C
ô con gái nhỏ của tôi được tám tháng tuổi, bi bô tập nói.
Lộ Lộ (biệt danh của con gái tôi) gọi bố, “Bố bố”. Tôi thích nghe tiếng gọi bập bẹ của con gái. Mỗi lần nghe thấy tiếng con, lòng tôi cảm thấy ấm áp.
“Bố, bố...”, con bé gọi không ngớt, “Mẹ... bà ngoại, an an...”.
An an, theo ý của con bé chính là anh.
Thi thoảng tôi không kìm lòng được ôm lấy con bé, nhỏ giọng bảo rằng, “Lộ Lộ thực ra có anh trai đấy, một anh trai nhỏ. Anh trai năm tuổi rồi”, trước kia tôi thích cùng Hạ Âu tưởng tượng, con của chúng tôi nhất định là con trai. Nên tới hiện tại, tôi vẫn nhận định đứa con trong bụng em là con trai.
“An, an”, con gái bi bô.
Thương cảm tràn trề, nỗi hoài niệm đong đầy trong tôi.
Bấy giờ tôi đã là người đàn ông ba mươi lăm tuổi, đã qua cái tuổi mê đắm phong hoa tuyết nguyệt, sùng bái tình yêu từ lâu, một lòng muốn sống cuộc sống bình lặng.
Chạng vạng tối của một ngày năm 2004, tôi dắt Lộ Lộ đã bốn tuổi đến công viên xem hà mã.
Cô con gái nhỏ bốn tuổi đáng yêu, bạn bè đều nói Lộ Lộ giống tôi. Tiểu Mãn không vui, cô ấy sẽ lập tức chồm tới con gái, bảo, “Để mọi người xem rốt cuộc con bé giống ai. Con tôi sinh ra đương nhiên là phải giống tôi rồi”.
Dạo gần đây mẹ con bé mê chơi mạt chược, chỉ cần đừng về nhà quá muộn thì thường tôi không hỏi gì. Cô ấy nên có không gian hoạt động của mình. Tôi biết cô ấy có chừng mực, nhiều nhất là thua vài trăm tới khóc lóc làm nũng với tôi, bắt tôi phải bù cho mình.
Tiểu Mãn luôn là một cô bé, nói không chừng sau này còn làm nũng với cả Lộ Lộ nữa.
Nghĩ tới đây, tôi bất giác nở nụ cười.
Hôm nay, trước khi con gái ra ngoài mặc chiếc váy nhỏ màu hồng phấn, đầu bện tóc. Con bé chạy trong công viên, y như cô công chúa nhỏ màu hồng.
Khi đi tới một khu vực hẻo lánh ở công viên, con gái liền gọi, “Bố ơi, Lộ Lộ muốn uống nước giải khát”.
“Ừ, Lộ Lộ nhìn thấy ở đâu có bán nước giải khát, thì nói cho bố biết nhé, bố sẽ mua cho Lộ Lộ.”
“Bố ơi, bên kia có bán. Bố ơi ở bên kia kìa”, con gái nhỏ dùng hết sức lực để kéo tôi tới cạnh một quán nhỏ ven đường.
“Lộ Lộ, ở đây đâu có bán nước giải khát hả con?”, tôi chau mày nói, chăm chú nhìn, trên bàn của quán có bày chiếc bảng đen nhỏ, dùng phấn viết “Chè tôm lạnh một đồng một bát”.
Tôi sững người, tôi không ngờ sau nhiều năm như vậy vẫn có thể nhìn thấy món đồ mà nhiều người không biết này. Biển hồ trong lòng lập tức tràn ra khỏi đê, hồi ức mang theo nỗi chua xót ập tới.
Bóng hình cô gái ấy chạy dưới khoảng nắng vẫn rõ ràng là thế. Tôi nghĩ tôi đã cất giấu em tận sâu thẳm nơi lòng mình theo bản năng.
Đáy lòng tôi có một cô gái mang tên Mãi Mãi, cô ấy đứng dưới ánh nắng ngày đầu hạ, cả người toát lên nét trong veo, ngọt ngào, tự nhiên.
“Bố ơi, đây là gì vậy ạ?”
“Chủ quán có đây không? Cho hai bát chè tôm lạnh”, tôi gọi.
“Ố! Tới đây!”, một bà lão vội vàng đi tới, bà vốn đang ngồi ở bên ba hoa chích chòe với bà chị. Tôi vừa gọi, bà bèn tới liền, hai tay không ngừng chà xát vào tạp dề, “Hai bát à? Có ngay”.
Sau đó bà nhanh nhẹn múc hai bát.
Con gái vui mừng hớn hở ăn, ăn tới nỗi cả mặt dính đầy vừng, nói, “Bố ơi ngon thật đấy ạ, bố ơi ngọt thật đấy ạ, bố ơi mát thật đấy ạ”.
Ha ha, con gái tôi nói chuyện không sao ngắt nghỉ cho được.
Tôi nhìn con gái ăn xong đầy trìu mến, còn tôi quả thực không muốn ăn, tôi sợ sẽ ăn mất nỗi nhớ nhung.
Ăn xong, con gái thỏa mãn đi theo tôi, đi trên đường còn hỏi, “Bố ơi, cái vừa nãy là gì thế ạ, ngon thật đấy ạ”.
“Là Hồi Ức con à”, lòng tôi chua xót vô chừng. Thế là buổi tối về nhà con gái nói với mẹ, hôm nay con bé ăn hai bát Hồi Ức, khiến vợ tôi cười mãi không dứt.
Người không hiểu gì thật hạnh phúc, tôi nghĩ.