M
ãi đến khi chắc chắn mình bị ung thư, tôi mới biết sợ là gì. Nỗi sợ đến đột ngột mang theo những xúc cảm khó tả. Tôi có cảm giác rờn rợn tựa như những mạch máu trong người đang bị chấn động. Trước đây, tôi sợ bị người khác dè bỉu, sợ bị cười nhạo, sợ cuộc sống quá khó khăn, nhưng giờ đây tất cả đều không là gì so với nỗi đau mà tôi đang gánh chịu.
Từ “con người” thường được định nghĩa thế này: là loài sinh vật có ngôn ngữ, tình cảm và khả năng vận động, đặc biệt rất dễ bị tổn thương, chính vì vậy thường biểu hiện những bản chất rất “con người”. Phần lớn các vận động viên không tán đồng với cách suy nghĩ này, họ tập trung để chứng tỏ rằng mình bất khả chiến bại trên đường đua chứ không bao giờ chấp nhận suy nghĩ mình là người yếu đuối hoặc là kẻ thất bại. Chính vì thế mà rất ít vận động viên có thể bao dung cho sai lầm của người khác và cho cả chính bản thân họ. Như tôi đã nói, vào ngày tôi biết tin mình bị ung thư, đột nhiên tôi cảm thấy mình thật tầm thường. Nói khác đi, đó là một nỗi sợ rất “con người”.
Tôi không đủ can đảm để thông báo tin dữ này với mẹ. Không lâu sau khi tôi trở về nhà từ văn phòng của bác sĩ Reeves, Rick Parker đến thăm tôi vì anh không muốn để tôi một mình với tâm trạng không tốt thế này. Tôi nói với Rick rằng tôi không giữ được bình tĩnh nếu nhấc máy gọi cho mẹ. Rick đề nghị giúp tôi thông báo với bà và tôi đồng ý.
Rick gọi cho mẹ tôi: “Chào cô Linda, Lance có chuyện muốn nói với cô nhưng cháu nghĩ tốt hơn là cháu sẽ nói cho cô nghe mọi việc. Lance vừa được chẩn đoán là mắc bệnh ung thư tinh hoàn và sáng mai lúc bảy giờ, cậu ấy sẽ được phẫu thuật”.
Giọng mẹ tôi vỡ òa trong điện thoại:
- Không, làm sao có chuyện như vậy được?
- Cháu rất tiếc, nhưng có lẽ cô nên đến bên cạnh Lance vào lúc này, ngay tối nay.
Tôi nghe rõ tiếng mẹ thổn thức: “Ừ, cô sẽ đến đó ngay lập tức”. Bà gác máy, chưa kịp nói với tôi câu nào.
Tôi ngồi bệt xuống ghế, gương mặt đờ đẫn. Rick ôn tồn bước đến cạnh tôi: “Lance, hãy khóc nếu cậu muốn, như vậy cậu sẽ thấy nhẹ lòng hơn. Nhưng cậu phải nhớ rằng, căn bệnh này hoàn toàn có thể chữa trị, chỉ cần chúng ta làm kịp thời và có lòng tin”.
Tôi cố đứng dậy, đi vào phòng làm việc và bắt đầu gọi điện cho những người quan trọng. Tôi gọi cho Kevin Livingston, người bạn và cũng là đồng đội trong đội Motorola, lúc này cậu ấy đang thi đấu tại châu Âu. Tôi xem Kevin như em trai. Khi Kevin nhấc máy, tôi cảm thấy lòng trống rỗng:
- Anh có chuyện cần nói với em. Chuyện buồn lắm.
- Chuyện gì vậy anh? Anh gặp vấn đề gì trong thi đấu à? – Kevin lo lắng.
- Anh bị ung thư.
Lúc đó, quả thực tôi rất muốn gặp Kevin, nhưng vì cậu ấy đang tập trung cùng đội tuyển Mỹ nên tôi không muốn câu chuyện của tôi ảnh hưởng đến mọi người.
Tôi gác máy. Ngay sáng hôm sau, Kevin đón chuyến bay sớm nhất đến Austin.
Tiếp theo, tôi gọi cho Bart Knaggs, người bạn thân nhất của tôi ở Austin, anh từng là một cua-rơ nhà nghề nhưng hiện đang làm việc cho một công ty máy tính. Tôi gọi đến văn phòng của Bart vì biết anh thường làm việc rất khuya.
Tôi thông báo một cách ngắn gọn:
- Bart, tôi bị ung thư tinh hoàn.
Bart sững sờ. Phải mất một lúc sau anh mới nói được:
- Lance này, y học đã tiến bộ rất nhiều, căn bệnh này không quá đáng sợ đâu và cậu cần phải vững vàng lên nhé.
- Tôi cũng không biết nữa. Nhưng tôi vẫn cảm thấy rất lo sợ.
Sau khi gác máy, Bart lập tức tìm hiểu thông tin về căn bệnh của tôi trên mạng. Sau đó, anh in cả một đống tài liệu về bệnh ung thư tinh hoàn. Anh liên lạc với các trung tâm y khoa, các phòng nghiên cứu và thu thập thêm nhiều thông tin khác. Sáng hôm sau, anh mang tất cả những thông tin tìm được đến nhà tôi.
Sau khi biết tin, bạn bè và những người thân trong gia đình lần lượt đến thăm tôi. Đầu tiên là Lisa, sau đó là người đại diện của tôi - Bill Stapleton đến cùng vợ. Khi Bill đến, tôi buồn bã nói với anh:
- Sự nghiệp của tôi đến đây là hết Bill à.
- Lance, chúng ta cần cố gắng vượt qua thử thách này. Không nên nói trước bất cứ điều gì.
- Bill, anh không hiểu rồi. Sự nghiệp của tôi sẽ chấm dứt và tôi sẽ không ký được hợp đồng với bất cứ đội đua xe nào nữa.
- Lance, tôi đến đây với tư cách là bạn của anh. Tôi có thể giúp gì cho anh không?
Vào khoảnh khắc đó, tôi không còn suy nghĩ được điều gì khác ngoài nỗi ám ảnh rằng sự nghiệp của mình sẽ kết thúc. Nhưng như nhớ ra một việc, tôi quay sang Bill:
- Bill, anh giúp tôi đón mẹ ở sân bay nhé.
Bill lập tức lên xe và đến sân bay để đón mẹ tôi. Ngay khi mẹ tôi xuống máy bay gặp Bill, bà đã òa khóc. Bà ôm lấy Bill: “Bill, sao mọi chuyện lại xảy ra như thế với con trai bác? Chúng ta phải làm gì bây giờ?”. Tuy nhiên, sau đó mẹ dần lấy lại bình tĩnh. Có lẽ mẹ nghĩ đây là lúc tôi cần thấy ở bà sự mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Ngay khi mẹ vừa bước vào phòng, tôi ôm chặt lấy bà.
Mẹ nói nhỏ vào tai tôi: “Mọi chuyện sẽ ổn thôi con trai. Con không được từ bỏ hy vọng, chúng ta đã cùng nhau vượt qua rất nhiều khó khăn và lần này cũng vậy. Không gì có thể quật ngã được mẹ con mình đâu”.
Tôi và mẹ cùng bật khóc. Một lúc khi đã bình tĩnh trở lại, tôi lấy ảnh chụp X-quang ra và đưa cho mọi người xem. Nhìn vào đấy, bạn có thể thấy ngay một khối u to bằng quả bóng bàn đang treo lơ lửng giữa lồng ngực tôi.
Tôi muốn giữ kín về căn bệnh của mình cho đến lúc tôi có thời gian thông báo đến các nhà tài trợ và đồng đội của tôi. Trong lúc tôi trò chuyện cùng mẹ, Bill đã gọi đến bệnh viện và yêu cầu các nhân viên ở đó giữ bí mật hồ sơ bệnh án của tôi. Đồng thời, Bill đề nghị cho tôi nhập viện dưới một cái tên khác. Chúng tôi dự định sau đó sẽ thông báo cho các nhà tài trợ của tôi là Nike, Giro, Oakley và Milton-Bradley cũng như Tổ chức Cofidis. Ngoài ra, chúng tôi cũng nghĩ đến việc sẽ tiến hành thông cáo báo chí một cách chính thức. Nhưng trước hết, tôi cần phải báo tin cho những người bạn thân nhất của mình là Och, Chris và các đồng đội khác hiện đang thi đấu ở nước ngoài.
