Nhiệt huyết của bạn là nguồn năng lượng cho toàn đội
Tôi cảm thấy tiếc cho những ai không thật sự thấy phấn khích về công việc của mình. Không chỉ anh ta không bao giờ thấy thỏa mãn, mà anh ta còn không bao giờ đạt được thành tựu gì đáng kể.
- Walter Chrysler
Không có điều lớn lao nào từng đạt được mà thiếu lòng nhiệt huyết.
- Ralph Waldo Emerson
Những người yêu HOG
Niềm đam mê của họ tựa như một huyền thoại, huyền thoại như chính điều mà họ đam mê vậy. Nhiều người trong số họ là thành viên của một tổ chức có tên gọi là HOG. Vào tháng 6 năm 1998, có hơn 140.000 người diễu hành qua các con phố ở Milwaukee, bang Wisconsin, để ca tụng tình yêu của mình. Họ là chủ nhân của những chiếc xe mô tô hiệu Harley-Davidson.
Tháng 6 năm 1998 là dịp kỷ niệm 95 năm thành lập công ty Harley-Davidson Motor, một công ty ra đời vào năm 1903, trong một căn nhà gỗ một tầng khi chàng trai trẻ 21 tuổi William S. Harley và cậu bạn 20 tuổi Arthur Davidson quyết định gắn động cơ cho những chiếc xe đạp. Đó là năm đầu tiên họ bắt tay vào xây dựng công ty và bán được ba chiếc xe máy. Không mất nhiều thời gian để họ thành công và mở rộng công ty. Mỗi năm họ lại chế tạo ra được nhiều xe hơn.
Khi môn đua xe máy ra đời và trở nên phổ biến, Harley-Davidson đã chiếm vị trí thống lĩnh. Thế chiến thứ nhất nổ ra, các nước Đồng minh nhanh chóng khám phá ra giá trị của những chiếc xe mô tô trong công tác phục vụ chiến đấu. Harley-Davidson ước tính công ty của họ cung cấp được khoảng 20.000 chiếc xe phục vụ cho quân đội Mỹ trong suốt cuộc chiến. Và sau khi thỏa thuận ngừng bắn được ký bởi các bên tham chiến, người Mỹ đã tiến vào thị trường Đức đầu tiên và công ty mô tô Harley-Davidson được mở ở đó.
Trong hơn nửa thế kỷ, Harley-Davidson đã làm ăn rất phát đạt. Một trong những điểm mạnh của nó là mô hình kinh doanh gia đình, nơi những nhân viên của họ và khách hàng kết nối với nhau bằng tình yêu đối với những chiếc mô tô Harley-Davidson. Và như thế công ty cứ liên tục phát triển, cập nhật và cải tiến thêm nhiều mẫu mã mới, cũng như có được một lượng lớn người hâm mộ. Vào khoảng đầu những năm 1970, Harley-Davidson chiếm khoảng gần 80% thị phần xe mô tô phân khối lớn (850+ cc) trên toàn nước Mỹ.
Nhưng ngay trước khi Harley-Davidson tiến được tới đỉnh cao vào những năm 1970, họ bắt đầu đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng. Đầu những năm 1960, công ty tiến hành cổ phần hóa để huy động thêm vốn cho việc hiện đại hóa, đa dạng hóa và cạnh tranh tốt hơn với các công ty sản xuất xe máy của Nhật. Đến cuối những năm 1960, AMF đã thu mua lại công ty. Sau lịch sử 65 năm đầy tự hào tại Milwaukee, tổng hành dinh của công ty đã bất ngờ chuyển về New York, và nhà máy chế tạo xe chuyển về Pennsylvania. Nhân viên của Harley-Davidson vì thế mà sa sút tinh thần.
