“Chúng tôi luôn tin rằng thước đo cơ bản cho sự thành công chính là giá trị cổ đông mà chúng ta tạo ra trong dài hạn.”
- Bezos (trích Thư gửi cổ đông năm 1997)
“… chúng tôi đang nỗ lực làm việc để tạo nên thứ gì đó quan trọng, thứ gì đó có ý nghĩa cho khách hàng của chúng tôi, một điều gì đó đáng để sau này chúng tôi có thể kể lại cho con cháu của mình nghe.”
- Bezos (trích Thư gửi cổ đông năm 1997)
Năm 1989, chỉ còn mười một năm nữa là bước sang thế kỷ mới, nhà phát minh và cũng là nhà khoa học máy tính Danny Hillis đã rất thất vọng khi thấy mọi người chỉ nói về năm 2000. Trong suốt thời thơ ấu của mình, Danny Hillis đã nghe thấy hết người này đến người khác coi năm 2000 như là một thước đo độc nhất của tương lai. Ông ấy nhớ rằng trong suốt ba mươi năm, mọi người chỉ nói về năm 2000, không một ai nhắc đến bất cứ điều gì xa hơn năm 2000.
Ở thời điểm đó, trong khi nhiều người không chú ý đến cái cách năm 2000 được nhắc đến, thì Hillis lại hết sức quan tâm. Theo lời ông, “mọi người luôn nói về những gì sẽ xảy ra vào năm 2000 nhưng không một ai đề cập đến một tương lai xa hơn nào hết. Trong suốt cuộc đời tôi, cứ mỗi một năm, tương lai lại bị thu hẹp một năm”.
Trong khi gần như cả thế giới quan tâm đến năm 2000 và điều gì sẽ xảy ra nếu máy tính không thể chuyển ngày từ 1999 sang 2000 (được đặt tên là sự cố Y2K), trên thực tế, khi nhận thấy được vấn đề tiềm ẩn, các máy tính đơn giản (trong một số trường hợp có thể không hề đơn giản) được tái lập trình để tránh gặp vấn đề.
Nhưng Hillis cảm thấy bị thôi thúc trong việc khiến mọi người phải suy nghĩ đến những gì sẽ diễn ra sau năm 2000, điều mà ông đã từng mô tả như là một “rào cản tinh thần về một tương lai bị rút ngắn lại”.
Vì vậy, ông ấy đã tạo ra thứ được biết đến với tên gọi Đồng hồ 10.000 năm.
Đồng hồ 10.000 năm là chiếc đồng hồ “được cung cấp năng lượng cơ học từ ánh sáng mặt trời, cũng như từ những người đến thăm nó”. Như tên gọi, chiếc đồng hồ này được thiết kế để hoạt động trong vòng 10.000 năm, có tính đến thời gian bảo trì và gián đoạn tối thiểu. Chiếc đồng hồ nguyên cỡ đã qua giai đoạn thiết kế, chế tạo các bộ phận và hiện đang được xây dựng bên trong một ngọn núi ở phía tây Texas.
Không giống như những chiếc đồng hồ thông thường phát ra tiếng kêu tích tắc khi mỗi giây trôi qua, chiếc Đồng hồ 10.000 năm phát ra tiếng kêu tích tắc mỗi năm một lần và có một cây kim thế kỷ tiến về phía trước mỗi 100 năm 1 lần, cùng một con chim cu gáy xuất hiện vào mỗi thiên niên kỷ, hay 1.000 năm.
Hầu hết mọi người đều không thể sống đến lúc có thể nhìn thấy dù chỉ một tiếng tích tắc thế kỷ.
