"Tôi là vị trí của tôi"
Thật vậy không?
Ngay khi bạn nhận dạng bản thân qua vị trí/địa vị, dù là trong một tổ chức, một cộng đồng, hoặc thậm chí chỉ trong phạm vi gia đình nhỏ của bạn, cảm giác tự tôn hoặc là lối suy nghĩ tự ti sẽ có cơ hội thâm nhập. Nếu bạn xem mình đang đứng ở vị thế cao hơn người khác, họ cảm thấy ngay cái vẻ ngạo nghễ, tự đắc ở bạn và bắt đầu dè chừng, giữ khoảng cách. Còn nếu bạn nghĩ mình đang giữ vị trí thấp kém hơn so với mọi người, xu hướng quỵ lụy, khúm núm và cảm giác khó khăn, túng quẫn xuất hiện trong hành vi của bạn. Làm vậy càng khiến người khác lợi dụng hoặc phớt lờ bạn. Nhưng nếu bạn không nhận dạng mình qua vị trí/địa vị, dù đó là vị trí quan trọng hay bình thường, bạn đều nhìn người khác với thái độ ngang bằng và hành xử với sự chấp nhận, khiêm tốn và nho nhã, vốn có xu hướng thu hút điều tương tự đáp lại.
Điều này không hẳn là dễ dàng bởi vì chúng ta đã tin rằng địa vị đồng nghĩa với sức mạnh và quyền lực. Nghĩa là chúng ta tin mình có thể kiểm soát người khác bằng uy quyền, nhưng thật ra đây là việc làm không khả thi, tương tự như hành động dừng đoàn tàu đang lao nhanh bằng tay không. Địa vị của bạn có thể gieo nỗi sợ trong lòng người khác để từ đó bắt buộc họ phải tuân thủ bạn; chính vì vậy, bạn tưởng mình đang kiểm soát được họ. Tuy nhiên, đó không phải là uy quyền hay sức mạnh, càng không phải là sự kiểm soát. Chẳng qua đây chỉ là nỗi sợ hãi được khơi dậy bằng thẩm quyền - một thủ thuật khéo léo thường được người lớn chỉ dạy - và được vận dụng tài tình trong những tổ chức được điều hành bởi những nhà quản trị lười biếng. Nhưng nó chỉ có tác dụng trong trường hợp người khác sợ những gì họ tin đấy là thẩm quyền cao hơn, hoặc họ lo lắng, khiếp sợ trước phản ứng đầy cảm xúc tiêu cực của ai đó. Thật rồ dại khi dùng cách này hòng đạt được điều bạn mong muốn trong các mối quan hệ.
Mỗi khi bạn đồng hóa mình qua địa vị, “giả vờ” là địa vị, hãy để ý xem bạn thường xuyên cảm thấy không an toàn ra sao nếu bạn nhận ra mối đe dọa chực chờ “chiếm đoạt” vị trí ấy. Khi tin ta là vị trí ta đang nắm giữ, ta kỳ vọng được nể nang, tôn trọng trên mức bình thường theo cách thức nào đó. Còn giả như không nhận được sự nể trọng theo ý muốn, ta có khuynh hướng trở nên tức giận, thường thể hiện ra dưới hình thức oán trách. Chúng ta “ném” nỗi oán giận ấy vào mối quan hệ, rồi tự hỏi tại sao mối quan hệ bị đổ vỡ và trách sao ta phải “hứng chịu” nỗi oán giận từ người khác!
