Ở đâu có ý chí, ở đó có chiến thắng
Những gì chúng ta làm trong những sự kiện trọng đại sẽ phụ thuộc vào con người mà ta đã trở thành, và con người ta đó, là kết quả của những năm tháng tự kỷ luật trước đó.
- H. P. Liddon
Tính kỷ luật là ngọn lửa tôi luyện mà nhờ đó tài năng trở thành khả năng.
- Roy L. Smith
Tạo nên chiến thắng
Trong cuốn sách The Life God Blesses, tác giả Gordon MacDonald, bạn của tôi, đã kể về những trải nghiệm của anh ấy trong đội điền kinh của trường Đại học Colorado vào cuối những năm 1950.
Gordon nhớ lại những buổi tập luyện thể lực khổ cực mà anh đã trải qua với người đồng đội tên Bill. “Cho đến giờ tôi vẫn còn thấy khổ sở khi nhớ về những buổi tập luyện mỗi chiều thứ Hai ấy”, Gordon nói. “Ký ức nặng nề vì những buổi tập này. Khi mỗi buổi tập kết thúc, tôi gần như phải lê mình trong tình trạng kiệt sức vào phòng thay đồ”.
Nhưng Bill thì khác. Dường như những buổi tập đó là nhu cầu của anh ấy. Mỗi lần tập xong, Bill thường ngồi nghỉ trên bãi cỏ cạnh đường chạy. Nhưng chỉ 20 phút sau, khi mà Gordon đã đi tắm, thì Bill lặp lại toàn bộ bài tập!
Bill đã không xem mình là một vận động viên xuất sắc ở trường đại học. Trong suốt những năm học tại Đại học Colorado, anh chưa bao giờ giành được một chiếc huy chương nào trong các giải vô địch các trường đại học cấp quốc gia, cũng như không được xem là một vận động viên tiêu biểu của nước Mỹ. “Tôi không phải là một vận động viên vĩ đại”, Bill nói, “nhưng tôi đã góp nhặt được ‘ một túi khôn’. Tức là, có thể bạn không làm nên chuyện gì lớn trong quá trình tập luyện hay trong các cuộc thi đấu, nhưng có hàng ngàn chuyện nhỏ bạn có thể làm” *.
* Trích từ quyển 30 Years of Progress for the Ultimate 10 – Event Man của Christopher Hosford.
Bill có thể đã không tạo được ảnh hưởng lớn nào trong suốt những năm đại học của mình, nhưng tính kỷ luật và lòng khát khao chiến thắng của anh đã được đền đáp. Những môn điền kinh anh chơi tốt nhất là nhảy xa và chạy 400 mét. Anh tiếp tục luyện tập những môn này và rèn luyện thêm các kỹ thuật khác để tham gia cuộc thi điền kinh 10 môn phối hợp. Nhờ những nỗ lực đầy tính kỷ luật và liên tục cố gắng, chàng vận động viên từng không đạt thành tích gì ở trường đại học đó, người đã cùng tập luyện với (và tiến xa hơn) Gordon MacDonald, đã trở thành vận động viên điền kinh nổi tiếng thế giới. Bill, không ai khác hơn chính là Bill Toomey, vận động viên điền kinh 10 môn phối hợp đã được ghi tên vào Ngôi nhà Danh vọng của Thế vận hội Olympic năm 1984. Anh đã lập kỷ lục thế giới ở môn điền kinh 10 môn phối hợp năm 1966, huy chương vàng tại Thế vận hội Olympic năm 1968 tại Tokyo, và 5 giải quán quân liên tiếp – một thành tựu chưa từng có trong sự nghiệp thể thao của mình.
Điều thúc đẩy Bill Toomey đạt được những thành tựu như thế chính là tính kỷ luật của anh. Gordon MacDonald nhìn thấy rõ điều đó: “Sự khác nhau giữa hai người chúng tôi bắt đầu từ những buổi tập luyện khắc nghiệt mỗi chiều thứ Hai ấy. Anh ấy đã giữ kỷ luật nghiêm ngặt trong tập luyện ở mức cao nhất. Tôi e ngại tính kỷ luật nên chỉ làm được ở mức tối thiểu”.
