T
ôi muốn từ giã cõi đời khi tôi 100 tuổi, sau khi đã thỏa nguyện ước mơ được ngạo nghễ đạp xe lao xuống sườn dốc dãy Alpine hùng vĩ với tốc độ 75 dặm/giờ(*), trên lưng là quốc kỳ Mỹ và chiếc mũ in ngôi sao biểu tượng của Texas. Tôi muốn chạm đích trong tiếng reo hò, cỗ vũ của vợ và các con. Sau đó, tôi sẽ ngả lưng xuống cánh đồng hoa hướng dương tuyệt đẹp của Pháp và ra đi trong thanh thản.
* 1 dặm = 1,6 km. 75 dặm/giờ tương đương vận tốc 120 km/giờ.
Tôi không muốn mình chết dần chết mòn. Tôi sống gấp và hầu như không làm bất cứ việc gì chậm rãi hay từ tốn - ngay cả thở. Tôi làm gì cũng vội vã, gấp gáp; tôi ăn nhanh, ngủ nhanh, đi nhanh… Tôi vẫn phát cáu mỗi khi vợ tôi, Kristin, lái xe vì cô ấy thường nhấn phanh khi chỉ vừa thấy tín hiệu đèn vàng.
- Phụ nữ thật là...! – Tôi càm ràm.
- Thôi nào Lance, anh bình tĩnh đi chứ.
Cả đời tôi gắn liền với chiếc xe đạp, rong ruổi qua những con đường từ thành phố Austin, Texas cho đến đại lộ Champs-Elysées và phải luôn trong tâm trạng sẵn sàng đối mặt với cái chết có thể đến bất kỳ lúc nào. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra bởi các cua-rơ là người phải đối mặt với tất cả những rủi ro không thể lường trước trên đường đua. Tôi đã nhiều lần bị xe tông phải, đến độ tôi phải học cách tự rút chỉ cho các mũi khâu của mình.
Nếu có dịp nhìn vào cơ thể tôi, bạn sẽ hình dung rõ hơn. Những vết sẹo dọc ngang trên hai cánh tay và những vết bầm mờ mờ dọc hai chân tôi là chiến tích của những tay tài xế xe tải luôn chạy vượt mặt mà không có ý định hãm phanh. Hãy tưởng tượng thế này: bạn đang bon bon chạy trên đường quốc lộ thì bỗng… rầm… mặt bạn úp xuống đất. Lập tức bạn thấy một luồng không khí nóng rát hắt qua mặt và mùi vị cay xè của khói bụi ngay trên vòm miệng mình. Nhưng rồi bạn chỉ có thể lồm cồm ngồi dậy, nhìn theo và nguyền rủa chiếc xe đang khuất dần sau làn khói.
Bệnh ung thư cũng tương tự. Nó giống như khi bạn bị một chiếc xe tải tông văng xuống đường và cũng để lại những vết sẹo trên cơ thể. Tôi có một vết sẹo nhăn nheo nằm ngay trên ngực trái cách tim không xa, đó là nơi ống thông đường tiểu được cấy vào. Một đường mổ khá sâu chạy dọc từ vùng bẹn bên phải lên sát đùi trên – vết mổ các bác sĩ đã thực hiện để cắt bỏ tinh hoàn của tôi. Nhưng kỳ tích thật sự chính là hai vết khoét sâu hình bán nguyện trên đỉnh đầu, như thể tôi bị ngựa đá hai lần vào đó vậy. Đó là vết tích sót lại sau cuộc đại phẫu não.
Tôi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tinh hoàn năm 25 tuổi và lúc đó tôi gần như đã rất cận kề với cái chết. Các bác sĩ cho biết cơ hội sống sót của tôi chưa đến 40%, và tôi thấy họ thật thẳng thắn khi không che giấu tôi sự thật này. Cái chết không phải là đề tài thú vị để bàn đến trong một bữa tiệc – tôi biết điều đó – và căn bệnh ung thư, hoặc phẫu thuật não, hay các vấn đề tế nhị liên quan đến cơ quan sinh dục – cũng không phải là đề tài có thể thảo luận công khai. Nhưng tôi không muốn giấu giếm hay phải thay bằng những lời hoa mỹ. Tôi muốn nói lên sự thật. Tôi nghĩ bạn cũng muốn biết làm thế nào mà Lance Armstrong lại được xem là một người Mỹ vĩ đại và là nguồn cảm hứng của hàng triệu người, làm thế nào mà tôi có thể giành ngôi vô địch trong giải đua xe đạp Tour de France – một cuộc thi với chặng đua kéo dài 2.290 dặm và được xem là giải đấu cá nhân khắc nghiệt nhất trên thế giới. Có thể bạn muốn nghe tôi kể về sự trở lại kỳ diệu của tôi, và bằng cách nào tôi có tên trong sách kỷ lục với những thành tích cao ngất như Greg LeMond(**) và Miguel Indurain(***). Hoặc có thể bạn muốn nghe tôi kể về chặng đua đầy thử thách khi đối diện với dãy Alps hay Pyrenees hùng vĩ, cũng như những cảm giác của tôi lúc ấy như thế nào. Nhưng trong phạm vi quyển sách này, tôi chỉ muốn đề cập đến giải đấu Tour de France.
** Greg LeMond (sinh năm 1961): Vận động viên đua xe đạp người Mỹ được xem là cua-rơ huyền thoại trong những năm 90, người từng 3 lần vô địch Tour de France.
