” khi mọi việc đổ bể.
Tôi nhận ra rằng tái định hình thất bại không có nghĩa là học cách yêu chuộng hoặc hoan nghênh thất bại. Nó có nghĩa là làm hết khả năng với tâm thế quyết thành công (bởi bạn thực sự toàn tâm toàn ý đến việc mình đang làm), nhưng nếu thất bại xảy đến thì nó có nghĩa là học cách xử lý thất bại theo hướng giúp bản thân tiếp tục tiến về phía trước.
Ví dụ minh họa nổi bật cho điều này là cuộc phỏng vấn với Hiroshi Nagashima, người sáng lập công ty thua lỗ Sharebu Kids, trong chương trình phát thanh Disrupting Japan. Ở phần giới thiệu, người dẫn chương trình Tim Romero, một tay kỳ cựu trong giới khởi nghiệp tại Nhật, đã nhận định: “Thất bại thật đau đớn. Thất bại nghĩa là cô đơn. Một vài người mà bạn vẫn tưởng là bạn bè thân thiết bỗng lạnh lùng cắt đứt liên lạc. Thất bại là lúc bạn nhận thấy rõ cả điều tệ hại nhất và đôi khi là điều tốt đẹp nhất trong chính bản thân và những người xung quanh.”
Kỳ thực, khi công ty của ông Nagashima làm ăn lụn bại, nhóm các nhà đầu tư, bạn bè và gia đình ông đã tỏ thái độ chấp nhận và hỗ trợ ông hơn những gì ông trông đợi. Vấn đề lớn nhất là ông đã tự dày vò bản thân đến cùng cực khi chuyện mới xảy ra. Tuy nhiên, ông Nagashima cuối cùng đã có được cái nhìn rõ ràng hơn về những gì có thể làm khác đi nếu bắt đầu lại từ đầu, và ông đã vận dụng kinh nghiệm để giành được một công việc bảo đảm tại một công ty khác. Ông thừa nhận rằng chính kinh nghiệm thất bại vốn khó nuốt trôi vào thời điểm đó đã giúp ông trở nên mạnh mẽ và ý chí hơn, thay đổi cách suy nghĩ và bớt lo lắng về những điều không thực sự quan trọng.
Để tái định hình thất bại, trước hết chúng ta phải tái định hình thành công. Khi chúng ta dồn hết tâm trí theo đuổi một mục tiêu duy nhất và lấy chuyện thành bại làm thước đo cho giá trị của bản thân ‒ ngay cả khi có rất nhiều yếu tố chi phối nằm ngoài tầm kiểm soát ‒ thất bại có thể gây đau đớn vô cùng. Mục tiêu này bị bó buộc trong quan niệm của chúng ta về sự hoàn hảo. “Giá như tôi đạt được X, trở thành Y, kiếm được Z… thì tôi sẽ cảm thấy hạnh phúc.”
Thay vào đó, nếu chúng ta nhìn nhận thành công là cách chúng ta muốn cảm nhận và trải nghiệm cuộc đời thì mọi sự sẽ thay đổi theo. Chúng ta sẽ thảo luận điều này chi tiết hơn ở Chương 7 nhưng trước mắt, hãy xem thử những gì chúng ta có thể học về thất bại khi tiếp nhận nó qua thế giới quan wabi sabi:
Hiểm họa của việc theo đuổi sự hoàn hảo
Cạnh tranh không phải là điều xấu. Nó khuyến khích chúng ta thử thách bản thân và mài giũa kỹ năng. Vấn đề nảy sinh khi chúng ta cố gắng theo đuổi sự hoàn hảo trong một thế giới có quá nhiều yếu tố ngoài tầm kiểm soát. Nguy cơ thất bại tùy thuộc vào đấu trường mà chúng ta lựa chọn. Ai cũng có thể chiến thắng ở bất kỳ lĩnh vực nào nếu lựa chọn đấu trường vừa sức. Cơ hội phát triển xuất hiện khi phạm vi thi đấu được mở rộng, có nghĩa là chúng ta không thể tránh khỏi những lúc thất bại. Nhưng nếu ngay từ đầu chúng ta nhìn nhận bản chất thật sự của thất bại ‒ đó là chúng ta đang bước ra khỏi vùng an toàn và mở cửa trái tim cho những trải nghiệm lớn lao hơn ‒ vậy thì thất bại là một món quà.
Trong vai trò thông dịch viên, tôi đã đứng cạnh rất nhiều vận động viên đẳng cấp thế giới, cả những người gục ngã trước bục vinh quang trên đấu trường quốc tế lẫn những người giành được huy chương Olympic. Tôi hiểu được hố sâu cảm xúc ngăn cách giữa thành và bại. Tôi cảm nhận được nỗi thất vọng tột cùng của họ ngay sau khi không đạt được mục tiêu mà họ đã đổ ra biết bao mồ hôi công sức. Thế nhưng, tất cả những người tiếp tục hướng đến những điều lớn lao hơn đều hiểu rõ rằng: những gì tiếp diễn sau đó mới thực sự quan trọng.
Điều này cũng tương tự trong việc làm phim, nướng bánh, hay trong học thuật ‒ thực chất là trong mọi đấu trường mà chúng ta theo đuổi một ước mơ rõ ràng. Mỗi lần hứng chịu thất bại, chúng ta luôn có quyền lựa chọn mình sẽ làm gì với thất bại này và tiếp tục phấn đấu ra sao trong tương lai.
Hãy khao khát. Hãy tài năng. Hãy phi thường. Theo đuổi những ước mơ truyền cảm hứng cho bạn và hạnh phúc trên hành trình đó. Nhưng đừng để cái tôi xui khiến theo đuổi sự hoàn hảo viển vông. Thay vào đó, hãy thả lỏng khi biết rằng sự hoàn hảo là một mục tiêu không bao giờ đạt được. Mở rộng giới hạn bản thân mới là điều quan trọng.
