Do Nhật Bản có địa hình nhiều đồi núi, với rừng, đồng ruộng và đất nông nghiệp chiếm khoảng 80% diện tích lãnh thổ, nên hiển nhiên là những khu vực đô thị của quốc gia này luôn đông đúc dân cư. Tōkyō có khoảng hơn 13 triệu dân, tức hơn 6.000 người/km2. Chính vì vậy, người Nhật trở thành bậc thầy về thiết kế kiến trúc không gian nhỏ.
Không gian cá nhân bị hạn chế và trong vài năm trở lại đây, tình trạng bựa bộn đã trở thành một vấn đề nhức nhối với người Nhật cũng như người dân tại các quốc gia khác. Có lẽ điều này lý giải tại sao họ lại vô cùng thành thạo nghệ thuật sắp xếp và lưu trữ, cũng như tại sao Muji (tức là “không nhãn hiệu”) lại là cửa hàng mua sắm được nhiều người ưa chuộng và cái tên Marie Kondō lại được nhà nhà biết tới. Tuy nhiên, đừng nhầm tưởng rằng phần lớn người Nhật hiện nay sống trong những căn phòng trống trơn. Không hề có chuyện đó. Mặc dù chủ nghĩa tối giản đã có tác động thay đổi cuộc sống của nhiều người, nó vẫn có thể trở thành một biến thể khác của sự hoàn hảo. Nó tạo thêm cái cớ để bạn trách móc bản thân vì làm sai, và thẳng thắn mà nói, sống như vậy cũng mệt mỏi vô cùng.
Có thể bạn cũng giống tôi. Bạn thích triết lý tối giản và mơ về một căn nhà ngăn nắp hoàn hảo, nhưng rồi nhận ra rằng lối sống đòi hỏi kỷ luật này không thực sự phù hợp với mình bởi bạn có con cái/thú cưng/cuộc sống bận rộn/ sở thích kỳ quặc với ấm trà cổ/nhiều sách hơn cả thư viện địa phương hoặc một số lý do khác khiến bạn không thể sắp xếp gọn gàng ngăn đựng tất. Hoặc bạn đang thuê nhà và không thể tùy ý thay đổi không gian sống. Hoặc bạn đang trong giai đoạn thắt lưng buộc bụng và nghĩ rằng một căn nhà ấm cúng chỉ dành cho những người có nguồn thu nhập dư dả hơn. Hoặc chỉ là bạn rất bận và cảm thấy tốn quá nhiều công sức để hoàn thành mọi việc. Nếu thấy mình ở đâu đó trong các tình huống trên, giải pháp “giản lược giàu cảm xúc” có lẽ sẽ hợp với bạn.
“Giản lược giàu cảm xúc” là cách tôi gọi việc bỏ bớt đồ đạc và thiết kế căn nhà của bạn bằng tình yêu, chứ không tối giản nó một cách vô cảm hoặc gắng sức quá mức. Đó là cách sắp xếp và cá nhân hóa không gian sống sao cho căn nhà của bạn trở thành một nơi dễ chịu và ấm cúng.
Trong tiếng Nhật, igokochi ga yoi (居心地が良い) là một thành ngữ dễ thương có nghĩa là ngụ trong trái tim thật an lành, được dùng để diễn tả cảm giác thoải mái hoặc cảm giác như ở nhà. Tôi thích nghĩ về nó như một chốn dành cho trái tim hạnh phúc. Đó cũng chính là thứ chúng ta muốn tạo ra bằng “giản lược giàu cảm xúc”.
Nhà bạn, không gian của bạn
Không gian sống tác động lên cách chúng ta sống và cảm nhận. Nếu chúng ta muốn sống khác đi, việc thay đổi môi trường và các chi tiết trong không gian sống đóng vai trò quan trọng. Nhà có thể là nơi trú ẩn, địa điểm tụ tập, kho lưu trữ tình yêu và tiếng cười, sự biệt lập và nghỉ ngơi. Chúng có thể vững chãi, thoải mái, truyền cảm hứng và xoa dịu căng thẳng. Nhà là nơi chúng ta viết lên những câu chuyện của mình, và chúng làm phong phú thêm những trải nghiệm hằng ngày của mỗi người.
Vẻ đẹp của “giản lược giàu cảm xúc” nằm ở chỗ nó có thể giúp chúng ta biến bất cứ căn nhà nào – bất kể kích cỡ hay ngân sách – thành một chốn đáng sống. Nó cũng làm nhẹ lòng những người từng mê mẩn các tạp chí thiết kế và dành hàng giờ ngồi xem Pinterest và Instagram nhưng lại cảm thấy khó chịu khi nghĩ rằng nhà của họ sẽ chẳng bao giờ giống được như vậy. Wabi sabi gợi nhắc rằng nhà của chúng ta không nhất thiết phải giống như tạp chí. Nhà là để sống, mà sống thì không thể nào chỉn chu toàn vẹn được. Tin tốt là sự hỗn loạn của cuộc sống thực tế, đã qua sàng lọc đôi chút, có thể hé lộ nhiều điều. Hầu hết chúng ta đều sẵn có những vật liệu để tạo dựng một không gian thân thiện. Chỉ cần bỏ chút thời gian quan tâm chăm sóc, nhà của bạn có thể trở thành một thánh địa phản ánh những gì thực sự quan trọng với bạn.
Lấy cảm hứng từ trà thất truyền thống – một hiện thân của wabi sabi – chúng ta có thể hình dung ra một không gian sạch sẽ, đơn giản, không bừa bộn. Vấn đề nằm ở việc quyết định cái gì nên giữ và cái gì nên bỏ, thứ gì để trưng ra và thứ gì nên cất đi, cái gì cần sửa chữa và cái gì cần trân trọng.
Bạn không cần chờ đến thời điểm hoàn hảo – khi bạn có tiền để trang hoàng nhà cửa, khi con cái dời đi, hoặc khi rốt cục bạn cũng có thời gian để sắp xếp mọi ngăn kéo và tủ đồ. Bạn có thể bắt đầu ngay hôm nay, ngay tại nơi bạn sống. Đây không phải là một bộ quy tắc, mà là tập hợp các ý tưởng và câu hỏi giúp bạn tự cân nhắc để làm theo cách của mình.
Mối liên hệ cảm xúc
Thực tế là nhiều người sống trong những căn nhà chất đầy đồ đạc, mặc dù không hề thích điều đó. Chúng ta mua đồ dẫu cho không cần đến. Chúng ta tự nhủ cần phải sắp xếp gọn gàng mọi thứ, và rồi thay vì vậy chúng ta lại bật tivi lên xem. Trong nhiều năm làm việc với những người muốn thay đổi cuộc sống, tôi thấy bỏ bớt đồ đạc luôn là một phần quan trọng trên hành trình của họ. Khi ngày càng loại bỏ được nhiều đồ đạc, họ cũng bắt đầu nhận thấy bản thân giảm bớt đi các suy nghĩ tiêu cực, bớt đi cảm giác thiếu thốn, tình trạng bận rộn, lòng quyến luyến với con người mình trong quá khứ và bớt đi những khao khát về một cuộc sống vốn không hề liên hệ với con người họ hoặc những gì họ thực sự xem trọng. Đó là lúc wabi sabi thực sự xuất hiện. Khi bạn nhận ra bản thân không hoàn hảo một cách hoàn hảo, bạn sẽ bớt cần đến những “món đồ” củng cố hình ảnh bản thân. Sau cùng, việc giản lược giàu cảm xúc tại nhà phụ thuộc vào chính bạn và những trải nghiệm bạn muốn tạo ra cho bản thân, gia đình và bạn bè. Đó là hiểu rõ những gì bạn yêu thích và tạo không gian cho những nguồn cảm hứng chân thật. Đó là nhìn ra những gì đang bó buộc bạn. Đó là chất lượng, chiều sâu và sự chọn lựa. Và đó cũng là đặt sự phán xét sang một bên và tập trung vào những gì bạn có thể làm với những gì sẵn có.
