Có thật như thế không?
Loại năng lượng thật và duy nhất trong cuộc đời không thể tranh đoạt được là năng lượng của tình yêu thương. Tại sao? Vì bạn chính là năng lượng ấy. Bạn không thể tranh đoạt chính mình. Bạn không thể tranh đoạt trái tim mình. Bạn không thể tranh đoạt cái mà bạn đã vốn là nó.
Yêu thương không phải là dạng năng lượng bên ngoài để bạn “lấy”, “giữ”, “trữ” và “sử dụng” vào những ngày u ám nào đó. Sự thật này giúp giải thoát nhiều người khỏi cuộc tìm kiếm tình yêu từ bên ngoài, mà kết quả chắc chắn luôn là thất bại. Cuộc “hôn phối” giữa sự lãng mạn và tình yêu thương chỉ củng cố thêm ý tưởng hoang đường: tình yêu có được khi ta tìm thấy đúng “một nửa” của mình. Ảo tưởng rằng “nửa kia” sẽ là nguồn yêu thương đích thực cho đời ta sẽ khiến bạn lầm đường lạc lối, nghĩa là hướng ra bên ngoài và xa rời con người nội tâm.
Nhiều trường phái tâm lý học và tâm thần học tin rằng trẻ nhỏ cần “chiếm” được tình yêu thương từ bố mẹ. Nhưng không hẳn như vậy. Thật là ảo tưởng khi bạn nghĩ bạn có thể chiếm được tình thương từ đấng sinh thành.
Bạn có thể nhận được sự yêu thương, nhưng họ không phải là nguồn để bạn tranh đoạt! Vai trò thật sự của bố mẹ không phải là trao yêu thương cho con cái mà họ “là yêu thương” đối với con. “Là yêu thương” có ý nghĩa quan trọng hơn việc trao yêu thương. “Là yêu thương” trong mọi tình huống và trong mọi mối quan hệ, bằng tấm gương của mình, cha mẹ dạy con trẻ biết cách yêu thương một cách trong sáng, thuần khiết, không nghĩ đến lợi ích bản thân. Không may là hầu hết trẻ nhỏ không học được điều này vì bản thân bố mẹ đã học và được dạy cho những điều ngược lại: yêu thương là “sự đòi hỏi”, phải “tranh đoạt” từ người khác. Điều này có thể lý giải vì sao rất ít người trong chúng ta nhận ra bản thân là suối nguồn yêu thương.
Trong việc dạy dỗ con cái, tình yêu thương là điều con trẻ cần, nhưng bố mẹ lại tập cho con tính ỷ lại, phụ thuộc, một trong những yếu tố nền tảng gieo mầm đau khổ cho suốt cả cuộc đời. Mặt khác, khi hướng dẫn cho trẻ làm thế nào để “là yêu thương”, nghĩa là làm thế nào để là chính mình, chúng ta đang xây dựng nền móng vững chắc cho sự tự do nội tâm - an nhiên, thanh thản, dễ dàng.
Thậm chí còn nguy hại hơn khi bố mẹ có xu hướng truyền lại cho con niềm tin họ đã được kế thừa rằng nếu không chiếm được tình cảm của người khác thì con không được phép yêu thương mình. Điều này đồng nghĩa với án “tử hình” cho tâm hồn - bản thân chúng ta. Nhưng không phải là tâm hồn sẽ “chết”, mà nó mất đi khả năng trao đi, lan tỏa, chia sẻ, mở rộng, nối kết... một cách vị tha.
Tin rằng bạn không nên trao đi yêu thương cho đến khi bạn chiếm được tình cảm của người khác là một nỗ lực… giết chết tình yêu. Đây là hình thức “tự vẫn” về tinh thần xuất phát từ sự thiếu hiểu biết về tình yêu thương. Không phải là bố mẹ không nên tỏ ra yêu thương con cái, mà là đừng nhầm lẫn “gắn kết/phụ thuộc/trói buộc” là yêu thương. Một khi sai lầm này được truyền lại cho thế hệ sau, nó sẽ hạn chế khả năng yêu thương của chúng ta hay khả năng là chính mình trong suốt quãng đời còn lại. Chừng nào ta nhận thấy sự khác biệt giữa gắn kết/phụ thuộc và yêu thương, thì ta mới có thể tìm được hạnh phúc. Chừng nào ta có thể tách rời/giữ thái độ khách quan một cách tích cực và xây dựng, thì tình yêu thương mới có thể. Song, đây không hẳn là một sự tách bạch dễ dàng trong thế giới mà “yêu thương” và “gắn kết” đã sóng đôi bên nhau suốt một thời gian dài.
“Tồn tại” và “làm”
Mặc dù yêu thương cơ bản là trạng thái sống/tồn tại, là ý định thuần khiết, trong sáng, nhưng yêu thương cũng làm, cũng hành động. Bản thân chúng ta chính là những suối nguồn yêu thương. Bản chất của chúng ta là sự tồn tại (being), không phải là hành động (doing) của những suối nguồn ấy! Ngay lúc này, hầu hết chúng ta đều học cách xây dựng nhân dạng bản thân dựa trên điều ta làm, dựa trên những hành động đặc thù nào đó, dựa trên địa vị hoặc chức tước. Nơi ta thường xuyên đồng hóa mình với vị trí, chức tước nhất là trong đoàn thể, tổ chức hay trong gia đình (cha mẹ/con cái hay cấp trên/thuộc cấp). Và chừng nào ta còn đồng dạng bản thân với điều ta làm, ta không thể biết cách “trao tình yêu thương”. Mọi sự dán nhãn bản thân qua những yếu tố bề ngoài giả tạm chỉ khiến chúng ta luôn thấy bản thân mình vượt trội hơn hoặc thua kém hơn, nhưng tình yêu thương không giống như vậy. Tình thương không “nhìn xuống” người khác, hay “nhìn lên” người khác. Đó là lý do tại sao những người mang tư tưởng tự cao, hay tự ti có thể sẽ không cảm thấy thoải mái trong sự hiện diện của tình yêu thương.