Sao lại như thế được?
Niềm tin này hàm ý rằng có một “người đặc biệt” đối với tôi, “người bạn tâm giao” của tôi, người mà tôi được an bài ở bên họ suốt đời. Đây là mô tuýp quen thuộc trong những bộ phim hollywood và trong câu chuyện tình yêu lãng mạn. Theo đó, chúng ta học cách hạn chế tình thương đối với một người cá biệt nào đó hoặc với một vài mối quan hệ bị loại trừ, thường là trong gia đình chúng ta. Làm vậy, tình yêu thương trở nên bó hẹp, chỉ dành riêng cho những ai chúng ta tin tưởng và cảm thấy họ đặc biệt đối với cuộc đời ta, những người mà ta nghĩ là họ xứng đáng nhận được tình thương yêu của ta.
Thật ra, tình yêu thật sự không bao giờ có thể bị bó hẹp hay có tính loại trừ. Từ lúc sinh ra, chúng ta đã cảm nhận được tình thương có khả năng kết nối, hòa hợp với mọi người, không có sự ưu tiên, thiên vị, không có sự chọn lọc, loại trừ, không nghĩ rằng tôi sẽ yêu thương người này nhiều hơn người kia. Cánh tay yêu thương chấp nhận và dang rộng ôm lấy tất cả mà không phải đắn đo suy nghĩ đến lần thứ hai, ngay cả không cần đến suy nghĩ ngay từ đầu. Tình yêu đích thực không phán xét, chê trách hay chỉ trích ai theo bất kỳ cách nào.
Chúng ta không chỉ có một người bạn “tâm giao” duy nhất. Khi chúng ta là chính mình - “là yêu thương” - tất cả chúng ta đều là bạn “tâm giao” với nhau. Đó là lúc chúng ta nhìn xuyên qua nhiều lớp ảo tưởng cho rằng tình yêu có tính loại trừ và chọn lọc. Vậy, những cuộc hẹn hò, gặp gỡ thì sao? Lý do sâu xa nhất lý giải vì sao chúng ta có xu hướng bị “lẫn lộn” trong hiểu biết về tình yêu là do một nhầm lẫn đơn giản thường diễn đi diễn lại: chúng ta tin mình là cái hình dáng cơ thể mình đang có. Việc đồng hóa bản thân - con người nội tâm - với hình dáng thể lý làm hạn chế khả năng liên hệ với người khác. Theo đó, chúng ta chỉ còn có thể tương giao với nhau bằng một số giác quan - thị giác, thính giác và xúc giác. Phần lớn, nếu không muốn nói là toàn bộ, kiểu giao tiếp này làm cho hiểu biết của ta về tình yêu thương chỉ dừng lại ở sự trao đổi hoặc hành động “mắt thấy tai nghe”.
Từ trong ý thức, khi chúng ta nhìn đời qua lăng kính “vật chất”; thế nên mọi thứ, bao gồm vẻ đẹp, sự vui nhộn, hạnh phúc, niềm hân hoan vui sướng, v.v. đều trở nên nhuốm màu vật chất. Đó là lúc nhận thức về bản thân mình như là suối nguồn yêu thương tạm thời bị che lấp.
Khi chúng ta tin tưởng bản thân là những thực thể vật chất với năm giác quan, chúng ta vẫn đang liên tục tìm kiếm cảm giác do các giác quan mang lại, tức là muốn “nhận lấy/đoạt lấy” điều gì đó mà mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, tay sờ, lưỡi nếm được. Sự kích thích do giác quan mang lại bị nhầm tưởng với tình yêu thương. Nó dẫn ta đến một cuộc tìm kiếm tình yêu liên tục và điên cuồng, tìm cái điều không bao giờ có được ở “thế giới ngoài kia”.
Đây là lý do vì sao không thể có chuyện “tạo lập yêu thương”. Tình yêu thương đã có sẵn, là nền tảng để tạo dựng mọi điều khác. Tuy việc “tạo lập yêu thương” chỉ là một cách nói thôi, nhưng do đã được ghi dấu sâu đậm trong ngôn ngữ của con người nên giờ đây nó trở nên quá thật, quá hiển nhiên. Dựa trên cái “cớ” này, người ta mặc nhiên liên tưởng tình yêu đến “tình dục”. Song, quan hệ tình dục không phải là cách để xây dựng tình yêu, đó chỉ là mối quan hệ xác thân. Và tình dục - thuộc kiểu hành động gắn với thân thể/vật chất - thường mang tính đón nhận hơn là trao đi vì nó đi kèm với những đòi hỏi, mong muốn có điều kiện. Do vậy, sự “có/thỏa mãn” này là “có” tình dục. Nó có thể mang lại “cảm giác” hứng thú, sự khoái cảm, nhưng có thể chứa đựng rất ít tình yêu trong đó. Tình yêu không được “tạo lập” qua quá trình này. Trên thực tế, có tồn tại một số mối quan hệ gần gũi, chủ yếu là vì sinh con, nhưng đó không hẳn là yêu thương. Tình yêu là “nguồn sáng tạo”, chứ không phải “tạo vật” được sinh ra.