Tập mở rộng giới hạn bản thân
Mối liên hệ với nước Nhật đã đưa đẩy tôi nhận được một số công việc lạ thường trong những năm qua, có lẽ đáng nhớ nhất là lần làm phiên dịch cho một tay bơi đường trường có mục tiêu bơi qua eo biển Anh trong khoảng thời gian dưới 15 giờ đồng hồ. Ken Igarashi là một nông dân trồng lúa đến từ một thành phố ven biển ở Tsuruoka. Từ những năm cấp hai, anh đã là một tay bơi cừ khôi nhưng sau đó phải gác lại đam mê để tập trung vào cuộc sống gia đình và công việc. Anh tập cử tạ trong những năm 20 tuổi và có được nền tảng sức khỏe tốt để quay lại bộ môn bơi đường trường khi ở giữa độ tuổi 30.
Chừng mười năm sau đó, khi tôi gặp Ken, anh đã là người Nhật đầu tiên bơi qua eo biển Tsugaru nằm giữa đảo Honshu và Hokkaido, nối liền Biển Nhật Bản với Thái Bình Dương. Anh cùng huấn luyện viên bay đến Dover, và ba chúng tôi trú tại một nhà nghỉ ấm cúng luôn rộn rã tiếng mòng biển kêu ngoài trời. Điều lệ để bơi qua eo biển từ Anh sang Pháp rất nghiêm ngặt, nhất là bởi tính chất nguy hiểm khi bơi ngang qua tuyến thủy lộ chính. Chúng tôi đã lên khung thời gian cho chuyến bơi, và một trọng tài độc lập sẽ ngồi cùng huấn luyện viên và tôi trên một chiếc thuyền hoa tiêu chạy dọc theo Ken. Chúng tôi có thể ném cho anh đồ ăn và thức uống được buộc vào một sợi dây thừng nhỏ nhưng nếu sợi dây có dấu hiệu bị kéo căng thì thử thách sẽ không được tính. Nếu Ken chạm vào thuyền tại bất kỳ thời điểm nào, thử thách sẽ không được tính. Kể cả Ken có bị chuột rút, bị sứa đốt hoặc gặp bất cứ trắc trở nào trong suốt hành trình, chúng tôi cũng không được phép trợ sức cho anh.
Vào ngày Ken thực hiện chuyến bơi vượt eo biển, tôi thức dậy lúc 3 giờ sáng, ăn bánh kẹp phô mai rồi đi ra tiền sảnh để gặp Ken và huấn luyện viên của anh. Tôi bàng hoàng khi trông thấy Ken bước đi chệch choạc và không thể đứng vững. Hóa ra hỗn hợp thuốc ngủ và rượu whisky mà Ken uống vào đêm trước nhằm giúp cơ thể thoát khỏi trạng thái mệt mỏi sau chuyến bay dài đã phản tác dụng, nếu hôm ấy là một ngày bình thường thì chúng tôi đã khuyên anh quay trở lại giường nghỉ ngơi ngay lập tức. Tôi đã không muốn Ken xuống biển giữa đêm trong tình trạng đáng lo ngại như vậy, nhưng anh kiên quyết thực hiện chuyến bơi bởi đây là cơ hội thuận lợi duy nhất. Người ra quyết định cuối cùng là huấn luyện viên của anh, và sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, ông cho phép anh thực hiện chuyến bơi.
Mọi thứ khởi đầu không hề suôn sẻ. Chuyến bơi được tính giờ từ lúc bước xuống nước tại bờ biển Dover, và rồi kỳ quái thay khi mới bơi được chưa đến 100 mét, Ken bắt đầu bơi ngược trở lại nước Anh. Cũng dễ hiểu khi trọng tài tỏ thái độ lo lắng trước tình trạng mất phương hướng của Ken. Huấn luyện viên gào thét chỉ dẫn rồi động viên Ken bơi ngược trở lại hướng nước Pháp, và chúng tôi tiếp tục hành trình.
Dường như chính cú sốc vì nước lạnh cùng việc nhận ra mình đã bơi sai hướng đã giúp Ken hoàn toàn tỉnh táo trở lại, và rồi tiếp sau đó là một màn trình diễn tuyệt vời của ý chí kiên định trong suốt nhiều giờ đồng hồ. Tuy nhiên, chính sai lầm tại vạch xuất phát đã khiến Ken phải trả giá đắt vào cuối hành trình. Dọc bờ biển Pháp, điểm nhô ra biển xa nhất là một mũi đất nằm gần Calais. Nếu bơi đủ nhanh để đến được đó, bạn có thể giảm bớt đáng kể thời gian hoàn thành chuyến bơi. Tiếc rằng Ken đã bơi hụt mất mục tiêu này, và dưới tác động bất lợi của thủy triều, rốt cuộc anh phải bơi mất thêm hai giờ đồng hồ.
Ngay sau khi Ken rướn người leo lên thuyền, cơ thể vẫn còn run cầm cập và đuối sức nhưng nét mặt lộ rõ vẻ hân hoan vì đã hoàn thành thử thách, anh được đài truyền hình quốc gia Nhật Bản NHK phỏng vấn qua điện thoại vệ tinh. Khi được hỏi về chuyến bơi vừa xong, Ken đã trả lời rằng “Ishōkenmei ganbarimashita” nghĩa là “Tôi đã cố gắng hết sức”.
