Đ
iều khiến tôi luôn lo lắng chính là liệu những hóa chất độc hại trong giai đoạn hóa trị sẽ giết tôi trước hay tiêu diệt tế bào ung thư trước? Cuộc sống của tôi bỗng chốc gắn liền với những ống dẫn của thuốc tiêm tĩnh mạch và máy truyền hóa chất. Ngoài ra, tôi còn phải đối mặt với một chu trình cảm xúc khắc nghiệt: nếu tôi cảm thấy đau, lập tức tôi sẽ bị nôn mửa, nếu tôi không nôn mửa, tôi sẽ nằm nghĩ ngợi về căn bệnh của mình, và nếu tôi không nằm nghĩ ngợi lung tung, tôi sẽ hỏi liệu đến khi nào tôi mới hết bệnh. Tôi phải chịu đựng những điều này trong suốt thời gian hóa trị.
Bên cạnh đó là cảm giác mỏi mệt xâm lấn. Nếu hai từ ung thư mang lại một cảm giác mơ hồ về bệnh tật thì giai đoạn hóa trị mới chính là chuỗi ngày thể hiện rõ ràng ung thư là như thế nào. Thật sự, tôi đã nghĩ rằng việc điều trị mới chính là sự khắc nghiệt khi nhắc đến hai chữ “ung thư”. Mọi người thường nói về các bệnh nhân ung thư với đặc điểm như rụng tóc, da dẻ xanh xao, tái nhợt, vẻ mặt đờ đẫn, không sức sống… Tuy nhiên, đây chỉ là những biểu hiện bên ngoài trong quá trình hóa trị. Thật ra, những luồng hóa chất được truyền vào cơ thể như thiêu cháy tất cả các mạch máu khiến tôi có cảm giác như mình đang bị thiêu hủy từ bên trong. Chẳng bao lâu sau khi bắt đầu điều trị, tôi không còn một sợi lông mi nào ở mắt. Tôi thường xuyên ho khạc ra một chất nhầy màu đen ghê rợn. Kể từ lần hóa trị đầu tiên, cuộc sống của tôi gắn liền với những lần vội vã chạy vào phòng tắm vì cơn nôn mửa bất chợt.
Để vượt qua được những lần tồi tệ đó, tôi cố nghĩ rằng mình đang nôn ra những tế bào ung thư đã bị tiêu hủy. Tôi hình dung những hóa chất trong quá trình hóa trị sẽ tiêu diệt chúng, làm chúng tan rã và thải ra ngoài thông qua hệ bài tiết. Mỗi khi chạy vào phòng tắm, tôi cố chịu đựng mùi hóa chất từ dòng nước tiểu thải ra và luôn tự trấn an “mình phải tống tất cả những tế bào ung thư bệnh hoạn này ra ngoài càng sớm càng tốt”. Tôi cho rằng đây là cách tốt nhất để sống cùng bệnh tật: tôi ho, tôi nôn ói, tôi đi vệ sinh – tất cả chỉ vì một lý do – tôi đang loại bỏ dần dần những mầm bệnh ung thư ra khỏi cơ thể.
Trước kia, mỗi ngày trôi qua, tôi đều theo dõi sát sao tình trạng bản thân để biết sự tiến bộ của mình trong tập luyện. Nhưng từ khi đổ bệnh, phần lớn thời gian tôi ở bệnh viện và phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình điều trị, ngay cả trong những kỳ nghỉ lễ. Vào dịp lễ Halloween, vì đang phải tiến hành hóa trị nên tôi không được về nhà, và đêm đó tôi cứ để mặc những dây dẫn trên người rồi đi phân phát kẹo cho các nữ y tá. Tôi về nhà vào dịp lễ Phục sinh, lúc ấy tình trạng ho khạc của tôi đã giảm đáng kể. Tôi ngủ từ mười đến mười hai tiếng mỗi đêm, nhưng mỗi sáng thức dậy tôi đều cảm thấy rất khó chịu – choáng váng, xây xẩm và mọi thứ trong cơ thể cứ chực ọc hết ra ngoài.
Giai đoạn hóa trị là giai đoạn tích lũy độc tố trong cơ thể người bệnh. Tổng thời gian vào thuốc của tôi kéo dài ba tháng và chia thành bốn kỳ. Cứ sau mỗi đợt vào thuốc, lượng hóa chất độc hại dần ngấm vào cơ thể tôi ngày một nhiều. Ban đầu, tôi cảm thấy không đến nỗi quá tệ nhưng đến kỳ hóa trị thứ hai, tôi bắt đầu ngấm thuốc và luôn cảm thấy đờ đẫn. Tôi thường đến Trung tâm y khoa Indiana vào sáng thứ Hai và nằm viện suốt năm ngày sau đó để truyền thuốc. Nếu không vào thuốc, tôi sẽ được truyền dung dịch muối trong suốt hai mươi bốn giờ và một loại hóa chất bảo vệ hệ miễn dịch chống lại sự hủy hoại của ifosfamide – một hóa chất độc hại làm suy giảm toàn bộ chức năng của thận và tủy xương.
Có vẻ như mọi chuyện càng lúc càng tồi tệ hơn. Kỳ hóa trị thứ ba chưa kết thúc thì tôi đã không còn đủ sức để đứng thẳng người. Tôi nôn thốc nôn tháo liên tục sau những lần vào thuốc. Những lúc ấy, tôi có cảm giác như mọi cơ quan trong cơ thể đều đình công. Và trước khi kỳ hóa trị thứ tư kết thúc – giai đoạn quan trọng nhất và cũng là khó khăn nhất đối với bệnh nhân ung thư – tôi nôn ói liên tục đến đờ cả người còn hơn những phụ nữ đang thai nghén.
Bác sĩ Nichols đề nghị tôi tự vào thuốc tại nhà: “Cậu hãy làm như vậy, chúng tôi sẽ hướng dẫn cậu thực hiện mọi việc”. Tuy nhiên, tôi khăng khăng đòi đến tận Indiana để được các bác sĩ và y tá theo dõi sát sao mọi diễn biến bệnh của mình. Tôi nói: “Nếu bệnh của tôi xấu đi, tôi muốn ông kịp thời phát hiện. Và nếu sức khỏe của tôi khá hơn, tôi muốn ông và mọi người lập tức nhận thấy điều đó”.
Hóa trị không giống bất kỳ hình thức điều trị nào. Hóa chất một khi đã truyền vào cơ thể sẽ làm hư hại các cơ quan. Mỗi lần vào thuốc, tổng lượng hóa chất tôi dung nạp vào cơ thể mình là 150cc được chia thành ba túi nhỏ, trên đó ghi rõ họ tên tôi, ngày tháng, liều lượng và nồng độ của từng loại. Tôi quan sát kỹ những loại hóa chất này – chúng là một dịch lỏng màu trắng bạc, nhìn bề ngoài không khác gì những dung dịch khoáng bình thường, tuy nhiên một khi vào bên trong cơ thể người bệnh, tác dụng của chúng cực kỳ đáng sợ. Cô y tá điều trị riêng của tôi phải dùng đôi găng tay bằng cao su khá dày để di chuyển cũng như xử lý các túi hóa chất độc hại này. Y tá sẽ gắn đầu dẫn vào túi thuốc, sau đó nối vào ống truyền dẫn đã được cấy vào trong cơ thể tôi thông qua một đường ống dài để thuốc ngấm trực tiếp vào máu. Túi thuốc đầu tiên mất một giờ để truyền vào người, túi thứ hai mất chín mươi phút và túi thứ ba – túi cuối cùng mất ba mươi phút.
Những dịch lỏng này sau khi vào bên trong cơ thể có thể sẽ tiêu hủy toàn bộ tế bào máu khỏe mạnh. Chúng khiến tôi có cảm giác như các mạch máu của mình đang bị thiêu cháy và bốc hơi. Chính vì vậy, tôi gặp phải một tình trạng mà trong y học gọi là suy giảm khả năng tạo máu – một phản ứng thường thấy của giai đoạn hóa trị mà theo đó, các tế bào hồng cầu trong cơ thể dưới tác dụng của hóa chất độc hại sẽ không thể tái tạo và phát triển. Đến lần vào thuốc thứ ba, nồng độ máu lưu thông trong cơ thể tôi bị sụt giảm nghiêm trọng xuống còn 25 trong khi mức bình thường có thể chấp nhận là 46. Lúc này, để cứu vãn tình hình tôi được cấy một thiết bị hỗ trợ tạo máu tên là Epogen (EPO). Nếu còn là một cua-rơ, việc này là vi phạm quy tắc của Liên đoàn đua xe quốc tế và Ủy ban đua xe Olympic vì nó được xem như một hành động gian lận nhờ vào tác dụng hỗ trợ của y học. Nhưng giờ đây tôi là một bệnh nhân và EPO chính là cách duy nhất giúp tôi còn trụ vững để tiếp tục điều trị.
Giai đoạn hóa trị không chỉ giết chết các tế bào ung thư, nó còn tiêu hủy cả các tế bào khỏe mạnh. Hóa chất tấn công vào tủy xương, cơ bắp, răng và thậm chí bào mòn niêm mạc dạ dày khiến tôi rất dễ bị viêm nhiễm. Nướu trong miệng tôi phồng rộp cả lên do tác dụng của hóa chất. Hậu quả là tôi bị mất cảm giác thèm ăn, và đây là vấn đề nghiêm trọng bởi nếu thiếu protein, cơ thể tôi sẽ không thể tái tạo các mô đã bị hóa chất tiêu hủy ở da, tóc, móng tay.
Buổi sáng luôn là thời điểm khó khăn nhất với tôi. Quá trình vào thuốc kết thúc chỉ vừa kịp cho bữa ăn tối. Tôi cố gắng ăn vội chút gì đó rồi lại leo lên giường xem ti-vi hoặc tán gẫu cùng bạn bè. Thuốc sẽ ngấm vào cơ thể tôi vào ban đêm trong lúc tôi ngủ và sáng hôm sau, tôi thức dậy với một cảm giác buồn nôn đến nghẹt thở. Chỉ duy nhất một điều an ủi tôi lúc đó chính là những chiếc bánh táo rán ở căng tin bệnh viện. Món bánh này khá lạ, bên ngoài là lớp bột giòn tan, cắn vào bên trong sẽ có vị ngọt và việc chạm vào phần mứt táo nhuyễn mịn khiến tôi rất thích thú – nó giúp làm dịu đi cơn đau và sự khó chịu ở đầu lưỡi cũng như trong thành ruột.
Mỗi buổi sáng, Jim Ochowicz đều đến bệnh viện và mang cho tôi một hộp đầy những chiếc bánh táo rán. Chúng tôi vừa ăn vừa rôm rả trò chuyện. Och đều đặn mang đến cho tôi món bánh khoái khẩu đó trong thời gian tôi còn có thể tự ăn được.