Theo trang web của tổ chức xây dựng chiếc đồng hồ này (https://longnow.org/):
“Tại sao lại có ai đó chế tạo một chiếc đồng hồ bên trong một ngọn núi với hy vọng nó sẽ báo hiệu mốc thời gian 10.000 năm chứ? Một phần của câu trả lời là: việc chế tạo đồng hồ chỉ để mọi người sẽ đặt ra câu hỏi này, và khi đó họ sẽ tự nhắc mình nhớ đến những ý niệm về các thế hệ và thiên niên kỷ. Nếu bạn có một chiếc đồng hồ kêu tích tắc trong 10.000 năm, thì bạn sẽ đưa ra các câu hỏi và các dự án tầm cỡ thế hệ nào? Nếu một chiếc đồng hồ có thể tiếp tục hoạt động trong mười thiên niên kỷ, vậy chúng ta có nên đảm bảo nền văn minh của chúng ta cũng làm được như vậy không? Nếu chiếc đồng hồ này vẫn tiếp tục hoạt động sau khi từng người chúng ta qua đời, thì tại sao chúng ta không thử triển khai các dự án đòi hỏi các thế hệ tương lai của chúng ta phải hoàn thành? Câu hỏi lớn là, giống như nhà virus học Jonas Salk từng hỏi: ‘Chúng ta có phải là bậc tổ tiên tốt đối với con cháu của mình hay không?’”.
Và theo lời của chính Hillis:
“Tôi không thể tưởng tượng được tương lai sẽ ra sao, nhưng tôi quan tâm đến nó. Tôi biết mình là một phần của câu chuyện đã bắt đầu rất lâu trước cả khi tôi có thể nhớ được và câu chuyện sẽ còn tiếp diễn lâu hơn nữa khi mà mọi người nhớ đến tôi. Tôi có cảm giác rằng mình đang sống ở thời điểm của sự thay đổi trọng đại, và tôi cảm thấy mình có trách nhiệm đảm bảo sự thay đổi ấy dẫn đến kết quả tốt đẹp. Tôi gieo hạt sồi trong khi biết rằng tôi chẳng thế sống đến khi thu hoạch nó.”
HÃY LÀ “TỔ TIÊN TỐT” ĐỐI VỚI NGƯỜI CHỦ VÀ CÁC NHÂN VIÊN TƯƠNG LAI CỦA DOANH NGHIỆP
Với rất nhiều áp lực về thu nhập hàng quý và mục tiêu doanh số hàng tháng, các công ty có thể dễ dàng trở thành con mồi của những đợt khủng hoảng ngắn hạn. Hầu hết các công ty đều được thiết lập theo cách này, với một hạn mức tín dụng có nhược điểm trong việc gọi vốn nếu một số liệu ngắn hạn nào đó rơi xuống dưới một mức độ nhất định. Hoặc giá trị của một cổ phiếu giao dịch công khai sẽ lao dốc bởi vì tỷ suất lợi nhuận trên cổ phần không đáp ứng chính xác kỳ vọng hàng quý theo đánh giá của Phố Wall.
Mặc dù việc đo lường kết quả cả ngắn hạn và dài hạn là điều hiển nhiên, nhưng vẫn cần thiết phải đặt ra câu hỏi là liệu chúng ta có để cho các khoảng thời gian “thu hồi vốn” (chẳng hạn như hạn ngạch hàng tháng hoặc thu nhập hàng quý) ảnh hưởng quá nhiều đến quá trình phát triển doanh nghiệp hay không.
Đồng hồ 10.000 năm có liên quan gì đến Bezos hay Amazon?
Jeff Bezos cũng được coi là bậc thầy về tư duy dài hạn.
Bezos sở hữu khối tài sản ở Texas – nơi phiên bản nguyên cỡ đầu tiên của chiếc đồng hồ 10.000 năm này được xây dựng. Anh ấy đã đầu tư 42 triệu đô-la để xây dựng và lắp đặt chiếc đồng hồ. Theo trang web của tổ chức11, anh cũng tích cực thiết kế “trải nghiệm toàn diện trên chiếc đồng hồ này”.
11 Tổ chức The Long Now.
Nhưng Đồng hồ 10.000 năm không phải chỉ là một dự án phù phiếm được đầu tư vốn bởi một người có nhiều tiền mà không biết làm gì. Trong bài phỏng vấn với Dylan Tweney, được đăng trên Wired.com vào năm 2011, có đoạn:
“Đối với Bezos, nhà sáng lập Amazon.com, chiếc đồng hồ này không chỉ là dụng cụ đo thời gian tột đỉnh. Nó còn là một biểu tượng sức mạnh của tư duy dài hạn. Anh ấy hy vọng rằng việc chế tạo ra nó sẽ giúp con người thay đổi cách nghĩ về thời gian, từ đó khuyến khích con cháu sau này có một tầm nhìn xa hơn. Để làm được điều đó, bản thân Bezos đang có một tầm nhìn xa và dài hơn so với hầu hết các CEO thuộc danh sách Fortune 500.”
