Hàng triệu du khách kéo đến Nhật Bản mỗi năm bởi sức hấp dẫn của những báu vật thiên nhiên nơi đây – đồi núi, núi lửa, suối nước nóng, bãi biển cận nhiệt đới và một vài trong số những vùng có tuyết đẹp nhất thế giới. Khắp mọi chốn là những gợi nhắc về thiên nhiên và các mùa trong năm. Người Nhật không chỉ ngắm nhìn thiên nhiên, họ sống trong nó, đặt tên mình theo nó, thưởng ngoạn nó, khoác nó lên mình và được nó chỉ lối trong cuộc sống.
Mối liên hệ với thiên nhiên
Tôi đang lê bước theo sau một vị Thiền sư mặc samue (quần áo lao động trong chùa) và đội một chiếc mũ vải nhỏ. Vị sư tu tập tại chùa Zuihō-in này là một người vô cùng thông tuệ và biết rất nhiều câu chuyện. Có lẽ là tôi đang đặt ra quá nhiều câu hỏi trong một không gian tĩnh lặng nhường này, nhưng ông ấy quá ấn tượng và tôi không thể tiết chế được bản thân. Tôi đã đặt lịch để được ngồi bên trong Taian, một không gian mô phỏng lại trà thất nguyên bản của Sen no Rikyū, vốn được xây dựng để tưởng niệm 400 năm ngày mất của ông. Từ trên hiên gỗ, chúng tôi ngừng lại vài giây để ngắm nhìn một vườn cát bình dị, và rồi Thiền sư nhận thấy có hai vị khách khác đang đứng ngay gần đó.
Trong hai người, có một anh chàng tay cầm chiếc túi tote đính đinh bạc, ăn vận chỉn chu nhưng đôi mắt lộ rõ vẻ mệt mỏi. Sau vài giờ di chuyển trên chuyến tàu tốc hành từ Tōkyō phồn hoa và nhộn nhịp tới ngôi chùa tĩnh lặng ở Kyōto này, trông anh ta có vẻ lúng túng. Vị sư liền lại gần bắt chuyện với anh ta.
“Có phải cậu đến từ Ginza không?” ông hỏi bằng một giọng điệu thân thuộc đáng ngạc nhiên.
“Không, tôi từ Akasaka đến”, anh ta nói với đôi mắt vằn tia đỏ, nhìn sang người bạn gái, như để khẳng định. Cô này trông cũng không kém phần mệt mỏi.
“Cậu làm nghề gì?” vị sư muốn biết thêm.
“Tôi làm trong ngành truyền thông thương mại”, người khách đáp lời, ắt hẳn không thể hiểu nổi tại sao mình lại trò chuyện về nghề nghiệp với một Thiền sư giữa vườn cát.
“Hả? Công việc đó là sao? Ý cậu là quảng cáo? Bán đồ phải không?”
“Vâng… đúng vậy”, người đàn ông đến từ Tōkyō nói, bối rối cúi xuống nhìn đôi chân mang tất của mình.
Rất dễ nhận thấy suy nghĩ của Thiền sư về lựa chọn nghề nghiệp đó. Ông không hề phán xét mà chủ yếu là thương cảm cho vị khách này, anh ta hẳn phải làm việc rất khuya và có lẽ sống qua ngày bằng đồ uống tăng lực và mỳ ramen lúc nửa đêm.
“Tôi nghĩ dành thời gian ở chùa sẽ tốt cho cậu”, vị sư nói. Sau đó ông quay sang tôi, “Cô có phiền không?”
Tôi đã đặt lịch thăm quan riêng cho một người, nhưng chuyện này giống như buổi tụ họp của ba kẻ du hành mệt mỏi tìm kiếm sự thanh bình chốn trà thất.
“Tất nhiên là không rồi”, tôi trả lời.
Và vị sư đưa chúng tôi tới Taian, trà thất nhỏ nhất tôi từng thấy trong đời. Được dựng lên từ những tấm gỗ chọn lọc, căn phòng bé nhỏ này trông vô cùng trang nhã. Bên trong phòng, ánh sáng lờ mờ chiếu qua những ô cửa sổ dán giấy và lơ lửng giữa không trung, vô vọng kiếm tìm những hạt bụi. Tuy các góc phòng đều tối, thế nhưng cuộn tranh treo trong hốc tường dường như tỏa rạng.
Trong không gian thân mật vốn tượng trưng cho hàng trăm năm lịch sử và văn hóa này, tôi đã phá vỡ sự im lặng để hỏi về wabi sabi.
Vị sư ngừng lại vài giây, nghiêng đầu và đáp lời, “Wabi sabi là đặc tính tự nhiên; nó là sự vật ở trạng thái tự nhiên và thuần túy nhất. Tất cả chỉ có vậy thôi.”
Anh chàng tới từ Tōkyō chậm rãi gật đầu, sự đồng tình ánh lên trên gương mặt anh. “Naruhodo” (“Tôi hiểu rồi”), anh nói. Và sau đó thốt lên, “Làm thế nào mà tới tận khi lặn lội đến đây, chờ đợi ngần ấy năm và nghe một người ngoại quốc đặt ra câu hỏi này thì tôi mới biết được lời giải đáp cơ chứ?”
