Làm cho mỗi hành động đều trở nên đáng giá
Thật dễ để sống trên thế giới này theo quan điểm của đám đông; cũng thật dễ khi sống cô đơn trong thế giới riêng của mình. Nhưng người vĩ đại là người hòa nhập giữa đám đông với sự độc lập của riêng mình.
- Ralph Waldo Emerson
Bạn cần phải nghĩ về những việc lớn trong khi đang làm những việc nhỏ, để tất cả những việc nhỏ ấy đều đi theo đúng hướng.
- Alvin Toffler
Những con búp bê đáng yêu
Năm 2000, vợ tôi, Margaret, và tôi lên chức ông bà. Con gái của chúng tôi, Elizabeth, và chồng là Steve, đã đưa đến thế giới này một bé con xinh đẹp tên là Madeline, và vài tháng sau con trai của chúng tôi, Joel Porter, và vợ là Elisabeth (vâng, điều này cũng khiến chúng tôi có chút bối rối), cũng sinh một bé con tên là Hannah. Suốt nhiều năm trời, bạn bè của chúng tôi, những người đã lên chức ông bà, nói với chúng tôi rằng trở thành ông bà là điều tuyệt vời như thế nào. Đó là tất cả những gì họ mong muốn và còn nhiều hơn thế.
Margaret và tôi bây giờ có một thú vui mới là tìm kiếm những cuốn sách, những món đồ chơi, và những món quà để tặng cho hai đứa cháu bé bỏng. Một ngày nọ, Margaret trở về nhà và nói: “John, em vừa tìm thấy một món quà tuyệt vời dành cho các cháu yêu của chúng ta. Chúng chưa đủ lớn, nhưng đó là một loạt sách dạy về lịch sử Mỹ từ quan điểm của một cô gái”.
Bà ấy cho tôi xem cuốn catalog. “Nó có nhan đề là American Girls Collection”, Margaret tiếp tục. “Mỗi bộ sách sẽ trình bày một giai đoạn khác nhau trong lịch sử nước Mỹ. Có những con búp bê khác nhau trong mỗi bộ sách. Quần áo, đồ dùng, và nhiều thứ khác nữa cho từng giai đoạn. Thậm chí còn có một tạp chí dành cho các cô bé nữa”.
Toàn bộ những cuốn sách dường như thật tuyệt vời cho những đứa cháu gái của chúng tôi. Tôi bắt đầu bị cuốn hút, nhưng không chỉ vì những đứa cháu gái của mình mà còn vì tôi thật sự lấy làm ấn tượng với những người làm ra bộ sách này. Vì thế tôi bắt đầu nghiên cứu đôi chút về nó.
Tôi khám phá ra một tổ chức có tên gọi là Pleasant Company, được thành lập vào năm 1986 bởi Pleasant T. Rowland, một cựu giáo viên. Thời còn đi học, Rowland đã rất thất vọng với những cuốn sách giáo khoa nhàm chán mà bà có, vì vậy bà bắt tay vào thực hiện những cuốn sách cho riêng mình. Sau này, bà làm việc trong ngành nghiên cứu giáo dục và xuất bản. Rồi bà bắt đầu lập công ty riêng cùng với một người bạn tên là Valerie Tripp, hai người đã cùng phát triển các ý tưởng sáng tạo dành cho các cô bé. Rowland nói: “Là một nhà giáo dục, tôi muốn cho các cô bé có sự hiểu biết về lịch sử nước Mỹ và cảm giác tự hào về truyền thống của phụ nữ Mỹ ngày trước. Vì khát khao này, bộ American Girls Collection đã ra đời”.