Nếu vẫn khát khao được mọi người thừa nhận và kính nể, nếu vẫn đang tìm kiếm sự chấp nhận và lời khẳng định từ người khác, ta khó tránh khỏi việc lạm dụng địa vị, chức tước để đạt được những điều đó. Nhưng sự công nhận, lời khẳng định và chấp nhận của người khác, tất cả đều là những cạm bẫy vô hình. Một khi bắt đầu “tiếp nhận” những dạng năng lượng này từ người khác, sự lệ thuộc vào họ manh nha phát triển trong ta. Sự túng thiếu từ nội tâm sẽ tự thể hiện thông qua lời nói và hành động của ta. Khi người khác “bắt” được cảm giác thiếu thốn ấy ở ta, họ có thể lợi dụng cơ hội thao túng ta hoặc từ chối trao đi cái ta đang tìm kiếm để thỏa mãn ước mong. Lưu ý rằng họ càng có sức mạnh chi phối ta khi ta phản ứng quyết liệt trước sự khước từ của họ. Đó là những trò chơi ta thường chơi với nhau do không biết đến tình yêu thương thật sự! Nhưng tại sao lại dẫn đến cơ sự này? Bởi vì nguyên nhân gốc rễ gây túng thiếu là “lời kêu khóc” cần có tình yêu thương, mà việc lạm dụng địa vị, chức quyền để được thừa nhận và nể nang thì không phải là con đường đúng đắn đưa ta quay về tình yêu đích thực. Bạn muốn người khác làm cho bạn cảm thấy được yêu thương vì bạn chưa nhận ra rằng bạn là suối nguồn yêu thương; bạn phải chịu trách nhiệm cho xúc cảm của mình, không phải do “họ” khiến bạn cảm thấy được chấp nhận, tán thành và nể trọng… Chính bản thân bạn quyết định tất cả những điều đó!
BẠN là gì?
Vậy, nếu bạn không phải là hình dáng của bạn, không phải là diện mạo của bạn, không phải là vị trí công việc, không phải là niềm tin bạn đang tôn thờ, thế BẠN là ai? Thật đơn giản, bạn là nhân vật “Tôi” thường nói “Tôi là”. Chính “Tôi” nhận ra “Tôi”, vì vậy “Tôi” là nhận thức. Chúng ta đều biết mình có nhận thức, mọi điều ở “trong” nhận thức thì không phải là ta. Khoảng thời gian ban đầu thực hành “giữ” nhận thức này sẽ có chút thách thức, bởi vì ta đã quá quen nhận dạng bản thân với những gì “ở trong” nhận thức của mình. Nhưng dần dà, bạn bắt đầu “thấy” và biết bản thân là nhận thức thuần khiết, trong sáng, mọi cái khác chỉ là “nội dung” trong nhận thức mà thôi. Từ đây, cảm giác hài lòng, mãn nguyện trỗi dậy thường xuyên hơn và tồn tại bền lâu hơn.
Sự ra đời của “bạn đồng hành xa xưa nhất và… thân thương nhất”
Mọi hình thức nhận dạng sai lầm kể trên không chỉ là ảo tưởng hay còn gọi là những câu chuyện hoang đường mà chúng ta tạo ra xoay quanh nhân dạng của mình. Đấy không phải cách thức duy nhất ta đóng giả là điều gì đó vốn không phải là mình, nhưng có lẽ chúng là những hình thái thường gặp nhất, dễ nhận ra nhất. Mỗi ngày, tất cả chúng ta đều nhận lầm mình với hàng trăm điều, mà bản thân chúng ta lại không hề nhận biết điều đó. Vì vậy cũng dễ hiểu vì sao chúng ta quên chúng ta là tình yêu thương, và đó cũng là lý do chúng ta đánh mất khả năng yêu thương trong mối quan hệ giữa mình với người khác. Đây cũng là cách mà “người bạn đồng hành xa xưa nhất và… thân thương nhất” - cái tôi giả tạo được sinh ra. Nó đang sống và đang tồn tại bên cạnh ta. Trái ngược với một số quan niệm phổ biến trong xã hội ngày nay, cái tôi giả tạo không phải là nguồn lực giúp lèo lái cuộc đời ta; không phải là toàn bộ giá trị và niềm tin của ta; không phải là “bản thân” ta, dẫu rằng đôi khi nó có vẻ như vậy. Cái tôi giả tạo là kẻ thù duy nhất trong cuộc đời ta. Nó giết chết niềm hạnh phúc, khả năng sáng tạo và khả năng tương giao tích cực của ta với người khác.