Tình yêu thiên nhiên của người Nhật
Bất chấp kiến giải của vị Thiền sư, việc giải thích mối liên hệ giữa wabi sabi và tự nhiên vẫn là một thách thức không ngờ. Nó cũng tương tự như việc cố gắng soi rõ vật thể dưới kính hiển vi, nhưng phóng quá to nên thành ra lại bị nhòe. Thế giới quan wabi sabi là thứ được đưa ra dựa trên nên tảng thực tế của thiên nhiên và chu kỳ sống. Wabi sabi là thành quả của những người nhìn nhận bản thân như một phần không tách rời của thiên nhiên. Bởi wabi sabi và thiên nhiên có mối liên hệ mật thiết, thế nên chúng ta chỉ thấy được những hình ảnh mờ ảo nếu tìm cách diễn tả mối liên hệ ấy bằng ngôn từ. Để nhìn rõ hơn, chúng ta cần lùi lại một chút, tập trung vào ống kính hiển vi và điều chỉnh lại đôi mắt của mình.
Trải nghiệm wabi sabi là một phản ứng trực giác trước cái đẹp thể hiện bản chất thật của sự vật. Đó là vẻ đẹp nhắc chúng ta nhớ rằng vạn vật là vô thường, bất toàn và không hoàn hảo. Các vật chất tự nhiên thường mang lại trải nghiệm wabi sabi, thế nên việc dành thời gian trong thiên nhiên có thể đem lại một trải nghiệm mạnh mẽ. Nó cũng nhắc chúng ta nhớ rằng mình là một phần của điều gì đó vô cùng kỳ diệu. Bằng việc trong giây lát gỡ ta ra khỏi đám mây mù của công việc thường nhật bộn bề, wabi sabi đưa ra tấm gương phản chiếu bản chất kỳ diệu của cuộc sống – và trong chiếc gương ấy ta cũng thoáng thấy chính ta.
Rừng không quan tâm tóc bạn trông thế nào. Núi không chuyển mình vì bất cứ công việc nào. Sông vẫn cứ chảy, chẳng màng tới việc bạn có bao nhiêu người theo dõi trên mạng xã hội, lương bạn bao nhiêu, hay bạn nổi tiếng ra sao. Hoa vẫn nở bất kể bạn có phạm phải lỗi lầm gì hay không. Thiên nhiên vẫn vậy và nó chào đón chính con người bạn.
Khả năng trải nghiệm wabi sabi kết nối ta với những sự thật ấy, điều này cho phép ta trong chốc lát thấy mình được chấp nhận vô điều kiện.
Ảnh hưởng của thiên nhiên trong văn học, nghệ thuật và văn hóa
Khi tôi tham khảo ý kiến của một giáo sư người Nhật về cách dịch cụm “sống với thiên nhiên” thì được gợi ý cụm shizen o mederu (自然を愛でる), có nghĩa chính xác là “yêu thiên nhiên”.
Tình yêu thiên nhiên đặc thù này, vốn bắt rễ xa xưa từ tôn giáo, đã tác động sâu sắc đến nghệ thuật và văn học trong nhiều thế kỷ. Đến nay, thiên nhiên vẫn chi phối nhịp điệu và các thói quen sống hằng ngày, nhất là sự giao mùa luôn là mối quan tâm đặc biệt của người Nhật.
Khi còn niên thiếu, tôi từng đính một bài thơ haiku của Matsuo Bashō lên tường phòng ngủ. Nó viết rằng: “Những cơn mưa Đông đầu tiên. Kể từ nay tên tôi sẽ là Kẻ Du hành.” Chỉ trong vài từ, nhà thơ tài hoa ấy đã mô tả chính xác toàn bộ những suy nghĩ của tôi về những cuộc phiêu lưu khám phá nơi thế giới rộng lớn bên ngoài cánh cửa phòng ngủ, đồng thời vẽ ra trước mắt tôi khung cảnh một ngày giá lạnh ẩm ướt của nước Nhật thế kỷ 17.
The Tale of Genji (Truyện kể Genji), cuốn tiểu thuyết đầu tiên trên thế giới được Murasaki Shikibu viết cách đây một thiên niên kỷ, tràn ngập các đề cập tới tự nhiên và sự thay mùa. Tương tự, The Pillow Book (Sách gối đầu), cũng được Sei Shōnagon viết vào giai đoạn ấy, mở đầu bằng một dòng kinh điển“Haru wa akebono” (Vào mùa xuân, bình minh). Toàn bộ phần mở đầu của cuốn tùy bút nổi tiếng về triều đình thời Heian này tập trung chi tiết vào các yếu tố ưa thích của tác giả đối với từng mùa trong năm. Thiên nhiên tiếp tục được nhắc tới nhiều lần xuyên suốt The Pillow Book ‒ cuốn sách mà cho đến nay vẫn là một tác phẩm kinh điển sau mười thế kỷ.
Khi viết về thiên nhiên, người Nhật không chỉ nhấn mạnh vào cảm nhận về nơi chốn mà còn là cảm nhận về thời gian. Điều này được gợi lên từ các đề cập hoặc ám chỉ đến các mùa trong năm, và qua các quan sát về sự vô thường. Sự vô thường ở đây được thể hiện theo hai cách – qua sự thiếu vắng của thứ gì đó từng tồn tại nhưng giờ không còn nữa, và qua khái niệm về sự phù du, nghĩa là một thứ gì đó đang hiện hữu nhưng sẽ sớm lụi tàn.
Một trong những nhà thơ có ảnh hưởng nhất của Nhật Bản, Fujiwara no Teika (1162–1241), thường viết về các mùa theo lối này, hòa trộn thiên nhiên và văn chương với những dây leo cảm xúc trĩu nặng. Từ những bản khắc gỗ của Hokusai cho tới phim đương đại của Hayao Miyazaki tại Studio Ghibli, thiên nhiên có ở mọi nơi trong nghệ thuật Nhật Bản.
