Nếu bạn ngồi yên, giá trị của thành tựu mà bạn đạt được sẽ nhanh chóng trở về con số “0”.
BILL GATES
Một yếu tố quan trọng dẫn đến thành công của Gates là khả năng cùng một lúc điều hành nhiều dự án khác nhau. Bản thân Gates vốn là một người đa nhiệm và người ta nói rằng ông có thể chủ trì nhiều cuộc đối thoại khác nhau về đề tài kỹ thuật trong cùng một thời gian.
Gates dùng từ “dải băng thông bị lãng phí” để chỉ năng lực trí tuệ không được sử dụng và đã triển khai một số kỹ thuật để giúp năng lực trí tuệ của chính mình ít bị lãng phí nhất. Những kỹ thuật này bao gồm việc dán các bản đồ trên trần nhà, mang theo các số báo The Economist và các tạp chí khoa học để học khi ông gặp gỡ bạn bè vào giờ ăn trưa. Với khả năng điều hòa nhiều luồng đối thoại diễn ra cùng một lúc, ông được những người trong Microsoft gọi là “bộ máy xử lý song song cực lớn” (massively parallel)*
* Massively parallel [processor]: Thuật ngữ dùng trong ngành điện toán để chỉ một bộ xử lý song song có khả năng thực hiện cùng một lúc trên một ngàn phép tính khác nhau.
Khả năng đối phó cùng một lúc với nhiều ý kiến khác nhau của ông được thể hiện trong phương pháp tiếp cận vấn đề của công ty. Microsoft không ngừng khám phá thị trường mới và các ứng dụng phần mềm mới. Sự bao trùm thị trường này giúp công ty không bỏ lỡ những “điều trọng đại” sắp đến.
Người đa nhiệm
Gates nói rằng: “Chúng tôi có một chiến lược đa sản phẩm, vì vậy tuy có một vài sản phẩm riêng lẻ không được tốt lắm nhưng nhìn vào tổng thể bạn có thể thấy chúng tôi đã thực hiện cực kỳ tốt. Ngoài ra, chúng tôi cũng có nhiều sẵn sàng dành thời gian cho một vấn đề bất kỳ vào một thời điểm bất kỳ. Để biết được điều này hiệu quả như thế nào, các bạn chỉ cần nhìn vào mức tăng trưởng về doanh số; nó gần như là một đường thẳng đi lên.”
Trên đoạn đường lái xe mất 30 phút từ khu nhà của mình ở Lake Washington đến trụ sở của Microsoft ở Redmond, Gates thường dành toàn bộ thời gian để nói chuyện qua điện thoại di động. Đôi khi cuộc đàm thoại kéo dài đến gần một tiếng đồng hồ sau khi ông đã đỗ xe.
Dinh thự trị giá nhiều triệu đô la của ông nhìn ra hồ Washington cũng được thiết kế thành một nơi ẩn cư đa nhiệm. Ngoài khu đạu xe dưới tầng hầm chứa bộ sưu tập các xe Porche của Gates, tòa nhà còn riêng một bãi biển và rạp chiếu bóng. Nhà ăn được thiết kkees như một sảnh đường có thể chứa một lúc 100 nhân viên của Microsoft.
Vừa được dùng làm nhà ở vừa được dùng làm văn phòng, chốn này trở thành một khu thử nghiệm cho đủ loại ứng dụng mới về truyền thông đa phương tiện. Giống như một cảnh trí của phim khoa học viễn tưởng hay một phim của James Bond, nơi đây là sự kết hợp giữa những thành tựu mới nhất của công nghệ với tính sang trọng. Ví dụ như tòa nhà được trang trí như màn ảnh có độ phân giải cao và các ngân hàng bộ nhớ được kết nối bằng cáp quang, cho phép Gates chiếu lên gần như bất kỳ hình ảnh nào có trên thế giới. Chỉ cần ông gõ tên chủ đề lên bàn phím và hình ảnh liên quan đến chủ đề đó tức thời sẽ hiện ra ngay trên màn hình.
Liệu pháp đắm chìm trong thông tin
Một trong những thách thức gay go nhất mà Gates đang đương đầu là luôn phải cập nhật những thay đổi về công nghệ. Dưới sức ép từ công tác điều hành một trong những công ty hùng mạnh nhất thế giới và từ sự phổ biến nhanh chóng các công nghệ thì việc duy trì tốc độ tương ứng là mối bận tâm hàng đầu. Gates nổi tiếng là người có khả năng giải quyết rất hợp lý các vấn đề. Do vậy không chút ngạc nhiên khi biết rằng Gates đã áp dụng phương thức giải quyết tương tự khi cần quản lý thời gian của riêng ông.
