Về cơ bản, chúng ta có hai lựa chọn. Một mặt, ta có thể chấp nhận những miêu tả về Gates như một kẻ chống Chúa, Microsoft như một đế chế của cái ác, phần mềm của nó như những thứ rác rưởi, và thành công của nó bắt nguồn từ sự lừa đảo, dối trá, từ những thủ đoạn pháp lý và từ cách thôn tính thị trường theo cách côn đồ. Mặt khác, chúng ta có thể nhìn công ty này theo chính ngôn từ của nó, rằng nó đã có lòng từ tâm khi đã khai thác mở cuộc cách mạng máy tính cá nhân và rằng sự thành công trên thị trường của nó là một phần thưởng xứng đáng cho sự phục vụ mà nó đã mang đến cho công chúng.
RANDALL E.STROSS TÁC GIẢ QUYỂN “THE MICROSOFT WAY”.
Nếu như có một bài học Bill Gates cay đắng học được thì đó chính là danh tiếng và tai tiếng là hai thứ không bao giờ cách xa nhau quá. Bạn không thể hy vọng trở thành người giàu nhất thế giới mà không gây thù chuốc oán với một vài người. Riêng trong ngành công nghiệp máy tính, Gates là người có nhiều kẻ thù hơn ai hết. Ông cũng đã khiến giới chức trách chống độc quyền cấp Liên Bang của Mỹ phải để ý và trong nhiều năm họ đã kiểm tra Microsoft vì những cáo buộc cho rằng công ty đã có các hoạt động kinh doanh phản cạnh tranh.
Đồng thời, sự thành công và giàu có tột bậc cũng thường kéo theo nhiều kẻ tâng bốc. Từ những chính trị gia như Phó Tổng thống Al Gore cho tới những người giàu có máu mặt trong kinh đô điện ảnh Hollywood đều ve vãn Bill Gates và các giám đốc của Microsoft. Tất cả những nhân vật này đã từng tìm cách tiếp cận Gates hoặc các nhân viên cận của ông để thảo luận về tương lai của công nghệ kỹ thuật số và những khả năng hợp tác với Microsoft.
Trong những năm gần đây, Gates cũng cho thấy ông hiểu được tầm quan trọng của việc kết bạn với những người có vai vế. Mặc dù cuộc chiến với cơ quan chống độc quyền Hoa Kỳ đang diễn ra, ông vẫn tranh thủ được cảm tình từ các TGĐ điều hành của 500 công ty hàng đầu do tạp chí Fortune bình chọn để tổ chức các diễn đàn dành cho các TGĐ tại Seattle và các thành phố khác trên toàn nước Mỹ. Gần đây, ông còn tổ chức các cuộc thảo luận với những nhân vật đứng đầu một số công ty ở châu Âu.
Tuy được nhiều người biết đến nhưng Gates kiên quyết bảo vệ cuộc sống riêng tư của mình – ông không cho rằng đây phải là mối quan tâm của mọi người. Điều đó cho thấy ông có cách nhìn khá ngây thơ về vai trò của mình. Ông không chỉ đứng đầu một trong những công ty hùng mạnh nhất thế giới và đang từng ngày thay đổi cách sống của mọi người, ông còn là người giàu nhất thế giới nữa. Khi bạn bổ sung vào các sự kiện rằng ông có một trí tuệ tuyệt vời, một người nổi tiếng là hay cáu kỉnh và đã dám bỏ ra hàng triệu đô la để mua một tòa nhà nằm ngay ngoại vi Seattle thì rõ ràng là nhất cử nhất động của ông sẽ được giới truyền thông trên thế giới chăm chú theo dõi.
Nhà tỷ phú họ Bill
Bill Gates có một mối quan hệ hai mặt đối với giới truyền thông. Một mặt, ông dường như thích thú trước sự săn đón của họ về mọi tuyên bố của ông về tương lai của nền công nghệ. Mặt khác, ông lại tỏ ra thực sự hoang mang trước những dư luận tiêu cực gán cho Microsoft.