Mỗi người có một phản ứng khác nhau khi nghe tôi báo tin: một số kinh ngạc đến nỗi không nói được lời nào, số khác cố gắng an ủi và động viên tôi. Tuy nhiên, tôi nhận ra mọi người đều muốn nhanh chóng trở về Austin để có mặt bên cạnh tôi. Lúc tôi gọi cho Och, ông đang dùng bữa tối tại nhà ở Wisconsin. Và phản ứng của ông khiến tôi thấy ấm lòng:
- Ông bình tĩnh nhé, Och? – Tôi nói.
- Có chuyện gì vậy Lance?
- Tôi bị ung thư.
- …Chuyện này nghĩa là sao, Lance?
- Tôi bị ung thư tinh hoàn và sáng mai, tôi sẽ phải vào phòng mổ.
- Sáng mai tôi sẽ đến chỗ cậu.
Thông báo cho mọi người xong, tôi quyết định đi ngủ. Điều buồn cười là đêm hôm đó, tôi đã có một giấc ngủ rất sâu. Tôi cảm thấy mình rơi vào một trạng thái thư giãn tuyệt đối, như thể tôi đã chuẩn bị tốt trước một giải đấu lớn. Thường thì trước một giải đấu quan trọng, tôi luôn tạo điều kiện để mình được nghỉ ngơi một cách thoải mái nhất trước ngày thi đấu, và lần này cũng vậy. Trong tiềm thức, tôi muốn mình thật sự tĩnh lặng và có trạng thái tốt nhất để đối mặt với những bất trắc có thể xảy ra vào ngày mai.
Năm giờ sáng hôm sau, tôi có mặt tại bệnh viện. Tôi tự lái xe đi cùng với mẹ. Tôi đi dọc hành lang bệnh viện trong bộ quần áo rộng thùng thình, bắt đầu cuộc sống mới của một bệnh nhân ung thư. Đầu tiên, các bác sĩ tiến hành một vài xét nghiệm cơ bản như xét nghiệm máu và chụp MRI. Tôi cứ mong rằng sau khi làm tất cả các xét nghiệm cần thiết, các bác sĩ sẽ đến gặp tôi và nói rằng trước đó họ đã chẩn đoán sai, rằng bệnh của tôi không đến nỗi quá nghiêm trọng. Nhưng niềm hy vọng mong manh đó đã không xảy ra.
Trước giờ tôi chưa từng ở qua đêm tại bệnh viện, cũng chưa bao giờ biết đến những thủ tục hành chính như đăng ký nhập viện, chính vì vậy mà tôi đã không mang theo ví tiền. Thế là mẹ đã thay tôi điền vào các giấy tờ cần thiết và hoàn tất các thủ tục mà bệnh viện yêu cầu.
Tôi vào phòng mổ. Ca phẫu thuật kéo dài ba giờ đồng hồ, và đối với mẹ, đó là khoảng thời gian dài vô tận. Bà ngồi đợi tôi bên ngoài cùng với Bill Stapleton. Bác sĩ Reeves là người rời phòng mổ đầu tiên, ông bước đến cạnh bà và thông báo ca phẫu thuật rất tốt, họ đã cắt bỏ được khối u mà không có sai sót nào. Lúc ấy, Och cũng vừa đến. Khi tôi nằm trong phòng mổ, mẹ đã giải thích với Och về mọi việc. Mẹ còn quả quyết rằng tôi sẽ sớm hồi phục. Bà nói điều đó với một niềm tin mãnh liệt, như thể chính niềm tin đó sẽ khiến mọi việc ổn thỏa.
Sau đó, tôi được chuyển về phòng hồi sức, vẫn trong trạng thái mơ hồ do tác dụng của thuốc mê. Tuy nhiên, tôi vẫn còn đủ sức thì thào với Och vài lời khi ông đến cạnh giường: “Tôi sẽ không đầu hàng, dù cho bất kỳ chuyện gì xảy ra”.
Đêm đó tôi ở lại bệnh viện để được các bác sĩ theo dõi, mẹ ở lại với tôi và bà ngủ trên chiếc sofa bé xíu. Cả hai mẹ con tôi đều không thể chợp mắt. Vết mổ của tôi khá sâu và rộng, lại nằm ngay phần mô mềm nên tôi vô cùng đau đớn. Về phần mẹ, cứ mỗi lần nghe thấy bất kỳ tiếng sột soạt nào phát ra từ giường tôi, bà lại lập tức bật dậy để đến bên tôi. Vì cơ thể được nối với các ống dây truyền thuốc tĩnh mạch nên mỗi lần cần vào nhà vệ sinh tôi đi lại rất khó khăn; những lúc đó mẹ luôn có mặt để giúp tôi. Vì giường của bệnh viện có lót một tấm nhựa dẻo nên rất nóng, khiến tôi đổ mồ hôi liên tục, ướt sũng cả người. Thế nên cứ khoảng một giờ đồng hồ mẹ lại thức dậy để lau người cho tôi.
Sáng hôm sau, bác sĩ Youman đến để thông báo với tôi một vài kết quả xét nghiệm ban đầu. Ông nói rằng kết quả sinh thiết và xét nghiệm máu cho thấy tế bào ung thư đã di căn với tốc độ đáng lo ngại. Nó đã theo đường máu di căn đến các hạch bạch huyết. Họ còn ghi nhận đã phát hiện dấu hiệu của tế bào ung thư trong bụng của tôi.
Sau phẫu thuật, tôi tiếp tục phải làm nhiều xét nghiệm khác, vì họ muốn xác định chắc chắn tôi đang ở giai đoạn nào của tiến trình bệnh. Bệnh ung thư tinh hoàn được chia thành ba giai đoạn: giai đoạn thứ nhất, tế bào ung thư phát sinh tại tinh hoàn và nếu phát hiện sớm bệnh nhân có nhiều khả năng điều trị khỏi bệnh nhất. Giai đoạn thứ hai, tế bào ung thư đã di căn đến hạch bạch huyết ở vùng bụng, và sang giai đoạn thứ ba, nó lan đến các cơ quan quan trọng khác, chẳng hạn như phổi. Kết quả kiểm tra cho thấy tôi đang ở giai đoạn thứ ba, tôi đã mang ba loại ung thư trong cơ thể và nghiêm trọng nhất chính là ung thư tuyến tiền liệt.
Trước mắt, quá trình hóa trị sẽ được tiến hành trong một tuần và kéo dài trong ba tháng. Tôi tiếp tục trải qua các cuộc xét nghiệm máu và phải thường xuyên tiêm thuốc trực tiếp vào tĩnh mạch. Ngoài ra, các bác sĩ còn cấy một ống thông đường tiểu vào ngực tôi. Điều này khiến cả một vùng da bị lồi lên còn khe ngực thì bị hõm sâu không khác gì bị một mũi khoan chọc vào.
Một vấn đề quan trọng khác khiến tôi lo lắng đó chính là quá trình hóa trị có thể khiến tôi bị vô sinh. Tôi sẽ chính thức bắt đầu giai đoạn hóa trị từ tuần sau, vì vậy bác sĩ Youman khuyên tôi nên đến ngân hàng tinh trùng ở San Antonio cách Austin hai giờ đi đường để lưu giữ tinh dịch. Đó là lần đầu tiên tôi buộc phải đối diện với việc này, và tôi cảm thấy vô cùng sợ hãi. Youman nói rằng một số bệnh nhân sau quá trình hóa trị có thể hồi phục khả năng sinh sản như bình thường, số khác thì không; nhưng kết quả một số cuộc nghiên cứu cho thấy khoảng 50% bệnh nhân đã trở lại đời sống tình dục bình thường sau một năm.
Đêm đó, trước khi mẹ con tôi về nhà, mẹ tạt ngang khoa ung thư của bệnh viện để xin một số tài liệu chỉ dẫn về ống thông đường tiểu đã được cấy vào người tôi cùng các toa thuốc và tài liệu khác về bệnh ung thư tinh hoàn. Khoa ung thư là một nơi rất đáng sợ và nếu chưa từng đến đây, bạn sẽ khó mà hình dung được. Mẹ tôi kể đã trông thấy rất nhiều bệnh nhân nằm quấn chăn trên giường, đầu họ rụng hết tóc và người trông xanh xao, đờ đẫn đến đáng thương. Cơ thể họ chằng chịt dây nối với các loại thuốc tiêm tĩnh mạch. Nhân viên y tế đưa cho mẹ tôi một xấp tài liệu dày, và sau này, xấp tài liệu đó trở thành cẩm nang điều trị bệnh của tôi mỗi khi tôi đi xa. Sau đó, mẹ nhanh chóng quay trở về phòng tôi đang nằm và trấn an tôi ngay: “Con trai, mẹ muốn con hiểu là khi con bắt đầu giai đoạn hóa trị, sẽ không dễ dàng gì nhưng mẹ mong con hãy luôn nhớ rằng: tất cả mọi bệnh nhân đang nằm điều trị tại đây đều vì một mục đích giống con là được khỏe mạnh trở lại”.