Khắt khe ra mà nói, Ken đã không hoàn thành mục tiêu bơi dưới 15 giờ mà anh tự đề ra, thành tích sau cùng là 16 giờ 42 phút. Tuy nhiên, anh đã bơi qua eo biển Anh ‒ một nỗ lực phi thường ‒ do vậy anh chỉ tập trung vào thành quả đã đạt được và tự hào vì bản thân đã cố gắng hết sức để lần đầu tiên hoàn thành một chặng bơi vượt biển quốc tế. Anh đã rút ra được một số bài học quan trọng cho những thử thách trong tương lai.
Thái độ đó đã giúp anh tiến xa. Sau này, Ken Igarashi (họ của anh trong tiếng Nhật có nghĩa là “Năm mươi cơn bão”) trở thành người Nhật đầu tiên bơi từ Nhật Bản sang Hàn Quốc, từ Nhật Bản sang Nga, và bơi dọc hồ Baikal.
MƯỜI CÁCH NUÔI DƯỠNG SỨC BẬT TINH THẦN
Nhưng khó lắm...
... Tôi biết là khó lắm chứ. Thật nặng nề làm sao cái cảm giác thất bại rồi kéo theo đó là sự hối hận và những ý nghĩ tự dày vò bản thân. Công việc mà bạn mong ước bị từ chối. Đau. Những năm tháng mà bạn dành trọn cho một mối quan hệ để sau cùng nhận lại chỉ là một trái tim tan nát. Đau. Nhà xuất bản thứ mười lăm thẳng thừng từ chối phát hành cuốn sách mà bạn đã dồn bao tâm huyết sáng tác. Đau. Dự án bạn đồng ý thực hiện mà chẳng cần ký hợp đồng sau cùng lại đổ sông đổ bể. Đau. Những lần bạn nói CÓ nhưng sâu trong tâm can bạn biết rằng mình đáng lẽ phải nói KHÔNG. Lại một lần đau nữa.
Làm gì có chuyện thất bại là điều dễ dàng. Nhưng tin tốt ở đây là bạn có quyền lựa chọn đối mặt với thất bại như thế nào. Nếu bạn ra sức kìm giữ thất bại trong sự hối hận và dày vò bản thân, nó sẽ chỉ biến thành thứ gì đó tăm tối và nặng nề hơn. Bởi vì mọi thứ đều thay đổi, phải không nào? Thế nên, hãy tìm cách chuyển hóa thất bại đó thành bài học. Cho dù việc này có vẻ khó khăn đến đâu, bạn luôn có quyền đưa ra lựa chọn đó. Hãy tập trung vào những khác biệt có thể xảy ra nếu bạn quyết định tìm kiếm những bài học từ thất bại.
Kháng cự lại nguy cơ thất bại
Trong quá trình giúp đỡ mọi người chuyển tiếp công việc, lối sống và giai đoạn cuộc đời, tôi thường xuyên gặp phải lực kháng cự mạnh mẽ xuất phát từ tâm lý quá sợ hãi thất bại của những người phải làm lại từ đầu. Nếu bạn bắt đầu một điều gì đó mới mẻ, khả năng cao là bạn sẽ gặp phải nhiều trắc trở trong quá trình này.
Hiển nhiên là chuyện này ảnh hưởng nặng nề đến tinh thần cũng như cái tôi của mỗi người. Dễ hiểu tại sao có quá nhiều người lãng phí hàng năm trời sống theo một lối mòn vẫn đang khiến họ đau khổ, cốt để tránh nguy cơ mắc phải sai lầm có thể làm cho họ đau khổ trong tương lai. Đây chính là trường hợp điển hình của những người muốn chuyển sang phong cách sống sáng tạo hơn, hoặc kiếm thu nhập từ những ngành nghề mang tính sáng tạo. Rủi ro quá cao, nỗi sợ thất bại lại quá lớn, những vị giáo viên nghệ thuật và các tay phê bình trong quá khứ vẫn lởn vởn như những bóng ma gào thét vang vọng bên tai họ. Nhưng có một điều mà họ không nhận ra: con đường tiến lên phía trước được tạo nên từ những thất bại. Sau mỗi lần vươn lên từ thất bại, bạn lại tích góp thêm được chút khôn ngoan làm vốn liếng cho thời khắc khó khăn sau này. Thất bại không nhất thiết phải trở thành hồi kết của câu chuyện. Thất bại có thể trở thành sự khởi đầu của chương tiếp theo nếu bạn chấp nhận sự không hoàn hảo, biết thương yêu bản thân và chọn con đường tiến về phía trước.
Chẳng ai đang quan sát bạn đâu...
Ngồi khoanh chân trên tấm đệm trong một ngôi chùa tại Kyōto, dường như tôi đang thiền sai hoàn toàn. Đáng lý ra phải nhập định thì trong đầu tôi toàn là những suy nghĩ về cảm giác râm ran như kiến bò trên đôi chân, âm thanh sột soạt phát ra khi tôi cố ngọ nguậy để được thoải mái hơn, những giọng nói văng vẳng trong đầu đang cảnh báo tôi rằng tất cả mọi người đều nhìn chằm chằm vào tôi với thái độ không hài lòng vì đã khiến họ mất tập trung. Tôi không thể cưỡng lại ý muốn hé mắt nhìn ra xung quanh. Dĩ nhiên là chẳng có ai đang quan sát tôi cả. Chẳng ai buồn quan tâm việc tôi làm hoặc săm soi tôi đang làm có “đúng” hay không. Họ còn đang mải bận rộn với sự vụ của chính họ.