Ở bên ngoài nước Mỹ, một chuyến viếng thăm của Bill Gates cũng thu hút được sự chú ý rầm rộ như chuyến đi của một nguyên thủ quốc gia. Các chính trị gia rất thích được chụp ảnh đến thăm công ty của ông. Còn Microsoft lại được hưởng lợi từ hình thức quảng bá này.
Randall E.Stross đã viết rằng: “Lượng thông tin được đề cập trên báo chí không nhất thiết phải tương xứng với tầm cỡ của một công ty: sự chú ý của báo giới dành riêng Microsoft và vị chủ tịch của nó đã vượt quá tất cả lượng thông tin được dành cho các công ty máy tính khác cộng chung lại. Mặc dù vào năm 1996, doanh số của Intel vừa đúng gấp đôi Microsoft – 3,6 tỷ USD so với 1,8 Tỷ USD, và Intel chỉ xếp thứ 7 trong bảng xếp hạng các tập đoàn kinh doanh có mức lợi nhuận lớn nhất thế giới so với vị trí thứ 29 của Microsoft.”
Chẳng hạn, việc ra mắt chậm trễ Windows 95 là một trong những sự kiện tốn nhiều giấy mực nhất trong lịch sử ngành thương mại. Việc phát hành Windows 95 cũng nhấn mạnh đến một khía cạnh thiếu thiện chí rõ ràng: giới truyền thông luôn chĩa hết mũi giùi vào Gates khi ông gặp rắc rối.
Đấng Cứu Thế hay Kẻ Chống Chúa?
Thế nhưng cường độ của dư luận vây xung quanh Bill Gates mới là yếu tố gây ngạc nhiên nhất. Vì một số lý do nào đó, đối với rất nhiều người Bill Gates đã trở thành một hình ảnh thu nhỏ đến mức hoàn hảo những mưu đồ đên tối trong công việc làm ăn lớn theo cách mà chưa một nhà kinh doanh nào khác đã từng làm trước đây.
Ví dụ như vào tháng tư năm 1996, tạp chí Wired đã cung cấp cho độc giả của mình một danh sách các địa chỉ trang Web có tựa “Sự thù ghét Microsoft”. Mỗi site được liệt kê đều ra sức trút giận hoặc thể hiện những tình cảm tiêu cực đối với Microsoft và Bill Gates. Một site tự mệnh danh là “Trang Vui về Bill Gates” đưa ra một bức ảnh chụp ngài TGĐ của Microsoft với hai chiếc sừng của Quỷ sứ mọc trên đầu. Những kẻ căm ghét Gates được hướng dẫn lựa chọn trong bộ sưu tập các vũ khí giết người như dao, súng lục và súng máy để tấn công hình ảnh của ông chỉ với một cú nhấp chuột. Thật lạ lùng khi đây chỉ là một trong những cách biểu lộ kỳ quái mà những người có ác cảm với Microsoft sử dụng trong nhiều năm qua.
Một ngày nào đó những nhà lịch sử xã hội có thể sẽ giải thích được lý do tại sao lại có nhiều người căm ghét Gates đến như vậy. Lúc này mọi ý kiến của chúng ta về sự tình này chỉ là suy diễn. Cách giải thích hiển nhiên nhất thì đó là những phản ứng xuất phát từ lòng đố kỵ. Nhiều người bực tức vì Bill Gates đã kiếm được quá nhiều tiền trong khi họ lại không. Có thể nguyên do chỉ đơn giản như vậy. Nhưng cũng có thể là còn nhiều yếu tố khác nữa, ai mà biết hết được!
Bill Gates không phải là phú gia tiền muôn bạc tỷ đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ bị kết tôi vì những hoạt động kinh doanh phản cạnh tranh. Một thế kỷ trước đây, vua dầu lửa John D.Rockefeller ở Texas đã giành được quyền kiểm soát ngành kinnh doanh lọc dầu và hệ thống đường ống dẫn dầu ở Hoa Kỳ. Rockefeller còn mở rộng tầm kiểm soát đến tận lãnh vực sản xuất dầu. Những người chỉ trích Bill Gates đã ví hệ điều hành DOS như một đường ống dẫn dầu và khống chế toàn bộ ngành công nghiệp.