Như Bezos đã giải thích với Tweney:
“Đi qua vòng đời của chiếc đồng hồ này, Hoa Kỳ có thể sẽ không còn tồn tại. Toàn bộ nền văn minh sẽ có nhiều biến động. Những hệ thống chính phủ mới sẽ lần lượt ra đời. Bạn không thể, không ai có thể, tưởng tượng ra viễn cảnh thế giới mà chúng tôi đang nỗ lực hết sức để chiếc đồng hồ trải qua.”
Đối với những người hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, Đồng hồ 10.000 năm không chỉ là một giai thoại thú vị về quan điểm, kỹ thuật, và là một dự án thể hiện đam mê trị giá 42 triệu đô-la. Mục đích của dự án này là muốn chúng ta xem xét lại cách thức vận hành doanh nghiệp – liệu cách thức này có khiến chúng ta trở thành những “tổ tiên tốt” cho các cổ đông và nhân viên trong tương lai, khi đồng hồ sinh học của chúng ta ngừng hoạt động hay không.
Tôi vẫn không ngừng thắc mắc bằng cách nào mà các chủ doanh nghiệp có thể áp dụng một số nguyên lý tư duy dài hạn giống nhau. May mắn thay, Bezos đưa ra một số câu trả lời và quan điểm của anh ấy về vấn đề này trong các lá thư gửi cổ đông, đặc biệt là lá thư đầu tiên anh viết vào năm 1998, xem xét lại năm 1997.
TƯ DUY DÀI HẠN VÀ CÁC LÁ THƯ GỬI CỔ ĐÔNG
Các lá thư gửi cổ đông chứa rất nhiều thông tin về việc tư duy dài hạn có tính nền tảng như thế nào đối với Bezos và anh cam kết ra sao trong việc cung cấp giá trị dài hạn cho các nhà đầu tư vào Amazon, ngay cả khi điều này khiến công ty phải tiêu tốn khá nhiều chi phí trong thời gian ngắn hạn.
Ví dụ, trong Thư gửi cổ đông năm 1997, Bezos đã viết khá chi tiết về bản chất cơ bản của tư duy dài hạn như là thước đo cho sự thành công.
Trong đề mục “Luôn hướng đến tầm nhìn dài hạn”, Bezos nhấn mạnh rằng tăng trưởng giá trị dài hạn phải là “thước đo căn bản” cho thành công của Amazon. Nói cách khác, trong khi các nhà đầu tư quan tâm đến các báo cáo thu nhập hàng quý, thì với Bezos, chúng chỉ là thứ yếu. Thời gian và sự quan tâm của anh chủ yếu tập trung vào các mục tiêu dài hạn.
Tư duy dài hạn là nguyên lý cốt lõi của Bezos và đã được truyền bá vào mô thức tư duy và văn hóa của Amazon ngay từ những ngày đầu hoạt động. Ngày nay, điều này vẫn xác thực như ngày đầu Bezos thành lập doanh nghiệp. Anh không chỉ nói về tư duy dài hạn khi Amazon vẫn còn là một công ty mới thành lập và đang tìm cách thu hút vốn đầu tư vào năm 1997. Có thể nói, các lá thư gửi cổ đông và hoạt động điều hành của Amazon ngày nay đã minh chứng cho một sự tập trung thậm chí còn lớn hơn vào tư duy dài hạn.
ĐI NGƯỢC LẠI XU HƯỚNG CỦA PHỐ WALL – AMAZON LÀM GƯƠNG CHO APPLE
Amazon có thể là một trong số rất ít các công ty đi ngược lại xu hướng phân tích thu nhập hàng quý của Phố Wall để tập trung vào tầm nhìn và mục tiêu dài hạn. Tuy nhiên, áp lực của việc tập trung vào thu nhập hàng quý là rất lớn. Bezos khởi nghiệp với một tư duy dài hạn; Apple cũng đang nỗ lực chuyển sang tư duy dài hạn. Khởi đầu với một tầm nhìn dài hạn như Bezos đã làm sẽ dễ dàng hơn nhiều so với việc chuyển đổi giữa chừng như Apple. Nhưng trường hợp của Bezos là minh chứng cho thấy tư duy dài hạn có thể mang lại hiệu quả đáng kể.