Một căn nhà lấy cảm hứng từ wabi sabi là không gian nghỉ ngơi vừa chào đón khách vừa nuôi dưỡng đời sống gia đình. Đó là nơi dành cho những thứ quý giá đong đầy tình yêu và gợi nhắc kỷ niệm, chứ không phải cho những thứ được mua trong cơn bốc đồng. Chẳng có đúng hay sai ở đây. Nó là lối bài trí không phô trương và được thực hiện theo kiểu không hoàn hảo một cách hoàn hảo.
Ở phần sau chương này, tôi sẽ đưa ra một số lời khuyên giúp bạn giảm bớt số lượng đồ đạc và giản lược giàu cảm xúc không gian của bạn theo phương thức wabi sabi. Nhưng trước tiên, hãy xem xét ý niệm về cái đẹp Nhật Bản ẩn bên dưới tất cả những điều đó.
Tạo ra cái đẹp
Nếu ghé mũi lên kính, nhìn qua khung cửa sổ của một xưởng thủ công cũ, bạn có thể thấy Makiko Hastings bên bàn xoay gốm, ngồi trên một chiếc ghế gỗ lấm tấm vệt đất sét nhão và những dấu vân tay mờ mờ ảo ảo. Bạn có thể thấy bờ vai cô lên xuống nhịp nhàng khi cô đang tạo hình đất sét. Trên những giá kệ phía sau là hàng dãy sản phẩm gốm đã khô, tất cả đều được làm thủ công bằng tình yêu và khiếu thẩm mỹ bẩm sinh của cô.
Tôi lần đầu biết tới Makiko là quãng bảy năm trước khi mua một bộ gác đũa hình chim mà cô làm để gây quỹ cho nạn nhân của thảm họa động đất và sóng thần hồi năm 2011. Tổng cộng, cô đã làm ra hơn một nghìn con chim gốm để hỗ trợ cư dân thị trấn Minamisanriku, nơi đã bị trận sóng thần tàn phá nghiệm trọng. Makiko từng trải qua vô vàn khó khăn trong quá khứ, nhưng cô đã vượt qua nhờ sự động viên của gia đình và óc sáng tạo của mình.
Ngày nay, Makiko tỉ mẩn làm ra từng sản phẩm cho cửa hàng trực tuyến của cô. Khi được hỏi về những lựa chọn thẩm mỹ, cô giải thích cách làm thế nào để sự đơn giản trong một lĩnh vực mở lối cho các chi tiết ở lĩnh vực khác. Ví dụ như một bộ đĩa ăn mà bếp trưởng của một nhà hàng địa phương vừa đặt cô làm. Những chiếc đĩa bằng phẳng dị thường ấy được phủ lớp men xanh tinh tế, màu men mỗi chiếc mỗi khác, mang đến cho mỗi thực khách một trải nghiệm hình ảnh độc đáo về đồ ăn của họ.
Ngoài việc cân nhắc đến hình thức, họa tiết và màu sắc, Makiko xem những chiếc đĩa của mình là một vật không chỉ chứa đựng thực phẩm mà còn chứa đựng ký ức. Cô tin rằng khách hàng sẽ hoàn thiện vẻ đẹp của từng sản phẩm bằng cách sử dụng và trân trọng nó. Điều này thể hiện một luận điểm quan trọng: vẻ đẹp Nhật Bản được khám phá trong trải nghiệm, chứ không chỉ qua quan sát.
Phân tích vẻ đẹp Nhật Bản
Không có tập hợp thuật ngữ thống nhất nào để định nghĩa vẻ đẹp Nhật Bản, vì vậy tôi đã chọn lọc các quan niệm phổ biến nhất để có thể dễ dàng đưa vẻ đẹp này vào cuộc sống của bạn. Mặt ngoài của vẻ đẹp Nhật Bản là mỹ vị (thẩm mỹ thị giác); còn bên trong là phong vị (trải nghiệm).
Hãy nghĩ đến một số thứ thường được gắn liền với cái đẹp tại Nhật Bản: nét duyên dáng thu hút của một nàng maiko1 trong bộ kimono lụa lộng lẫy màu lục nhạt phối cùng chiếc đai obi màu đỏ tươi được thêu cầu kỳ, vẻ quý phái của một cư dân Tokyō thanh lịch, chất nghệ của một đóa hoa trà cắm trong chiếc bình tráng men tro Hagi-yaki hay sự đơn giản của một căn phòng trải chiếu tatami truyền thống. Làm thế nào tất cả những góc nhìn này về Nhật Bản – vốn rất khác biệt trong kiểu dáng, màu sắc, kết cấu, hoa văn và độ phức tạp – lại đều thuộc cùng một lý tưởng thẩm mỹ? Chung quy đều ở gu thẩm mỹ.
1 Có nghĩa là “đứa trẻ nhảy múa”, chỉ một geiko tập sự (geiko là tên gọi của geisha đến từ Kyōto). Geisha là những phụ nữ được đào tạo khắt khe các môn nghệ thuật truyền thống Nhật Bản gồm ca hát, nhảy múa và chơi nhạc. Maiko thường mặc kimono dài tay nhiều màu. Các đai lưng (obi) mặc cùng kimono thường được buộc lại phía sau lưng và buông dài tới gót chân. (TG)
Vẻ đẹp bên ngoài
Nếu chúng ta đánh dấu các gu thẩm mỹ chủ đạo của người Nhật trên một trục, nó sẽ trông như thế này:
Hade (派手): Phô trương, lòe loẹt, phóng khoáng. Một chiếc kimono rực rỡ, một bộ móng tay đính đá. Màu sắc không giới hạn, từ màu cơ bản cho đến màu neon.
Iki (粋): Quý phái, kiểu cách, tinh tế và sành điệu. Vẻ ngoài ấn tượng tự nhiên (mặc dù cũng có thể tốn đôi chút công sức); những bộ com-lê chải chuốt và quần áo công sở sành điệu, sự tự tin vận dụng màu sắc.
Shibui (渋い): Đôi khi được dịch là mộc mạc, dịu nhẹ, tinh tế hoặc hài hòa, mặc dù đối với người Nhật thì từ này mang nghĩa phức tạp hơn, ý chỉ sự yên tĩnh, sâu sắc, đơn giản và thuần khiết. Gần đây, shibui còn có nghĩa là những thứ mang nét sang trọng kín đạo, thiết kế đẹp mắt và tinh tế. Về màu sắc, nó chỉ màu tối, đậm và sâu, thường kèm theo một số màu trung tính và một chút màu nhấn xám nhạt, giống như các sắc độ của một bông tú cầu vậy.