Ở cực bên kia, có một nhóm, cho dù nhỏ hơn rất nhiều, nhưng ở mức độ nồng nhiệt không thua kém, gồm những người có vẻ tin rằng Gates là người sở hữu một quyền năng gần như thần thánh. Đối với họ, Gates là một cậu bé vàng có một trí tuệ siêu phàm và khả năng thiên lý nhãn nên ông mới có thể đưa ra những lời tiên tri về nền công nghệ chính xác đến như thế. Khi Gates loan báo về tương lai – dù đó là về khả năng hội tụ của công nghệ học hay sự phổ biến các ứng dụng phần mềm mới – thì vẫn có rất nhiều nhân vật vai vế kính cẩn lắng nghe (bất chấp sự chuyển hướng gần đây trước ảnh hưởng của Internet).
“Con ngáo ộp” trong giới kinh doanh
Đây không phải là lần đầu tiên người dân Hoa Kỳ trong khi nóng lòng kiếm một tội đồ để trút hết mọi trách nhiệm lại nhắm ngay đến một mục tiêu dễ dàng tấn công là một ồn trùm tư bản giàu kết sù. Ông vua dầu lửa thích sống ẩn dật John D.Rockefeller và ông trùm của Phố Wall J.P.Morgan đều trở thành những kẻ thủ ác gây nên sự hoang tàn của thời đại công nghiệp.
Nỗ lực chống độc quyền đã góp phần giúp Teddy Roosevelt tạo dựng sự nghiệp chính trị của mình, từ đó đưa ông thẳng tiến và Nhà Trắng và trở thành Tổng thống thứ 26 của nước Mỹ. Ông là người đầu tiên sử dụng Luật Sherman – được dùng làm cơ sở để khởi kiện Bill Gates – khi ông theo đuổi vụ kiện Morgan vào năm 1902. Đạo luật này đã được ban hành trước đó 12 năm nhằm đối phó với vị thế độc quyền của công ty Standard Oil của Rockefeller cùng một số công ty khác. Vào năm 1911, đạo luật này đã chia cắt Standard Oil thành một loạt các công ty nhỏ. Thật khôi hài là hành động này thậm chí còn làm cho Rockefeller giàu hơn nữa. Nhiều năm sau đó cũng chính đạo luật này được sử dụng chống lại Ma Bell. Vào năm 1970, IBM cũng bị điều tra trước một số đòi hỏi phải chia cắt Big Blue (IBM) thành một loạt các Little Blue.
Ngày nay lại đến lượt Microsoft, và Bill Gates trở thành Kẻ thù Số một của Công chúng. Theo ý kiến của Randall E.Stross thì: “Về cơ bản, chúng ta có hai sự lựa chọn. Một mặt, ta có thể chấp nhận những miêu tả về Gates như một kẻ chống Chúa, Microsoft như một đế chế của cái ác, phần mềm của nó như những thứ rác rưởi, và thành công của nó bắt nguồn từ sự lừa đảo, dối trá, từ những thủ đoạn pháp lý và từ cách thôn tính thị trường theo cách côn đồ. Mặt khác, chúng ta có thể nhìn công ty này theo chính ngôn từ của nó, rằng nó đã có lòng từ tâm khi đã khai thác mở cuộc cách mạng máy tính cá nhân và rằng sự thành công trên thị trường của nó là một phần thưởng xứng đáng cho sự phục vụ mà nó đã mang đến cho công chúng.”
Vấn đề nào cũng có hai mặt của nó. Từ công trình nghiên cứu của mình bao gồm cả những dữ liệu trong tàng thư của Microsoft, Stross đã quyết định ủng hộ cho lập luận sau. Một số người rõ ràng là không đồng ý, họ cho rằng lập luận trước gần với sự thật hơn. Tuy vậy, ít ra Stross cũng đã hoàn toàn đúng ở một điểm: Thái độ chống Microsoft mạnh mẽ là một hiện tượng rất lạ thường – có thể nói là độc nhất vô nhị. Thật khó tìm được một doanh nhân thứ hai nào có thể làm mất lòng tin nơi công luận sâu sắc đến như vậy.
