C
uộc sống của một vận động viên đua xe đạp luôn phải gắn liền với những con đường dài hun hút và điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Chân bạn luôn bám vào bàn đạp và phải ra sức đạp với tốc độ 30 km/giờ, có khi là 70 km/giờ liên tục mỗi ngày. Điều đó có nghĩa là bạn phải quen với việc vừa đạp xe vừa tranh thủ uống nước và nhai vội những thỏi kẹo, bởi vì với nhịp độ như thế mỗi ngày, cơ thể bạn tiêu hao từ 10 - 12 lít nước và đốt cháy đến 6.000 calo. Bạn hoạt động liên tục, thậm chí không được dừng lại dù chỉ là để mặc vội chiếc áo mưa. Không điều gì có thể ngăn sức tiến về phía trước của một cua-rơ khi anh ta đang dốc sức qua mặt các đối thủ khác. Dẫu phải đối mặt với những cơn mưa giông quất vào mặt rát bỏng, hoặc khi phải băng ngang những đoạn đường ẩm ướt trơn trượt hay rải đầy cát sỏi, bạn cũng không được chùn chân. Bạn phải luôn trong tư thế cảnh giác cao độ vì chỉ cần một phút sơ suất hay khi cua-rơ bên cạnh hãm phanh đột ngột, bạn cũng có thể bị ném văng khỏi đường đua.
Tôi vẫn chưa xác định rõ được hướng đi tương lai của mình là gì. Kể từ khi xa gia đình năm 18 tuổi, suy nghĩ của tôi về những cuộc đua rất đơn giản: chỉ cần leo lên xe, cố hết sức đạp thật nhanh và lao về đích. Mọi người từng gọi tôi là hung thần xa lộ, và cái biệt danh đó đã theo tôi đến tận bây giờ. Nghe có vẻ cũng hợp. Tôi là một người trẻ tuổi với bầu nhiệt huyết cuồn cuộn trong từng hơi thở, với khát khao học hỏi và chiến thắng. Tôi cũng từng có những phát biểu và hành động nông nổi mà đáng ra tôi không nên – nhưng tôi luôn cố gắng để không trở thành một kẻ lập dị trong mắt người khác. Tôi là một chú bò hùng dũng và hiếu chiến của Texas – như một tờ báo đã từng gọi.
Trong giải đấu quốc tế đầu tiên tôi tham gia – giải đấu nghiệp dư thế giới World Championships diễn ra năm 1990 ở Utsunomiya, Nhật Bản, tôi đã bướng bỉnh làm trái tất cả những dặn dò của huấn luyện viên. Chặng đua dài gần 190 km với một hành trình khó khăn buộc các cua-rơ trẻ phải thử sức bền trên những con dốc thẳng đứng. Thêm nữa, thời tiết hôm ấy rất oi bức khiến cả đoàn đua càng thêm vất vả. Tôi thi đấu với vai trò là thành viên của đội tuyển quốc gia Mỹ dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên Chris Carmichael.
Thời tiết nóng, gió lại ngược chiều vì vậy rất khó để bất kỳ cua-rơ nào duy trì ở vị trí dẫn đầu. Giải pháp tốt nhất cho tình thế này là điều phối sức và cố gắng giữ năng lượng cho những chặng quyết định. Và vì vậy Chris quyết định tôi phải lùi về cuối nhóm đua và chỉ khi được phép tôi mới được vượt lên. Chris nói:
- Tôi muốn cậu chờ đợi cơ hội. Tôi không muốn thấy cậu cản gió cả đội và tiêu hao năng lượng quá sớm.
Tôi đồng ý và chuyển xuống cuối đoàn đua. Ở chặng đầu tiên, tôi tuân theo chỉ định này, nhưng khao khát muốn được thử thách đã không kìm giữ nổi đôi chân tôi lại. Tôi bắt đầu tăng tốc. Qua chặng thứ hai, tôi vươn lên tốp dẫn đầu, rồi dồn sức lao nhanh về phía trước. Vừa trông thấy tôi, Chris đã hét lớn: “Anh đang làm gì thế?”.
Tôi đang làm gì ư? Tôi chỉ đang cố gắng vượt lên, tôi muốn thử sức và chứng tỏ mình. Tôi liên tục dẫn dầu ở ba chặng tiếp theo, bỏ xa các cua-rơ khác với thời gian gần một phút rưỡi. Nhưng niềm hân hoan vì đang là người dẫn đầu chưa được bao lâu thì bỗng nhiên, tôi cảm nhận những luồng gió nóng hắt vào mặt mình bỏng rát. Ngay sau đó, khoảng ba mươi cua-rơ khác trờ lên bắt kịp tôi. Trong khi phía trước còn hơn nửa chặng đua phải hoàn thành thì tôi đã đuối sức. Tôi đã cố hết sức để duy trì vị trí dẫn đầu nhưng hoàn toàn kiệt sức. Bị choáng do thời tiết quá nóng bức và do đoạn đường quá dốc, tôi bị rơi lại phía sau. Kết quả là tôi về đích thứ mười một.
Tuy nhiên, tôi vẫn được ghi nhận là vận động viên người Mỹ xuất sắc nhất từ trước đến nay. Và ngay khi cuộc đua vừa kết thúc, tôi thấy Chris tỏ vẻ hài lòng hơn là nổi giận. Sau đó, chúng tôi hẹn gặp ở quầy rượu khách sạn để trò chuyện. Tôi không chắc lắm về cảm giác của mình đối với Chris. Lần đầu khi tôi tham gia đội tuyển quốc gia Mỹ, Chris đã chia đội thành hai nhóm, và tôi được liệt vào nhóm những cua-rơ hạng B. Lúc đó tôi nghĩ mình sẽ không thể tha thứ cho anh ta vì đã đánh giá thấp tôi như thế. Tuy nhiên, tôi biết rằng Chris từng là vận động viên Olympic và lúc trẻ, anh đã có cơ hội cọ xát cùng cua-rơ huyền thoại Greg LeMond, nên anh là người rất có kinh nghiệm trong thi đấu và có khả năng phát hiện những tài năng trẻ.
Chúng tôi nhấm nháp chút rượu Kirin và trao đổi với nhau về một ngày vất vả đã qua - cả hai không giấu được nụ cười. Rồi Chris tỏ ra nghiêm túc. Anh chúc mừng tôi vì kết quả đạt được: “Cậu không hề sợ thất bại. Cậu rất quyết đoán. Tôi không biết mình sẽ làm gì nếu bị đuổi kịp”. Tôi ngất ngây với những lời tán dương đó.
Nhưng Chris nói thêm: “Tuy nhiên, nếu cậu biết mình đang làm gì và giữ sức tốt hơn, rất có thể cậu đã giành được huy chương”.
Tôi đã được ghi nhận là vận động viên người Mỹ xuất sắc nhất từ trước đến nay, thế mà Chris lại tỏ ý là những nỗ lực của tôi vẫn chưa đủ? Nói thẳng ra thì anh ấy muốn nói rằng tôi đã phá hỏng cơ hội chiến thắng của mình. Chris tiếp tục: “Tôi nói nghiêm túc đấy. Cậu hoàn toàn có thể đạt thành tích tốt hơn. Tôi tin một ngày nào đó cậu có thể sẽ trở thành nhà vô địch thế giới, tuy nhiên cậu vẫn còn phải học hỏi thêm nhiều”.
Chris nói thêm: “Cậu hãy nhìn xem. Tất cả những tay đua ở đây đều có thể lực ngang hoặc tốt hơn cậu. Chính vì vậy, cậu nên biết rằng thể lực không phải là yếu tố phân định thắng thua mà chính là chiến thuật thi đấu”.
Trong năm đầu tiên đó, tôi bắt đầu tích lũy kinh nghiệm bằng cách tham gia những giải đấu ở châu Âu, bởi vì chỉ khi dốc sức mình trên những chặng đua kéo dài hàng trăm dặm, tôi mới có thể cọ xát và rút ra những bài học cần thiết cho mình trước khi có thể bước vào những giải đấu lớn.
Nhà tôi nằm ở vùng trung tâm Texas, nơi có con sông Colorado uốn quanh. Ở Austin, dường như không ai quan tâm đến chuyện bạn mặc gì hay bạn là ai. Bạn sẽ thấy hiếm có hai người nào có phong cách ăn mặc giống nhau, và một số người thuộc tầng lớp thượng lưu đôi khi lại ăn mặc như những kẻ du mục. Dường như Austin là thành phố dành riêng cho những người trẻ tuổi với phố xá đầy các hàng quán, câu lạc bộ đêm nhộn nhịp trên Đường số 6, một cửa hàng ngay giao lộ Tex-Mex nơi tôi có thể ghé qua để tham gia cuộc thi ăn ớt khô.
Ngoài ra, Austin còn là một thành phố tuyệt vời để tập luyện bởi giao thông ở đây khá thông thoáng với rất nhiều làn đường dành riêng cho xe đạp và những con đường mòn, do đó bạn có thể ung dung khám phá cảnh vật khi ngồi trên yên xe. Từ thời sinh viên, tôi đã thuê một ngôi nhà nhỏ gần khuôn viên Đại học Texas, và hàng ngày tôi vẫn thích cảm giác được vi vu trên yên xe hơn là phải giam mình trong lớp học.
Tôi dần phát hiện ra rằng đua xe đạp là môn thể thao đòi hỏi rất cao cả tinh thần đồng đội lẫn năng lực cá nhân của từng cua-rơ. Trong một đội, mỗi tay đua đều có một nhiệm vụ riêng và phải chịu trách nhiệm trên một đoạn đường đua nhất định. Những cua-rơ giữ tốc độ bình ổn và có xu hướng lùi về phía sau được gọi là domestique (người yểm trợ) - họ lập thành một dàn bao hỗ trợ cho các đồng đội ở trước, nhiệm vụ của họ là chắn gió cho đồng đội và bảo vệ đội trưởng trong những đoạn đua khó. Người đội trưởng chính là người chỉ huy cả đội, cũng là người có nhiều khả năng chạm đích đầu tiên. Tôi khởi đầu sự nghiệp với vai trò là một domestique, nhưng với năng lực của mình, tôi dần vươn lên trở thành đội trưởng.
Tôi bắt đầu tìm hiểu về kỹ thuật peloton – một kỹ thuật đòi hỏi một nhóm các cua-rơ phải chạy gần nhau để cản sức gió và đỡ tiêu hao năng lượng. Người xem có thể thấy các tay đua có vẻ đeo bám nhau khá quyết liệt nhưng thực chất đây là kỹ thuật đòi hỏi ở họ sự hợp tác và tinh thần đồng đội tuyệt đối. Tốc độ của những nhóm peloton không đồng nhất. Có khi, các cua-rơ giữ tốc độ chỉ khoảng 30 km/giờ, vừa chạy vừa tán gẫu cùng nhau. Cũng có lúc, cả nhóm tỏa ra khắp đường đua và tăng tốc đến hơn 60 km/giờ. Trong giai đoạn peloton, các cua-rơ được quyền thỏa hiệp với nhau: Hãy hỗ trợ tôi hôm nay và ngày mai, tôi sẽ hỗ trợ anh. Tất nhiên, bạn không thỏa hiệp những chuyện tiêu cực trong thi đấu như bán độ, mà chỉ là hỗ trợ nhau về mặt chiến thuật.
