T
ôi băn khoăn khi có một điều gì đó không ổn cứ lởn vởn trong đầu mình. Dĩ nhiên, đây chỉ là chuyện cá nhân, tôi không thể buộc tội hay quy trách nhiệm cho người khác. Tôi phải tự tìm lối thoát cho mình. Và thế là, tôi tìm đến một giới hạn cao hơn trong tiềm thức và bắt đầu trò chuyện với căn bệnh đang chế ngự cơ thể tôi – bệnh ung thư. Tôi cố gắng tỏ ra thật kiên định: “Mày đã chọn nhầm đối tượng để ký sinh rồi. Tao không phải là người dễ khuất phục”.
Nhưng ngay cả khi nói những lời này, hơn ai hết tôi biết rằng đó chỉ là những lời ngoa mị để động viên chính mình. Mỗi sáng khi nhìn vào gương, tôi thấy khuôn mặt mình xanh xao đến đáng thương với đôi mắt đờ đẫn, đôi môi trắng bệch không còn chút sức sống. Tự đáy lòng mình, tôi nhận ra mình đang sợ, một cảm giác tự ti, chông chênh đang vây lấy tôi.
Vậy là tôi cố gắng thỏa hiệp với nó: “Tôi không tiếp tục đua xe, đổi lại tôi được sống thì tôi vẫn chấp nhận. Tôi sẽ tìm một công việc khác để làm. Tôi sẽ quay lại trường học. Tôi sẽ đi thu dọn rác, bất kỳ công việc gì cũng được – miễn là tôi không chết”.
Chúng tôi khởi hành đến Houston khi ánh mặt trời đầu tiên còn chưa ló dạng. Mẹ lái xe, tôi và Lisa ngồi ở hàng ghế sau. Trước đây, tôi chưa bao giờ nhường vô-lăng cho người khác khi đi cùng xe, nhưng hôm nay thì khác. Điều này đủ để bạn hiểu rằng khi ấy, tôi suy sụp đến nhường nào. Chúng tôi gần như im lặng suốt hành trình ba giờ đồng hồ, ai cũng đã quá mỏi mệt và kiệt sức vì những dòng suy nghĩ riêng đang khuấy động tâm trí. Hầu như cả đêm qua chúng tôi không ai chợp mắt được dù chỉ là một chút.
Houston là một trung tâm thương mại lớn và sầm uất nên đường sá lúc nào cũng đông đúc. Các đại lộ ở đây dường như không bao giờ ngớt những dòng người xe qua lại. Và phải đến 9 giờ sáng, chúng tôi mới đến được bệnh viện. Nhưng khi đến nơi chúng tôi mới biết là mình đến quá sớm, và vì thế chúng tôi phải ngồi đợi ngoài hành lang thêm hai giờ đồng hồ nữa. Thời gian chờ đợi làm tôi có cảm giác như mình đang trải qua một vụ tắc đường đến nghẹt thở.
Nơi đây vừa là bệnh viện mà cũng là nơi thực tập của một trường đại học y khoa. Bước vào bên trong, tôi cảm nhận được ngay không khí ngột ngạt, từ bệnh nhân, thân nhân, cho đến các bác sĩ, y tá, sinh viên thực tập, tất cả đều có vẻ gấp gáp. Chiếc bóng đèn huỳnh quang trên trần hắt thứ ánh sáng trắng xanh xuống càng khiến cho gương mặt ai nấy đều trông có vẻ xanh xao và căng thẳng hơn. Tôi thấy lòng bồn chồn bất an. Hết liếc đọc qua tờ tạp chí, chốc chốc tôi lại gõ liên hồi cây bút chì vào tay vịn thành ghế và lấy điện thoại gọi cho vài người bạn.
Cuối cùng, vị bác sĩ chúng tôi hẹn gặp cũng xuất hiện. Anh là một chuyên gia ung thư còn khá trẻ, dáng người săn chắc, gương mặt toát lên vẻ nhanh nhẹn, thông minh. Trong bộ trang phục chỉnh tề, anh tươi cười chào tôi:
- Tôi đã theo dõi bệnh án của anh. Rất vui khi gặp anh ở đây.
Sau vài câu chào hỏi xã giao, anh bắt đầu trao đổi về quá trình điều trị của tôi. Theo lời anh, phía bệnh viện sẽ tiếp tục dùng bleomycin để hóa trị cho tôi, nhưng phương pháp mà anh áp dụng sẽ khắc nghiệt hơn nhiều so với cách của bác sĩ Youman.
- Anh sẽ phải lê lết ra khỏi đây chứ không thể đi nổi đâu. – Anh ấy nói bằng giọng trầm ngâm.
Tôi và mẹ mở to mắt kinh ngạc. Anh ấy nói tiếp: “Tôi sẽ giết anh đấy. Tôi sẽ giết anh từ từ, từng ngày một, nhưng tôi sẽ mang anh trở về với cuộc sống. Chúng tôi sẽ truyền hóa chất vào cơ thể anh, liên tục và liên tục với liều lượng tăng dần. Anh thậm chí sẽ không còn đủ sức để đứng vững”. Và anh kết thúc: “Nhưng chúng tôi sẽ giúp anh đi lại bình thường khi giai đoạn trị liệu chấm dứt”.
Càng nghe những lời anh ấy nói, tôi càng run sợ khi thoáng hình dung đến hình ảnh mình sau đợt điều trị. Tôi hỏi anh vì sao việc điều trị lại khắc nghiệt đến vậy, anh trả lời: “Trường hợp của anh đã quá xấu rồi, nhưng tôi cho rằng đây là cơ hội duy nhất của anh.”
Mẹ tôi lúc ấy không nói được lời nào, Lisa cũng vậy, chỉ còn Bart tỏ ra bình tĩnh cố hỏi vị chuyên gia vài điều về phương pháp điều trị. Nhưng vị bác sĩ ngắt lời Bart và quay sang nói với tôi:
- Anh không còn nhiều cơ hội, nhưng khi anh đến đây với chúng tôi, mọi chuyện sẽ khá hơn một chút so với khi anh đến bất kỳ nơi nào khác.
Tôi hỏi ý kiến của anh ấy về phương pháp điều trị của bác sĩ Einhorn. Anh tỏ ra khó chịu: “Anh có thể đến Indiana để tham vấn, nhưng tôi chắc rằng anh sẽ quay lại đây thôi. Cách điều trị của họ không phù hợp với những trường hợp bệnh đã quá nặng như anh”.
Buổi trò chuyện kết thúc, trước khi chúng tôi ra về, vị chuyên gia còn nói với theo: “Đây là nơi duy nhất có phương pháp điều trị phù hợp với anh và nếu anh từ chối, tôi không dám chắc chuyện gì sẽ xảy ra đâu”.
Tôi nói rằng tôi sẽ cân nhắc đề nghị của anh và sẽ trả lời vào buổi chiều.
Chúng tôi lái xe quanh Houston trong tâm trạng rối bời. Cuối cùng, mẹ tìm được một cửa hàng thức ăn nhanh và dừng lại, dù lúc đó chúng tôi không muốn ăn uống gì cả. Thời gian đối với tôi như một áp lực đang đè nặng trên vai, tôi phải quyết định cho việc điều trị càng sớm càng tốt: hôm ấy đã là thứ Sáu, và vị chuyên gia muốn tôi tiến hành điều trị vào thứ Hai.
Tôi chán nản và thất vọng. Tôi có thể chấp nhận sự thật rằng tôi bị bệnh nan y, nhưng ý nghĩ mình sẽ trở nên kiệt quệ khiến tôi không thể chịu được. Tôi phân tích những điều vị chuyên gia nói và hỏi ý kiến của mẹ, Lisa và Bart. Tôi cố gắng tạo không khí thoải mái cho mọi người, nhưng nhìn vẻ mặt của mẹ, tôi biết bà đang hoang mang với những gì mà vị bác sĩ kia nói.
Phương pháp điều trị ở đây thực sự đã tác động quá mạnh đến tâm trí làm tôi không sao xóa bỏ được dòng suy nghĩ: “Mình sẽ không thể đi đứng bình thường, mình sẽ không có con, mình sẽ không thể trở lại đường đua”. Trước đây, tôi là kẻ háo thắng và rất ngang tàng: tôi lao vào tập luyện, thử sức mình với những đoạn đường khó khăn nhất, trên đường đua tôi không bao giờ chịu khuất phục trước bất kỳ đối thủ nào. Nhưng đây là lần đầu tiên tôi bắt đầu nghĩ: “Như vậy là quá sức chịu đựng của mình”.
Tôi quyết định gọi cho bác sĩ Wolff để xin ý kiến. Càng trò chuyện với ông, tôi càng trân trọng và quý mến con người đó. Ông tinh tế, ân cần và không bao giờ đặt nặng cái tôi của mình. Tôi thuật lại với ông về cuộc trò chuyện lúc sáng:
- Anh ta muốn tôi tiến hành hóa trị ngay và tôi sẽ phải quyết định vào chiều nay.
Wolff im lặng một hồi lâu rồi đáp:
- Sẽ không hại gì nếu cậu tham vấn thêm ý kiến của một người nữa đâu.
Wolff cho rằng tôi không nhất thiết phải quyết định ngay ngày hôm đó, ông khuyên tôi hãy đến Trung tâm y khoa Indiana. Đúng vậy. Tại sao tôi lại không đến Indianapolis và gặp trực tiếp những người đã tạo nên thành tựu cho việc chữa trị bệnh ung thư tinh hoàn mà tất cả các bác sĩ khác đều đang áp dụng?