Hơn một thập kỷ kế tiếp, danh tiếng của Harley-Davidson không ngừng trượt dốc. Những chiếc mô tô Harley-Davidson không còn được tin cậy nữa. Các viên chức cảnh sát trên khắp nước Mỹ, những người đã từng tự hào lái những chiếc xe mô tô do công ty Mỹ sản xuất, nay bắt đầu chuyển qua dùng xe mô tô của Nhật, vì chúng rẻ hơn và đáng tin cậy hơn. Năm 1980, Harley-Davidson chỉ còn chiếm khoảng hơn 30% thị phần mà nó đã từng thống lĩnh. Và lần đầu tiên trong lịch sử, công ty bị thua lỗ. Tương lai của Harley-Davidson trở nên tồi tệ.
Điều đã cứu Harley-Davidson chính là điều đã luôn đồng hành cùng nó: niềm đam mê của nhân viên và khách hàng dành cho những chiếc mô tô đã làm nên tên tuổi của Harley-Davidson. Năm 1981, 13 quản lý cấp cao của công ty đã mua lại công ty, bao gồm Vaughn Beals, một người đam mê xe Harley từ hồi Thế chiến thứ hai, và là người từng điều hành mảng xe mô tô cho AMF. Họ nhanh chóng bắt tay vào khôi phục Harley-Davidson. Họ tổ chức lại các hoạt động điều hành hợp lý hơn, cải tiến các phương pháp sản xuất kinh doanh, và giới thiệu những sản phẩm mới ra thị trường. Họ cũng làm dấy lên niềm đam mê của những người dùng xe Harley bằng cách lập ra HOG – Harley Owners Group, tức Hội những Chủ xe Harley (mà hiện nay đã có hơn 600.000 thành viên). Năm 1985, sau 5 năm, Harley-Davidson đã kiếm lại được lợi nhuận.
Rất nhiều người đã rời khỏi công ty trong những năm đó, nhưng những nhân viên ở lại đã cống hiến hết lòng. Trong những năm tiếp theo, Harley-Davidson quyết định phải kiểm soát các cam kết, kiến thức và tinh thần nhiệt huyết của họ trong một mối quan hệ đối tác có một không hai, bắt đầu giữa người lao động và cấp quản lý điều hành, sau đó mở rộng ra tất cả những người có liên quan: khách hàng, người lao động, nhà cung cấp, cổ đông, chính quyền và cả cộng đồng. Ngày nay, tinh thần nhiệt huyết và sự đồng lòng ấy đã được đền đáp. Harley-Davidson đã chế tạo và bán ra hơn 200.000 chiếc xe trên khắp thế giới mỗi năm, với thực thu hơn 2,9 tỷ đô la.
Đi vào chi tiết
Điều gì đã cứu Harley-Davidson? Tôi tin rằng đó chính là nhiệt huyết. Đó là nhiệt huyết của Beals và 12 nhà quản lý cấp cao khác, những người đã mua lại công ty và duy trì sự phát triển của nó từ năm 1981. Đó cũng là nhiệt huyết của tất cả những người lao động đã ở lại với công ty trong giai đoạn khó khăn để chế tạo ra những chiếc xe mô tô tốt hơn khi mà 40% lực lượng lao động bị cắt giảm. Và tất nhiên đó còn là lòng nhiệt tình của khách hàng – những người đã một thời gian dài xem Harley-Davidson như là dòng xe mô tô đỉnh cao – đã mang lại cho công ty những thành công tài chính như ngày hôm nay.
Không gì có thể thay thế được lòng nhiệt huyết. Khi mọi thành viên đều nhiệt huyết, toàn đội ngũ sẽ tràn đầy năng lượng. Và năng lượng đó tạo ra sức mạnh. Nhà tư bản Charles Schwab nhận xét: “Con người có thể thành công ở hầu hết mọi việc mà họ có lòng nhiệt tình”.
Hãy nghĩ về những người mang tinh thần, thái độ nhiệt tình trong làm việc nhóm và bạn sẽ nhận ra họ là những người…
1. Nhận trách nhiệm với chính nhiệt huyết của mình
Những người thành công hiểu rằng thái độ là một lựa chọn – bao gồm cả lòng nhiệt huyết. Người đợi lực tác động bên ngoài giúp họ dấy lên nhiệt huyết là người luôn phải trông cậy vào lòng thương của người khác. Họ có thể nắng mưa thất thường theo những gì diễn ra xung quanh họ. Dù sao thì những người tích cực sẽ luôn tích cực bởi vì họ chọn lựa như thế. Nếu bạn muốn sống tích cực, vui vẻ và đầy đam mê, bạn cần phải tự chịu trách nhiệm đối với bản thân về thái độ mà mình chọn lựa.
2. Bắt tay hành động ngay
Bạn không thể chiến thắng nếu như bạn không bắt tay hành động ngay. Đó là lý do tại sao bạn cần phải hành động trước tiên. Bạn không thể thoát khỏi vòng tròn thờ ơ bằng việc chờ đợi để cảm thấy muốn làm. Tôi đã nói về một vấn đề tương tự như vậy trong cuốn Failing Forward:
Những người muốn vượt ra khỏi vòng tròn sợ hãi thường tin rằng họ phải loại bỏ (nỗi sợ của họ) để phá vỡ vòng tròn đó. Nhưng bạn không thể đợi có động lực thì mới dấn thân. Để chế ngự nỗi sợ, bạn phải cảm nhận nỗi sợ và rồi dù thế nào cũng phải hành động. Bạn phải tự mình dấn thân. Cách duy nhất để phá vỡ vòng tròn là bạn phải đối mặt với nỗi sợ hãi và hành động – cho dù hành động đó bé nhỏ hay dường như không đáng kể. Để vượt lên nỗi sợ, bạn phải bắt đầu.
Tương tự, nếu bạn muốn trở thành người nhiệt huyết, bạn cần phải bắt đầu hành động nhiệt huyết. Nếu bạn chờ đến lúc có cảm hứng thì mới hành động, có thể bạn sẽ không bao giờ có nhiệt huyết.
3. Tin tưởng vào việc mình làm
Làm thế nào những người thiếu nhiệt huyết trở nên tràn đầy nhiệt huyết? Một trong những cách tốt nhất là nghĩ về tất cả những khía cạnh tích cực trong công việc của bạn. Tin vào những gì mình làm và tập trung vào những niềm tin tích cực đó sẽ giúp bạn hành động và nói một cách tích cực về những gì mình đang làm. Điều này giúp thắp lên ngọn lửa nhiệt huyết bên trong, và một khi đã được nhóm lên, những gì bạn cần phải làm là tiếp tục nuôi dưỡng ngọn lửa đó.
4. Kết giao với những người nhiệt huyết
Nếu bạn muốn tăng thêm lòng nhiệt huyết của mình, hãy kết giao với những người nhiệt huyết. Denis Waitley, tác giả các cuốn sách về tâm lý chiến thắng, nói: “Lòng nhiệt huyết rất dễ lây lan. Thật khó để giữ thái độ trung lập hay bàng quan giữa những người có suy nghĩ tích cực”. Và khi bạn kết hợp những người nhiệt huyết vào cùng một đội, khả năng của đội ngũ ấy sẽ là vô tận.
Suy ngẫm
Chủ tịch Microsoft, Bill Gates, đã nói: “Điều tôi làm tốt nhất là chia sẻ nhiệt huyết của mình”. Rõ ràng là khả năng đó đã mang lại cho nhân viên trong công ty ông những thành công to lớn. Nếu được hỏi, liệu đồng đội của bạn sẽ nói rằng bạn có một ảnh hưởng tương tự lên họ chứ?
Nhiệt huyết làm tăng khả năng hoàn thành công việc của một người; trong khi thờ ơ làm tăng sự viện cớ, thoái thác của anh ta. Người ta sẽ tìm thấy ở bạn những đặc tính nào?
Ghi nhớ
Để gia tăng nhiệt huyết của bạn, hãy...
- Thể hiện sự cấp thiết. Một cách hay để làm bùng lên ngọn lửa nhiệt huyết trong mình là làm mọi việc với sự khẩn trương hơn. Hãy nhận diện một dự án mà hiện tại bạn đang theo với ít sự nhiệt tình, trong khi lẽ ra bạn nên nhiệt tình hơn nữa. Hãy đề ra cho mình những hạn cuối để hoàn tất các bước của công việc mà bạn có một chút tham vọng thực hiện thay vì làm những công việc làng nhàng. Làm như vậy sẽ giúp bạn thêm tập trung và có nhiều năng lượng hơn.
- Sẵn lòng làm nhiều hơn. Một cách để thể hiện lòng nhiệt tình với đồng đội là làm nhiều hơn mức bình thường. Tuần này, khi có ai yêu cầu bạn làm gì, hãy làm và làm hơn thế nữa. Sau đó lặng lẽ quan sát tác động của việc này đến bầu không khí chung của toàn đội.
- Phấn đấu cho sự xuất sắc. Elbert Hubbard đã nói: “Sự chuẩn bị tốt nhất để làm tốt công việc ngày mai là làm tốt công việc hôm nay”. Không có gì nuôi dưỡng lòng nhiệt huyết tốt hơn một công việc được hoàn thành tốt. Nếu bạn đã từng tự cho phép bản thân cảm thấy thoải mái với các tiêu chuẩn làm việc, thì nay hãy nỗ lực gấp đôi để thực hiện chúng theo cách xuất sắc nhất.
Mỗi ngày một câu chuyện
Họ dành thời gian hàng tháng trời cho những việc mà rốt cuộc chỉ diễn ra trong vài giờ. Họ làm việc mỗi đêm giao thừa và ngày đầu năm mới, thay vì đi tiệc tùng hoặc ở nhà với gia đình. Họ là những người xây dựng và trang trí các xe hoa cho Tournament of Roses Parade – lễ hội diễu hành xe hoa hàng năm ở Pasadena, California.
Mỗi năm, có hơn 1 triệu người tham gia trên các tuyến đường diễu hành, và hơn 400 triệu người ở nhà mở tivi để xem buổi lễ hội được tổ chức thường niên kể từ năm 1890 này. Mặc dù có rất nhiều xe hoa được trang trí bởi các công ty chuyên nghiệp, nhưng một số vẫn được thiết kế và dựng bởi những người tình nguyện. Việc dựng các xe diễu hành bắt đầu từ mùa Xuân đến tận tháng Mười Hai. Và sau đó toàn bộ các xe diễu hành được trang trí với hoa, hạt và nhiều thứ khác trong những ngày trước khi diễn ra cuộc diễu hành.
“Có rất nhiều việc, rất nhiều người tình nguyện”, một điều phối viên dựng xe diễu hành giải thích. “Mất khoảng 4.000 giờ để thực sự dựng được một chiếc xe diễu hành, và cũng chừng đó giờ công để trang trí chiếc xe.”
Điều gì đã giữ chân các tình nguyện viên trở thành thành viên trong đội ngũ làm xe diễu hành năm này qua năm khác? Là nhiệt huyết của họ. Tình nguyện viên Pam Kontra giải thích: “Vui lắm! Rất nhiều việc phải làm, và mất nhiều thời gian, nhưng nhìn một chiếc xe hoa diễu hành lăn bánh trên đường và nói: ‘Tôi đã góp phần làm nên chúng’, đây thật sự là điều phấn khích”. Nhiệt huyết đó mang đến cho mỗi cá nhân và mỗi đội ngũ nguồn năng lượng vô tận để hoàn thành bất cứ nhiệm vụ khó khăn nào.