Trái lại mới phải!
Nếu tình yêu là tổn thương, đó không phải là tình yêu. Bây giờ, chúng ta hãy cùng theo dõi một tình huống “kinh điển” diễn ra trong nhà hàng. Vào buổi chiều chạng vạng nọ, khi ánh hoàng hôn vừa tắt, một đôi tình nhân trẻ bước vào nhà hàng để dùng bữa. họ liên tục trao cho nhau ánh nhìn lãng mạn, đắm đuối. Bất kỳ ai cũng có thể nghĩ: “Xem kìa, thật ngọt ngào, đáng yêu làm sao!”. Nhưng càng về sau, năng lượng thay đổi và những tranh cãi cỏn con bắt đầu nảy sinh; cho đến cuối cùng, một người chợt quát tháo, la lối với tâm trạng đầy tức giận, và người kia không chịu để mình lép vế. Mọi người xung quanh thầm thì: “Ối, xem này, họ đang tranh cãi,‘mối bất hòa của những tình nhân’ ấy mà, ắt hẳn họ đang yêu nhau cuồng nhiệt lắm đây”. Nhưng tức giận không phải là yêu thương. giận là giận! Cũng như sợ hãi, giận là một nỗi đau cảm xúc, là dấu hiệu cho biết đang thiếu vắng tình thương…
Thật đúng khi nói rằng những mối quan hệ mật thiết, thắm thiết nhất sẽ phải trải qua những bước thăng trầm, sẽ có những khoảnh khắc mâu thuẫn, xung đột với nhau và chịu đựng khổ đau. Nhưng chẳng có gì liên quan đến tình yêu thương ở đây, nguyên nhân gây mâu thuẫn là do sự phán xét - đổ lỗi, kỳ vọng - gắn kết, lệ thuộc - ghen tuông. Trong những lúc như thế, tình thương không hiện hữu mà tạm thời lẩn khuất. Yêu thương không gây ra mâu thuẫn, xung đột; yêu thương không bắt ai phải chịu đựng khổ đau; yêu thương không gây tranh cãi, chẳng gây ra nỗi đau nào. Tình yêu không tạo ra tổn thương, mà nó chữa lành cho tổn thương. Tổn thương luôn là sản phẩm của cái tôi giả tạo. Ở đâu có cái tôi, ở đó không có tình yêu thương. Cái tôi là bóng tối giam hãm ánh sáng của tình thương. Đó là những gì chúng ta đã học hỏi để thực hiện. Vì vậy, việc tự do thoát khỏi stress dường như là không thể.
Ngay cả bậc thánh nhân và hiền triết trong sạch nhất cũng có khả năng bị bóng tối của cái tôi áp đảo ánh sáng thánh thiện của họ. Tuy nhiên, họ hơn chúng ta ở chỗ họ có nhận thức, hiểu biết hơn về nó nên có thể xử lý nó tốt hơn.
Đa số những tổn thương đều xuất phát từ một ảo tưởng đơn giản nhưng phổ biến là người khác chịu trách nhiệm cho những cảm xúc của ta. Niềm tin “Không phải do tôi, là lỗi của họ!” đang thống trị thế giới ngày nay. Thật ra, ngược lại mới là đúng! Mỗi người chúng ta hoàn toàn chịu trách nhiệm cho cảm giác của mình, cho cảm xúc chúng ta tạo ra và cảm nhận được vào mọi lúc, trong mọi tình huống. Cũng không khó để chứng minh sự thật này.
Hãy hồi tưởng một mối quan hệ trong quá khứ, khi người nào đó nói điều tiêu cực với bạn và về chính bạn. Lúc ấy, bạn chẳng hề cảm thấy bực mình chút nào. hôm sau, họ lại nói với bạn điều tương tự, nhưng lần này bạn cảm thấy không chịu đựng nổi và phản ứng đầy cảm xúc. Như vậy, trong mỗi khoảnh khắc, bạn luôn là người quyết định cho phép mình cảm thấy như thế nào… luôn là như thế! Tuy nhiên, không dễ dàng nhận ra và sống với sự thật này vì mỗi khoảnh khắc “mở mắt” bước vào cuộc sống sôi động, chúng ta vẫn đang học hỏi và sống theo cách “kia”, sống với niềm tin rằng “Đó là do họ, không phải tại tôi!”.
Đây là lý do tại sao sự phán xét, đổ lỗi và kỳ vọng hiển hiện sừng sững trong đầu chúng ta mỗi khi chúng ta tương giao với người khác. Nó giải thích nguyên nhân vì sao tình yêu thương thường xuyên vắng bóng trong cuộc sống thường ngày. Chỉ có sự nhận biết “trách nhiệm bản thân” mới có thể bắt đầu chấm dứt tình trạng tự “làm tổn thương” bản thân, và khôi phục khả năng yêu thương.
Sự quân bình giữa Yêu thương và Phép tắc
Giữ được sự quân bình giữa thái độ yêu thương và việc tuân thủ phép tắc - theo kiểu “vừa đánh vừa xoa” - có lẽ là thử thách lớn cho những ai đang nắm giữ cương vị nào đó. Chúng ta có xu hướng kết hợp tình yêu thương với đức tính ân cần, tử tế, ngọt ngào và dịu dàng. Dĩ nhiên, yêu thương là dạng năng lượng tốt để trao và nhận dưới bất kỳ hình thức nào. Người biết yêu thương có bản tính ngọt ngào, nhưng đúng mực. Nếu quá ngọt ngào có thể gây “dính chặt”, nghĩa là sự gắn kết xuất hiện. Sự túng thiếu, khao khát tình cảm sẽ dễ dàng được nhận thấy ở những người quá ngọt ngào đến độ nhu nhược. Họ không nhận ra khi nào cần phải ngọt ngào và khi nào cần những biểu hiện khác của tình yêu thương. Còn “yêu cứng rắn” cũng không phải là một ý tưởng mới, song khó thực hiện khi thiếu tình cảm trong lòng. Trong khi yêu thương với thái độ cứng rắn là điều cần thiết trong mối quan hệ cha mẹ-con cái, giáo viên-học trò hoặc người quản lý-nhân viên, nhưng nếu bản thân cha mẹ/ giáo viên/nhà quản lý đang thiếu vắng tình cảm, họ sẽ không thể đề ra phép tắc dựa trên tình yêu thương. Luật lệ, phép tắc mà không đi đôi với tình thương là độc tài, chuyên chế, chỉ tạo ra sự xa lánh, ghét bỏ. Nhưng yêu thương mà không có phép tắc thì sẽ nảy sinh hỗn loạn. Nhiều nhà quản lý/giáo viên/phụ huynh tự hạ thấp hình ảnh của mình khi muốn nhận được sự thừa nhận từ người khác. Chỉ khi những hình thức lệ thuộc kia được hóa giải, họ mới có thể tương giao với mọi người bằng tình thương và đúng phép tắc, qua đó nhận được sự hợp tác tuân thủ theo luật lệ từ phía người khác.