Q
uá khứ tạo nên con người – đó là điều bạn phải chấp nhận dù muốn hay không. Mỗi trải nghiệm trong cuộc đời sẽ vun đắp cho con người thêm vốn sống, và rồi đến một lúc nào đó chúng ta chịu sự chi phối của chúng, giống như một thân cây trơ trọi giữa cánh đồng phải chịu sự điều áp của gió.
Tuổi thơ tôi không có cha - một người cha đúng nghĩa. Và bản thân tôi cũng chẳng mơ màng hay ước ao mình sẽ có một người cha. Lúc sinh tôi, mẹ tôi mới 17 tuổi. Ngày đó, mọi người đều bảo rằng mẹ con tôi rồi đây sẽ chẳng thể làm được gì; nhưng mẹ tôi thì nghĩ khác. Bà đã nuôi dạy tôi bằng một nguyên tắc cứng rắn: “Biến mỗi thử thách thành cơ hội”. Và thói quen suy nghĩ đó đã luôn sát cánh cùng chúng tôi trong mọi biến cố của cuộc đời.
Tên thời thiếu nữ của mẹ tôi là Linda Mooneyham. Bà là một phụ nữ nhỏ nhắn, mảnh khảnh. Và tôi thật sự không hiểu vì sao một phụ nữ nhỏ bé như vậy lại có thể sinh ra một đứa bé như tôi – bởi khi chào đời, tôi cân nặng 4,3 kg. Mẹ tôi sinh khó, vì thế bà đã lên cơn sốt suốt ngày hôm sau. Mẹ tôi sốt cao đến nỗi các y tá không dám để bà giữ tôi ở cạnh.
Tôi chưa bao giờ biết đến người được gọi là cha. Đối với tôi, hầu như người đàn ông ấy chưa từng tồn tại. Không thể vì tôi mang DNA của ông ấy mà ông ấy có thể trở thành cha tôi. Và nói thật, tôi cảm thấy giữa chúng tôi chẳng có bất kỳ một mối liên hệ nào cả. Tôi không biết ông ấy là ai, cũng chẳng biết ông thích gì và ghét gì. Cho đến tận năm ngoái, tôi vẫn không biết ông ấy đang sống và làm việc ở đâu.
Tôi chưa từng hỏi mẹ bất kỳ điều gì về cha. Trong suốt hai mươi tám năm, mẹ tôi không hề nhắc đến ông, tôi cũng tuyệt nhiên không. Nghe có vẻ lạ lùng, nhưng sự thật là vậy. Đơn giản bởi vì mẹ tôi cũng không còn quan tâm đến ông, còn tôi thì chẳng có gì phải quan tâm đến ông. Mẹ từng nói nếu tôi muốn biết về cha thì bà sẽ kể tôi nghe tất cả. Nhưng để làm gì? Ông ấy chẳng có ý nghĩa gì với tôi cả. Tôi nhận được tình yêu thương bao la của mẹ, và tôi cũng yêu thương, kính trọng bà hết mực. Tôi cảm thấy như thế đã là đủ cho cả hai mẹ con tôi.
Mặc dù vậy, kể từ lúc quyết định cầm bút viết về cuộc đời mình, tôi cảm thấy tôi cần tìm hiểu thêm vài điều về chính bản thân mình. Và rồi năm ngoái, tình cờ tôi đọc một bài báo viết về tiểu sử của người đàn ông mà sau đó tôi được biết đó chính là cha mình. Ông tên Gunderson, hiện đang là giám đốc phát hành của nhật báo Dallas Morning News, hiện đang sống tại Cedar Creek Lake, Texas và có hai người con riêng. Mẹ tôi kết hôn với ông khi bà đang mang thai tôi, nhưng họ nhanh chóng chia tay lúc tôi chưa đầy hai tuổi. Trên mặt báo, ông nói rằng ông luôn tự hào vì đã hoàn thành tốt vai trò làm cha của mình; ngoài ra, ông còn nói hai đứa con của ông luôn xem tôi như anh trai. Những chuyện này chẳng hề khiến tôi bận tâm. Tôi chẳng thấy hứng thú muốn gặp ông, dù chỉ một lần.
Mẹ tôi là người phụ nữ cô độc. Ông bà ngoại tôi trước đây cũng ly hôn. Ông ngoại tôi, Paul Mooneyham là người nghiện rượu nặng. Ông làm việc ở bưu điện và sống trong căn nhà lưu động. Lúc đó bà ngoại tôi là Elizabeth đã rất vất vả để nuôi dạy ba đứa con. Ngày tôi ra đời, ông tôi quyết định cai rượu. Kể từ đó đến nay, ông tôi không hề đụng vào một giọt rượu. Em trai của mẹ, cậu Al, là người trông chừng và chăm sóc tôi ngày tôi còn nhỏ. Sau này, cậu gia nhập quân đội và trở thành một sĩ quan với hàm trung tá. Cậu và vợ có một cậu nhóc tên Jesse, và tôi rất thích chơi đùa với cậu nhóc này. Tất cả chúng tôi đều rất tự hào về nhau và vô cùng yêu thương nhau.
Gia đình tôi sống trong một khu dân cư khá tồi tàn ở Oak Cliff - vùng ngoại ô Dallas. Mẹ tôi vừa học vừa làm bán thời gian cho một cửa hàng thức ăn nhanh KFC ngay góc đường gần nhà đồng thời làm nhân viên thu ngân tại tiệm tạp hóa Kroger gần đấy. Về sau, bà tìm được một công việc tạm thời tại bưu điện và nhận làm thư ký cho một văn phòng. Mẹ tôi làm mọi việc để có thể tiếp tục học tập và chăm sóc cho tôi. Mỗi tháng, mẹ kiếm được 400 đô-la, trong đó hết 200 đô-la là tiền thuê nhà, số tiền còn lại dành cho sinh hoạt của hai mẹ con. Cuộc sống tuy khó khăn nhưng mẹ luôn cho tôi mọi thứ tôi cần.
Ngày tôi còn nhỏ, thỉnh thoảng mẹ vẫn dẫn tôi đến cửa hàng 7-Eleven và mua cho tôi một ly Slurpee mát lạnh. Mẹ tôi cho ống hút vào ly, dùng tay giữ một đầu để nước trong ống hút không tràn ra ngoài. Sau đó, tôi sẽ ngả đầu ra sau và thỏa thích nhận lấy dòng nước thơm ngon, mát lạnh từ ống hút mẹ cho vào miệng. Bà luôn khiến tôi ngất ngây với ly nước trị giá 50 xu ấy.
Hằng đêm, mẹ ôm tôi trong lòng và kể chuyện hoặc đọc sách cho tôi nghe. Bà chưa bao giờ cảm thấy mệt mỏi hay chán chường với việc đó. Mẹ luôn nói: “Mẹ nóng lòng đợi đến ngày con biết đọc sách cho mẹ nghe”. Và ngay từ nhỏ, tôi đã bộc lộ bản tính nhanh nhẹn của mình: tôi biết đi khi vừa tròn chín tháng tuổi và có thể đọc thuộc lòng những câu thơ mẹ dạy khi lên hai.
Sau thời gian làm những công việc tạm thời, cuối cùng mẹ tôi tìm được một công việc thư ký văn phòng với mức lương 12 nghìn đô-la mỗi năm. Nhờ đó, chúng tôi đã có thể chuyển đến sống tại một căn hộ khang trang hơn ở miền bắc Dallas trong vùng ngoại ô Richardson. Về sau, mẹ chuyển đến làm việc cho công ty viễn thông Ericsson và bà dần khẳng định được vị trí của mình. Mẹ không còn là thư ký nữa mà lúc này, bà đã là kế toán trưởng của công ty. Ngoài ra, mẹ đã đủ sức để mua một căn hộ thật sự. Tất cả những điều đó phác họa tương đối rõ nét về mẹ tôi. Bà thông minh, nhạy bén và làm việc cần mẫn hơn bất cứ ai. Bất chấp những khổ cực trong cuộc sống, trông bà vẫn còn rất trẻ, chỉ như là chị của tôi mà thôi.
Sau Oak Cliff, vùng ngoại ô này dường như là thiên đường đối với mẹ tôi. Miền bắc Dallas kéo dài đến tận biên giới Oklahoma với những vùng dân cư sầm uất. Những ngôi nhà và các khu phố mua sắm nối tiếp nhau tạo nên sự năng động cho vùng này. Nơi đây cũng có rất nhiều trường học uy tín và không gian mở để trẻ con mặc sức vui đùa.