Jimi (地味): Nghĩa đen là “vị đất” – nhã nhặn, giản dị, không phô trương. Các tông màu trung tính, màu be hoặc xám đục. Thiết kế màu trơn hoặc gần như không có sự tương phản màu sắc.
Các gu thẩm mỹ trên đều coi trọng sự trang nhã, nhưng chúng lại không hề giống nhau ở bề ngoài. Chúng cũng có thể được dùng để mô tả thái độ.
Vị trí của wabi sabi?
Lâu nay, thuật ngữ wabi sabi đã được sử dụng ở phương Tây như một tính từ để mô tả một gu thẩm mỹ cụ thể. Nó đại diện cho vẻ ngoài tự nhiên, thô mộc, đề cao sự không hoàn hảo cũng như những vật liệu, kết cấu và đặc tính tự nhiên. Về màu sắc, có thể kể tới những sắc thái tinh tế của tự nhiên – các tông màu đất, các sắc độ xanh lá, xanh da trời, trung tính, xám, màu gỉ sắt. Tôi chuộng những đồ vật có các đặc tính trên và dùng chúng để trang trí ngôi nhà của mình. Nhưng đó không phải là wabi sabi ở tầng nghĩa sâu mà chúng ta đang thảo luận.
Tôi cho rằng hiện tượng đổi nghĩa này đã xảy ra trong quá khứ, khi một vài người ngoại quốc bạo dạn, vốn bị wabi sabi lôi cuốn, tìm cách chạm tới cốt lõi của vấn đề. Chắc hẳn ngày ấy, những người Nhật tốt bụng đã không thể tìm ra cách diễn đạt chính xác khi được hỏi về wabi sabi, do vậy, họ chỉ vào các sự vật, như một cái bát, một phòng trà, hoặc một chiếc lá khô – những thứ họ cho là gắn liền với trải nghiệm wabi sabi, nhưng thực chất lại không phải vậy. Kết quả là nhiều người ngoại quốc quen nghĩ về wabi sabi như tên gọi cho “vẻ ngoài” tôn vinh sự không hoàn hảo và dấu ấn của thời gian, thay vì hiểu rõ những tầng ý nghĩa sâu xa của nó.
Để tránh nhầm lẫn, tôi sẽ sử dụng thuật ngữ wabisabiesque (phong cách wabi sabi) để mô tả loại thẩm mỹ thị giác này (trên bề mặt), trái ngược với thuật ngữ triết học wabi sabi vốn là trải nghiệm về bản chất của cái đẹp (ở tầng sâu).
Dưới đây là một số thuật ngữ phổ biến nhất được sử dụng để mô tả wabisabiesque:
Nếu chúng ta thêm wabisabiesque vào trục thẩm mỹ, tôi nghĩ nó sẽ nằm giữa shibui và jimi (dù vị trí chính xác của nó, lẽ đương nhiên, phụ thuộc vào gu thẩm mỹ):
Phong cách tự nhiên của bạn là gì?
Hãy dành chút thời gian để ngẫm xem gu thẩm mỹ tự nhiên của bạn nằm ở đâu trên trục. Để xác định, hãy thử quan sát quanh nhà bạn, nghĩ đến những không gian mang lại cảm hứng. Nhớ rằng sự hấp dẫn thị giác có thể đến từ kết cấu, hình dạng, tỷ lệ và độ sáng tối, chứ không chỉ từ mỗi màu sắc.
Vẻ đẹp bên trong
Nhận thức cái đẹp của người Nhật không chỉ dừng lại ở vẻ ngoài. Thay vào đó, có những từ đặc biệt để mô tả đặc tính cảm xúc của vẻ đẹp bên trong, vốn gắn liền với trải nghiệm của chúng ta về vẻ đẹp đó. Có một loạt các từ để thể hiện các khía cạnh khác nhau của vẻ đẹp này, một vài trong số đó có nét nghĩa trùng nhau. Để bạn không bị rối, tôi chỉ chia sẻ dưới đây những thuật ngữ quan trọng nhất.
Mono no aware (物の哀れ)
Thuật ngữ mono no aware là sự nhạy cảm tinh tế và phản ứng cảm xúc trước vẻ đẹp hữu hạn, nó đã được diễn giải thành nhiều nghĩa như “tính chất bi ai của sự vật”, “‘khả năng lay động cảm xúc buồn vui lẫn lộn của sự vật” và thậm chí là “tính choáng ngợp của sự vật”. Đó là cái đẹp nằm trong sự chóng tàn, dễ hỏng. Thoạt nhìn, sự mô tả này có vẻ giống với quan niệm về wabi sabi, nhưng có một điểm khác biệt rõ nét: mono no aware tập trung vào cái đẹp (và sự tan biến sắp xảy đến của cái đẹp đó), trong khi wabi sabi hướng sự chú ý của chúng ta vào những gì được cái đẹp đó gợi nhắc về cuộc sống. Khi người Nhật dùng phép ẩn dụ để mô tả mỗi thuật ngữ, họ thường dẫn ra nét đẹp ngắn ngủi của đóa anh đào mong manh đang rộ sắc hồng ngay trước khi rụng xuống để chỉ mono no aware, nhưng với wabi sabi, họ sẽ nói về một chiếc lá thu đã lìa cành.
Yūgen (幽玄)
Thuật ngữ yūgen chỉ độ sâu của thế giới dưới trí tưởng tượng của chúng ta. Nó được ví như vẻ đẹp của sự duyên dáng, của sự huyền bí và của nhận thức rằng chúng ta chỉ là một phần nhỏ của một thứ vĩ đại hơn gấp bội. Yūgen được xem là một trong những nguyên tắc quan trọng nhất của kịch Nō truyền thống tại Nhật Bản. Nó xuất hiện từ văn hóa tao nhã của giới quý tộc thời kỳ Heian1 và đã phát triển theo thời gian thành đại diện cho cảm giác vi diệu sâu sắc trước bản chất thơ mộng của cái đẹp.
1 Thời kỳ Heian trong lịch sử Nhật Bản kéo dài từ năm 794 đến năm 1185. Đây là thời kỳ đạo Khổng và các ảnh hưởng của Trung Quốc phát triển tới đỉnh cao. (TG)
Wabi (侘)
Như đã nói ở Chương 1, wabi là cảm giác có được khi ta nhận ra vẻ đẹp trong sự đơn giản, cảm giác mãn nguyện khẽ dâng lên trong lòng khi ta thoát khỏi những bộn bề của thế giới vật chất. Tinh thần của wabi gắn bó sâu sắc với tư tưởng chấp nhận rằng nhu cầu thực sự của chúng ta vốn đơn giản, cũng như tư tưởng sống khiêm nhường và biết ơn cái đẹp đã luôn tồn tại ở ngay quanh chúng ta.
