Một trong những giáo lý cốt lõi của wabi sabi là chấp nhận bản chất thật sự của cuộc sống: vạn vật đều vô thường, bất toàn và không hoàn hảo.
Trong chương này, chúng ta sẽ tìm hiểu sự chấp nhận đó trong mối quan hệ với bản thân, quá khứ, hiện tại và tương lai. Đến cuối cùng, tôi hy vọng bạn sẽ cảm nhận được sự thay đổi, thoát khỏi tình trạng căng thẳng và tăng cường sức mạnh cá nhân một khi biết từ bỏ sự hoàn hảo và chấp nhận những gì vốn dĩ đã vậy, từ đó có được một khởi đầu mới với cách tư duy này.
Vạn vật luôn biến chuyển
Mỗi lần đến Kyōto, tôi lại thấy thành phố này vừa quen vừa lạ. Nhiều tòa nhà mọc lên, nhiều tòa nhà sụp xuống. Những cửa hàng mới xuất hiện, số khác lại biến mất. Suốt những năm qua, chiến tranh và động đất, hỏa hoạn và du lịch đã không ngừng thay da đổi thịt thành phố này. Và tất nhiên, sự luân chuyển của bốn mùa là một phần cuộc sống thường nhật nơi đây, một lời gợi nhắc trực quan và biểu cảm về dòng chảy của thời gian.
Mới đây tôi có gặp lại một người bạn cũ ở Tōkyō, mười năm rồi chúng tôi mới lại hội ngộ. Khi nhìn thấy nhau, cả hai đều thốt lên: “Trông cậu chẳng khác gì cả!” mặc dù trong thực tế, chúng tôi đều đã thay đổi về nhiều mặt. Kể từ lần cuối cùng gặp nhau, tôi đã kết hôn, có hai đứa con, xây dựng một cơ sở kinh doanh và chuyển nhà nhiều lần đến độ không nhớ nổi. Còn cô đã sống ở nước ngoài, đổi nghề, chiến đấu với bệnh tật, mất một đấng sinh thành và học một ngôn ngữ mới. Mỗi trải nghiệm này đều đã tác động đến chúng tôi, dù ít dù nhiều.
Cuộc sống, các mối quan hệ, sự nghiệp, sức khỏe, tài chính, quan niệm, sở thích, năng lực, trách nhiệm và cơ hội của chúng ta luôn thay đổi. Đôi khi đó là một sự thay đổi đáng kể hoặc nhanh chóng, và bạn cảm nhận nó rõ ràng như một cơn gió ào ạt. Lúc khác, sự thay đổi lại nhỏ bé hoặc chậm chạp, giống như một bông thủy tiên đang vươn mình về hướng mặt trời, bạn phải hết sức chú ý mới nhận thấy được.
Vạn vật đều không ngừng biến chuyển. Và chúng ta cũng vậy. Wabi sabi dạy chúng ta rằng tính chất ngắn ngủi là trạng thái tự nhiên của vạn vật. Chính bởi thay đổi là không thể tránh khỏi, thế nên cố gắng níu giữ quá khứ hoặc hiện tại là hành động vô nghĩa và gây ra căng thẳng.
Trong suốt nhiều năm hỗ trợ mọi người vượt qua những bước chuyển lớn trong đời, tôi nhận thấy thái độ của chúng ta đối với sự thay đổi khác biệt lớn tới mức nào. Ở một cực là những người khiếp sợ sự thay đổi, và họ sẽ làm mọi thứ trong khả năng để giữ nguyên hiện trạng, kể cả khi họ không thực sự cảm thấy hài lòng. Ở cực còn lại là những người xem sự thay đổi như một cơ chế thoát hiểm, thường là theo thói quen, vì vậy ngay khi mọi thứ bắt đầu trở nên khó khăn, họ nhảy sang việc khác, rồi sau đó thường tự trách mình vì không bao giờ gắn bó với bất cứ điều gì. Và có nhiều người ở giữa hai cực trên, tuy họ nhận ra thay đổi là điều cần thiết và thực tâm muốn nắm bắt nó, nhưng họ lại bị nỗi sợ ngăn trở.
Có lần, tôi trò chuyện với một người bạn về tính chất ngắn ngủi của cuộc sống. Anh chỉ tay về phía khu vườn của mình nơi có một khóm trúc nhỏ và nói:
Cô có thể thấy sự thay đổi đang diễn ra ở đó. Những cây trúc không ngừng lớn lên, và cũng rất nhạy với môi trường biến động xung quanh. Cây bắt rễ sâu trong đất nhưng linh hoạt. Khi gió thổi, cây trúc không cưỡng lại mà buông mình hòa cùng gió. Và khóm trúc vẫn phát triển. Ngẫm về những tòa nhà trên đất nước hay xảy ra động đất này mà xem. Những tòa còn trụ lại sau cơn rung lắc là những tòa có thể chuyển động khi mặt đất bắt đầu rung chuyển.
Tôi nghĩ rằng mình vừa có một khoảnh khắc Miyagi.1
1 Nhân vật thầy giáo dạy võ người Nhật trong bộ phim Mỹ The Karate Kid. Ngoài khả năng võ thuật, ông mang trong mình nhiều triết lý sống sâu sắc. (Chú thích của người dịch – ND)
Sự ổn định có thể mang lại cho chúng ta cảm giác an toàn, nhưng đó là một sự ổn định mong manh được dựng trên giả định sai lầm rằng mọi thứ sẽ không thay đổi, trong khi thực tế thì ngược lại. Khi một sự thay đổi đột ngột xảy đến từ bên ngoài – chẳng hạn như bị sa thải hay thua lỗ, bị lừa dối hoặc mắc bệnh tật – cú sốc kèm theo là rất lớn. Kỳ thực, sự cứng nhắc sẽ làm chúng ta dễ bị tổn thương hơn. Nếu sự thay đổi xảy đến khi chúng ta đang ra sức tìm cách bấu víu vào những gì mình biết, nó có thể khiến chúng ta trở tay không kịp. Nhưng nếu biết chấp nhận những gì đang xảy ra (không nhất thiết phải tỏ ra vui vẻ hoặc bao dung, nhưng cần suy nghĩ thực tế), chúng ta có thể bị thổi bay nhưng không bị mất cân bằng hoàn toàn và có thể phục hồi sớm hơn.