Đối diện căn hộ của gia đình tôi là cửa hàng xe đạp Richardson. Chủ cửa hàng là bác Jim Hoyt, một người đàn ông thấp người nhưng khá rắn chắc với đôi mắt sáng. Bác Jim thường bảo trợ cho những cuộc đua xe đạp trong khu phố và luôn khuyến khích bọn trẻ chúng tôi tham gia các hoạt động thể thao. Mỗi tuần một lần vào buổi sáng, khi mẹ dẫn tôi đến tiệm tạp hóa để mua cho tôi những chiếc bánh rán thơm ngon, nóng giòn, chúng tôi thường đi ngang tiệm xe đạp của bác Jim. Bác Jim hiểu rằng mẹ đã rất vất vả để kiếm sống và nuôi dạy tôi, ông nhận ra mặc dù khó khăn nhưng mẹ tôi vẫn luôn gọn gàng, chỉn chu và chăm sóc cho tôi rất tốt. Ông rất có thiện cảm với hai mẹ con tôi, và vì thế khi mẹ mua tặng tôi chiếc xe đạp đầu tiên năm tôi bảy tuổi, ông đã bán với giá ưu đãi. Đó là chiếc Schwinn Mag Scrambler màu nâu với hai bánh xe màu vàng. Tôi đã vô cùng thích thú khi nhận được món quà này từ mẹ. Vì sao đứa trẻ nào cũng thích một chiếc xe đạp? Bởi vì nó giúp chúng cảm thấy mình được tự do và độc lập. Với chiếc xe đạp là bạn đồng hành, bọn trẻ sẽ tha hồ thong dong trên đường, không cần tuân theo quá nhiều quy tắc và cũng không phải chịu sự kiểm soát gắt gao của người lớn.
Mẹ đã dành tất cả tình cảm và những điều tốt đẹp nhất cho những năm tháng tuổi thơ tôi, duy chỉ có một điều tôi đặc biệt không thích – đó là sự góp mặt của cha kế. Năm tôi lên ba, mẹ tôi tái hôn cùng người đàn ông tên Terry Armstrong. Ông ta có dáng người nhỏ nhắn, có chòm ria mép khá rậm và có thói quen tỏ ra mình là một người thành đạt. Ông ấy chuyên cung cấp thức ăn cho các tiệm tạp hóa và luôn cố tỏ ra mình là người hiểu biết. Nhưng phải thừa nhận rằng ông đã giúp mẹ con tôi trang trải khá nhiều chi phí trong gia đình. Trong thời gian đó, công việc của mẹ tôi cũng tiến triển thuận lợi nên không lâu sau, bà đã mua được một căn nhà ở Plano – một trong những khu dân cư khá hiện đại.
Terry nhận nuôi tôi khi tôi còn rất nhỏ. Tôi chuyển họ thành Armstrong; và tôi cũng không nhớ mình đã cảm thấy thế nào về việc này. Tôi chỉ biết người đã cho tôi DNA là cha tôi – ông Gunderson – đã từ chối quyền nuôi tôi, thế nên ông ta buộc phải ký xác nhận vào hồ sơ để từ bỏ đứa con ruột của mình và để nó mang họ của một người đàn ông khác.
Terry Armstrong là người đạo Cơ-đốc, và ông xuất thân từ một gia đình luôn muốn áp đặt người khác, kể cả việc áp đặt mẹ tôi về cách nuôi dạy tôi. Terry là một người nóng tính. Ông thường dùng roi đánh tôi chỉ vì những chuyện của trẻ con như không gọn gàng hoặc bày bừa nhà cửa.
Một lần, tôi quên đóng chiếc tủ kéo trong phòng ngủ và vô tình để một chiếc vớ lộ ra ngoài. Thế là Terry liền rút chiếc gậy dài, dày bằng gỗ cứng và quất thẳng vào người tôi. Thẳng thắn mà nói, tôi nghĩ không nên hành xử như vậy với một đứa bé chỉ vì một chuyện cỏn con như vậy.
Chiếc gậy đó chính là phương thức áp đặt khuôn phép của Terry trong gia đình. Nếu tôi đi đâu về trễ, tôi sẽ bị đánh bằng cây gậy đó. Tôi cãi lời, đánh. Tôi không gọn gàng, đánh. Tôi không chỉ đau về da thịt, mà còn cảm thấy tổn thương về tinh thần. Chính vì vậy, tôi ghét Terry Armstrong. Trong suy nghĩ của tôi, ông ta là một kẻ lập dị, quái gở.
Nhưng tôi không mấy quan tâm đến thời thơ ấu của mình, bởi lẽ đối với một vận động viên thì những suy nghĩ triền miên kiểu hoài niệm như vậy sẽ chẳng giúp họ tiến xa hơn trên các chặng đua. Bạn sẽ chẳng muốn nhớ về những oán giận thời thơ ấu trong lúc đang cố gắng chinh phục sườn núi cao gần 2.000 mét trên chiếc xe đạp đua. Bạn cần toàn tâm toàn sức tập trung vào quãng đường phía trước. Điều đó có nghĩa mọi thứ đã được đưa vào guồng quay, và bạn không thể lơ là dù chỉ một phút. Bạn phải vượt qua thử thách của chính mình bằng cách không ngừng tiếp thêm nhiên liệu để giữ cho ngọn lửa luôn cháy. Mẹ tôi vẫn thường nói: “Hãy biến khó khăn thành cơ hội”. Tôi không có lý do để lãng phí một phút giây nào của cuộc đời mình. Những tổn thương và mất mát đã trở thành động lực để tôi tiến lên. Nhưng khi đó, tôi vẫn còn là một đứa trẻ, tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng nếu mình cứ chạy xe trên một đoạn đường thì đến một lúc nào đó mình sẽ thoát khỏi nơi đó.
Cuộc sống ở Plano ít nhiều cũng ảnh hưởng đến tôi. Đó là khu dân cư sầm uất với những khu phố buôn bán nhộn nhịp, đường phố khang trang và những câu lạc bộ luôn sôi động về đêm. Nơi đây chứa đựng một sự xô bồ tiềm ẩn nhiều nguy cơ bào mòn tâm hồn con người. Ra đường, bạn có thể bắt gặp những gã đàn ông bảnh bao trong chiếc áo đánh golf, phụ nữ thì chưng diện bằng trang sức giả, còn bọn thanh thiếu niên luôn tỏ ra lập dị. Mọi thứ ở đây dường như luôn chuyển động và không già cũ. Nó cũng như một bức màn sân khấu hào nhoáng nhưng đằng sau đó là những tệ nạn xã hội đáng báo động. Điều đó giải thích vì sao Plano là nơi có tình trạng nghiện hút tồi tệ nhất nước Mỹ, cũng như nạn tự tử trong thanh thiếu niên luôn ở mức báo động đỏ.
Tôi học ở trường Plano East – một trong những ngôi trường lớn nhất và có hoạt động bóng đá sôi nổi nhất của bang. Trường được xây theo lối kiến trúc hiện đại không khác gì một cơ quan chính phủ, với những cánh cửa to uy nghi và kiên cố.
Ở Plano, Texas, nếu bạn không thuộc tầng lớp trung lưu trở lên thì bạn phải là một cầu thủ bóng đá, nếu không, bạn coi như không hề tồn tại. Mẹ tôi chỉ là thư ký văn phòng vì vậy tôi cũng đã cố gắng tập chơi bóng đá, nhưng có vẻ như tôi không có năng khiếu với môn thể thao này.
Thế là tôi quyết định tìm một môn thể thao khác mà tôi nghĩ mình có khả năng hơn. Năm học lớp năm, tôi tham gia một giải điền kinh do trường tổ chức. Đêm trước cuộc thi, tôi nói với mẹ rằng: “Con sẽ về nhất trong cuộc đua này”. Mẹ chỉ nhìn tôi, sau đó bà tìm và đưa cho tôi một đồng đô-la bằng bạc của năm 1972. Bà nói: “Đây là đồng xu may mắn, giờ thì tất cả những gì con cần làm là đánh bại chiếc đồng hồ đó”. Và tôi đã chiến thắng.
Vài tháng sau, tôi tham gia vào câu lạc bộ bơi lội của địa phương. Thực ra đây chỉ là cách để tôi hòa nhập với bọn trẻ sống cạnh nhà. Ngay ngày đầu tiên, tôi đã cảm thấy mình lạc lõng khi được xếp chung với nhóm những đứa trẻ bảy tuổi.
Tôi cảm thấy xấu hổ khi phải tập chung với những đứa trẻ nhỏ tuổi hơn mình. Nhưng tôi quyết tâm cố gắng, tôi sẵn sàng chấp nhận để làm quen và học hỏi kỹ thuật bơi. Tôi vẫn nhớ như in ngày hôm đó, tôi đã cố hết sức để chúi người xuống hồ và lặn ngụp trong làn nước như thể muốn quẫy tung hết nước trong hồ. Mẹ tôi lo lắng: “Con đang cố gắng quá sức đấy”. Tuy nhiên, nhờ vậy mà tôi tiến bộ rất nhanh.