Nơi đây chỉ có tôi đang tự phán xét chính mình, tự nhủ bản thân đã thất bại trước cả khi có thể thật sự suy nghĩ thấu đáo về ý nghĩa của “thành công” trong thiền. Chỉ sau khi buông bỏ ý nghĩ phán xét, tôi mới thư thả hòa mình vào khoảnh khắc hiện tại và không gian nơi đây, trong tiếng chuông ngân nga thăm thẳm, trong cảm giác cọ mắt cá chân lên mặt sàn gỗ, trong mùi hương thảm cói tatami thanh khiết, trong tiếng người làm vườn cào cát sột soạt ngoài kia, trong sự gợi nhớ rằng tôi đang trong một hành trình phiêu lưu và tôi đã chọn xuất hiện ở chốn đây vào chính thời khắc này.
SÁU BƯỚC NHẸ NHÀNG
ĐỂ RÚT RA BÀI HỌC TỪ THẤT BẠI
Áp dụng sáu bước dưới đây để xử lý bất kỳ sự kiện hoặc tình huống nào mà bạn vẫn đang xem như một “thất bại”:
1. Sự thật. Tuyên bố rõ những sự thật về điều đã xảy ra.
2. Sự chân thành. Làm rõ ai là người mà bạn lâu nay vẫn trách móc, và vai trò của bạn trong sự kiện đã diễn ra là gì.
3. Đơn giản hóa. Đào sâu suy nghĩ để tìm ra bài học lớn nhất mà bạn rút ra từ hoàn cảnh này.
4. Vô thường. Xác minh trong nội tại bản thân, bạn đã mất đi những gì, đã thu được điều gì và đã thay đổi ra sao.
5. Sự không hoàn hảo. Thừa nhận sự không hoàn hảo của bản thân hoặc của người khác, bạn cần phải tha thứ hoặc biết trân trọng để tiếp tục tiến lên, và luôn nhắc nhở bản thân rằng sự không hoàn hảo hình thành nên con người.
6. Sự bất toàn. Nhận thức rõ ràng thất bại này chưa phải hồi kết của câu chuyện. Quyết định xem bạn sẽ làm gì tiếp theo.
Vượt qua nỗi sợ thất bại trong sáng tạo
Chúng ta cho ra đời những tác phẩm tuyệt vời nhất khi tâm hồn ở trạng thái khoáng đạt và chân thành nhất. Đó là khi tác phẩm sáng tạo của chúng ta chạm đến tâm hồn người thưởng thức và biểu đạt những xúc cảm mà chúng ta có lẽ chẳng bao giờ tâm sự thành lời. Nhưng chia sẻ điều thầm kín trong tâm hồn có thể khiến chúng ta cảm thấy dễ tổn thương hơn, trần trụi hơn và dè dặt hơn: Bởi nhỡ may điều chúng ta chia sẻ bị người đời chỉ trích, nhạo báng hoặc chối bỏ nghiệt ngã? Chẳng khác nào chính chúng ta đang phải chịu nỗi đau bị chỉ trích, nhạo báng hoặc bị chối bỏ. Thật hiển nhiên khi nỗi sợ hãi này cứ lặp đi lặp lại trong quá trình tôi hỗ trợ những người đang cố tạo dựng cho riêng họ một sự nghiệp sáng tác.
Nỗi sợ thất bại là một trong những rào cản lớn nhất khiến bao người không dám theo đuổi đam mê. Và ngay tại chính hoàn cảnh này ẩn chứa một trong những bài học quan trọng nhất về wabi sabi. Wabi sabi là phản ứng trực giác trước cái đẹp thể hiện bản chất thật của cuộc sống. Wabi sabi có thể là một phản ứng trong tâm hồn ai đó trước vẻ đẹp sáng tạo xuất phát từ bên trong bạn. Điều này có nghĩa là chỉ khi bạn chia sẻ sự sáng tạo tuyệt vời trong tâm hồn, thế gian mới có cơ hội thực sự chiêm ngưỡng vẻ đẹp ấy.
Do vậy với tất cả những ai trong chúng ta đang không dám bộc lộ sự sáng tạo vì sợ thất bại, chúng ta đang hiểu sai toàn bộ vấn đề. Vẻ đẹp thực sự không ẩn náu trong thành tựu trên phương diện hoàn hảo nào đó mà phần nào nằm ngay trong hành động chia sẻ bản thân tác phẩm ra công chúng.
Lẽ dĩ nhiên, ngày nay có rất nhiều thước đo cho “sự thành công” tùy thuộc vào phương diện giá trị mà bạn ưa thích. Buổi triển lãm nghệ thuật của bạn đã bán hết các tác phẩm chứ? Cuốn sách mà bạn viết có nằm trong danh sách các tác phẩm bán chạy nhất hay không? Có hàng trăm người theo dõi trên Instagram thích bài mà bạn mới đăng lên chứ? Những yếu tố kể trên mang tính quyết định nếu xét trên phương diện kiếm sống và qua đó giúp bạn có thêm thời gian để cho ra đời tác phẩm giàu chất sáng tạo hơn, và chúng ta sẽ tìm hiểu sâu hơn về điều này trong Chương 7. Nhưng những thước đo này chẳng hề có chút ý nghĩa nào với vẻ đẹp tuyệt vời mà bạn và những người thưởng lãm tác phẩm của bạn đang cùng nhau sáng tạo nên. Thất bại duy nhất ở đây chính là ngay từ đầu đã lẩn tránh sáng tạo.
Hãy thử một lần xem sao
Thật khó khăn khi phải đối mặt với nỗi sợ thất bại trong lĩnh vực quá đỗi nhạy cảm riêng tư như sáng tạo nghệ thuật, nhưng hãy tái định hình nỗi sợ đó thành kim chỉ nam cho điều mà bạn thực sự quan tâm, và hãy quyết tâm thử một lần xem sao.
