Bạn có chắc không?
Người ta thường nói “Chúng tôi cần tình yêu, chúng tôi cần ‘được yêu’, và chúng tôi biết mình đáng yêu”. Nhưng không hẳn như vậy. Nếu có “nhu cầu”, đó phải là nhu cầu trao yêu thương, nghĩa là trao đi bản thân, bởi vì chúng ta là tình yêu. Nhưng bạn không biết bạn là tình yêu cho đến khi bạn mở lòng mình, quan sát, thấu hiểu và trao đi “bản thân” (“bản thân” là tình yêu, trao tình yêu thương, không phải là trao đi thể xác của bạn!) cho điều gì đó hay cho ai đó, hoàn toàn không mong muốn nhận được sự đáp trả nào dù là nhỏ. Yêu thương như vậy thường được liên tưởng với “tình thương vô điều kiện”.
Trao, nhưng trao gì? Đây thật sự không phải là vấn đề. Đó có thể là thời gian, sự quan tâm chú ý, món quà, những lời thông thái, lời chỉ dẫn, hoặc bất cứ điều gì. Ở đây, “cái gì” được trao không quan trọng bằng ý định hay mục đích trao đi. Không phải là cái nhìn thấy được khi trao, mà là cái vô hình qua hành động dâng tặng. Bằng trực giác, chúng ta biết mục đích của tình yêu thương là không bao giờ tìm kiếm bất cứ điều gì đền đáp lại. Mục đích của yêu thương chỉ là tỏa rộng, nối kết và tuôn chảy.
Tình yêu đích thực không bao giờ bị khiếm khuyết để phải bổ sung, “đắp vá” thêm vào. Do vậy, chẳng cần tìm kiếm và chẳng có nhu cầu gì trong tình yêu đích thực. Tình yêu không phải là một đồ vật. Nó không phải là điều gì đó tách biệt khỏi bạn, tôi và chúng ta. Mà đó là bạn, tôi và chúng ta. Chỉ có ngôn ngữ làm cho tình yêu thương trở nên giống như một đối tượng, như là điều gì đó tách biệt.
Nếu yêu thương là “sự quan tâm”, nó quan tâm đến việc trao hạnh phúc cho người khác. Cần có thời gian để hiểu rằng “người khác” chỉ có thể thật sự hạnh phúc khi họ cũng nhận ra chính họ là tình yêu thương, và chỉ bằng cách thoát khỏi mọi nhu cầu, đòi hỏi mới có thể biết và là yêu thương được. Món quà lớn nhất chúng ta có thể trao tặng nhau đó là hãy là suối nguồn yêu thương đối với chính mình, hãy là chính mình. Từ đây, ánh sáng yêu thương có thể tỏa rộng đến người khác, bạn mở lối, giúp họ nhận ra họ cũng là tình yêu. Tuy nhiên, như chúng ta sẽ cùng khám phá, việc “là chính mình” thì không hoàn toàn dễ như khi nói.
Ít nhất một lần mỗi năm, bạn tạt qua cửa hàng bách hóa để mua một món quà và sẽ trao nó cho người nào đó trong cuộc đời bạn với lời gửi gắm “Món quà này tôi dành tặng bạn với tình yêu thương”. Ngay khoảnh khắc ấy, bạn nhận ra nơi tình yêu thương luôn hiện hữu. Tình yêu không trú ngụ trong cửa hàng bách hóa, không nằm ở món quà, không chứa đựng trong giấy gói hay tấm thiệp, mà nằm ở việc trao đi xuất phát từ tấm lòng của bạn. Mọi câu hỏi đều luôn có sẵn câu trả lời, tại sao chúng ta dành ra cả đời mình để tìm kiếm bên ngoài bản thân cái điều vốn dĩ đã có sẵn trong ta rồi? Chúng ta sẽ cùng quay lại trả lời câu hỏi này sau.
Cách duy nhất để “biết” về tình yêu là trao yêu thương, tương tự như cách duy nhất để “biết” bản thân mình là cho đi bản thân. Khi làm vậy, hiển nhiên là tình thương không “được đòi hỏi” mới có, chỉ bởi lý do đơn giản là cả “bạn” và “yêu thương” là một. Cả hai không bao giờ vơi cạn!
Song, việc “trao đi” không phải là một ý tưởng cần phải suy nghĩ nhiều. Nếu chúng ta phải suy nghĩ về chuyện “trao đi với tình yêu thương” và thấy nó có vẻ không xác thực, thì tốt hơn là đừng trao gì cả.
Chúng ta thường “trao đi” chỉ vì chúng ta được kỳ vọng phải làm vậy, hoặc chúng ta được chỉ bảo “nên” làm vậy. Chúng ta có xu hướng trao đi dựa theo phong tục hay truyền thống, hoặc đôi khi chỉ đơn giản là vì thói quen. Đây không phải là tình yêu thương, mà là nghi thức. Đôi khi, chúng ta gửi trao một nụ cười và cái ôm thắm thiết, nhưng nếu có một chút ham muốn được công nhận, hoặc được đền đáp lại, đó không phải là trao đi; đó vẫn là mong muốn, vẫn là sự đón nhận. Như vậy, ảo tưởng “Tình yêu là sự đòi hỏi” vẫn còn tồn tại. Đằng sau ảo tưởng này là một câu chuyện hoang đường thậm chí còn mạnh mẽ hơn: Tình yêu là sự tranh đoạt.
Luôn trao đi thật là mệt mỏi!
Một số người tin rằng họ luôn trao đi, trao đi,… và trao đi thì mệt lắm. Cho đi mãi như vậy sẽ cạn kiệt sức lực mất! Than vãn như vậy nghĩa là “tình yêu thật sự” chưa được vận hành. Trong khi trái tim đang gắng sức để yêu thì cái đầu lại bận rộn suy nghĩ “Bạn luôn nhận từ tôi. Tại sao bạn không trao đáp lại điều gì đó? Tại sao bạn không nhận ra tình yêu thương của tôi?”. Nếu có một chút mong muốn đền đáp lại, đó không còn là trao đi mà là sự đón nhận. Ẩn sau biểu hiện rộng lượng, hào phóng bên ngoài ấy là “ham muốn” giành được, kiếm được. Bản thân tình yêu không đòi hỏi, ham muốn điều gì. Ý định “đạt” được, “nhận” được - ẩn sau hành động trao đi - sẽ sinh ra suy nghĩ tiêu cực khi không có sự trả đáp lại. Và đó là nguyên nhân đích thực mang lại cảm giác kiệt quệ và mỏi mệt. Một điều chắc chắn rằng khi năng lượng yêu thương tuôn chảy thì sẽ không bao giờ đem đến cảm giác mệt mỏi, mà ngược lại, nó tiếp thêm sinh lực và củng cố sức mạnh.