Sabi (寂)
Tương tự, như đã đề cập ở Chương 1, sabi truyền tải vẻ đẹp sâu sắc và tĩnh lặng được hình thành theo thời gian. Về mặt thị giác, chúng ta gắn liền sabivới tình trạng gỉ sét, phong hóa, xỉn màu và cổ kính, do vậy, nó có thể được dùng để mô tả vẻ ngoài của sự vật. Nhưng ở tầng nghĩa sâu hơn, nó đại diện cho vẻ đẹp tôn vinh, phản ánh và nhắc nhở chúng ta về vòng tuần hoàn tự nhiên của cuộc sống, từ đó gợi lên hàng loạt các phản ứng cảm xúc, từ bâng khuâng và sầu muộn cho đến chiêm nghiệm sâu sắc và khát khao mãnh liệt.
Những yếu tố cảm xúc này đóng vai trò vô cùng quan trọng trong nhận thức thẩm mỹ của người Nhật. Để hiểu rõ giá trị của chúng, ta cần phải sống chậm lại, tập trung chú ý, mở lòng và thấu cảm.
Năm 1958, trên tạp chí nội thất House Beautiful, biên tập viên Elizabeth Gordon đã viết về vẻ đẹp Nhật Bản như sau:
Trước tiên, bạn sẽ không học được cách nhận ra cái đẹp nếu bản thân bị bó buộc trong những đường lối quen thuộc hoặc truyền thống. Bạn phải nhìn mọi thứ bằng cặp mắt thuần khiết, nghĩa là quên đi tất cả các mối liên hệ về giá cả, tuổi tác, bối cảnh xã hội, uy tín, v.v.. Bỏ qua mọi ý kiến đánh giá của người khác và phản ứng với đối tượng theo cách bạn phản ứng trước những tạo vật của tự nhiên như cây cỏ, hoàng hôn, mây trời và núi non. Thứ hai, bạn sẽ không học được cách nhìn ra cái đẹp nếu chỉ nhìn riêng lẻ từng đối tượng, nhất là các đối tượng không thể tách rời. Vẻ đẹp của mọi vật tăng lên hay giảm xuống tùy thuộc vào những yếu tố bên ngoài tác động lên chúng.
Lấy cảm hứng từ Nhật Bản, một trong những chuyên gia tạo ra trào lưu hàng đầu của Mỹ tại thời điểm bấy giờ đã khuyến khích độc giả của mình ngừng phán xét về những đồ vật họ đặt trong nhà dựa trên các giá trị mà họ tiếp nhận từ người khác, thay vào đó là nắm lấy những gì bản năng họ mách bảo.
Vẻ đẹp bên trong
Vẻ đẹp Nhật Bản không thể được mô tả bằng ngôn ngữ hoặc lô-gic. Nó phải được nhìn bằng mắt và trải nghiệm bằng trái tim. Bài học quan trọng nhất mà wabi sabi mang lại cho chúng ta để đưa cái đẹp vào cuộc sống và không gian sống của mình là: Cái đẹp nằm ở trái tim người cảm nhận.
Nhưng nếu cái đẹp nằm ở trái tim người cảm nhận, vậy trong thực tế điều đó có ý nghĩa gì với chúng ta để khám phá ra một cách nhìn mới?
Nó có nghĩa là chúng ta tìm kiếm cái đẹp bằng toàn bộ các giác quan. Nghĩa là chúng ta không còn liên tục truy cầu có nhiều hơn, để có thể nhận thấy những gì mình đã có trong tay. Nghĩa là sống chậm lại để quan sát và chú ý tới những gì nằm bên dưới bề mặt bên ngoài. Nghĩa là tích lũy quanh mình những đồ vật và con người cũng như những ý tưởng mà chúng ta yêu thích và trân trọng. Và đôi khi, nó là một sự phản tỉnh rằng cuộc sống là một vòng tuần hoàn, không phải là vĩnh cửu, thế nên nó ngắn ngủi và quý giá.
Nó cũng có nghĩa là chúng ta mở rộng trái tim mình cho các triển vọng và những điều kỳ diệu, tìm kiếm những món quà của một cuộc sống đơn giản hơn.
Biến căn nhà thành nơi của riêng bạn
Ngồi trên sàn nhà, la liệt xung quanh là vô số tạp chí và sách về nội thất mà tôi đã sưu tầm nhiều năm qua tại Nhật, tôi đang cố vạch ra chính xác thứ bấy lâu nay đã cuốn hút mình vào nghệ thuật thiết kế và phong cách của Nhật Bản. Khi mắt lướt trên bìa và tay lật giở từng trang giấy, tôi như quay lại những năm 2000 khi còn đang sống và làm việc ở Tōkyō. Hồi đó, tôi làm trong giới thể thao, công việc cực kỳ bận rộn, nhưng mỗi khi rảnh rỗi – vào giờ nghỉ trưa và cuối tuần – tôi lại dành hàng giờ trong các quán cà phê ấm cúng để đọc về kiến trúc, thiết kế nội thất, đồ gốm, vải dệt. Trong những ngày nghỉ hiếm hoi, tôi đi xem triển lãm hoặc tìm đến những cửa hàng tư nhân nhỏ lẻ ở Jiyūgaoka, Daikanyama và Kagurazaka, nơi có những sản phẩm thủ công xinh xắn được đóng gói đẹp mắt.
Hồi đó, trong khi cân nhắc tương lai sau khi kết thúc hợp đồng làm việc hiện tại, tôi nghĩ đến chuyện tham gia khóa đào tạo điều phối viên nội thất và giúp mọi người tạo phong cách cho ngôi nhà của họ. Các cửa hàng zakka lúc bấy giờ đang phát triển mạnh mẽ. Zakka được dịch là “vật phẩm linh tinh”, cách chuyển ngữ có phần tẻ nhạt này không lột tả được niềm vui tìm thấy trong các kho báu zakka – những món đồ thể hiện gu thẩm mỹ và tính cách, cũng như bổ sung thêm những lớp lang thông điệp cho ngôi nhà của bạn. Phần lớn sản phẩm trong các cửa hàng zakka đều nhỏ gọn, thể hiện sở thích quan tâm chi tiết của người Nhật lẫn thực tế về những người sống trong các không gian nhỏ. Chính trong khoảng thời gian này, tôi dần trở nên mê mẩn đồ dùng văn phòng của Nhật Bản, tình yêu đó vẫn còn nguyên cho đến tận bây giờ. Tôi cũng khám phá ra rằng người Nhật là những bậc kỳ tài trong nghệ thuật bài trí nhà cửa và lưu trữ đồ đạc sáng tạo.
Căn hộ nhỏ của tôi ở Ushigome-Yanagichō nằm tách biệt trong một khu dân cư yên tĩnh, cách xa các tòa cao ốc, thế nên nơi đây giống với một làng quê hơn là một địa điểm nằm giữa thủ đô. Bên trong căn hộ, ngay trước cửa ra vào là genkan (khu vực lối vào), chỗ cởi bỏ giày dép trước khi bước vào nhà. Ngoại trừ phòng tắm nhỏ được quây vào một góc riêng, căn hộ tôi sống là một không gian không có vách chia. Ngoài cửa sổ bếp là một mảnh đất nhỏ bỏ hoang mọc đầy cây bạc hà. Tới bây giờ, mỗi lần ngửi thấy cái mùi tươi mát ấy là tôi lại nhớ đến căn hộ năm xưa.