Chấp nhận quá khứ
Chúng ta rất dễ bị cuốn vào quá khứ, lạc vào dòng hoài niệm, nặng lòng cùng hối tiếc, dằn vặt bản thân vì đã không lựa chọn khác đi hoặc trót đổ lỗi cho ai đó. Thế nhưng ngày ấy, bạn không hề biết tất cả những gì bạn biết bây giờ. Ở hai thời điểm, bạn không có cùng một nguồn lực, môi trường hoặc trách nhiệm. Có lẽ bạn còn không có cùng quan điểm, khả năng tự nhận thức, lòng can đảm hoặc sự hỗ trợ. Cũng có thể bạn nhìn lại quá khứ như những năm tháng hoàng kim, khi mọi thứ dễ dàng hơn, bạn đã thế này hoặc thế kia. Nhưng vấn đề là: quá khứ không còn ở đây nữa. Bất kể điều gì từng xảy ra, tốt và xấu, đều đã qua rồi.
Bất kể thứ gì đang kéo bạn trở lại quá khứ, hãy dành chút thời gian để làm hòa với nó, rồi để nó trôi đi. Điều này nghe có vẻ khó khăn, nhưng nó cũng có thể đơn giản như việc bạn quyết định làm vậy. Hãy viết ra. Nói chuyện với một chuyên gia nếu cần thiết, hoặc tâm sự với một người bạn. Sau đấy, chọn một ngày – sinh nhật bạn chẳng hạn, hoặc lúc giao mùa, hoặc năm mới, hoặc thứ Ba tuần sau – và biến đó thành ngày bạn buông bỏ chuyện quá khứ này lại phía sau. Bạn là người duy nhất vẫn còn bận tâm về nó.
Wabi sabi dạy chúng ta chấp nhận rằng quá khứ là chuyện đã qua và không thể thay đổi. Bây giờ là hiện tại, và hiện tại đang tiếp diễn. Cuộc sống của bạn đang tiếp diễn ngay tại đây, và mỗi ngày đều là khởi đầu cho phần còn lại của cuộc sống đó.
Chấp nhận hiện tại
Chấp nhận là sống đúng với thực tế đang diễn ra trong hiện tại. Ở khoảnh khắc hiện tại này, điều gì là thực trong cuộc sống của bạn? Bạn đang cầm cuốn sách này trong tay, tiếp nhận những tư tưởng của một nền văn hóa khác. Có thể bạn đang uống một tách trà với hương vị ưa thích, hoặc bạn đang bị một con ruồi bay quanh phòng làm sao nhãng.
Có thể cửa sổ đang mở và bạn nghe được tiếng xe cộ lướt qua. Hoặc mặt trời đang giội ánh sáng xuống bàn làm việc của bạn. Có thể bạn đang ở tiệm làm tóc để chuẩn bị cho một đêm đặc biệt. Hoặc bạn vừa giở lại trang này sau một cuộc trò chuyện thú vị, một trận tranh cãi nảy lửa hay một số tin tức đáng ngạc nhiên. Có thể bạn đang đọc cuốn sách này trên xe buýt, hoặc trong bếp và phải để mắt tới cái lò nướng để xem bánh đã chín hay chưa.
Bạn đang thấy cảm thấy nóng, lạnh hay vừa phải? Bạn có ngửi thấy mùi của thức ăn đang nấu, mùi của khu vườn hay mùi của cơn mưa sắp kéo đến không? Bạn có đang bật nhạc không? Chiếc đồng hồ đang kêu tích tắc phải không? Bạn có đang ngâm mình trong bồn tắm và lắng nghe hơi thở của chính mình không?
Hãy dành một chút thời gian để suy nghĩ về những thực tế trong cuộc sống của bạn tại chính thời điểm này. Khoảnh khắc này là thời điểm bạn đang sống. Bạn không thể kéo dài nó mãi mãi. Đến một lúc nào đó, bánh sẽ chín, nước tắm sẽ lạnh ngắt và màn đêm sẽ kéo xuống. Việc chấp nhận rằng chúng ta không thể níu giữ hoặc kiểm soát hiện trạng là một giáo huấn mạnh mẽ từ wabi sabi, nhắc nhở chúng ta trân trọng những điều tốt đẹp mà mình đang có lúc này và biết rằng những điều tồi tệ rồi sẽ trôi qua.
Bất cứ khi nào bạn cảm thấy căng thẳng hoặc lo lắng, khó chịu, lạc lõng hoặc cô đơn, hãy neo mình vào thực tại. Chú ý đến những gì đang diễn ra trong cơ thể bạn và xung quanh bạn. Cảm nhận những cảm xúc đang trỗi lên trong bạn. Hãy nhớ rằng đó chỉ là một khoảnh khắc, và nó sẽ sớm nhường chỗ cho những khoảnh khắc khác.
Bất cứ khi nào bạn cảm thấy quá tải, hãy cố gắng chấp nhận rằng những thứ có thể thực hiện được trong hiện tại là có giới hạn. Bạn chỉ có thể làm những gì mình có thể làm mà thôi. Không phải là bạn đang dập tắt những triển vọng có thể xảy đến mà là nhận ra sức mình đến đâu, từ đó ngừng kỳ vọng vào những điều hão huyền và cho phép bản thân được ngơi nghỉ.
Bất cứ khi nào bạn nhận thấy một khoảnh khắc hân hoan đích thực, hãy căng mình hấp thụ khoảnh khắc đó. Hãy nắm trọn những cảnh sắc, âm thanh và mùi vị của hiện tại, để chúng có thể chuyển hóa thành một ký ức quý giá của bạn khi khoảnh khắc đó trôi qua.
