Kể cả làm việc lâu năm cho một công ty Nhật, bạn cũng có thể chẳng bao giờ nghe thấy ai nhắc đến cụm từ wabi sabi. Trong Kōjien, từ điển tiếng Nhật uy tín nhất hiện nay, bạn có thể tìm thấy những mục dài cho mỗi từ wabi và sabi riêng lẻ, nhưng lại không có giải nghĩa nào cho cụm từ tổ hợp. Wabi sabitồn tại trong ngôn ngữ nói và có một vài cuốn sách tiếng Nhật đề cập đến triết lý này, nhưng nhìn chung, nó sống trong tâm trí nhiều hơn là trên sách vở. Tôi thậm chí không thể nhớ nổi mình biết đến nó tự khi nào. Cứ như thể tôi đã hấp thụ triết lý của wabi sabi bằng cơ chế thẩm thấu trong quãng thời gian sống ở Nhật vậy.
Nếu bạn nhờ một người Nhật giải thích về wabi sabi, nhiều khả năng họ sẽ nhận ra nó, nhưng như tôi đã nói rồi đấy, họ sẽ khó lòng đưa ra được định nghĩa. Không phải là vì họ không hiểu, mà là họ hiểu theo trực giác, lối hiểu phản ánh cách tư duy và học hỏi rất khác. Ngoài việc học theo trí nhớ ở trường, người Nhật tiếp thu phần lớn tri thức qua quan sát và trải nghiệm. Đối với những người quen tư duy theo lý tính và lô-gic, điều này có thể gây khó hiểu. Chúng ta muốn những diễn giải chính xác và hướng dẫn cụ thể từng bước một. Nhưng đưa ra những giải thích riêng biệt và hoàn chỉnh không phải là cách làm của người Nhật. Để thật sự hiểu được trí tuệ của nền văn hóa này, chúng ta cần biết rằng thông điệp đích thực thường nằm trong những lời không được nói ra.
Nguồn gốc của wabi sabi
Wabi sabi (có thể viết là 侘寂 hoặc 侘び寂び) bắt nguồn từ hai từ riêng biệt, đều liên quan đến giá trị thẩm mỹ, vốn đi sâu vào trong văn học, văn hóa và tín ngưỡng. Wabi là khám phá cái đẹp trong sự đơn giản, là tìm thấy sự đủ đầy và bình yên trong tâm hồn khi tách biệt khỏi thế giới vật chất. Còn sabi đề cập tới dòng chảy của thời gian, quá trình sinh diệt và quy luật lão hóa của vạn vật.
Cả hai khái niệm này đều có vai trò quan trọng trong văn hóa Nhật Bản, nhưng có lẽ ý nghĩa của cụm từ wabi sabi còn thú vị hơn.
Bối cảnh
Thử hình dung thế giới vào giữa thế kỷ 16 – kỷ nguyên khám phá vĩ đại của những nhà hàng hải châu Âu, thời điểm người Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha mở ra những tuyến giao thương toàn cầu. Đó cũng là thời đại của chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa trọng thương, nhiều nước đặt ra những chính sách kinh tế quốc gia để tích lũy nhiều vàng bạc hết mức có thể.
Bức họa Mona Lisa của Leonardo da Vinci khô sơn chưa được bao lâu, còn tượng David chỉ mới thành hình từ khối đá cẩm thạch của Michelangelo quãng vài thập kỷ trước, thời khắc chuyển tiếp giữa hai thế kỷ. Còn ở Anh, Shakespeare đang viết kiệt tác mới nhất của mình.
Trung Quốc lúc này đang rất hưng thịnh dưới thời nhà Minh và có nền công nghệ tiên tiến vượt bậc so với phương Tây. Văn hóa cũng phát triển rực rỡ, tương truyền rằng quan lại triều đình Trung Quốc thời bấy giờ được khuyến khích sáng tác thơ và thực hành thư pháp xen giữa các buổi chầu.
Trong khi đó, nước Nhật cuối thời trung cổ đang chìm trong chiến tranh và loạn lạc liên miên. Nạn đói, hỏa hoạn và thiên tai không ngừng tàn phá đất nước này, sưu cao thuế nặng và đói nghèo tràn lan. Xã hội bất ổn dẫn đến nhiều dân thường tìm kiếm niềm an ủi trong Phật giáo ‒ tôn giáo có tầm ảnh hưởng quan trọng đến lối sống của người dân thời đó.
Đứng đầu là hoàng đế và triều đình, nhưng shōgun (tướng quân) mới là người nắm thực quyền. Đất nước nằm dưới sự kiểm soát của các lãnh chúa phong kiến quân sự gọi là daimyō, những người đã thiết lập nên các lãnh địa riêng và thực thi quyền lực từ trong những tòa lâu đài mới xây. Họ bố trí những chiến binh samurai tại thị trấn bao quanh lâu đài để bảo vệ họ cũng như phục vụ trong quân đội.