Kiến trúc Nhật Bản cũng chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của thiên nhiên và văn học, như đã đề cập ở Chương 2. Thiên nhiên được uốn chỉnh cũng đóng vai trò quan trọng đối với nhiều khía cạnh truyền thống văn hóa Nhật Bản – ví như trong ikebana (cắm hoa nghệ thuật), trồng cây bonsai, trà đạo và nhiều thứ khác nữa. Shakuhachi, một trong những nhạc cụ bản địa của quốc gia này, là một loại sáo làm từ cây tre. Khi nằm trong tay các nhạc công điêu luyện, nó có thể mô phỏng rất nhiều âm thanh của thiên nhiên, từ tiếng nước dồn dập, tiếng gió hú tới tiếng ngỗng kêu và tiếng mưa rơi.
Thiên nhiên trong ngôn ngữ
Các từ liên quan đến thiên nhiên được dùng cho cả tên người lẫn tên địa điểm. Chỉ cần lướt nhanh qua tấm bản đồ nước Nhật, chúng ta sẽ thấy hàng loạt các ví dụ như Akia (Đồng lúa mùa thu), Chiba (Một ngàn chiếc lá) và Kagawa (Sông hương).
Những cái tên phổ biến cho bé trai trong mấy năm gần đây bao gồm Asahi (朝陽 Mặt trời buổi sớm) và Haru (晴 Thời tiết đẹp), còn cho bé gái là Aoi (葵 Hoa thục quỳ), An (杏 Mơ) và Mio (美桜 Bông anh đào xinh đẹp). Không chỉ giới hạn ở tên riêng, mười họ phổ biến nhất của người Nhật bao gồm Kobayashi (小林 Khu rừng nhỏ) và Yamamoto (山本 Chân núi).
Còn có những từ ngữ đẹp để chỉ những hiện tượng tự nhiên, ví dụ như komorebi (木漏れ日), mô tả ánh nắng xuyên qua rặng cây tạo thành những đốm nắng trên mặt đất. Kogarashi (木枯 し) diễn tả một loại gió đông. Và có ít nhất 50 cách để tả mưa trong tiếng Nhật. Từ tượng thanh được sử dụng rất nhiều, nhất là để truyền tải các âm thanh thiên nhiên. Zāzā mô tả cơn mưa như trút nước, kopokopo gợi đến những bong bóng nước sủi tăm nhè nhẹ vàhyūhyū là tiếng gió thoảng qua.
Có cả một bộ niên giám về các từ ngữ theo mùa để dùng trong thơ ca cũng như những chỉ dẫn sử dụng các lời chào hỏi theo mùa khi viết thư hoặc email. Một bức thư gần đây tôi nhận được từ một bạn nam người Nhật mở đầu như sau:
Chào Beth, cô thế nào rồi?
Hoa thủy tiên đã bắt đầu nở từ hôm qua, và hoa anh đào cũng chuẩn bị nối gót chúng. Chúng tôi dùng hẹ từ vườn nhà trong bữa sáng hôm nay. Chúng ngon lắm và nhờ thế tôi biết mùa xuân đã đến rồi …
Điều đẹp đẽ nhất về những bức thư ngắn mở đầu theo cách này là sức mạnh của chúng trong việc thoáng hé mở đời sống của người viết qua các chi tiết về mùa mà họ đang trải qua. Chỉ trong vài dòng, chúng có thể vẽ ra trước mắt bạn hơi ấm của ánh nắng bên dưới tán mận hay lúc đút chân trong kotatsu(bàn giữ ấm) mà ăn miếng mikan (cam Nhật) khi ngoài trời tuyết đang nhè nhẹ rơi.
Nhịp điệu của các mùa
Tạo ra truyền thống theo mùa của riêng mình là một cách tuyệt vời để tôn vinh các nhịp điệu của thiên nhiên, đồng thời nhận ra dòng chảy của thời gian trong cuộc sống của chúng ta.
Một trong những kỉ niệm đáng nhớ của tôi về đời sống nông thôn Nhật Bản là khi bác hàng xóm già Sakamoto, một quý bà thú vị ở tuổi tám mươi, gọi tôi qua làm giúp món hoshi-gaki (hồng khô). Bà dạy tôi sau khi bóc vỏ những quả còn cứng, hãy buộc cuống của chúng lại với nhau thành một dải dài rồi treo lên cột tre. Sau đó để chúng tự khô. Trong tuần đầu tiên, không được động vào chúng, nhưng trong khoảng ba tuần kế tiếp thì hãy đều đặn vuốt ve thật nhẹ nhàng. Như vậy, thành phần đường trong quả sẽ được đẩy ra bề mặt và sau cùng quả hồng sẽ trông như được nhúng trong đường vậy. Ghi chú về cách thưởng thức: hoshi-gaki tuyệt ngon khi dùng với trà xanh.
Kể từ khi còn là một cô bé, bà Sakamoto đã luôn thực hiện nghi thức chuẩn bị đồ ăn này và tiếp tục làm vậy hằng năm trong suốt tám thập kỷ qua. Với bà, hoshi-gaki là mùa thu.
Mối liên hệ với wabi sabi
Vậy tất cả những điều này có liên hệ gì với wabi sabi? Kỳ thực, chúng kết nối theo một cách tinh tế, đẹp đẽ, tựa như komorebi ‒ ánh nắng mặt trời rọi qua những chiếc lá.
Mỗi tia cảm hứng tự nhiên là một lời nhắc nhở để ta nhận ra và trân trọng những thứ đang hiện hữu trong vẻ đẹp phù du của chúng. Nếu đến thăm Nhật Bản, bạn sẽ sớm nhận thấy bốn mùa chính trong năm là xuân, hạ, thu, đông hòa trộn vào đời sống thường ngày như thế nào: mùa xuân mang đến hoa anh đào và tiệc hanami (ngắm hoa), mùa hè gắn với các lễ hội và truyền thống mặc kimono đi dạo dọc bờ sông tìm đom đóm; mùa thu chào đón thú ngắm trăng và những chiếc lá momiji (lá phong) đặc biệt đáng nhớ khi được chiếu sáng vào ban đêm; và mùa đông mở ra vẻ đẹp tĩnh lặng của tuyết. Luôn có dấu hiệu về các mùa trong từng chi tiết nhỏ nhất, từ thực phẩm đến đồ trang trí, từ y phục đến lễ hội.