Bài học từ chùa Ryōan-ji
Tôi còn nhớ rất rõ lần đầu tiên nhìn thấy tsukubai (chậu rửa) bằng đá nổi tiếng trong khuôn viên chùa Ryōan-ji ở Kyōto.
Hồi ấy tôi mới mười chín tuổi, dừng chân tại ngôi chùa này trên đường từ trường ngôn ngữ về nhà. Nằm phía sau chính điện là một tsukubai bình dị, náu mình trong một khoảnh đất đá phủ rêu và cây xanh. Nhưng từ sức hút của nó, tôi có thể thấy rõ rằng đây không phải là một chậu rửa bình thường. Mỗi vị khách đến vãn cảnh chùa đều dừng lại để nhìn nó, cúi xuống cầm muôi tre lên, múc một ít nước và rửa tay, rồi trầm ngâm ngẫm ngợi. Nhiều người còn chụp ảnh. Đó rõ ràng không chỉ là một nghi thức thanh tẩy đơn thuần và tôi muốn biết tại sao mọi người lại nghiêm túc đến vậy.
Lại gần, tôi thấy có bốn chữ xếp quanh một phần hình vuông ở trung tâm, cũng chính là nơi chứa nước. Mặc dù còn khá lạ lẫm với ngôn ngữ này, tôi tự hào rằng mình có thể nhận ra chữ phía trên nghĩa là số năm. Nhưng tôi không thể đọc được những chữ khác và chẳng hiểu nổi tại sao chậu rửa này lại thu hút khách vãng chùa đến vậy. Gom hết can đảm, tôi đến gần một nhà sư, chỉ vào tsukubai và hỏi ý nghĩa của nó.
Ông nói: “Ware tada taru o shiru”. Không từ nào trong số này có nghĩa là “năm” cả, hóa ra tôi cũng không tài lanh như tôi tưởng. Tôi vẽ lại hình ảnh này, mang về nhà để xem từ điển và hỏi bà chủ nhà.
Cuối cùng, tôi biết được bốn chữ này không có nhiều ý nghĩa khi đứng riêng lẻ, nhưng khi kết hợp từng chữ với khối vuông 口 ở giữa, ta được bốn chữ 吾 唯 足 知, cũng chính là “ware tada taru o shiru” mà nhà sư đã nói. Trực dịch là “Tôi chỉ biết đủ”. Diễn ngôn thơ mộng hơn có thể là “Người giàu là người biết hài lòng với những gì họ có” hoặc “Tôi đã có mọi thứ tôi cần”.
Thông điệp này vẫn luôn ở đó. Đây chính là trí tuệ chúng ta mang trong mình. Công nhận những gì chúng ta có là chìa khóa để có được sự viên mãn. Chúng ta chỉ cần chấp nhận, tin tưởng và trân trọng nó.
Hoàn hảo nghĩa là gì?
“Cuộc sống hoàn hảo” mà chúng ta vẫn thường bị thuyết phục để tin vào hết lần này đến lần khác là cuộc sống trong những quảng cáo – ở đó, trải nghiệm của con người đều mang tính ước lệ và rập khuôn, hoàn toàn không có các khía cạnh cảm xúc phức tạp cũng như những trải nghiệm hiếm hoi. Nó thường là hình ảnh ai đó hạnh phúc với mái đầu sáng bóng, được cắt tỉa hoàn hảo, ăn vận chỉn chu, đang chạy trên bãi biển, đang ngồi trong một ngôi nhà xinh đẹp hoặc đang tươi cười với một nhóm bạn cũng đầu tóc sáng bóng, tỉa tót, là lượt từ đầu tới chân. Hoặc cuộc sống ấy là một ngôi nhà có phong cách hoàn hảo, những đứa trẻ cư xử hoàn hảo hoặc một cơ thể được rèn luyện đến độ hoàn hảo.
Như thể chỉ khi chúng ta sở hữu chiếc túi xách, xe hơi hoặc thẻ thành viên phòng tập đời mới nhất, cuộc sống của chúng ta mới có thể trở nên hoàn hảo vậy. Thế nhưng, chúng ta quên mất rằng quảng cáo đang phô diễn những khoảnh khắc ngụy tạo của một cuộc sống trên phim trường chứ không phải là cuộc sống thực.
Quảng cáo và các chuyên gia tiếp thị đã khôn khéo gợi nhắc ta về những tác nhân gây ra cuộc sống khó khăn hiện tại của bản thân, hòng khiến ta cảm thấy những gì khó khăn là sai trái. Như thể chính chúng ta đang sống lỗi vậy.
Chúng ta đều biết điều này. Tuy nhiên, ngay cả như vậy, chúng ta vẫn nợ nần chồng chất, rồi lấp đầy nhà cửa, lịch trình và cả tâm trí mình trong cuộc mưu cầu thứ phiên bản hoàn hảo đầy dối lừa, thay vì dành thời gian để tìm ra điều gì thực sự quan trọng với bản thân. Việc này cũng giống như cố gắng để được nạp dinh dưỡng tức thì từ tô mỳ ramen bằng nhựa bày sau cửa kính tiệm mỳ thay vì gom đủ can đảm để bước vào trong, ngồi trước quầy, gọi món bằng thứ giọng Nhật tốt nhất của mình, kiên nhẫn đợi đầu bếp làm công việc kỳ diệu của họ, rồi thưởng thức ẩm thực đích thực.
Như một nhà sư từng nói với tôi bên chén trà xanh, với một nụ cười dịu dàng:
Sống là khổ. Bị bệnh là khổ. Già là khổ. Chết là khổ. Chúng ta không thể tránh khỏi những điều này. Khi cố gắng cưỡng lại, chúng ta chỉ đang làm trầm trọng thêm những đau khổ và trì hoãn khả năng phản ứng của chính mình. Nếu thay vào đó, cô có thể nắm lấy thực tế những gì đang diễn ra, thì cô có thể hòa vào dòng chảy của cuộc sống. Mọi người nghĩ rằng Thiền chủ yếu xoay quanh sự bình lặng và tĩnh tại, cũng như quanh việc sống trong một số trạng thái hạnh phúc của những rung cảm tốt. Nhưng thật ra, nó tập trung vào cách cô đối mặt với những thử thách của mình: bất hạnh, cô đơn, lo lắng, những cảm xúc khó khăn. Nó hướng đến việc học cách đối phó với những gì cuộc sống ném vào cô, và chấp nhận rằng thực tại chính là trung tâm của điều đó.