Đấy là một buổi sáng mùa xuân ấm áp, tôi thấy mình đang dạo bước khoan thai qua quận dệt may Nishijin, thủ phủ ngành dệt may tại Kyōto suốt hơn 1.500 năm qua và nơi đó cách căn hộ mà tôi và Mr. K ‒ người chồng hiện nay của tôi ‒ đã thuê sáu tháng trước chỉ vài bước chân. Nishijin là một khu vực vô cùng quyến rũ của thành phố Kyoto, tại nơi đây bạn có thể quan sát các nghệ nhân phô diễn tài năng, nhưng không với mục đích làm vừa mắt các vị khách du lịch mà họ chỉ đơn thuần xem đây là công việc giống như bao thế hệ tài hoa xưa nay vẫn thường làm. Một tòa nhà đặc biệt thu hút sự chú ý của tôi. Đó là một cửa hàng lớn dựng bằng chất liệu gỗ với lối vào rất thoáng treo rèm noren truyền thống mang hàm ý chúng tôi đang trong thời gian mở cửa. Tôi tò mò ghé mắt nhìn vào trong.
Ngay sau khi bước qua cánh cửa trượt nặng nề, tôi đã há hốc miệng vì quá đỗi kinh ngạc. Không gian hiện ra là một xưởng thủ công rộng 300 mét vuông với kết cấu mái vòm cao tới tận ba tầng. Hai bên vách tường bày biện những bộ đồ kimono đẹp nhất mà tôi từng được chiêm ngưỡng trong đời, không gian trung tâm giữa phòng vô cùng trống trải chỉ với hai chiếc bàn thấp, vài tấm giấy vẽ phác thảo và chiếc lọ đựng bút.
Tòa nhà này hóa ra chính là xưởng chế tác của nghệ nhân Kyoji Miura, một nhà thiết kế từng đoạt giải vàng cho các bộ đồ kimono đương đại cao cấp dành cho giới nghệ sỹ geisha và những vị khách hàng sang trọng. Ông cũng sở hữu một dòng sản phẩm rèm noren truyền thống, giống như tấm rèm treo ngoài cửa đã thôi thúc tôi đặt chân đến nơi đây, và rồi tôi bỗng thực sự tò mò muốn biết làm thế nào để dệt nên một tấm rèm như vậy.
Tôi cất tiếng chào lịch sự trong không gian rộng lớn và rồi một người đàn ông có vẻ ngoài hiền hậu với mái tóc buộc kiểu đuôi ngựa màu bạc khá dài xuất hiện chậm rãi từ căn phòng nhỏ phía đằng sau. Tôi ngỏ ý xin lỗi ông vì đã làm phiền và hỏi liệu tôi có thể ngắm nhìn kỹ hơn những tác phẩm tuyệt đẹp của ông không. Sau một thoáng bối rối trước người khách nước ngoài lai vãng từ ngoài phố, ông gật đầu và ra dấu cho phép cho tôi được thăm quan tường tận hơn.
Sau khi cùng nhau chia sẻ tách trà xanh và nêu ra hàng đống những thắc mắc về những thiết kế kimono của ông, tôi đã dành hết dũng khí để hỏi liệu ông có sẵn sàng dạy tôi cách làm rèm noren hay không.
“Tôi không dạy”, ông trả lời một cách khá gượng gạo. “Tôi chỉ thiết kế thôi.”
“À, tôi hiểu”, tôi đáp lại và vẫn giữ thái độ ngóng chờ.
“Nhưng mà, tôi nghĩ là có thể xem xét việc này. Tại sao cô không quay trở lại vào ngày mai với một bản phác thảo về thứ mà cô muốn làm, rồi tôi sẽ cân nhắc về yêu cầu này.”
Tôi chạy như bay về nhà và hăm hở phác thảo một thiết kế nháp với giấy washi và một chiếc đũa. Ông Kyoji Miura đã tỏ vẻ khá ngạc nhiên khi thấy tôi trở lại vào ngày hôm sau, và thậm chí còn ngạc nhiên hơn khi tôi lôi bản thiết kế ra từ trong túi.
“Khá là thú vị đấy. Không tệ chút nào.” Ông hết nhìn bản mẫu nháp rồi lại ngước mắt nhìn tôi, rồi ngắm nhìn lại bản phác thảo.
Và thế là sự nghiệp học nghề làm rèm của tôi đã bắt đầu. Tôi dành rất nhiều ngày học hỏi trong xưởng của ông, từ lúc mọi thứ được phác thảo cho đến khi tô điểm, nhuộm rồi sấy khô, kéo căng rồi lại được đem đi giũ sạch.
Có rất nhiều thời điểm trong quá trình học tôi cảm thấy choáng ngợp trước quy mô kiến thức đồ sộ của lĩnh vực mà tôi đang cố hết sức để cóp nhặt trong khoảng thời gian khá ngắn ngủi. Ông là một nghệ nhân bậc thầy với các tiêu chuẩn cực kỳ khắt khe; còn tôi chỉ là một kẻ tay mơ vốn chẳng biết tí gì. Nhưng Miura-sensei liên tục nhắc nhở tôi hãy tập trung cho công việc trước mắt. Hãy luôn nỗ lực có mặt tại xưởng của ông, hãy thử nghiệm và quan sát điều gì đang diễn ra. Ông dạy tôi biết chú ý đến những chi tiết, biết lắng nghe theo các chỉ dẫn và cả biết cách vận dụng trực giác. Xét cho cùng, đây chính là thiết kế của tôi. Trong tâm trí của vị nghệ nhân đặc biệt này, không có lỗi lầm, tất cả chỉ là những thử nghiệm sáng tạo đầy thú vị mà thôi.