Tôi vội liên lạc ngay với bác sĩ Craig Nichols, người được Einhorn giao quyền khi vắng mặt. Sau khi giải thích về bệnh trạng của mình, tôi liền hỏi: “Liệu tôi có thể đến gặp ông ngay không?”.
Nichols rất niềm nở khi nghe điện thoại của tôi và nhiệt tình nói: “Chúng tôi có thể gặp cậu ngay”.
Tôi nhìn đồng hồ, đã ba giờ chiều và tôi cảm thấy mình cần quay lại trung tâm y khoa Houston để lấy hồ sơ. Vị bác sĩ ở đây rõ ràng là rất sẵn lòng điều trị cho tôi, nhưng phương pháp điều trị quá khắc nghiệt của họ khiến tôi rùng mình. Tôi nói với vị chuyên gia đã gặp lúc sáng rằng tôi cần dành một đến hai ngày để suy nghĩ thận trọng hơn. Anh ta vui vẻ đồng ý và chúc tôi may mắn.
Quyết định đi đến Trung tâm y khoa của Đại học Indiana khiến mẹ tôi cảm thấy thoải mái phần nào và mẹ đã thanh toán mọi chi phí của chuyến đi. Bà gọi điện đến văn phòng của Bill Stapleton và gặp người trợ lý của anh, cô Stacy Pounds: “Stacy này, cô vui lòng đặt giúp chúng tôi vé máy bay đến Indianapolis nhé”. Sau đó, chúng tôi nhanh chóng thu xếp đồ đạc trở lại xe và đi thẳng đến sân bay Houston. Chiếc Volvo của mẹ tôi được đưa vào bãi đỗ xe dài ngày. Không ai trong chúng tôi chuẩn bị quần áo hay các vật dụng cá nhân bởi vì chúng tôi chỉ dự định đi và về trong ngày. Nhưng khi đến quầy vé của sân bay, mọi người mới biết Stacy không những giúp đặt vé máy bay mà cô còn chuẩn bị cho chúng tôi một vài vật dụng cần thiết.
Sau cùng chúng tôi cũng đến Indianapolis. Mẹ chủ động thuê một chiếc ô tô để tiện việc đi lại. Thời tiết tại Indianapolis khá lạnh. Chúng tôi thuê phòng ở một khách sạn nằm cạnh một con lộ dài. Tối hôm ấy, mọi người tranh thủ về phòng nghỉ ngơi, vì sáng hôm sau chúng tôi có cuộc hẹn sớm với bác sĩ Nichols.
Sáng hôm sau tôi thức dậy thật sớm. Tôi đứng trước gương và chải đầu. Mái tóc của tôi đã được cắt ngắn trước kỳ hóa trị đầu tiên. Một nhúm tóc nhỏ quấn vào lược khi tôi chải nhẹ. Tôi với tay lấy chiếc mũ và đội lên đầu.
Tôi đi xuống sảnh khách sạn. Bước vào phòng ăn, tôi thấy mẹ đã ngồi đó. Tôi ngồi vào bàn và lấy mũ ra.
- Tóc của con rụng nhiều quá mẹ à. – Tôi nói.
- Chúng ta đã biết trước chuyện đó rồi mà, con trai. – Mẹ gượng cười.
Sau khi dùng bữa sáng, tôi mang theo hồ sơ bệnh án và các giấy tờ cần thiết để chuẩn bị cho cuộc gặp mặt quan trọng sắp diễn ra. Chúng tôi đến nơi hẹn khi trời còn chưa hửng sáng.
Trung tâm y khoa Đại học Indiana nằm trong một tòa nhà khá đồ sộ. Chúng tôi tìm đến chuyên khoa ung thư và được nhân viên ở đây đưa vào một căn phòng rộng với những khung cửa sổ lắp kính trong suốt.
Khi chúng tôi bước vào phòng thì cũng là lúc mặt trời vừa lên, cả căn phòng ngập tràn trong ánh nắng. Hôm nay là một ngày nắng đẹp, tôi cảm thấy thư thái hơn trước ánh sáng tự nhiên trong lành này.
Craig Nichols xuất hiện. Trước mắt tôi là một người đàn ông dễ nhìn với hàng ria được tỉa gọn gàng. Tôi nhìn tách cà phê trong tay Craig. Đã lâu tôi không đụng đến một giọt cà phê nào, và tôi rất nhớ cái vị đăng đắng thơm thơm của nó. Tôi bỏ cà phê theo lời khuyên của một quyển sách dinh dưỡng bởi vì chất caffeine sẽ không tốt cho sức khỏe của tôi. Bây giờ, tôi bỗng cảm thấy nôn nao trong lòng khi thấy nó.
- Ông có thường uống cà phê không? – Tôi hỏi.
- Cà phê không tốt cho sức khỏe, nhưng một tách nhỏ để thư giãn sẽ không sao đâu. – Craig cười ân cần.
Đi cùng Nichols là Scott Shapiro - bác sĩ giải phẫu thần kinh. Shapiro có dáng người to cao, đôi mắt sáng và hàng mi rậm, tuy nhiên lưng anh hơi gù. Bác sĩ Nichols tóm tắt bệnh trạng của tôi cho Shapiro: “Cậu ấy bị ung thư tinh hoàn và bệnh đã di căn đến phổi. Kết quả xét nghiệm gần đây nhất cho thấy tế bào ung thư đã xuất hiện ở lồng ngực và não”.
Mọi người cùng ngồi xuống bàn về cách chữa trị cho tôi. Mặt trời đã lên cao, ánh nắng chiếu vào những tấm cửa kính sáng rực. Không khí nơi đây thật yên tĩnh. Giọng nói ôn hòa, điềm tĩnh với lối nói chuyện gần gũi của Nichols giúp tôi cảm thấy thoải mái và yên bình. Tôi quan sát dáng vẻ của ông khi trò chuyện. Nichols có phong thái rất điềm đạm, ông không vồn vã, hấp tấp và gương mặt luôn toát lên sự tự tin. Tôi bắt đầu có thiện cảm với ông.
Nichols ôn tồn nói:
- Chúng tôi cho rằng cậu vẫn còn nhiều cơ hội.
Tôi kể cho Nichols nghe về chuyến đi đến Houston. Nhưng trái với sự hiếu thắng và cao ngạo như vị bác sĩ ở bệnh viện Houston, ông tiếp lời tôi đầy khiêm tốn: “Trung tâm y khoa bên đó làm việc khá tốt đấy, chúng tôi cũng rất cảm phục những thành tựu mà họ đã đạt được”. Nói xong, ông nhìn vào hồ sơ bệnh án của tôi. Ông đính bản phim X-quang của tôi lên một khung bảng trắng rồi chỉ ra những vùng dị thường trong lồng ngực của tôi. Nichols đếm được có đến mười hai dấu hiệu dị thường. “Quá nhiều khối u trong hai lá phổi.” – Ông nói. Một vài khối u trong số đó được xác định chỉ đơn thuần là các mô mỡ, số còn lại to hơn, chúng có kích thước từ 2-3 cm. Sau đó, Nichols chuyển sang xem bản chụp cắt lớp não. Ông chỉ cho tôi thấy hai vùng sáng dị thường nằm ngay dưới hộp sọ. Chúng có kích thước gần bằng một quả nho.
Tôi tập trung chú ý những lời Nichols nói. Ông tuần tự đưa ra những nhận định về tình trạng bệnh của tôi – ôn tồn, từ tốn nhưng dứt khoát:
- Bệnh của cậu khá nặng, tế bào ung thư đã làm thương tổn khá nhiều phần quan trọng của não.
Nichols giải thích thêm các hóa chất dung nạp vào cơ thể tôi trong quá trình hóa trị không đến được những vùng tổn thương trên não vì bị các tuyến huyết mạch dẫn máu lên não ngăn lại. Để khắc phục tình trạng này, họ có thể dùng tia bức xạ hoặc giải phẫu. Và ông cho rằng tôi nên giải phẫu thì tốt hơn.
Như thường lệ, tôi lại thốt lên câu hỏi quen thuộc:
- Vậy nếu giải phẫu, cơ hội của tôi là bao nhiêu?
- Xuất phát điểm của cậu không tốt lắm. – Nichols đáp – Tỷ lệ bao nhiêu thì chúng tôi không thể nói chắc được. Nhưng trường hợp của cậu vẫn còn hy vọng. Tôi cho rằng cơ hội của cậu là 50%.
Nichols là mẫu người biết cách khiến người khác cảm thấy yên lòng và lạc quan. Đối với căn bệnh ung thư tinh hoàn, y học ngày nay đã tìm ra cách chữa trị nhờ vào tác dụng của platinum, và Nichols nói rằng ông đã chứng kiến nhiều trường hợp nặng hơn tôi nhưng cuối cùng, bệnh nhân vẫn vượt qua được. Ông động viên: “Tình trạng hiện tại của cậu khá xấu, nhưng chúng tôi từng chữa trị cho nhiều trường hợp còn tệ hơn thế nữa. Quan trọng là cậu phải vững vàng”.