Linh hồn của bộ sưu tập chính là những cuốn sách. Quá trình để mang các cuốn sách đến được với nhau khá phức tạp, và đòi hỏi sự chú tâm cao độ trong từng bước thực hiện. Đầu tiên, các biên tập viên của Pleasant Company phải làm bản kế hoạch về một nhân vật trong một thời kỳ cụ thể và nơi chốn cụ thể. Bản kế hoạch này bao hàm các thông tin về ý nghĩa của thời kỳ đó đối với lịch sử nước Mỹ và mối liên hệ đến những cô gái ngày nay thế nào. Nó cũng xem xét các khía cạnh văn hóa, bao gồm nhà cửa, quần áo, thức ăn thức uống và nhiều thứ khác. Các chuyên gia, các tác giả, những người vẽ tranh minh họa có thể làm việc cho dự án này cũng phải được xác định trước. Một khi từng bộ phận đã được duyệt và đánh giá dự án khả thi, các biên tập viên sẽ chọn ra một tác giả, và phòng phát triển dự án bắt đầu nghiên cứu những sản phẩm có thể được tạo ra để làm phong phú thêm quá trình học tập cho trẻ em.
Hiển nhiên là chiến lược đã hoạt động hiệu quả. Công ty đã rất thành công, cả về khía cạnh giáo dục lẫn tài chính. Cho tới nay, công ty đã bán được 61 triệu cuốn sách và 5 triệu con búp bê, và tạp chí của họ thì có tới 700.000 người đăng ký. Pleasant Rowland đã nhận được rất nhiều giải thưởng và huy chương, bao gồm sự vinh danh từ Viện Doanh nhân Mỹ (nơi mà bà hiện đang đảm nhiệm một vị trí trong hội đồng).
Vì Rowland là một doanh nhân, có lẽ sự công nhận lớn nhất đối với bà là khi công ty của bà được mua lại bởi Mattel vào năm 1998, bà trở thành Phó Chủ tịch Mattel. Những người có thẩm quyền ra quyết định của Mattel đã bị ấn tượng bởi các kỹ năng kinh doanh của bà, ý thức sứ mệnh, và khả năng biến tầm nhìn thành hiện thực nhờ vào việc tính toán từng bước đi thành công bằng sự lãnh đạo có chủ đích của bà.
Đi vào chi tiết
Có chủ đích nghĩa là gì? Nó có nghĩa là làm việc có mục đích – mỗi một hành động đều phải được tính toán trước. Trong chương 11, chúng ta sẽ nói về ý thức sứ mệnh, điều này liên quan đến việc duy trì một bức tranh tổng thể trong tâm trí. Nhưng có chủ đích thì khác. Đó là việc chú tâm vào làm những điều đúng, trong từng khoảnh khắc, trong từng ngày, và theo một cách nhất quán.
Những cá nhân thành công luôn là những người có chủ đích. Họ không làm việc lung tung, bừa bãi. Họ biết họ đang làm gì và tại sao họ làm điều đó. Để một đội ngũ thành công, cần phải có những con người có chủ đích, tức là những người luôn có thể duy trì sự tập trung, chú tâm và làm việc có năng suất, là những người luôn biết tính toán từng hành động của mình.
Bất cứ ai mong muốn sống có chủ đích sẽ phải làm những điều sau:
1. Có một mục đích sống và đáng để sống vì mục đích ấy
Tính có chủ đích khởi phát từ việc có ý thức về mục đích sống. Willis R. Whitney, giám đốc thứ nhất của phòng nghiên cứu hãng General Electric, đã đưa ra ý kiến sau: “Một số người có hàng ngàn lý do cho việc họ không thể làm cái họ muốn làm, trong khi tất cả những gì họ cần chỉ là một lý do tại sao họ làm”. Bạn có thể thấy một lý do hết sức rõ ràng và mạnh mẽ trong công việc và trong cuộc sống của Pleasant Rowland. Mục đích của bà là giáo dục trẻ em, đặc biệt là những cô bé. Niềm khát khao đó đã dẫn dắt hành động của bà và giúp bà xây dựng nên một công ty trị giá 300 triệu đô la. Bạn không thể là người có chủ đích nếu bạn không có ý thức mạnh mẽ về mục đích sống của mình.
2. Hiểu rõ điểm mạnh và điểm yếu của mình
Nhà làm phim Woody Allen nói: “Bất kể tôi đang làm việc gì, tôi vẫn thích được làm cái mà hiện tại tôi không làm”. Một mặt, có thể ông ấy không yêu hết mọi khía cạnh nghề nghiệp của mình; nhưng mặt khác, ông đã làm nhiều phim đến nỗi ông vui thích với hầu hết mọi khía cạnh của chúng. Và ông ấy đã làm rất tốt. Sự thật là con người ta thích làm những gì mình làm tốt. Làm việc với những điểm mạnh của mình sẽ khơi dậy đam mê và làm mới năng lượng trong ta. Nếu bạn hiểu chính mình và những công việc mà bạn có thể làm tốt, bạn sẽ quản lý được thời gian và năng lượng của mình một cách có chủ đích.
3. Lập ưu tiên cho những trách nhiệm của mình
Một khi bạn biết được lý do của cuộc đời mình, sẽ dễ dàng hơn cho bạn trong việc tìm ra cái gì và khi nào. Henry David Thoreau nhận định: “Người ta không được sinh ra trên đời này để làm tất cả mọi thứ, mà để làm một số thứ”. Điều đó có nghĩa là bạn cần biết những ưu tiên của mình và không ngừng làm theo chúng.
4. Học cách nói “KHÔNG”
Một điều nữa mà người sống có chủ đích phải học đó là làm thế nào để nói “KHÔNG”. Đối với tôi, điều này thật sự rất khó khăn. Tôi chưa bao giờ gặp một cơ hội nào mà tôi không thích, vì vậy ham muốn tự nhiên của tôi là nói “CÓ” với tất cả mọi thứ. Nhưng bạn không thể hoàn thành mọi thứ mà không có sự tập trung.
Nhà hóa học John A. Widtsoe có nói: “Hãy để mỗi người hát bài hát của riêng mình trong cuộc đời”. Nếu bạn cố làm hết mọi việc tốt đến với mình, bạn sẽ không xuất sắc ở những việc bạn được sinh ra để làm.
5. Tự cam kết đạt được những thành tựu dài lâu
Nhiều người thích cách tiếp cận ngắn hạn theo kiểu tất cả hoặc không có gì. Họ có quan niệm theo kiểu “xổ số”: thắng lớn, hoặc không gì cả. Tuy nhiên, hầu hết chiến thắng trong cuộc đời đều đạt được từ những trận thắng nhỏ, tăng dần theo thời gian. Sẵn lòng hiến dâng mình cho một hành trình dài trên bước đường tiến tới thành tựu, thay vì chỉ tìm kiếm chiến thắng và sự đền đáp ngay lập tức, sẽ làm cho bạn sống có chủ đích hơn. Điều này là chính xác khi nói đến quá trình trưởng thành của bản thân, việc xây dựng các mối quan hệ, việc đầu tư tài chính, hay thành công nghề nghiệp.
Suy ngẫm
Bạn sống có chủ đích như thế nào?
Mỗi một ngày bạn sống, bạn có lập kế hoạch và mục đích cho mọi việc bạn làm hay không?
Bạn có biết nơi bạn đang đi và tại sao bạn làm điều mà bạn đang làm không?
Hay bạn chỉ đơn giản là đang trôi theo dòng chảy cuộc đời?
Nếu đồng đội của bạn không tìm thấy ở bạn ý thức sống có chủ đích, họ sẽ không biết bạn mong đợi điều gì, và họ sẽ không chắc có thể trông cậy gì ở bạn khi có việc gì thật sự xảy đến.
Ghi nhớ
Để nâng cao tính có chủ đích, bạn cần…
- Khai phá các điểm mạnh và điểm yếu của mình. Bạn không thể sống và làm việc có chủ đích, tập trung hiệu quả nếu bạn không biết về chính mình. Nếu bạn chưa thực hiện bài tự kiểm tra này, hãy làm một bản liệt kê tất cả các điểm mạnh và điểm yếu của bản thân. Sau đó, làm cuộc khảo sát nhỏ với các thành viên trong gia đình, bạn bè và đồng nghiệp để có thêm cái nhìn sâu hơn. Càng nhiều thông tin và phản hồi chân thật càng tốt.