Nếu có một bài học phải rút ra từ tất cả những điều này thì đó là một khi bạn kiếm được nhiều tiền như Bill Gates, chẳng cách gì bạn có thể làm hài lòng tất cả mọi người, và sẽ thật vô ích cho dù bạn cố gắng làm điều đó. Ông có vẻ như đang nhận ra được thực tế này.
Bạo chúa của nền công nghệ
Xét về mức độ cá nhân, Bill Gates cũng không được miêu tả bằng những từ ngữ không mấy đẹp đẽ. Khi còn nhỏ ông đã thể hiện khuynh hướng dễ cáu gắt, một thói quen mà một số cộng sự cho rằng ông vẫn còn giữ đến ngày nay. Tất nhiên là Gates không vui vẻ gì khi chịu đựng những điều ngốc nghếch.
Ông đã từng nói, “Thời gian thật ngắn ngủi, vì vậy nếu ai đó lặp lại những điều mà tôi đã biết hoặc họ không đủ thông minh hay không biết lắng nghe chính xác những điều tôi nói thì họ không có khả năng làm việc với tôi – anh ta không thuộc về đội ngũ này.” Khả năng trí tuệ của ông làm cho ông cảm thấy thiếu kiên nhẫn với những ai khác không thông minh được như thế.
Điều đáng ghi nhận là các kỹ năng xã hội của ông không phát triển tương đồng với những khả năng khác. Thực tế thì cũng như những người khác Gates trưởng thành từ những kinh nghiệm bản thân. Vốn là một đứa trẻ thông minh và sớm phát triển, ông đã theo học tại một trường trung học ưu tú trước khi chiếm được một chỗ tại trường đại học danh tiếng nhất Hoa Kỳ. Gates nói rằng ông đến Harvard để học tập từ những người thông minh hơn mình – và đã thất vọng. Nhận định này có lẽ đã nói được nhiều điều về suy nghĩ của Gates đối với cá nhân mình cũng như với đại học Harvard. Ông đã bỏ học ở Harvard để cùng Paul Allen sáng lập nên Microsoft.
Gates đã dành trọn cuộc đời mình sống bên cạnh những người thông minh nên tỏ ra thiếu độ lượng với những ai không được ông kính trọng về mặt trí tuệ. Tại những buổi họp công ty, ông nổi tiếng là người dễ nóng nảy, thường ném đồ đạc và hét toáng lên: “Đây là điều ngu ngốc nhất mà tôi được nghe”, một câu nói quen thuộc đối với những ai làm việc cùng ông. (Có người cho rằng đây không phải là lời quở trách mà là lời khen ngợi của Gates đối với những ý kiến mà ông không ngờ tới!).
Bạn có thể cho rằng nếu Gates cư xử như một đứa trẻ hư hỏng thì ông thực sự không đáng được yêu mến. Nhưng trong Gates còn có một con người khác. Ông có thể là một người duyên dáng, nếu không muốn nói là rất lôi cuốn. Nhiều lúc ông cũng thể hiện mình là một người vô cùng kiên nhẫn khi một cuộc thương thảo quan trọng bước vào giai đoạn sống còn. Những ngày cùng bạn bè đánh bài poker thâu đêm suốt sáng hồi còn ở trường Harvard hóa ra lại hữu dụng cho ông. Với một bộ óc lạnh lùng và biết phân tích, ông đã trở thành một nhà chiến lược xuất sắc hơn hẳn các đối thủ của mình. Ông cũng có thể hết sức hào phóng với người khác.