Trong một cuộc phỏng vấn đăng trên tạp chí Playboy, Gates tiết lộ rằng mình đã bỏ xem truyền hình, chẳng phải vì ông không thích mà là vì ông cảm thấy nó không đáng để ông phải dành khoản thời gian ít ỏi của mình. Tại tòa nhà bên bờ hồ Washington, Gates sở hữu một thư viện gồm hơn 14.000 cuốn sách – tối cần thiết đối với một người mà sự tò mò về tri thức có thể giúp ông thăng hoa trong bất kỳ lĩnh vực nào. Ông nói rằng mình luôn theo sát tình hình thế giới bằng cách đọc từ đầu chí cuối tạp chí The Economist. Để bảo đảm sử dụng thời gian một cách hiệu quả nhất, ông luôn ra sân bay vào giờ chót. Thói quen này đã dẫn đến việc phải sắp xếp lại một chỗ đậu xe riêng cho ông bên ngoài trụ sở của Microsoft ở Redmond.
Tính kỷ luật cho trí tuệ của ông lan sang cả các kỳ nghỉ. Cho đến một vài năm trước ông hoàn toàn không đi nghỉ vì ông cho rằng nghỉ ngơi là một dấu hiệu của sự yếu đuối. Bây giờ thì ông đã đồng ý đi nghỉ nhiều lần trong một năm và tuyên bố rằng ông đã tìm ra một cách để làm cho những chuyến đi nghỉ này hiệu quả hơn bằng cách liên kết các kỳ nghỉ với các chủ đề khác nhau. Ví dụ, một vài năm trước, ông đi nghỉ ở Braxin và chọn chủ đề cho kỳ nghỉ này là vật lý. Trong thời gian đó ông đọc nhiều sách về chủ đề vật lý, như quyển “Sinh học Phân tử của Gien” của James D.Watson.
Để theo kịp tốc độ của các công nghệ mới, Gates thường tập hợp các chuyên gia hàng đầu, do ông tuyển chọn, thuộc một lĩnh vực kỹ thuật nào đó và đề nghị họ tổ chức các buổi thuyết trình chuyên sâu. Ông gọi đây là “những tuần lễ tư duy”, và chúng chẳng khác gì những tuần lễ trầm mình trong một chủ đề. Trong suốt thời gian này, như một miếng bọt biển, Gates sẽ “hút cạn” mọi thông tin. Ông yêu thích được học hỏi những điều mới mẻ.
Ông nói rằng, “Ngay cả trong các lĩnh vực công nghệ, thật thú vị khi học được những điều mới mẻ. Chẳng hạn, khi tôi cố gắng tìm hiểu liệu chúng tôi sẽ đi về đâu với phương thức truyền dữ liệu không đồng bộ (ATM), chúng tôi mời các chuyên gia đến và nói chuyện về những điều đó. Tôi đã dành ra hai tuần ở đây chỉ để thực hiện “những tuần lễ tư duy”. Tôi đọc tất cả tài liệu mà những con người xuất sắc đó gửi đến. Tôi cần được cập nhật để hiểu cách những mẩu rời rạc đó được khớp lại với nhau như thế nào.”
Nỗ lực vượt bậc
Trừ một số trường hợp ngoại lệ đặc biệt, tốc độ mà Microsoft đạt được trong việc đưa các ứng dụng mới ra thị trường là một đặc điểm nổi bật trong lịch sử phát triển của nó và chính đặc điểm này đã tạo cho Gates một lợi thế cạnh tranh quan trọng.
Điều mà Gates đã nhận ra ngay từ ngày đầu là đưa một sản phẩm tuyệt hảo ra thị trường đầu tiên thường vẫn hay hơn là đưa một sản phẩm tuyệt hảo ra thị trường sau người khác. Dẫu thế nào, bạn vẫn luôn có thể tinh chỉnh lại sản phẩm này và loại bỏ các sai sót trong đợt phát hành kế tiếp.
Những người chỉ trích Microsoft thường có khuynh hưosng coi những trục trặc trong phiên bản phần mềm đầu tiên của nó là những nhược điểm trầm trọng. Nhưng đứng trên quan điểm chiến lược, Gates hiểu rất rõ rằng điều quan trọng hơn cả là sản phẩm phải có mặt ở thị trường chứ không phải việc đưa ra một sản phẩm hoàn hảo 100% ngay từ lần đầu ra mắt đầu tiên.
Một tổ chức nhạy bén
Một bài báo đoạt giải thưởng của tác giả Kathleen Eisenhardt, giáo sự thuộc Đại học Standford, được đăng trên tạp chí California Management Review đã ủng hộ cho tính nhanh nhạy trong thực hiện quyết định. Với tiêu đề “Tốc độ và chọn lựa mang tính chiến lược: Cách thức các nhà quản lý thúc đẩy nhanh quá trình ra quyết định”, bài viết này trích từ công trình nghiên cứu của tác giả (cùng đồng nghiệp Jay Bourgeois thuộc Đại học Virginia) được thực hiện với những nhân vật nắm quyền ra quyết định tại 12 công ty điện toán ở Thung Lũng Silicon. Họ nhận thấy rằng để đạt được mục tiêu giống nhau, những công ty chậm chạp phải mất từ 12 đến 18 tháng trong khi các công ty nhanh chân hơn chỉ cần 2 đến 4 tháng.
Trong bài báo, Eisenhardt đã nêu bật 5 sự khác biệt giữa hai nhóm:
1. Những người quyết định nhanh chóng được bơi trong một biển sôi động, sâu lắng của các thông tin được cập nhật mới nhất, trong khi đó những người chậm chạp hơn phải bám vào kế hoạch và các thông tin mang tính dự báo.
2. Những người quyết định nhanh chóng thường theo dõi một số tiêu chuẩn đánh giá hoạt động và các đơn đặt hàng, những cột mốc về tiền mặt và kỹ thuật. Họ thường cập nhật các số liệu này mỗi ngày và lên kế hoạch họp ban giám đốc 3 lần mỗi tuần để nắm bắt được “điều gì đang diễn ra.” Ngoài ra, họ thường xuyên trao đổi thông tin bằng e-mail và trực tiếp thảo luận thay vì sử dụng các thư báo và những bản báo cáo dài dòng vốn là đặc trưng của những người ra quyết định chậm.
3. Những người quyết định chậm cũng xem xét ít giải pháp hơn các đối tác nhanh nhạy. Hơn nữa, họ thường tỉ mỉ mổ xẻ từng giải pháp, trong khi những người nhanh nhạy thường xem xét cùng một lúc nhiều khả năng lựa chọn.
4. Những “cụ rùa” thường “bị mâu thuẫn làm cho lúng túng” và thường xuyên trì hoãn trong khi những “chú chim cắt” lại hào hứng với mâu thuẫn vốn được họ coi là một phần tự nhiên và mong đợi của quá trình quyết định; tuy thế, một nhân vật nắm quyền quyết định cao hơn cũng phải sẵn sàng tham gia khi cần thiết để đưa ra một quyết định. Những công ty quyết định nhanh cũng dựa vào một cố vấn “già giặn và giàu king nghiệm hơn” để góp ý trong khi những người quyết định chậm không có được những cố vấn như vậy.
5. Cuối cùng, Eisenhardt cho rằng những quyết định nhanh thường thông suốt các chiến lược và chiến thuật, có khả năng cùng lúc xử lý các vấn đề liên quan đến ngân sách, lên kế hoạch và các phương án một cách tài tình. Trong khi đó, những người chậm ra quyết định lại xem xét chỉ riêng chiến lược không thôi và thường vướng vào các tiểu tiết khi thực hiện quyết định.
Đêm trắng ở Seattle
Gates có tiếng là người hiếu động, một tính cách được chứng minh là rất quan trọng trong ngành kinh doanh máy tính. Ông hầu như không thể ngồi yên và thói quen đong đưa người khi đang nói chuyện thì ai trong giới máy tính cũng đều biết. Là một nhà kinh doanh, Gates cũng luôn cảm thấy bồn chồn. Chính nhờ đặc điểm này mà Microsoft tránh được thói tự mãn đã từng hành hạ những đối thủ như IBM.
Trong một ngành công nghiệp được xem là có những bước phát triển nhanh nhất thế giới thì cũng thật đáng công để thường xuyên dõi mắt nhìn về phía trước để tìm kiếm những điều trọng đại sắp đến. Dù cho thành công và giàu có đến đâu đi nữa Gates vẫn không bao giờ lơ là trong chuyện này. Có thể nói chính vì Bill Gates từ chối ngủ quên trên chiến thắng mà các đối thủ của ông luôn cảm thấy ăn không ngon ngủ không yên. Chẳng có viễn cảnh nào gợi ít mối lo cho các địch thủ của Bill Gates cho bằng thái độ quyết liệt một cách lạnh lùng và không chút thắc mắc mà ông bộc lộ trong lúc đeo bám họ không chợp mắt trong lĩnh vực phần mềm.