Rồi mẹ đưa tôi về nhà.
Sáng thứ Bảy, tôi thức dậy thật sớm và đi vào phòng tắm. Tôi nhìn vào gương và hốt hoảng khi phát hiện một cục máu đông làm nghẽn ống thông đường tiểu khiến lồng ngực tôi bị sưng to và máu dồn lại. Tôi quay vào phòng nói với Lisa, cô ấy sợ hãi không nói nên lời. Tôi gọi mẹ. Bà tức tốc chạy sang và kiểm tra ống thông. Bà không hoảng sợ, bà lấy một chiếc khăn mềm và nhẹ nhàng lau sạch vệt máu loang. Sau đó, mẹ gọi ngay đến bệnh viện. Một y tá giải thích rằng đây là hiện tượng bình thường, cô chỉ cho mẹ tôi cách giữ vết thương để tránh bị nhiễm trùng do máu bị dồn ứ trong thời gian dài.
Nói điện thoại xong, mẹ đi mua một cuộn băng cá nhân để băng tạm vết thương. Bà cẩn thận cố định và băng lại những chỗ rỉ máu, vết băng ngang dọc khiến tôi và Lisa phải bật cười. Sau đó, mẹ gọi điện cho bác sĩ Youman. Bà nói: “Chiếc ống thông tiểu có vấn đề. Tôi đã cố định và làm vệ sinh vết thương nhưng có lẽ chúng ta phải lấy nó ra ngay”.
Bác sĩ Youman đáp:
- Đừng vội làm bất cứ điều gì lúc này. Tôi nghĩ Lance cần bắt đầu ngay giai đoạn hóa trị. Cậu ấy sẽ phải có mặt ở bệnh viện vào một giờ trưa ngày thứ Hai.
- Sao nhanh vậy? – Mẹ tôi lo lắng.
Tôi vội cầm điện thoại và nói chuyện với Youman. Ông giải thích rằng các chỉ số trong bệnh án và xét nghiệm máu cho thấy tình trạng của tôi rất đáng lo ngại. Chỉ trong vòng hai mươi bốn giờ, tế bào ung thư đã phát triển nhanh chóng. Các chuyên gia ung thư dựa vào kết quả xét nghiệm máu để theo dõi nồng độ các loại protein trong máu như HCG (Human Chorionic Gonadotropin) và AFP (alpha-fetoprotein), từ đó họ sẽ biết được mức độ di căn của các tế bào ung thư. Chỉ trong một ngày, các chỉ số này trong máu tôi đã tăng lên đáng kể. Căn bệnh ung thư đang từng giờ từng phút lan nhanh khắp cơ thể tôi. Điều đó khiến Youman không thể trì hoãn quá trình hóa trị. Tôi cần được điều trị ngay lập tức, bởi nếu không thì với tốc độ di căn này, cuộc sống của tôi chỉ còn tính theo ngày.
Cuộc trò chuyện kết thúc, tôi thất thần gác máy. Nhưng tôi không còn thời gian để ngồi đó mà ủ ê với bất hạnh của mình: trước mắt, tôi phải đi đến ngân hàng lưu trữ tinh trùng ở San Antonio để giữ lại dòng giống cho mình và sau đó là chuẩn bị tinh thần cho quá trình hóa trị.
Chuyến đi đến San Antonio khiến tôi không thể nào quên. Điều duy nhất khiến cho bầu không khí đỡ ảm đạm hơn là việc Kevin Livingston đã quay trở về kịp lúc và cậu ấy quyết định đi cùng tôi. Tôi rất vui khi gặp lại Kevin. Chuyến đi còn chào đón thêm một thành viên nữa, Cord Shiflet, con trai của David Shiflet – người bạn và cũng là kiến trúc sư của tôi. Cậu ấy tình nguyện đến chở chúng tôi đi.
Tôi im lặng ngồi ở hàng ghế sau, thẫn thờ suy nghĩ về cơ hội duy nhất của mình lần này khi đến ngân hàng lưu trữ tinh trùng. Tôi chuẩn bị thực hiện giai đoạn hóa trị và có thể sẽ bị vô sinh. Liệu tôi có thể vượt qua cú sốc này?
Cuối cùng, chúng tôi cũng đến được Trung tâm y khoa ở San Antonio. Cord và Kevin cùng mẹ tôi ngồi đợi bên ngoài còn tôi được một y tá đưa vào một căn phòng riêng.
Căn phòng có một chiếc ghế bành ở giữa và ánh sáng dịu nhẹ giúp tôi đỡ ngại ngùng hơn. Trên một chiếc bàn nhỏ, có vài tờ tạp chí. Tôi bước đến gần – là tạp chí Porn(******). Tôi thoáng chút bối rối. Tôi tập tễnh bước đến và ngồi vào ghế, thở hắt nặng nhọc và suýt khóc. Tôi thấy đau, vết mổ nằm ngay trên bẹn và kéo dài lên tận vùng bụng. Tôi quá hụt hẫng và thất vọng trước mọi việc đang xảy ra với mình. Tôi vẫn chưa thể tưởng tượng được rồi tương lai mình sẽ đi đến đâu. Tôi đã từng nghĩ đến một cuộc sống gia đình và những đứa con, nhưng chắc chắn không phải bằng cách này.
****** Tạp chí Porn: một loại tạp chí khiêu dâm ở Mỹ.
Ở độ tuổi hai mươi, tôi đã trải qua rất nhiều mối tình lãng mạn. Tôi hẹn hò yêu đương với một phụ nữ chỉ sau vài lần gặp gỡ, nhưng rồi tất cả kết thúc chỉ sau vài tháng. Tôi tiếp tục hẹn hò với nhiều người khác nhưng cũng chẳng đi đến đâu. Tôi hẹn hò với một bạn nữ học cùng trường, sau đó là với một người mẫu đến từ Hà Lan. Tuy nhiên, chuyện tình nào cũng không thể kéo dài được một năm. Các bạn của tôi gọi trêu tôi bằng cái tên FedEx vì họ cho rằng tôi thay đổi người yêu nhanh đến chóng mặt. Tôi chưa có gia đình, cũng chưa thật sự có mối quan hệ ràng buộc với ai, và đó là khoảng thời gian tôi sống hời hợt nhất trong đời. Tuy nhiên, với Lisa Shiels, mọi chuyện lại khác. Trước khi tôi đổ bệnh, tôi và Lisa rất thân nhau. Cô ấy đang theo học tại Đại học Texas và là một cô gái duyên dáng, nghiêm túc. Tôi từng nghĩ mình sẽ kết hôn và có con với Lisa. Tôi không chắc liệu về lâu dài, chúng tôi có thể sống với nhau hay không, nhưng tôi chỉ biết rằng mình muốn làm cha – một người cha tốt.
Nhưng bây giờ thì… Tôi không còn sự lựa chọn nào khác. Tôi nhắm mắt lại.
Bên ngoài phòng chờ, mẹ và hai người bạn của tôi vẫn ngồi im lặng. Về sau, tôi biết trước lúc tôi ra, mẹ có nói với Cord và Kevin: “Hai cháu nghe lời cô nhé. Một lát nữa khi Lance ra, cô không muốn hai cháu nói một lời nào cả - không một lời nào!”. Có lẽ mẹ thấu hiểu tâm trạng của tôi lúc này. Tôi cần sự im lặng.
Tôi rời phòng và trao lại chiếc lọ nhỏ cho vị bác sĩ. Tôi ký vội vài giấy tờ cần thiết và nói với cô y tá rằng tôi sẽ gửi tiếp những thông tin còn lại sau. Tôi chỉ muốn rời khỏi đây càng sớm càng tốt. Nhưng khi tôi vừa định bước đi, vị bác sĩ quay trở ra và nói:
- Ít quá, Lance à.
Bác sĩ giải thích rằng lượng tinh dịch của tôi chỉ bằng một phần ba so với yêu cầu, có vẻ như đó là do tác động của bệnh ung thư. Và bây giờ, tôi chuẩn bị bước vào giai đoạn hóa trị, mọi chuyện có lẽ sẽ càng đi theo chiều hướng xấu hơn.
Chuyến đi trở về nhà còn ảm đạm hơn cả lúc đi. Tôi thậm chí không nhớ liệu trên đường về chúng tôi có dừng lại đâu đó để dùng bữa hay không. Tôi kể với Cord và Kevin về những tờ tạp chí khiêu dâm: “Các cậu có tin nổi là họ đã đưa cho mình mấy loại tạp chí đó không?”. Kevin và Cord rất tế nhị, cả hai cố gắng tỏ ra bình thường và xem đây không phải là chuyện gì đáng ngượng ngùng.