Thí dụ, vào ngày Windows 95 đã “hóa thành vàng”, nghĩa là không còn có thay đổi nào trước khi nó được xuất xưởng, Gates đã gởi mừng đến các lập trình viên đã làm việc không ngơi nghỉ một xe tải chất đầy rựu Dom Prignon ướp lạnh và rất nhiều hộp kem. Người trưởng nhóm đã phát biểu khi thấy các đồng nghiệp xả hơi: “Thật là một cảnh tượng không đẹp đẽ lắm khi 450 chuyên viên được phép uống champagne và ăn kem cùng một lúc.”
Ở một cấp độ khác, Gates đơn giản chỉ cư xử như một đứa trẻ hư khi ông ném đồ đạc lung tung. Nhưng nếu bạn là người giàu nhất thế giới và còn là một thiên tài nữa thì bạn sẽ thông cảm với điều này. Các phóng viên phỏng vấn ông được coi là máy mắn nếu họ không hiểu điều đó mà bị Gates chê là “một câu ngu ngốc”. Tuy nhiên cũng có dấu hiệu cho thấy “bạo chúa của nền công nghệ” này đang trưởng thành cùng tuổi tác. Một vài người cho rằng chính việc lập gia đình đã làm dịu bớt tính khí của ông và tình bạn với bậc thầy về đầu tư Warren Beffett có phong thái trầm tĩnh đã giúp ông thanh thản hơn trong cuộc sống.
Cuộc phiêu lưu kỳ thú của Bill và Warren
Khi Gates và nhà thông thái trong lĩnh vực đầu tư Warren Beffett tuyên bố là họ đang cùng nhau đi nghỉ ở Trung Quốc vào năm 1995 thì nhiều người trong giới truyền thông đã cho rằng đó chỉ là một trò quảng cáo lố bịch. Các nhà bình luận thì lại tự hỏi liệu hai người đàn ông giàu nhất thế giới này có thể có điều gì chung ngoài những túi tiền của họ.
Ở tuổi xấp xỉ 70, Buffet tự cho mình là một “kẻ dốt nát về ngành tin học” và tránh đầu tư vào những công ty công nghệ cao như Microsoft vì ông không hiểu chúng. Gates thì lại được biết đến như một người dễ nổi nóng và thiếu kiên nhẫn với những ai không biết gì về những “đầu vào, đầu ra” của công việc thiết kế phần mềm. Đó quả là một tình bạn kỳ quặc nhưng dường như đã đơm hoa kết trái.
“Chúng tôi đến Trung Quốc vì nhiều lý do. Một phần là để nghỉ ngơi, vui chơi. Tại đây chúng tôi tìm thấy một vài cửa hiệu McDonald nên cũng cảm thấy khung cảnh thân quen gần như đang ở quê nhà. Phần khác, cũng thật thú vị khi đươc đi đây đi đó chứnh kiến những đổi thay đang diễn ra, thưởng ngoạn những vùng khác nhau trên đất nước này và gặp gỡ một số nhà lãnh đạo.
“Trung Quốc là một thị trường mà Microsoft đã đang đầu tư và chúng tôi đã gia tăng mức đầu tư ở đó lên nhiều. Mặc dù chỉ chiếm 1% doanh thu của chúng tôi, một tỉ lệ khá nhỏ và cho dù trong 5 năm tới nó sẽ tăng gấp đôi mỗi năm thì chúng tôi vẫn có thể khẳng định rằng với mục tiêu 10 năm thì vụ đầu tư này cũng xứng đáng được chúng tôi quan tâm.
“Mặc dù hàng năm có Khoảng 3 triệu máy tính được bán ra ở Trung Quốc nhưng người ta không chịu bỏ tiền ra mua phần mềm. Nhưng một ngày nào đó họ sẽ phải làm điều này. Và chừng nào mà họ còn ăn cắp phần mềm thì chừng đó chúng tôi vẫn muốn họ ăn cắp phần mềm của công ty Microsoft chúng tôi. Rồi đây họ sẽ trở nên mê mẩn và lúc đó chúng tôi mới tính toán đến cách thu hồi vốn trong vòng một thập niên tới.”