Một trong những huấn luyện viên tuyệt vời nhất của tôi là Chris MacCurdy. Chỉ trong vòng một năm, Chris đã giúp tôi thay đổi hoàn toàn. Tôi vươn lên đứng thứ tư trong cuộc thi thể thức bơi tự do 1.500 mét của bang. Chương trình huấn luyện của Chris cho cả đội rất nghiêm ngặt: chúng tôi phải chuyên tâm luyện tập mỗi ngày từ năm giờ rưỡi đến bảy giờ sáng. Khi lớn hơn một chút, tôi bắt đầu có những bài tập riêng cho mình. Tôi đạp xe qua những con đường dài hun hút khi trời còn chưa hửng sáng, đều đặn mỗi ngày 16 km. Tôi bơi 4.000 mét quanh hồ trước khi đi học và dành thêm hai tiếng vào buổi chiều để hoàn thành vòng bơi 6.000 mét. Như vậy, tổng cộng tôi chạy xe gần 20 cây số và bơi gần 10.000 mét mỗi ngày. Mẹ để tôi tự do với kế hoạch tập luyện riêng vì bà không có thời gian theo sát tôi và bà cũng muốn để tôi tự trưởng thành.
Còn nhớ năm tôi 13 tuổi, một buổi chiều khi đi ngang cửa hàng xe đạp Richardson, tôi thấy một tấm bảng thông báo về cuộc thi IronKids. Đây là cuộc thi ba môn phối hợp gồm đua xe đạp, bơi lội và điền kinh dành cho thanh thiếu niên. Trước đây, tôi chưa từng nghe về cuộc thi ba môn phối hợp này nhưng tôi nhận thấy mình đều rất khá những môn đó, nên tôi quyết định đăng ký. Mẹ dẫn tôi đến cửa hàng và mua cho tôi bộ quần áo thể thao bằng chất liệu co dãn tốt để tôi mặc khi thi đấu. Và đó cũng là lần đầu tiên tôi được sở hữu một chiếc xe đạp đua thật sự - chiếc xe hiệu Mercier trông rất thon gọn.
Lần đó tôi đã chiến thắng, một chiến thắng khá dễ dàng không phải tốn quá nhiều công sức. Không lâu sau đó, tôi lại tham gia và tiếp tục giành chiến thắng trong cuộc thi ba môn phối hợp khác được tổ chức ở Houston. Khi trở về từ Houston, tôi cảm thấy tự tin hơn bao giờ hết. Dù trước đây tôi gặp khó khăn với môn bơi lội nhưng giờ đây tôi đã là vận động viên nhí giỏi nhất, giỏi hơn bất kỳ đứa trẻ nào ở Plano và thậm chí ở toàn bang. Tôi thích thú và ngất ngây với cảm giác đó.
Tôi bắt đầu nhận ra rằng, tố chất để hình thành nên một vận động viên đẳng cấp chính là khả năng chịu đựng sự xấu hổ, ngượng ngùng có thể xảy đến bất kỳ lúc nào và chấp nhận thất bại mà không nản lòng. Chỉ cần tôi nghiến chặt răng, không quan tâm người khác bình phẩm thế nào về mình và cố gắng duy trì phong độ tốt nhất có thể, tôi sẽ thắng.
Nếu đó là một cuộc thử thách ý chí và nghị lực, tôi biết mình sẽ làm tốt.
Tôi đã đối phó với những trận đòn roi của Terry Armstrong rất tốt, nhưng cũng có những chuyện dường như vượt quá khả năng chịu đựng của tôi.
Năm tôi mười bốn tuổi, mẹ tôi phải vào viện để phẫu thuật cắt bỏ tử cung. Cuộc phẫu thuật này đã ảnh hưởng rất lớn cả về thể chất lẫn tinh thần của mẹ, vì khi ấy mẹ vẫn còn trẻ. Cũng trong thời gian này, tôi chuẩn bị tham dự cuộc thi bơi lội ở San Antonio, vì vậy tôi phải lên đường trong lúc mẹ vẫn đang trong thời gian hồi sức. Đáng lý ra trong hoàn cảnh này, Terry phải ở lại bệnh viện để chăm sóc cho mẹ tôi, nhưng ông ta nhất quyết đòi đi cùng tôi. Tôi hoàn toàn không muốn điều này. Tôi không thích nhìn thấy vẻ mặt cố tỏ ra là một người cha tốt của Terry.
Khi chúng tôi ngồi trong phòng đợi để chờ chuyến bay, tôi liếc nhìn Terry, ông ta đang cặm cụi ghi chép điều gì đó vào tập giấy. Terry cứ ghi ghi chép chép, sau đó lại vò nát mảnh giấy và ném vào thùng rác, rồi lại tiếp tục viết. Tôi không hiểu gã đang làm gì. Một chút tò mò xuất hiện. Một lúc sau, Terry đứng dậy đi vào nhà vệ sinh, tôi liền bước đến thùng rác và lục tìm những mảnh giấy đã bị ông ta vò nát, rồi vội vàng giấu chúng vào chiếc túi đeo.
Sau đó, lúc ở một mình, tôi mở mấy mảnh giấy ấy ra đọc. Chúng là những bức thư Terry viết cho một người phụ nữ nào đó. Tôi cẩn thận đọc chúng – từng dòng từng dòng một. Thật không thể tin được, gã tán tỉnh một phụ nữ khác trong khi mẹ tôi đang nằm hồi sức trong bệnh viện.
Tôi trở về Dallas với những bức thư nhàu nát được viết rất tình tứ của Terry. Về đến nhà, tôi lập tức lên phòng và cất kỹ chúng trong quyển sách Những kỷ lục Guinness thế giới. Tôi muốn giữ những trang thư này – mà chính tôi cũng chẳng hiểu vì sao. Có lẽ, đây là chiếc áo giáp giúp bảo vệ tôi trước những trận đòn roi vô cớ của Terry.
Nếu trước đây tôi chỉ đơn giản là không thích Terry thì kể từ lúc ấy, tôi hầu như chẳng còn cảm giác gì với ông ta. Tôi không tôn trọng ông ta và thường trêu tức cái gọi là uy quyền mà ông ta tự đặt ra để áp đặt cho tôi.
Thời niên thiếu tôi rất ngỗ nghịch. Tôi thường nghĩ ra rất nhiều trò tai quái, trong đó phải kể đến trò quả bóng lửa. Cách chơi như sau: bạn sẽ nhúng một quả bóng tennis vào dầu lửa và đốt nó lên, sau đó một người sẽ ném quả bóng đang bốc cháy cho bạn, nhiệm vụ của bạn là mang găng tay làm vườn vào và bắt quả bóng đang cháy đó.
Tôi vẫn thường chuẩn bị một thùng dầu lửa thật đầy và cùng một lúc trút tất cả những quả bóng tennis vào đó và để chúng nổi lềnh bềnh lên trên. Tôi sẽ lấy từng quả bóng ra và dùng bật lửa để đốt cháy. Người bạn thân lúc nhỏ của tôi – Steve Lewis – luôn hứng thú với trò chơi này. Chúng tôi thay phiên ném những quả bóng đang hừng hực cháy về phía nhau cho đến khi đôi găng tay của chúng tôi cháy rụi. Hãy tưởng tượng hình ảnh hai cậu bé nghịch ngợm đứng trên thảm cỏ dưới những cơn gió nóng rát của Texas và ném những quả bóng lửa cho nhau. Có vài lần găng tay của chúng tôi bị bén lửa, thế là chúng tôi vỗ đen đét vào chiếc quần jeans đang mặc làm bay những bụi than hồng trông giống như bầy đom đóm giữa ban ngày.
Một lần, tôi bất cẩn ném bóng bay lên tận nóc nhà. Một tấm ván lợp bị bắt lửa nên bốc cháy. Tôi vội vàng leo lên mái để dập lửa trước khi nó thiêu rụi cả nhà tôi và có thể lan qua nhà hàng xóm. Chẳng may, quả bóng lại rớt xuống ngay thùng dầu lửa bên dưới và bốc cháy dữ dội. Khói đen bốc lên ngùn ngụt làm tôi hoảng hốt, tôi chạy lại và đá lăn thùng dầu lửa đang bốc cháy, cố dập tắt ngọn lửa. Ngọn lửa không tắt mà ngược lại cháy lan ra trên đất. May mắn là cuối cùng nó cũng được dập tắt kịp thời trước khi có thể gây nên những tổn hại không lường trước được.
Tôi đã đấu tranh tư tưởng rất nhiều giữa việc nói hay không nói cho mẹ tôi biết về những lá thư đó. Tôi không hiểu sao bà lại chung sống với Terry trong khi cả hai có vẻ như đang chịu đựng nhau. Nhưng rõ ràng là sự có mặt của ông ta cũng đã giúp mẹ tôi rất nhiều khi bà phải nuôi một đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn như tôi.