Những ngày còn lại trong tuần, tôi ở nhà để dưỡng bệnh. Thuốc mê vẫn còn tác dụng, nó khiến tôi đờ đẫn và chậm chạp. Ngoài ra, vết mổ sâu và rộng khiến tôi luôn đau đớn. Suốt ngày tôi chỉ nghỉ ngơi và xem bóng đá, còn mẹ chăm lo chu đáo các bữa ăn để tôi mau lại sức. Hai mẹ con tôi thay phiên đọc các tài liệu về bệnh ung thư. Thỉnh thoảng mẹ và tôi còn định trước sẽ làm gì nếu tình huống xấu nhất xảy ra, như thể hai mẹ con đang vạch chiến thuật cho một trận đấu lớn vậy.
Mẹ cất cẩn thận tất cả những toa thuốc của tôi để tiện so sánh, đối chiếu với các tài liệu y khoa. Mẹ lau chùi kệ sách sạch sẽ và xếp các tư liệu liên quan đến bệnh ung thư vào, đồng thời mẹ bắt đầu hoạch định thời gian biểu giúp tôi. Mẹ mua tặng tôi một quyển sổ nhỏ để ghi chép diễn biến của bệnh và một quyển sổ khác để ghi lại những người đến thăm tôi. Mẹ cố gắng hẹn mọi người đến thăm tôi thường xuyên và theo một lịch trình hợp lý để tôi không cảm thấy ngợp khi có nhiều người đến một lúc hay cảm thấy cô đơn khi không có ai cả.
Để chuẩn bị cho quá trình hóa trị, mẹ đề ra hẳn một thời gian biểu để theo dõi tình trạng của tôi trong ba tháng, đồng thời mẹ cũng cẩn thận ghi chép lại những bước điều trị theo đúng quy trình cùng thời gian tôi phải thực hiện chúng. Mẹ quản lý bệnh của tôi như một người quản lý của một dự án quan trọng. Mẹ chuẩn bị từ những chi tiết nhỏ như bút dạ quang, bảng viết để dùng mỗi khi cần ghi chú một điểm nào đó. Mẹ nghĩ trang bị những kiến thức cần thiết về bệnh cùng sự theo dõi chặt chẽ sẽ giúp chúng tôi kiểm soát được diễn biến của bệnh tốt hơn.
Và để đảm bảo cho tôi có đủ sức khỏe trong quá trình điều trị, mẹ đưa tôi đến gặp một chuyên gia dinh dưỡng. Vị chuyên gia dinh dưỡng cung cấp cho chúng tôi một danh sách các loại thực phẩm cần thiết cũng như những thực phẩm cần tránh trong quá trình điều trị. Ví dụ như tôi cần bổ sung chất đạm từ thịt gà, ăn nhiều bông cải xanh, cần bổ sung vitamin C để chống lại các hóa chất độc hại khi hóa trị; không nên ăn phô-mai và các loại chất béo…
Mẹ đang cố gắng làm mọi việc với mong muốn đem lại những điều tốt đẹp nhất cho tôi trong quá trình chữa trị. Nhưng đằng sau những nỗ lực đó, tôi biết mẹ đang đấu tranh. Mỗi khi nghe mẹ trò chuyện với người thân qua điện thoại, tôi có thể cảm nhận giọng nói của mẹ như run run và lạc hẳn đi. Những lúc tôi ở quanh thì thể nào mẹ cũng sẽ ngưng trò chuyện và gác máy. Mẹ đang cố che giấu cảm xúc buồn đau, và tôi biết có những đêm mẹ lẳng lặng vào phòng, đóng cửa khóc một mình.
Sáng thứ Hai, chúng tôi quyết định tổ chức một buổi họp báo để thông báo về căn bệnh tôi đang mắc phải cũng như công khai khả năng tôi không thể đua xe được nữa. Tất cả người thân của tôi đều có mặt: mẹ, Bill, Lisa cùng các nhà tài trợ. Chúng tôi cũng liên lạc với các phóng viên ở châu Âu và các đại diện của Tổ chức Cofidis - nơi mà theo kế hoạch, tôi sẽ gia nhập vào đội đua xe đạp của họ vào mùa giải sau. Khi tôi nói mình bị ung thư, những người đến tham dự không khỏi bàng hoàng. Các phóng viên báo đài, thậm chí là nhân viên thu hình không giấu được vẻ hốt hoảng và có phần hơi nghi ngờ trước thông tin này. Một đại diện của Cofidis vừa nhận được nguồn tin lập tức gọi điện đến và nói họ sẽ hỗ trợ và giúp tôi vượt qua cơn bạo bệnh để trở lại đường đua.
Cuối buổi họp báo, tôi nói đầy quyết tâm: “Tôi sẽ đấu tranh chống lại căn bệnh này. Và tôi tin tôi sẽ chiến thắng”.
Cũng ngay chiều hôm đó, tôi đến trung tâm y khoa để tiến hành lần hóa trị đầu tiên. Khi bước vào phòng hóa trị tôi khá ngạc nhiên, vì nó không khác gì một phòng khách với những chiếc ghế bành được sắp quanh phòng, một bàn nhỏ bên trên đặt máy pha cà phê và một chiếc ti-vi ở góc phòng. Hình như sắp có một bữa tiệc nhỏ. Tuy nhiên, suy nghĩ đó lập tức tan biến khi tôi thấy mỗi người ở đây đều được nối với dây và ống thuốc tiêm tĩnh mạch đang nhỏ giọt và trông họ xanh xao đến đáng thương.
Bác sĩ Youman giải thích giai đoạn hóa trị liệu đối với bệnh nhân ung thư tinh hoàn được gọi là BEP, theo đó cơ thể tôi sẽ phải tiếp nhận ba loại hóa chất là bleomycin, etoposide và cisplatin. Những hóa chất này rất độc, các y tá phải mặc trang phục ngăn chặn chất phóng xạ khi xử lý chúng. Trong ba chất này thì quan trọng nhất là cisplatin, đây thực chất chính là platinum. Platinum được đưa vào quá trình điều trị bệnh ung thư tinh hoàn từ phát kiến của bác sĩ Lawrence Einhorn khi ông còn làm việc tại Trung tâm y khoa của Đại học Indiana ở Indianapolis. Hai mươi lăm năm trước, bệnh ung thư tinh hoàn đã lấy đi sự sống của ngôi sao bóng đá Brian Piccolo của đội Chicago Bears. Thời điểm đó, mọi người cho rằng Piccolo chết vì ung thư phổi, nhưng trên thực tế nó bắt nguồn từ ung thư tinh hoàn. Piccolo mất năm 1970 ở tuổi hai mươi sáu. Tuy nhiên, sau đó Einhorn đã nghiên cứu và áp dụng cách chữa trị căn bệnh này bằng platinum, kết quả: một bệnh nhân hiện tại vẫn còn sống – đó là một giáo viên cũng ở tiểu bang Indianapolis. Từ lúc đó, cisplatin đã trở thành vị cứu tinh cho các bệnh nhân ung thư tinh hoàn.
Youman chia sẻ: “Lance, nếu cậu sống vào thời điểm hai mươi năm trước đây thì rất có thể cậu sẽ không thể sống quá sáu tháng”.
Tôi nghĩ thầm: “Tốt quá, vậy hãy tiêm platinum cho tôi ngay đi”. Nhưng bác sĩ Youman cũng cảnh báo rằng việc điều trị có thể khiến cơ thể tôi suy nhược trầm trọng. Ba loại hóa chất chống ung thư này sẽ được đưa vào cơ thể tôi trong suốt năm giờ liên tục trong vòng năm ngày. Và chúng có thể tạo nên những phản ứng khá nặng nề. Tôi cũng sẽ được tiêm đồng thời thuốc chống nôn để giúp cơ thể phản ứng lại những hóa chất đó. Nhưng loại thuốc này không thể loại trừ hoàn toàn cảm giác buồn nôn và mệt mỏi.
Và quá trình hóa trị sẽ phân chia thành ba tuần một để tránh các tác dụng phụ của thuốc có thể xảy ra: tiến hành hóa trị trong một tuần, hai tuần sau đó là thời gian nghỉ để cơ thể tôi tạm hồi phục và thúc đẩy quá trình tái sinh tế bào hồng cầu mới.