Trở lại với xưởng chế tác của Miura-sensei, khi chúng tôi cuối cùng cũng đến công đoạn cắt tấm vải lanh dài được nhuộm thủ công thành ba đoạn, khâu chúng lại với nhau rồi treo lên thanh giá đỡ bằng tre, trái tim tôi hạnh phúc như muốn vỡ òa. Có một vài mảng nhuộm không được cân đối, một vài dòng kẻ xiên xẹo ở chỗ này hay chỗ kia, và vài đoạn tiếp giáp hơi không khớp nhau giữa các tấm vải rèm. Nhưng đối với tôi, tác phẩm rèm noren đầu tiên trong đời chính là một tác phẩm không hoàn hảo một cách hoàn hảo, một kho báu mà tôi luôn trân quý.
Tấm rèm đó giờ được treo tại nhà tôi, có hình mặt trăng ánh bạc trên nền màu chàm soi bóng hai chú chim. Đôi chim mang ý nghĩa tượng trưng cho hy vọng, tương thân tương ái và sự tự do. Và đấy chẳng phải là thành quả chúng ta trông chờ khi vượt qua nỗi sợ thất bại khi sáng tạo đó sao?
NĂM CÁCH ĐỂ XÂY DỰNG SỰ TỰ TIN TRONG SÁNG TẠO NGHỆ THUẬT
Áp dụng những lời khuyên thiết thực sau đây, bạn sẽ xây dựng được sự tự tin trong sáng tạo nghệ thuật, giúp bạn có thể tiếp tục đưa các tác phẩm tâm huyết ra với thế giới. Khi bạn làm được vậy, thất bại đã lùi lại phía sau rồi.
Những bài học từ Ngôi nhà Ánh sáng
Đi thăm thú tới vùng sâu vùng xa tại Nhật Bản, tôi mất năm giờ đồng hồ ròng rã trên sáu chuyến tàu, một hộp cơm trưa Bento và hộp bánh que Pocky để tới được thành phố Tokamachi, nằm sâu trong vùng phủ tuyết trắng của tỉnh Niigata. Người tài xế taxi thân thiện đã đón tôi từ ga, và suốt hành trình tôi cũng đã dồn hết sự tập trung để trò chuyện với anh bởi một lẽ chẳng có gì cho tôi thưởng ngoạn ngoài những bức tường tuyết cao mười bộ dọc hai bên đường. Đan xen giữa các mẩu thông tin về lịch sử địa phương và những lời giới thiệu tuyệt vời về suối nước nóng quanh đây, anh còn chia sẻ về việc cộng đồng địa phương nơi đây đang thí nghiệm một giống gạo mới. Tôi đắm chìm trong những mô tả về sự khác biệt hương vị của giống gạo koshihikari nổi danh nhất Nhật Bản với các thương hiệu gạo giống shinnosuke mới nổi, vốn đều là đặc sản từ các địa phương trồng lúa gần đây, để rồi chẳng biết từ lúc nào chúng tôi đã đến điểm cuối lộ trình. Khi chúng tôi tấp xe vào mặt tiền của nhà khách uy nghiêm Hikari no Yakata (Ngôi nhà Ánh sáng), cảnh quan nơi đây đã khiến tôi xúc động nghẹn ngào.
Kết cấu thang bằng gỗ rộng rãi dẫn hướng lên lối vào vô cùng đường bệ đang trôi thấp thoáng trong làn mây tuyết, tiếp nối ở cả hai bên là hành lang đóng khung cao chừng chín bộ so với mặt đất. Kiến trúc sư người Nhật Daigo Ishii và nghệ sỹ trình diễn ánh sáng người Mỹ James Turrell là những người đã thiết kế ngôi nhà này nhằm phục vụ lễ hội nghệ thuật Echigo-Tsumari diễn ra ba năm một lần. Đây là công trình xây dựng với mục đích trở thành nơi chốn an yên dành cho thiền định, Ngôi nhà Ánh sáng là hình thái nghiên cứu các chiều ánh sáng ẩn khuất thông qua trải nghiệm.
Ngôi nhà được xây dựng theo phong cách sukiya trang nhã với mái chính và mái đầu hồi dáng nghiêng nghiêng. Kết cấu bên trong gồm các phòng lát thảm cói tatami có cửa kéo kiểu yukimi shōji với ô cửa bằng giấy có thể kéo trượt lên xuống như mở cửa sổ cho phép bạn từ bên trong quan sát khung cảnh tuyết rơi ngoài trời khi vẫn an vị trên chiếc đệm nằm ấm áp kiểu futon truyền thống. Ấn tượng ban đầu cho cảm giác ngôi nhà mang đậm chất truyền thống nhưng sau khi tìm hiểu kỹ càng hơn, ta nhận ra những đặc điểm thiết kế tinh tế đã biến ngôi nhà trở thành một không gian trải nghiệm nghệ thuật tương tác ‒ từ những sợi đèn quang học trong nhà tắm cho tới tông ánh sáng dịu dàng bên trong gợi lại khung cảnh ánh nến lập lòe xa xưa trong những mái ấm gia đình Nhật Bản truyền thống.
Ngôi nhà Ánh Sáng có khả năng tiếp nhận tối đa sáu khách viếng thăm nhưng điều khiến tôi cảm thấy vui hơn cả chính là việc người quản lý thân thiện thông báo rằng tất cả các vị khách khác đều đã hủy lịch đặt phòng, do vậy sẽ chỉ có mình tôi sở hữu trọn vẹn ngôi nhà vào thời gian này. Thật là một món quà tuyệt diệu từ trên trời rơi xuống.