*** Miguel Indurain (sinh năm 1964): Cua-rơ huyền thoại người Tây Ban Nha, với 5 lần liên tiếp vô địch Tour de France.
Trước tiên, tôi muốn nói rằng tôi không phải là một vị anh hùng hay người được nhận những phép mầu kỳ diệu để trở thành hình tượng viết sách. Đây không phải là công viên Disneyland hay kinh đô điện ảnh thế giới Hollywood, mà là cuộc đời thực của tôi. Báo chí từng viết tôi đã bay qua những ngọn đồi và những dãy núi của Pháp, nhưng sự thật là bạn không thể bay, bạn phải liên tục nỗ lực và chịu nhiều đau đớn mới băng qua được những mỏm đá gồ ghề đó, và chỉ khi nào bạn thật sự quyết tâm và cố gắng hết mình, bạn mới có thể xuất hiện trong tốp dẫn đầu.
Cách tôi chống chọi với bệnh ung thư cũng giống như vậy. Người tốt, người khỏe mạnh, ai cũng có thể mắc phải căn bệnh này. Và hầu hết mọi người đều cố gắng áp dụng tất cả những cách mà họ cho là tốt nhất để chống lại nó, nhưng cuối cùng, họ vẫn ra đi. Đó là một sự thật mà bạn cần ghi nhớ. Mọi người đều sẽ chết. Khi đã nhớ được điều này, thì tất cả những thứ khác sẽ không còn quan trọng nữa.
Tôi không biết vì sao mình vẫn còn sống sót. Tôi chỉ có thể đoán thế này: tôi có thể trạng tốt, và chính cái nghề của tôi đã dạy tôi cách đương đầu với mọi khó khăn, trở ngại. Tôi muốn được khổ công luyện tập và tham gia những chặng đua gian nan.
Còn nhớ năm 16 tuổi, tôi được mời đến kiểm tra sức khỏe tại bệnh viện Cooper Clinic ở thành phố Dallas, nơi tọa lạc một phòng nghiên cứu danh tiếng. Sau khi đo nồng độ VO2(****) của tôi, các bác sĩ kinh ngạc nói rằng tôi là người có nồng độ VO2 cao nhất mà họ từng kiểm tra. Và họ cũng nhận ra tôi sản sinh ít axit lactic hơn hầu hết mọi người. Axit lactic là một hóa chất cơ thể sản sinh khi chúng ta hoạt động quá sức, nó khiến phổi như bị bốc cháy và toàn cơ thể đau nhức.
**** Tiêu chuẩn đánh giá lượng oxy một người hít vào và sử dụng.
Như vậy về cơ bản, tôi có khả năng chịu đựng sự mệt mỏi về thể chất lâu hơn mọi người khi hoạt động ở cường độ cao. Vì thế tôi cho rằng đây có lẽ là yếu tố giúp tôi sống sót. Tôi may mắn – may mắn vì được sinh ra với một khả năng chịu đựng cao hơn mức bình thường. Thế nhưng tôi vẫn tuyệt vọng và quằn quại với căn bệnh của mình.
Căn bệnh trong người tôi bộc phát một cách nhanh chóng và rõ ràng, nó khiến tôi nhìn lại cuộc sống của mình bằng cái nhìn nghiêm khắc. Bởi cuộc sống của tôi vốn dĩ cũng có nhiều điều khiến tôi cảm thấy xấu hổ; chẳng hạn như tôi rất hà tiện, thường bỏ dở nhiều việc, nhiều lúc tỏ ra yếu đuối và thường phải hối tiếc vì những điều mình đã làm. Tôi từng phải tự hỏi mình: “Nếu mình sống, mình muốn trở thành người như thế nào?”. Tôi nhận ra rằng để trở thành một người đàn ông đích thực, tôi cần phải trưởng thành hơn nữa.
Tôi không đùa đâu. Sự thật là tồn tại đến hai Lance Armstrong – trước và sau khi mắc bệnh ung thư. Mọi người vẫn thường hỏi tôi: “Bệnh ung thư đã thay đổi anh như thế nào?”. Tuy nhiên, tôi nghĩ câu hỏi thật sự ở đây chính là tôi đã làm thế nào để không bị căn bệnh nan y này làm cho thay đổi. Ngày 2 tháng 10 năm 1996, tôi rời nhà như thường lệ, và sau đó tôi trở về như một người khác hẳn - đó là biến cố lớn nhất trong cuộc đời tôi. Tôi là một vận động viên đẳng cấp quốc tế sở hữu một biệt thự tráng lệ, một chiếc Porsche bóng loáng và một số tài sản cá nhân kha khá trong ngân hàng. Tôi là một trong những cua-rơ hàng đầu và sự nghiệp của tôi đang trên đà phát triển rực rỡ. Trở về sau cơn bạo bệnh, tôi trở thành một con người hoàn toàn khác theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Một mặt, con người cũ trước kia của tôi đã chết, và tôi đang sống một cuộc đời thứ hai. Mặt khác, cơ thể tôi cũng hoàn toàn thay đổi, bởi vì trong suốt quá trình hóa trị, tôi mất hết mọi cơ bắp mà trước đây mình đã khổ công tập luyện, và sau khi hồi phục, dù chuyên tâm luyện tập nhưng tôi vẫn không thể có được cơ thể cường tráng như trước kia.
