Đưa thêm giá trị vào cho đội ngũ là điều vô giá
Mục đích của cuộc sống không phải là giành chiến thắng. Mục đích của cuộc sống là phát triển và chia sẻ. Khi bạn nhìn lại tất cả những gì mình đã làm trong đời, bạn sẽ cảm thấy toại nguyện từ những niềm vui bạn đã mang đến cho cuộc đời người khác hơn là những lúc bạn vượt qua và đánh bại họ.
- Rabbi Harold Kushner
Hầu hết chúng ta sẽ có được trạng thái ổn định khi không còn căng thẳng giữa việc chúng ta đang ở đâu và chúng ta nên ở đâu.
- John Gardiner
Trái tim dũng cảm
Năm 1296, vua Edward I của nước Anh tập hợp một đội quân hùng mạnh vượt biên giới để chinh phạt Scotland. Edward là một nhà lãnh đạo tài ba và là một chiến binh tàn bạo. Là một người cao lớn và mạnh mẽ, ông đã ra trận từ tuổi 25. Trong những năm sau đó, ông trở thành một chiến binh dày dạn kinh nghiệm từ các cuộc Thập tự chinh qua vùng Đất Thánh.
Năm đó, ở tuổi 57, ông vừa trở về từ chiến thắng xứ Wales, nơi mà ông đã càn quét người dân và thôn tính lãnh thổ. Trong cuộc chiến này, mục đích của ông rất rõ ràng: “Để ngăn chặn tính liều lĩnh của người xứ Wales, để trừng phạt sự kiêu căng của họ, và để chống lại sự hủy diệt của chính họ”.
Trong một giai đoạn, Edward đã cố thao túng vận mệnh của Scotland. Ông dàn xếp để biến mình thành chúa tể cai trị toàn lãnh thổ, rồi đưa lên ngôi một ông vua yếu ớt mà dân Scotland gọi là Toom Tabard, tức “vua bù nhìn”. Edward chèn ép vị vua bù nhìn này cho đến một ngày ông ta nổi loạn, và đã cho vị đế vương nước Anh một lý do chính đáng để xâm chiếm Scotland. Scotland sụp đổ.
Edward đánh tan thành lũy Berwick và tàn sát dân cư ở đó. Những thành lũy, pháo đài khác cũng lần lượt quy hàng một cách nhanh chóng. Vị vua người Scotland bị tước ngôi, và nhiều người đã tin rằng số phận của người Scotland cũng giống như người xứ Wales. Nhưng họ đã không tính đến nỗ lực của một người đàn ông: ngài William Wallace, người mà đến nay vẫn được tôn thờ như là người hùng của đất nước Scotland, dù ông đã qua đời gần 700 năm.
Nếu bạn đã xem bộ phim Braveheart, bạn sẽ thấy hình ảnh William Wallace hiện lên như một chiến binh quyết liệt và dũng mãnh, người xem tự do quý hơn hết thảy mọi thứ. Anh trai cả của ông, Malcolm, đã được trông đợi sẽ nối gót cha trở thành một chiến binh. William, giống như những người con trai thứ khác, được định sẽ trở thành tu sĩ và được dạy dỗ những tư tưởng giá trị, trong đó có sự tự do. Nhưng rồi ông lớn lên trong phẫn nộ trước sự đàn áp, đô hộ của người Anh sau khi cha ông bị giết trong một cuộc phục kích và mẹ ông bị buộc phải sống lưu vong. Ở tuổi 19, ông trở thành chiến binh khi bị một nhóm người Anh áp bức. Khi gần 20 tuổi, William đã là một chiến binh dày dạn kinh nghiệm.
Trong suốt thời đại của William Wallace và vua Edward I, chiến tranh thường diễn ra với sự tham gia của những hiệp sĩ tài giỏi, những người lính chính quy và cả lính đánh thuê. Quân đội càng lớn mạnh và dày dạn thì sức mạnh của họ càng dữ dội hơn. Khi Edward chiến đấu với quân đội xứ Wales vốn yếu kém hơn, người xứ Wales đã không có lấy một cơ hội để chiến thắng. Quân đội Scotland cũng bị cho rằng sẽ chịu số phận tương tự. Nhưng Wallace có một khả năng phi thường. Ông đã thu phục được những thường dân Scotland đi theo ông, làm cho họ tin tưởng vào sự nghiệp giành lại tự do, và ông đã truyền cảm hứng cũng như trang bị vũ khí để họ đấu tranh chống lại cỗ máy xâm lược người Anh.