Tôi ngờ rằng chính tầm quan trọng của những lễ kỷ niệm, các nghi thức, phong tục và hàng ngàn sự gợi nhắc nho nhỏ trong cuộc sống hằng ngày là lý do mà wabi sabi in sâu đến vậy trong tâm trí của người Nhật.
Ghi dấu thời gian
Từ thời xa xưa, người Nhật đã dành mối quan tâm đặc biệt đến các mùa. Kỳ thực theo lịch cổ, người Nhật chia một năm thành 24 mùa nhỏ gọi là sekki(節季), mỗi mùa kéo dài khoảng 15 ngày, và còn có 72 mùa siêu nhỏ gọi là kō (候), mỗi mùa như vậy dài cỡ 5 ngày. Lịch này có nguồn gốc từ Trung Hoa và được nhà thiên văn học hoàng gia Shibukawa Shunkai chỉnh lý lại cho hợp với khí hậu địa phương ở Nhật Bản (đặc biệt là vùng xung quanh Kyōto) vào năm 1684. Mỗi mùa nhỏ và siêu nhỏ đều có tên, tất cả vẽ nên một bức tranh giàu sức biểu cảm về những gì diễn ra trong thế giới tự nhiên.
Một số mùa siêu nhỏ yêu thích của tôi trong năm gồm có: Gió đông làm tan băng, Tiếng chim sơn ca, Sương mù bắt đầu lơ lửng, Hoa anh đào trổ bông, Tằm nở, Hạt chín, Gió nóng ập đến, Đất bốc hơi ẩm, Sương mù buông xuống, Lúa chín, Chim én rời đi, Trận sương giá đầu tiên và Gió Bắc quật lá.
CÁC CÂU HỎI GIÚP BẠN HÒA NHỊP VỚI THIÊN NHIÊN
Bất kể là khoảng thời gian nào trong năm hay địa điểm bạn sinh sống ở đâu, bạn đều có thể sử dụng các gợi ý sau để nhận biết những gì đang diễn ra ngay quanh mình. Cố gắng sử dụng toàn bộ các giác quan và tìm kiếm các chi tiết. Nếu làm vậy trong vòng một năm, bạn sẽ khám phá ra rằng việc theo dõi các mùa có thể thay đổi cách nhìn của bạn về thế giới.
Hòa theo nhịp điệu tự nhiên của bản thân
Trong tiếng Nhật, thành ngữ ichiyō ochite tenka no aki o shiru (一葉落ちて天下の秋を知る) hàm ý rằng: “Khi một chiếc lá rụng xuống, ta biết mùa thu đang ở đây”. Câu thành ngữ này dùng trong bối cảnh người nói nhận ra một sự thay đổi sắp xảy ra. Người Nhật xem các mùa như những tấm biển chỉ dẫn, những lời nhắc nhở hữu hình về nhịp điệu tự nhiên của con người.
Trong cuộc sống hiện đại, những thứ này thường bị phá vỡ, khi chúng ta làm cho ngày dài thêm bằng thứ ánh sáng nhân tạo gay gắt, gây gián đoạn nhịp sinh học nhạy cảm của mình bằng ánh sáng xanh từ các thiết bị điện tử, chưa kể còn luôn thúc đẩy bản thân phải làm việc năng suất trong những ngày đi làm. Chúng ta cứ tiếp tục như vậy mà chẳng màng đến việc cơ thể đang tìm cách nói với ta rằng đã đến lúc ngủ đông, hoặc ra ngoài đón ánh nắng hè – và sau đó lại tự hỏi tại sao mình sinh bệnh.
Các mùa chính là những lời nhắc nhở thường trực để chúng ta biết mình không cần phải thúc ép bản thân mọi lúc. Mọi lực đẩy đều cần một lực kéo. Mọi sự giãn ra đều cần một sự co vào. Mọi nỗ lực đều cần sự nghỉ ngơi. Luôn có thời điểm cho sáng tạo và thời điểm cho cảm hứng. Thời điểm cho sự ồn ã và thời điểm cho tĩnh lặng. Thời điểm để tập trung và thời điểm để mơ mộng. Cuộc sống lúc lên lúc xuống. Lúc thịnh lúc suy. Và những cặp đối lập đó rồi sẽ lặp lại. Wabi sabi mời bạn hòa vào nhịp điệu tự nhiên của bản thân, trong giai đoạn này của cuộc đời mình, trong mùa này của năm, và trong khoảnh khắc này của ngày hôm nay.
Bài học từ lễ hội lửa
Thông thường, ngôi làng nhỏ Kurama ở phía bắc Kyōto là một chốn yên bình cho du khách thoải mái thư giãn trong những suối nước nóng tự nhiên hoặc rảo bước theo những con đường mòn lên miếu tuốt trên núi cao. Nhưng ngày hôm nay mọi chuyện rất khác. Hôm nay diễn ra lễ hội lửa hằng năm Hi-Matsuri và những câu chuyện về đuốc cháy cùng bầu trời tỏa rạng thu hút nhiều người tới đây. Rất nhiều người. Các con phố sống dậy khi hoàng hôn buông xuống và bóng tối ập tới.