Chấp nhận không phải là bỏ cuộc mà là đồng thuận. Nó là nhượng bộ trước thực tại đang diễn ra, sau đó đóng vai trò tích cực trong việc quyết định xem việc gì sẽ xảy đến tiếp theo. Ví dụ, nếu bạn bị ốm, hãy chấp nhận rằng bạn đang không ở trạng thái đủ năng lượng, hãy cho phép bản thân chậm lại để bình phục và nhờ trợ giúp nếu cần, thay vì cứ ra sức làm tới cùng.
Nhượng bộ trước thực tại đau khổ trong bất kỳ lĩnh vực nào của cuộc sống đều cho phép bạn chủ động quyết định bước tiếp theo một cách rõ ràng, cảm thông và nhẹ nhõm. Lời dạy này đã tồn tại nhiều thế kỷ. Thế nhưng, chúng ta vẫn cứ chối bỏ nó.
Chúng ta đã ngăn mình trân trọng cuộc sống này khi vô tình sử dụng sự hoàn hảo – và chủ nghĩa cầu toàn – như là:
Bạn nhận ra bao nhiêu trong số những mục kể trên? Bạn có biết rằng ý niệm về sự hoàn hảo có thể nguy hại tới vậy không?
Không hoàn hảo là thế nào?
Sự không hoàn hảo mà wabi sabi răn dạy chúng ta có nền tảng từ các quy luật tự nhiên. Nếu mọi thứ luôn thay đổi, vậy chẳng thứ gì có thể toàn vẹn tuyệt đối. Do đó, chẳng thứ gì có thể hoàn hảo, bởi hoàn hảo là một trạng thái của sự toàn vẹn.
Chúng ta thường dùng cụm từ “không hoàn hảo” để chỉ trạng thái chưa đạt tới mức hoàn hảo, vốn được xem là lý tưởng đối với sự vật hay con người, với ngoại hình, số dư ngân hàng, thành quả, hay những khía cạnh khác trong cuộc sống. Bất cứ từ điển đồng nghĩa nào cũng sẵn sàng cung cấp cho bạn hàng loạt các từ trái nghĩa với “hoàn hảo”, bao gồm khiếm khuyết, lép vế, hạng hai, kém cỏi, không tinh tế, rạn vỡ và xấu xa. Chẳng có gì ngạc nhiên khi chúng ta xem sự đối lập của hoàn hảo là những thứ tiêu cực.
Để loại bỏ tính tiêu cực xoay quanh sự không hoàn hảo, chúng ta phải từ chối việc sử dụng nó như thứ đối nghịch với một trạng thái lý tưởng hư cấu, thay vào đó cần xem chính bản thân nó là một lý tưởng: sự không hoàn hảo không phải là sự thỏa hiệp.
Sự không hoàn hảo không phải là một nơi chốn trên con đường đến với sự hoàn hảo, nơi chúng ta buộc phải dừng lại vì hết xăng. Sự không hoàn hảo là một bức ảnh chớp nhoáng trên hành trình trưởng thành và hiện hữu của chúng ta tại một thời điểm cụ thể. Chúng ta đã quá mải mê tìm cách lái xe lên đồi đến nỗi quên cả nhìn ngắm vẻ đẹp của tất cả những gì xung quanh ngay lúc này.
Chúng ta cần tin tưởng, chấp nhận và sẵn sàng nói rằng tôi không biết tất cả, nhưng tôi không cần phải biết tất cả. Tôi biết đủ. Tôi không có tất cả, nhưng tôi không cần phải có tất cả. Tôi có đủ. Và tôi không làm hài lòng tất cả mọi người, nhưng tôi cũng không cần phải làm tất cả mọi người hài lòng. Tôi đang làm hết sức có thể cho những người thực sự quan trọng. Tôi thấy đủ.
Điều này không có nghĩa là từ bỏ, không có mục tiêu hay tham vọng, nó cũng không ngụ ý rằng phấn đấu cho một cái gì đó là không tốt, mà là chúng ta cần hiểu rõ lý do tại sao chúng ta muốn những gì mình thực sự muốn, gạt đi những dục vọng vật chất và áp lực kỳ vọng của người khác. Đừng để bản thân tiếp tục bị thúc ép, đừng tranh đấu để đến được một nơi bạn không cần đến. Bạn có thể sử dụng toàn bộ số năng lượng mình đang dùng hòng theo đuổi sự hoàn hảo để sống trọn vẹn ngay bây giờ. Và một khi bạn bắt đầu trải nghiệm thế giới theo cách này, cả thế giới sẽ đổi thay hoàn toàn.
Bộc lộ sự không hoàn hảo của bản thân
Chấp nhận sự không hoàn hảo là một chuyện. Để người khác thấy được nó lại là chuyện khác. Nhưng đó cũng chính là nơi chúng ta tìm thấy sự tương đồng. Việc bộc lộ những điểm dễ tổn thương, những khó khăn, những giấc mơ chưa thành hiện thực, những niềm vui kỳ quặc sẽ mở ra cánh cửa đi vào trái tim chúng ta. Mọi người sẽ thấy được con người thực của chúng ta và muốn kết nối.
Bạn có bao giờ nhận ra cách trái tim phản ứng khi bạn được chứng kiến sự hiện diện của cái đẹp thực sự không? Đó có thể là trải nghiệm khi thấy một người chia sẻ bản chất của họ bằng cách nói ra một sự thật nhẹ nhàng, hay một bài thơ tình thì thầm trong gió, một bàn tay nhỏ bé trong tay bạn, hay một khoảnh khắc kết nối sâu sắc.