Do ngân sách eo hẹp và những hạn chế về không gian, nên tôi sắm sửa đồ đạc cho căn hộ một cách từ tốn và cẩn trọng. Từng món đồ đều được trân trọng và gắn với các kỷ niệm riêng. Tờ giấy washi treo trên tường được tôi mua ở cửa hàng giấy yêu thích vào một buổi chiều đầu xuân, ngay khi hoa mận đang rụng xuống. Những chiếc khăn trải bàn bằng vải lanh, đũa trạm trổ thủ công và bộ bát đĩa bằng sành đáng yêu đều là những món quà quý từ bạn bè. Tôi sử dụng chúng cả khi ăn tối một mình, điều diễn ra gần như mọi ngày. Sách về hoa, đồ gốm và lối sống chậm được xếp thành từng chồng nhỏ với một ấm trà hoặc một chiếc bình bày trên đỉnh thay cho những món đồ trang trí đắt tiền.
Ngày nay, do có quá nhiều sự lựa chọn và được tiếp cận vô số sản phẩm giá rẻ, chúng ta thường dễ rơi vào tình trạng mua sắm tùy tiện. Cuộc sống và tủ đồ của chúng ta đang nhanh chóng trở nên quá tải. Trong những năm gần đây, khi gia đình tôi tăng thêm thành viên với hai cô con gái nhỏ rất thích đồ nhựa màu hồng và búp bê, tôi lại thấy trong mình sống dậy nguồn cảm hứng Nhật Bản để tìm ra những ý tưởng mang lại cảm giác thanh bình cho ngôi nhà của chúng tôi mà không quá tốn kém.
Các ý tưởng truyền cảm hứng
Quay lại với những điểm tương đồng giữa các cuốn sách và tạp chí nội thất Nhật Bản nằm rải rác dưới chân mình, tôi nhận thấy một số chủ đề: không gian thoáng đãng và đơn giản, kết cấu trong đồ đạc, lựa chọn cẩn thận đồ vật được trưng bày sao cho thuận mắt, đồ nhỏ đặt trong không gian nhỏ (chẳng hạn không dùng đồ nội thất quá khổ), cất bớt đồ đạc thay vì trưng bày, thiên nhiên trong nhà (từ tiểu cảnh sân vườn đến hoa và hàng thủ công mỹ nghệ sử dụng vật liệu tự nhiên) cũng như cảm giác về các mùa, bóng đổ và ánh sáng, nhiều màu trung tính, tính linh hoạt trong cách sử dụng không gian và cảm giác thanh bình ngầm ẩn.
Cũng thường có một chi tiết khơi gợi cảm giác vi diệu. Một nhành hoa đang nở trong chiếc bình nhỏ. Một khung cảnh bị che lấp phần nào, gợi mở, chứ không hiện rõ ra. Thiết nghĩ, chúng ta có thể thu được biết bao nhiêu lợi ích nếu không trưng ra tất cả bảo vật của mình, không chất kín đồ đạc lên từng phân diện tích, không nói ra toàn bộ câu chuyện đời mình trong lần gặp đầu tiên hoặc không vội vã khỏa lấp mọi khoảng lặng trong một cuộc trò chuyện.
Tôi đã tập hợp các chủ đề trên thành năm ý tưởng chủ đạo để bạn tự khám phá trong cuộc sống của mình. Chúng bao gồm: sự đơn giản, không gian, tính linh hoạt, tự nhiên và chi tiết.
Sự đơn giản
Một thương hiệu Nhật Bản mà tôi ngưỡng mộ suốt nhiều năm là “fog linen work”, vốn được nhà thiết kế và doanh nhân Yumiko Sekine sáng lập cách đây hơn hai thập kỷ. Cửa hàng của cô, nằm tách biệt trên một con phố nhỏ ở quận Shimo-Kitazawa thời thượng của Tōkyō, là một ốc đảo thanh bình giữa chốn thủ đô nhộn nhịp. Những bức tường bê tông lộ thiên làm thành bức phông nền rất có kết cấu mà vẫn trung tính cho các kệ đồ thoáng rộng chứa những chiếc giỏ làm bằng dây kim loại đựng khăn ăn bằng vải linen, những chồng đĩa gỗ nhỏ và các khay nút áo bé tí xíu. Quần áo và túi vải linen màu sắc tinh tế được đem trải rộng trên một đường ray dài. Món đồ yêu thích của tôi là những chiếc tạp dề bền đẹp khiến bạn muốn về thẳng nhà và nấu ngay món gì đó. Nơi đây mang lại cảm giác như thể không gian và thời gian đang ngưng đọng lại bên trong cửa hàng vậy.
Sekine-san đã tiếp xúc với phương Tây trong nhiều năm thông qua việc nhập hàng thời trang từ Mỹ trước khi cô lập ra “fog”, giờ đây cô chủ yếu làm việc với các nhà phân phối từ Litva để sản xuất hàng linen do cô tự thiết kế. Điều này khiến các lựa chọn thời trang của cô ngày càng trở nên dễ tiếp cận hơn, bởi chúng mang lại vẻ thân thiện và hiếu khách cho một căn hộ ở San Francisco hoặc một nhà phố tại London giống như một ngôi nhà Nhật. Cô từng chia sẻ với tôi về phong cách của mình:
Đó là sự đơn giản, tối giản và ngăn nắp. Các nhà phân phối châu Âu nói rằng sản phẩm của chúng tôi toát lên chất Nhật rất đặc trưng. Tôi thích các màu trung tính tạo cảm giác thư thái, thỉnh thoảng tôi cũng dùng các màu nhấn cho các sản phẩm quần áo, tùy theo mỗi mùa trong năm. Mục đích của tôi là tạo ra những sản phẩm trang nhã có thể dễ dàng hòa hợp vào cuộc sống cũng như căn nhà của mọi người, đồng thời mang lại một cảm giác bình yên hết sức tinh tế. Tôi thích sống cùng các vật liệu tự nhiên như linen, cotton, gỗ và một số kim loại. Nói không với nhựa. Điều này hợp với tính cách cũng như đam mê của tôi đối với những thứ đơn giản.
Mỗi lần ghé thăm cửa hàng của Sekine-san, tôi lại có cảm hứng làm thông thoáng giá kệ của mình, bỏ bớt những thứ không dùng đến hoặc không có giá trị và chỉ bày ra những món đồ mình thật sự yêu thích. Khi không còn xem giá kệ chỉ là nơi để đồ, thay vào đó là chỗ chứa đựng những kho báu, chúng tôi nhận thấy điểm khác biệt rõ rệt. Căn phòng dường như trải rộng ra thay vì chỉ là bốn bức tường bao quanh bạn.
Sau lần trở về từ Tōkyō này, tôi đã treo cái tạp dề linen của mình lên một cái móc tại nơi mà tôi có thể nhìn thấy nó, bày biện đơn giản vài cuốn sách nấu ăn bên cạnh những chai lọ và ảnh cũ trên bậu cửa sổ, giũ sạch tấm khăn trải bàn ưa thích và cắm vài bông hoa dại vào chiếc lọ đặt giữa bàn. Chỉ mất vài phút và chẳng tốn đồng nào. Thế rồi, tôi muốn lao ngay vào bếp để làm vài món ngon cho gia đình nhỏ của mình.