Samurai cấp cao là những người có học thức và quyền lực, họ tận tụy phò tá và trung thành tuyệt đối với lãnh chúa daimyō của mình. Trong giới samurai, Thiền tông rất được ưa chuộng do nó đề cao tính kỷ luật và thiền. Một số ngôi chùa lớn tại kinh đô Kyōto có karesansui (vườn đá), những khu vườn được cho là phản ánh bản chất của tự nhiên và khơi dậy cảm hứng chiêm nghiệm sâu sắc.
Nhiều samurai ưa thích trà đạo, cả vì tác dụng tăng cường thể chất – trà giúp họ tỉnh táo trong những phiên gác dài – lẫn lợi ích tinh thần khi có được những phút giây yên bình và hòa hợp trong cuộc sống nhuốm màu bạo lực của họ. Sống trong tâm thái sẵn sàng để chết, nên họ luôn đón nhận những cơ hội để thưởng thức cái đẹp trong một cuộc sống vốn có thể kết thúc bất cứ lúc nào.
Khoảng thời gian này cũng đánh dấu sự phát triển của những khu thành thị lớn và sự trỗi dậy của tầng lớp thương gia tại Nhật Bản. Tầng lớp này trở nên phát đạt khi đứng ra cho samurai vay tiền, những người vốn chỉ được phép nhận một khoản thù lao cố định. Pháp luật gần như không kiểm soát ngành nghề này, vì vậy các thương gia có nguy cơ mất trắng tài sản bất cứ lúc nào, chính điều này cũng đem lại cho họ động lực để tận hưởng cuộc sống sung túc khi còn có thể.
Kết quả là mặc dù phần lớn dân thường vẫn sống trong nghèo đói, tầng lớp cai trị và thương gia lại có khuynh hướng chi tiêu xa xỉ. Những tòa lâu đài trang trí công phu phô ra những bức bình phong được tô điểm bằng vàng. Các sự kiện xã hội xa hoa, nhất là những tiệc trà, trở nên phổ biến trong tầng lớp giàu có. Những người quyền thế ưa chuộng bát trà và trà cụ của Trung Quốc, thế nên những món đồ này nhanh chóng trở thành biểu tượng cho địa vị xã hội. Nếu tinh ý, bạn có thể nhận thấy mầm mống mâu thuẫn giữa việc quan niệm trà là một trải nghiệm tinh thần và việc sưu tập trà cụ nhằm phô trương sự giàu có.
Bây giờ, hãy cứ giữ suy nghĩ này lại đó và cùng điểm qua lịch sử của trà.
Mối liên hệ với trà
Để khám phá nguồn gốc của từ wabi, chúng ta phải dấn bước vào thế giới của trà. Kỳ thực, mãi đến năm 1191, bột trà xanh matcha mà giờ đây gắn liền với trà đạo mới được du nhập vào Nhật Bản. Nó được nhà sư Myōan Eisai, người sáng lập ra Thiền phái Lâm Tế Tông tại Nhật Bản, mang về từ Trung Quốc vào thời nhà Tống. Hạt giống trà được trồng ở ba nơi, trong đó có quận Uji gần Kyōto, nơi hàng trăm năm sau vẫn là vùng sản xuất loại trà ngon bậc nhất thế giới. Thiền, và tư tưởng trà đạo, nhanh chóng trở nên phổ biến trong khoảng thời gian này.
Đến thế kỷ 15, nhà sư Murata Shukō, và cũng là một bậc thầy trà đạo, nhận ra rằng hành động pha trà và uống trà có tính Thiền, vì vậy ông được xem là người đặt nền móng cho sự phát triển của trà đạo. Shōgun Yoshimasa, một người chủ trương ủng hộ các hình thức giải trí mang tính văn hóa, đã đề nghị Shukō tổ chức một buổi trà đạo theo yêu cầu. Nhân cơ hội này, Shukō đã nâng giá trị của trà lên một tầng ý nghĩa sâu sắc hơn. Theo Okakura Kakuzo trong cuốn tiểu luận The Book of Tea (Trà thư), chẳng bao lâu sau đó, Nhật Bản đã biến sự sùng bái trà đạo “thành một tôn giáo của chủ nghĩa duy mỹ… dựa trên sự tôn thờ cái đẹp trong cuộc sống trần tục thường ngày”.
Trong nửa đầu thế kỷ 16, sự giản lược này tiếp tục được khai triển nhờ Takeno Jōō, người đã theo học hai đệ tử của Shukō. Jōō là một thi sĩ có biệt tài diễn giải tư tưởng của trà đạo qua thơ. Ông thay đổi cách bài trí trà thất để đưa vào các vật liệu tự nhiên, và sau này là người có ảnh hưởng lớn tới Sen no Rikyū, một thương nhân và cũng là trà sư của Toyotomi Hideyoshi, một trong những lãnh chúa nổi tiếng nhất Nhật Bản.