Những tiếng ngâm nga bắt đầu nổi lên. Kế đó là tiếng chân nện xuống nền đất. Những người đàn ông đóng khố và quây lá quanh hông bắt đầu gõ nhịp trên phố, lúc đầu thật chậm và cứ thế đến khi họ quen dần với sức nặng của ngọn đuốc cao 5 mét trên vai. Trẻ nhỏ nắm chặt những cây đuốc xinh xinh của chúng, nối gót cha, miệng nhoẻn cười đầy tự hào trong ánh lửa đang nhảy múa của 250 cây đuốc gỗ thông.
Tiếng ngâm nga dịu nhẹ tăng dần cả về âm lượng và cường độ cho tới khi từ từ trở thành tiếng xung trận lấp đầy bầu không khí thô mộc của ban đêm. Trên các con phố, đoàn người diễu hành qua những đám đông và tiến lên những bậc thềm của miếu thờ thần đạo Yuki-jinja để dẫn lối cho các kami (thần linh).
Những lễ hội như thế này đã được tổ chức từ thời cổ đại và vẫn diễn ra quanh năm trên khắp nước Nhật. Nhiều sự kiện có mối liên hệ mạnh mẽ với tôn giáo. Số khác lại kết nối với nông nghiệp, các mùa, hoặc đánh dấu các giai đoạn khác nhau của đời người. Hầu hết các lễ hội này, theo một cách nào đó, đều gắn với thiên nhiên hoặc chu kỳ cuộc sống.
Đạo của kami
Chúng ta đã đề cập tới tác động của Phật giáo nhưng cũng cần nói về tầm ảnh hưởng của Shintō (Thần đạo), tôn giáo truyền thống của Nhật Bản. Mang nghĩa là đạo của kami, Shintō gắn bó mật thiết với chu kỳ nông nghiệp và cảm nhận về sự linh thiêng của thế giới tự nhiên, đồng thời xoay quanh sự tôn thờ kami (thần linh). Kami được tìm thấy trong cả các vật thể sống lẫn vật thể vô tri vô giác, từ núi non sông suối đến các loài động vật và sỏi đá.
Theo lời cựu Thần chủ Motohisa Yamakage: “Như là một phần trong cuộc sống thường ngày mà không hề cầu viện tới triết lý phức tạp, người Nhật đã mến yêu và sùng kính thiên nhiên như một món quà của kami từ thuở xa xưa.”
Tiến sĩ Sokyō Ono, một học giả về Shintō và tác giả cuốn sách Shintō: The Kami Way (Shintō: Đạo của Kami), đã nói:
Truyền thống thờ phụng có liên quan chặt chẽ với ý niệm mãnh liệt về cái đẹp, ý niệm huyền bí về tự nhiên, những thứ góp phần quan trọng trong việc dẫn dắt tâm trí con người từ cõi trần đến với một thế giới lớn lao và sâu sắc hơn của thần linh và chuyển biến cuộc sống của tín đồ thành một trải nghiệm sống với kami. Không một vẻ đẹp nhân tạo nào có thể thay thế hoàn toàn vẻ đẹp của tự nhiên.
Bài học từ Yamabushi
Lâu nay, tôi vẫn luôn mến mộ Yamabushi – những ẩn sĩ khổ hạnh trên núi, họ cư trú ở khu vực Dewa Sanzan (ba ngọn núi thiêng) của tỉnh Yamagata nơi tôi từng sống. Thi thoảng trong những lần leo núi Haguro, tôi thoáng bắt gặp họ đang lặng lẽ bước đi, vận áo choàng trắng và mang theo những chiếc kèn vỏ ốc horagai. Tôn giáo của các Yamabushi được gọi là Shugendō, thường được mô tả là sự hợp nhất các khía cạnh của Phật giáo, Thần đạo và Đạo giáo.
Trong nhiều năm, một nghi thức trưởng thành của người dân thành phố chính là trải qua quá trình rèn luyện khắc nghiệt và hành hương với các Yamabushi, bao gồm cả việc thiền định bên dưới một thác nước lạnh như băng. Gần đây, khóa đào tạo này đã chào đón cả những người không phải người Nhật.
Đại sư Hoshino, Thế hệ Yamabushi thứ mười ba, người chỉ đạo chương trình kể trên, đã nói với tôi: “Mọi người luôn hỏi tôi ý nghĩa của việc đào tạo Yamabushi. Nó vốn là triết lý về việc đặt mình vào thiên nhiên và nghĩ về những gì bạn cảm thấy. Trước hết, chúng tôi trải nghiệm. Sau đó, chúng tôi phản hồi. Có những thứ không thể lĩnh hội được nếu không có trải nghiệm trực tiếp. Khi ở trên núi, núi là thầy.”
Triết lý cốt lõi của việc đào tạo Yamabushi gói gọn trong một từ duy nhất uketamō (受 け た も), có nghĩa là “Tôi khiêm tốn chấp nhận”. Đó là một lời mời mạnh mẽ hướng tới sự cởi mở và tỉnh thức. Nó là một câu thần chú tuyệt vời cho mọi thời điểm sống trong thiên nhiên, khi chúng ta muốn mời thiên nhiên làm thầy của mình.
Bài học từ rừng
Tôi nằm ngửa trên nền đất rừng phủ đầy tuyết, dõi theo những cánh chim và lắng nghe tiếng nước phía xa vọng về. Trên đầu tôi, cây cối in lên nền trời màu của những chiếc quần bò mài, trong khi ánh mặt trời cuối đông phủ bạc lên đầu các cành cây nhỏ.