Quả thực, đối mặt với căn bệnh ung thư là biến cố quan trọng nhất trong đời tôi. Tôi không biết vì sao mình lại mắc bệnh, nhưng nó khiến tôi thay đổi rất nhiều, và tôi không muốn chối bỏ nó. Sao lại có thể chối bỏ một biến cố quan trọng và ý nghĩa với mình như vậy?
Ai rồi cũng phải chết. Đôi khi, sự thật này khiến chúng ta rất khó chấp nhận. Tôi cũng vậy. Có thể bạn cũng sẽ đặt câu hỏi ngược lại: vì sao chúng ta phải sống? Sao tất cả chúng ta không dừng lại và nằm xuống yên nghỉ? Nhưng sự thật thì: Mọi người vẫn sống, và đang sống. Sự sống của con người vẫn diễn ra theo những cách rất phi thường. Khi ngã bệnh, tôi cảm nhận được rõ hơn những vẻ đẹp, niềm hạnh phúc và sự thật từng ngày trôi qua – rõ và sâu sắc hơn nhiều khi tôi gắng sức trong các chặng đua. Đó là những khoảnh khắc thực, không phải ảo tưởng hay hiện thân của phép màu. Trong thời gian điều trị, tôi đã gặp được một vị bác sĩ phẫu thuật tài năng nhưng rất giản dị. Tôi đã kết bạn với LaTrice - một y tá tận tâm trong công việc, người đã tận tình chăm sóc tôi như một người thân trong gia đình. Tôi đã gặp những đứa trẻ bị rụng hết cả tóc và lông mày do tác động của quá trình hóa trị, nhưng chúng vẫn chiến đấu với căn bệnh hiểm nghèo bằng tất cả sức lực của mình…
Tôi vẫn chưa thể hiểu hết mọi việc.
Tất cả những gì tôi có thể làm là kể cho bạn nghe những gì đã xảy ra.
Dĩ nhiên là tôi đã nhận thấy có điều gì đó bất ổn đang xảy ra với mình. Nhưng đối với một vận động viên, đặc biệt là các tay đua xe đạp, họ luôn cố gắng phủ nhận những cảm giác bất an như thế. Bạn phải lơ đi những cơn đau nhức vì bạn còn phải hoàn thành chặng đua. Đó là quy luật của thể thao. Bạn phải ngồi trên yên xe đạp suốt sáu, bảy giờ đồng hồ bất chấp mọi điều kiện thời tiết, phải trải qua những chặng đường đầy sỏi đá, vượt qua bùn lầy hay mưa giông – thậm chí là những cơn mưa đá, và quan trọng là bạn không được để cho mình có cảm giác đau đớn cho dù lúc ấy cả cơ thể bạn có đang nhức buốt.
Chính vì cố tình làm lơ những điều như thế mà tôi không chú ý nhiều đến tình trạng sức khỏe của mình và không nhận ra rằng thể trạng của tôi đang dần suy yếu kể từ năm 1996. Mùa đông năm đó, khi tinh hoàn bên phải của tôi có dấu hiệu hơi sưng lên, tôi đã tự trấn an mình rằng hẳn là do tôi đã không cẩn trọng khi ngồi trên yên xe, hoặc cũng có thể tôi gặp vấn đề nào đó về sinh lý. Tôi vẫn đang rất sung sức, như trước giờ – thật sự là vậy – thế nên chẳng có lý do gì để tôi phải suy nghĩ về những dấu hiệu đó.
Cũng như một số môn thể thao khác, đua xe đạp là môn chỉ vinh danh nhà vô địch. Và để trở thành nhà vô địch, bạn cần khổ luyện và rèn sức chịu đựng của cơ thể trong một thời gian dài; đồng thời, bạn phải vạch ra những chiến lược phù hợp mà chỉ có sự trải nghiệm thực sự mới có thể giúp bạn. Vào khoảng thời gian năm 1996, tôi cảm thấy mình đã chạm được đến đỉnh cao danh vọng trong sự nghiệp. Mùa xuân năm đó, tôi chiến thắng cuộc đua Flèche-Wallonne - cuộc đua thách thức sức bền và ý chí của các vận động viên khi họ phải vượt qua dãy Ardennes hùng vĩ mà chưa một người Mỹ nào chinh phục được. Tôi về nhì trong chặng đua Liège-Bastogne-Liège, một cuộc đua truyền thống dài 167 dặm diễn ra trong vòng một ngày. Và tôi cũng chiến thắng giải Tour Du Pont với chặng đua dài 1.225 dặm trong 12 ngày xuyên qua dãy núi Carolina. Ngoài ra tôi còn đoạt thêm năm chiếc áo xanh trong các giải đua này, và lần đầu tiên kể từ khi trở thành một cua-rơ, tôi lọt vào nhóm năm vận động viên xe đạp xuất sắc nhất thế giới.
Khi tôi chiến thắng giải Tour Du Pont, các cổ động viên đã nhận thấy tôi có điều gì đó bất ổn. Thường thì khi chiến thắng, tôi luôn giơ cao tay và đấm thẳng lên trời khi vừa chạm vạch đích, nhưng hôm đó, tôi kiệt sức đến nỗi không thể thể hiện sự phấn khích của mình. Hai mắt tôi khi ấy đỏ ngầu và máu dồn tụ khiến mặt tôi bừng đỏ.