Theo thời gian, Sen no Rikyū dần được biết đến như là sư tổ thực sự của trà đạo.
Sự đơn giản – một lý tưởng thẩm mỹ
Đến nửa sau thế kỷ 16, nghi lễ trà đạo trở thành một sự kiện xã hội quan trọng và là dịp để người giàu thể hiện sự giàu có. Hideyoshi lấp đầy trà thất dát vàng của mình bằng những vật dụng đắt tiền, chủ yếu được nhập về từ Trung Quốc. Trong khi đó, trà sư của ông, Sen no Rikyū, âm thầm tiến hành một cuộc cách tân. Ông thu nhỏ đáng kể diện tích trà thất để thay đổi những nguyên tắc cơ bản của các tiêu chuẩn thẩm mỹ liên quan, đồng thời loại bỏ mọi thứ thừa thãi và chỉ để lại những gì thực sự cần thiết: một không gian để hội họp, lòng tôn kính thiên nhiên, một ấm đun nước, các dụng cụ cơ bản – và thời gian để uống trà.
Cỡ hơn ba mét vuông một chút, trà thất của Sen no Rikyū rộng chưa bằng một nửa kích thước truyền thống. Các cửa sổ nhỏ xíu làm giảm độ sáng xuống mức tối thiểu để khách có thể trải nghiệm nhiều hơn bằng các giác quan khác. Chủ nhà và khách được bố trí ngồi gần đến mức họ có thể nghe thấy tiếng thở của nhau.
Rikyū thay thế bình men ngọc đắt giá bằng một lọ hoa bằng tre, bát Trung Quốc quý báu bằng bát do nghệ nhân gốm Chōjirō tạo tác. Ông dùng muỗng xúc trà bằng tre thay cho loại bằng ngà voi, và tái sử dụng xô múc nước giếng thay cho bình chứa nước bằng đồng.
Rikyū còn đề ra một nghi thức quan trọng, đó là ông sẽ mang toàn bộ trà cụ vào phòng lúc bắt đầu buổi trà đạo và cất đi sau khi nghi lễ kết thúc. Điều này giữ cho căn phòng sạch gọn và đơn giản, giúp khách mời tập trung vào hành động pha trà, vào vẻ đẹp tự nhiên tinh tế của những bông hoa được lựa chọn cẩn thận theo mùa, vào bức thư pháp thi vị gợi nhiều suy ngẫm treo nơi góc tường. Tất thảy đều tập trung vào những trải nghiệm chung, tại chính thời điểm đó.
Rikyū đã thay đổi văn hóa trà từ tôn sùng sự giàu có sang tôn sùng sự đơn giản. Điều này hoàn toàn trái ngược với những lựa chọn thẩm mỹ của Hideyoshi. Đây là một động thái táo bạo và quyết liệt nhằm thoát khỏi truyền thống và những quan điểm phổ biến về những gì được xem là đáng khao khát. Sống trong thời kỳ cơ cực của dân chúng, Rikyū lên án thứ văn hóa thừa thãi đang thịnh hành trong các tầng lớp cai trị, ông đưa quan điểm thẩm mỹ trở về với các yếu tố cơ bản: cái đẹp đơn giản và mộc mạc vốn khơi gợi suy ngẫm về bản chất của cuộc sống.
Nguồn gốc của wabi
Mặc dù Rikyū không sáng tạo ra trà đạo, nhưng trong những năm cuối đời, ông đã đưa nó về lại với triết lý của sự đơn giản và vẻ đẹp tự nhiên mà tới tận ngày nay vẫn đóng vai trò quan trọng trong văn hóa Nhật Bản. Trà của Rikyū dần được biết đến là “trà wabi”.
Wabi (có thể viết là 侘 hoặc 侘び) nghĩa là “vị dịu nhẹ”. Ban đầu, từ này có mối liên hệ về mặt ngôn ngữ với “nghèo đói”, “thiếu thốn” và “tuyệt vọng” – xuất phát từ động từ wabiru (侘びる – lo lắng hoặc héo hon) và tính từ wabishii (侘びしい – bần cùng, cô đơn, nghèo khổ).
Với nghĩa này, nó đã được sử dụng trong văn học Nhật từ nhiều thế kỷ trước thời của Rikyū – chẳng hạn như trong Man’yōshū (Vạn diệp tập), tuyển tập thơ cổ nhất của Nhật Bản có niên đại từ thế kỷ thứ 8, hoặc trong Hōjōki (Phương trượng ký), tập tùy bút nổi tiếng của Kamo no Chōmei được viết vào năm 1212, và trong thơ của Fujiwara no Teika (1162 – 1241). Nhưng kể từ trà đạo của Rikyū, wabi mới bắt đầu đại diện cho giá trị thẩm mỹ của sự đơn giản.