Rốt cuộc William Wallace đã không thể đánh bại người Anh và giành lại độc lập cho Scotland. Năm 33 tuổi, ông bị hành hình một cách tàn nhẫn (Việc hành quyết ông thực tế còn ghê rợn hơn các hình ảnh được mô tả trong phim Braveheart). Nhưng di sản ông để lại vẫn tiếp tục được nhân rộng. Năm sau đó, được truyền cảm hứng bởi tấm gương Wallace, nhà quý tộc Robert Bruce đã đứng lên giành lại ngôi vua Scotland, và tập hợp được một lực lượng chiến đấu không chỉ gồm giai cấp nông dân mà còn có cả quý tộc. Và đến năm 1314, Scotland cuối cùng đã tìm lại độc lập đầy cam go.
Đi vào chi tiết
Những thành viên trong đội sẽ luôn yêu quý và thán phục những ai có thể giúp họ tiến được những bước xa hơn, ai đó có thể mở mang, phát triển họ và trao cho họ khả năng thành công. Những người thuộc dạng này sẽ giống như cầu thủ siêu sao Bill Russell của đội Boston Celtics, người từng nói: “Thước đo quan trọng nhất cho việc tôi đã chơi tốt như thế nào trong một giải đấu chính là tôi đã khiến cho đồng đội của tôi chơi tốt hơn ra sao”.
Những người có tính lan tỏa có một vài đặc điểm chung sau đây:
1. Coi trọng đồng đội của mình
Nhà tư bản Charles Schwab nhận định: “Tôi chưa tìm được người nào với địa vị cao mà lại không làm việc một cách tốt hơn và đặt vào đó những nỗ lực lớn hơn với tinh thần chấp nhận, hơn là với tinh thần phê phán”. Đồng đội của bạn có thể cho thấy liệu bạn có tin ở họ hay không. Hiệu quả công việc của một người thường phản ánh sự kỳ vọng của những người mà họ quý trọng.
2. Coi trọng những gì đồng đội họ coi trọng
Những người có tính lan tỏa thường làm nhiều hơn cho đồng đội của họ; họ hiểu giá trị của đồng đội mình. Họ lắng nghe để hiểu đồng đội mình nói gì và quan sát để biết đồng đội mình làm gì. Hiểu biết đó, cùng với mong muốn có liên quan đến nhau, sẽ hình thành nên một mối liên kết vững chắc giữa các thành viên. Và điều này làm nên đặc tính tiếp theo đây.
3. Thêm giá trị cho đồng đội
Thêm giá trị cho người khác thật sự là một đặc tính cơ bản của người có tính lan tỏa. Thêm giá trị cho người khác chính là tìm nhiều cách để giúp đỡ họ cải thiện khả năng và thái độ của mình. Người có tính lan tỏa sẽ tìm kiếm tài năng, năng lực, điểm độc đáo ở người khác, và giúp họ nâng cao những khả năng đó vì lợi ích của họ cũng như của toàn đội. Người có tính lan tỏa có thể dẫn dắt người khác lên một tầm cao hơn.
4. Làm cho bản thân mình thêm phần giá trị
Những người có tính cách mở rộng sẽ làm cho bản thân trở nên tốt hơn, không chỉ vì mang lại lợi ích cho cá nhân họ, mà còn vì điều đó giúp họ có thể giúp đỡ người khác. Bạn không thể cho cái mà bạn không có. Ví dụ, trong bóng rổ, một cầu thủ tuyệt vời như Karl Malone đã được hỗ trợ bởi một cầu thủ chuyền bóng tuyệt vời, như đội trưởng John Stockton. Nếu bạn muốn nâng cao năng lực của đồng đội, hãy làm cho bản thân trở nên giá trị hơn.
Suy ngẫm
Đồng đội của bạn nhìn nhận bạn là người thế nào?
Bạn có phải là người biết khai mở?
Bạn có giúp đồng đội trở nên tốt hơn thông qua nguồn cảm hứng và sự đóng góp của bạn?
Bạn có biết đồng đội của bạn coi trọng điều gì không?
Bạn có tận dụng những điều đó bằng cách tăng thêm giá trị cho họ trong những lĩnh vực đó không?
Trở thành một người mở mang không phải luôn là điều dễ dàng. Đầu tiên, bạn phải là một người vững vàng thì mới có thể tăng thêm giá trị cho người khác. Nếu từ sâu trong đáy lòng, bạn tin rằng việc giúp đỡ người khác bằng cách này hay cách khác sẽ làm tổn thương bạn hay ảnh hưởng đến những cơ hội thành công của bạn, thì bạn sẽ khó khăn khi giúp họ phát triển. Nhưng như Henry Ward Beecher phát biểu: “Chẳng ai bị lừa dối nhiều hơn người ích kỷ”. Khi một thành viên không có thói ích kỷ và giúp phát triển người khác, anh ta cũng đang tự phát triển chính mình.