Bí quyết dọn dẹp
Đã có nhiều cứ liệu ghi nhận rằng dọn dẹp không gian sống có thể giúp chúng ta dọn dẹp tâm trí, đấy là chưa kể đến những lợi ích về thời gian và tiền bạc. Hãy thử dọn dẹp nhà bạn bằng những bí quyết đơn giản sau:
Không gian
Mặc dù xét mặt bằng chung, người Nhật không sống trong những căn nhà được kiến trúc sư thiết kế, nhưng các quy tắc của kiến trúc Nhật Bản vẫn có những bài học giá trị giúp chúng ta lấy cảm hứng cho không gian sống của riêng mình. Để tìm hiểu sâu hơn, tôi đã tìm gặp tiến sĩ Teruaki Matsuzaki, một trong những nhà sử học về kiến trúc hàng đầu Nhật Bản. Ông đã vạch ra các đặc điểm chính của kiến trúc Nhật như sau:
Tương tự quan niệm của Makiko về việc khách hàng đóng một vai trò trong vẻ đẹp của các sản phẩm gốm cô tạo ra, Matsuzaki-sensei cho rằng bí quyết thẩm mỹ là biết để lại thứ gì đó chưa trọn vẹn nhằm thu hút người xem. Văn phong đẹp để lại điều gì đó chưa được nói ra và rồi người đọc sẽ hoàn thiện nó trong trí tưởng tượng của họ. Nghệ thuật đẹp để lại điều gì đó không thể giải thích được và rồi người xem bị cuốn vào vì hiếu kỳ. Kiến trúc và nội thất cũng tương tự như vậy. Sự hoàn hảo và trọn vẹn không phải là tiêu chuẩn, dẫu cho nghệ thuật kiến trúc có vẻ thật “hoàn hảo” trên các tạp chí thiết kế. Matsuzaki-sensei nói thêm: “Xét cho cùng, các không gian được tạo ra để sống và sử dụng, nếu chúng không làm tốt vai trò này thì không thể xem là thành công.”
Chúng ta rút ra được gì từ điều này cho căn nhà của mình? Đó là chúng ta có thể tạo ra không gian. Chúng ta có thể mang thiên nhiên vào nhà. Chúng ta có thể quyết định những thứ mình cho là đẹp và đưa vào không gian sống. Chúng ta có thể nhận biết không chỉ ánh sáng mà cả bóng tối. Có thể lựa chọn kỹ lưỡng vật liệu mình sẽ sử dụng cũng như đưa ra các lựa chọn giúp chúng ta được sống với những gì mình thực sự yêu thích.
TẠO KHÔNG GIAN CHO TỪNG PHÒNG MỘT
Những kết quả trông thấy đem lại cảm giác hài lòng và nuôi dưỡng nhiệt huyết, thế nên tôi tán thành chuyện trước hết cần phải giải quyết những gì thường đập vào mắt bạn nhất. Đầu tiên, hãy dọn dẹp những đồ đạc chính (sách, quần áo, đồ chơi, giấy tờ, v.v.) theo các bí quyết trong chương này. Sau đó, thử áp dụng các ý tưởng sau tại từng phòng một ở nhà hoặc chỗ làm của bạn:
1. Dọn sạch mọi thứ trên sàn.
2. Dọn sạch mọi thứ trên các mặt phẳng.
3. Dọn sạch mọi thứ trên tường.
4. Giờ thì chậm rãi xếp lại đồ đạc và tự hỏi những câu sau:
5. Giờ hãy xem xét toàn bộ những đồ vật mà bạn đã bỏ ra khỏi phòng và quyết định không đặt lại nữa. Sử dụng các bí quyết dọn dẹp trong chương này và phân loại chúng.
6. Viết ghi chú trong sổ để tráo đổi vị trí đồ đạc và làm mới căn phòng này mỗi mùa hoặc hằng tháng tùy sở thích.
7. Khi đã sẵn sàng, hãy thưởng thức một tách trà trong không gian tươi mới của căn phòng, sau đó chuyển sang dọn dẹp phòng tiếp theo!
Tính linh hoạt
Đối với những người sống trong các ngôi nhà truyền thống của Nhật Bản, thường là ở vùng ngoại ô hoặc nông thôn, nhà của họ chủ yếu được làm bằng gỗ. Tường mỏng và linh hoạt cho phép sử dụng tối ưu không gian. Các phòng trải chiếu tatami thường đa công dụng, có thể chuyển đổi từ không gian thư giãn sang không gian thiền, không gian ăn uống và cả không gian ngủ. Bạn có thể di chuyển cửa và bàn, trải nệm futon ra hoặc cất đi, tiếp khách hoặc lui về chốn riêng.
Để tìm hiểu thêm quan niệm về tính linh hoạt này, tôi đã đến thăm nhà bạn tôi là Daisuke Sanada, CEO của công ty Kiến trúc và Thiết kế Suwa. Vốn là con trai của một thợ mộc, Sanada-san đã xây nhà riêng tại một thị trấn nhỏ ở ngoại ô Tōkyō với sự giúp đỡ của một vài người bạn trong nghề. Anh sống cùng vợ, Sayaka – một nhà thiết kế nội thất, và gia đình mình trong một không gian nhỏ nhắn và tiện dụng.
Là hậu duệ của một chiến binh samurai nổi tiếng, Sanada-san có ý thức truyền thống mạnh mẽ và kiến thức sâu rộng về di sản của quê hương. Anh đưa điều này vào trong công việc của mình, kết hợp cùng góc nhìn đương đại và niềm đam mê với những không gian ấm cúng, tất thảy đã giúp củng cố sự gắn kết của những người sống trong các căn nhà được công ty anh thiết kế.
Nhà của anh cao hơn hai tầng, phần trước cao gấp đôi với mái dốc bằng gỗ tuyết tùng được làm thủ công cẩn thận và một cửa sổ hình tam giác khổng lồ ở một đầu, tạo cảm giác như thể những cái cây ngoài trời cũng là một phần của căn nhà. Khu vực mở này bao gồm không gian sinh hoạt, ăn uống và nấu nướng, với một khu trải chiếu tatami cao hơn mặt sàn bên cạnh bếp lò đốt củi tạo ra một nơi lý tưởng cho chú chó của anh nằm cuộn tròn, cho việc tập yoga buổi sáng hoặc ngủ trưa vào một chiều đông. Một chiếc tủ ly đơn giản bằng gỗ trưng bày những chiếc bình vỡ thời Yayoi được đào lên từ cánh đồng lúa của bạn anh. Có niên đại cỡ hai nghìn năm tuổi, chúng được tái sử dụng làm những chiếc bình đơn giản và là một phần trong cuộc sống thường ngày của gia đình Sanada, cốt để mọi người chiêm ngưỡng thay vì bị cất giữ như những hiện vật bảo tàng.