Tôi đang ở Takashima, một thị trấn nhỏ ở rìa hồ Biwa, tự thưởng cho mình trải nghiệm nối đất của shinrin-yoku (林浴 tắm rừng) – một thuật ngữ được Bộ trưởng Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản Tomohide Akiyama đề ra vào năm 1982. Đây là một liệu pháp còn tương đối mới mẻ, bắt nguồn từ Nhật Bản, và hiện nay đã được khoa học chứng minh những lợi ích mà chúng ta vẫn luôn biết rõ: cây cối giúp con người khỏe mạnh hơn.
Khi cuộc sống trở nên hối hả hơn, nhiều người cảm thấy mất kết nối với thiên nhiên và với chính bản thân, như thể họ đang thiếu đi một thứ gì đó quan trọng vậy. Từ lâu nay, mọi người đều hiểu rằng việc dành thời gian gần gũi với thiên nhiên, nhất là giữa cây cối trong rừng, sẽ giúp điều hòa tâm trạng, nhưng phải tới quãng mười năm trước, các kết quả nghiên cứu khoa học mới góp phần củng cố ý tưởng xem đó như một cách phòng bệnh. Từ đây cũng dẫn tới sự ra đời của thuật ngữ “liệu pháp rừng”. Các kết quả nghiên cứu đều cho thấy liệu pháp rừng giúp tăng cường sức khỏe tinh thần, thúc đẩy hệ miễn dịch, đồng thời giảm thiểu mức độ căng thẳng, nhịp tim và huyết áp.
Các lợi ích kể trên không chỉ do bầu không khí thanh bình và các bài tập nhẹ nhàng, mà còn bởi các tương tác thực tế với cây cối. Một nghiên cứu cho thấy sau một chuyến tắm rừng, các đối tượng tham gia đều tăng đáng kể lượng tế bào NK (tế bào sát thủ tự nhiên), một dạng bạch cầu có khả năng tăng cường sức phòng thủ của hệ miễn dịch trước các loại vi-rút và bệnh ung thư, hiệu ứng tăng tế bào NK này kéo dài bảy ngày sau trải nghiệm trong rừng. Các nghiên cứu sau này cho rằng sự tăng cường miễn dịch phần nào là kết quả của việc tiếp xúc với hợp chất phytoncide được thực vật tiết ra.
Về lại với rừng, mái nhà của nai, khỉ, lợn rừng, và gấu. Tháng Ba đã tới nhưng trời vẫn lạnh; cây cối cũng vẫn còn u tối và trần trụi. Tổ chim trên cây rất dễ thấy bởi không còn lá che phủ. Tôi ngắm một đôi bạn lông vũ, có lẽ thuộc họ chim trèo cây, vui vẻ rượt nhau nhảy từ cành này sang cành khác, và hạnh phúc bởi chúng hiện diện trong giây phút này.
Hướng dẫn viên của chúng tôi là ông Shimizu, tuy đã nghỉ hưu nhưng luôn dồi dào năng lượng và vô cùng am hiểu về động thực vật địa phương. Vận nguyên một “cây” đỏ từ đầu tới chân với một bình trà treo nơi thắt lưng, ông đeo một cái ống nghe quanh cổ, hẳn nhiên là để nghe tiếng nước chảy. Ông là một trong số hàng trăm hướng dẫn viên liệu pháp rừng có chứng chỉ hiện đang làm việc tại các trụ sở chính thức trên khắp nước Nhật.
Shimizu-san đã quan sát con đường mòn này mỗi mùa và biết rõ từng bí mật của nó. “Lại xem đám rêu này đi”, ông gọi, tay chìa ra một chiếc kính lúp. “Và đây nữa, hãy xem tuyết tan chảy quanh thân của những cây dẻ gai này như thế nào? Năng lượng của chúng đấy.” Ông yêu cầu chúng tôi bước đi chậm rãi, sử dụng toàn bộ các giác quan và để ý đến từng chi tiết của thế giới sống động xung quanh mình.
Buổi trị liệu của chúng tôi đã bắt đầu từ một vài tiếng trước đó. Đầu tiên, chúng tôi rửa tay trong một dòng suối nhỏ, cảm nhận làn nước mát lạnh và lắng nghe tiếng nước chảy xuống một thác nước thấp. Một chuyến đi bộ nhẹ nhàng đưa chúng tôi đến chân một rãnh nước, từ đây mở ra khung cảnh của những cánh đồng và những ngọn núi ở phía xa. Chúng tôi dừng lại để uống nước và ăn hạnh nhân rang, trước khi thực hành bài tập tĩnh lặng đầu tiên. Mỗi người chọn một hướng, trước hết nhìn ra xa, sau đó nhìn khoảng trung bình, rồi nhìn thật gần, để xem cùng một góc nhìn sẽ thay đổi như thế nào tùy theo những gì chúng tôi đang tập trung.
Trong các buổi trị liệu rừng khác, bạn có thể nghe tiếng sáo, nằm võng để đắm mình trong sức mạnh chữa lành của cây, thiền hoặc đi chân đất để cảm nhận các bề mặt khác nhau dưới chân. Các trải nghiệm này phụ thuộc vào địa điểm, hướng dẫn viên và mùa trong năm.
Giáo sư Yoshifumi Miyazaki, Phó Giám đốc Trung tâm Khoa học Sức khỏe Môi trường và Thực địa thuộc trường Đại học Chiba, cho biết: “Rõ ràng là cơ thể chúng ta vẫn nhận ra thiên nhiên là nhà, đây là một điểm quan trọng cần lưu tâm bởi ngày càng có nhiều người sống trong các thành phố và môi trường đô thị.” Giáo sư cũng chính là người đề xuất thuật ngữ “liệu pháp rừng” để mô tả shinrin-yoku dựa trên các bằng chứng khoa học.