Đi vào chi tiết
Kỷ luật là làm những việc bạn không thật sự muốn làm để từ đó có thể làm được việc bạn thật sự muốn làm. Đó là bạn đang chi trả cho những món đồ nhỏ để sau đó bạn có thể mua món đồ lớn hơn. Và không một cá nhân nào thành công mà không có tính kỷ luật, tương tự như không có đội ngũ nào thành công khi thiếu kỷ luật. Đó là lý do tại sao cần có những thành viên có tính kỷ luật. Để trở thành một thành viên mà mọi đội ngũ đều cần, người ta phải xây dựng tính kỷ luật ở ba khía cạnh sau:
1. Suy nghĩ có kỷ luật
Bạn không thể tiến xa trong đời nếu không sử dụng đầu óc. Để làm vậy, bạn không nhất thiết phải là một thiên tài, bạn chỉ cần sử dụng trí tuệ mà Thượng Đế đã ban cho mình. George Bernard Shaw nhận xét: “Vài người chỉ suy nghĩ hai hoặc ba lần một năm; còn tôi tạo được danh tiếng tầm thế giới là nhờ vào việc suy nghĩ một đến hai lần một tuần”. Nếu bạn giữ cho đầu óc của mình luôn hoạt động, thường xuyên có sự thách thức về tinh thần, và không ngừng nghĩ về những điều đúng đắn, bạn sẽ rèn luyện được tính kỷ luật trong suy nghĩ, điều có thể giúp bạn nỗ lực để làm bất cứ điều gì bạn muốn.
2. Cảm xúc có kỷ luật
Con người thường có hai sự lựa chọn khi nói đến cảm xúc của mình: họ có thể làm chủ cảm xúc, hoặc bị cảm xúc làm chủ. Điều này không có nghĩa là để trở thành một thành viên tốt, bạn phải triệt tiêu cảm xúc của mình, mà là bạn không nên để những cảm xúc của bạn ngăn trở những việc bạn nên làm, hoặc dẫn dắt bạn làm những việc không nên làm.
Một ví dụ hoàn hảo cho việc điều gì có thể xảy ra khi một người không có kỷ luật đối với cảm xúc là câu chuyện về tay chơi golf huyền thoại Bobby Jones. Giống như Tiger Woods bây giờ, Jones đã từng là một tay chơi golf phi thường. Anh bắt đầu chơi golf năm 1907, khi mới lên 5. Ở tuổi 12, anh đã đạt được “gậy âm” **, một thành tích mà hầu hết các tay chơi golf không mấy khi đạt được trong cuộc đời đánh golf của mình. Vào tuổi 14, anh đã đủ tiêu chuẩn tham dự giải vô địch golf nghiệp dư của nước Mỹ. Nhưng Jones đã không chiến thắng tại giải này. Vấn đề của anh có thể được mô tả rõ ràng nhất qua biệt danh của anh: Club Thrower (người ném gậy). Jones thường xuyên không giữ được bình tĩnh, và cũng không giữ được phong độ thi đấu.
** Đây là thuật ngữ dùng trong môn golf, người chơi đạt “gậy âm” khi dùng số gậy ít hơn số gậy tiêu chuẩn để đưa được bóng vào lỗ.
Một tay chơi golf lớn tuổi mà Jones gọi là Già Bart đã khuyên anh: “Cậu sẽ không bao giờ chiến thắng cho đến khi nào cậu kiểm soát được tính nóng nảy của mình”. Jones nghe theo lời khuyên của ông và bắt đầu học cách làm chủ cảm xúc. Vào tuổi 21, Jones đã trở thành một trong ba golf thủ xuất sắc nhất trong lịch sử, anh giải nghệ vào tuổi 28, sau khi giành chiến thắng trong mùa giải golf năm đó. Già Bart đã tổng kết về anh như sau: “Khi 14 tuổi, Bobby làm chủ trận đánh golf; nhưng 21 tuổi, anh mới làm chủ chính bản thân anh”.
4. Hành động có kỷ luật
Albert Hubert đã nói: “Người muốn uống sữa sẽ không ngồi trên chiếc ghế đẩu giữa cánh đồng và hy vọng con bò sẽ đến cho sữa”. Mài giũa trí tuệ cho sắc bén và kiểm soát cảm xúc là rất quan trọng, nhưng chưa đủ. Hành động mới mang lại cho bạn chiến thắng. Các hậu vệ dâng lên tấn công phải chạy nước rút, các luật sư phải nghiên cứu hồ sơ vụ án, các bác sĩ hết sức tập trung trong phòng cấp cứu, các bậc cha mẹ đi làm về đúng giờ khi đã hứa với con cái là không về trễ, là những người hành động có kỷ luật. Và khi họ thực hiện được, những người khác sẽ nhận được lợi ích từ đó.