Lẽ ra tôi phải tự tin cao độ và tràn trề sinh lực khi thực hiện những pha trình diễn ngoạn mục vào mùa giải năm đó, nhưng trái lại, tôi cảm thấy rất mệt mỏi. Hai đầu vú của tôi đau nhức. Nếu hiểu biết hơn, tôi đã có thể nhận ra đó chính là dấu hiệu của căn bệnh. Ý tôi là đáng lý tôi phải biết mình có nồng độ HCG cao – một loại nội tiết tố chỉ tăng cao ở phụ nữ mang thai, còn đàn ông chỉ tiết ra một lượng nhỏ nội tiết này khi tinh hoàn của họ bị kích thích.
Chuyện này khiến tinh thần tôi hơi suy sụp, nhưng tôi vẫn tự trấn an rằng ai mà chẳng có lúc mệt mỏi. Tôi còn hai giải đua quan trọng phía trước: giải Tour de France và Thế vận hội diễn ra ở Atlanta – đây là hai mục tiêu mà vì nó, tôi đã miệt mài khổ luyện trong suốt thời gian qua.
Thế mà chỉ năm ngày sau đó, tôi phải rút tên khỏi danh sách tham dự giải Tour de France. Vì phải tập luyện trong điều kiện thời tiết mưa bão nên tôi bị viêm họng và viêm phế quản nặng. Các cơn ho liên tục kéo đến và vùng lưng dưới của tôi bắt đầu đau nhức đến nỗi tôi không thể ngồi trên yên xe được nữa. Ngay cả trong một lần họp báo, tôi cũng đã nói với giới truyền thông rằng tôi không thể thở được.
Tại Atlanta, cơ thể tôi lại có những triệu chứng bất ổn. Kết thúc giải đấu, thành tích của tôi thật đáng thất vọng.
Trở về Austin, tôi tự trấn an rằng đây chỉ là dấu hiệu của bệnh cúm. Tôi ngủ rất nhiều nhưng vẫn cảm thấy lơ mơ, uể oải và cơ thể thì luôn đau nhức. Mặc dù vậy, tôi vẫn tiếp tục làm ngơ tất cả. Tôi ngoan cố cho rằng mình kiệt sức chỉ vì vừa trải qua một mùa thi đấu quá vất vả.
Ngày 18 tháng 9, tôi tổ chức mừng sinh nhật lần thứ 25. Vài ngày sau, tôi mời rất nhiều bạn bè đến nhà tham dự bữa tiệc nhỏ và cùng đến thưởng thức buổi hòa nhạc của Jimmy Buffett. Mẹ tôi, Linda, cũng từ Pato đến chung vui cùng tôi. Vào giữa buổi tiệc đêm hôm đó, tôi nói với bà: “Con là người đàn ông hạnh phúc nhất thế giới”. Tôi yêu mến cuộc sống của mình. Tôi đang hẹn hò với Lisa Shiels – một nữ sinh của Đại học Texas. Tôi vừa ký một hợp đồng mới hai năm trị giá 2,5 triệu đô-la với đội đua xe đạp uy tín Cofidis của Pháp. Tôi vừa xây xong ngôi nhà mới với lối kiến trúc cũng như nội thất đúng theo sở thích. Nó mang phong cách của vùng Địa Trung Hải, nằm ven bờ hồ Austin, với những khung cửa sổ bằng kính trong suốt có thể nhìn thẳng ra hồ bơi và một khoảng sân nhỏ dẫn xuống bến tàu - nơi tôi neo chiếc canô máy và chiếc du thuyền.
Buổi tối hôm đó thật vui và ấm cúng. Nhưng rồi có một chuyện xảy ra khiến buổi dạ yến thú vị đó gần như bị phá hỏng. Trong lúc mọi người đang say sưa nghe hòa nhạc, bỗng nhiên tôi bị nhức đầu dữ dội và mất hết cảm giác. Tôi uống vài viên aspirin nhưng cơn đau không những không giảm mà càng lúc càng dữ dội hơn.
Thế là tôi quyết định dùng một viên thuốc giảm đau, nhưng vẫn không có tác dụng. Tôi cho rằng có thể do mình đã uống quá nhiều cocktail và tự nhủ sẽ không uống thêm nữa. Khi ấy, Bill Stapleton – một người bạn đồng thời là luật sư của tôi, đã lấy mấy viên thuốc chữa chứng đau nửa đầu của vợ anh ấy đưa cho tôi. Tôi uống thêm ba viên, nhưng tình hình cũng không khá hơn. Đến lúc này thì bạn cứ hình dung cảm giác đau đớn của tôi lúc đó như thế này: cơn đau quặn thắt khiến tôi phải oằn gối, người khuỵu xuống, hai tay ôm chặt lấy đầu và toàn thân tôi gần như tê liệt vì một cảm giác xốn óc đến kinh hoàng.
Cuối cùng, không thể chịu nổi nữa, tôi cáo lỗi mọi người và trở về nhà. Tôi tắt hết đèn và nằm bất động trên ghế sofa. Cơn đau vẫn chưa lắng dịu. Và tôi đã kiệt sức. Tôi uống một chút rượu mạnh tequila và chúng khiến tôi chìm dần vào giấc ngủ.
Sáng hôm sau khi tôi choàng tỉnh, cơn đau đầu đã dứt. Tôi loạng choạng đi vào bếp pha một tách cà phê. Khi nhìn xung quanh, tôi chợt nhận ra mắt mình như nhòe đi trước mọi thứ. Tôi nghĩ: Chắc mình già rồi, có lẽ đã đến lúc mình nên đeo kính.