Là một thuật ngữ mỹ học, vẻ đẹp của wabi nằm ở sắc thái u tối ngầm ẩn của nó. Nó là vẻ đẹp kỳ vĩ giữa những thực tế khắc nghiệt của cuộc sống. Như nhà sư Kenkō đã viết từ bảy thế kỷ trước: “Có lẽ nào chỉ nhìn những bông hoa mùa xuân lúc nở rộ, hay chỉ ngắm trăng khi trời trong không gợn mây?” Vẻ đẹp không chỉ hiển hiện trong sự vui tươi, náo nhiệt hoặc sáng rõ.
Wabi ngụ ý một sự tĩnh lặng, vượt lên trên cõi phàm trần. Nó là sự chấp nhận thực tế và sự hiểu biết sâu sắc đi cùng với đó. Nó giúp chúng ta nhận ra rằng dù trong bất kể hoàn cảnh nào, cái đẹp vẫn luôn lẩn khuất ở đâu đó.
Wabi diễn tả cảm giác nhận ra vẻ đẹp trong sự đơn giản. Đó là cảm giác mãn nguyện thầm kín có được khi chúng ta thoát khỏi những cái bẫy của thế giới vật chất. Qua nhiều năm, thị hiếu đã thay đổi và ngày nay chúng ta có thể mua được nhiều loại trà cụ kiểu cách, nhưng lý tưởng wabi vẫn luôn là một phần của triết lý trà đạo tại Nhật Bản.
Sau cùng, wabi là quan niệm trân trọng sự khiêm nhường, đơn giản và thanh đạm, xem đó như những phương tiện dẫn đến trạng thái tĩnh lặng và mãn nguyện. Tinh thần của wabi kết nối sâu sắc với tư tưởng chấp nhận rằng nhu cầu thực sự của chúng ta vốn đơn giản, cũng như tư tưởng sống khiêm nhường và biết ơn cái đẹp đã luôn tồn tại ở ngay quanh chúng ta.
Nguồn gốc của sabi
Từ sabi (có thể viết là 寂 hoặc 寂び) nghĩa là “màu thời gian, vẻ cổ kính, sự đơn giản tao nhã”. Từ này còn có thể dịch thành “tĩnh lặng”. Tính từ sabishii(寂しい) nghĩa là “cô đơn”, “lẻ loi” hoặc “đơn độc”. Bản chất của sabi thấm đẫm trong những bài thơ haiku của Matsuo Bashō1. Được viết từ thế kỷ 17 nhưng đến nay, vẻ đẹp đượm buồn của những bài thơ này vẫn được yêu thích trên toàn thế giới.
1 Matsuo Bashō, với những vần thơ thường xuyên được trích dẫn làm ví dụ cho văn học mang hơi hướng sabi, đã sống trọn cuộc đời của một wabibito – nghĩa là con người của wabi. Mặc dù không phải kẻ nghèo túng, Bashō đã lựa chọn cuộc sống lang thang giữa thiên nhiên, mang theo bên mình chỉ vừa đủ đồ tiếp tế. Chính những hành trình này đã truyền cảm hứng cho ông sáng tác các bài thơ nổi tiếng của mình. (Chú thích của tác giả – TG)
Ngoài ra, còn có động từ sabiru (錆びる), tuy viết khác nhưng có cùng cách đọc. Nó nghĩa là gỉ sét, phân rã hoặc có dấu hiệu cũ mòn, do đó tạo thêm một nét nghĩa độc đáo nữa cho sabi.
Dần dần, từ sabi truyền tải vẻ đẹp sâu sắc và tĩnh lặng xuất hiện theo thời gian. Về mặt thị giác, chúng ta gắn liền sabi với tình trạng gỉ sét, phong hóa, xỉn màu và cổ kính.
Sabi là một trạng thái được tạo ra dưới bàn tay của thời gian, chứ không phải của con người, mặc dù nó thường xuất hiện trên những vật thể được chế tác thủ công tỉ mỉ. Nó tập trung vào nét duyên dáng tinh tế của sự cũ đi. Đó là vẻ đẹp được bộc lộ trong quá trình sử dụng và bào mòn, chẳng hạn như lớp sơn xỉn màu trên những thớ gỗ cũ mòn của chiếc bàn bếp.
Trong tác phẩm kinh điển In Praise of Shadows (Ngợi ca bóng tối), nhà văn nổi tiếng Jun’ichirō Tanizaki đã ghi lại cách người Nhật tìm thấy vẻ đẹp trong sabi như sau:
Không phải là chúng tôi ghét tất cả những thứ tỏa rạng, nhưng chúng tôi thích thứ ánh sáng thâm trầm hơn thứ ánh sáng rực rỡ hời hợt. Chúng tôi thích thứ ánh sáng ảm đạm mà dù ở trên một hòn đá hay một vật phẩm cũng đều ánh lên nét cổ kính... Chúng tôi yêu những thứ mang dấu ấn của bụi, bồ hóng, thời tiết, yêu những màu sắc và ánh sáng có thể gợi lên trong tâm trí quá khứ hình thành của chúng.