Gates và Buffet đã trở thành đôi bạn thân kể từ chuyến đi đó và sau đó họ còn tiếp tục cùng nhau đi nghỉ phép và nghỉ cuối tuần. Vào năm 1998, trong một dịp hiếm hoi xuất hiện chung với nhau trước công chúng, cả hai đã cùng đứng trên diễn đàn để trao đổi trong 90 phút với các khán thính giả về các chủ đề xoay quanh những triết lý kinh doanh của mình. Sự kiện này, được tổ chức tại Đại học Washington gần bản doanh của Gates ở Redmond, đã làm dấy lên một sự quan tâm: những sinh viên có ý hướng làm giàu đã lũ lượt kéo đến tham dự, tạo thành những hàng dài suốt từ hành lang cho đến tận cửa ra vào của hội quán Seattle.
Đôi bạn tỷ phú này đã tạo nên một cặp khác thường. Buffet thú nhận là mình mù tịt về máy tính, từ chối đầu tư vào những công ty mà ông không có hiểu biết rõ ràng. Gates thì lúc bình thường là người tẩy chay bất kỳ ai không biết lập trình máy tính. Tuy thế họ lại sánh đôi với nhau như đôi bạn thân thiết lâu ngày gặp lại. Ở phần câu hỏi, hai ông trùm trong lĩnh vực đầu tư và tin học đã mời 350 sinh viên của khoa Thương mại lên tham gia đặt câu hỏi.
Vậy cuộc gặp gỡ lý thú của những bộ não này đã tiết lộ điều gì với số cử tọa tụ họp ở đây? Câu hỏi trị giá 64.000 đô la – hay đúng hơn là 84 tỷ đô la, là giá trị mà người ta tin rằng đang thuộc về ngài TGĐ công ty phần mềm khổng lồ Microsoft và ông chủ của công ty đầu tư Berkshire Hathaway – chỉ là câu “làm thế nào mà họ kiếm được nhiều tiền đến như vậy?”.
Hai nhà đại tỷ phú đã trả lời thành thật một cách ngạc nhiên, mà không ai tiết lộ điều gì cả. Buffet không coi nguyên nhân thành công trong lãnh vực tài chính của riêng ông là nhờ vào chỉ số thông minh của mình mà là nhờ vào “tính hợp lý”. Theo ông, ai cũng có thể làm được điều ông làm; tất cả những gì mà người ta cần là phát huy những thói quen phù hợp. Tức là, bắt chước thói quen của những người mà họ ái mộ và phá bỏ thói quen của những người mà họ coi thường.
Ông cũng nói rằng ông đã từ chối hợp tác làm ăn với những người ông không thích. Điều cốt yếu là phải vui thích những gì mình làm.
Gates đồng ý cả hai điểm này. Ông thừa nhận rằng những thói quen đầu tiên của ông đã được hình thành nhờ được tiếp cận rất sớm với máy tính và có một nhóm bạn đồng trang lứa say mê máy tính. Những gì ông thật sự thích thú là nghĩ cách giải quyết các vấn đề. Nhà thông thái vùng Ohama và nhà tiên tri của nền Kỹ Thuật Số đã không tiết lộ bất kỳ bí quyết nào của mình.
Cửa Thiên Đàng
Cả Buffet và Gates đều có chung một quan điểm về những gì cần phải làm với gia sản khổng lồ của mình khi họ không còn cần đến chúng nữa. Về vấn đề thừa kế, Gates chính thức nói rằng ông sẽ không để lại nhiều hơn 10 triệu đô la cho mỗi đứa con của ông. Buffet cũng nổi tiếng rất chặt tay với ba người con trai và ông đã bảo với họ không nên trông đợi được thừa hưởng nhiều sau khi ông qua đời. Ông cho biết sẽ hiến 99 phần trăm tài sản của mình cho từ thiện.
Nếu nói rằng Gates noi gương ai đó thì có lẽ ông đang theo cách truyền thống mà các ông chủ lớn của Mỹ trước đây đã từng làm. Henry Ford, John D.,Rockefeller và Dale Carnegie tất cả đã dành những khoản tiền lớn cho các tổ chức từ thiện trong những năm cuối đời mình. Những kẻ ưa chỉ trích cho rằng sau cả đời làm kinh doanh giờ đây họ cố gắng mua sự nổi tiếng – và thậm chí cả một chỗ trên thiên đàng.