Tôi luôn tìm được lý do giải thích cho những triệu chứng không hay của mình.
Vài ngày sau, trong lúc nói điện thoại với Bill Stapleton tại phòng khách, tôi đột nhiên lên cơn ho dữ dội. Tôi dùng tay che miệng lại và cảm thấy một vị lờ lợ, mằn mặn nơi cuống họng. Tôi nói với Bill: “Chờ tôi một chút, có chuyện không ổn rồi”. Nói xong, tôi lao ngay vào phòng tắm và ho hắt xuống chậu rửa mặt.
Máu đỏ tươi bắn tung tóe ra ngoài. Tôi nhìn chằm chằm vào chậu rửa. Một cơn ho khác kéo đến và máu lại tiếp tục bắn ra. Tôi nhìn trân trối vào đống máu loang loáng, không tài nào tin được chúng vừa phọt ra từ chính cơ thể mình.
Tôi hoảng hốt quay trở lại phòng khách, nhấc điện thoại lên và nói nhanh với Bill: “Bill này, tôi sẽ gọi lại cho anh sau nhé”. Rồi tôi gọi ngay cho người hàng xóm là bác sĩ Rick Parker. Rick vừa là bạn vừa là bác sĩ riêng của tôi ở Austin.
Tôi nói: “Anh đến nhà tôi ngay được chứ, tự nhiên tôi bị ho ra máu”.
Trong lúc đợi Rick đến, tôi chạy trở vào phòng tắm, nhìn chăm chăm vào cái chậu rửa mặt bê bết máu. Tôi mở nhanh vòi nước. Tôi muốn vệt máu đáng sợ này phải biến mất ngay lập tức. Thỉnh thoảng tôi lại hành động mà không nhận thức được hành vi của mình. Chẳng hạn như lúc này. Chỉ đơn giản là tôi không muốn Rick nhìn thấy chúng. Tôi đang lo sợ. Tôi muốn chúng biến mất.
Vài phút sau, Rick đến. Anh cẩn thận kiểm tra vùng mũi, vùng miệng của tôi. Anh dùng đèn pin rọi vào cuống họng tôi, tìm kiếm vết máu. Tôi kéo anh xuống bếp, chỉ cho anh thấy vết máu còn sót lại trong chậu rửa. Tôi thầm nghĩ: Lạy Chúa, mình không thể nói với Rick mình đã ho ra nhiều máu như thế nào. Thật là kinh tởm. Những gì Rick thấy chỉ là một phần rất nhỏ trong đống máu mà tôi đã nôn ra.
Rick vẫn thường nghe tôi phàn nàn về chứng viêm xoang và dị ứng. Ở Austin có rất nhiều cỏ dại và phấn hoa, nhưng dù có bị đau đớn thế nào thì tôi cũng không được phép sử dụng các biện pháp y khoa do những quy định rất nghiêm ngặt và khắt khe trong việc sử dụng thuốc giảm đau khi thi đấu. Vì vậy, tôi phải cố gắng chịu đựng và vượt qua những cơn đau đớn kinh hoàng đó.
Rick nói:
- Có lẽ anh bị vỡ một xoang và máu tiết ra từ đó.
- Tuyệt lắm! Vậy là mọi chuyện không tệ lắm.
Tôi cảm thấy như vừa trút được một gánh nặng. Ngay từ đầu tôi đã nghĩ chắc mọi chuyện không có gì nghiêm trọng, và giờ thì đúng là không có gì để lo lắng. Rick tắt đèn pin và chào tôi ra về. Anh còn mời tôi tuần sau đến nhà anh dùng cơm.
Vào ngày hẹn, tôi lái mô-tô đến nhà Rick. Lái mô-tô cũng là một trong những thú vui của tôi. Nhưng trong lúc lái xe, tôi cảm nhận rõ tinh hoàn bên phải của mình đau đớn ghê gớm. Lúc dùng bữa tối ở nhà Rick, tôi cũng không thể ngồi thoải mái. Cơn đau như lan dần và toàn thân tôi như tê liệt. Tôi cố gắng chịu đựng. Và suốt bữa tối, tôi không dám cục cựa vì nó rất đau.
Tôi rất muốn nói với Rick tôi đang cảm thấy thế nào, nhưng tôi ngại mình sẽ phá hỏng bữa tối của anh. Đây là đề tài không nên đề cập trong bữa ăn, và lần trước tôi đã làm phiền anh một lần rồi. Tôi không muốn anh nghĩ tôi là người hay than vãn, thế là tôi cố chịu đựng.
Sáng hôm sau khi thức dậy, tôi phát hiện tinh hoàn bên phải của mình sưng to bằng một quả cam. Dù có hơi bất an, nhưng tôi vẫn cố gắng phớt lờ. Tôi thay quần áo và lấy xe chuẩn bị cho buổi luyện tập như thường lệ. Nhưng ngay sau đó tôi nhận ra mình không thể nào ngồi lên yên xe được. Suốt buổi tập tôi chỉ có thể đứng trên bàn đạp mà thôi. Khi trở về nhà vào đầu giờ trưa, tôi miễn cưỡng gọi cho Rick một lần nữa.