Bác sĩ Youman giải thích mọi việc một cách cụ thể và rõ ràng, đồng thời ông chuẩn bị tâm lý cho tôi về những điều mà tôi sắp phải đối mặt. Khi ông vừa dứt lời, tôi chỉ hỏi một câu duy nhất:
- Giai đoạn hóa trị này có thể mang lại cho tôi bao nhiêu phần trăm cơ hội?
- Sáu mươi đến sáu mươi lăm phần trăm. - Bác sĩ Youman trả lời.
Tôi bước vào phòng và chọn một chiếc ghế ở sát tường, xung quanh đã có sáu, bảy bệnh nhân khác đang nằm. Mẹ hôn tạm biệt tôi và trở ra ngoài để lo một số giấy tờ. Tôi nằm xuống ghế.
Xung quanh tôi là những người cùng hoàn cảnh, nên thay vì e ngại, tôi cảm thấy một cảm giác thân thuộc và đồng cảm. Tôi nhẹ lòng hơn khi trò chuyện cùng những người cũng đang mang trong mình căn bệnh quái ác như tôi và chúng tôi chia sẻ kinh nghiệm với nhau. Và trong căn phòng này, tôi đã kịp làm quen với một bệnh nhân nằm bên cạnh. Ông trạc tuổi nội tôi, nhưng chúng tôi trò chuyện rất hợp nhau. Khi mẹ tôi trở vào, tôi cười và nói: “Mẹ à, đây là bác Paul, bác ấy bị ung thư tuyến tiền liệt”.
Tôi trải qua kỳ hóa trị đầu tiên khá suôn sẻ. Ít nhất, tôi không cảm thấy quá mệt mỏi hay bị đờ đẫn.
Mình không được đầu hàng. Mình phải tiếp tục chiến đấu. – Tôi luôn tự nhủ. Mỗi sáng trong suốt giai đoạn hóa trị, tôi đều dậy sớm, mang giày và đeo tai nghe rồi ra ngoài. Tôi đi bộ dọc con đường cạnh nhà khoảng một giờ, vận động tay chân và cố gắng điều hòa nhịp thở. Đến chiều, tôi lại leo lên xe và đạp.
Bart Knaggs từ Orlando trở về mang tặng tôi một chiếc mũ có hình chuột Mickey mà anh đã mua ở khu vui chơi Disney. Anh đặt chiếc mũ vào tay tôi và nói rằng tôi sẽ cần đến nó khi quá trình hóa trị có thể khiến tôi không còn sợi tóc nào trên đầu.
Chúng tôi thường đạp xe cùng nhau, thỉnh thoảng Kevin Livingston cũng tham gia. Bart tự làm một tấm bản đồ thật to có đường kính gần hai mét. Anh đến văn phòng của Cục đường bộ và tìm bản đồ của tất cả các địa phận trong tiểu bang, sau đó chọn lọc vẽ lại thành một tấm bản đồ riêng. Tấm bản đồ lớn này để chúng tôi chọn cho mình những lộ trình chạy mới, những con đường mà chúng tôi chưa từng đi qua. Quá trình tập luyện có thể khiến bạn nhàm chán, và bạn cần thay đổi một chút để làm tăng sự hưng phấn cho mình. Tôi thấy rằng mình đã không thể chạy trên một lộ trình quá hai lần. Mặc dù những con đường mới mẻ có khi khiến chúng tôi bị lạc hoặc rơi vào những đoạn đường quá xấu, nhưng mỗi trải nghiệm đều mang đến cảm giác thú vị riêng.
Có thể các bạn sẽ nghi ngại: vì sao tôi vẫn đạp xe được trong khi đang bệnh? Cơ thể tôi mỏi mệt, hoạt động nhiều sẽ khiến tôi suy nhược hơn, nhưng việc ngồi trên yên xe và rong ruổi khắp nơi giúp tôi cảm thấy nhẹ nhõm. Bạn có thể cảm thấy đau đớn về thể xác khi không để cho bản thân ngơi nghỉ, nhưng bạn sẽ cảm thấy một điều kỳ diệu: tâm hồn mình thật yên bình. Cơn đau là có thật, và nó dữ dội đến nỗi khiến bạn không thể nghĩ về điều gì khác. Khi cơn đau ập đến, tâm trí bạn như thoát khỏi những ý nghĩ vẩn vơ về hiện thực khiến bạn chỉ có thể tập trung vào nó mà thôi.
Khi bị truy đến đường cùng, chắc chắn bạn sẽ tìm ra lối thoát cho chính mình – điều này một phần giải thích vì sao các vận động viên hàng đầu vẫn bị xem là không hoàn toàn mạnh mẽ, họ cũng đang trốn chạy một điều gì đó. Một lần, có người hỏi tôi có cảm thấy thú vị không khi đạp xe liên tục hàng giờ như vậy. Tôi trả lời: “Thú vị ư? Tôi không hiểu ý bạn”. Tôi không đạp xe vì điều thú vị nào cả. Tôi làm thế chỉ để cơ thể mình đau lên.
Trước đây, tôi không quan tâm nhiều đến những cảm xúc của mình mỗi khi ngồi trên yên xe và rong ruổi trên những con đường. Không có một lý do nào rõ ràng, đôi khi tôi không nhận thức được vì sao mình lại làm như vậy.
Nhưng bây giờ, tôi hiểu rõ vì sao mình đạp xe: nếu đôi chân tôi vẫn còn vận động được trên bàn đạp, điều đó cho thấy tôi vẫn chưa kiệt quệ do cơn bạo bệnh đang hoành hành.
Những cơn đau do căn bệnh ung thư gây ra không ảnh hưởng nhiều đến tôi bởi tôi đã quen với nó. Tuy nhiên, càng nghĩ về bệnh tình của mình, tôi càng cảm thấy đó giống như một cuộc đua mà đích đến đã bị thay đổi. Đối với tôi lúc này, thời gian là yếu tố quan trọng nhất. Tôi cảm thấy mình cần phải cố gắng, phải nỗ lực nhiều hơn so với trước kia. Tôi phải kiên nhẫn và không để phạm phải một sai lầm nào. Mỗi khoảnh khắc trôi qua, tôi luôn nghĩ về cuộc sống, về những dự định còn dở dang đang chờ mình thực hiện. Và tôi nhận ra đấu tranh chống lại bệnh tật và tìm lại cuộc sống cho mình chính là chiến thắng vĩ đại nhất mà cả cuộc đời tôi cần hướng đến.
Trong đợt hóa trị đầu tiên này, tôi không cảm thấy chút mệt mỏi hay suy nhược nào. Thậm chí tôi còn nói với bác sĩ Youman: “Có lẽ ông nên đẩy nhanh quá trình hóa trị cho tôi”. Tôi đã không nhận ra mình thật may mắn khi cơ thể không có những biến chứng xấu trước những dòng hóa chất độc hại được truyền vào người. Tôi gặp rất nhiều bệnh nhân do không chịu nổi sự thay đổi này đã nôn ói mất kiểm soát. Dù vậy, một lần trước khi kết thúc kỳ hóa trị đầu tiên, chính tôi cũng đã trải nghiệm cảm giác nôn ói này mà không một loại thuốc nào có thể kìm hãm được.
Tuy nhiên sự thực thì quá trình hóa trị tác động khá lớn đến tôi, trong đó điều phải kể đến là nó khiến tôi mất đi cảm giác thèm ăn. Chúng làm sai lệch toàn bộ mùi vị thức ăn mà tôi nếm vào. Mỗi khi mẹ giúp tôi ăn, bà đều nói: “Con trai, nếu con không đói và không muốn ăn thì đừng cố, mẹ sẽ không phiền lòng đâu”. Nhưng tôi vẫn cố để ăn. Mỗi khi tỉnh giấc, tôi đều thấy mẹ để sẵn một dĩa trái cây và một chai nước thật to trước mặt tôi. Tôi cần sống, vì thế tôi chủ động cầm lấy nĩa và dung nạp những loại thực phẩm đó vào cơ thể.
Mỗi sáng khi thức dậy, tôi thường tự nhủ “Hãy cố lên”, sau đó tôi khoác áo ấm, đeo tai nghe, bật nhạc và đi ra ngoài. Tôi đi mà không cần biết mình đã đi bao xa. Tôi cứ đi, đi ngược lên đoạn dốc trước nhà, ra cửa và men theo lối mòn xuống đường lộ.
Tôi còn đi được nghĩa là tôi vẫn còn khỏe.
Vài ngày sau đợt hóa trị đầu tiên, tôi nhận được một bức thư từ bệnh viện. Trong đó viết: “Sau khi xem xét hồ sơ, chúng tôi thông báo với quý ông rằng chế độ bảo hiểm sức khỏe của quý ông đã hết hiệu lực và quý ông cần thanh toán hết tiền viện phí”.