Nichols nhiệt tình đề nghị khiến tôi ngạc nhiên và vui mừng: ông muốn giúp tôi trị bệnh để tôi có thể quay trở lại đường đua. Đó là điều mà ngoài Steve Wolff và ông ra chưa từng vị bác sĩ nào nói với tôi. Chưa một ai. Tôi hơi sững sờ vì ban đầu, tôi từng nghi ngờ những điều lạc quan mà ông nói. Chuyến đi đến Houston đã lấy đi của tôi trọn niềm tin và hy vọng về cơ hội quay trở lại đường đua, đặc biệt là sau khi nghe quy trình điều trị khắc nghiệt với hàng loạt những hóa chất độc hại được đưa vào cơ thể mình. Mục tiêu duy nhất của tôi lúc ấy chỉ là được sống. Vậy mà giờ tôi được nghe điều hơn cả thế nữa, tôi vội nói với Nichols: “Hãy cứu tôi nhé!”.
Nichols không những lạc quan về cơ hội sống sót của tôi, ông còn tin rằng tôi hoàn toàn có thể trở lại đường đua. Ông không hứa chắc cơ hội sống sót của tôi là bao nhiêu, nhưng ông đề xuất một số thay đổi trong quá trình điều trị nhằm giúp tôi bảo vệ và khôi phục chức năng phổi. Đó là phương pháp điều trị dưới tác dụng của hóa chất platinum có tên gọi VIP (bao gồm sự kết hợp của các loại hóa chất vinblastine, etoposide, ifosfamide, cisplatin). Phương pháp này khá mạnh, trong thời gian ngắn nó có thể khiến tôi mất sức nhiều nhưng về lâu dài, nó sẽ không phá hỏng phổi của tôi như chất bleomycin. Dưới tác dụng của ifosfamide, tôi sẽ liên tục có cảm giác buồn nôn và ói mửa, đồng thời, những cơn đau sẽ hành hạ tôi trong vài tuần đầu tiên. Nhưng nếu tôi có thể vượt qua ba kỳ hóa trị theo phương pháp VIP, cộng thêm một kỳ BEP mà tôi vừa tiến hành, tôi hoàn toàn có khả năng khỏi bệnh và khôi phục thể lực đủ để thi đấu.
- Ông có chắc nếu không dùng bleomycin, ông có thể cứu con tôi chứ? – Mẹ tôi không khỏi lo lắng.
- Không ai trong chúng ta muốn phổi của Lance bị hủy hoại cả. – Nichols trấn an bà.
Nichols đề nghị tôi nên phẫu thuật để loại bỏ các khối u trong não. Hiện tại, phương pháp hiệu quả để chữa trị u não vẫn là dùng tia bức xạ. Tuy nhiên, tia bức xạ về lâu dài sẽ có những tác dụng phụ làm ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương, một vài bệnh nhân sau khi trải qua phương pháp điều trị này đã bị suy giảm khả năng nhận thức và khả năng phối hợp vận động. Với trường hợp của tôi, nếu sử dụng tia bức xạ, sau này có thể khả năng giữ thăng bằng của tôi sẽ suy giảm. Đây là chuyện không đáng lo với một người bình thường, nhưng với một cua-rơ thì lại khác. Thăng bằng là yếu tố quyết định giúp tôi thả dốc thành công xuống ngọn đồi Alps.
Sau khi im lặng theo dõi cuộc đối thoại giữa tôi và Nichols, Shapiro lên tiếng:
- Chúng ta cùng xem qua bản chụp cắt lớp MRI và CT nhé.
Nichols trao tập hồ sơ cho Shapiro. Anh đính những bản phim chụp lên tấm bảng trắng trên tường, quan sát chúng hồi lâu và khẽ gật đầu:
- Ừm… Ổn thôi, tôi có thể nhận ca này. Sẽ không có vấn đề gì đâu.
- Không vấn đề gì sao? – Tôi ngạc nhiên.
Shapiro chỉ vào vùng bị tổn thương và nói rằng chúng nằm sát bề mặt vỏ não, do vậy rất dễ loại bỏ chúng bằng phương pháp mổ nội soi – một phương pháp cho phép định vị chính xác tế bào ung thư và loại bỏ chúng hoàn toàn.
- Phương pháp này cho phép chúng ta cô lập khối u trước khi loại bỏ chúng, vì vậy có thể rút ngắn thời gian giải phẫu xuống chỉ còn một phần tư so với trước đây.
- Liệu có rủi ro nào không? – Tôi hỏi lại cẩn thận.
- Vì anh còn trẻ nên tác dụng phụ của thuốc gây tê khi phẫu thuật sẽ không nhiều. Việc nhiễm trùng hay xuất huyết não cũng ít xảy ra, tuy nhiên nhiều khả năng anh sẽ bị động kinh nhẹ. Điều đáng lo nhất là sau khi mổ, một nửa người anh có thể sẽ yếu đi. Đây chỉ là một cuộc giải phẫu đơn giản. Anh trông khá rắn rỏi và mạnh mẽ đấy, hãy nghĩ nó giống như một cuộc đi dạo và anh sẽ thấy mọi việc nhẹ nhàng thôi.
Tôi vẫn còn căng thẳng và tỏ vẻ hoài nghi:
- Liệu anh có đủ tự tin và biết rõ mình đang làm gì không đấy?
- Vâng, tôi đã từng thực hiện nhiều cuộc giải phẫu tương tự rồi. Tôi chưa làm ai chết cả và cũng chưa khiến bệnh của ai trầm trọng hơn. – Anh ta trả lời hóm hỉnh.
- Và anh là người trực tiếp giải phẫu não cho tôi?
- Dĩ nhiên. Bởi vì tôi làm công việc đó cũng tốt như khi anh đua xe đạp và tôi cũng có nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực này.
Tôi cười và cảm thấy ấn tượng với vị bác sĩ này. Cuộc nói chuyện kết thúc thì trời cũng đã xế trưa. Tôi đứng dậy và hẹn sẽ thông báo đến họ quyết định cuối cùng ngay ngày hôm đó.
Trước khi quyết định một việc quan trọng như vậy, tôi muốn trò chuyện với mẹ và những người thân của mình. Tôi sẽ phải chọn lựa bác sĩ và nơi tiến hành điều trị bệnh. Điều này không giống như việc chọn nơi đầu tư. Vì khi quyết định đầu tư vào một nơi nào đó, tôi chỉ cần hỏi: “Tôi sẽ nhận lại được gì trong năm năm tới?”. Nhưng hoàn cảnh của tôi bây giờ hoàn toàn khác, tôi chỉ có hai khả năng: hoặc sống, hoặc chết.
Chúng tôi đến một cửa hàng nhỏ và mua một chai rượu. Suốt bữa trưa, mọi người chỉ im lặng. Mẹ tôi, Lisa và Bart không lên tiếng vì sợ làm ảnh hưởng đến suy nghĩ của tôi. Mặc dù tôi có hỏi ý kiến của họ, nhưng mọi người có vẻ hơi e dè vì tất cả đều muốn tôi tự quyết định.
Tôi mở lời: “Mọi người thấy đấy, Trung tâm y khoa Houston có nhiều thiết bị tiên tiến, họ đã đề xuất thay đổi phương pháp điều trị và điều họ nói cũng không tồi”. Không ai tỏ thái độ đồng tình hay phản đối trước nhận xét của tôi. Họ muốn một quyết định rõ ràng, nhưng quyết định đó phải do tôi chọn lựa.
Vậy là tôi chỉ còn biết vừa ăn vừa suy nghĩ về mọi việc. Tôi muốn chắc rằng mình nhận định đúng về các bác sĩ và những phương pháp điều trị mà họ đề xuất. Tôi nghĩ mình không còn gì cả, sự nghiệp của tôi đến đây cũng coi như kết thúc, nhưng bác sĩ Nichols và Shapiro lại động viên tôi không nên quá bi quan. Và có lúc tôi đã cố tình đặt ra những câu hỏi hóc búa nhưng họ vẫn điềm tĩnh trả lời những thắc mắc của tôi mà không hề tỏ ra khó chịu hay tự đề cao khả năng của mình. Sự khiêm tốn ấy đã lấy được niềm tin của tôi. Tôi tin tưởng vào họ, tin vào sự quyết đoán và kiên định của họ.
Sau một hồi cân nhắc, tôi thận trọng nói với mọi người: “Tôi cảm thấy yêu mến và tin tưởng hai bác sĩ ở Trung tâm Indiana. Môi trường tại đó cũng tốt. Nếu thật sự phải phẫu thuật thì bác sĩ Shapiro rất có kinh nghiệm. Vì vậy, tôi nghĩ mình sẽ chọn điều trị tại Indiana”.
Gương mặt mọi người giãn ra. Bart tán đồng:
- Tôi hoàn toàn đồng ý.
- Mẹ nghĩ con đã chọn lựa đúng. – Mẹ tôi tiếp lời, giọng nhẹ nhàng.
Chúng tôi quay lại Trung tâm y khoa Đại học Indiana, tôi gặp bác sĩ Nichols:
- Tôi đã quyết định sẽ giải phẫu tại đây.
- Tốt lắm. Như vậy, cậu sẽ phải có mặt vào thứ Hai để chúng tôi tiến hành một số xét nghiệm. Sáng thứ Ba, chúng tôi sẽ tiến hành giải phẫu não cho cậu.
Nichols cho biết thêm là ngay sau khi giải phẫu, tôi sẽ lập tức bước vào giai đoạn hóa trị theo phương pháp của ông. Ông giới thiệu tôi với LaTrice Haney, y tá trưởng của chuyên khoa ung thư, người sẽ chịu trách nhiệm chăm sóc cho tôi. Sau đó, chúng tôi cùng ngồi xuống bàn luận về những việc phải làm sắp tới.