Dần về cuối chiều, một vị đầu bếp người địa phương mang đến những món ăn vừa chín tới được đặt trong mười chiếc khay khác nhau. Trong khi ông giải thích lần lượt nguyên liệu từng món ăn, tôi vẫn không thể nào kìm được cảm giác sung sướng khi bản thân được quá đỗi nuông chiều với bữa tối thịnh soạn dành riêng cho mình. Căn phòng mà tôi chọn để dùng bữa và ngủ nghỉ quả thực là nơi độc nhất vô nhị. Một kết cấu giếng trời hình chữ nhật khổng lồ đã được khoét bỏ khỏi trần phòng màu trắng. Chỉ cần chạm nhẹ vào nút bấm, toàn bộ phần mái sẽ trượt đi và để lộ ra bầu trời. Ngay trước khi mặt trời lặn, màn trình diễn ánh sáng siêu thực bắt đầu. Toàn bộ khu vực bao quanh giếng trời trên trần nhà mờ dần đi từ màu sắc này sang màu sắc khác. Qua khung cửa sổ, tôi thấy tuyết trắng rơi và những ngọn núi hòa mình trong sắc xanh xám của ráng chiều chạng vạng; còn khung giếng trời lung linh ánh sáng hồng đã tô màu nền trời xanh thẫm tự bao giờ.
Nâng đôi đũa trên tay, dù chỉ có một mình, tôi vẫn lặng lẽ cúi đầu. Món đầu tiên phải nếm chính là món rau củ ninh nhừ niimono cùng bát canh măng, khoai sọ, nấm enoki và cá vược. Và khi bầu trời chuyển sang sắc xanh lục tương phản với khung ánh sáng màu đỏ phơn phớt như sắc hoa anh đào, tôi chuyển sang dùng món búp hoa kim chi tâm và canh miso ngọt cùng món cá cam Nhật Bản rưới thứ sốt teriyaki sền sệt với chút gừng.
Giờ đây ánh sáng màu chàm nhàn nhạt đang dần chiếm trọn trần nhà, và bầu trời hiện lên trong sắc vàng như đang phản chiếu món trứng cuộn ăn kèm với lá dương xỉ và cá hồi. Tiếp theo đấy là món súp cá bơn, dưới nền trời đã rạng ngời sắc xanh trong nổi bật lên giữa khung ánh sáng màu kẹo bông. Và giờ là món đậu hũ rán với cà rốt, khi khung ánh sáng hồng ngày càng rực rỡ và bầu trời chuyển dần sang màu xanh lam đậm nét huyền ảo của xứ sở Ba Tư.
Sắc trời chỉ phảng phất chuyển màu khi màn đêm buông xuống nhưng chính sự tương phản với khung giếng trời liên tục biến ảo lại đang lột tả nên một cảnh sắc đẹp phi thường. Ánh sáng trắng quyện trong ráng chiều tím và soi bóng trên khay đựng món cá đục và cà tím chiên kiểu tempura. Đồng hành cùng món cơm trắng và súp miso mờ ảo là sắc hồng rạng ngời đang làm rực lên khung trời xanh lục tươi tắn.
Và rồi, khi bữa tối dần kết thúc trong hạnh phúc trọn vẹn cùng chiếc bánh pudding sữa mịn màng, sắc da cam ngọt ngào đột ngột đưa bầu trời sang tiết màu ngọc lam. Dần về phần cuối của màn trình diễn ánh sáng, tôi dọn bàn sau khi đã thỏa mãn no nê và ngả lưng trên tấm nệm futon giữa sàn nhà phủ cói tatami. Ánh sáng nơi trần phòng trôi dần về sắc trắng tinh khôi làm bật lên khung trời nhuốm màu lam chàm. Mặt trăng đã xuất hiện tự bao giờ. Màn đêm dần phủ bóng quanh các mép giếng trời. Và rồi khi tôi mới ngước nhìn lên màn đêm thăm thẳm từ đáy sâu trên tấm nệm futon, trong tấm chăn quấn ấm áp ôm ấp quanh thân thể còn hơi sương lạnh đang phủ xuống gương mặt mình, những bông tuyết đã bắt đầu rơi. Ngay tại nơi đây.
Những bông tuyết lạnh thật sự đang rơi trong chính căn phòng này. Thinh không đã tràn ngập vào bên trong. Nội tại đã hòa nhập với bên ngoài. Tôi biết mình nên đóng mái phòng lại nhưng chẳng thể nhúc nhích khi mải miết trong dòng suy tư trước cảnh tượng vốn dĩ chẳng thể diễn ra nhưng không hiểu bằng cách tài tình nào mà nghệ thuật đã khiến nó trở thành sự thực. Làm thế nào chúng ta chỉ luôn cảm nhận và tin vào mọi thứ theo một thiên hướng nhất định cho đến khi nhận ra mọi chuyện vốn không như ta tưởng. Làm thế nào bất kỳ điều gì cũng có thể thành sự thật khi những điều kiện phù hợp cho phép. Và điều này còn làm tôi tự hỏi: Chúng ta còn giới hạn bản thân theo phương diện nào khác nữa? Chúng ta có thể đạt tới những thành tựu nào nếu biết ngừng nhồi nhét cho bản thân những suy nghĩ tiêu cực.
