"Tôi là những điều tôi làm.”
Đó là một sai lầm thường thấy!
Bạn có bao giờ gặp vấn đề rắc rối khi rời khỏi cơ quan? Bạn có mang theo công việc về nhà không, không phải loại công việc nằm trong cặp hồ sơ, mà là công việc ở trong đầu bạn? Ở nhà, tâm trí bạn vẫn bận rộn suy nghĩ về công việc ở cơ quan chứ? Đó là dấu hiệu cho biết bạn đang gắn nhân dạng của mình vào những gì bạn làm hoặc đã làm, là một sai lầm chung trong thế giới siêu bận rộn, đầy rẫy những con người cực kỳ bận rộn đang làm cái việc mà họ tin là vô cùng quan trọng. Nghĩa là chúng ta chưa nhận ra chúng ta không phải là công việc.
Chúng ta hãy nói về anh chàng David, anh là một kiến trúc sư. Nhiều người quen biết David nhiều năm qua bảo với anh rằng họ nghĩ anh là một kiến trúc sư đại tài, và anh tin vào lời họ. Rồi một ngày nọ, ai đó xuất hiện và nói: “Vậy ra anh là người đã xây cái thứ nhếch nhác đáng bỏ đi ở cuối phố đấy à?”. David sẽ cảm thấy thế nào? Nếu không sụp đổ, thì có lẽ cũng buồn. Từ nỗi buồn chuyển thành cơn giận và sự phẫn nộ. Lần sau, David gặp lại người ấy và anh tranh nói như cướp lời: “Xin lỗi, tôi không thể nán lại để tiếp chuyện với anh, tôi có việc phải đi đây”, vì anh sợ người kia có thể lại nói điều tương tự như vậy.
Vậy, David đã làm gì? Anh ta đã tạo ra ba khoảnh khắc đau đớn cho bản thân - buồn, giận và sợ. Tại sao? Bởi vì anh “tin” mình là một kiến trúc sư.
Nhưng kiến trúc sư là con người thật của anh hay là công việc anh làm? Đó là công việc, là nghề nghiệp của anh. Nhưng anh đã học cách tin tưởng đó là con người anh. Sự nhận dạng sai lầm này trở thành nguyên nhân gốc rễ cho nỗi đau cảm xúc vốn hoàn toàn do bản thân tạo ra. Nếu David không đồng hóa mình với những gì anh làm, anh sẽ không phản ứng một cách đầy cảm xúc như vậy. Trong tình huống ấy, anh có thể đáp lời: “Quả là một cảm nhận thú vị. Anh không thích điều gì ở nó? Tôi lấy làm thích thú muốn biết rõ hơn để rút kinh nghiệm cho những dự án tương tự tôi có thể thực hiện trong tương lai” hoặc một lời lẽ hiệu quả nào đó. Không gây ra cảm giác đau đớn, không có phản ứng đầy cảm xúc, đây chỉ là cách đối đáp điềm tĩnh và biết suy nghĩ cân nhắc, thận trọng - vì David không đồng hóa bản thân với điều anh làm.
Về bản chất, những gì chúng ta “làm” chỉ là một trong nhiều vai trò chúng ta “thủ diễn”. hãy thử hỏi bất kỳ diễn viên nào và họ sẽ trả lời bạn rằng họ không phải là phần vai họ đóng. Thật nguy hiểm khi đồng hóa với vai diễn hay giả vờ mình là vai diễn ấy. họ cũng sẽ nhắc nhở bạn rằng bạn thủ diễn nhiều vai khác nhau trên sân khấu cuộc
đời và nếu bạn không “thoát” ra được một hoặc hai vai nào đấy - thường xảy ra với hầu hết mọi người - sự sáng tạo và niềm vui sụt giảm và chúng ta bắt đầu làm cho mọi việc trở nên quá nghiêm trọng. Điều này quen thuộc với bạn chứ?
Đa phần “việc nghiêm trọng hóa” xuất phát từ một số biểu hiện sợ hãi. Chẳng hạn như những người làm ăn kinh doanh thường dễ làm cho sự việc thành nghiêm trọng vì họ tin rằng kinh doanh đòi hỏi phải nghiêm túc! Nỗi sợ thất bại, sợ lụn bại, sợ “chuyện làm ăn” không thành cứ chực chờ uy hiếp vì doanh nhân có khuynh hướng đồng hóa bản thân với “việc kinh doanh”! Vì lẽ đó, mức độ stress trong kinh doanh đang ngày càng gia tăng trong suốt hai thập kỷ qua. Cảm xúc lo âu ngăn chúng ta liên hệ, nối kết, chấp nhận và đánh giá cao người khác. Đó là dấu hiệu cho thấy ta nhốt mình quanh ý tưởng ta làm gì và đồng hóa bản thân với ý tưởng ấy. Từ đó, chúng ta phát triển thói quen nhìn đâu cũng thấy mối đe dọa đối với vai trò của ta, xem chúng như là mối đe dọa đối với bản thân. Trong cuộc sống hàng ngày, mỗi khi sự việc trở nên nghiêm trọng một chút, hãy dành ra một lúc để suy ngẫm, bạn sẽ thấy bạn đang giả vờ “là” những công việc mình làm!
Giá trị của bạn là gì?
Bạn có “suy nghĩ” nhiều đến vị trí, lương bổng, tài sản sở hữu và đặc quyền của mình trong cuộc sống không? Nếu bạn đang thiết lập giá trị bản thân và lòng quý trọng bản thân lên điều gì đó nhất thời, hời hợt và giả tạm bề ngoài, cảm giác lo âu và thiếu an toàn sẽ là vị khách không mời thường xuyên ghé thăm vì tất cả những “điều” kia có thể vụt biến mất vào bất cứ lúc nào. Khi những cảm giác bất an này chiếm hữu trái tim bạn, tâm hồn bạn không thể nào yêu thương, trở nên đáng yêu hay đáng quý nữa. Lúc ta bận rộn “nắm giữ” những gì ta tin rằng nó định hình giá trị bản thân, ta không thể thư thái, thanh thản trong lòng, trái tim ta có xu hướng ẩn rút vào bên trong. Nếu trái tim ta có thể nói, nó sẽ lên tiếng: “Hãy cho tôi biết khi nào bạn hoàn tất cái việc làm suy kiệt bản thân bằng cách cố ‘bám giữ’ tất cả những thứ ấy! Tôi sẽ có mặt để ôm siết bạn với thật nhiều tình yêu thương đến nỗi bạn phải ngạc nhiên tự hỏi tại sao trước kia bạn đã phớt lờ tôi”. Nhưng chúng ta là trái tim mình, chúng ta là yêu thương, chúng ta vốn dĩ là năng lượng quý giá nhất trong thế gian này; vì vậy, có lẽ chúng ta cần bắt đầu chuyện trò với bản thân theo cách thức ngọt ngào, dịu dàng và trìu mến! Hãy tiễn biệt nỗi âu lo, xin giã biệt nỗi bất an. Cuối cùng, yêu thương là điều an toàn tuyệt đối.