Thời gian hóa trị là quãng thời gian tôi luôn cảm thấy cô đơn. Mẹ phải trở về Plano sau khi tôi được giải phẫu não vì đã hết ngày phép theo quy định và không thể xin công ty chiếu cố thêm một ngày nào nữa. Hơn ai hết, tôi biết mẹ rất muốn ở bên cạnh chăm sóc tôi.
Khi tôi còn đi học, mẹ tin rằng chỉ cần bà theo sát tôi thì sẽ không có chuyện gì xấu xảy đến cho con trai bà. Mỗi khi mùa đông đến, gió bấc tràn về trên khắp Plano, các con đường phủ đầy băng tuyết, lúc đó, tôi cùng những người bạn thường tụ tập trên những mảnh đất trống ở Plano chơi trò ném tuyết. Mẹ luôn lặng lẽ lái xe theo sau và quan sát chúng tôi. Mẹ nói: “Mẹ tin là nếu mẹ ở đó, mẹ sẽ giúp con không bị đau”. Cho đến lúc tôi đổ bệnh, bà vẫn nghĩ như thế, mẹ muốn ở cạnh tôi, nhưng thực tế không cho mẹ lựa chọn - mẹ phải quay về Plano.
Och chính là người thay mẹ săn sóc tôi. Ông trở thành một người bạn, một đấng phụ mẫu bên cạnh vai trò huấn luyện viên. Och đi cả quãng đường dài từ Wisconsin để có mặt cạnh tôi trong mỗi lần vào thuốc. Ông hiểu được tâm trạng của tôi lúc ấy vì cha ông cũng đã qua đời vì bệnh ung thư. Hơn ai hết, Och hiểu đây là giai đoạn người bệnh cảm thấy rất cô đơn và mỏi mệt với hàng loạt những tiến trình điều trị. Chính vì điều đó, Och luôn tìm cách giúp tôi khuây khỏa. Ông dạy tôi cách chơi bài để giải khuây, ông đọc báo và thư từ của mọi người gửi đến cho tôi những khi tôi quá mệt không thể tự đọc.
Những ngày thời tiết đẹp và tôi cảm thấy khỏe, Och thường dắt tôi đi dạo quanh khuôn viên bệnh viện. Chúng tôi vừa đi vừa trò chuyện về nhiều thứ từ đua xe cho đến những tin tức mới nhất về giá cổ phiếu. Một buổi trưa nọ, chúng tôi bàn về cái chết. Tôi nói với Och: “Och, tôi chưa sẵn sàng để rời bỏ thế giới này. Tôi nghĩ tôi sẽ sống. Tôi không sợ chết, nhưng tôi tin rằng mình sẽ đánh bại căn bệnh này”.
Trong suốt thời kỳ hóa trị, tôi sống dở chết dở. Người tôi lúc nào cũng cảm thấy mỏi mệt, đờ đẫn và muốn ngủ bất kể ngày hay đêm. Tôi không còn theo kịp thời gian và dường như cũng mất đi khái niệm đó. Tôi không muốn như vậy, vì nó khiến tôi cảm thấy không an tâm và bất lực khi để mọi việc vượt khỏi tầm kiểm soát của mình. Och giúp tôi lập trình một thói quen để tôi có thể theo dấu được thời gian. Mỗi sáng, ông mang đến cho tôi những chiếc bánh táo và cùng ăn sáng với tôi. Chúng tôi sẽ tán gẫu cho đến khi tôi ngủ thiếp đi. Och đợi đến khi nào đầu tôi tựa hẳn vào giường thì mới nhẹ nhàng đi ra ngoài. Vài tiếng sau, ông quay lại và mang cho tôi một đĩa rau trộn – bữa trưa của tôi. Sau khi ăn xong, chúng tôi chơi bài đến khi tôi ngủ thiếp đi một lần nữa, Och đứng lên rút những lá bài còn nằm trong tay tôi đặt lên bàn. Và ông lại rón rén trở ra ngoài phòng.
Bill và Lisa cũng thay phiên đến chăm sóc tôi suốt những kỳ hóa trị. Ba người họ luôn túc trực bên tôi những khi tôi cần. Mỗi buổi tối, họ lại thay phiên mang thức ăn đến cho tôi và động viên tôi rất nhiều. Hôm nào tôi cảm thấy đủ khỏe, tôi sẽ kéo lê thiết bị truyền dịch và cùng họ đi bộ xuống căng tin bệnh viện. Tuy nhiên, thời gian này tôi không hứng thú với việc ăn uống, tất cả chỉ vì tôi muốn thay đổi một lịch trình có sẵn mà thôi. Sau đó, chúng tôi sẽ cùng ngồi xem ti-vi với nhau cho đến khi tôi ngủ thiếp đi, rồi họ sẽ ra về và quay lại vào bảy giờ sáng hôm sau.
Đã thành thường lệ, những khi có ai vào thăm, cả ba người họ đều sẽ cùng ngồi trò chuyện cho không khí thêm phần rôm rả. Họ thường rủ nhau đến quán rượu Palomino Euro hoặc nhà hàng St. Elmo để nhâm nhi chút rượu và châm vài điếu thuốc. Đó là tất cả những thú vui mà tôi có thể tham gia nếu không quá mệt. Buổi tối mỗi khi mọi người chuẩn bị ra ngoài, tôi thường trêu họ: “Mọi người lại muốn uống say đến quên cả đường về đấy à?”.
Tôi bắt đầu để ý và quan tâm đến những người xung quanh nhiều hơn. Mỗi khi LaTrice chuẩn bị truyền thuốc cho tôi, dù mỏi mệt thế nào tôi cũng cố gượng dậy và tỏ vẻ hợp tác:
- Hôm nay cô sẽ truyền cho tôi loại thuốc nào?
Tôi quen dần và có thể đọc hiểu được bản phim chụp lồng ngực của mình như một bác sĩ, tôi cũng biết tất cả các thuật ngữ y khoa và ghi nhớ rõ liều lượng các loại thuốc chống nôn. LaTrice là người giúp tôi thông hiểu mọi thứ. Mỗi khi có điều gì thắc mắc, tôi đều hỏi cô và cô luôn tận tình trả lời những câu hỏi có vẻ như đánh đố của tôi. Ngược lại, tôi cũng nói với cô về phản ứng của cơ thể mình trước những loại thuốc mà bác sĩ đã chỉ định. Điều đó giúp cô kiểm soát và cân chỉnh lại cho phù hợp với tình trạng sức khỏe của tôi.
Tôi không phải là một bệnh nhân dễ tính, tôi là một kẻ bướng bỉnh, hay càm ràm và hay thắc mắc. Tôi xem căn bệnh mình đang mang trong người như một kẻ thù, một thách thức để từng ngày tôi phải đấu tranh vượt qua nó. Khi LaTrice căn dặn tôi: “Cậu cố gắng uống năm ly nước mỗi ngày nhé” thì tôi luôn cố uống đến mười lăm ly, tôi uống ừng ực đến khi nước trào ngược ra khỏi miệng mới thôi.
Căn bệnh ung thư tước đoạt của tôi sự độc lập, cơ thể tôi phải gắn với máy truyền dịch 24/24, do đó tôi phải phụ thuộc nhiều vào sự chăm sóc của các y tá cũng như các bác sĩ. Tôi cư xử như thể tôi là người phụ trách theo dõi tình trạng bệnh của mình. Tôi chú ý đến từng báo cáo sức khỏe, từng bản phim chụp và luôn quấy rầy LaTrice mỗi khi có thắc mắc.
LaTrice cùng các y tá khác theo dõi sát sao diễn biến bệnh của tôi suốt thời kỳ hóa trị: cô sắp xếp lịch truyền thuốc cho tôi đồng thời kiểm tra liều lượng thuốc chống nôn tôi được tiêm và những phản ứng của cơ thể tôi sau khi tiêm thuốc. Tôi quan sát mọi thứ và dần dần, tôi nắm được cả tiến trình mà các y tá sẽ làm với mình. Tất cả những thay đổi trong việc điều trị tôi đều có thể nhận ra.
LaTrice luôn tỏ ra kiên nhẫn với tôi, dù mỗi ngày tôi đều hỏi những điều đại loại như:
- Tôi sẽ được tiêm thuốc gì vậy, LaTrice?
- Thuốc này tác dụng như thế nào?
- Hôm nay tôi có được tiêm loại thuốc giống ngày hôm qua không, LaTrice?
- Sao hôm nay tôi lại được tiêm loại thuốc khác vậy, LaTrice?
- Khi nào chúng ta sẽ bắt đầu, LaTrice?
- Khi nào chúng ta mới kết thúc, LaTrice?
Tôi bông đùa nằm đếm thời gian trôi qua trong lúc truyền thuốc. Tôi liên tục nhìn vào đồng hồ trên tay mình, sau đó dán mắt vào những túi hóa chất và đếm từng giọt, từng giọt thuốc chảy vào ống dẫn vào cơ thể. Tôi nằm đếm ngược thời gian cho đến giọt hóa chất cuối cùng chậm chạp rơi xuống.
Tôi thường thuyết phục LaTrice tăng liều lượng thuốc chống nôn bởi vì nó giúp tôi giảm được cảm giác mệt mỏi, đờ đẫn mỗi khi truyền thuốc. Tuy nhiên, theo quy định, tôi chỉ được tiêm một liều sau mỗi bốn giờ, vì vậy, tôi thường càm ràm với LaTrice về điều này.
- Tôi không thể tiêm cho cậu quá liều được. Cậu vừa được tiêm thuốc cách đây ba tiếng, do vậy cậu phải đợi ít nhất là một tiếng nữa mới được phép tiêm liều thứ hai. – LaTrice từ chối.
- Thôi nào, LaTrice. Cô là người có toàn quyền ở đây mà. Việc này đối với cô không khó gì cả, chỉ vì cô không muốn thôi.
Nói xong, tôi lập tức cảm thấy nhờn nhợn nơi cổ họng và đột nhiên nôn ọe ra tất cả mọi thứ. Cả cơ thể tôi lồng lên như thể tôi sắp ngất đi. Khi cơn buồn nôn đã qua, tôi nhìn LaTrice và nói với vẻ mỉa mai: “Tốt đấy, tôi thấy khá hơn rồi đấy”.
Đôi khi, các món ăn cũng khiến tôi cảm thấy phát ngấy, đặc biệt là bữa sáng. Với bản tính ngang bướng của mình, cuối cùng tôi cũng thuyết phục được các y tá thay đổi món ăn cho tôi. Một bữa sáng khi nhìn thấy đĩa trứng chiên đầy dầu và vài lát bánh mì đã khô đét, tôi nổi giận:
- Món quái quỷ gì thế này? LaTrice, liệu cô có ăn được những món thế này không? Cô nhìn đi, cô cho bệnh nhân ăn như thế sao? Ai đó làm ơn cho tôi cái gì có thể ăn được đi chứ?
