Sự thật không phải vậy!
Ảo tưởng này thật khó “nhìn” ra vì nó đã lan tràn ở hầu hết mọi hình thái biểu hiện của sự lãng mạn suốt nhiều thế kỷ. Nhưng sự thật là bạn không bao giờ có thể “rơi” vào tình yêu. Tình yêu đích thực không bao giờ xô ngã ai hay khiến con người suy sụp. Sự mê đắm đến cuồng dại, nỗi ám ảnh và quyến luyến/gắn kết là những gì đang diễn ra trong thực tế, và sau đó được gọi riêng bằng một thuật ngữ là sự “phải lòng”.
Sự vắng bóng của cảm giác si mê đắm đuối, việc không mang nỗi ám ảnh về nhau và hoàn toàn không tồn tại sự gắn kết là một số bằng chứng cho thấy tình thương đang hiện hữu trong mối quan hệ. Trong tình yêu thương, không có cảm giác suy sụp vì yêu mà chỉ có sự “nâng đỡ, hỗ trợ”; không có sự giam hãm mà chỉ có cảm giác thoải mái, tự do thật sự trong mối quan hệ; không có “sự cháy bỏng” mà chỉ có sự mát lành, điềm tĩnh và sức mạnh đương đầu trước mọi tình huống, sự kiện.
Bạn không bao giờ có thể “rơi vào tình yêu” - theo nghĩa đen của từ - vì bạn là yêu thương, và sẽ luôn “ở trong” tình yêu thương, bạn luôn đã và đang “ở trong” chính mình. Tình yêu thương và con người đích thực là một. Nếu bạn, cũng như hầu hết mọi người chúng ta, không nhận ra điều này, bạn có thể cảm thấy mình đang “rơi”… “rơi” vào chính mình. Nhưng đây không phải là một cú “rơi”, đây là sự thức tỉnh, nhận thức rõ về bản thân.
Sau đây là ba điều (không theo thứ tự) có thể xảy ra khi bạn “tin tưởng” mình đã rơi vào tình yêu hay đã phải lòng ai.
Điều đầu tiên hoàn toàn diễn ra trong ý thức của bạn. Bạn hình dung ra hình ảnh lý tưởng về người kia trên tấm màn tâm trí và rồi đánh mất “mình” trong hình ảnh ấy. Đó là nguyên nhân khiến bạn không thể suy nghĩ về điều gì khác ngoài họ, là lý do tại sao bạn ăn không ngon, ngủ không yên, và bạn hầu như không muốn nói chuyện với bất kỳ ai khác. Bạn dần tập nhiễm thói quen dành hết sự chú ý của mình - bản thân bạn - cho hình ảnh của người kia trong tâm trí bạn.
Đánh mất mình trong hình ảnh lý tưởng tự tạo về người kia thì không phải là yêu thương, đó chỉ là sự gắn kết, phụ thuộc, thường sớm chuyển thành sự cuồng si, mê đắm. Không có gì đảm bảo chắc chắn rằng ảo tưởng này sẽ chấm dứt. Thông thường khi người kia làm điều gì đó trái ngược với hình ảnh hoàn hảo bạn đã vẽ về họ trong tâm trí mình, thì bạn vẫn tiếp tục lý tưởng hóa họ dù rằng họ không còn xứng nữa, chỉ để bạn được sống với hình ảnh tưởng tượng đã tạo ra. Có thể bạn nhận thấy bạn yêu thương một số người nhiều hơn khi họ không có mặt ở đó! Nhưng dĩ nhiên đó không phải là tình yêu thật sự, đó chỉ là sự “lý tưởng hóa”.
Điều thứ hai có thể xảy ra khi bạn tin mình đã “rơi vào tình yêu” là dù ở xa hàng dặm, có khi đến hàng trăm dặm, bạn vẫn có thể cảm nhận người kia đang ở ngay bên cạnh. Đây là kết quả của sự trao đổi năng lượng tinh thần giữa hai người, là một cuộc trò chuyện tinh tế bằng sóng suy nghĩ giữa hai thực thể sống luôn phát tỏa năng lượng. Cả hai đều suy nghĩ cuồng nhiệt, liên tục về nhau.
Người này bắt được những làn sóng rung động lan truyền từ người kia.
Đôi khi, sự nắm bắt này có thể cực kỳ chính xác khi những suy nghĩ đặc thù của người này được kết tinh trong tâm trí người kia; hoặc đó có thể là một cảm xúc mãnh liệt, một cảm nhận mạnh mẽ về sự hiện diện của người kia. Nhiều loài vật, nhất là những con vật cưng, rất tài giỏi trong việc này nên đây chẳng phải là điều gì mới mẻ. Chúng ta có thể nâng cấp khả năng giao tiếp của mình từ mức độ hữu hạn, theo cách thức thông thường lên những cấp độ cao hơn, tinh tế hơn và liên hệ, nối kết với nhau ở cấp độ cao hơn, tinh tế hơn.