Đọc xong bức thư, tôi chết sững. Tại sao chuyện này lại xảy ra? Hãng Motorola đã mua bảo hiểm sức khỏe cho tôi, như vậy tôi sẽ được bảo hiểm chi trả toàn bộ viện phí. Quá ngỡ ngàng và tức giận, tôi nhấc điện thoại kể cho Bill Stapleton về bức thư. Bill trấn an tôi và nói rằng sẽ kiểm tra lại thông tin đó ngay.
Vài giờ sau, Bill gọi lại. Và mọi chuyện là thế này: tôi đang trong giai đoạn chuyển giao hợp đồng từ đội Motorola sang đội Cofidis. Dù rằng hợp đồng của tôi với đội Cofidis đã có hiệu lực nhưng do bệnh của tôi phát sinh trước thời gian thực hiện hợp đồng nên Cofidis sẽ không có trách nhiệm chi trả chi phí trong quá trình tôi điều trị. Trong khi đó, hợp đồng bảo hiểm của tôi với hãng Motorola đã hết hiệu lực. Như vậy, trước khi Bill tìm ra một cách giải quyết khác thì theo quy định, tôi phải tự thanh toán toàn bộ viện phí và những chi phí điều trị phát sinh.
Chỉ trong vòng mấy ngày, bao nhiêu chuyện tồi tệ đều ập đến với tôi, mà trước mắt là chuyện trang trải chi phí cho quá trình điều trị. Nó như đẩy tôi đến bờ vực của sự khốn khó. Tôi bắt đầu nhìn quanh nhà và cân nhắc xem món đồ nào có thể bán. Vậy là chỉ trong phút chốc, tôi từ một cua-rơ hàng đầu với mức thu nhập hai triệu đô-la một năm biến thành một kẻ phải mót của nhà mình để bán. Tôi có một hợp đồng bảo hiểm thương tật, nhưng nó chẳng giúp ích được gì trong hoàn cảnh này. Tôi sẽ không còn một khoản thu nhập nào bởi các công ty tài trợ chắc chắn sẽ cắt lương do tôi không còn khả năng thi đấu cho họ nữa. Chiếc Porsche kỷ niệm mà tôi rất trân trọng giờ đây có vẻ đã trở nên quá xa xỉ. Tôi cần tiền để thanh toán các hóa đơn bệnh viện. Tôi bắt đầu lên kế hoạch bán đi những vật mình yêu quý: chiếc Porsche, vài bức tranh quý cùng một số món đồ khác.
Chiếc Porsche nhanh chóng tìm được chủ mới chỉ sau vài ngày. Tôi làm điều này vì hai lý do: trước hết và quan trọng nhất, tôi cần tiền để trị bệnh. Thứ hai, tôi cần tập trung để củng cố niềm tin chiến đấu với bệnh tật. Tôi đang hành động vì cuộc sống của mình. Từ đây, tôi biết rằng mình cần nhìn mọi việc theo hướng đơn giản hơn.
Tôi bị bệnh ung thư và tôi cần biết mọi thông tin liên quan đến căn bệnh mình mắc phải. Tôi tìm đến tiệm sách lớn nhất ở Austin và gom về tất cả các sách liên quan đến căn bệnh của mình: từ sách ẩm thực, sách tâm lý cho đến những quyển chỉ dạy phương pháp thiền định. Tôi tìm hiểu về mọi phương cách điều trị ung thư, cho dù đó là những lời khuyên ngớ ngẩn nhất. Tôi tìm đọc về loại dầu flaxseed – một chất được xem là cứu tinh của bệnh viêm khớp, chứng nhồi máu cơ tim, bệnh ung thư và nhiều bệnh nan y khác. Tôi cũng tìm hiểu về tác dụng của bột đậu nành, vì tôi nghe nói nó được xem là thần dược chống ung thư. Tôi đọc tạp chí Yoga Journal và rất ấn tượng với phương pháp chữa trị có tên The Raj – đây là phương pháp thiền định có tác dụng giúp người thực hiện có một cuộc sống khỏe mạnh và yêu đời. Tôi giữ lại những bài báo trên tạp chí Discovery và sưu tầm những bài giới thiệu về các trung tâm y khoa cũng như những cách chữa trị bệnh ung thư. Tôi nghiền ngẫm bất cứ quyển sách nào nói về các phương pháp điều trị ung thư hiệu quả.
Bên cạnh đó, Bart là người cung cấp cho tôi rất nhiều tài liệu hay. Tôi không thích đọc sách, nhưng giờ đây tôi trở thành một con mọt sách thật sự.
Nhớ lại thời gian sau khi tốt nghiệp trung học, tôi đến châu Âu bắt đầu sự nghiệp của một cua-rơ, đồng thời chịu ảnh hưởng của nền giáo dục chiết trung tại đây, khi ấy, tôi chưa từng nghĩ một ngày nào đó mình lại lao vào nghiên cứu các tài liệu y khoa. Trước đây, tôi chỉ thích nghiền ngẫm những tờ tạp chí về tài chính và kiến trúc, hoàn toàn không có sự quan tâm đặc biệt nào đối với sách. Tôi không có khả năng tập trung, do vậy tôi không thích việc ngồi hàng giờ dán mắt vào những trang sách. Thế nhưng mọi việc bây giờ lại khác. Tôi chủ động tìm đến sách như tìm một vị cứu tinh thật sự. Tôi có cảm giác như mình đang theo học một chuyên ngành nghiên cứu. Đôi lúc, tôi bật cười khi chợt nghĩ: “Hay mình quay lại trường học và cố gắng trở thành một bác sĩ vì dù sao nó cũng tốt cho mình”.
Tôi vẫn chú tâm đọc từng trang sách. Tôi muốn biết chính xác về tình trạng của mình để có thể tìm cách chống lại nó. Càng nghiên cứu, nghiền ngẫm, tôi càng có niềm tin rằng mình sẽ khỏi bệnh, dù rằng thông qua những điều đã tìm hiểu, tôi biết tình trạng của mình hiện không tốt lắm. Tuy nhiên, tìm hiểu để có thông tin, có kiến thức về bệnh vẫn hơn là làm ngơ với nó: ít nhất tôi cũng biết mình đang chống chọi với cái gì và tôi hài lòng vì mình đã không lùi bước.
Tôi phát hiện giữa bệnh ung thư và môn đua xe có khá nhiều điểm chung. Cả hai chủ yếu đều dựa vào những chỉ số về nồng độ máu trong cơ thể. Khi đua xe, để nâng cao sức bền bạn có thể tiêm Epogen vào cơ thể. Bệnh ung thư cũng vậy, nếu nồng độ hemoglobin (huyết sắc tố) trong máu của tôi xuống dưới một ngưỡng nhất định, các bác sĩ sẽ tiêm cho tôi loại thuốc tương tự. Trước các giải đấu, tôi thường được xét nghiệm để đảm bảo các chất có trong máu ở mức cho phép. Bây giờ cũng vậy, bác sĩ xét nghiệm máu để xác định ngưỡng chịu đựng về mặt sinh lý của tôi.
Dần dần, tôi quen thuộc với các thuật ngữ và tên gọi các hợp chất phức tạp như ifosfamide (một loại thuốc dùng trong giai đoạn hóa trị), seminoma (một loại khối u) hay lactate dehydrogenase (LHD – một loại enzym có trong nhiều loại mô của cơ thể). Tôi không còn dùng những cụm từ chung chung như “quy trình điều trị” mà đã thông hiểu được phần nào những giai đoạn cụ thể. Tôi muốn tìm hiểu tất cả. Tôi muốn tham vấn tất cả ý kiến của mọi người về căn bệnh của mình cũng như cách điều trị.
Cũng trong thời gian này, tôi nhận được rất nhiều thư kèm lời chúc, những tấm thiệp với lời động viên chân thành cùng một số lời mời điều trị bệnh từ khắp nơi. Tôi đọc không bỏ sót lá thư nào, đó như một cách giúp tôi thoát khỏi nỗi buồn và những đau đớn do biến chứng của căn bệnh. Vì vậy vào mỗi buổi tối, tôi, Lisa và mẹ ngồi phân loại thư và thay phiên nhau trả lời.