Khi chúng ta thấu hiểu, phản ứng trực giác đến nhanh hơn phản ứng phân tích lô-gic, vì vậy chúng ta có thể cảm được điều gì đó trong tim trước khi có thời gian để phán xét, chỉ trích, so sánh hoặc bị phân tâm. Chúng ta có thể tự dạy mình cảm nhận về người khác theo cách này. Gặp ai đó bằng trái tim, chứ không chỉ bằng tâm trí, cho phép bản năng và trực giác dẫn chúng ta vượt khỏi sự phán xét mà tâm trí tạo ra dựa trên những gì chúng ta thấy trên bề mặt. Khi bộc lộ sự không hoàn hảo của mình cho người khác, chúng ta đang mời họ nhìn nhận về mình theo cách tương tự.
Tôi từng khóc trên sân khấu. Chỉ một lần thôi, nhưng việc đó đã xảy ra. Tôi ngượng chín người. Nhưng phản ứng của khán giả thật tuyệt vời. Mọi người không mong đợi hành động đó từ tôi. Họ có thể nhận thấy rõ ràng đó là những cảm xúc thật, mặc dù tôi không khuyến khích việc này trong các kỹ thuật nói chuyện trước công chúng. Nó khiến giọng nói của bạn trở nên kỳ cục vô cùng. Nhưng nó giúp người xem thấy được những khiếm khuyết của tôi và biết rằng tôi sống thành thật. Chẳng biết trốn vào đâu, tôi bỏ qua nó và tiếp tục bài diễn thuyết. Năng lượng trong khán phòng đã thay đổi khi mọi người mở rộng trái tim họ với tôi, giống như cách tôi đã mở lòng với họ. Sau đó, hàng người đợi ký tặng sách kéo dài quanh cả góc phố, nhiều người trong số đó cũng bật khóc, mong được chia sẻ câu chuyện của họ với tôi.
Một số bậc thầy phát-triển-tự-thân thường nói những điều sau: “Cuộc sống của tôi là một mớ hỗn độn. Một ngày nọ tôi thức tỉnh. Giờ đây, cuộc sống của tôi thật tuyệt vời và hoàn hảo. Bạn đã ở đó, với cuộc sống lộn xộn của mình, bạn có thể giống như tôi và có một cuộc sống hoàn hảo, tuyệt vời chỉ bằng việc đọc sách/đăng ký khóa học/ tham gia hội thảo của tôi.” Tôi chẳng tin vào điều đó. Tất cả chúng ta đều đang làm việc. Một số đã có cơ hội phản ánh, và có lẽ sở hữu một nền tảng để chia sẻ những gì chúng ta đang khám phá khi tiến bước, nhưng thật ra, tất cả chúng ta đều đang học hỏi lẫn nhau. Chẳng có ai đang nắm quyền ở đây cả. Chẳng ai biết được tất cả các câu trả lời. Và bất cứ ai giả vờ rằng họ biết thì hoặc đang đưa ra một phiên bản sai lệch về câu chuyện của họ, hoặc đang chuẩn bị trải qua một hồi chuông cảnh tỉnh.
Chúng ta có thể gắn tất cả lại với nhau dù không hề biết toàn bộ các mảnh ghép trông thế nào. Càng sớm nhận ra điều này, chúng ta càng sớm có thể bắt đầu tôn vinh bản thân và từng người trong cộng đồng vì chúng ta đều là những báu vật không hoàn hảo. Chúng ta chỉ cần tin rằng thi thoảng, khi tâm trí không thể tìm thấy câu trả lời, trái tim lại biết lối.
Bài học từ nhà tắm công cộng
Tôi không thể hình dung nổi việc tắm tại một nơi công cộng ở Anh, nhưng ở Nhật thì ngâm mình trong trong bồn tắm nước nóng tại các sento (nhà tắm công cộng) là một hoạt động giải trí buổi tối của rất nhiều người.
Một tối tuyết phủ ở Hida-Takayama, tôi thám hiểm xung quanh khu trọ để tới nhà tắm công cộng Yutopia, sau đó chi 420 yên để được ngâm mình vài tiếng đồng hồ trong một bồn tắm chung cực lớn. Bỏ lại toàn bộ quần áo trong tủ khóa ở phòng thay đồ, tôi tiến vào phòng tắm, trần trụi và chỉ mang duy nhất đôi dép nhựa.
Bên trong khói bốc nghi ngút và có các buồng cọ rửa ở cả hai bên phòng. Bạn phải khom mình ngồi trên một chiếc ghế thấp không tựa khi tắm và kỳ cọ với sự trợ giúp của một chiếc xô nhựa. Ai đó đã nghĩ rằng nên đặt thêm những chiếc gương ở đây. Tôi thật khó mà đồng tình với ý kiến đó khi bản thân vẫn mang trên mình gần bảy cân thịt từ hồi mang bầu mặc dù thực lòng muốn giảm cân đã vài năm nay.
Khi gội đầu, tôi không thể ngăn mình quan sát những người phụ nữ khác trong phòng. Chẳng ai trong số họ đang nhìn tôi cả. Họ đều đi lại loanh quanh, lưng thẳng, tự tin một cách kín đáo, bất kể hình thể, tuổi tác, hoặc bất cứ đặc điểm nổi bật nào có thể khiến nhiều người trong chúng ta ngượng ngùng. Có một quý bà lớn tuổi đang ngâm tay chân đau nhức của mình trong khu vực bể sục. Hai người bạn tán chuyện phiếm. Một người mẹ tắm cùng con nhỏ. Tôi tự nhủ nhận thức của bé gái kia về sự tự tin vào hình thể bản thân sẽ khác biệt tới mức nào khi được lớn lên tại những phòng tắm công cộng như thế này.
Trong nhiều năm, các cô gái phương Tây đã bị tin vào những hình ảnh “hoàn hảo” giống nhau y đúc. May thay, điều này đang bắt đầu thay đổi, nhưng chúng ta vẫn còn một chặng đường dài phải đi. Chúng ta đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi những gì mình nhìn, nghe, và trải nghiệm khi lớn lên, chúng ta để ý thấy những gì cha mẹ và những người trưởng thành khác xem trọng qua cách họ nói chuyện, hành xử với nhau, và đưa ra các quyết định.
