"Tôi là những niềm tin này.”
Chắc chắn không phải như vậy!
Các tôn giáo đều được hình thành dựa trên hệ niềm tin riêng biệt nào đó. hệ thống niềm tin ấy do một số người tạo ra trong quá khứ, sau đó được ghi chép lại, rồi được “diễn giải, trình bày” bằng lời, từ ngữ, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Bạn được sinh ra trong một hình hài cơ thể chứ không được hóa thân vào một hệ niềm tin, hệ tư tưởng và quan niệm, hiểu biết của người khác. Bạn không được sinh ra cùng tư tưởng hay khái niệm niềm tin nào đó. Tuy nhiên, những niềm tin này không phải là BẠN, dù những lời dạy ấy nghe có vẻ hợp lý đến đâu đi nữa.
Bạn có thể thay đổi niềm tin của mình không? Dĩ nhiên là có thể. Có thể bạn từng tin trái đất này là phẳng, dẹt; nhưng một ngày nọ, khi nhìn thấy tấm hình chụp trái đất là một khối cầu tròn, bạn liền thay đổi niềm tin về hình dạng trái đất. Mà ai đã tạo ra sự thay đổi này? Chính bạn. Vì vậy, hãy phân tích, lý luận một cách hợp lý nếu đó không phải là trải nghiệm của cá nhân bạn. Bạn tồn tại, rồi niềm tin của bạn mới được sinh ra, cho nên bạn không phải là niềm tin của mình. Bạn không bị bắt buộc phải tin vào bất cứ điều gì. Bạn không cần giả vờ bạn là niềm tin của bạn! Ngay khi bạn bám chặt với một hệ niềm tin, bạn bắt đầu đồng hóa “bản thân” với chúng. Bạn sẽ luôn tin là mình đúng - dựa theo niềm tin của bạn - và đoán chắc người kia sẽ sai nếu họ mang niềm tin khác. Bạn tách biệt khỏi con người thật của mình và đóng chặt bản thân mình với những niềm tin khác, với cả những người đang có niềm tin khác biệt kia. Sau đó, thật dễ dàng để nhận thấy họ là mối đe dọa tiềm tàng. Một số người sẽ tiến hành cuộc chiến để phòng vệ và bào chữa cho “niềm tin của tôi”, bởi vì họ tin “Tôi là niềm tin ấy”.
Trong khi đó, đối với những tâm hồn sáng suốt, họ không bao giờ viện dẫn lý do tốt đẹp, thấu tình đạt lý để tiến hành cuộc chiến. Chẳng qua mọi chuyện chỉ là do hai nhóm người thất lạc nhân dạng thật của bản thân trong những hệ niềm tin khác nhau.
Thói quen đồng hóa bản thân với hệ niềm tin quá sâu sắc đến nỗi thật khó để trút bỏ lớp nhân dạng giả tạo này. Bên cạnh đó, lại có rất nhiều “công cụ” khác bổ trợ và củng cố thêm cho thói quen giả vờ như: nghi thức hàng ngày; đồng phục; dùng uy quyền để trấn áp người khác; sự cao ngạo “chính đáng”; những rào cản được dựng lên để ngăn chặn niềm tin của người khác “xâm nhập vào” hòng sửa đổi, làm lung lạc niềm tin “của chúng ta”; mặc cảm tội lỗi khi chúng ta có một chút hoài nghi về những niềm tin đã học hỏi được; dùng thủ đoạn để làm người khác đi theo niềm tin giống mình.
Nếu bạn cảm thấy thật nực cười khi “chỉ biết tin” vào những gì người khác nói, những gì người khác trình bày/ giải thích trong sách vở (kể cả quyển sách này), bạn đang vượt thoát khỏi niềm tin, nghĩa là bạn đã hiểu biết. Một khi đã hiểu biết, thì niềm tin không cần nữa. Chẳng hạn như khi bạn cảm thấy bản thân sẵn lòng cởi mở và tự do liên hệ, tiếp cận với người khác, thoát khỏi mong muốn được đền ơn, và bạn hành động dựa trên ý nghĩ ấy, bạn sẽ “cảm thấy” tràn ngập yêu thương. Trong khoảnh khắc ấy, bạn biết và nhận ra mình chính là yêu thương, nên không cần phải tin rằng bạn là yêu thương.