Tôi nói trong cơn xúc động:
- Tôi không thể chết. Hãy tiến hành bất kỳ phương pháp nào có thể. Hãy cho tôi gấp đôi thuốc so với bệnh nhân khác. Tôi muốn chắc mình được sống. Hãy giúp tôi tiêu diệt căn bệnh quái ác này.
Nichols và LaTrice phải trấn tĩnh tôi:
- Nếu làm vậy, tôi có thể sẽ giết chết cậu. Hoàn toàn có thể.
Ngoài ra, Nichols còn đề nghị hoãn thời gian hóa trị lại một tuần bởi vì lượng bạch huyết trong tôi đã xuống quá thấp sau kỳ hóa trị đầu tiên. Chỉ khi cơ thể tôi thật sự hồi phục, tôi mới có thể bắt đầu giai đoạn hóa trị VIP.
LaTrice Haney tiếp tục giải thích cho tôi tỉ mỉ về từng giai đoạn điều trị, về vai trò của sự hợp tác đôi bên và nguyên lý hoạt động của các loại hóa chất. Tôi cố gắng dung nạp hết tất cả những điều cô nói vì tôi muốn theo sát tình hình sức khỏe của mình. Mẹ tôi đứng bên cạnh, bà tỏ ra lo lắng:
- Liệu con tôi có chịu nổi không?
- Ban đầu, cậu ấy sẽ có cảm giác buồn nôn và bị ói mửa khá nhiều. Nhưng hiện tại đã có một số loại thuốc giúp giảm thiểu tình trạng này, nếu không muốn nói là có thể loại bỏ được nó.
LaTrice nói rằng nồng độ các loại hóa chất đưa vào người tôi sẽ được xác định một cách cẩn thận, tương tự với lưu lượng máu trích xuất ra khỏi cơ thể. Tôi cảm thấy an lòng khi nghe cô giải thích, và nhìn mẹ, tôi cũng thấy bà có vẻ yên tâm hơn.
Một tuần sau, chúng tôi quay lại Indianapolis.
Tại Trung tâm y khoa Indiana, thủ tục đăng ký khá phức tạp, chúng tôi phải đưa ra tất cả những giấy tờ cần thiết theo yêu cầu. Cô nhân viên phụ trách trường hợp của tôi còn đặt rất nhiều câu hỏi đại loại như:
- Cậu thích ăn loại thực phẩm nào?
- Tôi không ăn đường, không ăn thịt bò và phô-mai. Tôi cần ăn nhiều thịt gà và cô có thể chế biến cho tôi bất kỳ món gì.
Cô ấy nhìn lại tôi và nhấn mạnh:
- Tôi hỏi là cậu có thể ăn được món gì?
Mẹ tôi bắt đầu nổi giận. Bà đứng dậy và nói với cô nhân viên: “Chúng tôi đang chuẩn bị cho cuộc giải phẫu vào ngày mai, vì thế cô đừng thử thách lòng kiên nhẫn của con trai tôi. Chúng tôi đã tham vấn chuyên gia dinh dưỡng và biết những loại thực phẩm nào là cần thiết. Nếu cô không thể phục vụ chúng tôi, được thôi – tự chúng tôi sẽ lo liệu”. Và mẹ đã làm đúng như vậy, mỗi khi vào bệnh viện, mẹ đều mua cho tôi những thứ cần thiết và chăm lo cho tôi chu đáo.
Sau đó, chúng tôi thu xếp về phòng. Nhưng khi đến nơi, chúng tôi mới phát hiện nó nằm gần khu dành riêng cho các y tá nên rất ồn ào. Mẹ lo rằng tiếng ồn sẽ khiến tôi khó chịu, thế nên mẹ đã đề nghị để tôi được chuyển sang căn phòng khác yên tĩnh hơn ở cuối hành lang.
Trưa hôm đó, tôi gặp bác sĩ Shapiro để tiến hành vài xét nghiệm cần thiết trước cuộc giải phẫu. Trên đầu tôi được đánh dấu rất nhiều điểm khác màu nhằm xác định chính xác vị trí của khối u.
Những điểm được đánh dấu này phần nào sẽ giúp cuộc phẫu thuật diễn ra nhanh hơn và chính xác hơn. Mặc dù cũng hơi bị sốc khi được biết những điểm này chính là nơi Shapiro sẽ khoét vào hộp sọ của tôi, nhưng đó là sự thật và tôi vẫn tin vào tay nghề của bác sĩ Shapiro.
- LaTrice này, liệu tôi có thể chịu đựng nổi việc họ khoét và hộp sọ của tôi không? – Tôi hơi lo.
Những người thân xung quanh tôi cũng tỏ ra sợ hãi – thậm chí hơn cả tôi. Mọi người đều cố gắng đến bên cạnh để trấn an tôi, trong đó có Och, Chris Carmichael, Bill và Kevin. Tôi muốn họ ở bên cạnh tôi, và tôi biết họ cũng muốn như vậy, ít nhiều điều đó khiến tôi cảm thấy vững dạ hơn. Tôi biết họ cũng đang lo lắng nhưng cố che giấu bằng đôi mắt mở to và nụ cười gượng. Tôi gượng cười, cố tỏ vẻ như không có gì. Tôi nói với mọi người: “Tôi đã sẵn sàng để chiến đấu với nó”.
Khi mắc bệnh nan y, bạn sẽ nhận ra bạn không phải là người duy nhất cần sự động viên của mọi người. Đôi khi, chính bạn lại là người phải động viên và trấn an người khác. Những người bạn của tôi không đủ can đảm khi nhìn thấy tôi đơn độc bước vào “cuộc đấu sinh tử”, họ không thể nói với tôi rằng: “Hãy cố lên, cậu sẽ làm được”. Ngược lại, rất nhiều lần tôi phải giúp họ an lòng: “Đừng lo, tôi sẽ vượt qua mà”.
Trước ca phẫu thuật quan trọng, chúng tôi cùng xem truyền hình trực tiếp giải bóng chày thế giới và bàn luận sôi nổi về kết quả. Mọi người đều cố gắng tỏ ra như thể không có chuyện gì xảy ra. Chúng tôi tranh luận về biến động của thị trường chứng khoán và nhận xét về các giải đua xe đạp đang diễn ra. Tôi vẫn nhận được rất nhiều thư từ những người mà tôi chưa từng biết mặt hoặc đã không gặp trong nhiều năm. Điều làm tôi không thể nào quên là hình ảnh những người thân ngồi quây quần và đọc từng bức thư đầy tình cảm đó cho tôi nghe.
Trước khi bắt đầu quá trình điều trị, tôi cũng muốn biết hiện tài sản của mình còn bao nhiêu để lo liệu. Tôi giải thích với Och và Chris về trục trặc trong vấn đề bảo hiểm sức khỏe. Rồi chúng tôi cùng ngồi lại với nhau, liệt kê sơ về số tài sản hiện tại mà tôi đang sở hữu. Tôi nói với họ: “Để xem tôi có những gì nhé. Tôi cần theo dõi mọi việc để cảm thấy rằng mình vẫn đang kiểm soát được mọi chuyện”. Hiện tại tôi đang cần tiền. Thế là tôi cùng hai người bạn tổng hợp và tính toán những tài sản mà tôi đang có, lượng tiền mặt và tài khoản lương hưu của tôi tại ngân hàng.
Giá trị mảnh đất: 220.000 đô-la
Ngoại thất: 60.000 đô-la
Đồ nội thất: 300.000 đô-la
Vật dụng sinh hoạt: 50.000 đô-la
Cũng trong ngày hôm đó, Shapiro đến gặp tôi và nói với vẻ mặt nghiêm trọng:
- Chúng ta cần thảo luận một vài vấn đề về ca giải phẫu ngày mai.
- Anh muốn nói chuyện gì? Chuyện không xấu chứ?
- Chuyện đang có vẻ xấu hơn chúng ta tưởng.
Shapiro nói rằng khối u nằm ở hai vị trí trọng yếu trong hộp sọ: một ngay trên vùng thị giác và một nằm trên trung khu thần kinh điều khiển vận động. Điều đó giải thích vì sao thị giác của tôi dạo gần đây không được tốt. Shapiro nói anh muốn cuộc giải phẫu phải thật hoàn hảo, anh sẽ cố gắng tạo vết khoét thật nhỏ chỉ trong khoảng vài milimét. Như vậy tôi sẽ không phải chịu đựng những vết mổ rộng và sâu. Tuy nhiên, tôi vẫn rùng mình khi nghe anh mô tả chi tiết các bước của cuộc phẫu thuật. Tôi không nghĩ mình có thể chấp nhận hết mọi rủi ro có thể xảy ra. Nghe qua thì có vẻ rất đơn giản: Shapiro sẽ khoét vào hộp sọ của tôi và nạo hết những tế bào ung thư trong đó. Nhưng giờ đây, sau khi đã biết tường tận những gì sắp xảy ra với mình, tôi thấy hoang mang vì biết rằng chỉ cần một sai sót nhỏ cũng có thể khiến tôi bị mù hoặc mất đi khả năng vận động và điều khiển các loại phương tiện cá nhân.
Shapiro tỏ ra thông cảm khi thấy vẻ hoảng sợ hiện rõ trên gương mặt tôi:
- Lance, không ai muốn mình bị u não để phải phẫu thuật cả. Cậu sợ cũng là điều dễ hiểu.
Shapiro đảm bảo với tôi rằng tôi sẽ hồi phục nhanh chóng: chỉ cần nằm một ngày trong phòng săn sóc đặc biệt, thêm một ngày tĩnh dưỡng nữa là tôi hoàn toàn có thể bắt đầu giai đoạn hóa trị.
Đêm đó, mẹ tôi, Bill, Och, Chris và một vài người bạn khác của tôi đưa tôi đi ăn tối tại một nhà hàng địa phương. Trông tôi lúc đó thật buồn cười: trên đầu vẫn còn những tấm băng dính chuẩn bị cho cuộc phẫu thuật ngày mai, trên tay là một vòng đeo xác nhận của bệnh viện. Nhưng tôi không để tâm đến những chuyện đó. Tôi chỉ cảm thấy vui và thoải mái khi ra khỏi bệnh viện và đi dạo bên cạnh những người thân. Người đi đường nhìn tôi hiếu kỳ, cũng chẳng hề gì. Sáng ngày hôm sau, đầu tôi sẽ được cạo trọc để thuận tiện cho việc phẫu thuật.
Bạn đối mặt với cái chết như thế nào? Có lúc tôi nghĩ những mạch máu ngăn cản hóa chất điều trị lưu thông lên não để tiêu diệt tế bào ung thư không hẳn chỉ là một khiếm khuyết về thể chất. Tôi cho rằng đó cũng chính là khiếm khuyết về mặt tinh thần. Có lẽ trong mỗi chúng ta đều tồn tại một rào cản vô hình khiến chúng ta không đủ can đảm để chấp nhận cái chết nếu chúng ta chưa bị đưa vào đường cùng.
Đêm trước ngày mổ, tôi suy nghĩ mơ hồ về cái chết. Tôi cố tìm ra đâu là những giá trị của bản thân mình, và tôi tự hỏi: nếu phải chết thì tôi muốn một cái chết dữ dội, tranh đấu hay một sự ra đi trong thanh thản? Tôi muốn mình sẽ như thế nào khi chết? Tôi có bằng lòng với bản thân mình và với những điều tôi đã làm được hay không?
Tôi tự hỏi bản thân rằng tôi tin vào điều gì? Tôi không phải là người sùng đạo, nhưng tôi cũng có những niềm tin của riêng mình và đang nuôi dưỡng nó. Đó là tôi tin mình có trách nhiệm phải trở thành một con người đúng nghĩa: chân thật, lương thiện, chăm chỉ làm việc và có lòng tự trọng. Ngay lúc này, nếu thật sự có một đấng tối cao nào đó xuất hiện và phán xét tôi, tôi mong Ngài sẽ giúp tôi nhìn thấy giá trị sống đích thực của mình hơn là phán xét niềm tin của tôi đối với một tín ngưỡng nào đó. Nếu thật sự Thượng đế tồn tại, tôi mong Ngài sẽ không nói rằng: “Vì ngươi không phải là một tín đồ của ta nên con đường dẫn đến thiên đường của ngươi sẽ khác”. Nếu như vậy, tôi sẽ vui vẻ đáp lời: “Vâng. Ngài đúng đấy”.
Và tôi cũng có niềm tin vào người khác. Tôi tin vào tài năng của các bác sĩ, vào phương pháp chữa trị hiện đại ở nơi đây. Tôi tin họ. Tôi tin một người như bác sĩ Einhorn, người đã nghiên cứu phương pháp chữa trị cho bệnh ung thư tinh hoàn hơn hai mươi năm trước và nhờ nó mà giờ đây, tôi còn niềm tin để hy vọng.
Tuy nhiên, tôi không biết phải đặt mốc giới hạn từ đâu để phân biệt giữa niềm tin con người và tiến bộ khoa học. Nhưng có một điều tôi chắc chắn: tôi tin rằng mình có lòng tin – dù rằng tôi đã từng rất thất vọng, dù rằng mọi việc đang diễn ra có vẻ như đều chống lại tôi, dù rằng tôi đang đối mặt với những rủi ro không thể nào dự đoán trước được. Ngoài việc nuôi dưỡng niềm tin ra thì tôi còn có thể làm những gì? Tôi nhận ra mỗi ngày, con người đều sống dựa vào niềm tin. Chúng ta mạnh mẽ hơn chúng ta nghĩ và niềm tin chính là thứ dầu bôi trơn cho mỗi bước đường thăng hoa của con người. Cuộc sống là chuỗi ngày nếm trải tai ương lẫn tận hưởng hạnh phúc, chúng ta biết rằng không có loại thuốc mầu nhiệm nào có thể giúp con người bất tử – nhưng chúng ta vẫn tin và vẫn sống. Tôi gọi thứ sức sống mạnh mẽ đó, thứ niềm tin bất diệt đó là lòng dũng cảm, là sự kiên cường của loài người.
Thế nên, tôi tin vào bản thân mình, tin vào các bác sĩ, tin vào phương pháp điều trị, tin vào những quyết định mà tôi đã chọn lựa – đó mới là điều quan trọng nhất. Nên như thế và phải như thế!
Nếu cuộc sống mất đi niềm tin, con người sẽ thường xuyên rơi vào thất vọng và chán nản. Mãi cho đến lúc bị bệnh, tôi mới nhận ra mỗi ngày là một cuộc đấu tranh không ngừng của con người để chống lại những tiêu cực trong cuộc sống. Tôi cũng nhận ra rằng, những nỗi sợ về một ngày tận diệt của thế giới, nỗi sợ về những căn bệnh nan y thật ra cũng chỉ đơn thuần là những nỗi sợ cố hữu của con người. Chính sự chán nản, thất vọng và đánh mất niềm tin mới chính là hiểm họa đáng ngại nhất.
Và tôi đã hiểu vì sao mọi người sợ căn bệnh ung thư: bởi vì đó là cái chết từ từ và không thể nào tránh khỏi, nói đúng hơn đó là cái chết của niềm tin, của hy vọng.
Chính vì vậy, tôi tin.
Luôn có lý do khi bạn không thể nhớ một điều gì đó. Vào buổi sáng của ngày giải phẫu, tôi khép chặt mọi suy nghĩ và cảm xúc của mình, duy chỉ có một điều tôi ghi nhớ rất rõ - ngày tôi chính thức tuyên chiến với cái chết để tìm lại cuộc sống cho mình – ngày 25 tháng 10.
Mẹ, Och và Chris đến phòng tôi lúc 6 giờ sáng để đánh thức tôi dậy. Cùng lúc đó, rất nhiều y tá cũng vừa kịp đến để chuẩn bị cho cuộc giải phẫu sắp diễn ra. Trước khi bước vào ca giải phẫu, tôi phải trải qua một cuộc kiểm tra trí nhớ. Các bác sĩ nói với tôi: “Anh sẽ được nghe ba từ đơn giản nhất và hãy cố nhớ chúng càng lâu càng tốt”. Một số bệnh nhân bị u não không thể nhớ nổi những điều họ đã nghe cách đó mười phút. Nếu khối u đã ảnh hưởng đến trí nhớ của tôi, tôi ắt hẳn sẽ không thể vượt qua được bài kiểm tra sơ bộ này.
Một nữ y tá nhìn tôi và nói: “Quả bóng, đinh ghim và con đường. Cứ đến một thời điểm nhất định, chúng tôi sẽ yêu cầu anh lặp lại những từ này”.
Một thời điểm nhất định – có thể là ba mươi phút, có thể là ba giờ và tôi phải lặp lại theo yêu cầu. Nếu tôi không thể nhớ, vấn đề sẽ rất nghiêm trọng. Tôi vẫn đang cố chứng minh tình trạng của mình không quá xấu như các chuyên gia đã nhận định. Tôi quyết tâm ghi nhớ ba từ này, chính vì vậy, trong suốt thời gian sau đó, tâm trí tôi chỉ quẩn quanh với Quả bóng, đinh ghim, con đường… Quả bóng, đinh ghim, con đường…
Nửa giờ sau, một bác sĩ đến và yêu cầu tôi lặp lại.
- Quả bóng, đinh ghim, con đường. – Tôi trả lời một cách tự tin.
Đến giờ vào phòng mổ, tôi được các y tá chuyển đi dọc hành lang bệnh viện. Mẹ vẫn theo sát bên tôi cho đến khi tôi khuất dần sau cửa phòng mổ. Tại đây, một ê-kíp các y bác sĩ mổ đang đợi tôi. Họ chuyển tôi sang bàn mổ. Và vị bác sĩ gây mê bắt đầu tiêm vào người tôi liều thuốc gây mê định mệnh.
Tôi vui vẻ tán gẫu với họ:
- Mọi người đã xem qua bộ phim Malice chưa?
Một nữ y tá khẽ lắc đầu.
Tôi hào hứng tóm tắt nội dung cốt truyện: Alec Baldwin vào vai một bác sĩ giải phẫu tài năng nhưng khá kiêu ngạo. Ông bị kiện ra tòa vì tội thiếu trách nhiệm với bệnh nhân. Vào buổi xét xử tại tòa án, luật sư cáo buộc ông vi phạm đạo đức nghề nghiệp vì đã tự cho mình là duy nhất, là người nắm trong tay quyền sinh sát các bệnh nhân.
Baldwin đã có một bài diễn văn để tự biện hộ cho mình – nhưng phần trình bày của ông lại vô tình chống lại ông. Ông chia sẻ sự căng thẳng khi phải chịu trách nhiệm về tính mạng bệnh nhân trong phòng mổ và luôn chịu áp lực phải đưa ra những quyết định tức thời và chuẩn xác nhất.
Để tăng tính thuyết phục cho phần trình bày của mình, ông trịnh trọng nói:
- Những lúc ấy, thưa quý vị, tôi không nghĩ mình là Chúa bởi vì tôi chính là Chúa.
Tôi kết thúc câu chuyện, cố nhái giọng như nhân vật Alec Baldwin. Nhưng tôi nhận ra giọng nói của mình lạc dần đi. Dưới tác dụng của liều thuốc gây mê, tôi mơ màng chìm vào giấc ngủ.
Bài diễn văn của Baldwin chứa đựng một sự thật không thể nào chối cãi. Một khi rơi vào tình trạng vô thức, tôi đã giao phó hoàn toàn tính mạng của mình vào tay các bác sĩ. Họ kiểm soát giấc ngủ của tôi, và chỉ có họ là người quyết định tôi sẽ ngủ mãi mãi hay sẽ tỉnh giấc. Trong suốt thời gian đó, họ mang một trọng trách cao cả nhưng cũng rất nặng nề. Họ - không ai khác - chính là những vị Chúa nắm trong tay quyền sinh sát con người.
Việc gây mê bệnh nhân trước giải phẫu được ví như một căn phòng bị ngắt điện đột ngột: vừa tỉnh đó nhưng chỉ sau vài giây, tôi đã mơ màng và mất khả năng nhận thức. Vị bác sĩ gây mê kiểm tra tác dụng thuốc bằng cách tiêm cho tôi một liều nhỏ vừa đủ để tôi mê man trong vòng vài phút trước khi thật sự bước vào ca phẫu thuật. Khi tỉnh dậy, tôi thấy mọi việc vẫn chưa xong – thậm chí họ vẫn chưa chạm vào cơ thể tôi. Tôi nói trong tâm trạng hoảng loạn: “Chuyện gì xảy ra thế? Mọi người bắt đầu đi chứ?”.
Tôi thoáng nghe giọng nói của Shapiro: “Mọi thứ đều ổn”. Và tôi lại chìm vào giấc ngủ.
Về sau, bác sĩ Shapiro kể cho tôi nghe về ca phẫu thuật diễn ra trong phòng mổ vào ngày hôm đó. Ca phẫu thuật diễn ra suốt sáu giờ. Shapiro đưa mũi dao vào hộp sọ của tôi và tiến hành loại bỏ những khối u. Ngay sau khi lấy được chúng ra khỏi đầu tôi, anh liền đưa chúng cho một nhà nghiên cứu bệnh học để xem xét dưới kính hiển vi.
Bằng cách này, họ có thể xác định thành phần và cấu trúc của tế bào ung thư để xem nó có khả năng di căn nữa hay không. Nếu kết quả cho thấy tế bào vẫn sống và đủ mạnh, nó có thể tiếp tục phát triển và lan nhanh ra khắp não của tôi.
Nhà nghiên cứu bệnh học sau khi xem xét xong đã ngạc nhiên:
- Nó đã chết.
- Khối u đã chết à? – Shapiro hỏi lại.
- Phải, nó chết rồi.
Thật không thể tin khi tất cả các tế bào ung thư gây nên chứng u não của tôi đã chết. Kết quả cho thấy chúng không còn đủ sức di căn ra các vùng xung quanh nữa. Đó là tin tốt nhất tôi từng được nghe. Nhưng cái gì đã giết chết chúng? Tôi không biết. Các bác sĩ cũng không biết. Họ nói rằng một vài tế bào u có cấu trúc khá lạ nhưng chúng đã trở nên vô hại.
Sau ca phẫu thuật, Shapiro đã chạy ngay ra khỏi phòng mổ để tìm mẹ tôi. Anh thông báo: “Cậu ấy đã được chuyển đến phòng hồi sức và đang trong tình trạng rất tốt”. Anh cũng giải thích với mọi người rằng tế bào ung thư của tôi đã tự hủy, điều đó có nghĩa chúng sẽ không có khả năng phát triển và di căn sang các vùng khác. Và họ đã loại bỏ tất cả tế bào bệnh trong não của tôi.
Shapiro mỉm cười: “Mọi chuyện còn tốt hơn chúng tôi mong đợi”.
Tôi tỉnh dậy… mơ màng… và tôi nghe ai đó đang nói điều gì với mình.
Tôi vẫn còn sống.
Tôi từ từ mở mắt. Tôi nhận ra mình đang nằm trong phòng hồi sức và Scott Shapiro đang đứng cạnh tôi. Anh chính là người thực hiện cuộc phẫu thuật loại bỏ khối u não ra khỏi đầu tôi và đưa tôi về lại với cuộc sống. Giây phút này đây, chính anh cũng là người đầu tiên chào đón tôi ngay khi tôi hồi tỉnh. Dù ca phẫu thuật đã diễn ra tốt đẹp nhưng Shapiro vẫn muốn theo dõi sát sao tình trạng của tôi để chắc rằng không có biến chứng xấu nào xảy ra sau khi mổ.
- Anh nhớ tôi chứ? – Shapiro cất tiếng hỏi.
- Anh là bác sĩ của tôi. – Tôi trả lời.
- Tên tôi là gì nào?
- Scott Shapiro.
- Anh nói cho tôi nghe tên của anh được chứ?
- Lance Armstrong. Thậm chí tôi có thể đánh anh bất cứ lúc nào đấy. – Tôi pha trò.
Sau đó, cảm giác mơ màng vây lấy tôi, nhưng trước khi chợp mắt, tôi còn kịp nghe vị bác sĩ hỏi câu hỏi quen thuộc để kiểm tra trí nhớ của tôi. Tôi thì thào trả lời:
- Quả bóng, đinh ghim, con đường.
Tôi lại tiếp tục chìm vào giấc ngủ - một giấc ngủ thật sâu.
Khi tỉnh dậy, tôi cảm nhận một luồng ánh sáng dịu nhẹ bao quanh mình. Tôi đã được chuyển qua phòng săn sóc đặc biệt. Tôi nằm đó, liều thuốc mê chưa tan hết khiến tôi hơi choáng. Tôi cố gắng gượng dậy. Tôi muốn ra khỏi đây.
Tôi khẽ xoay người trên giường.
- Anh ấy đã tỉnh rồi. – Một nữ y tá lên tiếng.
Tôi đặt một chân xuống đất.
- Nằm im. Anh đang làm gì thế?
- Tôi muốn ngồi dậy. - Và tôi cố rướn người ra khỏi giường.
- Đừng cử động. Anh hãy nằm im đó.
- Tôi thấy đói. – Tôi nói với cô y tá.
Khi tỉnh táo hơn, tôi nhận thấy đầu mình bị băng kín cả. Tôi cũng không thể điều khiển các giác quan như mình mong muốn, một phần do thuốc mê, một phần do những ống thuốc tĩnh mạch được gắn khắp người tôi. Ngoài ra, còn có một ống dẫn nước tiểu kéo dài từ chân lên tận vùng bẹn. Tôi rất mệt, như thể sức lực trong tôi đều đã bị vắt kiệt.
Tôi thấy đói cồn cào. Với bàn tay chăm sóc của mẹ, tôi đã quen với việc ngày ăn ba bữa. Tôi nghĩ về những đĩa thức ăn nóng sốt do tự tay mẹ làm. Suốt nhiều giờ qua tôi đã ăn gì đâu, bữa ăn cuối cùng của tôi cũng chỉ là phần bột ngũ cốc hòa tan.
Một nữ y tá mang đến cho tôi một đĩa trứng bác.
- Tôi có thể gặp mẹ tôi được không? – Tôi hỏi cô y tá.
Chỉ lát sau, mẹ tôi nhẹ nhàng đẩy cửa bước vào phòng. Bà cầm lấy tay tôi. Tôi có thể cảm nhận những cảm xúc của mẹ lúc này – đó là niềm vui, niềm hạnh phúc của một người mẹ trông thấy con mình vừa trải qua một cuộc chiến tử thần. Mẹ là người đã sinh ra tôi, vất vả nuôi tôi lớn khôn. Lúc nhỏ, mẹ dỗ dành giấc ngủ cho tôi từng đêm. Mẹ là người chứng kiến mọi thăng trầm của cuộc đời tôi, là người luôn bảo ban và cho tôi những lời khuyên sâu sắc nhất. Mẹ và tôi đã nương tựa vào nhau, cùng trải qua rất nhiều khó khăn tưởng chừng như không thể vượt qua được. Và lần này, đôi mắt bà ngời sáng hạnh phúc khi chứng kiến đứa con trai của mình chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo và đã chiến thắng.
- Con yêu mẹ. Con yêu cuộc sống này. Mẹ là người đã giúp con cảm nhận được sự diệu kỳ của cuộc sống. Con yêu và kính trọng mẹ vì điều đó.
Khi ấy, tôi cũng muốn gặp mặt những người bạn của mình. Các y tá cho phép họ vào thăm tôi nhưng phải tuần tự, mỗi lần chỉ từ hai đến ba người. Trước cuộc giải phẫu, tôi từng cố gắng tỏ vẻ tự tin và tươi cười nhưng giờ đây, tôi không cần giả vờ như thế nữa bởi mọi cảm xúc đã vỡ òa trong hạnh phúc. Och và Chris lần lượt vào thăm tôi. Họ nắm tay tôi và tôi có thể cảm nhận sự chia sẻ từ những người bạn thân của mình khi phải đối diện với mặc cảm bệnh tật. Tôi ngước nhìn họ: “Chưa kết thúc đâu. Tớ còn phải chiến đấu với nó đến cùng”.