- Rick này, có chuyện gì đó với tinh hoàn của tôi. Nó sưng tấy lên và tôi không thể nào ngồi trên yên xe được.
Rick nói với tôi bằng giọng nghiêm nghị:
- Anh cần đến bệnh viện để kiểm tra ngay.
Rick còn nói anh sẽ đưa tôi đến gặp một chuyên gia. Sau khi gác máy, Rick gọi ngay cho bác sĩ Jim Reeves, một bác sĩ rất giỏi của khoa tiết niệu. Sau khi nghe Rick nói về các triệu chứng của tôi, Reeves nói rằng tôi cần đến gặp ông ngay. Ông sẽ sắp xếp một cuộc hẹn. Rick nói rằng Reeves nghĩ có thể tôi bị xoắn tinh hoàn, nhưng tốt hơn là tôi nên đến đó để kiểm tra kỹ hơn. Nếu ngoan cố lờ đi tất cả những triệu chứng đó, tôi có thể sẽ mất tinh hoàn.
Tôi tắm rửa, thay quần áo rồi chộp lấy chìa khóa rồi ngồi vào chiếc Porsche. Nghe thì thật tức cười nhưng tôi vẫn nhớ rõ hôm ấy mình đã mặc gì: quần kaki với áo sơ mi dài màu xanh lá. Văn phòng của Reeves nằm ngay trung tâm thành phố gần khuôn viên Đại học Texas trong một tòa nhà bằng gạch kiên cố màu xám trơn.
Reeves là một vị bác sĩ đứng tuổi có giọng nói trầm và vang. Mặc dù cho rằng trường hợp của tôi khá nghiêm trọng, nhưng ông vẫn thực hiện mọi việc đúng cung cách của một bác sĩ – tất cả đều theo quy trình.
Tinh hoàn của tôi sưng to gấp ba lần kích thước bình thường, và nó đau thốn mỗi khi ông chạm vào. Sau khi ghi chú một vài thông tin ra giấy, Reeves nói: “Mọi thứ vẫn còn chưa rõ ràng, còn vài điều nghi vấn. Để an toàn, tôi sẽ gửi anh qua khu đối diện để siêu âm”.
Tôi mặc quần áo vào và đi xuống nơi đỗ xe. Phòng xét nghiệm nằm ngay bên kia đường trong một tòa nhà bằng gạch cũng màu xám trơn. Tôi quyết định sẽ vòng xe qua đó. Bên trong tòa nhà là một dãy phòng với nhiều dụng cụ, thiết bị y khoa khá phức tạp. Tôi được yêu cầu nằm lên một chiếc bàn kiểm tra để chuẩn bị siêu âm.
Một nữ kỹ thuật viên bước vào và tiến đến gần tôi với dụng cụ siêu âm trên tay. Tôi đoán việc siêu âm sẽ không mất nhiều thời gian, chắc chỉ vài phút rồi mọi việc đâu sẽ vào đấy.
Nhưng một giờ trôi qua, tôi vẫn còn nằm trên bàn.
Dường như người nữ kỹ thuật viên đang kiểm tra từng centimet trên người tôi. Tôi nằm đó, im lặng, cố gắng tỏ ra không ngượng ngùng. Sao họ lại siêu âm lâu như vậy? Phải chăng cô ấy phát hiện ra điều gì nghiêm trọng chăng?
Cuối cùng, cô cũng đặt dụng cụ siêu âm xuống và rời khỏi phòng mà không nói gì.
Tôi gọi với theo:
- Này cô, chờ đã…
Tôi nghĩ: Ít nhất thì cô ấy cũng phải nói gì chứ. Một lúc sau, cô ấy quay vào cùng người đàn ông mà tôi đã gặp trước đó. Anh ta là bác sĩ trưởng khoa X-quang. Anh cầm lấy dụng cụ siêu âm và tự tay kiểm tra lại một lần nữa. Tôi nằm đó, vẫn im lặng. Cuộc kiểm tra kéo dài thêm mười lăm phút nữa. Mất kiên nhẫn, tôi hỏi:
- Sao lại lâu như vậy?
- Được rồi, giờ thì anh có thể mặc quần áo vào và trở ra ngoài. – Anh ta trả lời tôi.
Tôi vội mặc quần áo vào và đi ra ngoài đợi anh ta. Một lát sau, anh ta ra gặp tôi và nói:
- Chúng tôi cần chụp X-quang lồng ngực của anh.
- Sao vậy? – Tôi nhìn thẳng anh ta và hỏi.
- Bác sĩ Reeves yêu cầu như thế.
Sao họ lại cần kiểm tra lồng ngực của tôi? Tôi không hề bị đau ở vùng ngực. Tuy nhiên, tôi vẫn miễn cưỡng đi vào một phòng khác và lại cởi quần áo ra. Một kỹ thuật viên khác bước đến tiến hành chụp X-quang cho tôi.
Lúc này thì tôi bắt đầu bực mình và cảm thấy hơi lo sợ. Sau đó tôi mặc quần áo vào và quay lại văn phòng chính. Phía cuối hành lang, tôi gặp lại vị bác sĩ X-quang. Tôi hỏi với vẻ khó chịu:
- Này, chuyện gì đang xảy ra vậy? Tôi thấy chẳng bình thường chút nào.
- Bác sĩ Reeves sẽ nói chuyện với anh sau.
- Không, tôi muốn biết chuyện gì đang xảy ra.