- Bình tĩnh nào Lance, cậu sẽ có những gì cậu muốn. – LaTrice điềm tĩnh trả lời.
LaTrice đôi khi cũng trêu tôi để tôi bớt đi cảm giác buồn chán dù rằng có những lúc tôi quá mệt đến nỗi không thể đáp lại những lời trêu chọc đầy thành ý của cô.
- Cậu chán nhìn tôi rồi sao Lance? – Cô ấy tiếp tục pha trò.
Tôi chỉ còn đủ sức để nở một nụ cười khẽ với cô và sau đó lập tức nghiêng đầu khỏi giường để giải thoát cơn buồn nôn đang ập đến. Có lẽ cũng vì những lần như thế mà chúng tôi nhanh chóng trở thành hai người bạn. Mỗi khi kết thúc một kỳ hóa trị, tôi được phép quay về Austin để nghỉ ngơi và phục hồi sức khỏe. Trong khoảng thời gian ấy, LaTrice là người luôn gọi điện để kiểm tra diễn biến bệnh và nhắc nhở tôi uống thuốc đúng liều. Một đêm, LaTrice gọi tôi khi tôi đang ở trước nhà và say sưa ngắm nhìn món quà Oakley vừa tặng. Đó là một chiếc xe làm bằng titan có bộ phận điều khiển từ xa có thể đạt được vận tốc 112 km/giờ.
- Âm thanh ồn ào đó là gì vậy Lance? – LaTrice ngạc nhiên.
- Tôi đang ở trong nhà xe. – Tôi vui vẻ trả lời.
- Cậu đang làm gì thế?
- Tôi đang chơi với chiếc xe điều khiển từ xa vừa được tặng.
- Ừ, cậu chơi vui nhé. Nghe giọng cậu vẫn khỏe là tốt rồi.
Cho đến một ngày, tôi phát hiện trên da mình xuất hiện những đốm nâu lạ. Đó là vết tích da bị cháy xém do hóa trị.
Hóa chất đã tấn công mọi tế bào trong cơ thể tôi, để lại những đốm nâu dị màu trên da thịt. Tính đến lúc này, tôi đang ở trong kỳ hóa trị thứ ba và sức khỏe của tôi đã suy giảm rất nhiều. So với khi mới nhập viện, người tôi giờ đây gầy rộc đi. Mỗi ngày, tôi phải lê từng bước dọc hành lang bệnh viện để tập thể dục, tôi nhìn xuống cơ thể mình – chiếc áo bệnh nhân đã trở nên rộng thùng thình từ lúc nào. Các cơ bắp săn chắc trước đây dần mất đi, cơ thể tôi chỉ còn là một khối thịt mềm nhão. Tôi buồn bã nghĩ: “Người bệnh thì như thế này đấy”.
Nhưng tôi không bi quan, tôi vẫn luôn tự nhủ: “Mình phải lấy lại vóc dáng như xưa”.
Những khi ấy, tôi lại tâm sự với LaTrice:
- LaTrice, tôi sút ký nhiều quá. Giờ tôi phải làm sao? Hãy nhìn cơ bắp của tôi đi! Hãy nhìn những việc đang xảy đến với tôi này. Tôi còn phải quay lại đường đua. Tôi phải lấy lại cơ bắp của mình.
- Lance này, đó là hệ quả tất yếu của việc hóa trị. – LaTrice đáp lời tôi một cách thông cảm. – Anh bị xuống ký là bình thường thôi. Các bệnh nhân ung thư trong thời kỳ hóa trị đều phải chịu như vậy cả.
- Tôi có thể ngồi dậy và vận động một chút được không, LaTrice? – Tôi bắt đầu cảm thấy mình đang lãng phí thời gian vô ích khi suốt ngày chỉ nằm trên giường. - Ở đây có phòng tập thể hình nào không, LaTrice?
- Lance, đây là bệnh viện. – LaTrice vừa nói vừa thở dài. – Tuy nhiên, chúng tôi có một phòng tập riêng dành cho những bệnh nhân phải nằm viện trong thời gian dài.
- Thế tôi đến đó được không, LaTrice?
LaTrice xin ý kiến của bác sĩ Nichols về việc tôi muốn đến phòng tập của bệnh viện. Nichols có vẻ lưỡng lự bởi vì hệ miễn dịch của tôi rất yếu và sức khỏe của tôi không cho phép tôi vận động quá nhiều.
Thay vì bực tức với những lời càm ràm vô cớ hay những câu hỏi liên tục, LaTrice luôn tỏ ra rất thông cảm với ước muốn mau chóng hồi phục để được trở lại đường đua của tôi. Một lần, tôi được sắp xếp lịch để chụp MRI não nhưng phòng chụp đã kín chỗ. Vì vậy, LaTrice gửi tôi sang bệnh viện nhi Riley ở gần đó. Hai bệnh viện được nối với nhau thông qua một đường hầm dài khoảng 2 km. Thông thường, các bệnh nhân được chuyển giao giữa hai bệnh viện bằng xe cứu thương hoặc xe lăn, nhưng tôi quyết định sẽ đi bộ đến Riley. Tôi thông báo với cô y tá phụ trách đi cùng: “Tôi sẽ tự đi bằng đôi chân của mình, không bao giờ tôi chịu ngồi trên chiếc xe lăn đó đâu”. Nghe tin, LaTrice không nói lời nào. Cô ấy chỉ nhìn tôi và lắc đầu. Cô y tá đi cùng giúp tôi sắp xếp gọn gàng các ống trên cơ thể lên một xe đẩy nhỏ và giúp tôi di chuyển chúng.
Tôi lê từng bước chân mệt mỏi dọc con đường hầm. Nhìn vào, có lẽ bạn cho rằng trông tôi giống một ông lão không biết lượng sức mình. Phải mất hơn một giờ tôi mới đến được Riley. Lúc đó, người tôi mệt ngoài, lưng áo ướt sũng vì mồ hôi nhưng tôi cảm thấy rất vui vì mình đã không bỏ cuộc. Tôi hân hoan trong niềm vui chiến thắng.
- Cậu lúc nào cũng muốn mọi việc theo ý mình. – LaTrice cười.
Đối với tôi, mỗi việc dù nhỏ cũng là một cuộc chiến thật sự và tôi đang từng bước chiến thắng bản thân mình. Tuy nhiên, đến ngày cuối của đợt hóa trị thứ ba, tôi gần như không còn đủ sức để đi lại quanh khuôn viên bệnh viện. Cả ngày hôm đó tôi chỉ nằm bất động trên giường cho đến khi cảm thấy đủ khỏe để có thể trở về nhà. Vào sáng thứ Bảy, một nhân viên đẩy xe lăn đến phòng tôi và đề nghị giúp tôi di chuyển ra sảnh lớn để làm thủ tục xuất viện. Tôi đã từ chối với thái độ giận dữ:
- Không bao giờ tôi ngồi vào chiếc xe lăn đó. Tôi sẽ tự đi ra ngoài bằng đôi chân của mình.
Suốt thời gian nằm viện, một bệnh nhân người Pháp thường lui tới giường bệnh của tôi và muốn tặng tôi một chai rượu vang đỏ trị giá 500 đô-la vì lòng ngưỡng mộ của anh dành cho tôi. Tôi ngước nhìn anh với ánh mắt đờ đẫn, tôi quá mệt đến nỗi không đủ sức để đáp lời anh. Tôi chỉ kịp nghĩ rằng sao anh ta lại có thể lãng phí một chai rượu vang quý cho một bệnh nhân ung thư nhỉ?
Cũng trong giai đoạn này, Alain Bondue - Giám đốc của Tổ chức Cofidis, đến bệnh viện hoàn tất hồ sơ để tôi được bảo hiểm thanh toán các hóa đơn viện phí. Lúc anh đến thăm, tôi không còn đủ sức để trò chuyện cùng anh. Tôi quá mệt, da tái nhợt, mắt thì đầy những quầng thâm. Bondue nán lại vài phút để thông báo một số việc quan trọng, sau đó anh nói:
- Lance này, chúng tôi rất quý cậu. Chúng tôi sẽ giúp cậu. Tôi hứa đấy.
Nói xong, Bondue chào tạm biệt. Tuy nhiên, khi vừa quay đi, Bondue đã ra hiệu cho Bill Stapleton cùng ra ngoài để nói chuyện riêng. Bill nhanh chóng theo anh ta.
Stapleton và Bondue hẹn nhau tại khách sạn đối diện bệnh viện. Một người đàn ông tên Paul Sherwen cũng đến để làm thông dịch viên cho cuộc nói chuyện giữa họ. Bondue châm thuốc và giải thích với Bill bằng tiếng Pháp rằng Tổ chức Cofidis đang cân nhắc việc sẽ thương thảo lại hợp đồng 2,5 triệu đô-la kéo dài hai năm của tôi vì tôi không có cơ hội duy trì bản hợp đồng này nữa.
Bill lắc đầu thất vọng. Cofidis đã gửi thông cáo đến giới báo chí rằng họ sẽ hỗ trợ tôi trong thời gian tôi điều trị. Chính vì vậy, Bill cho rằng đây không phải là thời điểm thích hợp để thỏa thuận lại hợp đồng, ít ra là khi tôi vẫn đang nằm trên giường bệnh.
- Chúng tôi rất quý Lance, chúng tôi rất muốn giúp đỡ cậu ấy. – Bondue nói. – Nhưng anh cần hiểu rằng đây là văn hóa của chúng tôi: người Pháp không chấp nhận một người không làm việc mà vẫn được trả lương.
Bill kinh ngạc:
- Tôi không thể tin một người đáng kính như anh lại nói những điều như vậy.
Bondue giải thích rằng trong hợp đồng, tôi đã chấp nhận điều khoản sẽ luôn duy trì phong độ tốt nhất và điều này sẽ được xác nhận thông qua một cuộc kiểm tra gắt gao. Nhưng ngay thời điểm này, tôi không thể thực hiện được cuộc kiểm tra đó. Chính vì vậy, Cofidis có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng. Nhưng bên cạnh đó, họ đang đưa ra lời đề nghị thỏa thuận lại hợp đồng – điều mà họ cho là ngoại lệ đối với trường hợp của tôi. Nghĩa là họ vẫn muốn duy trì hợp đồng, nhưng không chấp nhận tất cả những điều khoản đã ký trước đó. Nếu tôi từ chối đề nghị này, tôi sẽ phải tiến hành cuộc kiểm tra theo như hợp đồng đã quy định, và dĩ nhiên, kết quả mọi người đều có thể đoán trước.
Bill giận dữ đứng dậy, nhìn thẳng vào Bondue và nói: “Chết tiệt”.
Bondue nhìn Bill kinh ngạc.
Bill nói tiếp:
- Chết tiệt thật! Tôi không thể tin anh đi cả quãng đường dài đến đây chỉ để nói điều này. Vậy bây giờ anh muốn tôi quay về phòng và nói lại với Lance tất cả những gì chúng ta vừa trao đổi sao?
Bill cố gắng tìm cách xoa dịu tình hình tuy nhiên vẫn không phủ nhận được thực tế là Cofidis đang muốn chấm dứt hợp đồng – điều mà họ có toàn quyền quyết định, chỉ tiếc là nó lại rơi đúng vào lúc tôi đang suy sụp nhất. Trước đó, Cofidis đã thông báo rằng họ sẽ hỗ trợ tôi hết mình. Sau lời tuyên bố đó, Cofidis được mọi người đánh giá là một tổ chức có trách nhiệm và uy tín. Tuy nhiên, sự thật đến bây giờ đã rõ, họ muốn chối bỏ tôi. Bill ra sức bảo vệ tôi và anh kiên quyết từ chối đưa ra thảo luận vấn đề này trong lúc tôi còn đang đấu tranh với căn bệnh quái ác.
- Tôi sẽ không làm thế đâu. Tôi không muốn đề cập đến vấn đề này, ít nhất là không phải bây giờ. Hãy làm những gì các anh muốn và hãy để dư luận phán xét tất cả.
Bondue vẫn không thay đổi quan điểm. Bill biết rằng chúng tôi đang yếu thế bởi vì Cofidis hoàn toàn có quyền chấm dứt hợp đồng.
- Anh biết đấy, vấn đề chỉ là Lance vượt qua cuộc kiểm tra mà thôi. – Bondue nói.
- Vậy ra các anh dự định cử một bác sĩ đến đây à? Cử một người đến đây để kiểm tra sức khỏe cho một bệnh nhân ung thư sao?
- Vâng, có lẽ chúng tôi sẽ làm thế.
- Tốt. Tôi sẽ gắn máy ghi hình tại đây và chính các anh sẽ tự hủy hoại danh tiếng của mình đấy.
Bondue giải thích rằng phía Cofidis sẵn sàng duy trì hợp đồng với tôi miễn là hai bên cùng ngồi xuống và thỏa thuận lại một số điều khoản. Bill lúc này đã bình tĩnh hơn và cố gắng thuyết phục Bondue rằng sức khỏe của tôi đang dần khá hơn. Bill hy vọng tin này sẽ khiến Bondue suy nghĩ lại. Tuy vậy, sau hơn hai giờ đàm phán, họ vẫn không thể thống nhất ý kiến. Cuối cùng, Bill đứng dậy và trước khi rời khỏi phòng, anh nói:
- Nếu các anh vẫn muốn quay lưng lại với Lance, tốt thôi, tôi sẽ để cho tất cả mọi người biết bộ mặt thật của các anh. Cứ làm những gì mà các anh muốn.
Bill mang vẻ mặt còn bực tức quay lại phòng tôi. Cuộc trò chuyện của anh và Bondue quá lâu, điều đó mách bảo cho tôi biết có chuyện không hay xảy ra. Ngay khi Bill bước vào phòng, tôi lập tức hỏi:
- Chuyện gì thế, Bill?
- Không gì cả, Lance à. Cậu đừng lo lắng gì cả.
Nhìn vẻ mặt thất vọng của Bill, tôi phần nào đoán được lý do.
- Thôi nào Bill, chuyện gì vậy? – Tôi gặng hỏi.
- Tôi không biết phải nói thế nào. Họ muốn thỏa thuận lại hợp đồng với cậu và nếu không thể thỏa thuận, họ sẽ cử một bác sĩ đến đây để kiểm tra sức khỏe của cậu theo như quy định trong hợp đồng.
- Vậy chúng ta phải làm gì đây?
- Tôi vừa bảo họ cứ làm những điều họ muốn và họ sẽ phải gánh chịu mọi hậu quả.
Tôi im lặng. Mãi sau tôi mới nói, vẻ mệt mỏi:
- Có lẽ chúng ta phải nhượng bộ thôi.
Khi Bondue vào thăm tôi, tôi đã nghi ngờ có điều gì đó không hay, liệu mục đích Bondue đến đây có phải chỉ để theo dõi bệnh tình của tôi hay không? Phải chăng Bondue chỉ muốn kiểm tra tình trạng sức khỏe của tôi và anh ta sẽ không làm khó tôi về những điều khoản trong hợp đồng? Cuối cùng, tôi biết họ đến chỉ vì một lý do duy nhất: họ muốn xem tôi sống chết thế nào. Rõ ràng là Bondue đã âm thầm quan sát và hiển nhiên hiểu được tình trạng sức khỏe quá tệ của tôi lúc này.
Bill quay sang nói nhỏ với tôi:
- Xin lỗi vì tôi không thể mang đến cho cậu một tin tốt nào.
Tuy nhiên, tôi có nhiều việc quan trọng cần suy nghĩ hơn là chuyện của Cofidis. Dù rằng hiện tại, tôi đang rất lo lắng và tìm cách xoay xở để có đủ chi phí chữa trị, và tôi rất thất vọng khi biết rõ chủ ý của Bondue khi đến đây, nhưng tiền bạc không phải là thứ duy nhất tôi nghĩ đến lúc này.
Bill cố gắng trấn an tôi: “Chúng ta sẽ thương lượng và tìm cách trì hoãn”. Bill cho rằng nếu chúng tôi có thể trì hoãn thời gian đến tháng Hai, tôi sẽ hồi phục kịp thời và có thể vượt qua cuộc kiểm tra. Nhưng tôi đã quá mệt và không muốn nói thêm điều gì nữa vào lúc này.
Suốt ba, bốn tuần sau đó, Cofidis đã có những hành động chứng tỏ rằng họ không nói đùa. Họ cử một bác sĩ từ Pháp đến và chính thức đưa ra lời đề nghị chấm dứt hợp đồng. Tôi tránh nói chuyện với Bill vì quá mệt, tôi đang ở trong giai đoạn khó khăn của thời kỳ hóa trị. Tôi để Bill lo mọi chuyện. Cuối cùng, Cofidis chỉ đồng ý thanh toán giúp tôi số tiền chỉ bằng một phần ba giá trị hợp đồng mà tôi đã ký và đòi hỏi thêm một số điều khoản khác có lợi cho họ.
Có vẻ như họ không còn tin tôi, có vẻ như tất cả họ đều cho rằng tôi đang chết dần chết mòn. Như vậy đồng nghĩa là với Cofidis, tôi không còn giá trị.
Tuy nhiên, tôi bắt đầu lờ mờ nhận ra rằng càng mệt mỏi, đau đớn sau mỗi kỳ hóa trị, sức khỏe của tôi càng tốt hơn. Giai đoạn hóa trị đã bắt đầu có tác dụng.
Trong giai đoạn này, có những lúc tôi yếu đến nỗi không thể nói chuyện được. Một buổi trưa nọ, mẹ gọi điện cho tôi từ chỗ làm và tôi chỉ còn đủ sức để thì thào: “Mẹ à, chúng ta nói chuyện sau nhé. Con mệt lắm”.
Suốt thời gian đó, tôi chỉ nằm trên giường, trùm kín chăn chỉ để lộ mặt ra ngoài và chịu đựng những cảm giác cồn cào trong dạ dày cùng hơi nóng hừng hực tỏa ra từ dưới lớp da mình. Tôi khó chịu và cằn nhằn với bất kỳ ai đang ở trong phòng.
Việc hóa trị khiến trí nhớ của tôi không còn minh mẫn, những gì tôi còn nhớ lúc đó chính là tôi rất tiều tụy và kiệt sức. Mỗi sáng, bác sĩ đến phòng tôi và thông báo các kết quả xét nghiệm máu mới nhất, kết quả cho thấy tôi đang dần khỏe hơn. Bác sĩ theo dõi rất gắt gao mọi sự biến động của chỉ số HCG và AFP trong cơ thể tôi bởi vì đây là giai đoạn đặc biệt quan trọng – nó cho thấy cơ thể tôi phản ứng thế nào với các chất được dung nạp vào người.
Mỗi con số đều có một ý nghĩa riêng đối với các bác sĩ và cả bản thân tôi. Chẳng hạn, từ ngày tôi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư (2/10/1996) cho đến ngày phát hiện các khối u đã di căn đến não (14/10/1996), chỉ số HCG trong máu của tôi đã tăng từ 49.600 lên 92.380. Những ngày đầu điều trị, mỗi khi bước vào phòng tôi, các bác sĩ đều hết sức lo lắng, họ nghi ngại bệnh của tôi đã tiến triển quá nhanh và quá nặng.
Nhưng dần dần, họ cảm thấy an tâm hơn thông qua một số xét nghiệm cho kết quả rất khả quan: tế bào ung thư trong cơ thể tôi đã giảm hẳn. Trên thực tế, tế bào ung thư giảm rất nhanh khiến bác sĩ không khỏi ngạc nhiên. Trong hồ sơ bệnh án của mình, tôi cẩn thận vẽ hẳn một sơ đồ theo dõi diễn biến của các chỉ số máu quan trọng. Chỉ trong khoảng ba tuần của tháng mười một, tế bào bệnh trong cơ thể tôi đã giảm từ 92.000 xuống còn 9.000.
Nichols vui mừng nói: “Cơ thể cậu phản ứng rất tốt. Chúc mừng cậu!”.
Vậy là những nỗ lực của tôi bước đầu đã thành công. Các loại hóa chất trong giai đoạn hóa trị đã có tác dụng tốt đối với cơ thể tôi, nhưng quả thật tôi cũng không ngờ mọi việc lại nhanh đến vậy – cứ như tôi đang lao về đích trên đường đua. Kể từ lúc đó, mỗi ngày các chỉ số sức khỏe trở thành những bản tin nóng cho tôi – chúng chính là nguồn động lực hay nói một cách tượng hình thì đó là chiếc áo vàng dành cho người về đầu của chặng đua.
Tôi bắt đầu tìm thấy mối liên hệ giữa quá trình hồi phục của tôi với những chặng đua quyết định trong giải Tour de France. Từng giờ từng phút tôi đang đón nhận những phản hồi của các đồng đội xung quanh mình. Cứ sau một khoảng thời gian, huấn luyện viên trưởng lại bắt loa và thông báo với tôi rằng: “Lance, anh đang cách người thứ hai ba mươi giây”. Điều đó thúc giục tôi phải tăng tốc hơn nữa. Tương tự, tôi bắt đầu đặt mục tiêu cho chỉ số máu của mình và cảm thấy thật phấn khích những khi tôi đạt được mục tiêu đó. Nichols bảo rằng ông mong chờ các chỉ số sau sẽ giảm 50% so với chỉ số trước. Tôi nôn nao hy vọng, tôi thành khẩn cầu nguyện. Giây phút Nichols đến và thông báo với tôi: “Chúng đã giảm một nửa”, tôi hân hoan như thể mình vừa chiến thắng trong một chặng đua. Và đến một ngày, Nichols hào hứng nói: “Chúc mừng cậu, tế bào ung thư trong cơ thể cậu chỉ còn một phần tư so với trước đây”.
Tôi cảm giác được mình đang toàn tâm toàn sức chiến đấu với bệnh tật hơn bao giờ hết và chính trong những ngày tháng đó, bản năng của một vận động viên đua xe đạp trong tôi lại trỗi dậy. Tôi khao khát dùng đôi chân mình để tống khứ căn bệnh ung thư quái ác này đi. Cuộc chiến đã đến hồi gây cấn. Tôi nói vui nhưng đầy quả quyết với Kevin Livingston: “Cậu biết không, bệnh ung thư đã sai lầm khi chọn tôi làm nơi trú ngụ, đó là một sai lầm rất lớn”.
Tôi liên tục nhận được nhiều tin tốt lành về tình hình sức khỏe của mình. Một buổi trưa, bác sĩ Nichols đến thăm tôi và thông báo một tin tốt: chỉ số HCG của tôi chỉ còn 96. Thật khó tin! Vậy là kể từ lúc này, tôi chỉ cần tập trung để vượt qua kỳ hóa trị cuối cùng - cũng là thời gian khó khăn nhất.
Trở về Texas sau khi kết thúc đợt hóa trị thứ ba, sức khỏe tôi dần hồi phục. Do phải nằm viện quá lâu nên trong tôi lúc nào cũng có cảm giác bị bó buộc và thiếu tự do. Tôi khao khát được hòa mình vào đất trời, tôi khát khao được vận động.
Ngày tôi trở về, bạn bè đều tỏ ra ái ngại khi trông thấy vẻ xanh xao, tiều tụy của tôi nhưng họ đều vui mừng vì biết tôi đã khỏe hơn. Frankie Andreu, Chris Camichael, Eric Heiden – cựu vận động viên trượt ván Olympic nay đã trở thành một bác sĩ, và Eddy Merckx đến ở cùng tôi một tuần. Họ thay phiên nấu ăn và dẫn tôi đi dạo loanh quanh, có khi chúng tôi còn đạp xe quanh thành phố.
Chúng tôi thường ra ngoài và đi dọc con đường được rải nhựa phẳng lì dẫn tới Mount Bonnell, một ngọn đồi khá dốc cạnh bờ sông Austin. Chúng tôi đạp xe chầm chậm, những cơn gió nhẹ thổi qua khiến tôi cảm thấy vô cùng sảng khoái.
Sau những đợt hóa trị khắc nghiệt, tôi không nghĩ lượng hóa chất còn sót lại trong người có thể tác động lớn đến sinh hoạt cũng như sức khỏe của mình vì tôi cảm thấy khỏe hơn rất nhiều. Tôi đã lao vào cuộc chiến chống lại căn bệnh ung thư một cách khó khăn nhưng đầy tự tin và dù sau mỗi kỳ hóa trị, tôi có thể cảm nhận được rằng cơ thể mình ngày càng tiều tụy, ngày càng bị bào mòn nhưng quả thật, tôi không nhận ra mình đã không còn là Lance Armstrong hùng dũng trước đây cho đến lúc tôi ngã khuỵu trước cửa một ngôi nhà xa lạ.
Bác sĩ Nichols không khuyến khích tôi đạp xe khi sức khỏe vẫn chưa thực sự hồi phục. Ông vẫn nhắc nhở: “Đây chưa phải là lúc để cậu vận động quá sức như thế. Đừng tạo áp lực cho cơ thể mình, Lance à”. Nhưng tôi không thể chịu nổi ý nghĩ mình chỉ còn là một kẻ yếu đuối, bất lực sau khi kết thúc giai đoạn điều trị. Cơ bắp của tôi đang mất dần, sự cường tráng, khỏe mạnh ngày nào giờ đây không còn nữa - và điều đó khiến tôi sợ.
Với bản tính bướng bỉnh vốn có, tôi bắt đầu rủ rê Kevin và Bart: “Chúng ta lấy xe đạp và làm vài vòng quanh thành phố đi”. Ban đầu, chúng tôi chỉ đạp xe ở những con đường gần nhà. Tôi hân hoan với cảm giác lại được ngồi trên yên xe, được hòa mình vào đất trời.
Tôi và những người bạn thong thả đạp xe chỉ khoảng ba mươi phút và tôi tự nhủ miễn là tôi còn có thể ngồi trên yên xe, tôi sẽ phần nào lấy lại vóc dáng như xưa. Nhưng sự thật không phải vậy, tôi đã quá yếu so với trước đây. Và đến khi tôi gặp một sự việc rất bình thường nhưng nó khiến tôi nhìn lại tình trạng thực tại của mình. Một lần vào buổi trưa, tôi ra ngoài cùng Kevin, Bart và vị hôn thê của Bart là Barbara. Chúng tôi đạp xe lên một ngọn đồi nhỏ nhưng khá dốc. Tôi đinh ninh mình đã lấy lại được phong độ khi có thể đạp xe qua mặt họ (nhưng thật ra, những người bạn của tôi đã cố tình nhượng bộ để tôi không cảm thấy buồn). Họ chỉ chầm chầm nương theo tốc độ của tôi, thỉnh thoảng, họ cố ý vượt lên trên và bỏ lại tôi phía sau để tôi có thêm động lực. Tuy nhiên, không bao giờ họ giữ khoảng cách quá xa với tôi, chính vì vậy, tôi không thể biết tốc độ thật sự của mình là bao nhiêu. Tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng tôi đang sống lại cảm giác của những ngày vinh quang lúc xưa.
Đột nhiên, tôi cảm nhận một luồng gió mạnh thốc tới từ sau lưng. Một phụ nữ đứng tuổi đạp chiếc xe đạp đã cũ kỹ đang tiến lên phía tôi. Trông bà ấy có vẻ nặng nề nhưng bà bỗng vụt nhanh qua khỏi mặt tôi.
Tôi thấy bà đạp từng nhịp rất nhẹ nhàng và đều đặn. Trong khi đó, tôi đi bên cạnh đang thở hồng hộc và chiếc bàn đạp dưới chân tôi nặng nề như một tảng đá khổng lồ cản sức đạp và tốc độ của tôi. Tôi không cách nào đuổi kịp bà. Trong thuật ngữ chuyên môn, đây gọi là “Bị đối thủ bỏ lại phía sau”. Tôi cố gắng hết sức nhưng vẫn không thể tăng tốc.
Tất cả chỉ vì tôi đã đánh lừa bản thân, tôi đã quá huênh hoang khi nghĩ rằng mình có thể chạy nhanh và chạy bền trong điều kiện sức khỏe như thế này. Và rồi một người đàn bà đứng tuổi xuất hiện, lôi tôi ra khỏi ảo tưởng mong manh đó, để tôi biết rõ mình đang ở đâu. Tôi phải thừa nhận rằng mình không còn là một Lance Armstrong dũng mãnh của trước kia nữa.
Suốt thời gian nghỉ dưỡng sau đợt hóa trị, tôi kiên trì chạy xe và xem đó như một cuộc đấu tranh khác ngoài cuộc đấu tranh với bệnh tật. Mục tiêu lúc này không đơn thuần là để lấy lại dáng vóc. Tôi chạy xe chỉ vì tôi muốn như thế. Mỗi ngày, tôi chỉ ngồi trên yên khoảng ba mươi phút - một điều mà trước đây tôi chưa từng làm.
Phải nói rằng trước khi đổ bệnh, tôi thật sự không phải là đam mê đua xe. Chỉ đơn giản đó là công việc của tôi và tôi thấy mình thành công khi đeo đuổi công việc đó. Nói đúng hơn, tham gia làng thể thao đua xe là cách giúp tôi thoát khỏi cuộc sống gò bó ở Plano và mở ra trước mắt tôi một cuộc sống mới. Nhưng như tôi đã nói, đó không hẳn là điều mà tôi đặt hết niềm say mê mình từng ấp ủ - đó chỉ là công việc, là kế sinh nhai và là lý do để tôi tiếp tục cố gắng. Và tôi cũng chưa bao giờ thừa nhận rằng mình thích đua xe.
Tôi cũng chưa bao giờ cưỡi trên yên xe như một cuộc dạo chơi vô thức – chí ít cũng phải có một lý do: hoặc trên đường đua hoặc đang trong giai đoạn tập luyện. Trước đây, việc chạy xe trong thời gian dưới một giờ không bao giờ có trong lịch tập luyện của tôi. Một cua-rơ chuyên nghiệp sẽ không bao giờ ngồi lên yên xe nếu đó chỉ là một chuyến đi kéo dài một giờ.
Trước đây, mỗi lần Bart gọi điện đến và nói: “Làm vài vòng bằng xe đạp nhé, Lance”, thì chắc chắn sẽ nhận được câu hỏi thay cho câu trả lời của tôi: “Để làm gì?”.
Nhưng giờ đây, tôi không những cảm thấy yêu chiếc xe đạp mà quan trọng hơn là tôi cần nó. Tôi cần làm gì đó để tạm quên những nỗi đau mà mình đang phải chịu đựng. Tôi muốn chứng minh bản thân mình, tôi muốn mọi người khi nhìn vào tôi sẽ thấy tôi vẫn khỏe mạnh, tôi vẫn còn có khả năng đạp xe.
Tôi muốn bất kỳ ai khi hỏi rằng: “Lance thế nào rồi? Cậu ấy đã khỏe chưa?” thì bạn bè tôi sẽ trả lời ngay: “Cậu ấy khỏe. Cậu ấy đang tập luyện để trở lại đường đua đấy”.
Tôi tự nhủ mình vẫn là một cua-rơ, không phải là một bênh nhân ung thư dù rằng tôi không còn khỏe như trước. Ý nghĩ đó giúp tôi đấu tranh với bệnh tật và lấy lại niềm tin mà căn bệnh này đã tước đoạt của tôi ngay những ngày đầu. Mình vẫn có thể làm được. Mình không còn là Lance Armstrong cường tráng như trước đây nhưng mình vẫn có thể làm được. Mình tin thế.
Đến một ngày, Kevin và bạn của cậu là Jim Woodman đến rủ tôi chạy xe vòng quanh thành phố như thường lệ. Do vết mổ trên đầu vẫn chưa lành hẳn nên tôi mang theo mũ bảo hiểm. Chúng tôi chỉ thong thả đạp xe qua các con đường và tận hưởng khí trời mát mẻ của Austin. Tôi cho rằng đây là một cách giúp tôi hòa mình vào thiên nhiên bởi đấy là lần đầu tiên tôi đạp xe với trạng thái thoải mái, không vì tập luyện và cũng không để chứng tỏ điều gì cả.
Đoạn đường chúng tôi đi qua khá bằng phẳng, duy chỉ có một đoạn dốc ngắn buộc chúng tôi phải rướn người trên yên và dồn sức lên bàn đạp. Tôi đã làm như thế hàng triệu lần: cũng dễ thôi, chỉ cần rướn người lên và đạp, sau đó lại trở về vị trí cũ và nghiêng người theo đoạn dốc. Vậy là bạn đã thả dốc an toàn.
Tuy nhiên, lần này tôi không làm được. Chỉ vừa leo lên một nửa con dốc thì tôi đã đuối sức. Chiếc xe đạp lắc lư mất thăng bằng. Không còn cách nào khác, tôi hãm phanh và đặt hai chân xuống mặt đường. Đầu óc tôi choáng váng.
Tôi cố hít lấy không khí nhưng dường như vẫn không đủ. Mọi thứ nhanh chóng mờ nhạt trước mắt tôi. Tôi khụyu xuống. Kevin và Jim lập tức quay xe lại.
Tôi ngồi bệt xuống thềm nhà của một ngôi nhà bên đường và gục đầu giữa hai đầu gối.
Kevin hốt hoảng hỏi:
- Anh không sao chứ, Lance?
- Đừng nói gì hết, anh chỉ hụt hơi thôi. – Tôi vừa nói vừa thở khò khè. – Hai đứa cứ đi trước, anh sẽ đạp xe về nhà.
Jim nói:
- Có lẽ chúng ta nên gọi xe cứu thương.
- Không. – Tôi hét lớn. – Để anh ngồi đây một chút là ổn thôi.
Tôi lắng nghe âm thanh của những hơi thở khó nhọc phát ra từ lồng ngực mình. Đầu óc tôi quay cuồng, choáng váng – cảm giác giống như khi bạn đang ngồi rồi đột ngột đứng lên quá nhanh.
Tôi ngả lưng xuống bãi cỏ, nhìn lên trời và nhắm mắt.
Mình sắp chết ư?
Kevin khẽ lay tôi, giọng hoảng hốt:
- Lance, anh Lance…
Tôi mở mắt nhìn Kevin.
- Em vừa gọi xe cứu thương. Xe đang đến. – Kevin nói.
- Không. – Tôi giận dữ hét lên lần nữa. – Không, anh chỉ cần ngồi nghỉ một chút thôi.
Vài phút sau, tôi dần lấy lại nhịp thở. Tôi rướn người dậy và cố gắng giữ thăng bằng. Tôi đứng một lúc rồi lại leo lên xe. Chân tôi mỏi nhừ, nhưng tôi vẫn còn đủ sức để giữ tay lái khi xuống dốc. Chúng tôi quay lại con đường cũ để trở về nhà. Lúc này, Kevin và Jim luôn theo sát bên tôi.
Vừa thở tôi vừa giải thích với họ chuyện đã xảy ra. Giai đoạn hóa trị đã hủy diệt gần như toàn bộ các tế bào máu khỏe mạnh, ảnh hưởng đến nồng độ hemoglobin trong cơ thể tôi. Hemoglobin giúp cho việc vận chuyển oxy đến những cơ quan quan trọng. Một người bình thường có nồng độ hemoglobin dao động từ 13 đến 15. Tuy nhiên, chỉ số của tôi chỉ có 7. Chính vì vậy, tôi không đủ máu để hô hấp và tuần hoàn. Cứ mỗi hai tuần, các hóa chất độc hại lại tiêu diệt hết các tế bào máu của tôi ròng rã từ thứ Hai đến thứ Sáu. Và do tôi đã cố gắng quá sức để đạp xe mấy ngày qua nên kết quả là tôi bị kiệt sức.
Tôi đã phải trả giá vì hành động liều lĩnh của mình.
Tôi luôn tin có những thiên thần tồn tại trên thế giới này, họ hóa thân thành những người bình thường và giúp đỡ chúng ta khi cần. Và với tôi LaTrice Haney chính là một trong những thiên thần đó. LaTrice là một nữ y tá giỏi, cẩn thận và có trách nhiệm. Cô luôn hết lòng với công việc bất kể ngày hay đêm. Thậm chí, ngay cả những khi mệt mỏi, cô cũng không bao giờ thể hiện. LaTrice gây ấn tượng với tôi bởi sự quyết đoán, tinh thần trách nhiệm cao và thái độ ân cần, chu đáo đối với bệnh nhân. Cô thật sự là một thiên thần áo trắng.
Suốt thời gian nằm viện, những buổi tối khi tôi cảm thấy tương đối khỏe và chưa có ai vào thăm, tôi thường trò chuyện cùng LaTrice. Tôi tự nhận mình là người khó tính, không dễ bắt chuyện nhưng với LaTrice, tôi cảm nhận một sự chia sẻ và đồng cảm bởi vì cô rất ân cần và biết cách thể hiện mình cũng như khơi gợi mạch đối thoại từ đối phương. LaTrice là mẫu người phụ nữ vừa quyết đoán vừa mềm mỏng, với quan niệm sống hết sức sâu sắc – điều này hoàn toàn trái ngược với tuổi đời của cô. LaTrice hiện là y tá trưởng của chuyên khoa ung thư. Tôi cứ tự hỏi mãi vì sao người phụ nữ ấy lại có thể vững vàng đến như vậy. Cô từng tâm sự chân thành với tôi: “Chỉ cần giúp các bệnh nhân thoải mái và vui vẻ là tôi thấy vui rồi”.
Những lúc trò chuyện, tôi thường hào hứng chia sẻ cùng cô về nghề nghiệp của mình. LaTrice hỏi: “Cậu đến với môn đua xe đạp như thế nào?”. Tôi tâm sự cùng cô về chiếc xe đạp đầu tiên trong đời tôi, về cảm giác lâng lâng vui sướng khi được rong ruổi trên chiếc xe đạp của mình, về việc tôi đã bắt đầu sự nghiệp đua xe khi mới mười sáu tuổi. Tôi kể với cô về những đội mình đã tham gia, về sự hóm hỉnh cũng như sự khoan dung của họ đối với một thanh niên ngang tàng và bướng bỉnh như tôi. Tôi kể với cô về người mẹ kính yêu của mình, rằng tôi thương bà đến dường nào, rằng bà chính là lẽ sống đối với tôi.
Tôi chia sẻ với LaTrice về những điều tôi nhận được kể từ lúc bước chân vào làng thể thao chuyên nghiệp: đấu trường châu Âu đầy danh vọng, những trải nghiệm quý giá của một cậu thanh niên lần đầu bước ra đường đua lớn và cả những giây phút huy hoàng khi chiến thắng. Tôi cho LaTrice xem bức hình ngôi nhà của tôi ở Austin và ngỏ lời mời cô đến chơi một lần. Tôi cũng hân hoan khoe với cô những bức ảnh ghi lại những thời khắc huy hoàng nhất trong sự nghiệp của tôi. LaTrice lần lượt xem từng bức ảnh và cứ chỉ tay vào hỏi: “Bức này cậu chụp ở đâu?”. Tôi háo hức trả lời. Cứ như thế, chúng tôi trò chuyện rất vui vẻ.
Tôi tâm sự với LaTrice về những vấn đề liên quan đến Cofidis. Tôi nói với cô về cảm giác lo lắng và cảm thấy áp lực trước những đề xuất của họ. Và tôi không ngừng lặp lại với LaTrice: “Tôi phải lấy lại sự cường tráng khi xưa của mình”.
- Lance, hãy lắng nghe và yêu thương bản thân mình. Tôi biết tâm trí cậu giờ đây đang thúc giục cậu quay lại đường đua, nhưng đừng tự tạo áp lực cho bản thân. Hãy để cơ thể cậu được nghỉ ngơi để vượt qua cơn bệnh.
Tôi miêu tả với LaTrice về chiếc xe đạp của mình từ khung niềng, bánh xe đến trọng lượng của mỗi bộ phận cũng như giá trị, chức năng của chúng. Tôi giải thích cho cô biết rằng một chiếc xe đua rất dễ bị hư hỏng chính vì vậy, tôi thường phải tháo rời từng bộ phận và mang theo trong hành lý của mình. Tôi biết rõ từng chi tiết và có thể lắp ráp hoàn chỉnh tất cả các bộ phận chỉ trong một thời gian ngắn.
Tôi còn cho cô biết điều đặc biệt là chiếc xe phải tương thích với người lái, do vậy đôi khi tôi cảm thấy giữa tôi và nó có một sự gắn kết sâu sắc. Khung xe càng nhẹ, xe chạy càng uyển chuyển. Chính vì vậy, chiếc xe đua của tôi chỉ nặng khoảng tám kilogram. Bánh xe quay sẽ tạo ra lực ly tâm. Lực ly tâm càng lớn, động lực phát ra càng cao. Đó là nguyên lý chủ đạo của môn đua xe đạp. Một chiếc đòn bẩy chuyên dụng được khéo léo lắp vào xe và nếu chẳng may bị nổ lốp, chiếc đòn bẩy này sẽ giúp tôi nảy chiếc lốp đã hỏng ra ngoài và thay thế một cách nhanh chóng chỉ trong khoảng chưa đến mười giây.
- Thế cậu không cảm thấy mệt khi phải ngồi suốt trên yên xe sao? – LaTrice hỏi.
- Tất nhiên là mệt chứ. – Tôi vừa cười vừa trả lời cô.
Tôi nói rằng việc ngồi quá lâu trên yên xe khiến tôi bị đau lưng kinh khủng, nhưng đổi lại, tôi đạt được tốc độ như mình mong muốn. Tay lái của xe chỉ rộng vừa bằng vai của vận động viên, nó được thiết kế cong xuống thành hình bán nguyệt để vận động viên có thể trụ vững trên bàn đạp khi rướn người tăng tốc.
- Vì sao yên xe lại được thiết kế nhỏ như vậy? – LaTrice hỏi tiếp.
- Yên xe được thiết kế rất hẹp và rỗng ở giữa. Lý do là vì một khi phải ngồi trên xe suốt sáu tiếng, cô sẽ không muốn vật gì cọ xát hoặc cản trở sự di chuyển của đôi chân. Vì vậy, một yên xe vừa hẹp, vừa chắc chắn và thông thoáng sẽ giúp cô cảm thấy thoải mái và dễ chịu. Thậm chí bộ đồng phục của các cua-rơ cũng có mục đích riêng. Chúng được may bằng loại vải khá mỏng và ôm sát người để giúp các cua-rơ có thể đạp xe trong mọi điều kiện thời tiết. Về cơ bản, nó như lớp da thứ hai của họ. Chiếc quần ngắn được may lót một miếng đệm da thuộc ở phía sau và mũi khâu được khéo léo luồn vào trong nhằm tránh cho các cua-rơ khỏi bị dị ứng.
Khi không còn gì để nói về chiếc xe đạp, tôi tiếp tục giải thích với cô về tác động của sức gió đối với các cua-rơ. Tôi kể với cô về cảm giác khi tôi xé gió lướt đi để đổ dốc hay băng đèo. Tôi chia sẻ với LaTrice về cảm giác hưng phấn khi được thả mình vào đất trời, thu vào mắt mình những cảnh vật bao la và cả sự hùng vĩ của dãy Alps. Gió chính là người bạn giúp tôi tiết kiệm năng lượng, đẩy tôi lướt nhẹ trên đường đua, nhưng cũng có lúc, gió lại là một đối thủ ngăn bước đường của tôi. Tôi chia sẻ với LaTrice về những đoạn đua vượt đường đèo khi chúng tôi phải giữ thăng bằng cả người lẫn xe trên làn đường hẹp.
Dần dần, tôi nhận ra LaTrice chính là thiên thần mà cuộc sống đã dành cho tôi. Vào một buổi tối của đợt hóa trị thứ ba, tôi nằm trên giường, mắt gần như díp lại nhưng vẫn cố nhìn dòng hóa chất đang uể oải nhỏ từng giọt vào cơ thể mình. LaTrice vẫn ngồi ngay cạnh tôi, cô không rời mắt khỏi tôi dù rằng lúc này, tôi quá mệt đến nỗi không còn đủ sức để trò chuyện.
- Cô đang nghĩ gì vậy, LaTrice? – Tôi thì thào. – Liệu tôi có vượt qua được lần này không?
- Tất nhiên rồi. Cậu sẽ vượt qua được mà.
- Hy vọng cô nói đúng. – Dứt lời, tôi nhắm mắt và thiếp đi.
LaTrice đứng dậy và ghé sát vào tai tôi nói nhỏ:
- Lance, tôi mong những ngày này sẽ chỉ là một hồi ức buồn trong cuộc đời của cậu. Tôi không ở đây để bên cạnh cậu suốt phần đời còn lại. Sau khi cậu khỏe lại và rời khỏi đây, tôi hy vọng sẽ không gặp lại cậu nữa. Khi cậu khỏe lại, hãy cho tôi được nhìn thấy cậu trên ti-vi, trên tạp chí chứ không phải là ở đây. Tôi sẽ giúp cậu bất kỳ khi nào cậu cần, và sau đó tôi sẽ đi. Chính vì vậy, đừng bao giờ từ bỏ, Lance à. Hãy tin vào bản thân và mọi người xung quanh cậu.
Đây là một trong những lời động viên quý giá nhất mà tôi nhận được. Và mãi mãi tôi không bao giờ quên họ - những người đã góp lửa cho trái tim khát khao cuộc sống của tôi.
Ngày 13 tháng 12 năm 1996, tôi tiến hành đợt hóa trị cuối cùng. Sau khi kết thúc, tôi về nhà.
Vài ngày trước đợt hóa trị, bác sĩ Nichols đến gặp tôi. Ông muốn trò chuyện với tôi một số điều về quy trình điều trị cũng như về diễn biến bệnh của tôi. Ông muốn tôi hiểu rõ ý nghĩa và vai trò của đợt điều trị lần này.
Những vấn đề liên quan đến căn bệnh ung thư luôn khiến tôi phải tập trung chờ đợi và suy nghĩ. Đã nhiều lần tôi nói với bác sĩ Nichols và LaTrice rằng bệnh nhân cần được biết những gì sắp xảy đến với họ. Sau ba đợt hóa trị, tôi cảm thấy thân quen và gắn kết với những bệnh nhân cùng hoàn cảnh với mình. Đôi khi, tôi không đủ sức để chuyện trò cùng họ, nhưng một lần vào buổi trưa, LaTrice đề nghị tôi đến gặp và trò chuyện với một cậu bé mắc bệnh ung thư đang chuẩn bị bước vào giai đoạn hóa trị. Cậu bé rất sợ và thiếu niềm tin – cũng giống như tôi trước đây. Tôi đến gặp và nói với cậu bé ấy rằng: “Chú đã từng bệnh rất nặng, nhưng giờ thì chú đã khỏe hơn rất nhiều”. Nói xong, tôi đưa cho cậu bé xem bằng lái xe của tôi.
Vào giữa đợt hóa trị, bằng lái của tôi hết hạn sử dụng. Tôi phải hoãn việc thi lấy lại bằng lái cho đến lúc tôi đủ khỏe và mọc lại tóc. Tuy nhiên, tôi không muốn chờ đợi và thế là tôi quyết định sẽ đi thi lại ngay. Tôi tự mình đến Sở giao thông. Tấm ảnh chụp tôi lúc đó với tình trạng đầu trọc lóc, da dẻ xanh xao tiều tụy đến đáng thương, lông mày và lông mi cũng không còn một sợi nào. Tuy nhiên, tôi vẫn cười rất tươi.
- Chú chụp bức ảnh đó để sau này khi bình phục, chú sẽ không bao giờ quên mình đã từng bị bệnh như thế nào. Và chú muốn cháu hãy đấu tranh chống lại căn bệnh giống như chú.
Sau đó, LaTrice đề nghị tôi đến gặp và nói chuyện với nhiều bệnh nhân khác nhằm giúp họ có thêm nghị lực và niềm tin vào việc điều trị. LaTrice mong muốn họ biết rằng có một vận động viên quốc gia cũng đang từng ngày đấu tranh chống lại căn bệnh hiểm nghèo cùng với họ. Một lần trò chuyện khác, LaTrice vui vẻ nói rằng tôi vẫn còn đặt ra cho cô quá nhiều câu hỏi, tuy nhiên, bản chất của những câu hỏi này đã thay đổi. Ban đầu, những câu hỏi của tôi chỉ nhằm phán xét và chống lại chính bản thân mình cùng những vấn đề thuộc về cá nhân tôi. Nhưng giờ đây, những câu hỏi của tôi đã biết hướng đến mọi người xung quanh. Tôi đã giật mình khi biết rằng có khoảng tám triệu người Mỹ đang sống cùng căn bệnh ung thư, vậy sao tôi lại có thể chỉ xem mình là trường hợp duy nhất và tự hành hạ bản thân mình vì điều đó được? Có lần khi tôi hỏi LaTrice: “Cô có biết có bao nhiêu người bị ung thư không?”, cô ấy không trả lời tôi mà chỉ nhìn tôi mỉm cười: “Lance, cậu đã thay đổi. Cậu đã biết dẹp bỏ cái tôi của mình và nghĩ đến mọi người”.
Bác sĩ Nichols vẫn nói rằng tôi có nhiều cơ hội trở lại cuộc sống trước đây. Ông nói khi sức khỏe của tôi ngày một khá hơn, tôi sẽ cảm thấy một sự thôi thúc phải làm một điều gì đó vì mọi người – những người đang từng ngày trải qua giai đoạn hóa trị khắc nghiệt như tôi đã từng. Bệnh ung thư ban đầu xảy đến với tôi như một biến cố không mong muốn, nhưng về sau tôi thật sự cảm thấy có trách nhiệm với những gì mình đã trải qua. Bác sĩ Nichols đã gặp rất nhiều bệnh nhân ung thư sau khi khỏi bệnh đã trở thành những nhà hoạt động xã hội kêu gọi mọi người hỗ trợ các bệnh nhân ung thư khác và ông hy vọng tôi sẽ bước vào hàng ngũ những con người giàu nhiệt huyết và nhân hậu đó.
Bản thân tôi cũng hy vọng thế. Tôi bắt đầu nghĩ rằng việc tôi mắc bệnh chính là một bước ngoặt trong cuộc đời để tôi có thể thực hiện một điều gì đó lớn lao hơn. Tôi ấp ủ dự định sẽ thành lập một tổ chức từ thiện và sẽ tham vấn ý kiến của bác sĩ Nichols về hoạt động của tổ chức. Tôi vẫn chưa xác định được rõ ràng mục tiêu của tổ chức là gì, tất cả những gì lúc này tôi biết là tôi dự cảm mình có sứ mệnh phải quan tâm đến mọi người trong khả năng của mình. Và tôi đang đón nhận sứ mệnh đó với lòng nhiệt huyết cùng quyết tâm cao độ.
Tôi tìm thấy một lý tưởng mới cho đời mình, và lần này, lý tưởng đó không liên quan đến chiếc xe đạp hay những thành tích mà tôi đã đạt được. Tôi nhận thấy mình không phải sinh ra để trở thành một cua-rơ chuyên nghiệp, mà có lẽ tôi thích hợp với vai trò là một bệnh nhân đã sống sót qua giai đoạn hóa trị khắc nghiệt để chống lại căn bệnh ung thư tinh hoàn hơn. Giờ đây, tôi cảm nhận một sự gắn kết thân thuộc, gần gũi với những con người đang từng ngày đau đớn đối mặt với căn bệnh ung thư và luôn tự dằn vặt bản thân bởi câu hỏi: “Mình sắp chết ư?”.
Khi tôi tìm gặp Steve Wolff và chia sẻ những tâm tư của mình, ông nói: “Tôi nghĩ số phận đã sắp đặt để cậu trải qua căn bệnh này bởi vì cậu có nghị lực và niềm tin để chống lại nó, và bởi vì cậu thích hợp với vai trò là một sứ giả hơn là một cua-rơ chuyên nghiệp như trước kia”.
Kết thúc đợt hóa trị thứ ba, tôi gọi cho Bill Stapleton và đề nghị: “Anh giúp tôi tìm hiểu cách thành lập một tổ chức từ thiện nhé”. Bill, Bart và John Korioth - một người bạn thân đồng thời cũng là một cua-rơ nghiệp dư, đến gặp tôi ngay vào buổi chiều hôm đó để cùng bàn bạc mọi việc. Chúng tôi không rõ lắm về cách thành lập tổ chức có quy mô cũng như phương pháp vận động quyên góp tiền từ thiện, nhưng kết thúc buổi trò chuyện, cả bốn chúng tôi đều thống nhất với ý tưởng phát động một cuộc đua xe đạp để gây quỹ tại Austin với tên gọi “Chặng đua hoa hồng”. Tôi nói tôi cần một người giúp tôi lên kế hoạch cụ thể cho cuộc đua này và ngay lập tức Korioth tình nguyện đảm nhận công việc đó. Korioth là nhân viên pha chế rượu tại một câu lạc bộ nơi trước đây tôi vẫn thường ghé đến những lúc rảnh rỗi. Anh nói lịch làm việc của anh khá linh hoạt, vì vậy anh sẽ có nhiều thời gian cho ý tưởng của nhóm. Vậy là sự sắp xếp công việc của chúng tôi phần nào ổn thỏa.
Tuy vậy, tôi vẫn chưa xác định được rõ ràng mục đích thành lập của tổ chức này. Có thể mọi người sẽ chú ý đến những việc tôi làm chỉ vì tôi là người nổi tiếng, nhưng tôi mong muốn tổ chức sau khi thành lập sẽ có ý nghĩa và giá trị riêng của nó. Tôi không muốn mọi người chỉ xem đó là phương thức giúp tôi tiếp thị bản thân. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình là nhân vật trung tâm để thu hút mọi người và tôi cũng không dám chắc bệnh tình của mình rồi sẽ ra sao. Tôi chỉ muốn nói với mọi người có cùng hoàn cảnh như mình rằng: “Hãy chiến đấu, chiến đấu đến cùng”, chỉ như thế thôi.
Khi trình bày ý tưởng với bác sĩ Nichols, tôi bắt đầu có định hướng cho tổ chức của mình. Tôi đã mắc nợ bác sĩ Einhorn và Nichols quá nhiều vì sự quan tâm ân cần của họ. Vì thế, tôi muốn làm một điều gì đó để đáp lại lòng tốt của họ. Tôi bắt đầu hình dung những việc mình cần làm và cách thức giúp tôi đạt được những điều đó. Tôi suy nghĩ về phương hướng hoạt động của tổ chức.
Cuộc chiến chống lại căn bệnh ung thư trải qua nhiều giai đoạn khó khăn và phức tạp. Suốt thời gian đó, tôi rất vui vì quen được nhiều bạn mới – những người ít nhiều đã cùng tôi đấu tranh và chia sẻ những thời khắc quan trọng nhất trong cuộc đời tôi. Họ là những bệnh nhân, bác sĩ, y tá, những nhân viên trong bệnh viện… Càng ngày tôi càng cảm thấy thân thuộc và gắn bó với những người bạn đó. Và tôi hy vọng tổ chức của mình sẽ giúp tôi thắt chặt hơn nữa mối thân tình này.
Tôi muốn thông qua tổ chức của mình, mọi người sẽ hiểu rõ những vấn đề mà tôi đã trải qua trong suốt những tháng vừa qua: sợ hãi, bất lực nhưng điều quan trọng nhất là trong suốt cuộc hành trình, người bệnh luôn nhận được những tình cảm chân thành từ những người xung quanh, đặc biệt là những người bạn, họ giúp ta lấy lại niềm tin để đối mặt với sự sợ hãi và sống cùng căn bệnh nan y. Họ còn giúp chúng ta nhận ra một điều: ung thư không phải là án tử hình. Đó chỉ là một lối rẽ trong cuộc đời bạn, nó hướng bạn đến một cuộc sống tràn ngập tình yêu thương và nghĩa tình.
Kết thúc đợt hóa trị cuối cùng, tôi nằm lại bệnh viện vài ngày để hồi phục sức khỏe và hoàn tất một số việc trước khi xuất viện. Một trong những việc đó là cuộc tiểu phẫu để giải phóng chiếc ống dẫn dùng để đưa hóa chất vào cơ thể tôi trong giai đoạn hóa trị. Ngày tiến hành cuộc tiểu phẫu, tôi rất hồi hộp bởi vì đây chính là thời khắc quyết định. Chiếc ống dẫn đó đã sống cùng tôi gần bốn tháng qua. Tôi hỏi Nichols:
- Chúng ta có thể lấy nó ra khỏi cơ thể tôi rồi chứ?
- Vâng, chắc chắn rồi.
Tôi thở phào nhẹ nhõm – nếu Nichols đồng ý để tôi lấy chiếc ống dẫn ra khỏi cơ thể, điều đó đồng nghĩa ông tự tin rằng tôi sẽ không cần đến nó nữa, nghĩa là tôi sẽ không phải tiến hành hóa trị nữa.
Ngày hôm sau, một bác sĩ thực tập đến phòng tôi và giúp tôi lấy chiếc ống dẫn ra. Nhưng vấn đề ở chỗ chiếc ống đã nằm trong cơ thể tôi quá lâu đến nỗi nó đã ăn sâu vào da thịt tôi. Cậu bác sĩ thực tập đã cố gắng hết sức nhưng vẫn không sao lấy nó ra được. Cuối cùng, cậu đành đi tìm một bác sĩ chuyên khoa nhiều kinh nghiệm đến giúp. Đúng là một cuộc vật lộn khủng khiếp. Tôi nghe rõ tiếng thịt rách toạc khi chiếc ống dẫn được lôi ra khỏi cơ thể tôi. Mọi chuyện càng tồi tệ hơn khi vết rạch của cuộc tiểu phẫu sau đó bị nhiễm trùng. Kết quả là các bác sĩ phải tức tốc đưa tôi vào phòng mổ để làm sạch vết thương và khâu nó lại. Tôi đau kinh khủng – có vẻ như đây là trải nghiệm khó quên nhất trong vòng bốn tháng qua. Khi mọi chuyện kết thúc, tôi đã nài nỉ các bác sĩ cho tôi giữ lại chiếc ống dẫn đó để làm kỷ niệm, họ thuận tình và trao cho tôi chiếc ống được đặt trong một chiếc túi nhựa nhỏ.
Còn một vấn đề quan trọng tôi muốn đề cập: trước ngày xuất viện, Nichols đến và thông báo với tôi lần cuối về tình hình sức khỏe của tôi. Tôi hơi lo lắng. Kết thúc bốn đợt hóa trị không có nghĩa cơ thể tôi đã được loại sạch các tế bào ung thư, cứ mỗi tháng tôi lại phải thực hiện các cuộc kiểm tra và xét nghiệm để chắc rằng bệnh của tôi được kiểm soát hoàn toàn. Nichols cảnh báo tôi rằng chỉ số máu của tôi vẫn chưa tốt và phim chụp lồng ngực của tôi vẫn còn cho thấy một vài dấu hiệu của các mô có khả năng biến thành khối u.
Thoáng thấy vẻ lo lắng của tôi, Nichols trấn an: “Tuy vậy, đây chỉ mới là những dấu hiệu mà thôi và chúng tôi tin rằng chúng sẽ nhanh chóng biến mất”. Nếu tôi bình phục hoàn toàn, các chỉ số máu và các dấu hiệu bất thường này sẽ tự động cân bằng trở lại. Tuy nhiên, đến lúc này chưa có điều gì là chắc chắn và một năm tiếp theo đây chính là thời gian quyết định. Nếu bệnh tái phát, tôi sẽ phải tiến hành các biện pháp điều trị khắc nghiệt hơn.
Tôi muốn mình khỏe lại và phải khỏe lại ngay lúc này. Tôi không muốn phải đợi một năm sau mới xác định được tình trạng bệnh của mình.
Tôi trở về nhà và cố gắng sắp xếp lại cuộc sống. Ban đầu, mọi chuyện trôi qua khá suôn sẻ, phần lớn thời gian tôi dành để chơi golf và giải quyết các vấn đề của tổ chức. Khi cơ thể đã hồi phục, tôi cảm thấy vui vì nhận ra mình vẫn khỏe mạnh. Nhưng cảm giác là một bệnh nhân ung thư vẫn chưa mất hẳn trong tâm trí tôi và ký ức của những tháng điều trị vừa qua thỉnh thoảng lại ùa về.
Một buổi chiều, tôi nhận lời mời đến sân golf cùng Bill Stapleton và một người bạn khác của chúng tôi tên là Dru Dunworth - cậu ấy vừa trải qua căn bệnh ung thư hạch bạch huyết. Lúc này, tóc của tôi vẫn chưa mọc lại hết và vì tôi không được phép đi ra nắng nhiều nên tôi quyết định sẽ đội mũ. Tôi đến một cửa hàng thể thao và mua vài quả bóng chơi golf. Cậu thanh niên bán hàng khinh khỉnh nhìn tôi:
- Anh tính đội chiếc mũ đó thật à?
- Ừ. – Tôi trả lời cộc lốc.
- Anh không nghĩ là nó hơi lập dị với thời tiết của mùa này à?
Tôi tức giận cởi chiếc mũ xuống để lộ cái đầu trọc lóc vằn vện nhiều vết khâu và chúi người về phía cậu thanh niên đó.
- Cậu thấy những vết khâu này chứ? – Tôi nghiến giọng.
Cậu thanh niên quay mặt hoảng hốt.
- Đây chính là lý do tôi phải đội mũ. – Tôi nói. – Bởi vì tôi bị ung thư.
Nói xong, tôi đội lại mũ và rảo bước ra ngoài. Tôi tức giận vừa đi vừa càm ràm về chuyện vừa xảy ra. Phải thừa nhận rằng tôi đã rất tức giận.
Thời gian này, tôi vẫn phải đến văn phòng của bác sĩ Youman để theo dõi và kiểm tra định kỳ. Tình trạng bệnh của tôi luôn được các bác sĩ theo dõi sát sao. Với những căn bệnh như ung thư, việc theo dõi định kỳ là rất quan trọng. Có thể nói, tôi sống dựa vào các kết quả xét nghiệm. Các tế bào bệnh trong cơ thể tôi dù đã bị tiêu diệt nhanh chóng, nhưng chúng vẫn có khả năng tái phát rất cao.
Một ngày sau khi tôi trở về Austin để tịnh dưỡng, LaTrice gọi cho bác sĩ Youman để lấy các số liệu kiểm tra của tôi. Sau đó, cô chuyển ngay chúng đến bác sĩ Nichols. Nichols nhìn vào bảng số liệu một hồi lâu và cười, ông đưa chúng lại cho LaTrice và nói:
- Sao cô không gọi ngay cho Lance để thông báo với cậu ta về kết quả này?
LaTrice gọi cho tôi. Như tôi đã nói, các kết quả này đối với tôi rất quan trọng vì thế tôi luôn sốt sắng chờ đợi điện thoại mỗi khi đến kỳ kiểm tra. Tôi nhấc máy ngay từ tiếng chuông đầu tiên.
- Chúng tôi đã có kết quả của anh đây. – LaTrice nói.
- Vâng. – Tôi đáp lời đầy vẻ lo lắng.
- Lance, mọi thứ vẫn rất bình thường. Chúc mừng anh.
Tôi cố gắng lưu giữ dòng cảm xúc trong đầu mình: vậy là tôi không còn bệnh nữa. Tôi sẽ không phải chịu đựng những cơn đau đớn tột cùng do hóa trị. Giờ đây, trước mắt tôi là khoảng thời gian một năm thử thách. Căn bệnh có quay lại cũng sẽ là trong mười hai tháng kế tiếp. Ít nhất lúc này, tôi phấn khởi vì không còn một tế bào ung thư nào trong cơ thể nữa.
Tôi không biết phải nói gì. Tôi đang vui sướng.
- Lance, tôi rất vui khi thông báo tin tốt này với anh. – LaTrice cười.
Tôi thở phào nhẹ nhõm.