Nói như vậy không có nghĩa tình dục là xấu, là sai, mà tốt nhất là không nên nhầm lẫn tình dục với tình yêu. Phải chăng tình dục là phương tiện để biểu lộ tình yêu thương? Cũng có thể. Tuy nhiên, bởi vì cảm nhận do giác quan mang lại quá mạnh mẽ và “mê ly”, theo đó để lại ký ức sâu đậm, da diết nên nó dễ dàng trở thành nỗi khao khát đối với những ai từng nếm trải. Khi có sự thèm khát, tình yêu không hiện hữu, vì yêu thương ở đây không còn là sự mở rộng và nối kết nữa, nó là sự thỏa thuận, “dàn xếp” giữa đôi bên để thỏa mãn cơn thèm khát. Về bản chất, nó chính là “dục vọng”, mà dục vọng hiển nhiên không phải là yêu thương.
Nếu bạn dám thì thầm hiểu biết này với ai đó, có thể bạn sẽ không tránh khỏi một phản ứng đầy cảm xúc (như: bực bội, tức giận…) đáp lại. Khi “dục vọng” được đặt bên cạnh ánh sáng của tình yêu thương, tất cả sự thật được “phơi bày” rõ ràng. “Chất gây nghiện” mạnh mẽ đang bị đe dọa. Xin đừng thổ lộ điều này cho nhà báo vì công việc làm ăn của họ hoàn toàn phụ thuộc vào chuyện hoang đường rằng tình yêu và tình dục đồng nghĩa với nhau. Nếu họ đăng tải điều này lên tạp chí của mình, tạp chí ấy sẽ không còn tồn tại nữa. Đó là sức mạnh, là uy lực đáng khiếp sợ của loại “ma túy” đầy cám dỗ này. Và có lẽ cũng không phải là ý tưởng hay khi chia sẻ điều này với “nửa kia” của bạn cho đến khi họ “đã đọc quyển sách này”!
Đây là một cú nhảy vĩ đại từ tình yêu thương ở góc độ hạn hẹp, có tính loại trừ sang tình yêu thương vô điều kiện và mang lại lợi ích cho tất cả - một cú nhảy đưa tất cả chúng ta trở thành bậc “thánh nhân” trong thế giới cuồng điên, hiện đại và trụy lạc này. Khi tiếp tục tìm hiểu ý nghĩa thật sự của tình yêu thương, chúng ta khám phá thấy rằng mỗi người không chỉ là suối nguồn yêu thương, mà yêu thương còn là bản chất của con người. Nếu vẫn tồn tại nghịch lý xoay quanh chủ đề yêu thương, đó là do bạn chưa biết rõ về yêu thương, cho đến khi bạn trao nó đi. Việc làm này cũng giống như là trao đi bản thân - bản thân là yêu thương - vậy. “Bản thể đầy vị tha, không ích kỷ” được xem là đích đến cuối cùng của chuyến hành trình quay về nhận thức nguyên thủy: Tôi là yêu thương.
Tâm hồn không cần kết đôi
Không có những điều như là bạn tâm giao, bạn “kết tóc se tơ”, bởi vì tâm hồn không kết đôi! Chỉ có cơ thể mới kết đôi. Bạn tâm giao, “kết tóc se tơ”, là kiểu quan hệ thân thuộc nhất. Dường như nó có tính cộng hưởng cao về tinh thần, cho phép cả hai giao tiếp với nhau ở cấp độ tinh tế hơn, vượt lên khỏi ngôn từ. Song, tất cả chúng ta đều có khả năng phát triển cấp độ giao tiếp tinh tế này. “Dây truyền dẫn” đã có, nhưng hiếm khi ta học cách kích hoạt nó. Vì vậy, chúng ta trở nên quá lệ thuộc vào âm thanh, ngôn từ, hình ảnh và kỹ thuật để truyền đạt, tương giao mà không quan tâm phát triển và sử dụng những khả năng cảm nhận tinh tế hơn của mình. Chúng ta trở nên quá xúc động và rối bời vì thế giới ngoài kia đến nỗi chúng ta dành rất ít thời gian để thư giãn và làm lắng dịu, điềm tĩnh tâm trí. Sự tĩnh lặng trong tâm trí là điều kiện cốt lõi để tiếp nhận được nguồn năng lượng tinh tế, tỏa sáng rực rỡ từ nhau. Khi làm vậy, nó có thể đánh thức trở lại nhận thức rằng chúng ta đã được nối kết với nhau rồi. Sự nối kết này không bao giờ có thể bị đứt đoạn, chỉ bị phớt lờ đi thôi. Theo ý nghĩa nào đó, tất cả chúng ta đều là bạn tâm giao, hoặc đã thân quen tự bao giờ, chỉ là chúng ta đã không thể bắt lấy những dấu hiệu của nhau do chưa có sự đồng điệu, hòa hợp sóng năng lượng tinh thần với nhau. Thỉnh thoảng, khi tình cờ gặp gỡ ai đó, dường như ta đã biết họ, giờ có thể kết thân với họ. Chúng ta biết cách kết bạn, liên hệ nhau ở cấp độ sâu nhất, nghĩa là cộng hưởng sóng năng lượng tinh thần của nhau và liên hệ với “người kia” bất kể họ là ai.