Mặc dù sabi được gắn liền với dấu ấn của thời gian lên vẻ ngoài của vật thể, cũng như với rất nhiều quan niệm thẩm mỹ của người Nhật, thế nhưng tầng ý nghĩa sâu hơn của sabi ám chỉ đến những gì ẩn giấu bên dưới bề mặt của sự vật mà chúng ta nhìn thấy ngoài thực tế. Nó đại diện cho quy luật sinh diệt của vạn vật và có thể gợi lên những phản ứng cảm xúc, thường là thoáng buồn, khi chúng ta chiêm nghiệm về sự ngắn ngủi của cuộc sống.
Vẻ đẹp của sabi nhắc chúng ta nhớ về mối liên hệ của mình với quá khứ, về chu kỳ tự nhiên của cuộc sống và cái chết của chính chúng ta.
Sự ra đời của wabi sabi
Phải có một trái tim wabi để nhận ra vẻ đẹp sabi, và cả hai đã song hành qua nhiều thế hệ. Mặc dù cốt lõi của những giáo huấn về chúng đã có từ nhiều thế kỷ trước, nhưng cụm từ wabi sabi mới chỉ được chấp nhận khoảng một trăm năm trở lại đây, xuất phát từ lòng khao khát tìm hiểu những gì nằm sâu bên trong tâm lý của người Nhật. Người ta cần một tên gọi cho thứ mà mọi người vẫn luôn biết.
Wabi sabi tồn tại đồng thời ở rìa nhận thức và trong sâu thẳm trái tim người Nhật. Bà bạn Setsuko của tôi, nay đã ngoài 70 tuổi, nói rằng bản thân chưa từng thốt ra cụm từ wabi sabi cho đến khi được tôi hỏi tới, mặc dù nó là một phần bản chất con người bà và bà ngay lập tức hiểu được nó có ý nghĩa ra sao với mình.
Wabi sabi vượt xa vẻ đẹp của một sự vật hoặc môi trường cụ thể, hàm ý đến phản ứng của con người trước vẻ đẹp sâu sắc đó. Wabi sabi là một cảm giác, và nó vô hình. Wabi sabi của mỗi người không giống nhau, bởi mỗi chúng ta trải nghiệm thế giới theo những cách khác nhau. Chúng ta cảm nhậnwabi sabi khi tiếp xúc với bản chất của vẻ đẹp đích thực – thứ vẻ đẹp khiêm nhường, không hoàn hảo, và càng đẹp hơn nhờ chính những phẩm chất ấy. Cảm xúc này được gợi lên trước vẻ đẹp tự nhiên mộc mạc và bình dị.
Trong tiếng Anh, thuật ngữ sát nghĩa nhất cho phản ứng này là “aesthetic arrest” (tóm giữ cái đẹp), được James Joyce sử dụng gián tiếp trong cuốn tiểu thuyết A Portrait of the Artist as a Young Man (Chân dung nghệ sĩ trẻ). Joyce đã viết rằng:
Khoảnh khắc mà tâm trí cảm nhận rõ rệt một vẻ đẹp tối thượng, một hình ảnh thẩm mỹ sáng rỡ, khoảnh khắc mà tâm trí bị tóm giữ trong sự toàn vẹn và choáng ngợp trong sự hài hòa, chúng ta rơi vào một trạng thái tĩnh lặng thấu suốt của niềm khoái cảm thẩm mỹ, một trạng thái tinh thần rất giống với tình trạng tim mạch mà nhà sinh lý học người Ý Luigi Galvani… đã gọi là trạng thái trái tim bị bỏ bùa.
Nhưng ngay cả vậy, điều này chỉ nêu ra những phản ứng vật lý, chứ không phải là những triết lý sâu xa của wabi sabi vốn liên quan đến bản chất của cuộc sống.
Những bài học cuộc sống từ wabi sabi
Wabi sabi kết nối sâu sắc với vẻ đẹp gợi nhắc chúng ta về bản chất ngắn ngủi của cuộc sống. Điều này bắt nguồn từ ba pháp ấn trong Phật giáo về sự tồn tại: mujō (無常, vô thường), ku (苦, khổ) và kū (空, cái không, vô ngã, hòa hợp với vạn vật).
Những bài học cuộc sống mà wabi sabi có thể dạy chúng ta và những gì chúng ta có thể khám phá trong cuốn sách này xuất phát từ các quan niệm sau:
• Khi bạn học cách nhìn và trải nghiệm thế giới bằng trái tim, thế giới sẽ mang một diện mạo hoàn toàn khác.