Vấn đề cạnh tranh giữa các đội nhóm trong thi đấu khá khắc nghiệt và từng khiến nhiều vận động viên trẻ như tôi phải bối rối. Lúc vừa chập chững bước vào các giải đấu lớn, tôi đã có một bài học đắt giá về vấn đề này. Mặc dù đang là thành viên của tuyển Mỹ với mong muốn trở thành một tay đua chuyên nghiệp, nhưng tôi vẫn giữ chân trong đội tuyển của Subaru-Montgomery. Như vậy, trên thực tế, tôi vừa thi đấu cho đội tuyển quốc gia Mỹ dưới sự quản lý của Chris Carmichael, vừa tham gia đội Subaru-Montgomery.
Sự việc diễn ra năm 1991, khi tôi theo chân đội tuyển quốc gia Mỹ ra nước ngoài để tham dự giải đấu danh tiếng của Ý, giải Settimana Bergamasca. Giải đấu lần này quy tụ khá nhiều cua-rơ chuyên nghiệp. Các cua-rơ phải trải qua một chặng đua kéo dài mười ngày vòng quanh phía bắc nước Ý. Cho tới thời điểm đó chưa có một vận động viên người Mỹ nào vinh dự đạt giải cao nhất. Tham dự giải lần này, toàn đội chúng tôi – dưới sự dẫn dắt của Chris – tràn ngập niềm tin mình sẽ làm nên lịch sử.
Tuy nhiên, điều không may là đội Subaru-Montgomery cũng tham gia giải đấu. Tôi có cảm giác mình phải đối đầu với họ khi khoác trên người bộ trang phục thi đấu của đội tuyển quốc gia, trong khi họ - những người từng là đồng đội của tôi – lại khoác những chiếc áo của Montgomery. Điều đó có nghĩa là trên đường đua, những người đồng đội của tôi lại trở thành đối thủ mà tôi phải dè chừng.
Khi chặng đua bắt đầu, Nate Reese - tay đua của đội Subaru-Montgomery và cũng là bạn tôi vượt lên dẫn đầu. Khi ấy, tôi theo sát ở phía sau. Tôi cảm thấy rất hào hứng vì trong giải đấu quan trọng này, cả hai đội của Mỹ đều đang ở vị trí dẫn đầu đoàn đua. Nhưng người quản lý của đội Subaru-Montgomery tỏ ra không hài lòng khi thấy tôi ở thành phần đối thủ. Trong thời gian tạm nghỉ giữa hai chặng đua, ông gọi tôi đến và nói: “Cậu phải hỗ trợ cho Nate đấy”. Tôi nhìn ông ấy, vẫn chưa rõ ý ông là thế nào. Chẳng lẽ ý ông ấy là tôi nên lùi lại và hòa vào nhóm cuối để làm dàn bao bảo vệ cho Nate? Nhưng đúng là ông ấy muốn vậy. Ông ra lệnh cho tôi phải từ bỏ tham vọng về đầu, ông nói thẳng thừng: “Cậu không được phép đánh bại chúng tôi”.
Tôi không muốn quay lưng với đội tuyển quốc gia, mặc dù tôi biết mọi điều kiện của đội đều không bằng những đội khác. Chúng tôi phải ở trong một khách sạn nhỏ rẻ tiền, ba người dồn hết vào một phòng và không ai trong chúng tôi rủng rỉnh tiền bạc cả. Chúng tôi phải tiết kiệm đến nỗi Chris chấp nhận chùi rửa lại những chai nước mà nhóm đã sử dụng để dùng lại, trong khi những đội tuyển khác như đội Subaru-Montgomery đều được cung cấp nước hàng ngày trong những chai mới tinh. Nếu tôi có thể chiến thắng tại giải đấu Settimana Bergamasca, đây sẽ là chiến thắng vĩ đại của đội nói riêng và bộ môn đua xe đạp của Mỹ nói chung. Tuy nhiên, người quản lý đội Subaru-Montgomery lại bảo tôi phải từ bỏ tham vọng giành lấy chức vô địch.
Tôi đến gặp Chris và kể cho anh nghe tất cả. Chris chỉ nhẹ nhàng động viên: “Lance này, chặng đua này là dành cho cậu. Cậu sẽ chiến thắng”.
Ngày hôm sau, tôi xuất hiện trên đường đua với phong độ tốt nhất. Bạn hãy thử tưởng tượng: chúng tôi đang leo dốc với một nhóm peloton cả trăm người. Tôi dần bỏ xa năm mươi vận động viên, rồi hai mươi, rồi mười người tiếp theo cũng bị bỏ lại phía sau. Nhóm dẫn đầu chỉ còn khoảng 15-20 người. Tất cả đều đang bắt đầu kiệt sức. Nhưng nếu muốn chiến thắng, bạn phải cố gắng tiếp tục tăng tốc để loại bỏ dần đối thủ. Đó là luật của đường đua.
Tôi chợt nhớ đến trách nhiệm phải đợi Nate. Nate còn cách tôi một đoạn khá xa. Tôi tự nhủ: “Nếu anh ta đủ sức để vượt lên đây thì tốt rồi. Còn nếu anh đã bị rớt lại phía sau thì mình không thể phí thời gian để đợi”. Và quả thực Nate không còn đủ sức để tiến lên cạnh tôi. Thế là tôi dồn hết sức và lao đi như tên bắn.
Tôi hòa cùng các cua-rơ dẫn đầu, và ở chặng đua này tôi đã cán đích đầu tiên, trong khi đó Nate cán đích sau tôi gần hai mươi phút. Người quản lý của đội Subaru-Montgomery tỏ ra rất tức giận. Sau đó, ông đến gặp Chris và tôi rồi hậm hực: “Các người nghĩ mình đang làm cái quái gì thế?”. Chris đứng ra bênh vực cho tôi:
- Đây là một cuộc thi đấu và cậu ấy muốn chiến thắng.
Một mặt, tôi cảm thấy mình như bị chèn ép và cô lập. Mặt khác, trong tôi dấy lên một cuộc đấu tranh nội tâm khi thấy mình có lỗi với những người từng là đồng đội của mình. Đêm đó, Chris và tôi trò chuyện cùng nhau. Anh nói: “Hãy nghe này, nếu ai đó bảo rằng cậu nên nhường đối thủ thì chẳng qua là họ chỉ đang nghĩ đến lợi ích của họ và không hề quan tâm đến những điều tốt nhất cho cậu. Đây là chặng đua lịch sử và chưa từng có một vận động viên người Mỹ nào giành được chiến thắng. Tôi thấy cậu hoàn toàn có khả năng. Nếu thắng, sự nghiệp của cậu sẽ tiến xa hơn nữa. Vả lại, cậu đang khoác trên người màu áo của đội tuyển Mỹ. Tất cả người Mỹ đang trông chờ ở cậu”.
Đúng, tôi cần phải chứng tỏ khả năng của mình. Đó chính là khát khao của tôi từ những ngày đầu làm quen với chiếc xe đạp. Vậy thì tại sao tôi phải dừng lại và nhường chiến thắng cho người khác trong khi tôi hoàn toàn xứng đáng? Tuy nghĩ vậy nhưng tôi vẫn lo ngại người quản lý đội Subaru-Montgomery sẽ dùng báo chí để mỉa mai, châm chọc và phá hỏng tương lai của tôi.
Chris như đoán được sự phân vân của tôi: “Đừng lo gì cả. Hãy cứ làm những gì cậu cho là đúng. Nếu cậu chiến thắng, cậu sẽ làm chủ mọi tình huống”.
Tôi rất muốn được nói chuyện cùng mẹ. Khó khăn lắm tôi mới truy được số điện thoại và dò hỏi cách gọi về Mỹ, rất may là cuối cùng tôi cũng được nghe giọng nói của bà.
- Này con trai, có chuyện gì thế?
Tôi giải thích với bà về mọi chuyện. Sự thất vọng và chán chường nghẹn lại nơi cổ họng tôi.
- Mẹ à, con thật sự không biết phải làm gì nữa. Con đang là một trong những vận động viên có nhiều khả năng chiến thắng nhất, nhưng người quản lý của đội Subaru lại ra lệnh cho con phải để Nate Reese chiến thắng.
Mẹ lắng nghe tôi rồi nói:
- Lance này, nếu con có đủ lòng tin mình sẽ chiến thắng, hãy cố gắng hết sức vì niềm tin đó.
- Con nghĩ là con có thể.
- Vậy hãy tuyên chiến với những kẻ cản đường con. Con sẽ thắng. Đừng để ai dọa dẫm con – hãy vững tin, tập trung vào chặng đua và dốc sức lao về đích.
Được mẹ khích lệ, ngày hôm sau, tôi chỉ tập trung vào chặng đua và cố hết sức để lao về đích. Đối với các cổ động viên người Ý, tôi chỉ là một cua-rơ trẻ mới gia nhập làng thể thao đua xe đạp, chính vì vậy khi tôi vươn lên dẫn đầu, mọi người tỏ ra rất ngạc nhiên và có phần hơi quá khích. Họ ném những vật cản như chai lọ thủy tinh, đinh bấm xuống đường với ý định làm nổ lốp xe của tôi. Nhưng dần dần, có lẽ do sự hấp dẫn và mong chứng kiến những bất ngờ của chặng đua, các cổ động viên bắt đầu ưu ái và ủng hộ cho tôi nhiều hơn. Khi tôi cán đích, họ còn vẫy tay chúc mừng tôi.
Tôi đã chiến thắng. Vậy là tôi đã làm được – mang vinh dự về cho đội tuyển quốc gia Mỹ ngay trên đường đua châu Âu. Cả đội ngất ngây trong niềm vui chiến thắng. Khi tôi vừa bước xuống bục nhận huy chương, Chris cười nhìn tôi và nói: “Cậu đang tiến rất gần đến giải đấu Tour de France đấy!”.