Đột nhiên, tôi thấy mình thật nhẹ nhõm khi không mảnh vải che thân, một trải nghiệm vô cùng lạ lẫm với một người phụ nữ Anh khép kín như tôi. Khi những người xung quanh chẳng hề để tâm tới những “khiếm khuyết” của mình, tôi cũng vậy. Buổi tối ở nhà tắm công cộng hôm ấy đã dạy tôi một điều quan trọng: sự trân trọng những điểm không hoàn hảo của bản thân là một món quà dành cho cả con gái tôi lẫn chính tôi.
Cẩn thận lựa chọn hình mẫu cho bản thân
Càng làm tốt việc của mình, chúng ta càng có nhiều cơ hội tiếp xúc với những người đã làm được nhiều hơn, tiến được xa hơn và đạt được nhiều thành công hơn. Nhưng ngay khi rời mắt khỏi con đường của bản thân và lạc vào con đường của họ, chúng ta lại bỏ lỡ những trải nghiệm riêng trên hành trình của chính mình. Việc đó cũng giống như ở trên một chuyến tàu, đi xuyên một đất nước xa lạ mà bạn luôn muốn ghé thăm, rồi sau đó dành cả chuyến đi để xem một bộ phim trên máy tính xách tay. Bạn đã chệch hướng và bỏ lỡ cuộc phiêu lưu.
Sẽ luôn có những người biết nhiều hơn, làm nhiều hơn hoặc có nhiều kinh nghiệm hay kiến thức hơn chúng ta ở một lĩnh vực cụ thể tại một thời điểm cụ thể. Chúng ta có thể lựa chọn xem điều này như một sự phản ánh những thiếu sót của bản thân, hoặc như một cơ hội có được nguồn cảm hứng từ những con người ấy.
Khi chính những người chúng ta ngưỡng mộ và dõi theo lại gợi lên trong ta cảm giác thiếu sót thì thường là do chúng ta đang phóng chiếu một lý tưởng phi thực tế về sự hoàn hảo lên họ. Khi điều đó xảy ra, chúng ta hoặc phải thay đổi cách nhìn, hoặc thay đổi người mình dõi theo.
Chúng ta phải tập trung trở lại với cuộc sống mình đang có, gắn liền bản thân với những gì ở đây và những gì có thật: tình yêu, tiếng cười, những lời tử tế và vẻ đẹp tĩnh lặng. Các chi tiết nho nhỏ ấy tạo nên kết cấu cuộc sống của chúng ta.
Nhìn ra vẻ đẹp trong sự không hoàn hảo
Khi thợ gốm làm ra những món đồ thủ công, họ không nhắm tới sự hoàn hảo theo kiểu đối xứng hay đồng dạng, nếu muốn làm vậy họ sẽ dùng máy. Họ muốn một vẻ đẹp tự nhiên, dấu ấn của đôi bàn tay và sự căng đầy của con tim.
Chúng ta không được mặc định để trở nên không tì vết và giống nhau y đúc như thể cùng ra lò từ một nhà máy sản xuất người. Hãy tưởng tượng bạn là một món đồ thủ công xinh đẹp, được tạo hình bằng tình yêu và được trân trọng “bởi vì”, chứ không phải “dù có”, các khiếm khuyết. Hãy công nhận những kết cấu, tính cách và độ sâu đã tạo nên vẻ đẹp tự nhiên của bạn cả ở bên trong lẫn bên ngoài. Kỳ thực, con người hiện tại của bạn được làm nên từ tất cả những thứ định hình bản thân bạn từ trước tới giờ.
Năm tháng qua đi, chúng ta dán nhiều lớp chồng lên vẻ đẹp tự nhiên của mình trong cuộc mưu cầu bất tận hướng tới sự hoàn hảo – bằng đủ loại kem chống lão hóa, của cải tích góp, chức tước trong công việc, và những hình ảnh được bảo bọc kỹ lưỡng mà ta nghĩ sẽ khiến người khác thích ta hơn. Nhưng tất cả chúng đều là gánh nặng, chúng che đậy đi những gì nằm trong con người ta. Chỉ khi nào lột bỏ các lớp vỏ đó, bạn mới cho phép vẻ đẹp nội tại của bản thân tỏa sáng.
Một khi chúng ta đồng tình rằng trạng thái lý tưởng của bản thân thực chất chính là không hoàn hảo một cách hoàn hảo, và chúng ta đã đạt đến trạng thái đó rồi, hẳn là sẽ không còn những chật vật, những hối hả đến kiệt quệ. Thay vào đó là sự nhẹ nhõm khi biết rằng chúng ta ổn khi là chính mình.
Tiến xa hơn một bước, chúng ta sẽ thấy các khuyết điểm thực ra có thể là cánh cửa mở ra những cơ hội, những kinh nghiệm, những cuộc hội thoại, và cả những kết nối mới trong học tập. Đột nhiên, sau tất cả, sự hoàn hảo không còn quá đỗi đáng thèm muốn nữa, và ta có khả năng làm được nhiều hơn những gì ta từng tưởng tượng.
Hãy mang tâm trí mình trở lại với lời vị thiền sư đã nói ở Chương 3. Wabi sabi nghĩa là sự vật ở trạng thái tự nhiên, thuần túy nhất. Trạng thái tự nhiên, thuần túy nhất của bạn trông ra sao? Liệu đó có phải cách bạn bước qua thế giới này? Liệu đó có phải phiên bản bạn mang theo bên mình tới chỗ làm? Hay liệu đó có phải phiên bản bạn thể hiện ra với bạn bè và gia đình? Nếu không, bạn cần làm gì để buông bỏ và quay lại trạng thái ấy?
Buông bỏ sự hoàn hảo
Frank Ostaseski, Giám đốc sáng lập của Dự án Thiền An dưỡng Cuối đời ở San Francisco đã từng nói: “Sự đủ đầy không có nghĩa là hoàn hảo. Nó nghĩa là không có phần nào bị gạt ra ngoài.”