Nghiên cứu của ông đã đo lường lợi ích trực tiếp của liệu pháp rừng, bao gồm sự gia tăng tế bào NK có khả năng chống lại các khối u và nhiễm trùng, tăng cường thư giãn và giảm thiểu căng thẳng, hạ huyết áp chỉ sau 15 phút và mang lại cảm giác khỏe mạnh toàn diện1.
1 Bạn đọc có thể tham khảo thêm về tác dụng và các kỹ thuật tắm rừng trong cuốn Shinrin-yoku: Nghệ thuật tắm rừng của người Nhật (NXB Công Thương, 2019, Thaihabooks phát hành). (chú thích của Biên tập viên - BTV )
“Không chỉ những khu rừng mang lại lợi ích sức khỏe cho chúng ta”, Giáo sư Miyazaki nói. “Các tác nhân kích thích tự nhiên khác như công viên, hoa lá, cây bonsai và kể cả các mảnh gỗ đều đã được chứng minh là giúp làm giảm căng thẳng, nghĩa là ai cũng có thể tiếp cận những lợi ích này, ngay cả dân thành phố.”
Sau cùng, tôi mừng vì đã buộc bản thân phải rời tấm nệm futon ấm áp khi mặt trăng vẫn còn ở trên cao để bắt một chuyến tàu sớm vào rừng. Đêm hôm ấy, tôi cảm thấy thư giãn, trẻ lại và ngủ say như một đứa bé.
Trong The Anatomy of Self (Giải phẫu cái tôi), một cuốn sách kinh điển tìm hiểu về tính cách người Nhật, bác sĩ tâm thần Takeo Doi đã đưa ra một nhận định thú vị rằng người Nhật yêu chuộng thiên nhiên bởi lẽ khi ở trong nó, họ không phải tuân theo bất kỳ quy tắc xã hội nào cả: “Có thể nói rằng họ hòa làm một với thiên nhiên… Do đó, tự thân họ cảm thấy tính người khi ở giữa thiên nhiên nhiều hơn là khi ở giữa xã hội con người”. Tôi chắc rằng nhiều người không phải người Nhật cũng cảm thấy điều tương tự.
Khỏe mạnh tự nhiên
Một điều đáng hoan nghênh là shinrin-yoku đã khuyến khích rất nhiều người tìm đến rừng.
Tuy nhiên, chúng ta không nên suy nghĩ sai lầm rằng mình nhất định phải đi trên một con đường mòn tiêu chuẩn, cùng một hướng dẫn viên chính quy, để có thể tận hưởng sức mạnh chữa lành của cây. Tôi cho rằng chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện các nguyên tắc đã được chứng thực của liệu pháp rừng theo cách tự do hơn. Đi dạo. Đi bộ đường trường. Tập yoga giữa cây cối. Trèo cây. Ôm lấy chúng. Nói chuyện với chúng. Ngồi tựa lưng vào cây mà viết nhật ký.
Kachō fūgetsu (花鳥 風月) là một cụm từ thú vị trong tiếng Nhật, trực dịch là hoa-chim-gió-mặt trăng. Nó ngụ ý đến chuyện chiêm nghiệm vẻ đẹp của thiên nhiên. Điều này có thể thúc đẩy những suy nghĩ về bản chất nội tại của chính chúng ta, nhắc chúng ta nhớ đến vai trò cấu thành của mình trong một tổng thể kỳ diệu và giúp chúng ta xem xét mọi thứ một cách thận trọng.
Tôi hy vọng liệu pháp tắm rừng có thể trở nên giống như yoga – một hoạt động rất đáng để theo học một cách chính quy, nhưng cũng có thể thực hiện một mình hoặc với một nhóm nhỏ, không bị gò bò trong quá nhiều cấu trúc, thiết bị và luật lệ. Chỉ có bạn và những cái cây – hoặc có thể chỉ có bạn, những cái cây và tấm thảm tập yoga – cùng tìm ra nhịp điệu của riêng bạn và làm sâu sắc thêm mối liên hệ của bạn với thiên nhiên.
Liệu pháp rừng không chỉ là một xu hướng chăm sóc sức khỏe đương đại. Con người đã sống trong rừng từ thời cổ xưa. Thiên nhiên nằm trong huyết quản, trong xương thịt, trong chính tinh thần con người của chúng ta. Đó là tiếng gọi ám ảnh của núi và sức kéo quay cuồng của biển; tiếng thì thầm của gió và những bí mật của cây.
Với tôi, tắm rừng không phải là làm một điều gì đó mới lạ, mà là gắn kết lại với một điều chúng ta vốn biết rõ, nhưng nhiều người đã lãng quên. Khi bạn dành thời gian trong một khu rừng yên ả, trải nghiệm những giây phút chánh niệm giữa những tán cây, bạn sẽ thấy được bao bọc, được hỗ trợ và được chuyển dịch. Điều này giống như gặp lại một người bạn cũ, người sẽ kéo bạn lại gần và thì thầm những điều bí mật vào tai bạn nếu bạn xuất hiện trước cửa nhà họ.
Trong thế giới hiện đại, chúng ta dành quá nhiều thời gian đóng mình trong những chiếc hộp được khử trùng – trong nhà, xe hơi và văn phòng. Dành thời gian để bước khỏi những chiếc hộp này và hòa mình môi trường hoang dã bên ngoài sẽ mài giũa các giác quan và gợi nhắc chúng ta về sự quý giá của cuộc sống này. Đôi khi chúng ta cần lột bỏ hết tất thảy để thấy được vẻ đẹp thực sự. Cần sự đơn giản để nhắc nhở bản thân rằng cuộc sống không chỉ xoay quanh chuyện tích lũy vật chất. Cần tiếng chim hót và bầu trời rộng lớn để biết rằng mình là một phần của tự nhiên. Sự hoang dã vốn luôn là một phần bản chất của chúng ta.