Nhưng có lẽ bạn nghĩ bạn phải có một vài niềm tin, bởi vì như người ta nói “Tôi phải có chính kiến chứ”. Phải không bạn? Liệu đây có thể lại là một niềm tin phổ biến khác khiến chúng ta chịu áp lực tự gán cho mình rằng phải “có chính kiến”? Chúng ta “phải” có, “phải” là hay “phải” làm điều gì đó sao? hãy thử một ngày không bày tỏ bất kỳ quan điểm nào và kiểm tra xem bạn thật sự “hiện hữu” nhiều bao nhiêu đối với người khác, bạn “bình an” trong suy nghĩ và “tích cực” trong thái độ đến chừng mực nào.
Lắng nghe lòng mình, bạn sẽ nhanh chóng nhận ra bạn đang tin vào điều gì. hãy quan sát xem điều gì khởi xướng khi bạn bày tỏ niềm tin của mình. Chú ý xem cách bạn cảm nhận có phải là những cảm xúc liên quan đến cảm giác lo âu, cáu bẳn, tức tối hay nỗi buồn nào đó hay không. Bạn có “giữ thế phòng thủ” khi nghe thấy niềm tin của người khác không trùng hợp với niềm tin của bạn?
Những dấu hiệu trên cho thấy bạn đang bị bẫy và bị nhốt trong ngục tù do chính bạn tạo ra. Những hàng song sắt là những niềm tin cố hữu của bạn. Chiếc khóa là sự cứng nhắc trong niềm tin mang nhãn số: “Tôi đúng”, và rồi bạn không nhận ra đó cũng chỉ là một loại niềm tin khác. Khi bạn nhốt mình trong đó, bạn cách ly mình với người khác, với thế giới xung quanh. Động cơ, cử chỉ yêu thương - xung lực tự nhiên để vươn ra và liên hệ với người khác - hầu như không thể thực hiện được. Vì lẽ đó, có câu nói rằng “Đừng vội tin vào điều gì mà hãy kiểm nghiệm lại mọi điều”. Trong suốt quá trình kiểm tra, bạn sẽ có thể nhìn vượt lên trên niềm tin và khám phá ra điều gì là thật, bởi niềm tin chưa hẳn là chân lý.
Quan điểm
Trân trọng sự thật rằng mọi người đều có quan điểm riêng có thể giúp ta mở rộng sự tin tưởng và không khuôn định mọi thứ theo niềm tin của mình. Hãy nói đến câu chuyện hai người cùng nhìn vào một cái cây. Sau đó, mỗi người mô tả lại những gì mình thấy. Nhận biết của cả hai người có thể khác nhau tùy theo trình độ học vấn. Song, đó không hẳn là vấn đề. Họ khác nhau là vì họ nhìn từ những góc độ khác nhau hay “điểm nhìn” khác nhau. Vậy thì ai có góc nhìn đúng? Cả hai đều đúng khi xét từ quan điểm của mỗi người. Tương tự như vậy đối với bất kỳ niềm tin nào. Niềm tin là dạng “nhận thức bị đông cứng” vào một khoảnh khắc nào đó trong quá khứ và được bảo quản trong “văn khố ý thức”. Việc lưu giữ những niềm tin này không cho phép ta “xỏ chân vào đôi giày của người khác”! Có một câu chuyện minh họa cho ý này: Ngày nọ, ba cậu học trò cùng đến gặp sư phụ của mình. Vị thầy giơ một bông hoa lên và hỏi học trò bông hoa màu gì. Học trò đầu tiên nói: “Dạ, bông hoa này màu đỏ thẫm ạ”. Thầy trả lời: “Trò nói đúng”. Học trò thứ hai đáp: “Dạ, con thấy bông hoa có màu tím xanh ạ”. Thầy cũng trả lời: “Con nói đúng”. Thấy vậy, học trò thứ ba thắc mắc: “Nhưng thưa thầy, cả hai bạn không thể đồng thời đúng được”. Vị thầy vẫn ôn tồn đáp: “Con nói đúng”.