Mỗi khi khung giếng trời chuyển từ màu này sang màu khác cũng là lúc cảnh sắc bầu trời chữ nhật bên trong khoác lên mình sắc thái mới. Mỗi khi chúng ta bế tắc trong cuộc sống, cảm giác ấy giống như thể chúng ta chỉ đang quan sát được một phiên bản duy nhất của bầu trời. Chúng ta quên mất rằng ai cũng có khả năng quan sát được vô vàn phiên bản bầu trời khác nữa nếu như biết thay đổi những khung hình. Lời nhắn nhủ này không có ý nói chúng ta mỗi khi gặp thất bại nên chối bỏ hoặc trốn chạy mà đúng hơn là thừa nhận rằng chúng ta có thể thay đổi góc nhìn về những điều đã xảy ra. Chúng ta có đang đóng khung thất bại với những câu chuyện nặng nề và u ám chen lẫn nỗi thất vọng hay sự phán xét? Ngượng ngùng và tủi hổ? Thất vọng và tuyệt vọng? Hay chúng ta đang định hình thất bại với thái độ nhẹ nhàng hơn, xem thất bại như cơ hội để học hỏi và trở thành người có nghị lực và trí tuệ, như một manh mối giúp tái tổ hợp tư duy và thay đổi theo hướng tích cực? Hoặc đơn thuần xem thất bại như một lời nhắc nhở nhẹ nhàng cho thực tế chúng ta ai cũng chỉ là con người, và con người ai mà chẳng có lúc phạm phải sai lầm? Chìm đắm hay phát triển? Đổ lỗi hay nhìn vào triển vọng? Hối hận hay cơ hội học tập? Những điều ta trông thấy sẽ thay đổi tùy theo cách ta định hình nó. Và điều đó sẽ thay đổi tất cả.
Tôi miên man trong những dòng suy nghĩ rồi đột nhiên mọi thứ chìm vào trong đêm đen. Khung ánh sáng giếng trời đã biến mất. Tôi chợt cảm thấy mình đang bị hút vào màn đêm rộng mở, dường như tôi đang rơi thẳng tới nền trời bao la vậy, và đêm tối phủ tấm áo choàng xung quanh tôi.
Sáng hôm sau, tôi thức dậy giữa khung cảnh tĩnh lặng. Hàng mét tuyết trắng chất đống quanh khu nhà và quang cảnh nơi đây chẳng có bóng dáng bất kỳ ai. Tôi đã chìm trong giấc ngủ khi mải ngắm nhìn ngôi làng tỏa sáng lấp lánh trong màn đêm dưới thung lũng, và giờ đây tấm màn sương đã chen ngang cảnh sắc đó khiến giờ đây tôi chẳng thể nhìn thấy gì ngoài những rặng cây. Khung cảnh ngoài kia tựa như một bức tranh với hàng trăm sắc thái trắng và xám. Tôi làm bữa sáng với món bánh mì nướng phô mai trong lò nướng cá, thưởng thức trà trong một chiếc ấm đun trong suốt. Và rồi ngồi yên trong tĩnh lặng thêm chút nữa. Tôi biết rằng có điều gì đó đang chờ đón tôi trong khoảng trống giữa những gì tôi đã thấy với những gì tôi đã thấu hiểu. Tôi khao khát muốn nhận biết điều này, vậy nên tôi chuyên chú lắng nghe. Và trong khoảng thời gian mong mỏi đợi chờ, tôi nhớ mình đã chụp vài tấm ảnh qua khung giếng trời trên mái phòng bằng cả máy ảnh kỹ thuật số lẫn điện thoại iPhone. Tôi tự hỏi những bức ảnh sẽ trông ra sao nên tôi đã tò mò thử nhìn qua một chút. Kết quả thật vô cùng kinh ngạc.
Bầu trời qua ống kính máy ảnh kỹ thuật số hầu như chẳng có sự thay đổi màu sắc trong từng bức ảnh, sắc trời từ từ thẫm hơn qua từng khung ảnh vốn hợp lẽ tự nhiên khi bóng đêm dần buông xuống. Nhưng những bức ảnh trên điện thoại iPhone lại là câu chuyện khác, bầu trời biến ảo trong màu sắc qua mỗi khung hình tương tự những hình ảnh mà bộ não đã tiếp nhận và trình diễn trước mắt tôi.
Vẫn là khung trời ấy nhưng trông thật khác biệt qua những lăng kính khác nhau. Và qua lần quan sát các bức ảnh này, Ngôi nhà Ánh Sáng đã hé lộ cho tôi bài học sau cùng: Cảm nhận của chúng ta đối với các vấn đề không chỉ phụ thuộc vào việc chúng ta định hình chúng ra sao mà còn bị chi phối bởi những lăng kính mà chúng ta dùng để quan sát chúng. Chúng ta có thể nhìn qua lăng kính phán xét hoặc lăng kính khoan dung, và điều đó quyết định mức tổn hại cảm xúc mà chúng ta cho phép “thất bại” gây ra.
Vẻ đẹp sabi mà chúng ta đã đề cập ở Chương 1 không phải là vẻ đẹp được tạo ra từ bàn tay con người. Theo lẽ tương tự, những bài học mà chúng ta rút ra từ thất bại không phải là những bài học mà chúng ta cam tâm tình nguyện nhận lấy. Thất bại là tất yếu và chúng ta chẳng thiếu gì các giải pháp đúng đắn để đối mặt với nó, nhưng xem bản thân là sự thất bại không nằm trong số các giải pháp này. Bạn trải nghiệm và rút ra được bài học gì từ thất bại phụ thuộc hoàn toàn vào khung hình và lăng kính mà bạn chọn.
Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà tôi học được bài học này trong một kết cấu kiến trúc được dựng nên nhờ sự cộng tác tài tình giữa một kiến trúc sư Nhật Bản và một nghệ sỹ phương Tây. Quan sát các nền văn hóa khác và quay lại với văn hóa của chính chúng ta sẽ mang đến những bài học vô cùng có giá trị. Khi nhận ra có nhiều cách để quan sát thế giới xung quanh, chúng ta đã trao cho chính mình rất nhiều lựa chọn:
TRIẾT LÝ WABI SABI
VỀ TÁI ĐỊNH HÌNH THẤT BẠI
THỰC HÀNH: TÁI ĐỊNH HÌNH
Thử nhớ lại một lần thất bại nào đó của bạn. Kết hợp với “Sáu bước nhẹ nhàng để rút ra bài học từ thất bại”, hãy trả lời các câu hỏi sau: