Mình đã khóc không ngừng khi tình cờ xem một clip về cuộc thi X-Factor. Trong đó, một người đàn ông 34 tuổi đã “giấu” giọng hát của mình không dám thể hiện. Chỉ vì mỗi khi anh hát, bạn bè đều nói rằng anh hát rất tệ. Cho đến khi có một người phụ nữ nói với anh rằng: “Anh hát hay và anh nhất định sẽ tham gia được một cuộc thi lớn.” Anh đã tham gia, hát bằng tất cả cảm xúc run rẩy. Giọng hát của anh gây chấn động đối với toàn bộ giám khảo cũng như khán giả trước hết bởi anh đã chiến thắng chính bản thân mình.
Ôi chao là tác dụng của lời nói.
Mình nhớ cách đây không lâu, mình cương quyết không chấm điểm cho một em sinh viên trong giờ dạy thử chỉ vì một lỗi rất nhỏ. Đó là, có một học sinh giơ tay, em gọi lên nhưng em học sinh đó lại ấp úng không trả lời được. Em sinh viên của mình, do áp lực về thời gian nên nóng nảy cắt ngang: “Em ngồi xuống, sao không biết lại giơ tay.” Ừ thì rõ ràng là lỗi do em học sinh không biết đã giơ tay. Nhưng lời nói của em sinh viên có thể làm em học sinh kia sẽ lo sợ đến thót người mỗi lần giơ tay phát biểu tiếp theo. Sao không phải là: “Cô khen em đã có tinh thần giơ tay. Nhưng cô đợi câu trả lời của em cho những câu hỏi tiếp theo nhé.” Vậy thôi, cũng không mất thêm nhiều thời gian.
Mình nhớ (lại nhớ) một câu chuyện: Một người đàn ông lái xe về vùng ngoại ô. Cảnh vật thanh bình, tĩnh lặng. Đang bon bon tay lái, anh ta nhìn thấy một chiếc xe đi ngược chiều và hướng thẳng về phía làn đường của mình. Người phụ nữ lái xe đi sát vào xe anh ta và ngoái đầu nói qua cửa kính: “Con heo, con heo.” Quá giận dữ, anh ta hét lại: “Đồ điên, đồ điên!” Anh ta tiếp tục đi, và anh ta chợt nhìn thấy... một con heo đang nằm sưởi nắng bên làn đường bên kia!
Vậy đó, trong mỗi hoàn cảnh, lời nói khi nói ra, nếu được suy xét kĩ thì sẽ tránh được “lời nói đọi máu”.
Và nữa, trong mỗi hoàn cảnh, nếu tìm được những lời phù hợp để nói với nhau, biết đâu, câu nói đó sẽ trở thành công cụ để “nâng đỡ số phận” người được nghe. Nói để động viên, khích lệ, để đẹp lòng nhau khác với nói giả dối. Thật thà nhưng không có nghĩa là thô thiển.
Với mình, mỗi lần Nam thi một cuộc thi nào đó, mình luôn nói: “Em làm được, nhất định em sẽ làm được vì ít nhất em đã không bỏ cuộc giữa chừng.” Và Nam luôn tham gia thi với tinh thần cực kì phấn khích, với mong muốn, sau cuộc thi, mình “lớn” hơn một chút, mình đã vượt qua được chính mình.
Với một người mau nước mắt như mình thì những “ái ngữ” đáng quý biết bao. Thể nào mà hôm qua Nam bảo: “Em sẽ còn đi học xa lâu đấy, nhưng em biết mẹ sẽ vượt qua được, mẹ nhất định sẽ vượt qua được.”
Ôi chao, như:
Một hạt mầm gieo trong ngày nắng ấm
Đợi hoa hồng sẽ nở giữa trời thu.