Mặc dù vẫn chưa hoàn toàn tỉnh táo, nhưng tôi vẫn nhận biết những ai vào thăm mình và chia sẻ cảm xúc cùng họ. Kevin không nén nổi xúc động khi gặp tôi. Tôi phải trêu:
- Này, sao trông cậu có vẻ nghiêm trọng thế?
Kevin không trả lời, chỉ siết chặt lấy tay tôi.
Tôi nằm đó, lắng nghe tiếng nói chuyện của mọi người xung quanh và trong tôi chợt xuất hiện hai luồng cảm xúc đối nghịch. Đầu tiên, tôi cảm thấy biết ơn mọi người – biết ơn rất nhiều vì họ đã quan tâm và ở cạnh tôi những lúc như thế này. Tuy nhiên, một cảm xúc khác lại vây lấy tôi như cơn sóng dữ nổi lên. Tôi vẫn sống, nhưng tôi cảm thấy rất giận – hai luồng cảm xúc va vào nhau khiến tôi như bị đặt vào giữa hai đối trọng không thể thỏa hiệp. Tôi đủ tỉnh táo để điều khiển cơn giận của mình. Tôi đã điên cuồng đấu tranh với bệnh tật, tôi bức bối khi phải nằm ì trên giường bệnh, tôi khó chịu vì những lớp băng dày trên đầu và hàng loạt những ống dẫn được gắn vào cơ thể. Chúng khiến tôi không thể xoay chuyển hay tự do vận động. Ẩn dưới vẻ ngoài tươi cười là cơn thịnh nộ của cảm xúc. Tôi giận đến nỗi nước mắt chực trào ra.
Chris Carmichael nắm lấy tay tôi. Tôi và Chris đã quen nhau hơn sáu năm và chúng tôi chưa từng giấu nhau điều gì.
- Cậu cảm thấy thế nào rồi? – Chris ân cần hỏi.
- Tôi ổn.
- Tốt quá. Nhưng có thật là cậu thấy ổn không?
- Chris à, tôi đang khỏe lắm. – Tôi khẳng định.
- Ừ, vậy thì tốt.
- Chris, anh không hiểu đâu. – Tôi nói mà nước mắt như chực trào. – Tôi vui lắm chứ. Anh biết vì sao không? Vì mọi chuyện diễn ra tốt đẹp thế này. Từ trước đến nay, tôi đã quen với việc phải chịu đựng hàng đống chuyện không hay xảy đến với mình – tất cả chỉ là những chuyện không đâu, nhưng giờ đây, tôi đang đối mặt với sự thật này và tôi nghĩ mình cũng sẽ không bị đánh bại.
Tôi vẫn nằm tại phòng săn sóc đặc biệt. Khoảng gần tối, một y tá đến và yêu cầu tôi thở mạnh vào một chiếc ống nhỏ. Ống được nối vào máy đo nhịp thở bên trong có một quả bóng nhỏ màu đỏ. Các bác sĩ muốn đo sức thở của phổi tôi để chắc rằng liều thuốc mê khi phẫu thuật không để lại ảnh hưởng xấu nào.
- Anh thở mạnh vào chiếc ống này nhé. – Cô y tá nói. – Và anh cũng đừng quá lo nếu quả bóng chỉ bị đẩy lên vài vạch.
- Này cô, cô đang đùa với tôi à? – Tôi đáp lời. – Tôi đã cố gắng để được sống mà. Đưa chiếc ống đó cho tôi.
Tôi giữ chặt chiếc ống và thở mạnh vào đó. Quả bóng nhỏ bị hất tung lên và chạm vào vạch cao nhất của thang đo. Nếu chiếc máy đo này có gắn chuông, ắt hẳn nó đã phát lên tiếng kêu inh ỏi.
Tôi trao lại chiếc ống thở cho cô y tá.
- Đừng bao giờ đưa cho tôi thứ nào như thế nữa đấy. Phổi của tôi hoàn toàn tốt.
Cô y tá bước ra khỏi phòng, không nói một lời nào. Tôi nhìn qua chỗ mẹ. Mẹ tôi luôn hiểu con trai bà rất ngang tàng và bướng bỉnh, tôi chờ một lời chỉ trích từ bà vì tôi đã quá thô lỗ với cô y tá vừa rồi. Nhưng mẹ tôi chỉ cười – nụ cười mãn nguyện như những lần tôi chiến thắng trên đường đua. Dường như mẹ nhận ra: con trai bà không có gì thay đổi - nó vẫn bình thường như nó vẫn từng như thế.
- Đó mới là con trai của mẹ. – Mẹ tôi cất tiếng nói nhẹ nhàng. – Con trai, con sẽ mau chóng khỏi bệnh thôi.
Sáng hôm sau, tôi bắt đầu tiến hành giai đoạn hóa trị. Tôi sẽ phải nằm viện trong sáu ngày và kết quả sẽ nhanh chóng được thể hiện ngay sau giai đoạn này.
Thời gian này, tôi vẫn tiếp tục tìm đọc tài liệu về bệnh ung thư. Tôi biết thêm được rằng nếu lượng hóa chất đưa vào cơ thể tôi không thể kìm hãm sự phát triển của tế bào ung thư thì dù cuộc giải phẫu vừa qua có thành công đến đâu chăng nữa, cơ hội sống sót của tôi cũng là con số 0. Nó được mô tả ngắn gọn thế này: “Bệnh nhân nếu trong quá trình hóa trị bằng cisplatin mà tế bào ung thư vẫn phát triển thì sẽ có rất ít cơ hội qua khỏi dù áp dụng bất kỳ phương pháp nào”.
Tôi nghiền ngẫm các phương pháp chữa trị kèm tỷ lệ thành công tương ứng của căn bệnh ung thư tinh hoàn và ghi chép vào một quyển sổ nhỏ. Tuy nhiên, tất cả đều đưa ra một nhận định tương tự: “Nếu tế bào ung thư không được tiêu diệt trong giai đoạn hóa trị, người bệnh sẽ có rất ít cơ hội sống sót”. Vì vậy tôi biết tôi đang đi vào giai đoạn quyết định: tất cả tùy thuộc vào giai đoạn hóa trị thành công hay không.
Tôi không thể làm gì ngoài việc ngồi trên giường và nhìn từng luồng hóa chất được truyền vào cơ thể mình thông qua ống dẫn hay qua những mũi tiêm. Có một điều bạn phải chấp nhận khi vào bệnh viện: đó chính là tại đây, bệnh nhân dường như không còn quyền sở hữu đối với cơ thể của mình. Bạn phó thác cơ thể mình cho các bác sĩ và y tá. Họ sẽ quyết định có tiêm thuốc hay truyền dịch vào cơ thể bạn hay không. Trong tất cả, tôi thấy ống thông đường tiểu là kinh khủng nhất, nó chạy dọc từ chân lên vùng bẹn của tôi. Và mỗi lần rút ống ra – thay ống vào khiến tôi đau đớn không thể chịu nổi. Đôi khi, những việc tưởng chừng như đơn giản nhất lại gây đau đớn nhất. Tôi chỉ được gây mê duy nhất trong lần giải phẫu não, còn lại phần lớn những việc khác đều được tiến hành khi tôi tỉnh táo. Do vậy, tôi phải chịu đau đớn mỗi khi bác sĩ tiêm hay rạch vào bất kỳ phần nào trên cơ thể tôi từ vùng dưới cánh tay, vai và vùng kín. Những cơn đau ấy cứ âm ỉ khiến tôi thường tỉnh giấc vào lúc nửa đêm.
Cũng trong ngày hôm đó, Shapiro đến thông báo với tôi rằng ca phẫu thuật đã thành công mỹ mãn: họ đã loại bỏ hoàn toàn những tế bào ung thư di căn trong não và qua theo dõi, không còn dấu hiệu của chúng nữa. Trung khu thần kinh điều khiển vận động và nhận thức của tôi đều bình thường. Anh nói: “Giờ thì chúng ta chỉ cần hy vọng trong thời gian tới sẽ không có chuyện xấu nào xảy ra”.
Hai mươi bốn giờ sau ca đại phẫu, tôi đã có thể bước xuống giường và ra ngoài ăn tối.
Đúng như Shapiro đã hứa, tôi hồi phục rất nhanh. Tối hôm đó, mẹ tôi, Lisa, Och, Chris và Bill giúp tôi ra khỏi giường và đưa tôi đến một nhà hàng nằm đối diện với bệnh viện. Shapiro không căn dặn là tôi nên hay không nên làm gì, còn tôi thì đang muốn bồi dưỡng cho cơ thể sau cuộc phẫu thuật nên đã tức tốc mang vớ vào chân để che đi vết băng rồi nhanh chóng đi cùng mọi người. Bill thậm chí còn mua vé tại một trung tâm giải trí và rủ tôi đến đó, nhưng tôi cho như vậy là hơi quá sức mình nên từ chối. Suốt bữa ăn, tôi khá thoải mái, chúng tôi vừa ăn vừa tán gẫu. Xong đâu đó mọi người đưa tôi trở về bệnh viện.
Ngày tiếp theo, Shapiro đến để tháo băng trên đầu tôi. Khi anh mở băng, tôi cảm nhận rõ tiếng vải cứa vào những chiếc ghim như thể có cái gì đó đang xuyên thủng đầu mình. Sau đó, Shapiro từ từ tháo từng lớp băng. Tôi nhìn vào gương và trông thấy hai hàng mũi khâu trên mảng da đầu đã được cạo sạch tóc. Nó trông như hàng khóa kéo vẫn thường thấy trên những bộ quần áo. Shapiro nhìn tôi nói vui: “Phần của tôi đã xong”.
Tôi chăm chú nhìn vết khâu của mình trong gương. Tôi biết Shapiro đã dùng loại ốc vít bằng titan để hàn lại phần vỏ não bị khoét. Titan là một loại hợp kim được dùng phổ biến trong linh kiện xe đạp để giảm nhẹ trọng lượng của xe. Tôi nói đùa: “Biết đâu nó sẽ giúp tôi leo dốc nhanh hơn”.
Shapiro dần trở thành một người bạn tốt của tôi. Thỉnh thoảng, anh vẫn ghé qua phòng để theo dõi tình trạng hồi phục của tôi sau một tháng điều trị. Mỗi khi gặp anh, tôi rất vui.
Bác sĩ Larry Einhorn vừa từ Úc trở về. Ngay khi vào bệnh viện, ông liền đến thăm tôi. Ông rất bận, tuy nhiên, ông vẫn cố gắng thu xếp để định kỳ đến thăm cũng như tham gia vào quá trình điều trị của tôi. Cũng giống như bác sĩ Nichols và Shapiro, bác sĩ Einhorn là mẫu bác sĩ tận tâm và có trách nhiệm với nghề. Ông luôn khiến tôi phải ngưỡng mộ và kính trọng. Tôi tin rằng những bác sĩ như Einhorn thông hiểu về sự sống và cái chết rõ hơn bất kỳ ai khác. Họ thấu hiểu cuộc sống thông qua những cung bậc cảm xúc khác nhau của mọi đối tượng bệnh nhân. Họ không chỉ chứng kiến cảnh con người ra đi hay được cứu sống, họ còn là nhân chứng cho những cuộc đấu tranh không ngừng của con người chống lại bệnh tật với niềm tin, nỗi sợ đan xen. Đó là cuộc sống, là nghiệp mà các bác sĩ đã chọn.
Bác sĩ Einhorn nói với tôi: “Tôi đã chứng kiến rất nhiều bệnh nhân dù bệnh nặng nhưng vẫn luôn lạc quan và không bao giờ từ bỏ hy vọng, cuối cùng họ đã tìm lại được cuộc sống của mình”.
Tôi cũng tin mình sẽ vượt qua được. Những tin tốt bắt đầu đến với tôi. Trước đây, tất cả các nhà tài trợ đều từ chối hỗ trợ tiền viện phí cho tôi dù tôi và Bill đã cố gắng thuyết phục họ. Tuy nhiên, gần đây, chúng tôi nhận được rất nhiều lời đề nghị hỗ trợ từ các hãng danh tiếng như Nike, Giro, Oakley và Milton-Bradley…
Mối quan hệ giữa tôi và hãng thể thao Nike hình thành khi tôi còn là cậu học sinh cấp ba đang thi đấu với vai trò vận động viên ba môn phối hợp. Tôi ngưỡng mộ những thành công của Nike và những vận động viên mà Nike tài trợ. Nhưng tôi chưa từng nghĩ rằng mình sẽ trở thành đại diện cho họ. Trong thời kỳ đỉnh cao của sự nghiệp, tôi đã từng yêu cầu Bill Stapleton tìm hiểu và giúp tôi ký được một hợp đồng với Nike bởi vì tôi khao khát được tham gia vào đó. Năm 1996, ngay trước khi tôi phát hiện mình bị ung thư, hãng Nike đã chính thức đề nghị tôi trở thành đại diện cho sản phẩm giày thể thao và găng tay của họ.
Tôi nhanh chóng trở thành bạn thân với Scott MacEachern, đại diện do Nike chỉ định để làm việc với tôi. Do vậy, không phải ngẫu nhiên mà anh chính là một trong những người đầu tiên tôi báo tin mình bị ung thư. Vào đêm tôi trở về từ văn phòng của bác sĩ Reeves, tôi đã có cuộc trò chuyện thẳng thắn với Scott. Quá hoảng sợ trước tin mình vừa nhận được, tôi trút hết bầu tâm sự với Scott và không thể nén được xúc động. Tôi thành thật với anh về mọi chuyện, tôi nói với anh về cơn đau nơi vùng kín, về nỗi sợ hãi khi nhìn vào tấm phim chụp X-quang của mình. Một lát sau tôi mới lấy lại được bình tĩnh. Đầu dây bên kia cũng im lặng, rồi Scott nói đầy chân thành:
- Anh đừng lo ngại gì về phía chúng tôi. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để hỗ trợ anh.
Câu nói của Scott giúp tôi ấm lòng, ít nhất trong hoàn cảnh này tôi vẫn không cô đơn. Scott đã giữ đúng lời hứa, hãng Nike không bỏ rơi tôi. Trong tình trạng bệnh ngày càng nặng, sự hỗ trợ của Nike là tất cả đối với tôi. Sau đó, dần dần một số nhà tài trợ khác cũng bắt đầu đề nghị hợp tác cùng tôi. Và may mắn bước đầu đó đã giúp tôi ký được hợp đồng với Giro, Oakley và Milton-Bradley.
Họ không chỉ động viên tôi về mặt tinh thần mà còn giúp tôi trang trải những chi phí trong quá trình điều trị. Trong khi ấy, Bill vẫn cố gắng xoay xở để tìm nhà tài trợ đồng ý hỗ trợ cho tôi các khoản phát sinh tại bệnh viện. Anh tìm cách để tôi nhận được tiền bảo hiểm từ các hợp đồng đã ký nhưng tất cả đều vô vọng.
Thế là Bill gọi cho Mike Parnell, giám đốc điều hành của Oakley. Anh trình bày trường hợp của tôi với họ. Thoáng chút do dự, Bill đề nghị phía Oakley giúp tôi thanh toán các hóa đơn.
Mike trả lời rằng anh sẽ cố thu xếp để giải quyết trường hợp của tôi.
Tôi cảm thấy phần nào lạc quan hơn. Nhưng rồi phía công ty bảo hiểm từ chối thanh toán. Lý do là vì bệnh của tôi phát sinh trước khi ký kết hợp đồng, vì vậy họ không có trách nhiệm chi trả các khoản chi phí trong quá trình điều trị.
Mike Parnell lập tức liên lạc với công ty bảo hiểm và nói với giọng quả quyết rằng nếu họ không giúp tôi thanh toán hóa đơn thì văn phòng đại diện của anh sẽ chấm dứt hợp đồng và đi tìm một nhà cung cấp khác.
Sau cùng, nhờ Mike thuyết phục, họ đã chấp nhận hỗ trợ tiền viện phí cho tôi.
Tôi sẽ luôn nhớ những điều mà các nhà tài trợ đã ưu ái dành cho tôi, và tôi sẵn sàng làm vận động viên thi đấu cho Oakley, Nike, Giro đến khi nào họ còn cần. Họ thanh toán đầy đủ các khoản trong tất cả các hợp đồng cho tôi – mặc dù họ có quyền đơn phương kết thúc hợp đồng. Và họ chưa bao giờ hỏi tôi là khi nào tôi mới quay lại đường đua. Có lần khi tôi đến gặp họ và nói: “Các anh biết đấy, tôi đã lập một tổ chức nhằm giúp đỡ những người bị ung thư, và bây giờ tôi cần tiền để tổ chức một giải đua xe đạp từ thiện”, tất cả họ đều đồng ý hỗ trợ tôi. Tôi tin vào thiện ý của họ. Căn bệnh ung thư đã giúp tôi nhận ra phẩm chất của những người xung quanh mình, tôi bắt đầu có một cái nhìn mới khi phán xét người đối diện, bỏ qua những suy nghĩ cố hữu và sai lầm trước đây.
Suốt một tuần nằm viện, tôi toàn nhận được tin tốt. Sau vài ngày hóa trị, tỷ lệ hồng cầu trong máu của tôi tăng lên. Những tế bào ung thư bắt đầu suy yếu và không còn phát triển nhanh như trước – điều đó chứng tỏ việc hóa trị bước đầu đã thành công. Tuy nhiên, tôi vẫn còn một chặng đường khá dài phía trước và tôi bắt đầu cảm nhận những tác dụng phụ mà Nichols đã cảnh báo ngay từ đầu. Cuối tuần đó, cảm giác nhẹ nhõm sau cuộc giải phẫu não biến mất, thay vào đó là những cơn đau hành hạ do ảnh hưởng của chất ifosfamide. Nó khiến cơ thể tôi bị nhiễm độc và tôi suy nhược đến nỗi chỉ muốn hoặc ngủ, hoặc nhìn vô định vào bức tường. Đây chỉ mới là biểu hiện ban đầu của giai đoạn hóa trị, tôi còn phải đối mặt với rất nhiều đợt trị liệu sau nữa.
Bảy ngày sau cuộc giải phẫu, tôi được phép xuất viện. Tuy rằng tôi vẫn phải quay lại bệnh viện để theo dõi và tiếp tục điều trị nhưng tôi vui vì mọi việc đã không còn quá khắc nghiệt như thời gian đầu.