Đua xe đạp là môn thể thao lấy đi sức trẻ của các vận động viên nhiều hơn là mang lại cho họ những tưởng thưởng xứng đáng. Tôi đã có một trải nghiệm không mấy tự hào tại giải đấu Barcelona Games khi đứng thứ mười bốn trên bảng xếp hạng. Lúc đó, tự nhiên trong tôi thôi thúc một ý định phải gây ấn tượng với Jim Ochowicz - một trong những người có ảnh hưởng nhất đến làng thể thao đua xe đạp của Mỹ, người mà sau này đã cho tôi cơ hội quý giá được thử sức mình tại một đấu trường mới đầy cạnh tranh hơn. Mọi người vẫn thường gọi ông là Och. Och là người quản lý của một đội gồm chủ yếu các cua-rơ trẻ người Mỹ được hãng Motorola tài trợ. Ông đồng thời cũng là người khởi xướng môn thể thao này ở Mỹ: Năm 1985, Och thành lập một nhóm các cua-rơ đi thi đấu tranh giải tại các giải đấu nước ngoài, ông đã chứng minh được rằng cua-rơ người Mỹ hoàn toàn là một đối thủ đáng gờm ngay trên đấu trường truyền thống của môn đua xe đạp là châu Âu. (Một trong những cua-rơ từng có mặt trong đội của Och chính là Chris Carmichael. Một năm sau, năm 1986, Greg Lemond chiến thắng trong giải Tour de France và chính thức nâng tầm ảnh hưởng của các vận động viên người Mỹ trên đấu trường quốc tế).
Och luôn mong muốn tìm kiếm những cua-rơ trẻ người Mỹ đầy triển vọng và Chris đã giúp tôi chiếm được cảm tình cũng như sự chú ý của ông. Chris giới thiệu chúng tôi với nhau trong thời gian diễn ra giải Tour Du Pont – một cuộc đua lớn nhất được tổ chức tại Mỹ. Tôi đến gặp Och với một tâm trạng rất thoải mái.
Ấn tượng đầu tiên của tôi về Och là một người đàn ông đã ngoài bốn mươi tuổi nhưng rắn rỏi, ăn nói từ tốn, nhỏ nhẹ và có một nụ cười trìu mến. Tôi kể với ông về xuất thân của mình, ông nói với tôi rằng ông đang tìm kiếm một vận động viên đua xe đạp tiềm năng: một cua-rơ Mỹ trẻ tuổi có thể tiếp nối vinh quang của Lemond. Đội của Och đã bốn lần cử đại diện đến tham dự giải đấu lớn này nhưng chưa ai có thành tích nổi trội.
Och hỏi tôi muốn sự nghiệp của mình phát triển như thế nào. Tôi nói: “Tôi muốn trở thành cua-rơ xuất sắc nhất. Tôi muốn thử sức tại đấu trường châu Âu và được vinh danh như một cua-rơ chuyên nghiệp. Tôi không muốn mọi người tán dương tôi đơn thuần chỉ là một vận động viên có tài, tôi muốn được mọi người công nhận tôi là một tài năng thật sự”. Tham vọng của một thanh niên trẻ như thế rất đáng để Och lưu tâm. Thế là ông đặt vào tay tôi bản hợp đồng và thu xếp đưa tôi đến châu Âu.
Giải đấu đầu tiên tôi tham gia là giải Clásica San Sebastián. Có thể xem đây là một giải truyền thống nhà nghề và trên thực tế, chặng đua đòi hỏi vận động viên phải chạy trên 160 km mỗi ngày dưới mọi điều kiện thời tiết và địa hình. Điều đó đôi khi trở nên quá sức với các vận động viên. San Sebastián là một thành phố biển xinh đẹp thuộc xứ Basque, nhưng vào ngày đầu tiên thi đấu, bầu trời trở nên xám xịt, mưa như trút nước và thời tiết lạnh cắt da. Không gì khó khăn bằng việc đạp xe trong thời tiết như thế bởi vì bạn không có cách nào giữ ấm cho cơ thể. Chiếc áo khoác Lycra trở thành một lớp da mỏng thứ hai, hoàn toàn không thể ngăn được cái lạnh thấu xương đang ngấm dần vào da thịt. Ngoài ra, mưa như trút nước khiến cơ thể ướt sũng, cái lạnh khiến các cơ co cứng và rất khó vận động, điều này khiến bạn mất sức nhanh chóng.
Mưa vẫn không dứt suốt ngày hôm đó. Lúc mới xuất phát, tôi nhanh chóng bị bỏ lại phía sau. Khoảng cách này mỗi lúc một lớn khiến tôi chẳng mấy chốc đã bị rơi lại nhóm những cua-rơ cuối đoàn. Chặng đường phía trước như dài ra thêm khi một số cua-rơ bỏ cuộc vì không chịu đựng nổi thời tiết khắc nghiệt. Họ hãm phanh, từ từ cho xe tấp vào lề đường rồi bước xuống xe. Hình ảnh đó khiến tôi căng thẳng và cũng muốn bỏ cuộc. Tôi thật sự nản chí và chỉ muốn dừng lại ngay lập tức. Nhưng tôi không thể. Tôi không thể bỏ cuộc dễ dàng ngay trong chặng đua chuyên nghiệp đầu tiên của đời mình. Điều đó sẽ khiến tôi đánh mất niềm kiêu hãnh của bản thân. Những người đồng đội sẽ nghĩ như thế nào về tôi? Tôi không thể là người dễ dàng từ bỏ như thế.
Sao cậu lại bỏ cuộc dễ dàng như vậy?
Con trai, con không bao giờ được bỏ cuộc.
Năm mươi cua-rơ đã bỏ cuộc, nhưng tôi vẫn cố gắng bám trụ trên đường đua. Tôi cố gắng bám theo rồi nhập vào nhóm gồm 111 cua-rơ dẫn đầu. Tôi cán đích chậm hơn gần nửa tiếng so với người về đầu. Điều tôi nhớ nhất lần đó là khi tôi đang cố sức vượt qua con đèo cuối, đám đông cổ động viên người Tây Ban Nha hai bên đường đã cười nhạo tôi, họ nói: “Thật tội nghiệp cho kẻ về chót”.
Vài giờ sau, tôi đến phi trường Madrid và ngồi chết lặng trên ghế chờ. Trong tôi là một sự giằng xé nội tâm dữ dội: tôi muốn từ bỏ sự nghiệp đua xe. Chặng đua vừa qua đối với tôi là một thất bại thảm hại. Trên đường đến tham gia giải Clásica San Sebastián, tôi đã nghĩ mình sẽ có cơ hội chiến thắng nhưng giờ đây tôi đang tự hỏi liệu mình thật sự có đủ khả năng để cạnh tranh với những cua-rơ chuyên nghiệp tại một đấu trường lớn như châu Âu hay không. Tất cả mọi người đều chế giễu kẻ thất bại như tôi.
Để trở thành một cua-rơ chuyên nghiệp vất vả hơn tôi nghĩ rất nhiều. Tôi chưa từng tưởng tượng được nhịp độ trận đấu lại căng thẳng đến vậy, giải đấu càng lớn càng đòi hỏi vận động viên phải xử lý tình huống thật chuyên nghiệp và đặc biệt là sức khỏe phải ổn định. Bởi không chỉ có thời tiết mà sự cạnh tranh giữa các cua-rơ cũng hết sức khắc nghiệt. Tôi rút ra mấy cái vé máy bay. Trong số đó, có một tấm vé để quay về Mỹ. Tôi nghĩ liệu mình có nên dùng nó lúc này hay không: “Có lẽ mình nên về nhà và tìm một việc gì đó để làm thì hơn – một việc nào đó mà mình có thể làm tốt hơn là đua xe”.
Tôi bước đến buồng điện thoại gần đó và nhấc máy gọi cho Chris Carmichael. Tôi bày tỏ sự thất vọng của mình với anh và nói tôi dự định sẽ kết thúc mọi chuyện tại đây. Sau khi chăm chú lắng nghe tôi, Chris điềm tĩnh nói: “Lance này, cậu sẽ học được nhiều điều từ thất bại lần này hơn bất kỳ chặng đua nào trong đời cậu đấy”. Tôi đã không sai khi quyết định đến đây và cương quyết không bỏ cuộc giữa chừng để chứng minh với các đồng đội rằng tôi không phải là một cua-rơ tầm thường. Nếu họ đã đặt niềm tin vào tôi, họ cần biết rằng tôi không phải là kẻ dễ dàng từ bỏ trước bất kỳ tình huống nào.
Tôi trả lời Chris: “Thôi được, tôi sẽ tiếp tục”.
Tôi gác máy và lên chuyến bay đến nơi diễn ra giải đấu thứ hai. Tôi chỉ có hai ngày để chuẩn bị, và sau hai ngày, tôi sẽ tiếp tục có mặt tại đường đua để tham gia giải Championship of Zurich. Tôi phải lấy lại niềm tin và chứng minh năng lực của mình. Lần này, tôi sẽ không từ bỏ!
Tôi về nhì trong giải đấu tại Zurich. Tôi tập trung tấn công ngay từ đầu và duy trì nhịp độ đó trong suốt chặng đua. Với một cua-rơ bán chuyên nghiệp như tôi thì hai từ chiến lược nghe có vẻ to tát. Tất cả những gì tôi làm là gắng sức tập trung nhìn thẳng về phía trước và đạp thật nhanh. Khoảnh khắc bước lên bục để nhận huy chương, tôi cảm thấy lòng mình nhẹ hẳn. Tôi nghĩ thầm trong niềm vui sướng và hạnh phúc: “Mình có thể làm được mà”.
Tôi gọi cho Chris Carmichael. Anh rất vui khi biết tin. Chỉ trong vòng vài ngày, tôi từ một kẻ bại trận đã nhanh chóng lấy lại sự cân bằng và niềm kiêu hãnh của một vận động viên thực thụ. Tôi vẫn còn nhớ tiếng xì xào của mọi người bên ngoài khu vực thi đấu: “Cậu thanh niên này là ai? Năng lực cậu ta thế nào?”. Tôi thấy vui vì mọi người đã bắt đầu tò mò và muốn biết về mình.
Đó cũng chính là câu hỏi mà tự thân tôi phải có lời giải đáp.
Việc một người Mỹ tập luyện để tham gia vào giải đua xe đạp ở đấu trường châu Âu được ví von như một đội bóng chày của Pháp đi tham dự giải đấu quốc tế. Tôi là một kẻ tay ngang trong môn thể thao chú trọng về sức lực và thời gian này. Thậm chí, tôi vẫn chưa nắm rõ những quy định cũng như kỹ thuật khi tập luyện và thi đấu. Có thể nói rằng khí chất của người Texas không giúp tôi nhiều khi hòa nhập vào môi trường mới ở châu Âu.
Có một khác biệt lớn giữa bản tính thận trọng, dè dặt của các tay đua người châu Âu với sự bốc đồng, huênh hoang của người Mỹ mà tôi đang thừa hưởng. Cũng như phần lớn những người Mỹ khác, ngay từ nhỏ tôi đã quen với việc rong ruổi trên yên xe, nhưng mãi cho đến khi biết về chiến thắng của LeMond tại giải Tour de France năm 1986 thì tôi mới thật sự chú ý đến môn thể thao này. Tôi không hiểu biết nhiều về môn đua xe đạp, và cho dù có nắm rõ những kỹ thuật của nó, tôi vẫn chưa từng nghĩ mình sẽ gắn bó với nó như thế này. Sự thật là trước đây tôi không hề quan tâm đến môn đua xe đạp.