Bí quyết tắm rừng
Dưới đây là một vài bí quyết tắm rừng ở những không gian xanh gần nơi bạn sống.
Khi đang dành thời gian trong thiên nhiên, hãy tự hỏi bản thân những câu sau:
Hãy lưu ý và đảm bảo tuân theo các biện pháp giữ an toàn thông thường khi đi vào rừng. Và nếu hiện tại, bạn chưa có điều kiện hòa mình vào cây rừng, hãy thử nhỏ tinh dầu bách hoặc tuyết tùng vào máy khuếch tán, hoặc trồng vài cái cây trong nhà.
Nuôi dưỡng một mối quan hệ hài hòa
Trong một chuyến đi bộ gần đây với vài người bạn Nhật, chúng tôi đã đi đến một mỏm đá có khúc gỗ vắt ngang, địa điểm lý tưởng để nghỉ chân và nhâm nhi Kuromoji-cha mới ủ (trà long não). Trà có hương vị lạ, cay cay một chút lúc ban đầu, nhưng sau đó lại ngọt dịu. Ngon tuyệt. Giữa những lần nhấp trà, làm người tuyết tí hon và chỉ cho nhau những chồi non nhỏ xíu báo hiệu mùa xuân cận kề, chúng tôi nói về tình yêu thiên nhiên của mình.
Chúng tôi cũng thảo luận về chủ đề nan giải là thiên nhiên Nhật Bản đang bị hủy hoại nhanh chóng trong quãng một thế kỷ qua. Mặc dù những hình ảnh tinh túy của nước Nhật thường gắn liền với thiên nhiên, như hoa anh đào hoặc đỉnh núi Phú Sĩ, nhưng ai nấy đều nhận thấy rõ rằng phần lớn cảnh quan thiên nhiên và động vật hoang dã nơi đây đã bị phá hủy cùng sự phát triển của công nghiệp hóa kể từ cuộc cải cách Minh Trị năm 1868 cũng như sự tăng trưởng quyền lực kinh tế vào nửa sau thế kỷ 20.
Có thể thấy rằng những người bạn này của tôi thực sự cảm thấy bản thân là một phần của thiên nhiên, nhưng họ lo ngại rằng nhiều người đã đánh mất mối liên hệ đó khi hối hả chạy theo sự phát triển kinh tế. Kỳ thực, phần lớn những cảnh quan thiên nhiên từng truyền cảm hứng cho những người như Bashō (1644‒1694) và Hokusai (1760‒1849) hoặc đã biến mất, hoặc khó lòng chụp được ở thời điểm hiện tại mà không vướng dây điện hay tòa nhà án ngữ phía trước. Những người bạn của tôi nhận ra rằng tình yêu thiên nhiên của người Nhật dường như lạc điệu với số lượng khổng lồ vật liệu bê tông trong cuộc sống đô thị tại Nhật Bản, cũng như mạng lưới dây cáp giăng mắc chằng chịt khắp bầu trời.
Ý thức về mối liên hệ yếu ớt với thiên nhiên này đã được đạo diễn Hayao Miyazaki phản ánh trong nhiều bộ phim hoạt hình nổi tiếng của ông. Những bộ phim này thể hiện quan niệm của Thần đạo cho rằng có tính liên tục trong mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, và ông đã sử dụng những thước phim để nhấn mạnh các vấn đề phát sinh khi loài người tách rời khỏi thiên nhiên, cho dù bằng cách cố gắng kiểm soát hay phá hủy nó.
Thách thức nổi cộm của thời đại này đòi hỏi chúng ta phải trở về với thiên nhiên, chứ không phải là xa rời nó.
Khoảnh khắc của kính ngưỡng
Vào một buổi sáng tháng Giêng xám xịt, khi đang trên đường đến thư viện Bodleian ở Oxford để thực hiện một số nghiên cứu cho cuốn sách này, tôi nhìn lên và thấy không chỉ một mà là hai dải cầu vồng trên bầu trời. Đứng chôn chân tại chỗ, tôi nhìn chằm chằm đầy kính ngưỡng vào món quà ấy, một thứ mà bản thân chưa từng được thấy bao giờ. Khi ngắm nhìn, tôi có thể thấy nó đang thay đổi, lúc đậm lên, lúc mờ đi. Một cậu thiếu niên cắm cúi bước lại và gần như va vào tôi, bởi cậu vẫn đang mải tập trung vào chiếc điện thoại trên tay. “Nhìn kìa”, tôi nói, gõ nhẹ vào cánh tay cậu và háo hức chỉ lên. “Ôi chao”, cậu thốt lên, và quay sang đứng cạnh tôi, hai người xa lạ bỗng cùng chia sẻ khoảnh khắc hoàn hảo của chiếc cầu vồng đôi. Hai phút sau nó biến mất.
Thiên nhiên là ngôi nhà của phép màu. Quá trình phát triển phức tạp, những câu chuyện về sức bật tinh thần, vẻ đẹp phù du xuất hiện rồi lại tan biến. Khi chúng ta dành thời gian để dừng lại ngắm nhìn, mỗi món quà ấy lại gợi nhắc chúng ta chú ý đến những vẻ đẹp thoáng qua trong cuộc sống của chính mình.
TRIẾT LÝ WABI SABI
VỀ VIỆC SỐNG VỚI THIÊN NHIÊN
THỰC HÀNH: CHIÊM NGHIỆM
Hãy dành thời gian trong thiên nhiên để chiêm nghiệm:
Bạn nhận thấy những gì? Khi bạn chú tâm lắng nghe, thiên nhiên nói gì với bạn?