- Chuyên sâu về chuyên môn của bạn. Khi bạn có sự hiểu biết vững chắc về các điểm mạnh của mình, bạn sẽ tập trung hơn. Mục tiêu của bạn là phải dành 80% thời gian và nỗ lực cho những việc đem lại lợi ích cho bản thân và cho đội. Hãy điều chỉnh lịch làm việc hàng ngày và danh sách những việc cần làm để phù hợp với tiêu chuẩn trên càng nhiều càng tốt.
- Lập lịch công việc có mục đích. Kế hoạch của bạn với chủ đích rõ rệt càng được lập dài hạn bao nhiêu, bạn càng có thể làm được nhiều hơn bấy nhiêu. Nếu bạn lập lịch làm việc của mình trong một vài giờ hoặc chỉ trong một ngày, bạn chỉ có thể làm được vài thứ trong đó thôi. Tốt hơn hết, bạn hãy nghĩ về những việc bạn muốn làm trong một tuần hoặc một tháng (Sẽ là ý tưởng hay nếu bạn lập được những mục tiêu cho một năm). Trong tuần này, hãy dành thời gian để lập kế hoạch cho các hoạt động của mình trong khoảng thời gian dài hơn. Nếu bạn thường xuyên lập kế hoạch hàng tuần, hãy thử vạch ra các mục tiêu cho một tháng. Nó sẽ giúp bạn chú tâm hơn trong suốt thời gian của mình.
Mỗi ngày một câu chuyện
Bạn của tôi, Dwight Bain, gửi cho tôi câu chuyện về một người trực radio nghiệp dư. Một ngày nọ, người này tình cờ nghe được trên sóng phát thanh lời khuyên của một cụ ông dành cho một chàng trai trẻ.
- Thật là đáng tiếc khi cậu phải xa nhà và gia đình quá nhiều. – Ông cụ nói. – Để tôi kể cậu nghe điều gì đã giúp tôi có quan điểm đúng đắn về những ưu tiên hàng đầu của mình. Cậu biết không, một ngày nọ tôi ngồi xuống làm một bài tính nhỏ. Một người trung bình sống khoảng 75 năm. Bây giờ thì tôi lấy 75 nhân 52 được 3.900, đây là tổng số ngày thứ Bảy mà trung bình mỗi người có trong cuộc đời.
- Cho đến năm 55 tuổi tôi mới nghĩ về tất cả những điều này thật cặn kẽ, – ông tiếp tục, – và lúc đó tôi đã sống qua 2.800 ngày thứ Bảy. Tôi đã nghĩ rằng nếu tôi sống đến 75 tuổi, tôi chỉ còn khoảng 1.000 ngày thứ Bảy nữa để tận hưởng.
Ông tiếp tục kể ông đã mua 1.000 viên bi và đặt vào trong một cái hộp nhựa dẻo trong khu vực làm việc yêu thích của ông tại nhà.
- Cứ mỗi thứ Bảy kể từ hôm ấy, – ông nói, – tôi lấy một viên bi ra và ném đi. Tôi khám phá ra rằng cứ nhìn thấy các viên bi giảm đi, tôi càng chú trọng hơn vào những điều thực sự quan trọng trong cuộc sống. Sẽ không có trải nghiệm nào giống với việc nhìn thấy thời gian còn lại của mình trên thế gian này lần lượt mất đi, để giúp ta chú trọng vào những ưu tiên của mình.
Sau đó, ông kết thúc:
- Bây giờ, trước khi tôi ngừng lời và đưa người vợ yêu quý ra ngoài ăn sáng, để tôi nói cho cậu thêm một suy nghĩ cuối cùng. Buổi sáng hôm nay, tôi đã lấy viên bi cuối cùng ra khỏi cái hộp nhựa. Tôi tính rằng nếu tôi còn làm được điều đó vào thứ Bảy tới, nghĩa là tôi đã được cho thêm một chút thời gian nữa để sống.
Chúng ta không thể quyết định liệu mình sẽ có thêm nhiều thời gian nữa hay không, nhưng chúng ta có thể chọn những gì chúng ta có thể làm. Nếu bạn là người sống có chủ đích với những gì mình có, hãy sử dụng tốt nhất thời gian và tài năng mà Thượng Đế đã dành tặng cho bạn.