Tôi thi đấu chỉ vì tôi thích như vậy. Tôi muốn thể hiện sức trẻ và huênh hoang giơ nắm đấm khi hài lòng. Tôi chưa bao giờ chịu thua ai. Các phóng viên thích phong cách của tôi bởi vì tôi cá tính, tôi là một hình mẫu mới với họ. Nhưng trên thực tế, bản tính đó khiến tôi ngày càng có nhiều kẻ thù hơn.
Đường đua bao giờ cũng rộng đủ để các cua-rơ mặc sức di chuyển và tranh giành vị trí cho mình, đặc biệt là để hỗ trợ đồng đội. Trên một chặng đua dài, bạn cần giữ hòa khí với mọi người bởi có thể sau đó, bạn sẽ cần sự hỗ trợ của họ. Nhưng tôi lại không làm được như thế. Một phần cũng do bản tính của tôi: tôi khá bướng bỉnh và ngông cuồng, trong khi lại không hoàn toàn tự tin vào khả năng của mình. Tôi vẫn chỉ là một cậu thanh niên mới lớn đến từ Plano, chưa biết cách kiểm soát và điều khiển cảm xúc sao cho phù hợp.
Đôi khi trên đường đua, tôi quát tháo những vận động viên bên cạnh khi bước sang giai đoạn peloton: “Này, một là giữ tốc độ cho đúng, không thì biến khỏi đây đi!”. Tôi không hiểu vì lý do gì mà một số vận động viên lại hãm phanh và có xu hướng lùi lại phía sau trong giai đoạn peloton, có lẽ bởi vì đội trưởng của họ yêu cầu như vậy, hoặc cũng có thể do họ mất sức hay bị đau. Họ không có nghĩa vụ phải hỗ trợ tôi. (Nhưng thôi, tôi sẽ không khai thác vấn đề này nhiều, bởi vì đôi khi chính tôi cũng là người phải tách khỏi đoàn đua và lùi về sau do bị chấn thương).
Tôi phát hiện rằng trong giai đoạn peloton, những cua-rơ khác có thể cản đường bạn một cách dễ dàng, họ khiến bạn không thể vượt lên và về đích. Trong môn đua xe đạp có một thuật ngữ là “flicking”. Từ này bắt nguồn từ chữ ficken của tiếng Đức có nghĩa là “phá hỏng”. Nếu bạn cản trở một cua-rơ khác trong giai đoạn peloton, điều đó có nghĩa bạn đã khóa đường chạy của họ, ngăn họ không thể tiến lên phía trước. Có rất nhiều hình thức flicking trong môn đua xe đạp.
Một số vận động viên cản đường tôi, không muốn tôi chiến thắng chỉ vì họ không thích tôi. Họ tìm cách đẩy tôi ra khỏi nhóm dẫn đầu khi gần về đích. Họ cô lập, khóa đường đi của tôi và khiến tôi không thể tăng tốc; hoặc họ có thể tìm cách đẩy nhanh tốc độ trận đấu và buộc tôi phải nương theo nhằm làm tôi mất sức. Rất may, xung quanh tôi là một nhóm hỗ trợ đắc lực gồm Sean Yates, Steve Bauer và Frankie Andreu – những người luôn hết mình để giúp tôi hiểu rằng sự bướng bỉnh, huênh hoang chỉ khiến tôi gặp thêm rắc rối từ các đội bạn. Frankie thường nói: “Lance, cậu phải cố kiểm soát bản thân, cậu đang tạo ra quá nhiều kẻ thù đấy”. Dường như họ hiểu rằng tôi chỉ là một cậu thanh niên mới lớn và cần phải trải nghiệm nhiều hơn để có thể trưởng thành nên nếu tôi có làm gì khiến họ phật ý thì họ cũng sẽ thông cảm bỏ qua và chỉ bảo để tôi đi đúng hướng.
Trong những môn thể thao đòi hỏi tính tập thể thì đồng đội là những người rất quan trọng, trong môn đua xe đạp cũng thế. Đồng đội của tôi gồm tám người và phải nói rằng tôi cần sự hỗ trợ của tất cả tám người đó. Nhờ họ chắn gió phía trước mà trong lúc leo dốc, tôi có thể tiết kiệm được 30% năng lượng. Trong những ngày nhiều gió, cả tám người sẽ sắp xếp để chạy hàng ngang trước mặt tôi để làm lá chắn. Nếu không có họ, tôi phải tốn thêm 50% sức lực để vượt qua đoạn đường ngược gió như thế. Mỗi đội đều cần những cua-rơ chạy nước rút (sprinters) – nhiệm vụ của họ là leo dốc và sẵn sàng giúp đỡ để đồng đội chiến thắng. Điều quan trọng là bạn nhận ra và nắm rõ nhiệm vụ, vai trò của mỗi người đồng đội để trân trọng và không làm lãng phí công sức của họ. Och từng chia sẻ với tôi: “Cậu nghĩ xem, ai sẽ chấp nhận bỏ công sức vì một người không có khả năng chiến thắng?”. Đó là một câu hỏi mà tôi nghĩ mình sẽ phải luôn ghi nhớ.
Chiến thắng của bạn không chỉ thuộc về riêng bạn. Bạn cần đồng đội và thậm chí cả thiện chí từ phía các đối thủ. Chính vì vậy, bạn phải cư xử thế nào để mọi người muốn thi đấu cùng bạn và hỗ trợ khi bạn cần. Tuy nhiên, trong thời gian đầu, một vài đối thủ của tôi chỉ chực chờ để ném tôi ra khỏi cuộc đấu.
Khi ấy, tôi còn xem thường ngay cả những nhà vô địch châu Âu. Tại một trong những giải đấu chuyên nghiệp đầu tiên của mình, giải đấu Tour of the Mediterranean, tôi chạm mặt Moreno Argentin, một cua-rơ người Ý tài năng được rất nhiều người tôn sùng. Anh là ngôi sao sáng của môn đua xe đạp lúc bấy giờ, từng là cựu vô địch thế giới và đã tham gia rất nhiều giải đấu chuyên nghiệp ở châu Âu. Khi gặp anh ta, tôi bướng bỉnh tỏ vẻ thách thức. Chặng đua bắt đầu với 150 vận động viên cùng xuất phát, và ai cũng muốn tranh giành, chen lấn hòng hất cẳng đối thủ ra khỏi đường đua càng sớm càng tốt.
Khi tôi chạy ngang hàng với Argentin, anh ta quay sang nhìn tôi. Anh ta tỏ vẻ hơi ngạc nhiên và nói:
- Cậu làm gì ở đây thế, Bishop?
Câu hỏi của anh ta khiến tôi tức điên lên. Vậy ra anh ta không biết tên tôi à? Anh ta nghĩ tôi là Andy Bishop, một thành viên khác của đội tuyển Mỹ. Tôi thầm nghĩ: “Tên này thậm chí không biết mình là ai sao?”.
- Đồ chết tiệt, Chiapucci! – Tôi cố ý gọi anh ta bằng tên của một cua-rơ khác.
Argentin lại lộ vẻ ngạc nhiên không thể tả nổi. Argentin đang là một cua-rơ nổi tiếng và lẽ dĩ nhiên, tôi là gương mặt mới toanh của môn thể thao đua xe đạp và vì vậy, anh không thể biết tôi là ai. Vậy mà chỉ vì lý do đó, tôi gần như nguyền rủa Argentin. Nhưng rồi tôi sẽ cho anh ta biết tôi là ai.
Tôi quay sang và nói tiếp:
- Này Chiapucci, tên tôi là Lance Armstrong, và ngay khi chặng đua này kết thúc anh sẽ biết rõ tôi là ai.
Vậy là tôi đề ra mục tiêu của mình trong chặng đua này là làm sao để hất cẳng Argentin ra khỏi ngôi vị cao nhất. Nhưng cuối cùng, chính tôi mới là người bị bỏ lại. Đó là chặng đua ròng rã năm ngày, và do thiếu kinh nghiệm, tôi không còn đủ sức để bám trụ. Sau giải đấu, Argentin đến khu vực dành riêng cho đội của tôi và bắt đầu làm to chuyện. Anh ta nói với mọi người về thái độ thô lỗ của tôi. Vậy ra thái độ của các cua-rơ cũng là một điều mà tôi cần phải học hỏi: nếu một vận động viên trẻ gây chuyện, những vận động viên kỳ cựu trong đội sẽ có quyền loại anh ta ra khỏi trận đấu. Tôi hiểu ẩn ý từ những lời nói của Argentin, ý anh ta muốn răn đe những người đồng đội của tôi rằng: “Các cậu cần dạy cho cậu ta cách cư xử biết điều hơn nếu muốn tồn tại lâu với môn này!”.
Vài ngày sau, tôi tham gia một giải đấu khác ở Ý – giải Trophée Laigueglia. Mọi người đều đinh ninh Argentin sẽ là người chiến thắng. Tôi cũng biết điều đó. Tất nhiên ở Ý cổ động viên sẽ cổ vũ cho những tay đua người Ý, đặc biệt là đội trưởng Argentin. Nếu khôn ngoan, bạn không nên xem thường một cua-rơ nổi tiếng như Argentin ngay trên sân nhà của anh ta, ngay trước mặt những cổ động viên nhiệt tình và những nhà tài trợ. Nhưng khi tôi chạm mặt Argentin, tôi lại tiếp tục thách thức anh ta trong khi không một ai dám nghĩ đến điều đó, và lần này, kết quả bị đảo ngược một cách không ngờ. Tôi thắng.
Khi gần về đích, trên đường đua chỉ còn bốn cua-rơ là Argentin, Chiapucci, một cua-rơ người Venezuela tên là Sierra và tôi. Tôi tăng tốc để chạy nước rút và vượt lên dẫn đầu. Argentin không thể tin rằng anh ta đang có nguy cơ về sau tôi – một người Mỹ huênh hoang, bướng bỉnh. Ngay lập tức anh ta làm một điều khiến tôi nhớ mãi. Khi còn khoảng 8 km nữa đến đích, Argentin hãm phanh. Anh ta cố tình làm như thế, chấp nhận về thứ tư và không giành được chiếc huy chương nào. Tôi về đầu.
Bục đài nhận huy chương chỉ có ba chỗ và Argentin không hề muốn đứng cạnh tôi. Điều lạ là hành động này để lại ấn tượng trong tôi nhiều hơn bất kỳ một bài báo hay một cử chỉ tán dương nào khác. Bằng cách đó, Argentin muốn nói rằng trong mắt anh ta, tôi không đáng để tôn trọng.
Những năm sau đó, tôi trưởng thành hơn rất nhiều và đã biết xem trọng những đặc điểm riêng của người Ý như sự đúng mực, tế nhị trong cách hành xử, nghệ thuật kiến trúc, ẩm thực và tất nhiên không thể thiếu cua-rơ tài năng Moreno Argentin. Thật sự thì sau đó, Argentin và tôi đã trở thành những người bạn tốt của nhau. Tôi dần có nhiều thiện cảm với anh hơn. Mỗi khi gặp nhau, chúng tôi đều ôm chầm lấy nhau trong sự hân hoan theo đúng phong cách của người Ý và tất nhiên, không quên tặng cho nhau một nụ cười thân mật.
Sự nghiệp đua xe của tôi cũng bắt đầu thăng trầm qua thời gian. Tôi sẵn sàng tấn công đối thủ bất cứ khi nào có thể. Tôi chỉ tập trung vào chặng đua mà thôi. Ai đó cản đường tôi, tôi sẽ kháng cự bằng cách của riêng tôi.
Có những nốt trầm trong sự nghiệp bởi vì nói cho cùng, tôi vẫn là một cậu thanh niên háo thắng. Tôi cố gắng tuân theo những quy luật trên đường đua nhưng phần lớn tôi vẫn khá hung hăng và thường xuyên lặp lại cùng một lỗi: tôi thường đơn phương lao nhanh về phía trước và chạy một mình, đến gần cuối chặng tôi lại mất sức và chùn chân. Về sau, một trong những đồng đội của tôi vì quá bức xúc nên đã hét toáng lên:
- Cậu nghĩ mình đang làm cái quái gì thế, Lance?
- Tôi không làm gì cả. – Tôi lấy hơi để trả lời.
Nhưng tôi may mắn được thi đấu dưới sự dìu dắt của hai huấn luyện viên tài năng và tinh tế: tôi vẫn tiếp tục cùng Chris tập luyện trong đội tuyển quốc gia, đồng thời Och và người quản lý của đội, Henny Kuiper, phụ trách chăm lo cho tôi trong các giải đấu do hãng Motorola tài trợ. Hai bên vẫn thường trao đổi qua điện thoại về các hoạt động của tôi và họ cùng nhận ra một điều hết sức quan trọng: họ có thể huấn luyện tôi rất nhiều kỹ thuật, chiến lược nhưng không thể rèn luyện sức khỏe cho tôi. Bạn có thể dạy ai đó cách điều khiển thể lực của họ, nhưng bạn không thể dạy họ cách để họ trở nên khỏe mạnh và bền sức hơn.
Dù rằng bản tính ngang tàng, hung hăng của tôi không giúp tôi chiếm được thiện cảm của những cua-rơ khác trong giai đoạn peloton, nhưng Chris và Och tin tưởng rồi sẽ có lúc, nó sẽ phát huy tác dụng. Họ nhận ra trên đường đua, một cua-rơ không chỉ phải chịu đựng những cơn đau do chấn thương, mà còn phải biết cách để chế ngự và vượt qua nó. Chris và Och nhìn thấy trong cách tấn công của tôi chứa một bản năng vô cùng mạnh mẽ. Chris từng nói với tôi: “Chắc cậu chưa biết sẽ thế nào khi cậu cố tình đâm sầm vào ai đó đâu phải không? Liệu đó có còn là chuyện của cá nhân cậu nữa hay không? Đừng bao giờ hành động như vậy. Nó là con dao hai lưỡi đấy”.
Och và Chris cho rằng nếu tôi có thể kiểm soát bản thân, điều đó sẽ giúp ích nhiều cho sự nghiệp của tôi. Đồng thời, bằng trực giác họ nhận ra nếu họ la hét và quát tháo tôi, rất có thể tôi sẽ phản ứng theo chiều hướng tiêu cực. Vì vậy, họ muốn cảm hóa tôi dần dần.
Có những điều mà chỉ có trải nghiệm mới có thể giúp bạn trưởng thành, do đó, Chris và Och cố ý để tôi tự tìm hiểu. Ban đầu, tôi không đánh giá cao những cuộc đua và những cua-rơ khác. Tôi nghĩ: “Mình là người khỏe nhất, những vận động viên khác sẽ không thể đuổi kịp mình”. Nhưng khi đã nếm trải thất bại nhiều lần, tôi buộc phải nhìn lại, và đến một ngày tôi nghiệm ra rằng: “Nếu mình là người khỏe nhất, vì sao mình lại không thể chiến thắng?”.
Och và Chris là những thế hệ đàn anh kỳ cựu, và nhờ trải nghiệm, họ đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm thi đấu quý báu. Och chia sẻ với tôi: “Có những lúc việc tiêu hao năng lượng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cậu, nhưng cũng có những lúc điều đó chỉ làm lãng phí sức lực của cậu mà thôi”.
Tôi bắt đầu chịu tiếp nhận lời khuyên từ những cua-rơ nhiều kinh nghiệm hơn và chịu ép mình vào khuôn phép. Tôi ở cùng phòng với hai vận động viên lão làng là Sean Yates và Steve Bauer, và họ đã ảnh hưởng đến tôi rất nhiều. Tôi tiếp thu được nhiều kinh nghiệm quý báu và nhiều kiến thức khác mỗi khi cùng đi ăn với họ. Họ giúp tôi kiểm soát tính huênh hoang và bướng bỉnh của mình. Những lúc tôi biểu lộ sự ngông cuồng, liều lĩnh và phát ngôn kiểu như: “Chúng ta ra ngoài và kiếm ai gây sự đi” thì họ đều tròn xoe mắt nhìn tôi.
Och không chỉ huấn luyện tôi về mặt kỹ thuật và kinh nghiệm thi đấu, ông còn góp phần thay đổi nhân cách của tôi. Thời gian bảy tháng sống ở châu Âu khiến tôi chán ngấy, tôi nhớ cốc bia Shiner Bock và thức ăn Mexico, nhớ những cánh đồng đầy nắng gió ở Texas, nhớ ngôi nhà nhỏ của mình ở Austin – nơi tôi có treo một cái đầu bò ngay trên lò sưởi và tô điểm cho nó bằng một chùm lông vũ đủ màu đỏ, trắng, xanh dương và một ngôi sao Lone Star ở giữa trán. Tôi không ngớt lời than vãn về chuyện xe cộ, chuyện khách sạn rồi chuyện thức ăn không hợp khẩu vị. “Sao chúng ta lại ở một nơi tồi tệ thế này chứ?” luôn là câu cửa miệng của tôi. Tôi bắt đầu hiểu ra bản chất của môn đua xe đạp: những khó khăn, vất vả trên đường đua sẽ theo bạn về tận nơi ăn chốn ở. Trong số những nhà nghỉ mà chúng tôi đã ở, duy chỉ có nhà nghỉ Motel 6 là khá nhất. Đa phần các phòng khác đều bẩn: những mẩu bánh mì vụn rơi vãi trên nền phòng không được lót thảm, những sợi tóc bết dính vào gối và ra giường. Món thịt ở đây đối với tôi thật kỳ lạ, món mì ống thì lại nhầy nhụa trong nước xốt. Tuy nhiên, tôi buộc phải thích nghi được với điều kiện sống ở đây. Mọi người bắt đầu xem những lời phàn nàn của tôi như một thú vui nho nhỏ giúp họ cười sau những giờ phút mệt nhọc. Họ thường dừng xe cách nhà nghỉ khoảng vài trăm mét và chọc ghẹo để tôi bắt đầu bài sớ than phiền của mình.
Nhớ lại thời trai trẻ bất cần ấy, tôi vừa giận vừa thương chính mình. Đằng sau những lời nói thiếu suy nghĩ và bản tính ngông cuồng là nỗi sợ hãi mà tôi không thể nào chối cãi. Tôi sợ tất cả mọi thứ. Tôi sợ lịch huấn luyện dày đặc, sợ phi trường và cả những đoạn đường đua. Tôi sợ điện thoại vì tôi không biết cách quay số. Tôi sợ thực đơn trong các quán ăn vì tôi không thể đọc và hiểu chúng.
Tuy nhiên, cuộc sống ở châu Âu bắt đầu mang lại cho tôi nhiều vinh quang. Tôi thuê một căn hộ ở Hồ Como và rất thích thú với thành phố nhỏ đầy sương mờ ảo khuất sau dãy Alps của Ý. Och rất thích uống rượu và nhờ vậy tôi học được từ ông cách phân biệt những loại rượu hảo hạng nhất. Tôi nhận ra mình có khiếu về ngoại ngữ. Tôi bắt đầu học tiếng Tây Ban Nha, tiếng Ý, tiếng Pháp và thậm chí tôi vẫn có thể sống ở Hà Lan nếu tôi buộc phải như vậy. Tôi đi dạo quanh các cửa hàng ở Milan và chiêm ngưỡng những bộ quần áo mang đậm phong cách Ý. Một buổi trưa, tôi ghé thăm Đại Thánh Đường Duomo, khoảnh khắc đó tôi nhận ra nghệ thuật Ý thật tuyệt vời. Tôi bị choáng ngợp bởi màu sắc và lối trang trí của thánh đường. Tôi yêu nét cổ kính, nghiêm trang của mái vòm, những ánh nến lung linh huyền ảo và rất nhiều tấm kính có khả năng cộng hưởng âm thanh. Nghệ thuật điêu khắc vương giả, sang trọng nhưng vẫn tuân theo nguyên tắc tối giản đã tạo nên một thánh đường hoàn mỹ.
Tôi bắt đầu hiểu biết nhiều hơn. Kỹ thuật chuyên môn của tôi cũng đã được nâng cao. Och hài lòng khi nhận xét về biểu hiện của tôi: “Mọi chuyện đã đi vào quỹ đạo rồi đấy”. Sự thật là thế. Thrift Drugs, một nhà tài trợ người Mỹ, đã treo giải thưởng một triệu đô-la cho người giành chiếc cúp Triple Crown nếu chiến thắng cả ba giải đấu danh tiếng nhất nước Mỹ. Tôi cảm thấy hứng thú với thách thức này. Trên thực tế, không cuộc đua nào giống cuộc đua nào: để chiến thắng, bạn phải chinh phục chặng đua một ngày ở Pittsburgh, sau đó là chặng đua kéo dài sáu ngày ở West Virginia, cuối cùng là chặng đua dài 250 km trên mảnh đất Philadelphia của giải US. Pro Championships. Mọi người đều biết đây là một thách thức mà chỉ những vận động viên thực thụ mới có khả năng chiến thắng, và điều quan trọng, lòng kiên định chính là yếu tố cốt lõi quyết định thành công – điều mà tôi chưa có được.
Chúng tôi ngồi nói chuyện với nhau và thấy rằng không ai trong chúng tôi có đủ khả năng cũng như cơ hội chiến thắng. Một tối nọ, tôi gọi về nhà và trò chuyện cùng mẹ. Nghe chuyện, mẹ hỏi:
- Con sẽ được gì nếu con chiến thắng, Lance?
- Rất nhiều triển vọng cho sự nghiệp của con, mẹ à.
Mẹ đã động viên tôi rất nhiều. Sau đó không lâu tôi bước vào giải đấu. Thật ngạc nhiên khi trước tháng Sáu, tôi đã giành chiến thắng ở hai giải đấu đầu tiên. Giới truyền thông bắt đầu chú ý đến nhất cử nhất động của tôi và những nhà tài trợ không thể tin vào những gì đang diễn ra. Tôi chỉ còn một thử thách cuối cùng là giải US. Pro Championships diễn ra ở Philly và quanh tôi là 119 cua-rơ khác đang cố ngăn không cho tôi chạm vào chiếc cúp danh giá. Nhưng đồng đội và những người thân đều đặt niềm tin ở tôi. Theo ước tính, gần nửa triệu cổ động viên sẽ xuống đường dõi theo cuộc đua này.
Trước ngày thi đấu một ngày, tôi gọi điện cho mẹ để bảo mẹ bay đến Philadelphia xem tôi thi đấu. Tôi muốn nếu tôi chiến thắng thì khoảnh khắc đó sẽ có mẹ bên cạnh.
Tôi quyết tâm tập trung tuyệt đối vào chặng đua. “Chỉ nghĩ về chặng đấu mà thôi,” – tôi tự nhủ.
Biểu hiện của tôi rất tốt trong gần suốt chặng đua. Khi còn cách đích khoảng 32 km, tôi bắt đầu dồn sức tấn công. Tôi như cơn lốc lao nhanh qua thành phố Manayunk của Philadelphia. Tôi hưng phấn thật sự. Tôi không biết chuyện gì sẽ đến – tất cả những gì tôi còn nhớ là mình gần như đã rướn người đứng hẳn dậy và dồn hết sức vào đôi chân. Và rồi tôi nhận thấy mình đã tạo được một khoảng cách an toàn với nhóm cua-rơ phía sau.
Bước vào chặng đua về đích, tôi vẫn duy trì đủ khoảng cách an toàn đó. Và rồi, tôi chạm vạch về đích với một thời gian kỷ lục. Cả nhóm phóng viên vây lấy tôi, nhưng tôi nhanh chóng tách khỏi họ và chạy thẳng đến cạnh mẹ. Hai mẹ con tôi ôm chặt lấy nhau và không thể nén được niềm xúc động đang vỡ òa.
Chiến thắng đó mở đầu cho một mùa hè sôi động và đáng nhớ nhất của tôi. Ngay sau đó, tôi đến với giải Tour de France với một phong độ đáng gờm: trong chặng đua dài 183 km từ Châlons-sur-Marne đến Verdun, khi ở vị trí cách đích 80 km, tôi gần như húc vào hàng rào chắn khi chạy nước rút để tạo khoảng cách với các cua-rơ còn lại. Hai mươi mốt tuổi, tôi kiêu hãnh là vận động viên trẻ tuổi nhất chiến thắng trong một chặng đua của giải Tour de France.
Tôi muốn bạn hiểu rằng phải là một cua-rơ chuyên nghiệp thực thụ mới có thể hoàn thành chặng đua này. Tôi đã không thể giữ được phong độ trong vài ngày sau đó. Tôi bị bỏ lại phía sau từ chặng đua thứ mười hai và đứng ở vị trí thứ 97. Dãy Alps đã đánh gục tôi, nó “quá dốc và quá lạnh” – sau này tôi mới tâm sự với giới phóng viên như vậy. Tôi về đích muộn đến nỗi xe đưa đón của đoàn đã trở về khách sạn. Tôi phải dẫn xe ngược lên đoạn đường đầy sỏi để về phòng mình. Tôi chưa đủ kinh nghiệm và thể lực để vượt đèo.
Với bản tính hiếu thắng và cố chấp, thỉnh thoảng tôi vẫn thiếu kiên nhẫn trên các chặng đua. Bao giờ tôi cũng cố hết sức để tấn công ngay từ đầu để rồi sau đó kiệt sức dần. Dường như tôi không thể chấp nhận và không thể hiểu rằng để chiến thắng, tôi phải giữ năng lượng và tránh tiêu hao sức lực ở giai đoạn đầu. Phải mất một thời gian dài tôi mới hiểu được kiên nhẫn không phải là hành động chứng tỏ mình yếu sức, mà khi đã trên đường đua, một chiến thuật phù hợp sẽ giúp tôi có cơ hội chiến thắng nhiều hơn.
Chỉ một tuần trước giải vô địch thế giới, tôi phạm phải một sai lầm không đáng có trong lúc tranh giải tại Zurich và hậu quả là tôi không còn chút sức lực nào để chuẩn bị cho chặng đua quyết định. Một lần nữa, tôi không về đích ở nhóm hai mươi người dẫn đầu. Och lẽ ra đã nổi giận với tôi nhưng thay vì vậy, ông đã bay đến Zurich và luôn bên cạnh tôi hai ngày sau đó. Ông muốn chắc rằng tôi có thể tranh giải thế giới tại Oslo và điều đó chỉ có thể xảy ra nếu tôi biết giữ sức và có chiến thuật thi đấu khôn ngoan hơn. Och đã dạy tôi cách điều khiển sự ngông cuồng và hiếu thắng của mình. Ông từng nói:
“Điều duy nhất cậu cần phải học là chờ đợi. Hãy biết kiên nhẫn. Dồn sức ở những chặng đua đầu là quá sớm, nếu cứ tiếp tục cậu sẽ đánh mất cơ hội chiến thắng của mình đấy. Thời điểm thích hợp để cậu chạy nước rút là những chặng đua gần cuối, khi đó, cậu có thể mặc sức mà tấn công đối thủ”.
Giải vô địch thế giới quy tụ toàn những vận động viên đua xe đạp kỳ cựu. Tôi phải đối mặt với những vận động viên đang ở phong độ đỉnh cao, và một trong số đó là Miguel Indurain, người đã ba lần đoạt chức vô địch giải Tour de France. Nếu muốn chiến thắng, tôi phải đánh bại được những tên tuổi đã đi vào lịch sử này. Cho đến lúc đó, chưa một cua-rơ hai mươi mốt tuổi nào được xướng danh tại bệ đài của giải vô địch thế giới.
Vào những ngày gần kề của giải đua, tôi gọi cho mẹ và một lần nữa xin mẹ hãy đến bên cạnh tôi. Bởi đối với tôi, mẹ luôn là nguồn động viên lớn nhất trong những thời khắc quyết định. Tôi không muốn một mình vượt qua thử thách lần này. Hơn nữa, tôi thật lòng muốn bà nhìn thấy tôi kiêu hãnh và dũng mãnh trên đường đua như thế nào. Thế là mẹ tôi xin phép nghỉ việc ở công ty một vài ngày và bay đến chỗ tôi. Mẹ và tôi cùng ở một phòng trong khách sạn.
Bà chăm sóc tôi từng chút một, theo cách mà trước giờ bà vẫn quan tâm đến tôi. Bà giặt giũ, chăm lo cho tôi từng bữa ăn, trả lời điện thoại và luôn tạo cho tôi một bầu không khí nghỉ ngơi thoải mái. Tôi không phải giải thích với mẹ quá nhiều về cuộc thi hay tâm sự về cảm xúc của tôi lúc đó bởi lẽ mẹ là người hiểu tôi nhất. Càng gần ngày thi đấu, tôi càng ít nói. Tôi thường ngồi trầm tư và suy nghĩ về chiến lược tôi sẽ thực hiện trên đường đua. Mỗi tối, mẹ cố gắng đọc sách bên ánh đèn ngủ để tránh làm phiền tôi suy nghĩ hoặc nghỉ ngơi.
Cuối cùng, ngày quyết định đã đến. Lúc thức dậy, tôi thấy ngoài trời đang đổ mưa. Những giọt nước mưa bắn tung tóe và đập ầm ầm vào cửa sổ. Thật là một cơn mưa quái ác!
Suốt cả ngày hôm đó, mưa như trút nước. Mẹ phải hứng chịu cơn mưa đó còn nhiều hơn tôi. Bà ngồi trên khán đài suốt bảy giờ dưới trận mưa to. Có một màn hình điện tử lớn được đặt đối diện khán đài để các cổ động viên có thể theo dõi chúng tôi trên suốt chặng đua 18,4 km. Mẹ tôi ngồi đó, cả người ướt sũng và mắt không rời khỏi màn hình.
Trời mưa, mặt đường trở nên trơn trượt. Nhiều vận động viên bị mất thăng bằng và không thể điều khiển xe như ý muốn. Tôi cũng gặp chút rắc rối khi bị va quẹt hai lần. Nhưng sau mỗi sự cố, tôi nhanh chóng lấy lại thăng bằng và tiếp tục chạy.
Suốt chặng đua, tôi chờ đợi cơ hội để tấn công. Tôi di chuyển lùi lại phía sau theo lời khuyên của Och. Trong mười bốn vòng đua cuối, tôi liên tục có mặt trong nhóm dẫn đầu, bên cạnh tôi là Indurain - cua-rơ xuất sắc của Tây Ban Nha. Đến đoạn leo dốc trước khi về đích, tôi quyết định tấn công. Tôi dồn sức đạp nhanh lên đồi và bỏ lại nhóm dẫn đầu. Tận dụng độ nghiêng của đoạn dốc, tôi thả phanh tự do và rồi sau đó bật lên đến đầu đoạn dốc thứ hai - ngọn đồi Ekeberg. Các cua-rơ khác đang bám rất sát ngay phía sau tôi. Tôi tự nhủ: “Đã đến thời khắc quyết định, mình phải cố hết sức để về đích”. Tôi rướn người đứng hẳn dậy và tăng tốc. Lần này, tôi đã tạo được một khoảng cách khá xa với những cua-rơ còn lại.
Phía bên kia đồi Ekeberg là một đoạn dốc khá dài và nguy hiểm. Đoạn đường kéo dài khoảng 4 km và trong điều kiện mưa bão thế này, chuyện gì cũng có thể xảy ra – bánh xe có thể bị trật khỏi đường đua khi bạn bất cẩn lao mình xuống dốc. Nhưng tôi cố gắng giữ vững tay lái, và ở cuối đoạn dốc, tôi nghiêng đầu nhìn lại để theo dõi những vận động viên phía sau.
Không có ai cả.
Tôi đột nhiên hoảng sợ. “Mày lại phạm phải sai lầm một lần nữa sao Lance? Có phải mày đã tấn công quá sớm?”. Thậm chí tôi không nhớ nổi mình đang ở vòng đua thứ mấy. Ít nhất cũng phải còn một vòng đua cuối nữa, bởi vì nếu không, các cua-rơ khác sẽ không chịu thua tôi như vậy.
Tôi nhìn xuống chiếc máy tính nhỏ xíu được lắp ngay trên xe của tôi. Đây là vòng đua cuối.
Chiến thắng đang ở rất gần tôi.
Khi chỉ còn cách đích 700 mét, tôi bắt đầu hưng phấn lạ thường. Tôi giơ cao hai tay thể hiện niềm kiêu hãnh, tôi trao gửi đến tất cả các cổ động viên những nụ hôn và nghiêng mình chào đám đông đang phấn khích bên đường. Khi tôi chạm vạch về đích, tôi lao vút qua mặt mọi người như một tên lửa mới rời bệ phóng. Cuối cùng, tôi hãm phanh và bước xuống xe. Trong dòng người hâm mộ đang vây lấy mình, tôi nhìn quanh để tìm mẹ. Tôi chạy đến bên bà dưới cơn mưa tầm tã, tôi ôm mẹ trong niềm hạnh phúc. Tôi nói với mẹ: “Chúng ta đã làm được! Chúng ta làm được rồi!”. Và hai mẹ con tôi bật khóc.
Nghi thức trao huy chương diễn ra trong sự tung hô và cổ vũ nhiệt liệt của mọi người. Một nhân viên của đội bảo vệ đến gặp tôi và thông báo rằng Vua Harald của Na Uy muốn được gặp riêng để chúc mừng tôi. Tôi gật đầu và quay sang mẹ:
- Mẹ à, chúng ta cùng đi gặp đức vua nào.
- Được thôi, con trai. – Bà phấn khởi trả lời.
Chúng tôi đi đến khu kiểm tra an ninh. Sau đó, tôi và mẹ được dẫn đến căn phòng nơi đức vua đang đợi. Một nhân viên ngăn chúng tôi lại và nói:
- Rất tiếc là bà đây phải ở lại bên ngoài. Đức vua chỉ gặp riêng anh mà thôi.
- Tôi sẽ không đi nếu không có mẹ tôi đâu. – Tôi trả lời.
Nói xong, tôi choàng tay qua vai bà.
- Chúng ta đi thôi, mẹ. - Tôi chưa từng có ý nghĩ sẽ đi đâu mà không có mẹ bên cạnh.
Anh nhân viên an ninh tỏ ra nhân nhượng:
- Thôi được. Mời đi theo tôi.
Đức vua là một người nhân hậu và tốt bụng. Cuộc gặp gỡ của chúng tôi diễn ra nhanh chóng nhưng khá ấm cúng. Sau đó, tôi và mẹ trở ra ngoài và hòa cùng mọi người chung vui niềm vui chiến thắng.
Chiến thắng này của tôi đã đưa mẹ và tôi bước sang một bước ngoặt mới. Mọi khó khăn, vất vả của cuộc sống đã kết thúc, sẽ không còn ai xem thường và nhìn chúng tôi bằng ánh mắt thương hại nữa. Chúng tôi cũng sẽ không quá đau đầu với việc thanh toán hóa đơn hằng tháng và những chi phí trang trải trong gia đình. Có lẽ, thời niên thiếu đầy khó khăn, vất vả của tôi đã kết thúc.
Dù đã trở thành nhà vô địch thế giới, nhưng tôi vẫn còn phải học rất nhiều điều, và khoảng thời gian ba năm sau đó chính là lúc để tôi rèn luyện sức khỏe cũng như kỹ năng thi đấu. Tôi tiếp tục đạt được những thành công khác, nhưng kể từ đây, cuộc sống của tôi sẽ đổi khác. Tôi phải học cách trưởng thành từng ngày và cố gắng tạo ra những dấu ấn dù là nhỏ nhất để tạo nên sự khác biệt.
Để trở thành người chiến thắng, bạn phải tuân theo các chiến thuật thi đấu và rèn luyện khoa học. Các cổ động viên thường không nhìn thấy những mặt kỹ thuật phức tạp của môn đua xe đạp. Đằng sau ánh hào quang của chiếc huy chương là những quy định đòi hỏi các cua-rơ phải tuân thủ tuyệt đối. Chiến thắng trên đường đua thường thuộc về người biết nhu, cương đúng lúc tùy theo từng hoàn cảnh và điều kiện thời tiết, hay chỉ đơn giản là tận dụng được lợi thế từ vị trí xuất phát ban đầu. Các cua-rơ cũng là những người phụ thuộc rất nhiều vào các thiết bị điện tử. Khi di chuyển trên đường đua, chúng tôi phải dựa vào những tính toán phức tạp về nhịp thở, thể lực, mức độ hiệu quả và mức tiêu hao năng lượng. Tôi cũng thường phải ngồi trên xe đạp, chỉ ngồi yên rồi quan sát và lựa chọn xem vị trí ngồi nào có thể giúp tôi rút ngắn thời gian về đích được vài giây.
Vài tuần sau chiến thắng tại giải vô địch thế giới, tôi được mời đến một phòng thí nghiệm của Trung tâm huấn luyện Olympics ở Colorado Springs cùng Chris Carmichael. Dù suốt cả năm tôi đã có những thành tựu rất đáng nể phục nhưng phải thừa nhận rằng tôi đã xuống sức khá nhiều. Tôi ở lại phòng thí nghiệm trong nhiều ngày, cơ thể dính đầy những mẫu băng điện để đo các chỉ số cơ thể; ngoài ra, các bác sĩ liên tục làm các xét nghiệm máu cho tôi. Mục tiêu của cuộc kiểm tra là xác định ngưỡng chịu đựng và giới hạn của những chỉ số trong người tôi, đồng thời tìm cách nâng cao mức độ sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng quan trọng đó. Họ theo dõi nhịp tim, nồng độ VO2 tối đa và chỉ trong vòng một ngày, bác sĩ đã ghi nhận nhịp tim của tôi đến mười lăm lần để kiểm tra lưu lượng máu.
Mọi người muốn xác định đâu là mức nỗ lực cao nhất mà tôi có thể đạt được và tôi có thể duy trì nó trong khoảng thời gian bao lâu. Họ bắt đầu bằng việc tìm hiểu tốc độ quay bàn đạp của đôi chân và truy tìm những điểm yếu trong kỹ thuật đạp xe khiến tôi bị tiêu hao năng lượng một cách lãng phí. Đôi lúc, tôi dùng sức quá nhiều nhưng hiệu quả không cao. Họ quyết định đi đến đường đua để quan sát tư thế ngồi của tôi trên xe và tìm nguyên nhân khiến tôi bị mất nhiều năng lượng. Mục tiêu cuối cùng của cuộc kiểm tra này là nhằm giúp tôi phát huy được tốc độ cao nhất tương ứng với mức sử dụng năng lượng thấp nhất. Các chuyên gia khuyên tôi nên cúi người thấp hơn khi di chuyển trên xe và nhờ vậy, thành tích của tôi tiến bộ thấy rõ.
Cũng trong khoảng thời gian đó, tôi có cơ hội gặp cua-rơ huyền thoại người Bỉ Eddy Merckx, người từng năm lần chiến thắng giải Tour de France và cũng là một trong những cua-rơ có khả năng tấn công mạnh nhất của làng đua xe đạp. Tôi đã từng nghe qua rất nhiều câu chuyện về Merckx – đó là một vận động viên dũng mãnh, kiên cường và rất khó đánh bại. Tôi nghĩ đây chính là mẫu người mình đang phấn đấu trở thành. Khao khát của tôi không chỉ là chiến thắng, tôi muốn chiến thắng bằng một cách rất riêng – cách của Lance Armstrong! Chúng tôi nhanh chóng trở thành bạn của nhau. Eddy nói rằng một ngày nào đó, tôi sẽ chinh phục thành công những chặng đua đầy khó khăn và thử thách của giải Tour de France – nhưng để được như vậy, tôi cần giảm cân và phải cố gắng nhiều hơn nữa. Thời điểm đó, dáng người tôi khá to cao, cổ tròn to và nhiều cơ bắp – kết quả của quá trình hăng say tập luyện cho môn bơi lội và điền kinh trước đây. Eddy giải thích rằng rất khó để tiêu hao ngần ấy năng lượng trong vòng ba tuần. Tôi vẫn còn dựa vào thể lực tự nhiên của mình quá nhiều. Để chiến thắng tại giải Tour de France, tôi phải tìm cách giảm bớt cân nặng mà không làm tiêu hao năng lượng. Tôi hiểu đã đến lúc mình thấm nhuần một bài học mới – bài học mang lại nguồn sức mạnh quan trọng cho tôi: tính kỷ luật.
Trước năm 1995, tôi vẫn chưa thể hoàn thành tất cả các chặng đua của giải Tour de France mà chỉ có thể hoàn thành từng chặng. Các huấn luyện viên của tôi cho rằng tôi vẫn chưa thật sự sẵn sàng cho giải đấu quan trọng và danh tiếng này. Họ nói không sai. Tôi không đủ chuẩn về thể lực cũng như chưa thật vững vàng về mặt tinh thần để vượt qua những thách thức của vòng đua. Một cua-rơ trẻ phải từng bước chinh phục các chặng đua và tích lũy kinh nghiệm trong nhiều năm trước khi anh ta thật sự sẵn sàng cho chiến thắng cuối cùng tại một giải đấu lớn như Tour de France một cách thuyết phục nhất. Thành tích của tôi đã tiến bộ rất nhiều so với khi mới vào nghề: năm 1994, tôi về nhì tại giải Liège-Bastogne-Liège, giải San Sebastián và Tour Du Pont. Sang đầu năm 1995, tôi chinh phục giải San Sebastián và Tour Du Pont. Och cho rằng đã đến lúc tôi chuẩn bị cho một thử thách mới trong sự nghiệp, tôi cần hoàn thành các chặng đua của giải Tour de France. Và tôi bắt đầu luyện tập và học hỏi để chuẩn bị cho giải đấu lớn nhất thế giới - Tour de France.
Mọi người biết đến tôi như một cua-rơ trẻ chuyên trị các chặng đua truyền thống chỉ diễn ra trong một ngày. Hãy chỉ cho tôi vạch xuất phát và tôi sẽ lần lượt vượt mặt các cua-rơ để hùng dũng lao nhanh về đích. Tôi có thể ép mình chịu đựng những cơn đau cùng cực và tôi có thể cho các cua-rơ khác một bài học nếu họ cản đường tôi.
Nhưng giải Tour de France mang một phong cách khác. Nếu bạn thi đấu theo kiểu bất cần như tôi, bạn sẽ phải bỏ cuộc chỉ trong hai ngày. Bạn cần có một tầm nhìn rộng hơn để cân nhắc các thủ thuật và chiến lược quan trọng. Điều quan trọng là bạn biết tập trung sức lực vào những chặng đua quan trọng tại các thời điểm thích hợp nhất, cân đối sức lực và tuyệt nhiên không thể có một hành động thừa nào làm lãng phí năng lượng của bạn. Một khi đã bước vào đường đua, bạn chỉ biết vận động hai chân trên bàn đạp và vượt qua rào cản tâm lý để tiến thẳng về phía trước.