Phía sau tầng trệt có một phòng tắm, một phòng ngủ và một phòng kho, một cái thang dẫn lên khu vực thư giãn và một không gian ngủ nữa trên gác lửng. Phần phía trên này được phân chia bằng cách sử dụng đồ nội thất linh hoạt, chẳng hạn như tủ sách di động và những tấm rèm vải mắc từ trần nhà, tạo được không gian riêng lẫn chung tùy theo từng ngày. Thành quả là một ngôi nhà thân thiện hỗ trợ đắc lực cho lối sống mà Sanada-san và gia đình anh mong muốn. Phong cách nhưng thực tế, đơn giản mà đầy cảm xúc.
Sanada-san và tôi đã dành nhiều giờ để nói về giá trị của sự tương phản và các mối quan hệ trong cuộc sống của người Nhật: làm thế nào để tìm được cái đẹp trong sự xung đột, trong ánh sáng và bóng tối; âm thanh và sự tĩnh lặng; đơn giản và chi tiết; cao siêu và dân dã; hiện hữu và thiếu vắng; tự do và ràng buộc; wabi và sabi. Chúng tôi nói về chuyện cái đẹp thường xuất hiện giữa mọi sự như thế nào – có thể là một cuộc trò chuyện, một đời người hoặc một cuộc dạo chơi trong rừng. Và tất thảy mọi thứ đều được kết nối – mọi thứ trong cùng một không gian, bên trong và bên ngoài, ngoại cảnh và tâm trí, trong các mối quan hệ của chúng ta với nhau và với chính chúng ta trong mạng lưới tự nhiên.
Những người không sống trong những ngôi nhà kiểu Nhật vẫn có thể tìm được cảm hứng từ những ý tưởng này. Chúng ta có thể phân chia không gian sống của mình bằng cách bài trí đồ đạc, thảm và giá kệ, đồng thời đều đặn dịch chuyển mọi thứ, tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng không gian của bản thân. Nhớ rằng việc này không bao giờ “kết thúc” và chúng ta không hướng đến sự hoàn hảo. Chúng ta có thể sơn lại các bức tường, đổi chỗ đồ trưng bày, để trong nhà một số loại hoa và cây theo mùa, làm mới không gian bất cứ khi nào có cảm hứng. Chúng ta có thể lưu tâm tới sự tương phản thị giác cũng như mối quan hệ giữa những gì chúng ta trông thấy và những gì chúng ta cảm nhận. Một cái cửa sổ không chỉ là một cái cửa sổ ‒ nó là chiếc khung cho tất cả những gì nằm bên ngoài của sổ. Một chiếc kệ đặt ở một phía của căn phòng có thể tạo sự cân bằng cho một cái gì đó ở phía còn lại.
Để ý đến cách từng vật riêng lẻ trong phòng tác động đến những vật còn lại, cách mọi thứ vận hành đồng điệu trong không gian, cách bạn sống và cảm giác mà nó đem lại.
Hãy nhớ: tiện dụng, đơn giản, vẻ đẹp, câu chuyện.
MUA SẮM SÂU SẮC
Làm thế nào để bạn có thể nhìn ra tình trạng thừa mứa và lãng phí đang leo thang, thấy rõ văn hóa so sánh độc hại và quyết định thay đổi? Làm thế nào để bạn có thể âm thầm hành động triệt để như Sen no Rikyū? Làm thế nào để bạn có thể trở thành một người cổ xúy cho những gì thực tế hơn?
Lối mua sắm sâu sắc nhất là lối mua sắm chẳng gây tốn kém mà chỉ làm tăng giá trị những gì bạn sở hữu bằng vẻ đẹp tự nhiên. Hãy thử dành thời gian trong thiên nhiên, thu thập những món quà từ rừng, hoặc sáng tạo bằng đôi tay của bạn thay vì mua sắm.
Khi định mua đồ mới, hãy tự hỏi bản thân các câu sau:
Tự nhiên
Tự nhiên là yếu tố thiết yếu của một căn nhà mang cảm hứng wabi sabi, bởi nó kết nối với tầng sâu nhất của toàn bộ triết lý wabi sabi, gợi nhắc chúng ta về bản chất ngắn ngủi của cuộc sống. Chúng ta sẽ tìm hiểu chi tiết về tự nhiên và các mùa trong Chương 3. Còn bây giờ, hãy ngẫm xem làm thế nào bạn có thể thêm các vật liệu tự nhiên vào nhà. Ví dụ, gỗ vân mộc, tre, đất sét, đá, kim loại xỉn, giấy thủ công hoặc các hình họa dệt từ sợi tự nhiên. Một trong những báu vật của tôi là thùng gạo cũ bằng gỗ mà chúng tôi sử dụng để chứa củi. Hãy sáng tạo. Tái chế. Tái sử dụng. Dành thời gian tại các khu chợ trời và trong các cửa hàng đồ cũ và đồ cổ. Tuổi đời thường làm tăng thêm chiều sâu và vẻ đẹp cho các vật liệu tự nhiên, vì vậy đừng nghĩ rằng bạn phải mua đồ mới.
Tôi thường sử dụng băng dính washi (băng dính Nhật Bản được làm từ loại giấy đặc biệt) để dán một số báu vật thiên nhiên đã lìa cành lên tường, hoặc dán những tấm ảnh ghép tự chế bên cạnh những khung tranh ép lá và vỏ cây của lũ trẻ.
Hoa vừa mới cắt có thể làm bừng sáng không gian. Thử cắm hoa đến khi hoa héo đi một chút và cảm nhận vẻ đẹp của sự tàn phai. Cũng có thể làm mới không gian với một chút hoang dã từ hoa dại và các tạo vật nhặt được ngoài thiên nhiên. Thậm chí là cả những nhánh cỏ dại xinh đẹp. Hãy ra ngoài và xem thiên nhiên đang ban cho bạn những gì mỗi mùa.
Bạn có thể mang món quà gì từ rừng, hàng cây hoặc bãi biển về với căn nhà của mình? Lá rụng, quả mọng, hạt dẻ, quả sồi, vỏ hạt, lông vũ, vỏ sò, những mảnh gỗ trôi dạt vào bờ, tất thảy đều chứa đựng tinh thần của thiên nhiên và của wabi sabi.
Thử đem một số tạo vật tự nhiên này vào bày cạnh các nhóm đồ trang trí trong nhà, có thể kết hợp cùng một cuốn sách yêu thích và vài ly thủy tinh cũ, hoặc với máy đánh chữ cổ điển và một dải ruy băng xưa. Một nhánh dâu đông cắm trong chiếc bình nhỏ. Một bó hoa giọt tuyết hái từ vườn nhà bạn. Một dây đèn đom đóm quấn quanh một cành cây khô.
Chi tiết
Sự chú tâm đến chi tiết là điều bạn có thể nhận thấy ở khắp mọi nơi tại Nhật Bản. Trong các quán cà phê, cửa hàng, nhà ở, đền chùa và miếu thờ, thậm chí cả tại những không gian công cộng, luôn có người nào đó lo liệu đến những chi tiết nhỏ. Những chi tiết này làm cho không gian thêm phần thú vị và có thể thực sự biến khoảng không gian ấy thành của riêng bạn.