Chẳng hạn như, trên tờ Wall Street Journal số ra tháng 12 năm 2018 có tiêu đề “For Companies, It Can Be Hard to Think Long Term” (tạm dịch: Đối với nhiều công ty, tư duy dài hạn có thể là điều khó khăn), John Stoll cho rằng: “Các doanh nghiệp cần đưa ra một lựa chọn khó khăn: Họ muốn triển khai các chiến lược có thể mất nhiều năm để thu được lợi nhuận, nhưng Phố Wall không phải lúc nào cũng phản ứng một cách thiện chí”. John Stoll đã chứng minh nhận định của mình bằng việc nhắc lại việc các nhà đầu tư đã phản ứng gay gắt như thế nào khi Apple Inc. tuyên bố sẽ ngừng “việc công khai doanh số bán hàng hàng quý đối với các mặt hàng riêng lẻ”, bởi “một doanh số chín mươi ngày đối với máy tính Mac hoặc iPhone không thể hiện được sức mạnh tiềm ẩn của các dòng sản phẩm này”.
Các nhà đầu tư đã phản ứng thế nào với quyết định của Apple về việc trút bỏ nỗi ám ảnh của Phố Wall về doanh số bán hàng hàng quý? Cổ phiếu của hãng đã giảm 6,6% trong ngày công bố, ngày 2 tháng 11 năm 2018, Apple để mất 71,19 tỷ đô-la giá trị vốn hóa thị trường.
Xét một cách tổng thể, mức suy giảm giá trị vốn hóa thị trường trong một ngày của Apple lớn hơn toàn bộ giá trị vốn hóa thị trường của một số công ty riêng lẻ tính đến ngày 30 tháng 9 năm 2018, chẳng hạn như Tập đoàn Biogen Idec (71,17 tỷ đô-la), Công ty Kraft Heinz (67,18 tỷ đô-la), Tập đoàn Charles Schwab (66,4 tỷ đô-la), Tập đoàn FedEx (63,45 tỷ đô-la) và một số công ty S&P 50012 khác.
12 S&P 500 là viết tắt của Standard & Poor’s 500 Stock Index, là chỉ số chứng khoán dựa trên 500 công ty có giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất được niêm yết trên sàn chứng khoán NYSE (sàn giao dịch chứng khoán New York) hoặc NASDAQ (sàn giao dịch chứng khoán Hoa Kỳ).
Nói cách khác, bất kỳ công ty nào trong số đó có thể bị xóa sổ vào hôm đó thì vẫn không tạo ra ảnh hưởng đến S&P 500 như quyết định của Apple trong việc tập trung vào kế hoạch dài hạn đối với việc báo cáo doanh số của từng sản phẩm đơn lẻ. Stoll gọi quyết định của Apple là “mốt mới nhất trong cuộc đối đầu gay gắt giữa tư duy ngắn hạn và dài hạn ở Phố Wall”.
Các nhà đầu tư Phố Wall đơn giản là không thích tư duy dài hạn. Nhưng Bezos thì có, đến mức anh đã đặt kỳ vọng vào tư duy dài hạn cho Amazon và vào quá trình trở thành một trong số ít những công ty thành công trong việc không quan tâm đến giá trị cổ phiếu và thu nhập hàng quý ngay từ đầu – ngay cả trong thời kỳ khó khăn như bong bóng dot-com, khi mà Amazon bị gọi là “Amazon.bomb” và “Amazon.toast” (những người từng phỉ báng Amazon giờ có thể phải suy nghĩ lại vị thế của họ khi nói về Amazon).
Amazon cũng sẵn sàng đi ngược lại xu hướng, hy sinh lợi nhuận trong năm này để đầu tư dài hạn vào lòng trung thành của khách hàng và những cơ hội bán sản phẩm mà sẽ tạo ra lợi nhuận lớn hơn trong năm sau và nhiều năm sau đó.