Năm 1995, một sự việc xảy ra khiến tôi nhìn thấy rõ tính khắc nghiệt và nguy hiểm của giải Tour de France hơn bao giờ hết. Lần đó, tôi chiến thắng – chiến thắng một cách thuyết phục. Nhưng cái giá cho bài học lại quá đắt – tôi mất đi một người bạn.
Vào cuối chặng đua, đồng đội của tôi là Fabio Casartelli, cựu vô địch Olympics năm 1992, đã chết do không giữ được thăng bằng trên một đoạn dốc. Thường thì khi xuống dốc, mỗi cua-rơ sẽ phải tự điều khiển thăng bằng hoặc cố gắng kiểm soát tốc độ của mình. Nếu chẳng may một vận động viên gặp sự cố, hậu quả sẽ là một hiệu ứng dây chuyền làm ảnh hưởng đến tất cả các vận động viên phía sau. Fabio mất trong trường hợp đó. Anh không là người bị trật bánh duy nhất, gần hai mươi cua-rơ phía sau bị cuốn vào sự cố không may này. Nhưng Fabio bị đập đầu vào một bụi cây, vụ va chạm khiến anh bị gãy cổ và vỡ hộp sọ.
Tôi chạy với tốc độ khá nhanh nên không theo dõi được mọi việc. Rất nhiều cua-rơ ngã rạp trên đường đua do tác động từ cú va chạm. Đây là kiểu tai nạn mà bạn thường thấy ở những giải đấu lớn như Tour de France. Mãi đến một lúc sau tôi mới cập nhật được thông tin qua hệ thống bộ đàm của đội: Fabio đã chết. Tôi thật sự không thể tin mọi việc lại kết thúc như vậy.
Đó là một trong những ngày dài nhất trong đời tôi. Fabio là niềm hy vọng của làng đua xe đạp Ý và anh vừa chào đón đứa con đầu lòng của mình.
Sau sự cố kinh hoàng ấy, cuộc đua vẫn tiếp tục mặc dù chúng tôi còn chưa hết bàng hoàng. Tôi đã biết Fabio từ lúc bước chân vào các giải đấu quốc tế năm 1991. Anh và tôi cùng sống tại khu Como, chúng tôi cũng từng thi đấu cùng nhau tại giải Barcelona Olympics năm 1992 và anh đã đoạt huy chương vàng. Anh là người hài hước, dễ gần. Một vài cua-rơ hàng đầu của Ý khá lạnh lùng và thiếu thiện cảm nhưng Fabio khác họ - anh rất lịch sự và dễ mến.
Tối hôm đó, đội của tôi tập trung và họp bàn liệu chúng tôi có nên tiếp tục giải đấu hay không. Mọi người đều rất đau buồn. Một nửa trong số chúng tôi quyết định từ bỏ giải đấu và quay về nhà, nửa còn lại mong muốn tiếp tục tham gia vì Fabio. Riêng cá nhân tôi, tôi thật sự muốn dừng lại, chỉ đơn giản vì tôi không còn tâm trí để tranh đua nữa. Đó là lần đầu tiên tôi đối mặt với cái chết của một người mà tôi yêu mến, và tôi không biết phải vượt qua như thế nào. Tuy nhiên sau đó, vợ của Fabio đến gặp chúng tôi và thuyết phục cả đội tiếp tục thi đấu. Cô nói đó chính là điều Fabio mong muốn. Tất cả mọi người tập hợp trên thảm cỏ phía sau khách sạn cùng cầu nguyện và chúng tôi quyết định ở lại.
Ngày hôm sau, chúng tôi xuất hiện ở đường đua với tinh thần tất cả vì Fabio. Một ngày dài và buồn. Mọi người ngồi trên xe suốt tám giờ, ai nấy đều im lặng. Chúng tôi không tranh đua, không tấn công. Đó như một cuộc diễu hành tưởng nhớ đến người bạn vừa qua đời. Cuối cùng, cả đội về đích, theo sau là chiếc xe đạp của Fabio được đặt trên một ô tô diễu hành, chiếc xe ấy còn được thắt một chiếc nơ màu đen.
Sáng hôm sau, chúng tôi bắt đầu trở lại đường đua một cách nghiêm chỉnh trong chặng đua đến Bordeaux, sau đó là vòng đua tiến vào Limoges. Buổi tối, Och đến gặp mọi người và nói rằng Fabio có hai mục tiêu quan trọng trong giải đấu: anh mong muốn chinh phục tất cả các chặng đua, đặc biệt là chặng tiến vào Limoges. Ngay khi Och dứt lời, tôi hiểu rằng nếu Limoges là chặng đua mục tiêu của Fabio, tôi sẽ vì anh mà cố gắng chinh phục nó và đó cũng chính là mục tiêu của tôi tại giải Tour de France.
Vượt qua nửa chặng đua của ngày hôm sau, tôi phát hiện phía trước mình là hai mươi lăm cua-rơ đang tranh giành lao về đích. Lúc đó, Indurain đang ở sau tôi trong chiếc áo khoác màu vàng và băng tay đội trưởng. Tôi bắt đầu thực hiện điều mà tôi vẫn thường làm – tôi tấn công.
Vấn đề chính là tôi đã tấn công quá sớm. Tôi vẫn còn cách đích 40 km và vẫn đang trong giai đoạn đổ dốc. Có hai điều bạn cần lưu ý: một là không được tấn công quá sớm và hai là không tấn công khi đang đổ dốc. Thế nhưng tôi đã đổ dốc quá nhanh đến nỗi tôi cách người theo sau đến 30 giây. Tất cả những cua-rơ còn lại hoàn toàn bị tôi bỏ lại phía sau. Có lẽ họ thắc mắc chẳng biết tôi đang nghĩ gì.
Tôi nghĩ gì ư? Trước đó, tôi đã nhìn lại để quan sát mọi người và tôi yên tâm khi thấy họ vẫn từ tốn với vị trí của mình. Ngày hôm đó, trời rất nóng, vì thế không ai muốn phá sức quá nhiều. Mọi người cố gắng di chuyển về đích theo đúng chiến lược đã đặt ra. Tôi quay lại nhìn phía sau và thấy một cua-rơ đang uống nước. Tôi còn thấy một cua-rơ khác đang giơ tay chỉnh lại nón. Vậy là tôi quyết định tấn công.
Khi bạn đối mặt với mười lăm vận động viên đến từ các đội nhóm khác nhau, thế trận dường như không còn tuân theo một khuôn khổ nào nữa. Họ sẽ nhìn nhau và nói: “Anh tấn công đi. Không, anh tấn công đi!”. Trước lời thách đố đó, tôi dồn sức vào hai chân và đạp với tốc độ nhanh hơn bao giờ hết. Sức mạnh và khả năng không còn là yếu tố quyết định. Tôi như con nhím sẵn sàng xù lông trước bất kỳ mối đe dọa hay thách thức nào.
Tôi tạo được khoảng cách khá an toàn với các cua-rơ còn lại. Đoàn xe diễu hành vẫn theo sát tôi để đưa tin. Henny Kuiper, người quản lý của đội, nói rằng: “Các cua-rơ khác còn cách cậu ba mươi giây”. Vài phút sau, ông lại xuất hiện và nói: “Bây giờ là bốn mươi lăm giây”.
Khi Henny tiến đến gần tôi lần thứ tư, tôi quay sang nói với ông:
- Henny, đừng nói với tôi điều đó nữa. Tôi sẽ không để họ bắt kịp đâu.
- Được rồi, được rồi, được rồi. - Henny vừa nói vừa giảm tốc độ và nhanh chóng lùi về phía sau.
Không vận động viên nào bắt kịp được tôi.
Tôi về đích trước người về nhì một phút. Thay vào niềm xúc động và hạnh phúc như mọi khi, hôm ấy tôi gần như im lặng bởi tôi biết tôi đã thi đấu vì một mục đích cao cả hơn. Mặc dù đã tăng tốc khá sớm nhưng tôi đã không bị tâm lý chi phối. Tôi nghĩ rằng kết quả đó cũng là nỗ lực của Fabio. Ngày hôm đó tôi cảm tưởng như không chỉ có một mình tôi mà còn có cả Fabio đang cùng tôi gắng sức trên một chiếc xe đạp.
Tôi không thể quên được cảm giác khi chạm vạch về đích. Chiến thắng của tôi là dành cho Fabio, cho gia đình anh và làm vinh danh cho cả làng thể thao của Ý. Vừa qua vạch về đích, tôi chỉ tay hướng lên trời – dấu hiệu thể hiện tôi dành chiến thắng đó cho Fabio.
Sau giải Tour de France, Och quyết định xây một bia tưởng niệm cho Fabio bằng đá cẩm thạch trắng. Ông thuê một thợ điêu khắc ở Como để thực hiện phần bia này. Tất cả các thành viên trong đội tập hợp tại đỉnh núi để chuẩn bị cho buổi lễ tưởng niệm và hạ thổ tấm bia. Mặt trước tấm bia được chạm khắc ba ngày quan trọng nhất của Fabio: ngày sinh nhật của anh, ngày anh giành giải vô địch thế giới và ngày anh mất.
Tôi đã hiểu ý nghĩa của giải Tour de France. Đó không chỉ là chặng đua dài nhất trên thế giới mà còn là chặng đua chứa đựng cả sự vinh quang lẫn thảm kịch. Bạn trông thấy các cua-rơ dũng mãnh trên đường đua, băng qua những cánh đồng, leo lên những con dốc, họ sát cánh bên nhau, tranh đua cùng nhau và hướng về một mục tiêu chung. Trong cuộc sống, chúng ta cũng phải đối mặt với rất nhiều vấn đề, phải đối mặt với biết bao thử thách, tranh đấu để không thất bại và gượng dậy để níu giữ niềm tin yêu cuộc sống. Tour de France không đơn thuần là một giải đấu – đó là một cuộc thử sức. Nó thử thách thể lực, tinh thần và quan trọng hơn, nó rèn luyện đạo đức và ý chí cho chúng tôi.
Tôi đã hiểu rằng không có con đường tắt nào dẫn ta đến thành công. Tôi nhận ra phải mất một thời gian dài để hình thành và phát triển thể chất cũng như nhân cách của một con người. Tôi sẽ không thể chinh phục giải Tour de France nếu đôi chân tôi chưa đủ mạnh, trái tim tôi chưa đủ vững vàng. Sẽ không thể cho đến khi tôi trở thành một người đàn ông thực thụ. Fabio là một người đàn ông đúng nghĩa và tôi đang cố gắng để được như thế.