• Mọi thứ trên đời này, kể cả chính cuộc sống, đều vô thường, bất toàn và không hoàn hảo. Vì vậy, sự không hoàn hảo là trạng thái tự nhiên của vạn vật, bao gồm cả chính chúng ta.
• Có một vẻ đẹp, giá trị và niềm an ủi lớn lao nằm trong sự đơn giản.
Tuy nhiên, wabi sabi không phải là thuốc chữa bách bệnh. Nó chỉ gợi nhắc rằng sự tĩnh lặng, đơn giản và cái đẹp có thể giúp chúng ta sống trọn vẹn trong khoảnh khắc hiện tại, và đó là bài học cho tất cả chúng ta.
GHI CHÚ VỀ NGÔN NGỮ
Bạn có thể từng thấy wabi sabi được dùng dưới dạng tính từ – chẳng hạn nói “một cái chén wabi sabi” sẽ tương tự như nói “một tách trà cập kênh” hoặc “một chiếc ghế cũ mèm”. Ở phương Tây, nó được dùng để tả một vẻ ngoài tự nhiên và không hoàn hảo. Tuy nhiên, cần biết rằng người Nhật không dùng từ wabi sabi như vậy.
Bạn có thể nói rằng một thứ gì đó “toát ra khí sắc wabi sabi” hoặc “gợi lên trong bạn cảm giác wabi sabi’, nhưng bản thân thuật ngữ này – ít ra là trong tiếng Nhật gốc – không mô tả vẻ ngoài của sự vật. Đúng hơn là nó truyền tải cảm giác đọng lại trong bạn sau khi tiếp xúc với cái đẹp, có thể bằng mắt hoặc qua trải nghiệm.
Một cựu giáo sư từng nói với tôi rằng thời điểm ông cảm nhận được wabi sabi là khi ngắm nhìn đám rêu mọc trong vườn tại một ngôi đền cổ. Với bác tài xế thích chơi saxophone mà tôi từng gặp, đó là khi ông chơi nhạc blue. Với người khác là khi tham gia nghi lễ trà đạo. Nó thay đổi tùy theo mỗi người bởi chúng ta rung động trước những thứ khác nhau. Nhưng vào khoảnh khắc cảm xúc đó trỗi dậy – một nhận thức, một sự liên hệ, một gợi nhắc về bản chất ngắn ngủi và không hoàn hảo của cuộc sống – wabi sabi trở nên hiện hữu.
Từ ngữ thường bị biến đổi nghĩa khi được chuyển sang những ngôn ngữ khác. Thế nên, nếu trước giờ bạn dùng wabi sabi như một tính từ và nó giúp bạn trân trọng sự không hoàn hảo và cuộc sống đơn giản, thì bạn không cần phải lấn cấn về chuyện đó. Cuốn sách này không tập trung vào vấn đề ngữ nghĩa, mà hướng đến việc giúp bạn rút ra những bài học cuộc sống từ trí tuệ cổ xưa, rung cảm và thẩm thấu triết lý này, từ đó thay đổi quan điểm của mình để có được một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Kỳ thực, chúng ta có thể áp dụng khái niệm wabi sabi vào việc bài trí nhà cửa để tôn vinh sự đơn giản, tự nhiên và cái đẹp. Chủ đề này sẽ được xem xét chi tiết ở Chương 2. Nhưng nếu chỉ xem wabi sabi là một phong cách sống hoặc xu hướng thiết kế thú vị, chúng ta sẽ bỏ lỡ cơ hội trải nghiệm sâu sắc thế giới qua trực giác.
Một trong những điều hấp dẫn nhất nhưng cũng đầy thách thức về ngôn ngữ và văn hóa Nhật Bản chính là các tầng ý nghĩa của nó. Chẳng có gì giống như vẻ ngoài cả. Mọi thứ đều phụ thuộc vào bối cảnh, vào việc ai đang nói với ai và những lời không được nói ra. Bởi lẽ một trong những nguyên lý chính của “sự không hoàn hảo” là sự không toàn vẹn, thế nên nhiệm vụ của tôi trong cuốn sách này là vẽ một bức tranh phong phú nhưng chưa hoàn chỉnh về wabi sabi, từ đó bạn có thể bổ sung theo quan điểm của riêng bạn.
Ở một số phần của cuốn sách này, tôi sẽ chỉ nói về wabi sabi. Ở những phần khác, tôi sẽ đưa ra các khái niệm liên quan trong văn hóa Nhật Bản mà góp phần tạo ra một lối sống đơn giản và phong phú hơn. Sau cùng, tôi hy vọng bạn sẽ tự mình cảm nhận được bản chất của wabi sabi và đón nhận nó vào cuộc sống của mình như một nguồn cảm hứng để nhìn ngắm thế giới theo một cách mới.