Tư duy dài hạn cho phép Amazon tập trung vào các số liệu tài chính quan trọng. Đối với Amazon, các số liệu đó là tăng trưởng khách hàng và tăng trưởng thu nhập hàng năm. Đầu tư và cải thiện trải nghiệm khách hàng sẽ làm tăng tỷ lệ tái mua hàng và gia tăng sức mạnh thương hiệu của công ty.
Bezos thậm chí còn kêu gọi các nhà đầu tư tiềm năng tránh đầu tư vào Amazon nếu triết lý đầu tư của họ mâu thuẫn với tư duy dài hạn của công ty. Và anh đã làm điều đó ngay trong Thư gửi cổ đông năm 1997, được viết vào thời điểm mà hầu hết các công ty khởi nghiệp đều nỗ lực thu hút nhà đầu tư. Nhưng với Bezos thì khác. Thu hút các nhà đầu tư không quan trọng bằng việc tập trung vào sự phát triển dài hạn.
Hoặc, như Bezos nói:
“... chúng tôi muốn chia sẻ với các vị phương pháp nền tảng trong quản lý và ra quyết định của chúng tôi để các vị, các cổ đông của chúng tôi, có thể hiểu được rằng nó phù hợp với triết lý đầu tư của các vị.”
- Bezos (trích Thư gửi cổ đông năm 1997)
Lối tư duy này đi ngược lại những kỳ vọng lâu nay của Phố Wall về một công ty đại chúng. Bezos không thực sự bận tâm chuyện đó. Anh vẫn tập trung vào sự tăng trưởng dài hạn của công ty hơn là quan tâm đến thu nhập ngắn hạn hay thu nhập trong quý tới.
TƯ DUY DÀI HẠN NGAY CẢ KHI CẢ THẾ GIỚI ĐANG TÁN THƯỞNG TƯ DUY NGẮN HẠN
Đối với các công ty đã quen với tư duy ngắn hạn, việc chuyển đổi sang tư duy dài hạn là hết sức khó khăn. Nếu công ty của bạn là công ty đại chúng, bạn có thể gặp phải tình trạng suy giảm giá trị vốn hóa thị trường tương tự như những gì Apple đã trải qua. Nhưng công ty bắt đầu quá trình chuyển đổi càng sớm (ở quy mô càng nhỏ) sẽ càng sớm giảm được áp lực nội bộ tạo ra bởi các nhà đầu tư và nhà phân tích bằng các báo cáo chỉ tiêu cuối tháng hoặc hàng quý.
Apple thực sự là một ví dụ điển hình. Để lý giải về việc ngừng báo cáo doanh số hàng quý của các sản phẩm riêng lẻ, họ nói rằng đó không phải là thước đo chính xác cho sức mạnh của từng sản phẩm. Tôi ngờ rằng trong nhiều năm họ đã trung thành tuân thủ những gì Phố Wall muốn trong khi thực chất họ tin rằng đó không phải là thước đo chính xác. Việc đi theo xu hướng này tiêu tốn thời gian và nguồn lực, không cần nghi vấn điều đó. Hãy tưởng tượng Apple thất vọng và rối trí như thế nào khi thấy giá trị của công ty lên xuống thất thường chỉ dựa trên một số liệu mà những người hiểu rõ về công ty nhất tin rằng chúng chẳng hề liên quan đến giá trị công ty.
Như tôi đã lưu ý, việc kiên định với tư duy dài hạn cũng không hề dễ dàng đối với Amazon. Tại thời điểm chuyển giao thế kỷ, năm 2000, Bezos đã viết một lá thư chân thành gửi cho các cổ đông, một lần nữa cho thấy sự tập trung không ngừng của anh vào tư duy dài hạn.
“Gửi tới các cổ đông của chúng tôi,
Ôi! Năm nay là một năm quá tàn nhẫn đối với nhiều người trên thị trường vốn và chắc chắn là đối với cả các cổ đông của Amazon.com.
Khi viết lá thư này, cổ phiếu của chúng ta đã giảm hơn 80% so với thời điểm tôi viết thư gửi các vị vào năm ngoái. Tuy nhiên, dù thế nào đi nữa, Amazon.com hiện vẫn đang có vị thế vững mạnh hơn bất kỳ thời điểm nào trong quá khứ.