Ghi nhớ
Nếu bạn muốn trở thành một thành viên có thể mở mang, hãy làm theo những điều dưới đây:
- Tin vào người khác trước khi họ tin vào bạn.Nếu bạn muốn giúp người khác trở nên tốt hơn, bạn phải trở thành người tiên phong. Bạn không thể ngập ngừng do dự. Hãy hỏi bản thân: “Điều gì là quan trọng, là duy nhất, và tuyệt vời về người đồng đội này?”. Sau đó hãy chia sẻ những nhận định của bạn với người đó và với những người khác. Nếu bạn tin tưởng người khác và xem trọng uy tín của họ, bạn có thể giúp họ trở nên tốt hơn họ vẫn tưởng.
- Phụng sự người khác trước khi người ta phụng sự mình. Một trong những sự giúp đỡ có ích nhất mà bạn có thể làm là giúp người khác phát huy tiềm năng của họ. Trong gia đình, hãy đỡ đần người bạn đời của mình. Hãy giải phóng thời gian và nguồn lực của họ để họ có thể làm giàu thêm kinh nghiệm sống cho bản thân. Trên sân bóng, hãy tìm cách để đồng đội bắt được bóng. Trong công việc, hãy giúp đồng nghiệp tỏa sáng. Và bất cứ khi nào có thể, hãy trao niềm tin của bạn đến người khác vì sự thành công của toàn đội.
- Tăng thêm giá trị cho người khác trước khi họ tăng thêm giá trị cho bạn. Một chân lý cơ bản của cuộc sống là con người sẽ luôn hướng về phía người nào nâng họ lên cao và tránh xa những người làm giảm giá trị của họ. Bạn có thể phát triển người khác bằng cách chỉ ra những điểm mạnh của họ và giúp họ tiến bộ hơn. Song, hãy nhớ điều này: khuyến khích và động viên người khác bước ra khỏi vùng an toàn của họ, nhưng đừng bao giờ khuyến khích họ làm những gì ngoài khả năng. Nếu bạn cố đẩy người khác làm việc trong những lĩnh vực họ không có khả năng, bạn sẽ chỉ khiến họ vỡ mộng.
Mỗi ngày một câu chuyện
Đã từ rất lâu, từ lúc bắt đầu ghi nhớ được, cậu bé Chris Greicius đã luôn mơ ước một ngày nào đó cậu sẽ trở thành một sĩ quan cảnh sát. Nhưng có một trở ngại lớn chắn trên đường của cậu. Cậu bị bệnh bạch cầu, và không có hy vọng sống đến tuổi trưởng thành. Khi Chris lên bảy, cuộc chiến chống lại bệnh tật của cậu trở nên tồi tệ hơn, và đó cũng là lúc một người bạn của gia đình – một viên chức hải quan, đã sắp đặt mọi thứ để Chris thực hiện được giấc mơ của mình. Ông gọi cho sĩ quan Ron Cox ở Phoenix để thu xếp cho Chris trải qua một ngày làm sĩ quan cảnh sát ở Phòng Cảnh sát Trật tự Công cộng bang Arizona.
Vào ngày hôm đó, Chris được đón chào bởi ba chiếc xe hơi tuần tra và một chiếc mô tô cảnh sát lái bởi Frank Shankwitz. Sau đó, cậu được đi một vòng trên máy bay trực thăng của cảnh sát. Họ kết thúc ngày hôm ấy bằng việc long trọng tuyên bố Chris là người đầu tiên và duy nhất trở thành một sĩ quan cảnh sát danh dự của quốc gia. Ngày tiếp theo, Cox nhờ đến sự hỗ trợ của công ty sản xuất đồng phục cho Cảnh sát Tuần tra bang Arizona, và trong vòng 24 giờ, họ đã tặng cho Chris một bộ đồng phục cảnh sát tuần tra. Cậu đã hạnh phúc ngất ngây.
Hai ngày sau đó, Chris qua đời ở bệnh viện, với bộ đồng phục cảnh sát được cầm chặt trong tay. Sĩ quan Shankwitz rất đau buồn vì cái chết của người bạn nhỏ, nhưng ông cảm thấy được an ủi vì đã có cơ hội giúp Chris thực hiện ước mơ. Và ông cũng nhận thấy có rất nhiều đứa trẻ ở trong hoàn cảnh tương tự như Chris. Điều đó thúc đẩy Shankwitz thành lập một tổ chức mang tên Make-A-Wish. Trong 20 năm qua kể từ ngày ấy, ông và tổ chức của mình đã biến ước mơ thành hiện thực cho hơn 80.000 trẻ em.
Không gì đáng giá hơn – hay đáng tưởng thưởng hơn – là tăng thêm giá trị cho cuộc đời người khác.