Món quà cho tất cả chúng ta
Cách đây không lâu, tôi có xem hai học sinh trung học người Nhật thuyết trình về wabi sabi tại Mỹ. Đến cuối bài thuyết trình, một khán giả người Mỹ đặt câu hỏi: “Có phải ai cũng có thể học về wabi sabi hay không?” Hai cô gái nhăn trán nhìn nhau, hoang mang và lúng túng. Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, một người trả lời: “Không phải ai cũng có thể học. Chúng tôi cảm nhận được nó bởi chúng tôi là người Nhật.”
Tôi không đồng tình. Wabi sabi là phản ứng sâu sắc của con người trước cái đẹp mà tôi tin rằng tất cả chúng ta đều có thể trải nghiệm nếu biết điều chỉnh bản thân.
Quan điểm của tôi về wabi sabi sẽ luôn nằm trong bối cảnh thế giới quan của riêng tôi, vốn dựa trên nền giáo dục phương Tây và sự ảnh hưởng mạnh mẽ của mối giao tình hai-mươi-năm với Nhật Bản. Quan điểm của bạn sẽ khác với quan điểm của tôi, và nếu bạn có dịp nói chuyện với một người Nhật về nó, quan điểm của họ cũng sẽ khác. Nhưng cái đẹp nằm ở chỗ đó – chính từ việc lấy cảm hứng từ các nền văn hóa khác và diễn giải sang bối cảnh sống của bản thân, chúng ta sẽ rút ra được những kiến thức thiết thực nhất.
Tính phù hợp của wabi sabi trong thời đại hiện nay
Chúng ta đang sống trong thời đại của những thuật toán “hack não”, quảng cáo ăn theo và thông tin tràn lan khắp mọi nơi. Từ lúc thức dậy tới khi đi ngủ, chúng ta bị nhồi nhét đủ loại thông điệp về việc mình nên trông như thế nào, mặc gì, ăn gì và mua gì, nên kiếm được bao nhiêu tiền, nên yêu ai và nuôi dạy con cái ra sao. Nhiều người có lẽ dành thời gian để suy ngẫm về cuộc sống của người khác còn nhiều hơn là đầu tư vào cuộc sống của chính bản thân. Thêm vào đó là nhịp độ sống hối hả mà chúng ta được khuyến khích chạy theo, thế nên chẳng lấy làm lạ khi rất nhiều người đang cảm thấy quá tải, bất an, lạc lõng và kiệt quệ.
Còn gì nữa nhỉ, bao quanh chúng ta là nguồn ánh sáng nhân tạo ở nhà, tại cửa hàng và văn phòng, trên màn hình điện thoại và máy tính. Chúng ta bị kích thích quá độ và bị năng suất ám ảnh. Hệ thần kinh và giấc ngủ của chúng ta bị tàn phá. Chúng ta đang phải trả giá vì từ bỏ những khoảng tối êm dịu và kết cấu phong phú của cuộc sống để theo đuổi tốc độ và hiệu suất. Cả đôi mắt lẫn trái tim chúng ta đều mệt mỏi.
Mặc dù có tác động lớn và giá trị trên nhiều phương diện, mạng xã hội đang biến chúng ta thành những kẻ nghiện so sánh và thèm khát được công nhận. Chúng ta phá ngang những khoảnh khắc quý giá trong cuộc sống để chụp ảnh đăng tin, rồi dành cả tiếng sau đó để kiểm tra xem mình nhận được bao nhiêu phản hồi tích cực từ những người xa lạ. Rảnh phút nào là chúng ta cúi mặt vào điện thoại, lướt xem cuộc sống sang chảnh của ai đó, và rồi những ý nghĩ ghen tị nổi lên khi chúng ta cho rằng họ đang thực sự sống như thế. Mỗi lần như vậy, chúng ta vô tình bỏ lỡ các cơ hội cho sự kết nối, sự may mắn tình cờ và sự phiêu lưu thường nhật trong cuộc sống, bởi lẽ tâm trí đã lạc trôi đến nơi mà cơ thể không theo kịp.
Nhiều người làm gì cũng lo lắng đến suy nghĩ của người khác. Chúng ta xếp hàng chờ đợi người khác chấp thuận, dành toàn bộ thời gian để lo lắng về những chuyện chưa xảy đến. Chúng ta tự đưa ra những giới hạn của bản thân, xem nhẹ những gì đã có được và đặt nặng những gì chưa đạt đến.