• Chúng tôi đã phục vụ 20 triệu khách hàng vào năm 2000, trong khi đó con số này chỉ là 14 triệu vào năm 1999.
• Doanh số tăng từ 1,64 tỷ đô-la năm 1999 lên 2,76 tỷ đô-la năm 2000.
• Ngân sách hoạt động dự tính đã giảm từ 26% doanh thu trong quý 4 năm 1999 xuống còn 6% doanh thu trong quý 4 năm 2000.
• Ngân sách hoạt động dự tính ở Hoa Kỳ đã giảm từ 24% doanh số trong quý 4 năm 1999 xuống còn 2% doanh số trong quý 4 năm 2000.
• Chi tiêu bình quân của mỗi khách hàng năm 2000 là 134 đô-la, tăng 19%.
• Lợi nhuận gộp tăng từ 291 triệu đô-la năm 1999 lên 656 triệu đô-la năm 2000, tăng 125%.
• Trong quý 4 năm 2000, gần 36% khách hàng ở Hoa Kỳ tìm đến các gian hàng “không bán sách, nhạc và video” của chúng tôi để mua các mặt hàng khác như đồ điện tử, dụng cụ và đồ dùng nhà bếp.
• Doanh số bán hàng quốc tế đã tăng từ 168 triệu đô-la năm 1999 lên 381 triệu đô-la năm 2000.
• Chúng tôi đã bán được hơn 125 triệu đô-la đồ chơi và trò chơi video của đối tác Toysrus.com trong quý 4 năm 2000.
• Kết thúc năm 2000, chúng tôi có 1,1 tỷ đô-la tiền mặt và chứng khoán khả mại, tăng từ 706 triệu đô-la vào cuối năm 1999, đó là nhờ vào khoản chuyển đổi sang đồng euro vào đầu năm 2000.
• Và, quan trọng nhất, nhờ luôn lấy khách hàng làm trung tâm, chúng tôi đạt được 84 điểm Chỉ số Hài lòng của Khách hàng Mỹ. Theo ghi nhận, đây là số điểm cao nhất đối với một công ty dịch vụ hoạt động trong bất kỳ ngành nào.
Vậy, nếu nay công ty có vị thế tốt hơn so với năm ngoái, thì tại sao giá cổ phiếu lại thấp hơn nhiều so với năm ngoái? Như nhà đầu tư nổi tiếng Benjamin Graham đã nói: “Trong ngắn hạn, thị trường chứng khoán giống như một cỗ máy bỏ phiếu; trong dài hạn, nó là một cỗ máy đo cân nặng”. Rõ ràng, có rất nhiều cuộc bỏ phiếu diễn ra trong năm 1999 bùng nổ – và việc đo cân nặng thì ít hơn nhiều. Công ty của chúng tôi muốn được cân bởi cỗ máy đo cân nặng, và theo thời gian, chúng tôi sẽ được như vậy – trong dài hạn, tất cả các công ty đều như vậy. Trong thời gian này, chúng tôi sẽ nỗ lực xây dựng một công ty ngày càng có trọng lượng hơn.”
***
Bây giờ, hãy tưởng tượng bạn vứt bỏ gánh nặng tư duy ngắn hạn để thoải mái tập trung vào các mục tiêu dài hạn. Hãy nghĩ về Đồng hồ 10.000 năm, chiếc đồng hồ chỉ kêu tích tắc mỗi năm một lần. Bạn có thể đưa ra những quyết định nào để nâng cao vị thế của công ty mình trong ba năm, bảy năm hoặc một trăm năm nữa?
Hầu hết chúng ta đều không bao giờ nghĩ đến việc xây dựng một cái gì đó kéo dài 10.000 năm. Nhưng thử thách của việc làm điều đó sẽ thay đổi tư duy của chúng ta. Đối với Amazon, Thư gửi cổ đông năm 1997 cho thấy rõ tư duy dài hạn của Bezos về quản lý và ra quyết định:
• Chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung không ngừng vào khách hàng của mình.