Vài tháng sau chuyến đi đến San Antonio của tôi, cuộc hôn nhân giữa mẹ tôi và Terry cuối cùng cũng rơi vào bế tắc. Một hôm nọ, khi tôi gọi điện để báo với mẹ rằng tôi sẽ về ăn tối trễ, mẹ đã nói: “Con trai à, con về nhà ngay nhé”.
- Chuyện gì vậy mẹ? – Tôi hỏi.
- Mẹ cần nói chuyện với con.
Tôi lập tức phóng xe đạp về nhà. Khi mở cửa bước vào, tôi đã thấy mẹ ngồi đợi trong phòng khách. Bà nói ngay:
- Mẹ đã bảo Terry dọn đồ đi. Mẹ và ông ta đang chuẩn bị hồ sơ ly hôn.
Tôi cảm thấy nhẹ nhõm lạ thường và cũng chẳng ngại che giấu cảm xúc đó. Tôi nói mà không giấu được niềm hân hoan:
- Điều đó tốt mà mẹ.
- Nhưng con trai, lúc này con đừng gây ra chuyện gì nữa nhé, cũng đừng bắt mẹ phải suy nghĩ hay giải quyết bất cứ vấn đề nào, mẹ mệt lắm. Đừng gây thêm áp lực cho mẹ.
- Dạ được, con hứa.
Suốt vài tuần sau đó, tôi cố gắng tuyệt đối không nhắc lại chuyện này. Nhưng một lần, khi hai mẹ con cùng ngồi trong bếp, tôi bỗng buột miệng: “Mẹ à, Terry không phải là người đàn ông tốt”. Dù vậy, tôi không hề hé răng về những bức thư của ông ta, tôi không muốn mẹ phải mệt mỏi và thất vọng hơn nữa. Nhưng nhiều năm sau, trong lúc dọn dẹp và sắp xếp lại nhà cửa, mẹ tình cờ phát hiện ra chúng. Bà chẳng hề tỏ ra ngạc nhiên.
Thời gian đầu, Terry cố gắng giữ liên lạc với tôi bằng cách mỗi dịp sinh nhật, ông ta đều gửi tặng tôi thiệp chúc mừng và một phong bì với tờ 100 đô-la bên trong. Mỗi lần như vậy, tôi đều mang đến đưa mẹ: “Mẹ có thể gửi trả cho ông ấy giúp con được không? Con không muốn nhận tiền của ông ta”. Cuối cùng, tôi quyết định viết thư cho Terry và nói rằng nếu có thể, tôi sẽ đổi tên để không phải mang họ của ông ta. Tôi cảm thấy giữa tôi và Terry không có một sợi dây liên kết nào cả, đối với gia đình ông ta cũng vậy.
Sau khi mẹ ly hôn, mẹ và tôi nói chuyện và chia sẻ với nhau nhiều hơn. Tôi cứ nghĩ mẹ sẽ rất buồn, nhưng không, bà trở nên vui vẻ và lạc quan hơn rất nhiều bởi bà đã được giải thoát khỏi những áp lực mà bấy lâu nay bà phải âm thầm chịu đựng. Dĩ nhiên, bà lại rơi vào một áp lực khác – áp lực của người phụ nữ đơn thân phải tự bươn chải để nuôi con. Tuy nhiên, tôi vẫn tin mẹ sẽ vượt qua được. Những năm sau đó, mẹ lại sống trong cảnh cô đơn.
Tôi cố gắng trở thành một đứa con ngoan để mẹ khỏi phải lo lắng và bận tâm thêm. Mỗi khi mẹ đi làm về, hai mẹ con thường cùng ngồi ăn tối và trò chuyện với nhau. Bà dạy tôi cách ăn dưới ánh nến ấm áp và cách cư xử lịch sự, đứng đắn. Những lúc ấy, bà thường kể tôi nghe về ngày làm việc của mình. Đôi lúc, mẹ cũng chia sẻ những khó khăn, vất vả mà bà phải chịu nơi làm việc khi chỉ là một thư ký bình thường.
Tôi hỏi mẹ:
- Sao mẹ không nghỉ việc và tìm một công việc khác?
- Con trai à, con không bao giờ được từ bỏ chuyện gì cả. – Bà nói – Ta phải vượt qua chúng.
Có những lúc mẹ về nhà với vẻ mặt rất mệt mỏi, và tôi biết có lẽ mẹ đã trải qua một ngày làm việc quá sức. Những lúc ấy, nếu tôi đang bật loại nhạc ồn ào như rock thì tôi sẽ nhanh chóng tắt nó đi và mở một loại nhạc êm dịu lên. Tôi nói: “Mẹ ơi, con muốn mẹ được thư giãn”. Tôi muốn mẹ luôn cảm thấy vui vì đứa con trai đã biết hy sinh niềm yêu thích của nó để bà được nghỉ ngơi.
Năm 1987, năm tôi mười lăm tuổi, tôi tham gia giải đấu ba môn phối hợp ở Hồ Lavon cùng những vận động viên kỳ cựu và dày dạn kinh nghiệm. Tôi đứng hạng ba mươi hai và điều này khiến các đối thủ khác cũng như khán giả vô cùng kinh ngạc. Họ không thể tin một cậu bé mười lăm tuổi lại có thể đạt thành tích cao trong một giải đấu lớn như vậy. Tôi được báo chí đưa tin về sự kiện lần đó và tôi đã phát biểu với một phóng viên thế này: “Cháu nghĩ rằng vài năm tới, cháu sẽ có thể lọt vào nhóm những vận động viên hàng đầu và trong vòng mười năm cháu sẽ là vận động viên giỏi nhất”. Những người bạn của tôi, trong đó có cả Steve Lewis, đều cho rằng tôi quá tự phụ. Nhưng tôi đã chứng minh điều mình nói, ngay giải đấu năm sau, tôi đã vươn lên đứng hạng thứ năm.
Giải thưởng dành cho người chiến thắng khá cao. Tôi được sở hữu cả một xấp chi phiếu dày. Vậy là tôi cố gắng tham gia tất cả những giải đấu ba môn phối hợp. Tuy nhiên theo quy định, độ tuổi của những vận động viên trẻ nghiệp dư phải từ 16 tuổi trở lên. Vì vậy tôi phải khai lệch tuổi trong bản đăng ký để có đủ điều kiện tham gia. Tôi không đoạt giải cao nhất nhưng luôn duy trì trong nhóm năm vận động viên đứng đầu. Những vận động viên đàn anh bắt đầu xem tôi như một tay đấu bán chuyên nghiệp.
Dĩ nhiên, không phải mọi việc đều dễ dàng. Trong giải đấu ba môn phối hợp chuyên nghiệp đầu tiên mà tôi đăng ký tham gia, tôi đã sai lầm khi không để ý đến chế độ ăn uống trước khi thi đấu. Tôi chỉ ăn qua loa vài chiếc bánh quế và uống hai lon Coca, thế nên, tôi đã phải trả giá đắt khi bị kiệt sức trên đường đua. Tôi như một cỗ xe đã cạn sạch nhiên liệu. Tôi về nhất ở nội dung bơi lội và đua xe đạp, nhưng đến nội dung chạy nước rút, tôi kiệt sức và gần như bị bỏ lại phía sau. Mẹ đứng chờ tôi ở vạch về đích, bà đã quen nhìn thấy tôi hùng dũng lao về đích trong nhóm những vận động viên dẫn đầu, thế nên lúc đó, bà đã không hiểu điều gì đang diễn ra. Bà đi dọc theo đường đua và thấy tôi đang gắng sức để chạy về đích.
- Cố lên nào con trai, con làm được mà. – Bà động viên.
- Con kiệt sức rồi. - Tôi cố gắng đáp lời mẹ.
- Cố lên con trai à. Con không được từ bỏ, ngay cả khi con phải đi bộ về đích.
Tôi đã cố gắng lê từng bước về vạch cuối của chặng đua. Sau sự cố đầu tiên ấy, tôi đã rút ra được nhiều kinh nghiệm quý báu giúp tôi không ngừng nâng cao bảng thành tích của mình.
Mọi người bắt đầu biết đến tôi như một cua-rơ trẻ đầy triển vọng trong các giải thi đấu địa phương. Vào mỗi tối thứ Ba, nơi đây thường sôi động với những cuộc đua xe đạp gồm nhiều chặng quanh những cánh đồng trống ở Richardson. Cuộc đua quy tụ rất nhiều cua-rơ cả bán chuyên nghiệp lẫn chuyên nghiệp của địa phương. Tôi là cua-rơ đại diện cho Hoyt - người tài trợ cho câu lạc bộ xe đạp của cửa hàng xe đạp Richardson. Trước khi bước vào giải đấu, mẹ chuẩn bị cho tôi một bộ đồ nghề gồm dụng cụ sửa chữa và các bộ phận để thay thế khi xe đạp hỏng. Mẹ nói bà vẫn còn nhớ hình ảnh tôi hùng dũng rướn người trên bàn đạp vượt qua những đứa trẻ khác và lao nhanh về đích. Bà không thể tin con trai mình lại mạnh mẽ như vậy. Khi ấy, tôi không quan tâm lắm đến giải thưởng trị giá 100 đô-la, tôi chỉ muốn thể hiện mình và đánh bại những đối thủ khác trên đường đua.