- Xin lỗi, tôi không muốn lấn quyền của bác sĩ Reeves, nhưng tôi nghĩ có lẽ ông ấy sẽ cho anh thực hiện một số xét nghiệm có liên quan đến bệnh ung thư của anh.
- Mẹ kiếp! – Tôi hét lên và đứng như trời trồng.
- Anh cần mang phim X-quang đến gặp bác sĩ Reeves, ông ấy đang chờ anh ở văn phòng.
Dạ dày tôi sôi lên sùng sục và mỗi lúc một dữ dội hơn. Tôi rút điện thoại ra và gọi ngay cho Rick.
- Rick này, có chuyện gì đó đang xảy ra. Nhưng họ không nói cho tôi biết rõ mọi việc.
- Lance, tôi không biết chính xác có chuyện gì, nhưng tôi sẽ cùng anh đến gặp bác sĩ Reeves. Chúng ta sẽ gặp nhau ở văn phòng ông ấy nhé?
- Thôi được. – Tôi đáp.
Tôi ngồi trong phòng X-quang đợi lấy phim chụp. Chừng vài phút sau, một nhân viên bước đến và trao cho tôi một phong bì lớn, anh ta nói rằng bác sĩ Reeves đang đợi tôi tại văn phòng của ông. Tôi nhìn chằm chằm vào chiếc phong bì màu nâu. Tình trạng sức khỏe của tôi đang nằm trong đó.
Tệ thật! Tôi bước vào xe và liếc nhìn cái phong bì một lần nữa. Văn phòng của bác sĩ Reeves cách đó chưa tới hai trăm mét nhưng sao tôi thấy nó xa vô cùng.
Tôi lái xe trở lại văn phòng của bác sĩ Reeves và tìm chỗ đậu. Lúc này, trời đã sụp tối và đã hết giờ làm việc. Nếu giờ này bác sĩ Reeves vẫn còn đợi tôi thì hẳn là có chuyện rồi đây.
Tôi đẩy cửa bước vào phòng. Mọi người đều đã về hết, chỉ còn bác sĩ Reeves đang ngồi đợi tôi. Rick cũng vừa kịp đến. Trông anh khá lo lắng. Tôi kéo ghế ngồi phịch xuống trong lúc bác sĩ Reeves mở phong bì và rút tấm phim chụp X-quang của tôi ra. Đối với bất kỳ tấm phim chụp X-quang nào cũng vậy, những dấu hiệu không bình thường sẽ được hiển thị bằng màu trắng, còn những vùng tối trên phim cho thấy các cơ quan của bạn đều bình thường. Tóm lại, màu đen tốt, màu trắng xấu.
Bác sĩ Reeves đính tấm phim X-quang của tôi lên hộp đèn trên tường.
Hình ảnh về lồng ngực của tôi trông cứ như một trận bão tuyết.
- Trường hợp của anh nghiêm trọng đấy. – Bác sĩ Reeves nói. – Có vẻ như anh bị ung thư tinh hoàn và bệnh đã di căn đến phổi rồi.
Mọi suy nghĩ trong tôi như bị xáo trộn. Tôi choáng váng và gần như không thể giữ được bình tĩnh.
Tôi bị ung thư.
- Ông chắc chứ? – Tôi cố hỏi.
- Khá chắc. – Bác sĩ Reeves trả lời.
Tôi chỉ mới hai mươi lăm tuổi. Sao tôi lại mắc bệnh ung thư?
- Tôi có nên tham vấn một bác sĩ khác không?
- Dĩ nhiên, anh có quyền nhờ một bác sĩ khác kiểm tra lại. Nhưng tôi muốn anh biết rằng tôi hoàn toàn tin tưởng vào kết quả chẩn đoán của mình. Tôi đã sắp xếp một ca phẫu thuật lúc 7 giờ sáng mai để giúp anh loại bỏ tinh hoàn bị ung thư.
Tôi bị ung thư và bệnh đã di căn đến phổi.
Bác sĩ Reeves giải thích thêm về chẩn đoán của ông: ung thư tinh hoàn là một căn bệnh khá hiếm – mỗi năm chỉ có khoảng 7.000 ca xảy ra ở Mỹ. Bệnh thường xuất hiện ở nam giới trong độ tuổi từ mười tám đến hai mươi lăm tuổi và hiện tại, nhờ vào các kỹ thuật hóa trị tiên tiến, bệnh này hoàn toàn có thể được chữa trị, miễn là bệnh được phát hiện sớm và được can thiệp kịp thời. Bác sĩ Reeves chắc chắn rằng tôi đã bị ung thư, nhưng vấn đề là ông muốn biết chính xác bệnh của tôi đã phát triển đến đâu. Thế nên ông giới thiệu tôi đến gặp bác sĩ Dudley Youman, một chuyên gia ung thư nổi tiếng ở Austin. Giờ đây, thời gian rất cấp bách, mỗi ngày trôi qua đều rất quan trọng đối với tôi.
Tôi im lặng.
Bác sĩ Reeves nói tiếp:
- Tôi để hai người trò chuyện riêng một chút nhé.
Khi chỉ còn Rick và tôi trong phòng, tôi gục đầu xuống bàn:
- Tôi thật sự không thể tin điều này.
Nhưng sự thực vẫn là sự thực. Những cơn đau đầu, những lần ho ra máu, cổ họng bị nhiễm trùng và cả những lần bất tỉnh trên ghế sofa… Tôi có đầy đủ các triệu chứng của bệnh và chúng bộc phát trong cùng một khoảng thời gian.