Khía cạnh thứ ba xoay quanh ảo tưởng về sự “rơi, ngã” này còn được hiểu như là “sự thân mật”. Cảm giác thoải mái, dễ chịu bên người kia làm bạn trở nên hoàn toàn cởi mở và dễ mủi lòng, nghĩa là bạn cảm thấy mình có thể phá bỏ mọi bức tường bạn đã dựng lên quanh trái tim mình trong suốt nhiều năm.
Giữ sự rõ ràng, minh bạch với nhau là một cách giải tỏa áp lực phải phòng thủ cho những bức tường thành ta đã dựng lên. Bây giờ, bạn có thể chia sẻ những điều chất chứa từ trong tim - trong bản thân hay ý thức của bạn - tất cả mọi bí mật và mọi trải nghiệm cá nhân được chôn kín bấy lâu. Đây không chỉ là một sự giải tỏa, mà khi bạn chia sẻ, trải lòng mình, bạn bắt đầu thấy những điều chất chứa trước kia bỗng trở nên nhỏ nhoi và không còn quan trọng, bạn bắt đầu hiểu rõ bản thân hơn. Cởi mở hoàn toàn trước người khác, đồng thời cũng được người kia đáp lại. Điều này góp phần tạo dựng mối quan hệ mật thiết, thật đặc biệt giữa hai người. Trong mối quan hệ “thân mật” (intimacy) này, mỗi người ngầm nói với nhau “Hãy đến (in) với (ti) tôi (ma) và xem (cy)(*). Khi mỗi người cho phép người kia bước vào thế giới của nhau, họ bước vào nguồn năng lượng của nhau – năng lượng yêu thương – rồi cảm thấy như “rơi” vào tình yêu, theo ý nghĩa đó, dần dần tiến trình này được gọi vắn tắt là “rơi vào tình yêu”. Nhưng đây không phải là sự rơi ngã, đó là sự giải thoát, là một tiến trình làm sáng tỏ, hóa giải, chữa lành, bộc lộ. Vì thế, gọi đó là một liệu pháp thì chính xác hơn. Song, cách làm này không thể kéo dài được lâu. Đó là lý do tại sao luôn có “khoảng thời gian trăng mật”. Đoạn kết của tuần trăng mật thường được báo hiệu bằng một trong ba sự kiện sau.
Dấu hiệu đầu tiên là khi bạn bắt đầu dựng lại bức tường bao quanh trái tim mình nếu “người kia” làm điều gì đó mà bạn không thích hoặc không đúng theo kỳ vọng của bạn. hoặc có lẽ “người ấy” đẩy bạn vào sâu hơn một tí, vào tận trong lòng bạn, nơi vết thương vẫn đang rướm máu, nơi mà ký ức đau đớn còn chưa nguôi. Nhưng dĩ nhiên, bạn sẽ không nhận ra chính bạn là nguồn cơn sinh ra sự không thoải mái này, vì bạn có xu hướng sa vào kiểu niềm tin cố hữu tai hại rằng “người ấy” đang “khiến” bạn cảm thấy thế này.
(*) Ở đây, tác giả có dụng ý chơi chữ với từ intimacy, nghĩa là sự thân mật, để làm sáng tỏ ý nghĩa “Come in (in) to (ti) me (ma) and see (cy)” (Hãy đến với tôi và xem).
Dấu hiệu thứ hai báo động cho “sự kết thúc của thời kỳ trăng mật” là sự trầm lắng của mối quan hệ. Không còn sự cuồng nhiệt thuở ban đầu, giờ chỉ là cảm giác dễ chịu, thư thái khi ở bên nhau vào mọi lúc, mọi nơi. giống như khi bạn tìm thấy chiếc giày vừa vặn với bàn chân, nay bạn đã tìm được người mà mình hoàn toàn cảm thấy thoải mái, yên tâm bên họ. Sự “vừa vặn” này trở thành một vùng an nhàn, thoải mái - mọi thứ ở đây không hoàn hảo nhưng vẫn là tốt nhất ở một mức độ nhất định. Đây là lý do bạn không muốn ở bên bất kỳ ai khác, không muốn phải “biểu lộ, trải lòng” thêm lần nào nữa. Với một người mới nào đó, bạn sẽ không trải qua tiến trình này, do vậy sẽ không có “câu chuyện bên nhau” thắm thiết như bạn đã từng có. Một số người ở bên nhau đơn giản vì “những trang lịch sử” mà họ đã có với nhau.
Dấu hiệu thứ ba, dấu hiệu “kết thúc của thời kỳ trăng mật” làm bạn ngộ ra tình yêu thương rộng lớn hơn nhiều so với giới hạn phạm vi giữa hai người, Vương quốc Yêu thương không bị bó hẹp trong Vương quốc Lứa đôi. Đó là tình yêu thật sự. Nó vượt trên cả những điều hữu hạn của một mối quan hệ nào đó.