Tôi viết những dòng này bên bàn làm bếp với một ly rượu vang trong tay, còn bát đĩa của bữa tối đang chất chồng trong chậu rửa, chờ đợi được chú ý tới. Một giọng nói trong đầu cứ liên tục nhắc tôi rằng chiếc túi du lịch lớn vẫn đang nằm trên sàn phòng ngủ, ở đúng nơi tôi đã đặt nó xuống hôm Chủ nhật sau khi trở về từ chuyến đi gần nhất của mình. Dưới chân tôi vung vãi đồ chơi của bọn trẻ – hộp trang sức mở tung với một cô vũ nữ ba lê mơ màng đã đứng trên mũi chân đủ cho cả ngày; một ấm trà nhỏ sẵn sàng phục vụ bữa tiệc picnic của gấu teddy, quả bóng bay từ một buổi tiệc đã rơi vào lãng quên đang dần nhăn lại…
Trước tiên, tôi nhận thấy việc làm cha mẹ không chỉ đầy thách thức mà còn vô cùng rối rắm. Bạn cảm thấy mình đột nhiên được ban phước nhưng cũng thật chán nản. Vô cùng biết ơn sự tồn tại của lũ trẻ nhưng cũng căng thẳng tột độ với những nhu cầu của chúng. Vô cùng yêu thương nhưng lại mất kiểm soát. Và rồi tôi nhận ra không chỉ lũ trẻ đang lớn lên mà cả các ông bố bà mẹ như chúng ta nữa. Chúng ta cần không gian để trở thành những bậc phụ huynh. Phần khó chịu nhất chính là sự trưởng thành. Đó là lý do tại sao việc đó đáng sợ, khó khăn và hỗn loạn, nhưng hãy nhìn xem nó dẫn ta tới đâu.
Giờ đây, tôi nhìn quanh mớ hỗn độn trên sàn phòng khách – con búp bê ở trần một nửa và một đám những khối xếp hình Duplo, một chồng sách và những chiếc bút sáp bị bỏ quên nằm vương vãi – và tôi còn nhìn thấy một điều khác nữa. Tôi thấy sự hiếu kỳ không ngừng nghỉ, nguồn năng lượng không giới hạn và đam mê cháy bỏng được học thêm về thế giới xung quanh của bọn trẻ. Tôi thấy niềm vui. Những trò chơi con trẻ thuần khiết. Có những liều thuốc bổ trong tiếng cười của chúng và sự ngạc nhiên lan trong không gian.
Tôi đã làm hết sức để khiến tổ ấm của chúng tôi đơn giản đầy cảm xúc, đẹp đẽ mà yên ả. Nhưng tôi sẽ không tự bỡn mình rằng bản thân nên trở thành kiểu người xây tổ hoàn hảo, hay rằng nhà mình sẽ luôn thật gọn gàng.
Tôi nghĩ đến cách tôi muốn các bé gái của tôi nhớ về tuổi thơ của chúng. Liệu việc chúng nói “Chúng mình luôn có một căn nhà cực gọn” có phải là quan trọng nhất không? Không hề. Tôi không phán xét gì bạn nếu bạn thực sự có một không gian ngăn nắp. Tôi âm thầm ghen tị ấy chứ. Nhưng điều tôi đang nói đến ở đây là chúng ta đều phải lựa chọn và giờ đến lượt tôi làm vậy. Tôi muốn con gái tôi nói rằng: “Nhà mình thật đáng yêu và vui vẻ, ở đây mình thấy an toàn và thoải mái. Chúng mình luôn được yêu thương và chăm sóc, được dạy cách yêu thương và chăm sóc lẫn nhau. Chúng mình học được cách trân trọng những gì mình có, và hơn cả là trân trọng thời gian chúng mình ở bên nhau.”
“Đừng lo lắng. Mọi thứ chẳng kéo dài mãi đâu”, người ta đã nói vậy đấy. Nhưng điều đó thật buồn và nó cũng là lý do để ta tìm kiếm những món quà trong quá trình ấy. Bởi mọi thứ sẽ chẳng kéo dài mãi. Những cô bé của tôi sẽ sớm thích những thứ khác và những người khác. Chúng sẽ không còn muốn rúc vào lòng, chơi nhiều giờ liền, hay chuyện trò với tôi cả ngày nữa. Vì vậy, khi mọi chuyện vẫn đang diễn ra, tôi sẽ biết ơn tất cả. Kể cả quả bóng nhăn nheo đang nảy tưng quanh chân mình.
Chấp nhận khó khăn
Vạn vật trong tự nhiên đều biến đổi, câu chuyện của bạn cũng vậy. Chấp nhận không có nghĩa là mọi thứ sẽ kết thúc, mà là thừa nhận sự bắt đầu của chúng. Chúng ta đều đang dần trưởng thành trong những gì mình làm. Tồn tại là tiến hóa. Bạn có thể đóng vai trò tích cực trong cuộc cách mạng đó, nhưng trước tiên bạn cần biết rằng nó đang diễn ra. Wabi sabi giúp bạn làm điều đó một cách nhẹ nhàng và chất lượng.
Wabi sabi dạy ta luật xa gần – ấy là nhìn sự vật theo đúng kích thước thực dù to hay nhỏ của nó, xét xem liệu chúng có thực sự quan trọng, liệu có nên nuôi dưỡng chúng hay để chúng ra đi. Khi chuyện khó khăn xảy tới, sự chấp nhận chính là một người bạn đích thực. Chấp nhận không có nghĩa là giao nộp quyền năng của bạn hay cho phép các hành động sai trái. Nó không bị động, nó chủ động.
Chấp nhận là nói rằng:
1. Đây là những gì đang diễn ra (hãy quan sát chứ đừng chối bỏ nó).
2. Đây là tầm quan trọng thực sự của nó (nếu có).
3. Đây là khởi đầu của tất cả những gì sắp tới, và đây là những gì mình sẽ làm tiếp theo.