Trong cơ cấu giải đua, các cua-rơ được phân chia thành nhiều hạng đua: bảng 1 là những tay đua đã có thành tích cao và giảm dần đến bảng 4 là những tay đua nghiệp dư. Theo luật, tôi phải bắt đầu thi đấu với những cua-rơ trong bảng 4, nhưng tôi háo hức được thử sức với những đối thủ nặng ký hơn. Để làm được điều đó, bạn phải chiến thắng một số chặng đua nhất định để được ghi nhận thành tích. Nhưng tôi lại không thể kiên nhẫn để chờ đợi, vì vậy tôi cố gắng thuyết phục ban tổ chức để được thi đấu trong bảng 3 với những cua-rơ đã có chút ít kinh nghiệm. Họ nói với tôi: “Được thôi, nhưng cậu không thắng được đâu”. Nhưng tôi nghĩ nếu tôi thực sự quyết tâm và cố gắng hết sức thì chuyện ban tổ chức phá lệ cho tôi lần này sẽ không hề uổng phí.
Tôi đã thắng. Ngay cả bản thân tôi cũng không tin được chuyện đó. Tôi bỏ xa những cua-rơ khác trong chặng đua. Sau chiến thắng đó, một số người trong ban tổ chức đã bàn bạc xem sẽ xử lý trường hợp của tôi thế nào. Và sau cùng, họ quyết định sẽ đào tạo và hỗ trợ tôi. Thế là tôi – khi ấy chỉ mới 16 tuổi - bắt đầu được tập luyện cùng những tay đua lão luyện tuổi đã gần 30.
Chỉ sau một thời gian ngắn, tôi trở thành vận động viên quốc gia của năm trong lĩnh vực ba môn phối hợp nước rút. Tại thời điểm đó, tôi kiếm được 20.000 đô-la mỗi năm, và tôi bắt đầu lưu giữ những hợp đồng mình đã ký một cách cẩn thận. Tôi và mẹ nhận thấy sự nghiệp thể thao của tôi đang có rất nhiều triển vọng. Tôi nhận ra đã đến lúc mình cần tìm nhà tài trợ và những người ủng hộ sẵn sàng trang trải những chi phí trong suốt quá trình tôi tham gia những giải đấu. Mẹ vẫn thường nhắc nhở tôi: “Lance này, nếu con dự định làm điều gì thì con hãy dựa vào bản thân mình bởi vì không ai có thể thay thế con cả”.
Mẹ trở thành người bạn thân, là cổ động viên trung thành và cũng là người quản lý của tôi. Mẹ luôn là động lực giúp tôi không ngừng cố gắng trong mọi hoàn cảnh. Mẹ vẫn thường dạy tôi rằng: “Nếu con không thể cố gắng 110% sức mình, con sẽ không bao giờ thành công”.
Mẹ đã tự tìm kiếm và liên lạc với một tổ chức đào tạo, huấn luyện những cua-rơ trẻ nhằm tạo điều kiện để tôi phát triển khả năng một cách tốt nhất. Mẹ nói: “Mẹ không biết điều gì là cần thiết cho con lúc này. Nhưng mẹ khuyên con nên cẩn trọng xem xét tất cả mọi thứ bởi vì mẹ biết con muốn thành công, và nếu không có cái nhìn thấu đáo và xuyên suốt, con sẽ rất dễ thất bại”. Tôi đã rất tự hào về mẹ, mẹ không chỉ chăm sóc cho tôi về thể chất mà còn rất hiểu cảm xúc của tôi. Mẹ luôn tìm mua cho tôi chiếc xe đạp đua tốt nhất và những phụ tùng đi kèm. Thực tế, cho đến tận hôm nay, mẹ tôi vẫn còn giữ những bộ phận đã hỏng của những chiếc bàn đạp cũ vì không nỡ vứt bỏ chúng.
Mẹ là người đăng ký cho tôi tham gia các giải đấu và luôn bên cạnh cổ vũ tôi suốt thời gian thi đấu. Tôi và mẹ thậm chí còn nghĩ tới việc sẽ có ngày tôi trở thành vận động viên trong Thế vận hội Olympics. Tôi vẫn giữ đồng xu may mắn mẹ tặng, mẹ còn tặng tôi một móc khóa có khắc số “1988” – năm ghi nhận thời điểm Olympics mùa hè sẽ diễn ra.
Mỗi ngày sau giờ học, tôi chạy bộ gần 10 km và tiếp tục ngồi trên yên xe tập cho đến khi trời sụp tối. Tôi học được cách yêu mến Texas trên yên xe và tận hưởng vẻ đẹp của quang cảnh nơi đây. Miền quê Texas tuy tiêu điều, nhưng nó lại mang một vẻ đẹp bình lặng và yên ả. Bạn có thể thong dong chạy xe dọc những con đường mòn xuyên qua các nông trại lớn và những cánh đồng bông trải dài đến tận chân trời. Thấp thoáng đâu đó là những tháp nước xoay, những chiếc trục quay dùng khi thu hoạch ngũ cốc và những căn nhà kho cũ nát. Bãi cỏ xanh bị bầy gia súc gặm hết phần ngọn non tơ, trông xơ xác, tiêu điều như phần cặn của một tách cà phê vừa uống cạn. Tôi ung dung băng qua những cánh đồng hoa dại rực rỡ và những hàng cây cổ thụ xanh um. Texas còn có những thảo nguyên rộng lớn, lác đác một vài trạm xăng dọc theo những cánh đồng bông sóng sánh theo gió đến chân trời. Đây là vùng nhiều gió thứ ba của Hoa Kỳ, và điều đó có lợi cho tôi bởi nó giúp tôi rèn luyện sức bền.
Trong quá trình tập luyện, tôi cũng gặp phải vài tai nạn đáng nhớ. Một buổi trưa, tôi đang tập luyện thì có một chút xích mích với tên tài xế xe tải. Hắn tỏ ra tức giận và ném một thùng xăng về phía tôi, sau đó vào xe và truy đuổi tôi trên đường. Tôi phải bỏ lại chiếc Mercier bên vệ đường mà chạy. Gã tài xế không ngần ngại cho xe tải cán qua nó làm chiếc xe của tôi vụn nát.
Trước khi tên tài xế bỏ đi, tôi đã kịp ghi nhớ bảng số xe của hắn. Mẹ tôi kiện hắn ra tòa và chúng tôi đã thắng. Sau đó, mẹ mua cho tôi một chiếc xe đạp mới bằng tiền bảo hiểm của bà – một chiếc Raleigh trông rất mạnh mẽ.
Trước đây, tất cả những chiếc xe của tôi đều chưa được trang bị đồng hồ đo khoảng cách. Vì vậy, nếu tôi muốn biết đoạn đường mình chạy là bao nhiêu, tôi phải nhờ mẹ lái xe theo sau để kiểm tra. Chỉ cần tôi nói với mẹ rằng tôi muốn biết đoạn đường mình tập luyện, mẹ sẽ lập tức ngồi vào xe và chạy theo tôi, ngay cả khi trời đã sụp tối hay khi mẹ vừa trở về nhà sau một ngày làm việc vất vả. Lúc đó, việc đạp xe qua quãng đường gần 50 km đối với tôi chẳng hề gì, nhưng đối với mẹ thì hoàn toàn ngược lại. Mẹ chưa kịp nghỉ ngơi sau ngày dài làm việc thì đã phải lái xe theo tôi, vậy mà mẹ không khi nào từ chối hay phàn nàn về chuyện đó.
Tôi và mẹ ngày càng cởi mở với nhau hơn. Mẹ dường như tin tưởng tôi tuyệt đối. Tôi có thể làm bất kỳ việc gì tôi thích, nhưng dù làm gì, tôi cũng đều nói với mẹ. Tôi chưa bao giờ nói dối bà. Nếu tôi muốn ra ngoài chơi, mẹ sẽ không bao giờ cấm cản. Trong khi những đứa trẻ khác phải lén lút trốn đi chơi thì tôi chỉ việc nói với mẹ và đường hoàng bước qua cửa chính.
Bản tính tôi khá liều và bướng bỉnh vì tôi yêu thích sự thử thách. Đã nhiều lần tôi còn dám thử thách với chính tính mạng của mình. Ở Plano có rất nhiều đại lộ đông đúc và những cánh đồng rộng lớn, và bất cứ chuyện gì cũng có thể xảy ra nếu một thanh niên ngồi sau vô-lăng hay trên yên xe đạp để thử sức với tay lái của mình. Tôi vẫn thường rong xe lên xuống các đại lộ lớn, luồn lách để tránh những chiếc xe hơi và chạy đua với những đèn tín hiệu. Tôi chạy đến tận vùng ngoại ô Dallas và xem đó như một thử thách thú vị.
Chiếc Raleigh mới của tôi thuộc loại tốt nhất lúc đó và nó rất đẹp. Nhưng cũng chỉ trong một thời gian ngắn tôi đã làm hỏng nó vì tính liều lĩnh của mình. Một buổi trưa nọ khi đang đạp xe trên xa lộ, tôi quyết định đua tốc độ với đèn tín hiệu ở giao lộ phía trước. Tôi cố gắng vượt qua các xe khác và đã vượt qua năm xe hơi, trước mặt tôi lúc đó là giao lộ lớn với sáu làn xe chạy trong khi đèn tín hiệu đã chuyển sang màu vàng.
Tôi vẫn bướng bỉnh và ngông cuồng lao nhanh về phía trước.
Tôi vượt qua ba làn xe trước khi đèn tín hiệu chuyển sang màu đỏ. Khi tôi tăng tốc vượt qua làn xe thứ tư, bất ngờ tôi trông thấy một phụ nữ lái chiếc Ford Bronco đang lao tới. Người phụ nữ này vẫn tiếp tục nhấn ga, hình như bà không nhìn thấy tôi.
Cú va chạm khiến tôi bị hất văng khỏi xe và đập đầu xuống đường. Hôm đó, tôi không đội mũ bảo hiểm. Cú ngã là cách duy nhất bắt tôi phải dừng lại.
Đầu tôi bê bết máu. Tôi cố gắng ngồi dậy, nhưng ngay lập tức đám đông đã vây lấy tôi, và mọi người nói như hét lên: “Đừng, đừng, đừng cử động, hãy nằm yên”. Tôi nằm đấy và chờ xe cứu thương đến trong khi người phụ nữ va vào tôi đang hết sức bấn loạn. Xe cứu thương tới và nhanh chóng đưa tôi đến bệnh viện, cũng may là lúc đó tôi vẫn còn đủ tỉnh táo để nhớ số điện thoại nhà. Mẹ tôi đã rất hoảng hốt và lập tức có mặt tại bệnh viện ngay sau đó.
Đầu và chân tôi bị các vết rách khá sâu và dài, các bác sĩ phải khâu chúng lại. Đầu gối thì bị bong gân và cũng bị rách sâu phải dùng nẹp niềng chân. Về phần chiếc xe, nó bị hư hỏng hoàn toàn.
Tôi lo lắng giải thích với bác sĩ rằng tôi đang luyện tập để chuẩn bị cho giải đấu ba môn phối hợp sẽ diễn ra trong sáu ngày nữa tại Hồ Dallas, Louisville. Bác sĩ khẳng định: “Cháu không được cử động trong ba tuần tới. Không được chạy và không được luyện tập gì cả”.
Hôm sau tôi xuất viện với dáng đi khập khiễng và đau đớn vô cùng. Tôi lo lắng khi nghĩ đến chuyện sẽ không được thi đấu trong vài ngày tới. Vài ngày tịnh dưỡng ở nhà, tôi cảm thấy chán ngán và quyết định ra ngoài để chơi golf tại một câu lạc bộ địa phương với một bên chân bị nẹp cứng. Tôi cảm thấy sảng khoái khi được hít thở khí trời và tự do vận động trở lại. Tôi quyết định tháo thanh nẹp ở chân ra và nghĩ: “Mọi chuyện không đến nỗi tệ”.
Trước ngày thứ tư, tôi không phát hiện chuyện gì bất thường – điều đó khiến tôi cảm thấy phấn chấn hơn rất nhiều. Tôi đăng ký tham gia giải đấu ba môn phối hợp. Tối hôm đó, tôi nói với mẹ: “Con sẽ tham gia giải đấu này”.
Mẹ chỉ nhỏ nhẹ đáp: “Được rồi con yêu, tuyệt lắm!”.
Tôi gọi cho một người bạn để mượn xe thi đấu. Sau đó, tôi vào phòng tắm và tự cắt chỉ cho mũi khâu ở chân. Tôi vẫn thường làm thế với dụng cụ cắt móng tay. Tôi chừa lại mấy mũi khâu trên đầu bởi vì tôi sẽ phải đội một cái mũ bó sát đầu khi thi đấu. Sau đó, tôi cắt một lỗ nhỏ trên đôi giày để vết thương ở chân không bị cọ xát mạnh.
Sáng sớm hôm sau, tôi đã trong tư thế sẵn sàng ở vạch xuất phát cùng tất cả các đối thủ khác. Tôi về đầu ở nội dung bơi và đua xe. Ở nội dung chạy bộ, tôi về thứ ba. Ngày hôm sau, báo chí đưa tin về tôi – họ thuật lại sự kiện tôi đã gặp tai nạn giao thông ngay trước giải đấu chỉ vài ngày nhưng bằng cách nào đó, tôi vẫn duy trì được thể lực và giành giải ba trong cuộc thi đấu. Một tuần sau, tôi và mẹ nhận được bức thư từ vị bác sĩ đã trực tiếp chữa trị cho tôi, trong đó ông có viết: “Tôi thật sự không thể tin được Lance lại làm được điều đó”.
Dường như không gì có thể khiến tôi chậm lại. Tôi yêu thích sự nhanh nhẹn. Khi còn là một thanh niên, tôi đã thử sức mình với những màn chạy xe tốc độ cao. Do đó, việc đầu tiên tôi làm khi nhận số tiền thưởng tại giải đấu ba môn phối hợp là mua một chiếc Fiat màu đỏ đã qua sử dụng và thường điều khiển nó chạy vòng vòng quanh Plano mà không hề có giấy phép lái xe.
Năm tôi học lớp 11, một buổi trưa nọ tôi dong xe và biểu diễn kỹ thuật điều khiển xe với đám bạn. Khi đang thả dốc xuống con đường hai làn xe thì đột nhiên tôi thấy hai chiếc xe hơi đang di chuyển với vận tốc khá chậm phía trước.
Vì sốt ruột nên tôi đã nhấn ga lao về phía trước để vượt mặt.
Tôi bẻ lái đưa chiếc Fiat chen giữa hai chiếc xe hơi trước đôi mắt kinh ngạc của hai tay tài xế.
Buổi tối, tôi thường chạy xe ra ngoài – dù rằng điều đó chỉ hợp pháp khi có người lớn đi kèm. Một lần vào mùa Giáng sinh, tôi tìm được một công việc bán thời gian ở tiệm đồ chơi Toys “R” Us, giúp mang những món quà giáng sinh ra xe cho khách hàng. Còn Steve Lewis thì làm việc ở cửa hàng Target. Chúng tôi đều làm việc vào buổi tối, vì vậy bố mẹ hai bên đồng ý để chúng tôi lái xe đi làm. Đó là một quyết định sai lầm bởi Steve và tôi thường về nhà sau khi đã lượn lờ trên các con đường quanh Dallas với tốc độ 80-90 km/giờ.
Steve có chiếc Pontiac Trans Am và tôi đã giúp nâng cấp nó thành chiếc Camaro IROC Z28 – hung thần của các loại xe. Xe của tôi chỉ là loại tầm thường, vì vậy tôi ao ước có chiếc xe giống Steve hơn bất cứ điều gì khác. Và cuối cùng mơ ước của tôi cũng thành sự thật khi bác Jim đã giúp tôi mua một chiếc như thế bằng cách làm người bảo lãnh cho tôi để ký các giấy tờ vay nợ. Mỗi tháng, tôi phải định kỳ thanh toán các khoản tiền vay cộng thêm tiền bảo hiểm. Vậy là tôi đã sở hữu chiếc xe như mong ước. Nó chạy rất nhanh, tôi và Steve vẫn thường lái nó xuống tận Forest Lane – nơi có địa hình rất thích hợp cho những thanh niên đam mê sự mạo hiểm như chúng tôi. Có lúc chúng tôi lao nhanh với tốc độ gần 200 km/giờ nhưng cũng có khi giảm tốc chỉ còn 70 km/giờ.
Tôi có hai nhóm bạn, một nhóm bạn thân ở trường và một nhóm bạn là những vận động viên cùng thi đấu. Cuộc sống ở miền đông Plano khá nhiều áp lực, nhưng mẹ và tôi vẫn giữ được sự cân bằng cần thiết để không bị cuốn theo nhịp sống bon chen hối hả đó. Trong khi những đứa trẻ khác ngạo nghễ lái những chiếc xe hạng sang do bố mẹ chúng mua tặng thì tôi hài lòng với chiếc xe được mua bằng chính những đồng tiền mình vất vả kiếm được.