Chỗ cầu thang nhà tôi có một cái cửa sổ cao gấp đôi cỡ thường và được treo một tấm rèm cửa dài và nặng. Tấm rèm đã ở sẵn đó khi chúng tôi chuyển đến, và tôi không đành lòng bỏ nó đi bởi có vẻ người chủ cũ đã phải tốn cả đống tiền vào đây, thành ra thật lãng phí nếu tháo hết rèm xuống. Thế nhưng, tôi thường lên xuống cầu thang nhiều lần trong ngày và mỗi lần đi ngang qua là tôi lại cảm thấy hơi khó chịu. Sau cùng, tôi nhận ra rằng mình thật ngớ ngẩn. Nơi này bây giờ là nhà của chúng tôi và chúng tôi có thể tùy ý sử dụng. Thế là tôi hạ hết rèm cửa xuống.
Ngay lập tức, hành lang tràn ngập ánh sáng tự nhiên. Về sau, tôi khám phá ra rằng vào những thời điểm khác nhau trong ngày, ánh sáng chiếu qua cửa sổ sẽ tạo thành những hình bóng thú vị trên chiếu nghỉ của cầu thang. Giờ đây, khi nhìn thấy bậu cửa sổ vừa sâu vừa rộng, tôi liền lấy ra chai rượu sake cổ bằng gốm lốm đốm màu, vốn là quà tặng của một người bạn khi tôi rời Nhật Bản, và tái sử dụng nó làm một chiếc bình chỉ để cắm duy nhất một bông hoa hái từ vườn. Tôi đặt cạnh chai rượu những hòn đá cuội được lũ trẻ nhặt từ bờ biển trong một ngày lộng gió, kèm theo một tấm bưu thiếp đơn giản với dòng chữ: “Cái đẹp nằm trong những điều bình dị”.
Tôi bày những món đồ ấy ở góc bên phải bậu cửa sổ và để trống góc bên trái. Thỉnh thoảng, tôi lại tráo đổi vị trí hoa và tấm bưu thiếp, dịch chuyển hoặc xếp chồng những viên đá lên nhau. Tôi yêu thích vẻ đẹp của góc nhỏ này, nó mang lại cho tôi khoảnh khắc tĩnh lặng mỗi lần lên xuống cầu thang.
Vậy ở đâu trong ngôi nhà của mình, bạn có thể tạo ra những góc nhỏ thanh bình và xinh xắn như vậy?
MƯỜI NGUYÊN TẮC CHO MỘT CĂN NHÀ MANG CẢM HỨNG WABI SABI
Dưới đây là tóm tắt mười nguyên tắc chính của tôi cho một căn nhà mang cảm hứng wabi sabi. Mặc dù các đồ vật theo phong cách wabisabiesque đóng vai trò nhất định, nhưng chúng không làm nên một bức tranh hoàn chỉnh. Triết lý của wabi sabi mới là kim chỉ nam. Chẳng sao cả nếu căn nhà của bạn là một công trình đang được xúc tiến. Thực tại cuộc sống không giống như tạp chí. Nhà là để sống, thế nên bạn không cần phải đợi đến khi mọi sự hoàn tất mới có thể mời bạn bè tới nhà chung vui.
Chia sẻ không gian của bạn
Sự chú tâm vào hiện tại và nhu cầu của đối phương là cốt lõi của omotenashi, lòng hiếu khách của người Nhật.
Nếu từng ở trong một ryokan (quán trọ truyền thống) của Nhật Bản, bạn sẽ hiểu cảm giác thư thái sâu sắc không chỉ đến từ dòng nước lành của những bồn tắm bằng gỗ tuyết tùng, hay hơi ấm của tấm nệm futon, mà còn đến từ thái độ khiêm nhường và ân cần của nhân viên quán trọ. Sự quan tâm chăm sóc tinh tế này được gói gọn trong câu nói goyukkuri dōzo (“Xin cứ thong thả”).
Ichi-go ichi-e (一期一会) là một thành ngữ nổi tiếng thường xuất hiện trên những cuộn tranh thư pháp treo trên hốc tường trong trà thất. Nó có nghĩa là “một cơ hội, một lần gặp gỡ” và được dùng để nhắc nhở mọi người trân trọng trải nghiệm đang có bởi nó sẽ không bao giờ lặp lại. Ở Nhật Bản, nếu bạn được ai đó mời đến nhà chơi, kể cả chỉ là một dịp bình thường, bạn vẫn sẽ thấy mình được quan tâm săn sóc hết mực. Lòng hiếu khách nhiệt thành không chỉ thể hiện ở đồ ăn thức uống bạn được chiêu đãi mà còn ở sự đón tiếp nồng nhiệt, sự chú tâm tới chi tiết và sự hiện diện của chủ nhà. Chủ nhà có thể sẽ nói “Dōzo, omeshiagari kudasai’ (một cách lịch sự để nói “Chúng ta bắt đầu nhé”), và bạn có thể đáp lời bằng cách cúi đầu và nói “Itadakimasu”(nghĩa là “Tôi xin nhận lấy niềm vinh hạnh này với lòng biết ơn”). Nghi thức này là một cách đáng yêu để bắt đầu bữa ăn chung.
Lòng hiếu khách mang cảm hứng wabi sabi không phải là có một căn nhà ngăn nắp tuyệt đối, đồ nội thất hết lượt đều là hàng thời thượng hoặc những đứa trẻ vô cùng ngoan ngoãn. Nó là chia sẻ căn nhà của bạn một cách thoải mái và sâu sắc cũng như chú tâm đến cảm giác của khách tới chơi nhà. Nhớ rằng, hiện thân của wabi sabi là trà thất, nơi thường bình dị, thanh tịnh, sạch sẽ tinh tươm và không có gì ngoài những thứ đã được chuẩn bị cho khách. Do đó, chúng ta cần làm cho không gian của mình được sạch sẽ, gọn gàng và thân thiện hết mức có thể trong bối cảnh cuộc sống hằng ngày.
Nghĩ mà xem, các từ ngữ thường được dùng để miêu tả yếu tố thị giác của phong cách wabisabiesque là tự nhiên, bình dị, mộc mạc. Chúng hoàn toàn đối lập với việc bạn cặm cụi nấu nướng cả đêm cho bữa tối sáu món thượng hạng để gây ấn tượng với bạn bè, hoảng loạn khi làm cháy món chính và dằn vặt vì quên trộn nước sốt, trong khi bỏ lỡ những cuộc trò chuyện chân thành.
Hãy chú tâm đến từng chi tiết nhỏ giúp các vị khách của bạn cảm thấy như đang ở nhà – chẳng hạn như đồ uống ưa thích của họ, hoa tươi trên bàn, đồ ăn bổ dưỡng, đôi dép ấm, tấm chăn choàng để ngắm sao trong một đêm giá lạnh. Điều thật sự quan trọng là tập trung chú ý, lắng nghe và cùng nhau chia sẻ giây phút hiện tại.
TRIẾT LÝ WABI SABI VỀ GIẢN LƯỢC HÓA VÀ MỸ HỌC HÓA
THỰC HÀNH:
TRẢI NGHIỆM GIẢN LƯỢC GIÀU CẢM XÚC
Trong một cuốn sổ, hãy viết ra một vài suy nghĩ của bạn về những điều sau: