“Sau hai thập niên chấp nhận rủi ro và những nỗ lực của cả tập thể cùng với sự may mắn, giờ đây chúng tôi hạnh phúc với ba ‘người bạn đồng hành’, đó là: Marketplace, Prime và AWS. Mỗi dịch vụ trong số này ban đầu đều là sự đánh cược táo bạo và những người nhạy cảm thường lo lắng rằng chúng sẽ không hiệu quả. Nhưng đến thời điểm này, mọi thứ đã khá rõ ràng rằng các dịch vụ này đặc biệt thế nào và chúng tôi may mắn khi có chúng.”
- Bezos (trích Thư gửi cổ đông năm 2014)
Amazon Marketplace ra mắt vào tháng 11 năm 2000 và đã có sự tăng trưởng vượt bậc. Sau khi thất bại trong việc triển khai zShops cho phép bên thứ ba bán hàng, điều gì đã khiến Amazon Marketplace thành công? (“Thành công” thể hiện ở doanh số của Marketplace đã tăng từ 3% vào năm 1999 lên đến 58% vào năm 2018).
Sự khác biệt lớn giữa Amazon Marketplace và zShops là các mặt hàng của bên bán thứ ba xuất hiện trên cùng một trang với các mặt hàng của Amazon. Với Amazon Marketplace, họ tập trung thiết lập một danh mục cho mỗi mặt hàng thay vì tạo ra một danh mục mới cho mỗi người bán như zShops. Sự thay đổi đơn giản này đã giúp cho các giao dịch của bên bán thứ ba đơn giản hơn rất nhiều. Khách hàng không còn phải thực hiện nhiều thao tác trên trang web Amazon để so sánh giá của cùng một sản phẩm.
Với Amazon Marketplace, khách hàng có thể lựa chọn: mua một mặt hàng trực tiếp từ Amazon hoặc đặt hàng từ bên bán thứ ba. Nếu bên bán thứ ba có giá thấp hơn hoặc nếu Amazon hết hàng, Amazon sẽ mất đơn hàng đó. Điều này cho phép bất kỳ nhà bán hàng nào cũng có thể tiếp cận hàng triệu khách hàng của Amazon mỗi ngày.
Tuy nhiên, bằng thiết kế thông minh của mình, Amazon đã kiếm được một khoản hoa hồng nhỏ từ các bên bán thứ ba (ngay cả khi Amazon không bán được hàng). Bên bán thứ ba chấp nhận trả tiền hoa hồng để sử dụng nền tảng của Amazon, và Amazon cũng hài lòng khi có thể gia tăng thu nhập.
Như vậy, Amazon Marketplace đã hoạt động hiệu quả. Ngày nay, Amazon Marketplace hội tụ hàng ngàn người bán hàng cá nhân và các doanh nghiệp lớn bán các sản phẩm của họ trên Amazon.com.
Nhưng không phải ai cũng có thể bán trên Amazon Marketplace.
Mỗi người bán cần phải đáp ứng được các tiêu chuẩn nhất định của Amazon.
Amazon ám ảnh về trải nghiệm của khách hàng. Nếu bạn là một người bán hàng trên Amazon Marketplace, bạn cũng cần phải quan tâm đến điều này vì Amazon sẽ bảo vệ khách hàng của mình bằng mọi giá. Nhờ vậy, khách hàng luôn thoải mái mua hàng từ bên bán thứ ba trên Marketplace, từ đó bảo vệ vị trí vững chắc của Amazon trên thị trường.
Lẽ tự nhiên, ngay từ khi ý tưởng về bên bán thứ ba được hình thành, nhiều người tại Amazon cho rằng đó là một ý tưởng tồi tệ. Tại sao Amazon phải để sản phẩm của các đối thủ cạnh tranh xuất hiện trên trang bán hàng có giá trị cao của mình như vậy chứ?
Nhưng đây là sự tính toán cực kỳ thông minh. Người bán trên Amazon Marketplace phải trả phí cho Amazon để truy cập cơ sở khách hàng và sử dụng cơ sở hạ tầng hoàn thiện đơn hàng của họ. Trung bình, người bán trả cho Amazon khoảng 15% mỗi mặt hàng bán được. Với hơn một nửa số mặt hàng được bán trên Amazon đến từ bên bán hàng thứ ba, tỷ lệ này sẽ cộng ra con số rất lớn.
Marketplace bắt đầu hoạt động vào năm 1999 và đến cuối năm 2001, các đơn đặt hàng của Amazon Marketplace đã tăng lên 6% đối với đơn hàng trong nước, con số mà theo Bezos là “vượt xa sự mong đợi của chúng tôi khi ra mắt Amazon Marketplace”.
Vào năm 2018, 58% các mặt hàng được bán qua trang Amazon trên toàn thế giới là từ bên bán hàng thứ ba, tạo ra doanh thu hàng tỷ đô-la cho công ty này.
Như vậy, không thể phủ nhận rằng Amazon Auctions và zShops đã “thất bại thành công”.
ĐÁNH CƯỢC VÀO GIAO HÀNG MIỄN PHÍ: GIAO HÀNG SIÊU TIẾT KIỆM VÀ AMAZON PRIME
Năm 2002, Amazon có một ý tưởng mới mẻ mà họ tin rằng có thể thay đổi cách mọi người mua sắm.
Tám năm sau khi thành lập Amazon ngay trong ga-ra của mình, Bezos chắc chắn đã nhận ra một trong những trở ngại lớn nhất khiến mọi người không mua sắm trực tuyến là chi phí vận chuyển.
Mua sắm trực tuyến cung cấp nhiều tiện ích cho khách hàng. Nó cũng giúp các doanh nghiệp giảm chi phí bằng việc có thể đặt kho ở khu vực nông thôn nơi chi phí hoạt động và chi phí mặt bằng tương đối thấp. Các khách hàng cần có được sản phẩm họ mua, nhưng chi phí vận chuyển rất tốn kém và việc trả tiền vận chuyển cũng là một trở ngại tâm lý đối với họ.
Chi phí vận chuyển là một trong những rào cản lớn cuối cùng mà khách hàng cân nhắc khi mua sắm tại Amazon. Bằng việc sử dụng hình ảnh và đưa ra các chính sách hoàn trả dễ dàng, Amazon đã vượt qua được một rào cản, đó là mong muốn “chạm vào và cảm nhận” của khách hàng đối với các sản phẩm họ mua. Vì vậy, mua sắm trên Amazon thuận tiện hơn là phải lái xe đến một cửa hàng nào đó.
Tuy nhiên, chi phí vận chuyển là vấn đề khiến nhiều khách hàng quyết định tiếp tục mua sắm tại các trung tâm thương mại và cửa hàng bách hóa địa phương. Thậm chí, chi phí vận chuyển tương đối thấp vẫn khiến nhiều người ngại mua sắm trực tuyến.
Bezos và đội ngũ của anh đã có một ý tưởng để vượt qua rào cản này bằng việc vận chuyển miễn phí cho bất kỳ đơn hàng nào trên 25 đô-la – một ván cược lớn đối với Amazon. Chi phí vận chuyển không hề rẻ. Đó cũng không phải là chi phí mà Amazon có thể kiểm soát được. Amazon cần thanh toán cho các công ty như FedEx, UPS và Dịch vụ Bưu chính Hoa Kỳ để giao sản phẩm đến cho khách hàng. Nếu các công ty này tăng giá, chi phí của Amazon có thể sẽ tăng vọt.
Amazon ra mắt phương thức Vận chuyển siêu tiết kiệm (Super Saver Shipping) – với phương thức vận chuyển hiện có chậm nhất – và yêu cầu đơn hàng phải tối thiểu là 25 đô-la để hạn chế rủi ro. Tuy nhiên, khoản đầu tư vào phương thức vận chuyển miễn phí này vẫn là một sự đánh cược rất lớn.
Phương thức vận chuyển này đã nhận được phản hồi tích cực của công chúng. Các khách hàng của Amazon tích cực mua thêm các sản phẩm để vượt qua ngưỡng 25 đô-la, thường mỗi người chỉ cần mua nhiều hơn một mặt hàng.
Ba năm sau, giao hàng miễn phí đã trở nên phổ biến đến mức Amazon đã nhân đôi số tiền đánh cược của mình bằng cách ra mắt Amazon Prime.
Câu hỏi đặt ra là “Mọi người có chịu trả tiền (trả trước) để được ‘miễn phí vận chuyển’ không?”.
Với 79 đô-la mỗi năm, khách hàng có thể đăng ký Amazon Prime và được vận chuyển (trong vòng hai ngày) miễn phí không giới hạn và có thể nâng cấp lên giao hàng trong vòng một ngày chỉ với giá 3,99 đô-la cho mỗi đơn hàng.
Ván cược của Amazon vào Amazon Prime đã thắng lớn.
Vào cuối năm 2018, Amazon công bố đã có hơn 100 triệu thành viên sử dụng Amazon Prime. Đồng thời, giá đăng ký Amazon Prime đã tăng lên 119 đô-la mỗi năm, hoặc 12,99 đô-la mỗi tháng. Điều đáng chú ý là các thành viên của Amazon Prime đã chi trung bình 1.400 đô-la mỗi năm cho Amazon vào năm 2018, trong khi đó các khách hàng không sử dụng Amazon Prime chỉ chi trung bình 600 đô-la mỗi năm.
Khi Bezos đánh cược lớn vào phương thức vận chuyển miễn phí, anh tin rằng nó sẽ giúp Amazon vượt qua một trong những rào cản lớn nhất của khách hàng, đó là chi phí vận chuyển. Và khi Bezos đưa ra phương thức vận chuyển trong vòng hai ngày với Amazon Prime, anh tin rằng mình có thể làm cho việc vận chuyển miễn phí trở nên tiện lợi hơn cho khách hàng. Sự đột phá của Amazon Prime ban đầu khá mạo hiểm và không hề dễ dàng.
Và đây là một sự thật đáng kinh ngạc: chỉ riêng trong năm 2018, Amazon đã chi 27,7 tỷ đô-la cho chi phí vận chuyển.
Tuy nhiên, Amazon Prime hiện là một dịch vụ nền tảng của Amazon, gồm ba mươi lăm lợi ích kèm theo bao gồm dịch vụ truyền phát video, đã tạo ra doanh thu hàng tỷ đô-la từ phí đăng ký và doanh thu từ các thành viên sử dụng Amazon Prime.
Trong Thư gửi cổ đông năm 2014, Bezos đã nói về Amazon Prime và các vụ đánh cược vào kế hoạch miễn phí vận chuyển của họ:
“Mười năm trước, chúng tôi đã ra mắt Amazon Prime, ban đầu được thiết kế là một chương trình vận chuyển nhanh chóng và miễn phí. Động thái đó của chúng tôi được cho là mạo hiểm, và theo một cách nào đó, nó thật sự khá mạo hiểm. Trong năm đầu tiên, chúng tôi đã từ bỏ hàng triệu đô-la doanh thu từ vận chuyển và chẳng có phép toán đơn giản nào cho thấy rằng vụ đánh cược này là đáng đồng tiền.
Quyết định của chúng tôi được đưa ra dựa trên kết quả tích cực mà chúng tôi nhận được khi triển khai Vận chuyển siêu tiết kiệm miễn phí, và dựa trên trực giác rằng khách hàng sẽ phản hồi tích cực vì cho rằng chúng tôi đang đưa ra thỏa thuận tốt nhất trong lịch sử mua sắm. Ngoài ra, kết quả phân tích cho thấy, nếu đạt được quy mô, chúng tôi sẽ có thể giảm đáng kể chi phí vận chuyển nhanh.”
- Bezos (trích Thư gửi cổ đông năm 2014)
Như vậy, vận chuyển miễn phí tới khách hàng là một sự đánh cược lớn, nhưng cuối cùng đã được đền đáp xứng đáng.
ĐÁNH CƯỢC VÀO VIỆC THÚC ĐẨY CƠ SỞ HẠ TẦNG: AMAZON WEB SERVICES (AWS)
“... tất cả các dịch vụ AWS đều là thanh toán theo mức sử dụng và chuyển đổi triệt để chi phí vốn thành chi phí khả biến. AWS là dịch vụ tự phục vụ, nghĩa là bạn không cần phải đàm phán hợp đồng hay thương lượng với nhân viên bán hàng, bạn chỉ cần đọc tài liệu trực tuyến để bắt đầu sử dụng. Các dịch vụ AWS có tính linh hoạt cao, có khả năng tăng giảm quy mô linh hoạt.”
- Bezos (trích Thư gửi cổ đông năm 2011)
Giao hàng miễn phí không phải là ý tưởng lớn duy nhất mà Amazon đánh cược trong suốt những năm qua. Bezos và đội ngũ của anh tin rằng họ có thể thay đổi thế giới và phát triển Amazon lên một tầm cao mới.
Bezos luôn đưa ra các tiêu chí và các thử nghiệm hiệu quả trước khi Amazon tham gia vào một thị trường kinh doanh mới. Năm 2014, Bezos nói (tác giả đã thêm dấu đầu dòng):
“Một dịch vụ kinh doanh hoàn hảo có ít nhất bốn đặc điểm sau:
• Được khách hàng yêu thích
• Có thể phát triển đến quy mô rất lớn
• Mang lại lợi nhuận trên vốn cao
• Bền bỉ theo thời gian, với tiềm năng tồn tại trong nhiều thập niên.”
- Bezos (trích Thư gửi cổ đông năm 2014)
Công nghệ luôn được coi là nhịp đập trái tim của Amazon. Rõ ràng, với một doanh nghiệp trực tuyến, tất cả mọi hoạt động đều xoay quanh công nghệ. Nhưng trong những năm đầu, công nghệ (IT) khá tốn kém và chưa thể mang lại nhiều lợi nhuận.
Trong nội bộ Amazon, các gatekeeper3 của bộ phận Công nghệ Thông tin (CNTT) là một nút cổ chai ngăn cản sự phát triển nhanh chóng của các bộ phận khác. Giống như hầu hết các công ty vào thời điểm đó, bộ phận CNTT chịu trách nhiệm kiểm soát tài nguyên máy tính, nhưng với sự phát triển nhanh chóng của Amazon, nút thắt đó trở thành một vấn đề quá lớn gây khó chịu cho mọi nhân viên, bao gồm Jeff Bezos.
3 Gatekeeper là một phần tử mạng quan trọng chịu trách nhiệm tiếp nhận, chọn lọc và xử lý nhiều dạng thông tin trong tương tác của người dùng với hệ thống của Amazon (thông tin được tham khảo tại aws.amazon.com).
Trong cuốn sách The Everything Store (tạm dịch: Cửa hàng bán mọi thứ), Brad Stone nói về khoảng thời gian Bezos bắt gặp một cuốn sách tên là Creation (tạm dịch: Sáng tạo) của Steve Grand (đây không phải cuốn sách nói về Sách Sáng Thế, mà nói về một trò chơi video có tên là Creatures). Có vẻ cuốn sách là thứ đã dẫn đến giải pháp điện toán đám mây của Bezos và Amazon bằng cách đề xuất thiết lập cơ sở hạ tầng thu hẹp công nghệ thành các phần nhỏ vừa đủ (nghĩa đen) cho phép các lập trình viên có thể sử dụng chúng như những khối nền tảng (building block) cơ sở với tính linh hoạt cần thiết cho các dịch vụ “tự phục vụ”.
Quá trình tạo ra một nền tảng phát triển tập trung, có thể được sử dụng bởi bất kỳ nhóm nào trong công ty, đã bắt đầu được triển khai. Các nhóm nội bộ tại Amazon sử dụng các dịch vụ cơ sở hạ tầng chung mà mọi người đều có thể truy cập. Mỗi bộ phận tuy khác nhau nhưng đều cần cùng một loại dịch vụ công nghệ. Đó chính xác là những gì Amazon bắt đầu xây dựng. Và đó là khi họ bắt đầu nhận ra họ có thể có được thứ gì đó có ý nghĩa quan trọng hơn nữa.
Trong một cuộc cải tổ đội ngũ điều hành vào năm 2003, các nhà điều hành của Amazon đã xác định rõ các năng lực cốt lõi của công ty. Họ biết họ có thể cung cấp nhiều lựa chọn sản phẩm cho khách hàng. Họ cũng rất giỏi trong việc xử lý và vận chuyển các đơn đặt hàng, nhưng khi đào sâu vào toàn bộ tổ chức, họ nhận ra rằng họ cũng rất thành thạo trong việc điều hành một trung tâm dữ liệu đáng tin cậy, có thể mở rộng và tiết kiệm chi phí. Do Amazon là một doanh nghiệp có biên lợi nhuận thấp, nên các trung tâm dữ liệu và dịch vụ mà họ tạo ra phải gọn gàng và hiệu quả nhất có thể.
Amazon Web Services được tạo ra để cung cấp điện toán đám mây theo yêu cầu cho các cá nhân, công ty và chính phủ trên cơ sở thanh toán theo mức sử dụng... và một lĩnh vực kinh doanh mới đã ra đời.
“Với AWS, chúng ta đang xây dựng một ngành kinh doanh mới tập trung vào đối tượng khách hàng mới, đó là các lập trình viên phần mềm. Chúng tôi hướng đến đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của họ, như lưu trữ dữ liệu và khả năng tính toán - đây là những vấn đề họ đang gặp khó khăn và chúng tôi có đầy đủ chuyên môn thông qua việc mở rộng Amazon.com suốt mười hai năm qua. Chúng ta có lợi thế để làm điều đó, lĩnh vực kinh doanh mới của chúng ta rất khác biệt, có vai trò quan trọng và mang lại lợi nhuận hấp dẫn theo thời gian.”
- Bezos (trích Thư gửi cổ đông năm 2006)
Nhưng làm thế nào để truyền đạt điều này đến người dùng? Bezos nói rằng:
“Từ một ý tưởng cấp tiến được ra mắt cách đây chín năm, Amazon Web Services hiện đang phát triển rất nhanh. Các công ty khởi nghiệp là những khách hàng đầu tiên sử dụng các dịch vụ này. Lưu trữ đám mây theo yêu cầu, trả tiền theo mức sử dụng và các tài nguyên điện toán góp phần gia tăng đáng kể tốc độ tăng trưởng của ngành kinh doanh mới. Các công ty như Pinterest, Dropbox và Airbnb đều đã sử dụng các dịch vụ AWS và cho đến nay vẫn là khách hàng của chúng ta.”
- Bezos (trích Thư gửi cổ đông năm 2014)
Có phải ván cược lớn của Bezos vào AWS đã được đền đáp? Bezos nói:
“Tôi tin AWS là một trong những dịch vụ kinh doanh hoàn hảo, có thể phục vụ khách hàng và kiếm được lợi nhuận tài chính trong nhiều năm nữa. Tại sao tôi lại lạc quan như vậy? Vì một điều duy nhất, đó là AWS sẽ có quy mô rất lớn, cuối cùng sẽ bao gồm chi tiêu toàn cầu cho các máy chủ, mạng lưới, trung tâm dữ liệu, phần mềm cơ sở hạ tầng, cơ sở dữ liệu, kho dữ liệu, và nhiều hơn nữa. Tương tự như cách tôi nghĩ về bán lẻ tại Amazon, đều hướng tới các mục đích thực tế, tôi tin rằng AWS có quy mô thị trường không giới hạn.”
- Bezos (trích Thư gửi cổ đông năm 2014)
ĐÁNH CƯỢC NHỎ VÀO NHỮNG Ý TƯỞNG LỚN
Điểm nổi bật nhất từ cách Amazon đánh cược vào những ý tưởng lớn là ngay cả khi một ý tưởng có tiềm năng lớn, Bezos cũng chỉ bắt đầu đánh cược nhỏ tính theo giá trị tương đối.
Với phương thức giao hàng miễn phí, Amazon bắt đầu với việc thử nghiệm Vận chuyển siêu tiết kiệm miễn phí cho các đơn hàng trên 25 đô-la. Khi thử nghiệm này thành công, họ đặt cược lớn hơn với Amazon Prime. Ý tưởng này càng hiệu quả, Amazon càng đầu tư vào nó bằng việc ra mắt thêm dịch vụ phát trực tuyến video và các dịch vụ khác, từ đó tăng mức giá đăng ký sử dụng dịch vụ theo thời gian.
Amazon đã kiếm được hàng tỷ đô-la từ Amazon Marketplace, Amazon Prime và Amazon Web Services. Mặc dù Amazon Auctions gây thua lỗ rất nhiều tiền nhưng không có gì Amazon không thể lấy lại được.
Giống như Bezos đã nói về thất bại: “Chẳng có thất bại nào là vui vẻ cả. Nhưng chúng cũng không phải là vấn đề quá quan trọng”.
NHỮNG VỤ ĐÁNH CƯỢC LỚN TIẾP THEO
Trong bài hát nổi tiếng The Gambler (tạm dịch: Người đánh bạc) năm 1979, Kenny Rogers đã có câu hát rất nổi tiếng: “Cậu phải biết khi nào nên theo bài; biết khi nào nên bỏ bài; biết khi nào nên bỏ qua; và biết khi nào thì nên tẩu thoát4”.
4 Bài hát The Gambler của Kenny Rogers chứa các ẩn dụ về những bài học cuộc sống và áp dụng những “chiến thuật” của trò đánh bài vào “ván bài” cuộc sống.
Bezos thực hiện điều này bằng cách đưa ra các tiêu chí để đánh giá các vụ đánh cược lớn. Và điều này được chứng minh qua việc Bezos đã xử lý được vấn đề mà nhiều người đã hỏi anh trong những năm qua, đó là việc mở các cửa hàng truyền thống.
Trước khi nói cụ thể về các cửa hàng truyền thống, Bezos đã tóm tắt cách tiếp cận kinh doanh của Amazon như sau:
“Với quy mô hiện tại của Amazon, việc gieo những hạt giống có thể phát triển thành các lĩnh vực kinh doanh mới, có ý nghĩa đòi hỏi một số nguyên tắc, sự kiên nhẫn và một văn hóa nuôi dưỡng.
Các lĩnh vực kinh doanh đã được thiết lập của chúng ta giống như những cây non với bộ rễ khỏe mạnh. Chúng đang phát triển, đạt được lợi nhuận trên vốn cao và hoạt động trong các phân khúc thị trường rất lớn. Những đặc điểm này là yêu cầu chúng tôi đặt ra cho bất kỳ lĩnh vực kinh doanh mới nào. Trước khi đầu tư tiền của các cổ đông vào một lĩnh vực kinh doanh mới, chúng tôi luôn phải đảm bảo rằng cơ hội mới có thể tạo ra lợi nhuận trên vốn mà các nhà đầu tư mong đợi khi họ đầu tư vào Amazon. Và chúng tôi phải tin rằng lĩnh vực kinh doanh mới có thể phát triển đến một quy mô đáng kể, phù hợp với bối cảnh chung của công ty chúng ta.
Hơn nữa, chúng tôi phải tin rằng số lượng nhà cung cấp và sản phẩm trong lĩnh vực kinh doanh mới đang trong tình trạng thiếu đáp ứng, và chúng tôi có đủ khả năng để mang đến cho khách hàng nguồn cung mạnh mẽ trên thị trường. Không đáp ứng được điều này, chúng tôi sẽ không thể mở rộng quy mô trong lĩnh vực kinh doanh mới đó.”
- Bezos (trích Thư gửi cổ đông năm 2006)
Từ đó, Bezos lập tức chuyển sang chủ đề về các cửa hàng truyền thống, anh nói rằng:
“Mọi người thường hỏi tôi: ‘Khi nào ông sẽ mở các cửa hàng truyền thống?’. Đó là một cơ hội mở rộng mà chúng tôi đã từ chối. Trừ một trường hợp thì tất cả các thử nghiệm về nó đều thất bại...
Tiềm năng về quy mô của một mạng lưới các cửa hàng truyền thống là rất lớn. Tuy nhiên, chúng tôi không thể mở rộng chúng với mức vốn thấp để thu được lợi nhuận cao; bán lẻ kiểu truyền thống là một ngành kinh doanh lâu đời mà hiện đã phục vụ khách hàng rất tốt; và chúng tôi không có ý tưởng nào để xây dựng trải nghiệm mua sắm ở cửa hàng truyền thống hoàn toàn khác biệt cho khách hàng.”
- Bezos (trích Thư gửi cổ đông năm 2006)
Điều này cho thấy, mặc dù nhiều người cho rằng Amazon không quan tâm đến việc mở các cửa hàng truyền thống, nhưng trên thực tế nguyên nhân là do Bezos vẫn chưa tìm ra cách nào phù hợp với các tiêu chí mà anh đưa ra để đánh giá bất kỳ hoạt động kinh doanh mới nào. Do đó, anh đã sử dụng nguyên tắc và sự kiên nhẫn để từ chối việc chấp nhận rủi ro thiếu khôn ngoan, thay vào đó là chờ đợi thời điểm thích hợp để chấp nhận một rủi ro thông minh.
Để phát triển mạnh mẽ hơn nữa, Amazon đã mở một số cửa hàng truyền thống, bắt đầu bằng các cửa hàng sách kiểu truyền thống, Amazon Go Stores5 và bây giờ là việc mua lại Whole Foods6. Đây là một minh chứng về việc chờ đợi một cơ hội phù hợp với các tiêu chí của Amazon để chấp nhận rủi ro nhỏ hơn ban đầu, sau đó mở rộng quy mô và đặt cược lớn – ván cược 13,4 tỷ đô-la.
5 Hình thức cửa hàng tiện lơi.
6 Whole Foods Market là chuỗi siêu thị thực phẩm chuyên cung cấp các sản phẩm hữu cơ, được thành lập từ năm 1980 và đã được sáp nhập vào Amazon vào năm 2017.
TÌM KIẾM VỤ ĐÁNH CƯỢC LỚN THỨ TƯ
“Marketplace, Prime và Amazon Web Services là ba ý tưởng lớn của Amazon. Chúng tôi may mắn có được chúng, và chúng tôi quyết tâm cải thiện để phát triển chúng nhằm phục vụ khách hàng tốt hơn. Các bạn có thể tin tưởng rằng chúng tôi sẽ làm việc chăm chỉ để tìm kiếm ý tưởng lớn thứ tư. Chúng tôi đã có một số ý tưởng, và như chúng tôi đã hứa khoảng hai mươi năm trước, chúng tôi sẽ tiếp tục đặt cược táo bạo.”
- Bezos (trích Thư gửi cổ đông năm 2014)
ÁP DỤNG
Đánh cược vào những ý tưởng lớn
Câu hỏi: Lần gần đây nhất bạn đánh cược vào một ý tưởng thật sự lớn là khi nào?
Câu hỏi: Bạn có thể làm gì để khuyến khích đội ngũ của bạn (hoặc chính bạn) sẵn sàng khám phá những ý tưởng lớn mới mẻ khác?
Câu hỏi: Một ý tưởng lớn mà bạn sẵn sàng đánh cược ngay bây giờ là gì?