Bill Gates đã bị chỉ trích là đã không đóng góp nhiều cho các công việc từ thiện. Thật ra, cuộc đời ông chưa đến giai đoạn mà những điều quan tâm này đè nặng lên tâm trí ông; dù sao thì ông vẫn còn khá trẻ. Nếu sau này ông có quyết định thành lập Quỹ Gates thì có lẽ quỹ này sẽ tập trung vào mục tiêu giáo dục, một lãnh vực mà ông đã bài tỏ niềm mong muốn hỗ trợ thông qua việc cung cấp phương pháp học trực tuyến. Tuy vậy, lịch sử đã chứng minh rằng cho dù ông có làm gì với tiền của mình đi nữa, điều không tránh khỏi là ông sẽ bị giới truyền thông lên tiếng chỉ trích.
Đừng trông đợi sự cảm kích
Nếu như có một bài học Bill Gates cay đắng học được thì đó chính là ông hiểu rằng danh tiếng và tai tiếng không bao giờ cách xa nhau quá. Bạn không thể hy vọng trở thành người giàu nhất thế giới mà không gây thù chuốc oán với một vài người. Riêng trong ngành công nghiệp máy tính, Gates là người có nhiều kẻ thù hơn ai hết. Điều mà ông đã học được là:
• Đừng để sự ganh ghét khuynh loát mình. Cường độ của dư luận vây xung quanh Bill Gates mới là yếu tố gây ngạc nhiên nhất. Vì một số lý do nào đó, đối với rất nhiều người, Bill Gates đã trở thành một hình ảnh thu nhỏ đến mức hoàn hảo những mưu đồ đên tối trong công việc làm ăn lớn theo cách mà chưa một nhà kinh doanh nào khác đã từng làm trước đây. Phản ứng của ông là đưa ra những lập luận hợp lý để bào chữa cho mình.
• Sử dụng sự săn đuổi của giới truyền thông để tiếp thị sản phẩm. Công ty Microsoft được lợi từ sự quan tâm mà công chúng dành cho của người sáng lập nổi tiếng của mình. Ở phạm vi ngoài nước Mỹ, một chuyến viếng thăm của Bill Gates cũng được chú ý rầm rộ như chuyến đi của một nguyên thủ quốc gia. Điều này đem lại cho Gates một lợi thế không ai sánh kịp.
• Viết một cuốn sách dự báo về tương lai của công nghệ. Đây là một chiến lược khá rủi ro, nhưng rõ ràng là Gates cảm thấy là ông có nghĩa vụ phải sống tương xứng với hình ảnh một nhà tiên tri về máy tính của mình. Chí có thời gian mới có thể chứng minh được rằng những suy nghĩ của TGĐ Bill không chỉ là nhất thời.
• Giao thiệp với người giàu và nổi tiếng. Khi Bill Gates và bậc thầy của lĩnh vực đầu tư Warren Beffett tuyên bố là họ đang đi nghỉ cùng nhau ở Trung Quốc vào năm 1995 thì nhiều người trong giới truyền thông đã cho rằng đó chỉ là một trò quảng cáo lố bịch. Các nhà bình luận thì lại tự hỏi liệu hai người đàn ông giàu nhất thế giới này có thể có điều gì chung ngoài những túi tiền của họ. Vậy mà Gates và Buffet cuối cùng đã trở thành một đôi bạn thân. Sự nổi tiếng của Buffet dường như cũng truyền sang Gates.
• Sẽ hiến tặng hết, nhưng chưa phải lúc này. Về vấn đề thừa kế, Gates chính thức nói rằng ông quyết định không để lại nhiều hơn 10 triệu đô la cho mỗi đứa con của mình. Còn vào thời điểm này, Gates chưa sẵn sàng để thể hiện lòng bác ái.