Bạn cũng sẽ nói rằng đây là nơi tôi đang hiện hữu. Nơi chúng ta đang hiện hữu. Chiếc bình đã bị vỡ. Cuộc hôn nhân đã đổ bể. Việc kinh doanh vẫn đang chật vật. Tôi cô đơn. Con tôi buồn chán. Tôi lại bị từ chối thêm một lần nữa. Dù bất cứ điều gì đang diễn ra, nó vẫn là chính nó vào đúng thời điểm này. Chúng ta không nên cố lờ đi diễn biến ấy nhưng cũng không cần làm quýnh lên. Chúng ta cần sống và thừa nhận, rồi buông bỏ sự gắn kết với nó. Sự thật là, chúng ta không thể níu giữ, chúng ta không thể quay ngược lại; khi ta học được cách nhượng bộ nghịch cảnh, chấp nhận rằng nó sẽ tới và sẽ qua đi, cuộc sống sẽ chuyển mình từ chiến trận thành một buổi khiêu vũ.
Tiếp nhận tương lai
Không lâu trước đây tôi tới nhà bà Mineyo Kanie, một quý bà 90 tuổi tuyệt vời mà bạn sẽ gặp ở Chương 8. Khi được hỏi về bí mật cho một đời hạnh phúc, bà nói bà tin rằng gốc rễ của bất hạnh nằm ở việc không hài lòng với những gì mình có, và dành quá nhiều thời gian tìm kiếm bên ngoài cuộc sống của mình thay vì dành thời gian sống trong nó. Điều này không có nghĩa là ta không thể có những giấc mơ, mà là hạnh phúc bắt nguồn từ thái độ. Kanie-sanđã hiểu thấu tsukubai ở chùa Ryōan- ji.
Hy vọng không giống như kỳ vọng. Bạn có thể lên kế hoạch và mời gọi một tương lai cụ thể, nhưng bạn không thể định đoạt hoặc kiểm soát nó. Hình dung ra thứ bạn muốn rồi để nó đi. Buông bỏ sự gắn bó của bạn với các lịch trình và quay lại để sống thực với đời mình.
Tuần này, tôi đặt ra cho bạn thử thách là nắm rõ được những gì mình trân quý và buông bỏ mọi kỳ vọng về những gì chưa xảy đến. Hãy mở rộng tâm trí cho những gì đang tới. Hãy thử sống cả bảy ngày tới mà không cố gắng kiểm soát mọi thứ và không căng thẳng khi mọi việc không như ý. Khi làm vậy, bất cứ khi nào bạn thấy muốn kiểm soát, hãy thư giãn để xem điều gì sẽ xảy ra. Hãy tìm kiếm điều tốt đẹp đích xác đã diễn bởi mọi việc vốn đang không xảy ra theo cách mà bạn nghĩ chúng sẽ hoặc nên thế.
Hãy cứ thong thả. Thực sự không cần phải vội. Khi liên tục chạy theo sự hoàn hảo, cuộc sống của chúng ta tăng tốc. Chúng ta đưa ra các quyết định vội vàng và đánh giá chớp nhoáng. Wabi sabi cho ta cơ hội để tạm dừng, chiêm nghiệm, tự kiểm điểm và nhờ đó mà tiến bước. Bạn sẽ thấy nhẹ nhõm và đưa ra các lựa chọn tốt hơn.
TRIẾT LÝ WABI SABI
VỀ VIỆC CHẤP NHẬN VÀ TRÂN TRỌNG BẢN THÂN
THỰC HÀNH: TẬP CHẤP NHẬN
Chấp nhận là một quyết định (tôi không muốn bị mắc kẹt trong những suy nghĩ kéo mình xa rời khỏi hiện tại), một sự nhận thức (đây là việc đã xảy ra hay đang còn tiếp diễn) và một khởi đầu mới (nhờ nhận ra vị trí hiện tại của mình, tôi có thể tiến lên từ đó như một điểm xuất phát mới).
Bất kể điều gì đang diễn ra với bạn ngay lúc này, hãy chấp nhận nó và xem thử điều đó tác động như thế nào đến góc nhìn của bạn. Các bài tập dưới đây sẽ hỗ trợ bạn:
1. Quyết định: Mình không muốn bị mắc kẹt trong những suy nghĩ kéo mình xa rời khỏi hiện tại. Ngay lúc này, mình:
(Mô tả vị trí hiện tại của bạn, những gì bạn có thể nhìn/nghe/ nếm/ngửi/cảm nhận bằng cơ thể mình, ví dụ như chân bạn đang đặt trên sàn nhà hoặc cảm giác từ chiếc ghế bạn đang ngồi).
2. Nhận thức: Đây là việc đã xảy ra hay đang còn tiếp diễn. Những thực tế tại thời điểm này là:
3. Khởi đầu mới: Đây là một khởi đầu mới. (Không cần phải là một khởi đầu chứa chan cảm xúc, mặc dù nó có thể như vậy). Từ điểm xuất phát này, mĩnh có thể/sẽ:
Không phải lúc nào chúng ta cũng có thể dễ dàng chấp nhận. Có những sự việc xảy đến dường như thật bất công, không ai mong muốn, sai thời điểm và gây ra nhiều đau đớn. Chúng ta chấp nhận không phải nhằm mục đích triệt tiêu cảm xúc, mà là để suy nghĩ thấu suốt hơn, từ đó cho phép bản thân cảm nhận những gì cần cảm nhận. Vào những thời điểm như vậy, bạn cần chú tâm chăm sóc bản thân. Đưa ra cam kết với chính mình:
Những cách chăm sóc bản thân của tôi trong quá trình vượt qua chuyện này:
Tâm trí: (ví dụ: giãi bày với một người bạn, không gánh vác thêm các trách nhiệm mới trong tuần này, v.v.)
Cơ thể: (ví dụ: đi bộ một quãng dài giữa thiên nhiên, nuôi dưỡng cơ thể với thực phẩm tươi và bổ dưỡng, v.v.)
Tinh thần: (ví dụ: thiền sau khi ngủ dậy mỗi sáng, giữ một danh sách những điều khiến tôi thấy biết ơn, v.v.)