Nếu không phải như thế, thì tình yêu là gì?
Chuyện hoang đường phổ biến nhất trong thế giới ngày nay là yêu thương đồng nghĩa với gắn kết, lưu luyến, lệ thuộc. Điều ta hiếm khi để ý đó là sự gắn kết luôn đi liền với nỗi sợ hãi - sợ mất hoặc sợ vật thể mình gắn kết bị hủy hoại. Mà sợ hãi thì không phải là yêu thương, ở đâu tồn tại nỗi sợ thì tình yêu thương không hiện hữu. Sợ hãi là khi tình yêu thương bị bóp méo bởi sự gắn kết.
Mỗi khi bạn gắn kết vào điều gì đó - vật thể, con người, nơi chốn hoặc chỉ là ý tưởng - trái tim bạn bị khóa chặn. Năng lượng phát tỏa tự nhiên từ trái tim bạn bị bóp méo thành những bước sóng hoặc làn sóng khác, nó tìm đường đi qua vật thể mà bạn gắn kết trong tâm trí và đi ra ngoài thế giới. Do đó, bạn không thể cởi mở và trao đi bản thân - bản thân bạn là tình yêu thương, bạn trao đi yêu thương - trọn vẹn, liên tục và toàn tâm toàn ý. Nỗi sợ sẽ xuất hiện trong nhận thức dưới hình thái âu lo, căng thẳng, lo lắng hoặc hoảng sợ.
Giống như những chiếc kính màu thay đổi màu sắc của ánh sáng đèn pha rọi xuống sân khấu, theo đó, bất kỳ sự gắn kết nào cũng hoạt động như một “bộ lọc” bóp méo dòng năng lượng - ánh sáng của tình thương - vốn tỏa ra tự nhiên từ bản thân. Bạn nhận biết được điều này thông qua một số hình thức biểu hiện của cảm xúc. Cảm xúc là dấu hiệu cho biết bạn bị gắn kết, bám víu vào điều gì đó hiển thị “trong tâm trí bạn”. Đó có thể là một ý tưởng hoặc hình ảnh của vật thể gắn kết “trong tâm trí” đang làm tắc nghẽn trái tim bạn - tình yêu của bạn, chính con người bạn. Chỉ có sự tách ra mới có thể mở cửa trái tim, khơi thông lại dòng năng lượng yêu thương và phục hồi khả năng yêu thương của bạn.
Nỗi ám ảnh về bất cứ điều gì hay bất kỳ ai đôi khi bị hiểu nhầm là tình yêu, nhưng thực chất nó là sự gắn kết, phụ thuộc cực đoan. Vào lúc đó, có sự tắc nghẽn hoàn toàn, như thể bạn không còn khả năng trao năng lượng cho bất kỳ đối tượng nào khác ngoại trừ vật thể liên tục xuất hiện trong tâm trí bạn. Khi bị ám ảnh như thế, bạn đang sử dụng vật thể mình gắn kết để định hình bản thân.
Lo lắng cho người mà bạn gọi là “người yêu” thì không phải là yêu thương thật sự, cũng không phải là quan tâm, mà là lo lắng, tiếp nối theo đó là sợ hãi. Sợ hãi gia tăng vì bạn gắn kết với đối tượng mình yêu thương. Sự thật hiển lộ khi nỗi lo (nỗi sợ) xuất hiện. Dưới ánh sáng tỏ tường của sự thật ấy, bạn có thể nhận ra họ không phải là “người yêu thương”, họ là “người gắn kết” của bạn! Ngày càng có nhiều người bắt đầu biết rằng không thể yêu thương, hay trao đi yêu thương nếu chúng ta gắn kết với đối tượng nào đó.
Niềm tin rằng tình yêu thương được nhận biết và được biểu đạt qua sự gắn kết là một trong những điều hoang đường nhất được định hình trong ý thức con người. Nó được ghi dấu trong hầu hết các phong tục, truyền thống và các nền văn hóa. Nó định nghĩa cho lối sống và định hình số phận. Nó sinh ra mâu thuẫn. Nó tạo dựng, đồng thời nuôi dưỡng cho mọi khổ đau mà chúng ta gọi là stress. Trong Phần 2 quyển sách này, chúng ta sẽ khám phá rõ cơ chế hoạt động của sự gắn kết để lý giải “Tại sao chúng ta gắn kết quá thường xuyên?”, “Làm thế nào để ‘tách ra’ một cách đúng nghĩa?” và “Tại sao ‘tách ra’ lại cần thiết cho sự
‘chữa lành/hàn gắn trái tim’?”. hãy hỏi bất kỳ ai từng trải qua con đường tâm linh thật sự và chắc hẳn họ sẽ đồng tình với ý tưởng: Bạn không thể yêu thương trừ khi bạn tách ra. Song, với nhiều người, đây lại là một nghịch lý lớn.
Bạn có đang theo dõi không?
Lần sau, bạn hãy để ý đến phản ứng tiêu cực của mình đối với bất kỳ ai hay trong bất kỳ tình huống nào và dành ra một lúc để ngẫm lại. Hãy thừa nhận rằng bạn là người tạo ra phản ứng của mình chứ không phải do người khác. Ngồi tĩnh tại với ký ức về phản ứng kia, chỉ quan sát nó khi bạn từ từ cho nó diễn lại trên màn hình tâm trí. Đừng phán xét, chỉ trích, đừng cố bào chữa. Chỉ theo dõi thôi. Bạn sẽ bắt đầu nhìn thấy đằng sau phản ứng kia là những đối tượng bạn đang gắn kết với chúng trong tâm trí, và chúng trở thành nguyên nhân khiến bạn tập nhiễm thói quen phản ứng tiêu cực. Yêu thương không gieo mầm phản ứng một cách đầy cảm xúc (tiêu cực) đối với ai hay với điều gì. Nó luôn là sự ứng phó với thái độ chấp nhận và đón nhận người khác. Yêu thương luôn là cách ứng xử khôn ngoan, đầy lòng trắc ẩn và bao dung. Chỉ có sự gắn kết mới gây ra phản ứng nóng vội, tiêu cực.