Yêu thương là một dạng năng lượng phổ quát, luôn sẵn có cho tất cả nếu sức mạnh của nó được thấu hiểu và vẻ đẹp của nó được nhìn ra. Dường như nhận thức này là vốn có của con người, nhưng nó lại thất lạc trong những lề thói và những bon chen của cuộc sống thường nhật. Nếu ý nghĩa phổ quát của yêu thương tồn tại, thì con người thấy mình thật gò bó và đáng sợ khi phải sống trong mối quan hệ có sự loại trừ hay độc chiếm. Đến một lúc nào đó, mối quan hệ có thể rẽ sang hướng khác khi một người hoặc cả hai người đều cảm nhận được sự tồn tại của điều gì đó… mở rộng hơn, vô biên hơn. hoặc vẫn có thể duy trì mối quan hệ và nhận ra tính phổ quát, rộng lớn của tình yêu thương. Có lẽ đây là một “thách đố” cho mọi người vì bất kỳ hình thức gắn kết nào cũng phủ nhận tính phổ quát của yêu thương, thế là một dãy tường thành mới dễ dàng được dựng lên. Cuộc sống của hai người có thể xuất hiện vài thử thách khi một người biết rằng yêu thương là một phạm trù lớn và không chỉ đơn thuần gói gọn giữa hai người, còn người kia lại không nhận ra như vậy.
Với những ai tin rằng mình đã rơi vào tình yêu, họ cần phải xác minh lại vì tuần trăng mật chẳng bao giờ kéo dài được lâu. Chuyện “rơi, ngã” này phải đến lúc kết thúc, phải có lúc “hạ cánh” sau khoảng thời gian thăng hoa, bay bổng, nhưng mọi người thường cảm thấy đây như là một cú “đâm sầm”! Đôi khi, cú đáp ấy đồng nghĩa với sự chia tay, hoặc quay lại bức tranh hiện thực trước kia với nhận thức mới mẻ về người ấy “À, giờ thì mình mới nhận ra bộ mặt thật của anh ấy/cô ấy thế nào”. Ảo ảnh về người ấy đã bị vỡ vụn. Đây là thời điểm hoặc chia tay đường ai nấy đi hoặc chồi non của tình yêu đích thực đâm ra, thể hiện dưới hình thức chấp nhận vô điều kiện người kia, bất kể họ nói gì, làm gì lúc này hay đã nói gì, làm gì lúc trước. Nhưng nếu thấy khó giữ được thái độ chấp nhận vô điều kiện, thì chúng ta lại dành ra cả đời để học cách đòi hỏi, kỳ vọng, phán xét và phụ thuộc.
Ngoài những điều kể trên, còn thêm thói quen cổ vũ rập khuôn sáo rỗng hiện đại về mối quan hệ mật thiết, còn gọi là hôn nhân. “Ồ, cậu phải vất vả cho lễ cưới đây”. Ở đây, không ai phải gắng sức đến vất vả. Nếu phải mất công, tốn sức thì làm gì có dòng năng lượng yêu thương chảy vào mối quan hệ được.
Rõ ràng tình yêu thương đã bị biến dạng, thay vào đó là nỗi tức giận, sợ hãi. Khuynh hướng nghiêng về phán xét, chỉ trích và đổ lỗi là dấu hiệu kỳ vọng người kia phải là nguồn yêu thương cho mình. Sai lầm thường gặp này có thể biến bất kỳ mối quan hệ nào thành một chiến trường nghiệt ngã.
Dòng năng lượng yêu thương vô điều kiện
Từ sâu trong đáy lòng mình, gần như ai cũng biết tình yêu thật sự là quan tâm và chia sẻ vô điều kiện, hoặc tồn tại dưới mọi hình thức trao đi. Tình yêu có đón nhận nhưng không tranh đoạt, tước lấy của ai. Có thể là không đồng ý hay chưa thể thứ tha, nhưng luôn có sự chấp nhận. Đây là khả năng phân định giữa điều chân thật với điều giả dối, nhưng không có sự phán xét lẫn nhau. Khi bạn chấp nhận đúng lúc, bạn sẽ thấy tình yêu dạt dào trong bạn và bạn nhận ra rằng bạn chính là tình yêu. Giống như bạn không thể “nhìn thấy” bản thân mình - con người nội tâm, bạn không thể nhìn thấy tình yêu, mà chỉ thấy được biểu hiện và tác động của tình yêu thương. Tình yêu thương cũng vô hình như dòng điện. Khi bạn chạm tay vào dây trần không có lớp nhựa cách điện và bị điện giật, bạn mới biết dây đang có điện. Tương tự, nếu bạn dám bộc lộ bản thân, mở lòng với mọi người, tháo bỏ tất cả những chướng ngại giữa bản thân và người khác, dám trao đi vô điều kiện, thì khi ở bên nhau, cả bạn và họ đều cảm nhận được nguồn năng lượng vô điều kiện của cuộc đời tuôn chảy, đó là dòng năng lượng yêu thương!