Một tối, tôi tình cờ mở một bức thư được gửi từ Trung tâm y khoa của Đại học Vanderbilt. Người gửi là bác sĩ Steven Wolff, trưởng khoa cấy ghép xương – tủy. Trong thư, bác sĩ Wolff giới thiệu ông vừa là dược sĩ vừa là một chuyên gia về bệnh ung thư. Đồng thời, ông cũng là một người hâm mộ môn thể thao đua xe đạp. Nghe tin tôi mắc bệnh, ông hy vọng có thể giúp tôi được phần nào. Bác sĩ Wolff khuyên tôi nên tìm hiểu về tất cả các phương pháp điều trị bệnh ung thư tinh hoàn hiện nay, và nếu cần bất kỳ lời khuyên hay sự hỗ trợ nào thì hãy tìm đến ông. Có hai điều trong bức thư khiến tôi rất chú ý: một là niềm đam mê bộ môn đua xe đạp của bác sĩ Wolff theo những gì ông chia sẻ, hai là lời khuyên của ông đề nghị tôi đến gặp trực tiếp bác sĩ Larry Einhorn tại Đại học Indiana bởi vì bác sĩ Einhorn là chuyên gia nhiều kinh nghiệm nhất về căn bệnh này. Wolff nói thêm: “Tôi muốn anh biết rằng hiện đang có rất nhiều phương pháp hóa trị liệu hiệu quả và điều quan trọng là chúng sẽ giúp anh giảm thiểu những tác dụng phụ của thuốc đến mức thấp nhất. Sau này, anh có thể quay trở lại đường đua khi đã khỏi bệnh”.
Tôi nhấc điện thoại và gọi ngay cho Wolff: “Chào ông, tôi là Lance Armstrong. Tôi vừa nhận được thư của ông và tôi quyết định gọi cho ông ngay “. Giọng Wolff thoáng ngạc nhiên nhưng ông nhanh chóng trở lại bình thường. Sau vài lời chào hỏi, Wolff bắt đầu hỏi thăm về bệnh trạng của tôi. Wolff giải thích rằng ông không muốn xen vào công việc của hội đồng y khoa ở Austin nhưng ông thật lòng muốn giúp tôi. Tôi chia sẻ với Wolff rằng tôi đang tiến hành quy trình hóa trị liệu chuẩn BEP cho căn bệnh ung thư tinh hoàn đã di căn sang phổi.
- Tuy nhiên, các bác sĩ nói rằng tôi không có nhiều cơ hội. – Tôi nói với ông.
- Nồng độ HCG của anh là bao nhiêu? – Wolff hỏi.
HCG là một loại nội tiết tố có tác dụng kích thích buồng trứng của phụ nữ. Theo như tôi tìm hiểu thì đây là một chỉ số quan trọng bởi vì nồng độ HCG không nên quá cao trong cơ thể của những người đàn ông khỏe mạnh. Tôi lật tìm trong các giấy tờ chữa trị, liếc mắt qua những con số:
- Kết quả xét nghiệm ghi nhận chỉ số HCG của tôi là 109.
- Khá cao đấy, nhưng cũng chưa đến nỗi quá tệ.
Tôi nhìn lại vào mặt giấy và phát hiện một ký hiệu nhỏ nằm phía sau con số.
- Thế ký hiệu chữ K sau đó nghĩa là gì? – Tôi hỏi.
Wolff im lặng trong vài giây rồi trả lời:
- Nghĩa là nồng độ HCG trong máu của anh là 109.000.
Theo lời Wolff, chỉ số 109 đã là khá cao, vậy sẽ ra sao với con số 109.000 đây? Wolff bắt đầu hỏi tôi dồn dập về chỉ số AFB, LDH. Tôi vội vàng hỏi ngay:
- Con số này nói lên điều gì?
Wolff giải thích rằng cơ thể tôi đang chịu đựng một nồng độ HCG quá cao. Ông khuyên tôi nên thử một số phương pháp điều trị khác mạnh hơn. Wolff còn nói rằng nồng độ HCG quá cao chính là nguyên nhân khiến tôi khó hồi phục.
Còn một vấn đề khác khiến Wolff quan tâm: việc tiêm bleomycin (loại thuốc chống ung thư được tiêm vào hệ thống miễn dịch) trong quá trình hóa trị không tốt cho gan và phổi của tôi. Ông nói rằng việc điều trị phải tùy vào từng đối tượng, một phương pháp có hiệu quả với người này nhưng chưa hẳn đã tốt với người khác. Trong trường hợp của tôi, bleomycin dường như không phải là sự lựa chọn đúng. Hai lá phổi đối với một cua-rơ chuyên nghiệp cũng quan trọng như đôi chân, chính vì vậy việc tiêm bleomycin với nồng độ quá cao có thể làm tiêu tan sự nghiệp của tôi. Và Wolff đã đưa ra một số loại thuốc khác để tôi sử dụng thay thế.
Sau đó, Wolff còn giới thiệu cho tôi thêm một vài chuyên gia ung thư tại Trung tâm y khoa của Đại học Indiana ở hạt Indianapolis. Đồng thời, ông cũng giới thiệu với tôi hai trung tâm lớn chuyên về ung thư – một ở Houston và một ở New York. Wolff đề nghị sẽ giúp tôi sắp xếp để gặp họ. Tôi vui mừng chấp nhận ngay lời đề nghị này.
Ngay ngày hôm đó, mẹ đã tập hợp tất cả các giấy tờ về quá trình chữa trị của tôi và gửi fax đến trung tâm y khoa tại Houston và Indianapolis nhờ tham vấn. Sáng hôm sau, sau khi tôi ra ngoài đạp xe như thường lệ thì khoảng mười giờ, phía Houston đã gọi điện nói chuyện với mẹ tôi:
- Chúng tôi đã xem hồ sơ bà gửi đến. Sao bà chưa cho Lance chụp MRI não?
- Vâng, nhưng nó có tác dụng gì ạ?
- Chỉ số HCG của cậu ấy quá cao, do vậy chúng tôi e rằng có thể bệnh đã di căn đến não.
- Ông đang đùa với tôi sao?
- Thường thì với chỉ số HCG thế này, chắc chắn não của bệnh nhân đã bị xâm hại. Chúng tôi cho rằng con trai bà cần tiến hành các biện pháp điều trị mạnh hơn.
- Nhưng con trai tôi chỉ vừa mới thực hiện kỳ hóa trị đầu tiên. – Mẹ tôi đáp đầy lo lắng.
- Vâng, thưa bà, nhưng chúng tôi không nghĩ là biện pháp đó còn thích hợp với tình trạng hiện tại của con bà.
- Không còn cách nào khác sao? Tôi đã chiến đấu để cứu lấy cuộc sống của nó. – Mẹ tôi thảng thốt.
- Chúng tôi cho rằng tốt hơn bà nên đưa cậu ấy đến đây ngay và bắt đầu điều trị bằng những phương pháp của chúng tôi.
- Ít phút nữa Lance sẽ về. – Mẹ tôi đáp, giọng run rẩy. – Tôi sẽ nói chuyện với nó và chúng tôi sẽ gọi lại cho các ông sau.
Khi tôi về nhà, mẹ đã ngồi sẵn ở phòng khách đợi tôi. Bà gọi: “Lance, mẹ cần nói chuyện với con”. Nhìn vẻ mặt nghiêm trọng của mẹ, tôi linh cảm có chuyện không tốt đã xảy ra. Mẹ thuật lại cuộc nói chuyện qua điện thoại với vị chuyên gia từ Houston. Nghe xong tôi chỉ ngồi im lặng, không nói một lời nào. Một thoáng suy nghĩ, tôi lấy lại bình tĩnh và nói với mẹ rằng tôi muốn trò chuyện trực tiếp với họ.
Thế là tôi nhấc điện thoại và gọi đến Trung tâm y khoa Houston. Tôi lắng nghe thật kỹ những điều mà vị chuyên gia đã nói và tôi quyết định sẽ đến Houston. Sau khi gác máy, tôi liên lạc với bác sĩ Youman. Tôi tóm lược cuộc trò chuyện vừa diễn ra với vị bác sĩ từ Houston và thông báo tình hình:
- Bác sĩ Youman, họ cho rằng có thể tế bào ung thư đã di căn đến não. Họ đề nghị tôi chụp MRI não.
- Tôi sẽ gặp anh vào trưa mai. Chúng ta sẽ cùng xem xét mọi chuyện. – Bác sĩ Youman lập tức trả lời.
Trước đó, bác sĩ Youman đã sắp xếp giúp tôi lịch hẹn tại phòng chụp MRI vì ông cũng đã dự đoán đến điều này.