• Chúng tôi sẽ tiếp tục đưa ra các quyết định đầu tư hướng đến việc giữ vững vị thế dẫn đầu thị trường dài hạn thay vì lợi nhuận ngắn hạn hoặc các phản ứng tài chính ngắn hạn.
• Chúng tôi sẽ tiếp tục đo lường các chương trình hoạt động và hiệu quả của các khoản đầu tư thông qua phân tích, để loại bỏ những chương trình không mang lại mức lợi nhuận hợp lý, đồng thời đẩy mạnh đầu tư vào những hoạt động hiệu quả nhất. Chúng tôi sẽ tiếp tục rút kinh nghiệm từ cả những thành công và thất bại của mình.
• Chúng tôi sẽ đưa ra các quyết định đầu tư táo bạo nếu nhận thấy đủ khả năng đạt được lợi thế dẫn đầu thị trường. Một số khoản đầu tư sẽ sinh lời, một số thì không, và chúng tôi sẽ nhận được những bài học quý giá trong cả hai trường hợp.
• Khi buộc phải lựa chọn giữa tối ưu hóa báo cáo tài chính theo chuẩn GAAP và tối đa hóa giá trị hiện tại của các dòng tiền trong tương lai, chúng tôi sẽ lựa chọn các dòng tiền.
• Chúng tôi sẽ chia sẻ quy trình tư duy chiến lược của chúng tôi với các vị khi chúng tôi đưa ra các lựa chọn táo bạo (trong phạm vi áp lực cạnh tranh cho phép), để các vị có thể tự đánh giá xem chúng tôi có đang đầu tư hướng đến vị thế dẫn đầu trong phạm vi dài hạn một cách hợp lý hay không.
• Chúng tôi sẽ chi tiêu khôn ngoan và duy trì văn hóa tinh gọn của mình. Chúng tôi hiểu rõ tầm quan trọng của việc liên tục củng cố văn hóa ý thức về chi phí, đặc biệt là trong một ngành kinh doanh phát sinh lỗ ròng.
• Chúng tôi sẽ chú trọng cân bằng giữa việc tập trung tăng trưởng với việc chú trọng lợi nhuận dài hạn và quản lý vốn. Trong giai đoạn này, chúng tôi lựa chọn ưu tiên tăng trưởng bởi chúng tôi tin rằng quy mô là trọng tâm để mô hình kinh doanh của chúng ta đạt được tiềm năng tối đa.
• Chúng tôi sẽ tiếp tục chú trọng vào tuyển dụng và giữ chân nhân tài, đồng thời cải thiện chế độ phúc lợi cho người lao động thông qua các lựa chọn về cổ phiếu thay vì tiền mặt. Chúng tôi hiểu rằng thành công của chúng ta chịu ảnh hưởng rất lớn từ việc thu hút và duy trì đội ngũ nhân viên nhiệt huyết, và để làm được điều đó, chúng tôi phải để họ suy nghĩ và hành động trên cương vị chủ sở hữu công ty.
Với kinh nghiệm tư vấn cho hàng ngàn công ty trong hơn ba thập niên qua, tôi cho rằng những ý tưởng trên có thể áp dụng cho các doanh nghiệp thuộc mọi loại hình và quy mô khác nhau, nếu cần thì tiến hành một số điều chỉnh nhỏ với mỗi công ty cụ thể. Nhưng các nguyên lý cốt lõi thì có thể áp dụng cho bất kỳ công ty nào, đây là một bài học về tăng trưởng hiển nhiên nhưng không phải ai cũng nhận ra, dành cho những công ty mong muốn phát triển như Amazon.
ÁP DỤNG
Áp dụng tư duy dài hạn
Câu hỏi: Bạn có lập danh sách các mục tiêu dài hạn (và dài hạn hơn nữa) cho công ty của mình, bao gồm cả mục tiêu tài chính và mục tiêu chiến lược không?
Câu hỏi: Có phải đội ngũ của bạn chỉ được thưởng theo hiệu suất hàng quý, hoặc thậm chí hàng năm, mà không hề được thưởng từ các hoạt động sẽ thu được lợi nhuận trong dài hạn không?
Câu hỏi: Làm thế nào bạn có thể thay đổi những phần thưởng ngắn hạn để có thể khích lệ lối tư duy dài hạn?