Thực tế cho thấy Gates ở vào một trong những trường hợp “trầm trọng” nhất về tính tò mò trong lĩnh vực trí tuệ mà mọi người đã từng biết đến. Thậm chí vào ngày nghỉ ông cũng vẫn ngốn hết quyển sách này đén quyển sách khác chỉ để làm dịu đii cơn khát kiến thức mới của mình. Chính nét tính cách này đã giúp giải thích lý do sự thành công lâu bền của Microsoft trong một ngành công nghiệp nơi mà rất nhiều công ty đã có lần thành công đã quỵ té bên lề cuộc chơi. Đó cũng là một trong những yếu tố biến ông thành một đối thủ đáng sợ như vậy.
“Chân Trong Chân Ngoài”
Trong những năm gần đây, Gates rõ ràng là đang vươn tầm nhìn ra khỏi nước Mỹ để tìm kiếm những cơ hội cho tương lai. Ông đang đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở nhiều quốc gia khác nhau để trải đều rủi ro trên khắp thế giới, và rót tiền cho ngành giáo dục vốn được nhiều người coi là một lĩnh vực phát triển quan trọng kế tiếp. Một lần nữa, Gates dường như đang dẫn đầu trong cuộc chơi. Ông đang tìm cách giảm thiểu sai lầm và rủi ro và mong tạo ra sẵn nhiều chọn lựa hơn trên phạm vi toàn cầu. Chiến lược này xuất phát từ quan điểm và sự tổng hợp thông tin độc đáo của ông. Quan điểm của Gates về lịch sử trong kỷ nguyên hậu công nghiệp có nhiều điều cần tham khảo.
Ông nói: “Quốc gia nào và công ty nào đã chuẩn bị tốt nhất để tận dụng được lợi thế của kỷ nguyên thông tin mà ngày nay đang cách mạng hóa xã hội? Khi bạn nghĩ về điều đó thì hãy nhớ lại rằng cách đây 15 năm, đất nước [Hoa Kỳ] này hầu như đang mang mặc cảm tự ti về khả năng cạnh tranh của nó trên thế giới.
“Mọi người đều nói về cách mà người Nhật đã chiếm lĩnh ngành hàng điện tử tiêu dùng và cho rằng ngành công nghiệp điện toán sẽ là ngành hàng tiếp theo. Mọi người nói rằng dẫu sao thì thái độ làm việc chăm chỉ của họ cũng tỏ ra ưu việt và rằng chúng ta cần phải suy nghĩ lại toàn bộ những gì mình đang làm. Bây giờ, nếu bạn nhìn vào những gì đã diễn ra trong lĩnh vực máy tính cá nhân hay trong cả ngành kinh doanh nói chung, hoặc nhìn vào cách chúng ta phân bổ nguồn vốn và điều phối lực lượng lao động thì sẽ thấy Hoa Kỳ đã vươn lên một địa vị vững chắc. Và do đó quốc gia được hưởng lợi đầu tiên từ toàn bộ ngành công nghệ thông tin này là Hoa Kỳ.”
Theo quan điểm của Gates thì Thung Lũng Silicon thuộc về giai đoạn đầu tiên của cuộc cách mạng này, nhưng như thế không có nghĩa là vị trí của nó được bảo đảm trong giai đoạn tiếp theo. Gates nhận xét: “Người dân ở những nơi như Singapore, Hồng Kông và các nước thuộc bán đảo Scandinavia đang ứng dụng công nghệ thông tin với tốc độ, về cơ bản, tương đương với chúng ta. Và ở một vài quốc gia, so về mức thu nhập của họ, lại đang theo đuổi công nghệ này thậm chí còn nhanh hơn chúng ta bởi vì họ đặt nhiều niềm tin vào giáo dục. Tại Hàn Quốc và nhiều nơi ở Trung Quốc, chúng ta có thể chứng kiến sự thâm nhập khó tin của máy tính cá nhân vào ngay cả những khu vực có mức thu nhập rất thấp vì ở đây người ta tin rằng máy tính là một công cụ giúp con cái của họ phát triển.
“Cả thế giới sẽ được hưởng lợi rất nhiều. Sẽ xảy ra tình trạng chuyển dịch ở phạm vi này, thay vì mức thu nhập của một người được quyết định dựa trên quốc gia mà họ đang sống thì mức thu nhập của họ được quyết định bởi trình độ học vấn. Ngày nay một người có học vị Tiến sĩ ở Ấn Độ không kiếm được nhiều tiền như một người có học vị tương đương ở Hoa Kỳ. Nhưng khi chúng ta làm Internet cho phép các dịch vụ và tư vấn được chuyển giao hiệu quả như các hàng hóa được vận chuyển bằng đường biển về cơ bản bạn sẽ được tham gia đấu thầu trên thị trường mở để chọn lựa giữa một kỹ sư đang sống ở Ấn Độ và một kỳ sư sống ở Mỹ. Và điều này mang lợi đến cho tất cả mọi người vì họ tận dụng được tốt hơn các nguồn cung cấp đó. Các nước đã phát triển sẽ được hưởng lợi sớm hơn. Những về lâu dài thì những công dân ở các nước đang phát triển đủ may mắn để có một trình độ học vấn tốt chắc chắn sẽ nhận được sự hỗ trợ tối đa từ điều kiện này.”
Bao quát mọi cơ sở
Một yếu tố quan trọng dẫn đến thành công của Gates là khả năng cùng một lúc điều hành nhiều dự án khác nhau. Bản thân Gates vốn là một người đa nhiệm và người ta nói rằng ông có thể chủ trì nhiều cuộc đối thoại khác nhau về đề tài kỹ thuật trong cùng một thời gian. Ông cũng chứng tỏ mình rất giỏi trong việc rào trước đón sau để tận dụng mọi cơ hội nếu có. Những bí quyết để bao quát mọi cơ sở gồm:
• Theo đuổi nhiều dự án. Gates nói rằng: “Chúng tôi có một chiến lược đa sản phẩm, vì vậy tuy có một vài sản phẩm riêng lẻ không được tốt lắm nhưng nhìn vào tổng thể bạn có thể thấy chúng tôi đã thực hiện cực kỳ tốt. Ngoài ra, chúng tôi cũng có nhiều sẵn sàng dành thời gian cho một vấn đề bất kỳ vào một thời điểm bất kỳ. Để biết được điều này hiệu quả như thế nào, các bạn chỉ cần nhìn vào mức tăng trưởng về doanh số; nó gần như là một đường thẳng đi lên”
• Không bao giờ ngừng học hỏi. Để theo kịp tốc độ của các công nghệ mới, Gates thường tập hợp các chuyên gia hàng đầu, do ông tuyển chọn, thuộc một lĩnh vực kỹ thuật nào đó và đề nghị họ tổ chức các buổi thuyết trình chuyên sâu. Ông gọi đây là “những tuần lễ tư duy”, và chúng chẳng khác gì những tuần lễ đắm mình trong một chủ đề. Trong suốt thời gian này, như một miếng bọt biển, Gates sẽ “hút cạn” mọi thông tin.
• Không vội vàng nhưng phải nhanh chân hơn. Trừ một số trường hợp ngoại lệ đặc biệt, tốc độ mà Microsoft đạt được trong việc đưa các ứng dụng mới ra thị trường là một đặc điểm nổi bật trong lịch sử phát triển của nó và chính đặc điểm này đã tạo cho Gates một lợi thế cạnh tranh quan trọng.
• Luôn thao thức. Gates có tiếng là người hiếu động, một tính cách được chứng minh là rất quan trọng trong ngành kinh doanh máy tính. Ông hầu như không thể ngồi yên và thói quen đong đưa người khi đang nói chuyện thì ai trong giới máy tính cũng đều biết. Là một nhà kinh doanh, Gates cũng luôn cảm thấy bồn chồn. Chính nhờ đặc điểm này mà Microsoft tránh được thói tự mãn vốn đã từng hành hạ những đối thủ như IBM.
• Chân trong chân ngoài. Trong những năm gần đây, Gates rõ ràng là đang vươn tầm nhìn ra khỏi nước Mỹ để tìm kiếm những cơ hội cho tương lai. Ông đang đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở nhiều quốc gia khác nhau để trải đều rủi ro trên khắp thế giới, và rót tiền cho ngành giáo dục vốn được nhiều người coi là một lĩnh vực phát triển quan trọng kế tiếp. Một lần nữa, Gates dường như đang dẫn đầu trong cuộc chơi. Ông đang tìm cách giảm thiểu sai lầm và rủi ro và mong có được nhiều cơ hội chọn lựa hơn trên phạm vi toàn cầu. Chiến lược này xuất phát từ quan điểm và sự tổng hợp thông tin độc đáo của ông. Quan điểm của Gates về lịch sử trong kỷ nguyên hậu công nghiệp có nhiều điều cần tham khảo.