Cả khi đủ can đảm để hình dung ra việc bản thân theo đuổi ước mơ, chúng ta lại thấy xung quanh có quá nhiều hình mẫu thành công lý tưởng và bắt đầu tự hỏi liệu mình có cơ hội hay không. Trên khắp thế giới này, vô số ước mơ đã bị bóp nghẹt chỉ vì có ai đó tự so sánh bản thân với người khác và nghĩ rằng: “Mình không đủ tốt”. Kể cả trong trường hợp khả quan nhất, kết cục của sự khủng hoảng niềm tin này sẽ là tình trạng chây ì.
Vào một thời điểm nào đó, người ta đã bắt đầu đồn thổi rằng hạnh phúc nằm ở sự tích lũy của cải, tiền bạc, quyền lực và địa vị, rằng chúng ta lúc nào cũng phải trông thật trẻ trung, xinh đẹp và thon gọn, hoặc đẹp trai và khỏe khoắn. Nhưng khi đánh giá cuộc sống của mình bằng tiêu chuẩn của người khác, chúng ta tự tạo áp lực khổng lồ cho bản thân để đạt được và sở hữu những thứ mình không thực sự quan tâm. Lòng ham muốn có được nhiều hơn này ảnh hưởng đến hành vi, quyết định và cảm nhận của chúng ta về bản thân – chưa kể tới tác động đến hành tinh này. Bất kể chúng ta có gì hoặc trở thành người như thế nào thì vẫn là không đủ, và chúng ta tin vào điều đó.
Trớ trêu hơn cả là những gì chúng ta theo đuổi ở thế giới bên ngoài thường rất khác với những gì chúng ta thực tâm mong muốn. Đã đến lúc chúng ta cần phải tạm dừng lại, xem xét xung quanh và tự quyết định những gì thực sự quan trọng với bản thân. Wabi sabi có thể giúp chúng ta làm vậy, thế nên triết lý cổ xưa này trở nên phù hợp với thời đại hiện nay hơn bao giờ hết.
Một phương thức mới
Điều chúng ta cần lúc này là một phương thức mới để quan sát thế giới và vị trí của mình trong đó.
Chúng ta cần một cách tiếp cận mới đối với các thách thức trong cuộc sống. Chúng ta cần công cụ để sống một cách chủ động và có ý thức, cũng như một hệ thống để quyết định điều gì là quan trọng với mình, từ đó thoát khỏi ham muốn thường trực về việc có nhiều hơn. Chúng ta cần tìm cách sống chậm lại để cuộc đời không trôi qua trong vội vã. Chúng ta cần bắt đầu chú ý nhiều hơn tới cái đẹp để lên tinh thần và duy trì cảm hứng. Chúng ta cần cho phép bản thân không nghĩ đến những phán xét và ngừng theo đuổi sự hoàn hảo. Và cũng cần nhìn nhận người khác – cũng như chính chúng ta – như những bảo vật không hoàn hảo một cách hoàn hảo.
Tất cả những điều này, những điều mà chúng ta rất mực cần đến, đều có thể tìm thấy trong triết lý wabi sabi. Không phải vì nó giải quyết các vấn đề bề nổi mà bởi nó có thể làm thay đổi căn bản cách chúng ta nhìn nhận cuộc sống này. Wabi sabi dạy chúng ta biết hài lòng khi có ít hơn nhưng lại cảm thấy đủ đầy hơn:
Bớt đồ đạc, thêm cảm xúc. Bớt vội vã, thêm khoan thai. Bớt hỗn loạn, thêm bình lặng.
Bớt tiêu dùng số lượng lớn, thêm sáng tạo độc đáo.
Bớt phức tạp, thêm rõ ràng. Bớt phán xét, thêm tha thứ. Bớt ra vẻ can đảm, thêm sự thật.
Bớt chịu đựng, thêm sức bật. Bớt kiểm soát, thêm dung hòa.
Bớt lý trí, thêm tâm hồn.
Wabi sabi là nơi cất giấu những tri kiến quý giá đề cao sự bình thản, hòa hợp, vẻ đẹp và sự không hoàn hảo, nó có thể giúp chúng ta tăng cường sức bật trước những căn bệnh của cuộc sống hiện đại.
Quan trọng hơn, chấp nhận sự không hoàn hảo không có nghĩa là hạ thấp tiêu chuẩn hoặc phó mặc cuộc sống, mà là không phán xét bản thân vì sống đúng với bản chất của mình: không hoàn hảo một cách hoàn hảo – bạn là độc nhất và tất cả chúng ta đều như vậy.
Nói một cách đơn giản, wabi sabi cho phép bạn là chính mình. Nó khuyến khích bạn làm tốt nhất có thể nhưng không tự làm khó dễ mình vì theo đuổi những mục tiêu hoàn hảo không thể đạt tới. Nó nhẹ nhàng yêu cầu bạn thư giãn, sống chậm lại và tận hưởng cuộc sống. Nó chỉ cho bạn thấy rằng cái đẹp tồn tại ở những nơi bạn không ngờ tới nhất và biến mỗi ngày thành một nguồn vui.