Năm con gần hai tuổi, con bị sốt liên miên và phải vào nằm viện. Đây cũng là lần đầu tiên trong đời con phải nhập viện, mà lại là bệnh viện ở Nhật Bản.
Trong phòng bệnh nhỏ xinh xắn, sạch sẽ có kê hai chiếc giường sát cạnh nhau. Khi mẹ vừa đưa con vào, một cậu bé chừng bảy tuổi chạy ra chào. Nhìn thấy nét mặt mẹ có vẻ buồn, cậu ấy mỉm cười và nói: “Cô đừng lo, em sẽ không bị đau đâu.” Nói rồi cậu chỉ vào cái ống cắm dây truyền vẫn còn băng trên tay và chạy về giường của mình.
Kể từ lúc ấy, mẹ hầu như không nghe thấy tiếng của cậu bé nữa. Bởi hai mẹ con cậu nếu có nói chuyện với nhau thì chỉ là những tiếng thì thào rất khẽ. Mẹ đọc sách cho con nghe, thì thào. Mẹ giục con ăn, thì thào. Mẹ động viên con, thì thào. Cậu bé cũng đáp lại bằng những lời thì thào.
Từ 9 giờ tối, tiếng thì thào giảm xuống tối đa. Cả hai mẹ con đi lại nhẹ nhàng, rón rén. Các cô y tá cũng thế, sau khi đèn bệnh viện để chế độ đèn ngủ, các cô thay giầy, đi bằng giầy vải cho khỏi gây tiếng động. Cần đến giường nào để chăm sóc bệnh nhân thì dùng đèn pin chứ không bật đèn cả phòng.
Một không gian yên lặng, một cảm giác được tôn trọng bao trùm.
Đến ngày thứ ba, bỗng nhiên con cũng chuyển sang nói chuyện với mẹ bằng... những lời nói thầm. Và hai mẹ con thấy vui, như kiểu một trò chơi. Mẹ còn vui hơn nhiều vì biết, con đã học được cách điều chỉnh hành vi, cho phù hợp với người xung quanh, học được cách tôn trọng mình và tôn trọng mọi người.
Từ sau lần vào viện ấy, mẹ vẫn duy trì trò chơi “nói thầm” tại nhà. Ví dụ khi cả nhà đọc sách. Thời gian “chơi” cứ tăng dần, từ 30 phút lên đến một, hai tiếng. Nếu con làm tốt, tất nhiên sẽ có một món quà nho nhỏ. Không chỉ có thế, con còn tập thói quen này khi đến các nơi công cộng. Khi đi ăn ở ngoài, lúc chọn quán ăn, mẹ luôn tìm hiểu trước. Nếu là quán dành cho những người thích thư giãn, thích sự yên tĩnh tuyệt đối, phải thật khẽ khàng. Còn nếu quán bình thường thì có thể thoải mái hơn.
Hè năm con bốn tuổi, về Việt Nam, hai mẹ con vào quán ăn, mẹ ngồi ở bàn gọi phục vụ: “Em ơi lấy cho chị...” con đưa tay che mồm và nhắc mẹ: “Mẹ phải ra dấu đợi cho cô ấy đến gần rồi hãy nói chứ!”
Hôm qua, đọc chia sẻ của chị Tâm Hiếu về những điều cần biết khi sang Mỹ, trong đó có việc không làm ồn trong quán ăn, mẹ chợt nhớ lại kỉ niệm ấy. Và mẹ tin những gì con có được khi còn bé sẽ không lãng phí khi con một mình nơi đất lạ.
Không biết Trái đất có đủ tròn để mẹ có thể gặp người bạn nhỏ bé năm nào, để cảm ơn về bài học lớn mà cậu đã mang lại cho con và cho mẹ?