- Lance này, hãy nghe tôi, hiện tại đã có nhiều biện pháp tiên tiến để điều trị ung thư. Bệnh của anh hoàn toàn có thể chữa khỏi. Dù có phải làm gì thì chúng tôi cũng sẽ giúp anh. Chúng ta làm được mà.
- Được rồi… - Tôi đáp. – Được rồi…
Rick gọi bác sĩ Reeves quay trở lại.
Tôi hỏi:
- Giờ tôi phải làm gì? Dù làm gì thì cũng hãy giúp tôi loại bỏ căn bệnh chết tiệt này đi.
Tôi muốn khỏi bệnh ngay tức khắc. Tôi muốn được phẫu thuật ngay đêm đó. Tôi muốn dùng một khẩu súng phóng xạ để giết chết những tế bào ung thư quái ác. Trong khi đó, Reeves đã kiên nhẫn giải thích cặn kẽ với tôi về quy trình của việc chữa trị, trước hết là chuẩn bị cho cuộc phẫu thuật vào sáng hôm sau: cần tiến hành các cuộc kiểm tra điện tâm đồ và huyết áp để bác sĩ Dudley - chuyên gia về ung thư có thể xác định mức độ di căn của tế bào ung thư, và khi đó ông sẽ tiến hành giải phẫu để cắt bỏ tinh hoàn.
Tôi đứng dậy ra về. Tôi phải gọi điện thông báo cho rất nhiều người, trong đó có mẹ tôi. Bằng cách nào đó, tôi sẽ phải nói với bà rằng đứa con trai duy nhất của bà đã mắc bệnh ung thư.
Tôi lái xe trên con đường đầy gió để về nhà. Lần đầu tiên trong đời, tôi cho xe chạy thật chậm. Tôi hoang mang: Lạy Chúa, mình sẽ không bao giờ có thể tham gia thi đấu. Mà không: Lạy Chúa, mình sẽ chết. Không phải: Lạy Chúa, mình sẽ không bao giờ có được một gia đình riêng. Nhưng điều khiến tôi suy sụp nhất chính là: Lạy Chúa, mình sẽ không bao giờ có thể đua xe được nữa. Tất cả những suy nghĩ đó cứ vần vũ trong tâm trí tôi. Tôi lấy điện thoại gọi cho Bill Stapleton.
- Bill, tôi có tin xấu, tin rất xấu.
- Chuyện gì vậy? – Giọng anh thoáng chút lo lắng.
- Tôi bị bệnh. Sự nghiệp của tôi đến đây là chấm dứt.
- Sao?
- Tất cả chấm dứt rồi. Tôi bệnh, tôi sẽ không còn đua xe được nữa, và tôi sắp mất hết mọi thứ.
Nói xong, tôi cúp máy.
Tôi vào số một và cứ thế cho xe rê chầm chậm trên đường. Người tôi lừ đừ như chẳng còn một chút nhựa sống. Tôi nhìn con đường dài phía trước và suy nghĩ về mọi thứ: thế giới của tôi, sự nghiệp của tôi và về cả chính bản thân tôi. Tôi đã trải qua 25 năm đầy thử thách và không gì có thể khuất phục được tôi. Nhưng có lẽ căn bệnh ung thư sẽ biến đổi mọi thứ, nó không những đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp của tôi mà còn tước đoạt của tôi khát khao khẳng định vị thế của bản thân mình. Tôi đã bắt đầu với hai bàn tay trắng. Mẹ tôi chỉ là một thư ký, nhưng rồi tôi, với chiếc xe đạp, đã làm nên mình của ngày hôm nay. Trong khi những đứa trẻ đồng trang lứa thỏa thích bơi lội sau giờ học thì tôi phải miệt mài luyện tập với chiếc xe đạp của mình, bởi đó là cơ hội duy nhất của tôi. Tôi đã đổ biết bao mồ hôi cho mỗi chiến tích và những đồng tiền tôi dành dụm được, nhưng giờ thì tôi sẽ làm được gì đây? Nếu không được mọi người biết đến với cái tên Lance Armstrong – một cua-rơ đẳng cấp thế giới, thì giờ đây tôi sẽ là ai?
Chỉ là một người bệnh.
Tôi dừng xe trước nhà. Bên trong, điện thoại đang reo. Tôi bước vào nhà, ném chìa khóa lên bàn. Điện thoại vẫn reo. Tôi nhấc máy. Là Scott MacEachern gọi. Anh là bạn, đồng thời là người Nike cử làm đại diện để làm việc cùng tôi.
- Chào Lance, mọi việc sao rồi?
- Ừ, nhiều chuyện, nhiều chuyện đang xảy ra lắm. – Tôi nói với giọng cáu gắt.
- Ý anh là sao?
- Tôi…à…tôi…
Tôi không thể nói nên lời.
- Chuyện gì vậy Lance? – Scott lo lắng.
Môi tôi mấp máy, tính nói, rồi lại thôi, rồi lại run run, mấp máy… Sau cùng tôi lấy hết can đảm:
- Tôi bị ung thư.
Tôi òa khóc.
Chính trong khoảnh khắc đó, tôi nhận ra ngoài sự nghiệp, tôi có thể sẽ đánh mất cả cuộc đời mình.
…đánh mất cả cuộc sống của mình.