"Tôi là nơi tôi sống.”
Không thể như vậy!
Nếu bạn được sinh ra ở vùng đất nào đó, bạn tự động được dán cho chiếc nhãn mang tên vùng đất ấy. “Có vẻ như” nó biến bạn trở thành con người khác, khác biệt so với những người xuất xứ từ nơi khác. Bạn bắt đầu “sống giả” với chiếc nhãn “nơi chốn”. Nhân dạng của bạn chìm khuất dưới chiếc nhãn. Khi một số người với “nhãn tên” quốc tịch khác bước vào phòng, bạn có thể phớt lờ họ hoặc thậm chí gây hấn với họ, hoặc đơn giản là phán xét rằng họ thấp kém hơn. Tương tự như khi ta nói hộp đậu xốt cà này tốt hơn hộp kia do nhãn mác của nó có màu tươi sáng, bắt mắt hơn.
Nhưng bạn có phải là “chiếc nhãn” không? Dĩ nhiên là không. Nhưng chúng ta giả vờ chúng ta là cái nhãn ấy và từ đó xây dựng nên nét văn hóa, phong tục, truyền thống quanh chiếc nhãn ấy. Sự cao ngạo nổi lên khi chúng ta xem nền văn hóa “của chúng ta” là tốt nhất, và coi thường nền văn hóa của những người khác hoặc xem đó là mối đe dọa tiềm ẩn.
Nơi chốn chẳng qua chỉ là một khái niệm tồn tại trong tâm trí con người. Còn ngôn ngữ là những âm thanh biểu đạt phát ra từ cơ thể, được phát triển theo nhiều cách khác nhau; trong khi ngôn ngữ thật sự của con người là ngôn ngữ của tình yêu thương. Đây không phải là tình yêu thương theo kiểu của hollywood, mà là tình yêu thương tạo nên sự hòa hợp, thống nhất giữa người với người và không bị chia cắt. Đó là kiểu ngôn ngữ vượt lên mọi nhãn mác. Nó liên kết và thống nhất con người với nhau. Vì thế, con người không thể trao yêu thương cho nhau khi họ đồng hóa bản thân với “nhãn mác của tôi” và thấy “nhãn mác của họ” là khác biệt, thua kém hơn. Tình thương thật sự thì không màng đến nhãn mác nào, vì bản thân tình thương không nhìn thấy sự phân chia, tách biệt, rào cản ở bất cứ nơi đâu hay vào lúc nào.
Trong khi cơ thể của bạn được che phủ dưới lớp vỏ bọc nhãn mác (nhất là sau một lần đi mua sắm!), nhưng “bạn” - con người đích thực - thì không. Điều gì không thể nhìn thấy thì không thể bị dán nhãn, nghĩa là không thể bị đồng hóa. Vâng, một số người có thể nhận xét rằng bạn là “người xấu xa” hoặc “bạn là một người thích phóng đại”, nhưng đây là những chiếc nhãn cho nhân cách của bạn và bạn thì không phải là nhân cách. Bạn tạo ra nhân cách của mình, tuy nhiên đó không phải là bạn. Nhân cách được xây dựng dựa trên tất cả các khuynh hướng, đặc điểm tính cách và thói quen do bạn tạo ra trước kia trong đời. Còn người sáng tạo - chính bạn - không phải là tạo vật ấy. Bạn không phải là nhân cách của bạn. Từ nhân cách bắt nguồn từ từ “persona”, nghĩa là mặt nạ. Bạn không phải là chiếc mặt nạ, bạn tạo ra và đeo chúng cho mình. Một số người trong chúng ta tạo ra nhiều lớp mặt nạ nhân cách khác nhau, đó là lý do tại sao đôi khi chúng ta cảm nhận và hành xử khác nhau tùy theo từng đối tượng. Nghĩa là ý thức về bản thân - nhân dáng thật của chúng ta - bị lạc lõng trong nhân cách, tương tự như một số diễn viên quên mất mình qua nhân vật họ thủ diễn, hoặc một số họa sĩ lạc hồn vào trong những bức tranh họ vẽ, thậm chí họ nói rằng “Tôi là bức tranh của tôi”. Tuy nhiên, không thể có chuyện đó!
Hình dung ra một thế giới không tồn tại nhãn mác
Hãy hình dung ra một thế giới không có nhãn mác gắn trên bất cứ ai hay vật gì. Đó là một thế giới bị phân chia hay là một thế giới thống nhất? Đó là một thế giới mâu thuẫn hay là một thế giới hòa hợp? Hãy hình dung ra một thế giới mà mọi hình thức dán nhãn đều biến mất khỏi tất cả các cuộc chuyện trò. Vậy, chúng ta sẽ nói nhiều hơn hay nói ít đi? Nhiều hơn bao nhiêu hoặc ít đi bao nhiêu? Chúng ta sẽ dùng gì để lấp đầy “khoảng trống” ấy? Hãy hình dung ra một thế giới mà ở đó, mỗi khi bạn đề cập đến một loại nhãn mác, mọi người sẽ tủm tỉm cười và nói “Ồ, anh vẫn chưa hiểu, chưa hiểu… Anh vẫn còn nhìn thấy những chiếc nhãn kìa”. Bạn sẽ cảm thấy ngượng hay thêm trân trọng họ vì họ đã nhắc nhở bạn? Bạn có thể tiếp tục cuộc trò chuyện không cần kể ra bất kỳ cái nhãn nào chứ? Nếu vậy, bạn sẽ nói về điều gì? Hãy thực tập ngay trong ngày hôm nay. Bạn sẽ nhận thức sâu sắc việc “gắn nhãn mác” đã choán hết nhận thức, suy nghĩ của bạn về bản thân, về người khác nhiều bao nhiêu.