Tôi gọi điện cho Steve Wolff và kể lại tường tận mọi việc. Tôi nói rằng tôi dự định đến Houston vào ngày mai. Steve tán thành, tuy nhiên, ông một lần nữa đề nghị tôi tham vấn các chuyên gia ở Đại học Indiana bởi vì đây là nơi có nhiều kinh nghiệm điều trị bệnh ung thư tinh hoàn nhất. Tất cả mọi người đều áp dụng phương pháp điều trị của Einhorn, vậy sao tôi không tìm đến ông? Steve cho hay Einhorn đang đi nghỉ ở Úc, nhưng ông có thể giúp tôi liên lạc và sắp xếp cuộc hẹn với người được Einhorn ủy quyền là bác sĩ Craig Nichols. Tôi đồng ý, thế là Wolff thay mặt tôi gọi ngay cho Nichols.
Sáng hôm sau, tôi liên lạc với bệnh viện để xác nhận cuộc hẹn chụp MRI vào buổi trưa. Để giúp tôi yên tâm, mẹ, Lisa và Bill Stapleton đã đi cùng tôi đến bệnh viện. Ngoài ra, bà ngoại của tôi từ Dallas cũng đón chuyến bay sớm nhất để đến cạnh tôi. Vừa gặp bác sĩ Youman, tôi nói rằng tôi đã chuẩn bị tinh thần để đón tin xấu nhất có thể đến.
Sau khi tiến hành chụp MRI, chúng tôi nhận được kết quả ngay. Mẹ, bà tôi và Bill đứng đợi ngoài hành lang. Tôi đề nghị Lisa đi cùng tôi vào phòng bác sĩ Youman. Tôi siết tay nàng thật chặt. Bác sĩ Youman nhìn qua tấm phim chụp rồi quay sang thông báo một cách miễn cưỡng: “Lance, trong não cậu đã xuất hiện hai đốm đen”.
Lisa nhắm nghiền cả hai mắt khi đón nhận tin ấy. Tôi bước ra ngoài và nói với mẹ đơn giản rằng: “Chúng ta phải chuẩn bị để đến Houston thôi”. Mẹ hiểu ngay tôi đang nói gì.
Bác sĩ Youman nói: “Cậu hãy đến Houston và tham vấn ý kiến của những chuyên gia khác. Đó là một ý tưởng rất khôn ngoan”. Tôi rất cảm kích Youman, vì ông không chỉ là một bác sĩ có tài, mà còn rất nhiệt tình. Ông là bác sĩ chính ở Austin theo dõi bệnh tình của tôi và tôi vẫn thường tìm đến ông để làm các xét nghiệm máu cũng như kiểm tra sức khỏe. Youman sẵn sàng hợp tác với các chuyên gia khác để điều trị cho tôi. Tôi rất biết ơn ông về điều đó và có lẽ từ sự quý mến này mà chúng tôi đã trở thành những người bạn tốt của nhau.
Những giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt của mẹ và Lisa. Ngược lại, tôi dường như vô cảm trước tin này. Mọi chuyện xảy ra quá nhanh đến nỗi tôi không kịp có thời gian để suy nghĩ. Tôi được chẩn đoán bệnh vào ngày thứ Tư, thì sáng thứ Năm tôi vào phòng mổ. Tôi về nhà vào tối thứ Sáu. Sáng thứ Bảy tôi đến ngân hàng lưu giữ tinh trùng. Tôi tổ chức buổi họp báo để tuyên bố rằng mình bị ung thư tinh hoàn vào sáng ngày thứ Hai của tuần sau đó, và ngay buổi chiều, tôi bắt đầu kỳ hóa trị. Còn hôm nay là thứ Năm, tôi được tin bệnh của mình đã di căn đến não. Từ ngày phát hiện bệnh, tôi hầu như toàn nhận được tin xấu: Tế bào ung thư đã di căn đến phổi… Bệnh của cậu đã sang giai đoạn thứ ba… Cậu không được bảo hiểm chi trả viện phí…và bây giờ là… Não của cậu đã xuất hiện tế bào ung thư.
Chúng tôi trở về nhà. Mẹ tôi lặng lẽ soạn thư và gửi kèm các giấy tờ cần thiết đến Trung tâm y khoa ở Houston. Lisa ngồi chết lặng trong phòng khách. Tôi gọi cho Bart và nói với anh về kế hoạch của mình. Bart liền đề nghị được đi theo, và chúng tôi rời nhà vào sáu giờ sáng hôm sau.
Thật tình mà nói, ở một khía cạnh nào đó, tôi cảm thấy nhẹ lòng khi đón nhận tin dữ này, bởi tôi nghĩ đó là kết quả tận cùng rồi. Sẽ không còn bác sĩ nào cảnh báo với tôi về một nguy cơ tồi tệ nào khác nữa.
Tôi còn nhớ, sau mỗi lần được chẩn bệnh, tôi đều hỏi các bác sĩ cùng một câu hỏi: “Liệu cơ hội sống sót của tôi là bao nhiêu?”. Tôi muốn được nghe con số chính xác để biết mình còn có khả năng sống được bao lâu. Và con số mà tôi nhận được ngày càng thu hẹp dần. Bác sĩ Reeves nói rằng tôi có 50% cơ hội nhưng về sau ông thừa nhận với tôi rằng “có lẽ chỉ 20%”.
Vậy thì cuối cùng cơ hội sống sót của tôi là bao nhiêu? Đó là câu hỏi mà tôi luôn lặp đi lặp lại với mọi người và cả chính mình. Nhưng tôi không bao giờ tìm ra được câu trả lời xác đáng. Không thể nào xác định chính xác cơ hội sống sót của một người là bao nhiêu và chúng ta cũng không nên cố gắng truy tìm điều đó làm gì, vì sẽ không bao giờ bạn nhận được một kết quả hoàn toàn đúng. Ngoài ra, bác sĩ luôn muốn mang đến niềm hy vọng cho các bệnh nhân, vì hy vọng là cách duy nhất chống lại nỗi sợ hãi, tạo động lực để họ đấu tranh giành lấy sự sống cho chính mình.
Tôi cũng dần không còn chất vấn bản thân bằng những câu hỏi như: Tại sao lại là mình? Mình có cơ hội sống sót không? Tôi nhận ra những câu hỏi ấy dường như chỉ đưa tôi vào ngõ cụt không lối thoát. Tôi thấy mình đã quá ích kỷ, chỉ biết nghĩ về bản thân. Những năm qua, cuộc đời tôi chỉ xoay quanh hai chữ thắng-thua trên đường đua, nhưng căn bệnh ung thư đã dạy tôi một điều khác nằm giữa hai đối cực đó. Tôi dần nhận ra bệnh tật không đơn thuần phân biệt hay hủy diệt con người, mà nó chính là thứ vũ khí sắc bén mà cuộc sống thử thách ý chí và nghị lực của chúng ta. Trước giờ tôi vẫn luôn cho rằng nếu chiến thắng tại những giải đấu lớn, tôi sẽ trở nên mạnh mẽ và danh giá hơn. Nhưng sự thật không phải như vậy.
Nỗi sợ và niềm hy vọng, cái nào mạnh hơn? Một câu hỏi khá thú vị và cũng không kém phần quan trọng. Ban đầu, nỗi sợ xâm chiếm toàn bộ tâm trí tôi, không còn chỗ cho một tia hy vọng nào cả. Tuy nhiên, khi tôi ngồi đây và nhìn thẳng vào thực tế về hoàn cảnh của mình, tôi không cho phép nỗi sợ cướp đi niềm tin yêu cuộc sống của tôi nữa. Tôi linh cảm rằng nỗi sợ không bao giờ có thể kiểm soát được trái tim. Chính vì vậy, tôi quyết định mình sẽ không sợ hãi nữa.
Tôi muốn sống, dù rằng cơ hội đó được bao nhiêu phần trăm chăng nữa. Khi chấp nhận đối mặt với căn bệnh nan y đang hoành hành từng ngày trong cơ thể, nghĩa là tôi đang đương đầu với sự sợ hãi. Những khoảnh khắc này là vô giá. Chỉ khi bạn trải nghiệm cảm giác sợ hãi đến tột cùng, hơn ai hết chính bạn là người nhận thấy và hiểu rõ những điểm yếu của mình, và tôi cho rằng điều đó làm thay đổi một con người. Bây giờ, tôi không có gì phải sợ hay phải trốn chạy: bệnh tật sẽ giúp tôi hiểu thêm về bản thân mình nhiều hơn trước và nó giúp tôi hướng đến một giá trị khác của bản thân mà tôi chưa cảm nhận được.
Vài ngày trước, tôi nhận được lá thư từ một binh sĩ đang đóng quân ở châu Á. Anh ấy cũng là một bệnh nhân ung thư. Trong thư anh chia sẻ: “Có thể anh chưa nhận ra nhưng chúng ta là những người may mắn”.
Tôi tự nhủ: “Anh chàng này thật ngớ ngẩn”.
Nhưng anh ấy có ý gì khi nói như vậy?