Suy ngẫm
Nói đến tính kỷ luật, bạn thấy mình thế nào?
Bạn có chấp nhận những thách thức về tinh thần và thể chất chỉ để rèn luyện tính kỷ luật không?
Hay bạn luôn tìm cách để ở trong vùng thoải mái của mình?
Có khi nào bạn hối tiếc vì bạn đã không buộc bản thân mình làm những điều bạn biết là đúng đắn không?
Hay hầu hết thời gian bạn tin rằng mình đã làm tốt nhất có thể?
Và bạn phản ứng như thế nào trước áp lực?
Những thành viên trong đội của bạn có thể mong đợi bạn nỗ lực nhiều hơn, hay bạn sẽ bùng nổ bất ngờ khi mọi việc không như mong muốn?
Câu trả lời của bạn sẽ cho cái nhìn thấu đáo về việc liệu bạn có chiến thắng trong cuộc chiến rèn luyện tính kỷ luật hay không.
Ghi nhớ
Để trở thành một thành viên có tính kỷ luật,bạn cần…
- Củng cố thói quen làm việc. Nhà nghiên cứu sinh học và nhà giáo dục học Thomas Huxley nhận xét: “Có lẽ kết quả có giá trị nhất của mọi nền giáo dục là khả năng buộc chính mình làm những điều phải làm khi cần thiết, dù bạn có thích hay không. Đó là bài học đầu tiên ta nhất định phải học được, dù ta bắt đầu học sớm thế nào, và chắc chắn nó cũng là bài học cuối cùng mà ta phải học thật kỹ”. Tính kỷ luật có nghĩa là làm những điều đúng vào đúng thời điểm vì những lý do đúng. Hãy đánh giá lại những ưu tiên của bạn và theo dõi để xem bạn có đang đi đúng hướng hay không. Và hàng ngày hãy làm những việc cần thiết dù không dễ chịu với bạn, để giữ bản thân luôn có tính kỷ luật.
- Chấp nhận thách thức. Để củng cố trí tuệ và sự quyết tâm của mình, hãy chọn ra một nhiệm vụ hoặc một dự án mà bạn sẽ phải buộc mình đặt hết đầu óc vào thực hiện. Làm như vậy sẽ đòi hỏi bạn phải suy nghĩ một cách sắc nét và hành động với tinh thần kỷ luật cao. Hãy tiếp tục duy trì việc đó và bạn sẽ thấy mình có khả năng nhiều hơn bạn vẫn tưởng.
- Cẩn trọng lời ăn tiếng nói. Nếu thỉnh thoảng bạn có phản ứng cảm xúc thái quá, bước đầu tiên để cải thiện là ngừng nói những gì không nên nói. Lần tiếp theo khi bạn muốn mắng ai, hãy dằn lưỡi trong năm phút, cho bản thân một cơ hội để bình tĩnh và nhìn mọi việc một cách sáng suốt hơn. Vận dụng kỹ thuật này nhiều lần, bạn sẽ thấy mình làm tốt hơn trong việc điều khiển cảm xúc.
Mỗi ngày một câu chuyện
Vào thế kỷ 14, tại vùng đất mà ngày nay là nước Bỉ, có một người đàn ông tên là Reynald III. Reynald là một nhà quý tộc, được thừa kế hợp pháp tước hiệu công tước và cai quản đất đai do ông bà để lại, nhưng người em trai của ông luôn chống đối và muốn chiếm tước hiệu của ông. Em trai của Reynald đã bắt cóc ngài công tước trên đường đi, nhưng lại không muốn giết anh mình. Thế nên người em có một kế hoạch tài tình. Vì Reynald là một người đàn ông cao to, em ông đã giam ông trong một căn phòng có một cánh cửa rất nhỏ. Nếu Reynald giảm cân, ông ta sẽ có thể rời đi. Em trai ông đã hứa rằng nếu Reynald rời được khỏi căn phòng, ông ta sẽ được tự do và được trả lại tước hiệu.
Nhưng Reynald không phải là người có tính kỷ luật, và em của ông biết điều đó. Mỗi ngày, người em mang những khay đầy thức ăn ngon đến căn phòng giam giữ anh mình. Và Reynald đã ăn. Kết quả là thay vì phải ốm hơn, ông ta đã càng ngày càng mập ra.
Người thiếu tính kỷ luật cũng giống như tù nhân bị giam cầm trong một nhà tù không có chấn song. Thế thì những thói quen của bạn có khiến bạn trở thành tù nhân của chính mình không?