Tuy vậy, cũng có lúc tôi cảm thấy mình hơi lạc lõng. Tôi thường mặc những bộ quần áo có vẻ kỳ lạ và không hợp mốt – ít nhất là đối với những người xung quanh. Một vài đứa bạn từng thẳng thắn nói với tôi: “Nếu tớ là cậu, tớ sẽ cảm thấy rất xấu hổ khi mặc những chiếc quần soóc hiệu Lycra”. Tôi nhún vai tỏ ý không quan tâm trước những lời chế giễu đó. Tôi biết người dân nơi đây thường cố chứng tỏ mình bằng cách khoác lên người những bộ trang phục đắt tiền hiệu Polo, từ quần áo đến phụ kiện đi kèm như thắt lưng, ví tiền và mũ. Họ xem đó như một trào lưu, một quy luật. Và so với cái gọi là quy luật đó, tôi trái ngược hoàn toàn.
Vào mùa thu của năm cuối cấp trung học, tôi tham gia một giải đấu quan trọng ở Moriarty, New Mexico. Đây là giải đấu lớn dành cho những cua-rơ trẻ với lộ trình cho phép họ có thể đạt tốc độ tối đa. Chặng đua dài gần 20 km dọc theo đường quốc lộ và rất ít gió. Đối với những cua-rơ trẻ, giải đấu này là cơ hội để được ghi nhận thành tích và tạo sự chú ý với mọi người.
Lúc này đã là tháng Chín. Ở Texas trời khá nóng, vì vậy hành lý tôi mang theo tương đối gọn nhẹ. Sáng hôm thi đấu, tôi thức dậy lúc sáu giờ và quyết định ra ngoài để tận hưởng bầu không khí trong lành. Tôi chỉ mặc đơn giản một chiếc quần soóc và một áo khoác tay ngắn. Sau khi chạy dọc theo con đường mòn được khoảng 5 phút, tôi thầm nghĩ “Không xong rồi, rét quá”.
Thế là quay trở về phòng. Tôi nói với mẹ: “Mẹ ơi, trời lạnh đến nỗi con không thể đạp xe. Con cần một chiếc áo khoác dày hoặc thứ gì đó tương tự”. Mẹ lục tung hành lý nhưng chẳng tìm được cái áo nào đủ ấm. Tôi đã để tất cả quần áo ấm ở nhà. Tôi đã không dự liệu trước rằng thời tiết nơi đây khác xa với Texas. Quả là tôi còn thiếu kinh nghiệm khi không lường trước được hết những tình huống có thể xảy ra khi đi thi đấu ở một nơi khác.
Mẹ nói: “Mẹ có mang theo một áo khoác nhỏ”. Nói xong, bà lôi ra một chiếc áo khoác màu hồng. Phải nói rằng nó nhỏ và mỏng manh đến nỗi tôi nghĩ chỉ có búp bê mới mặc vừa mà thôi.
- Con sẽ mặc. – Tôi nói với giọng quả quyết vì ngoài trời rất lạnh.
Tôi trở ra ngoài. Tay áo của chiếc áo khoác bị rút đến tận khuỷu tay và nó bó sát người tôi. Tôi bắt đầu đạp xe để làm nóng cơ thể trong vòng 45 phút trước khi bước vào vạch xuất phát. Tuy nhiên, tôi vẫn cảm thấy cơn lạnh đang ngấm dần vào người.
Không còn cách nào khác, tôi tiến đến bên chiếc xe mẹ đang đỗ cạnh đấy: “Mẹ giúp con nhé, con sẽ ngồi vào xe và mẹ mở máy sưởi ở nhiệt độ cao nhất”.
Bà lập tức tra chìa khóa vào ổ, khởi động xe và vặn nút máy sưởi ở nhiệt độ tối đa. Tôi vào xe và hứng luồng khí nóng đang phả ra. Tôi nhờ mẹ: “Mẹ hãy gọi con khi nào đến lượt con xuất phát nhé”. Và đó là cách tôi giữ nhiệt cho cơ thể.
Cuối cùng lượt đua của tôi cũng đến. Tôi mở cửa xe, tiến thẳng đến vạch xuất phát. Lần đó tôi đã đánh bại kỷ lục của vòng đấu tới 45 giây.
Kể từ đó, tôi chợt nhận ra tham vọng của tôi không phải là sở hữu một ngôi nhà khang trang, tiện nghi bên cạnh một khu mua sắm sầm uất, mà là tập trung tất cả cho việc rèn luyện để trở thành một vận động viên đẳng cấp quốc tế.
Tôi tập luyện hăng say và nỗ lực hết mình. Thỉnh thoảng, tôi cùng đám bạn đi cắm trại hoặc đi trượt tuyết và thay vì cùng ngồi xe với mọi người để về nhà, tôi luôn mang theo xe đạp để tự đạp xe trên suốt đoạn đường về. Một lần, sau chuyến cắm trại ở Texoma với vài đứa bạn, tôi đã đạp xe gần 100 km để về nhà.
Tuy nhiên, những thầy cô trong trường cũng không hiểu hết niềm đam mê và khát vọng mà tôi đang theo đuổi. Vào học kỳ thứ hai của năm cuối cấp, nhờ những thành tích đã đạt được ở New Mexico, tôi được gọi vào đội tuyển xe đạp quốc gia Mỹ và phải đến tập trung ở Colorado Springs. Tại đây, tôi cùng được tập luyện với những cua-rơ kỳ cựu khác để chuẩn bị cho giải đấu quốc tế dành cho những cua-rơ trẻ mang tên Junior World Championships diễn ra vào năm 1990 tại Moscow. Đây cũng là giải đấu quốc tế đầu tiên mà tôi tham gia.
Nhưng hội đồng quản lý trường Plano East lại từ chối lời mời này. Họ có một nguyên tắc bất di bất dịch: không được nghỉ học dù bất cứ lý do gì. Họ không quan tâm rằng chuyến đi đến Moscow của tôi sẽ giúp mang danh tiếng đến cho trường khi họ có một tài năng trẻ trong danh sách những sinh viên tốt nghiệp.
Tôi quyết định đến Colorado Springs bằng mọi giá. Tại giải Junior World, tôi cũng không biết mình sẽ làm gì bởi tôi chỉ là một tay đua nghiệp dư không có kinh nghiệm cũng như chiến lược thi đấu trong khi tôi phải đối mặt với rất nhiều đối thủ nặng ký. Tôi chỉ biết nỗ lực hết mình trong từng chặng đua. Và tôi đã dẫn đầu trong nhiều chặng, nhưng vì còn non kinh nghiệm, không biết phân sức đều nên tôi đã đuối sức dần trong những chặng cuối. Tuy vậy, Liên đoàn xe đạp vẫn rất ấn tượng với những gì tôi thể hiện và một huấn luyện viên người Nga đã nói với tất cả mọi người rằng tôi là tay đua trẻ giỏi nhất mà ông từng gặp.
Tôi rời nhà trong sáu tuần. Khi trở về trường học vào tháng Ba, tôi mới biết mình bị điểm liệt tất cả các môn vì vắng mặt. Một hội đồng gồm sáu thành viên của ban chấp hành nhà trường đã mời tôi và mẹ đến gặp mặt, họ nói rằng nếu trong vài tuần tới, tôi không hoàn thành những môn học này, tôi sẽ không đủ điều kiện để tốt nghiệp. Tôi và mẹ đều sửng sốt trước thông tin này.
- Nhưng em không thể hoàn thành hết các môn trong khoảng thời gian còn lại. – Tôi nói vẻ bức xúc.
Hội đồng chỉ nhìn tôi mà không nói gì. Và rồi một người mở lời:
- Cậu nổi tiếng là người không bao giờ từ bỏ bất kỳ việc gì mà, phải không?
Tôi nhìn họ chằm chằm. Tôi thừa biết nếu ngay từ đầu, tôi tập chơi bóng đá và khoác lên người những chiếc áo sơ-mi hiệu Polo thì giờ đây, mọi việc đã khác.
Cuộc họp kết thúc.
Tôi và mẹ đứng lên ra về. Chúng tôi đã thanh toán hết các khoản chi phí cho lễ tốt nghiệp bao gồm mũ áo và cả buổi hòa nhạc ăn mừng, thế nhưng giờ mọi chuyện lại ra thế này. Trước tình thế đó, mẹ luôn trấn an tôi và bà đã liên tục liên lạc với tất cả các trường tư ở Dallas có tên trong sổ danh bạ. Gọi đến trường nào bà cũng cố gắng giải thích để họ hiểu tình thế khó xử của chúng tôi.
Cuối cùng, mẹ tìm được một trường tư – trường Bending Oaks, nơi sẵn sàng chấp nhận tôi vào học miễn là tôi vượt qua một vài khóa học dự bị. Chúng tôi chuyển toàn bộ hồ sơ, học bạ từ Plano East sang đây, và rất may, tôi tốt nghiệp cùng thời gian với chúng bạn.
Vào ngày tốt nghiệp của học sinh trường Plano East, tôi quyết định trở về tham dự bởi tôi đã thanh toán các chi phí dành cho nó. Tôi mua một đóa hoa cài lên ngực áo, thuê một bộ đồ tuxedo và đặt một chiếc xe hơi sang trọng. Tối hôm đó, khi thử khoác bộ lễ phục lên người, tôi chợt nảy ra một ý định.
Mẹ tôi chưa bao giờ được ngồi trong một chiếc Limo bóng loáng. Mẹ đã nuôi dạy tôi qua bao năm tháng khó khăn của cuộc đời. Chưa bao giờ mẹ nghĩ đến sự thụ hưởng cho riêng bản thân. Mẹ đã dành cho tôi biết bao tình yêu thương và hy vọng. Mỗi khi tôi lâm vào hoàn cảnh khó khăn mẹ đều động viên tôi: “Hãy biến khó khăn thành cơ hội, hãy biến mọi trở ngại thành động lực giúp con thành công”. Và đến ngày hôm nay khi tôi sắp trưởng thành, tôi muốn mẹ được nghỉ ngơi và tận hưởng những niềm vui mà tôi có thể đem lại.
Mẹ tôi mặc một chiếc đầm dạ hội rất đẹp. Chúng tôi ngồi vào xe, vừa đi vừa cười nói vui vẻ và bông đùa về lễ tốt nghiệp của tôi.
Vài tháng sau lễ tốt nghiệp, trong khi tôi vẫn thong dong thì hầu hết bạn bè cùng lớp tại Plano East trước đây đều đã vào học ở các trường đại học công lập, chẳng hạn như Steve – bạn thân của tôi – đã vào học tại trường Đại học North Texas State và tốt nghiệp vào năm 1993.
Tôi đầu quân trong nhóm đua của đội Subaru-Montgomery và vẫn thường xuyên tham gia các giải đấu. Nhưng tôi hiểu châu Âu mới chính là đấu trường nơi tôi cần vươn đến. Tôi bắt đầu cảm thấy chán cuộc sống ở Plano. Một mặt cũng bởi vì tôi đã quá thất vọng với những con người nơi đây, với những việc đã xảy đến với tôi trước lễ tốt nghiệp. Duy chỉ có một người mà tôi luôn quý trọng, đó là bác Jim Hoyt, chủ cửa hàng xe đạp Richardson.
Thời trẻ, bác Jim là một người rất đam mê đua xe, nhưng năm mười chín tuổi, bác tham gia quân đội và phục vụ trong binh đoàn bộ binh ròng rã suốt hai năm ở Việt Nam. Khi xuất ngũ, niềm đam mê ấy vẫn không hề bị dập tắt. Ban đầu, bác Jim làm nhà phân phối xe đạp cho nhãn hiệu Schwinn, sau đó bác cùng vợ là Rhonda, mở một cửa hàng riêng. Trong một thời gian dài, bác Jim và vợ đã đầu tư cho nhiều cua-rơ trẻ ở Dallas bằng cách tài trợ xe cũng như các trang thiết bị cần thiết, và giúp họ một số tiền thù lao nho nhỏ định kỳ. Bác Jim tin tưởng vào nỗ lực của các cua-rơ và luôn khích lệ họ. Tôi may mắn là một trong số đó. Chúng tôi cùng tham gia thi đấu để giành được những giải thưởng hay những ưu đãi mà bác Jim đưa ra, và cuộc đua vì thế mà trở nên đầy kịch tính. Suốt những năm cấp ba, mỗi tháng tôi kiếm được khoảng 500 đô-la từ những cuộc thi do bác Jim tài trợ.
Bác Jim có một văn phòng nhỏ nằm sau cửa hàng nơi chúng tôi thường gặp nhau trò chuyện. Tôi không quan tâm lắm đến các nội quy trường học, cũng như không mấy hứng thú với người cha dượng của tôi lúc đó – Terry, nhưng tôi luôn thích thú khi được trò chuyện cùng bác Jim. Tôi thường tâm sự với bác: “Cháu là đứa trẻ khá bướng bỉnh và cứng đầu, nhưng cháu thích như vậy”. Và thường bác vẫn khuyên tôi về cách sống ở đời: “Nếu cháu chỉ phán xét người khác dựa vào sự giàu sang của họ thì cháu sẽ phải học hỏi nhiều hơn nữa trong cuộc sống này bởi vì những người bạn của bác có người sở hữu công ty riêng, cũng có vài người làm thuê bằng nghề cắt cỏ. Nhưng các bác vẫn rất thân nhau”. Bác Jim là mẫu người nghiêm nghị và tôi kính trọng bác cũng vì điều đó.
Một lần trong giải đấu diễn ra vào mỗi tối thứ Ba ở Plano, tôi cạnh tranh cùng một cua-rơ lớn tuổi hơn và cũng là người tôi không mấy thiện cảm. Khi chúng tôi vượt qua đoạn đua cuối, bất thình lình hai chiếc xe cọ quẹt vào nhau. Cả hai chúng tôi đều không muốn để mất chức vô địch vào tay đối phương nên đã xô đẩy nhau. Thậm chí chúng tôi đã có những hành động không hay khi về đích và sau đó cả hai lao vào một cuộc ẩu đả thật sự. Bác Jim và một vài người khác nhanh chóng tách tôi và vận động viên kia ra trước sự cười nhạo của mọi người vì sự quá khích của cả hai. Bác Jim thật sự tức giận vì hành động đó của tôi. Bác bước đến chỗ tôi và dắt chiếc xe đạp đi mất, để tôi đứng lại một mình giữa đám đông.
Đó là chiếc xe hiệu Schwinn Paramount, tôi đã từng cưỡi nó khi tham gia giải đua trẻ thế giới tại Moscow, và tôi rất muốn cùng nó đồng hành một lần nữa vào chặng đua diễn ra vào tuần tới. Mấy ngày sau sự cố đó, tôi tìm đến nhà bác Jim.
- Cháu có thể lấy lại chiếc xe đạp của mình không? – Tôi hỏi vẻ hối lỗi.
- Không! Nếu cháu muốn nói chuyện thì ngày mai hãy đến văn phòng của bác.
Tôi trở về nhà. Bác Jim thật sự nổi giận, tôi sợ bác sẽ không nhìn mặt tôi nữa. Điều bác không hài lòng nhất ở tôi chính là việc bác nhận ra tôi bắt đầu có thói quen quá coi trọng sự tranh giành thắng thua.
Vài ngày sau, bác Jim lấy lại cả chiếc ô tô của tôi. Tôi thật sự bị sốc. Tôi đã thanh toán chi phí chiếc xe đó, trị giá 5.000 đô-la, trong đó có cả số thù lao bác Jim đã trả cho tôi khi tôi còn tham gia câu lạc bộ do bác tài trợ. Lúc đó, tôi bắt đầu phẫn nộ, tôi đã phát điên lên. Chính vì vậy, tôi không muốn gặp bác Jim nữa. Tôi vừa tức giận vừa cảm thấy e ngại khi phải gặp bác.
Mãi nhiều năm sau, tôi mới gặp lại bác và trò chuyện lại như khi xưa.
Tôi rời thị trấn. Sau chuyến đi đến Colorado Springs và Moscow, tôi chính thức trở thành vận động viên của đội tuyển quốc gia Mỹ. Tôi nhận được một cuộc gọi từ Chris Carmichael, người điều hành mới của đội. Chris đã nghe mọi người kể về tôi và ông nhận thấy tôi rất có triển vọng nhưng cần phải đào tạo vững vàng hơn về mặt chiến thuật trong thi đấu. Lúc bấy giờ môn đua xe đạp không mấy thịnh hành ở Mỹ, do đó ông hy vọng sẽ tìm kiếm những tài năng trẻ và làm sống dậy môn thể thao này. Ông là người đã tạo nên những tên tuổi như Bobby Julich, George Hincapie(*****), và ông cũng kỳ vọng tôi sẽ trở thành một người như họ. Hơn lúc nào hết, tôi khao khát được vươn mình đến châu Âu để thỏa sức vẫy vùng.
***** Bobby Julich (sinh năm 1971), George Hincapie (sinh năm 1973) là hai tay đua nổi tiếng người Mỹ, cùng đội với Lance Armstrong.
Đã đến lúc tôi phải bước ra khỏi ngôi nhà của mình và để mọi người biết tôi là ai.