Mọi chương trình phát triển bản thân, mọi chuyên gia cố vấn về mối quan hệ tốt đẹp, mọi nỗ lực tinh thần và các hình thức kỷ luật tâm linh trên thế giới sẽ tạo ra sự khác biệt nho nhỏ cho chất lượng cuộc đời ta hoặc mang đến cho ta cảm giác hài lòng cho đến khi ta thoát khỏi “người bạn đồng hành” xưa cũ và gần gũi nhất này. Tuy nhiên, cái tôi này là gốc rễ cho mọi khổ đau của con người vì nó dựa trên sự dối trá. Nhận ra sự dối trá, ngưng nuôi dưỡng điều dối trá thì khổ đau sẽ không còn nữa. hiểu về cái tôi, bạn sẽ hiểu ra hầu hết mọi điều.
Nào, bạn hãy ngồi dậy và cài khóa an toàn vì chúng ta sắp sửa đi vào thế giới tăm tối của “những bóng ma”, nơi mà mọi hình thức giả vờ đều có nguồn gốc sâu xa của nó. Sau đây là một số dấu hiệu giúp chúng ta nhìn nhận lại mình:
- Đằng sau tất cả những nhân dạng giả tạo kia, bạn thật sự là ai?
- Dẫu không thích nhưng tại sao bạn vẫn liên tục mang cảm giác tiêu cực ấy?
- Nếu bạn có quyền để mình được tự do, thảnh thơi, vậy bạn có thể giải thoát bản thân khỏi mọi nhiễu loạn cảm xúc bằng cách nào?
- Làm thế nào để lại trở nên xinh đẹp và quay về bản chất thật sự?
Đã từ rất lâu bạn không còn là chính mình. Tuy nhiên, từ giờ, bạn đừng phí thời gian đời mình cho tình trạng đó nữa!
CÁI TÔI GiẢ TẠO ngăn trở ánh sáng của tình thương như thế nào?
Chỉ gần đây thôi, một làn sóng mới từ nhiều tác giả và những bậc thầy đã nỗ lực làm sáng tỏ và bóc trần sự tồn tại của cái tôi giả tạo (bản ngã) cùng tác động của nó đối với niềm hạnh phúc cá nhân, sự chung sống, cùng tồn tại giữa con người với nhau. Dẫu vẫn còn đôi chút khác biệt trong định nghĩa Cái tôi là gì – song, có một điều mà hầu hết mọi người đều đồng ý: Cái tôi giả tạo là kẻ thù của sự tỉnh thức, nhận thức thật sự về bản thân. Tuy nhiên, nó không hẳn là kẻ thù vì xét cho cùng, nó không có thật. Lý do không có sự đồng lòng, nhất trí tuyệt đối về Cái tôi là gì dường như là do thiếu sự nhất trí trong cách hiểu về Ý thức là gì, Tâm trí là gì, Trí tuệ là gì và Lương tâm là gì, đồng thời, những “bộ phận” thuộc ý thức này tương giao và liên hệ với nhau như thế nào.
Nếu bạn đã khám phá ra bản chất và phương thức hoạt động của ý thức - của chính bản thân - bạn sẽ biết rằng từ ngữ chỉ là phương tiện để mô tả, là biển chỉ đường và là gậy dẫn đường trong điều kiện tốt nhất; tương tự như tấm bản đồ không phải là vùng đất mà chúng chỉ dẫn, nhưng chúng ta vẫn dễ bị vướng chấp trong việc tranh luận nó là lãnh thổ. Đi vào lĩnh vực ý thức, khi chúng ta tìm hiểu ý nghĩa của những khái niệm như trực giác, tâm trí, ký ức, cảm xúc và cảm giác, bạn hãy cởi mở đón nhận lối tư duy của một nhà nghiên cứu ham học hỏi và đầy nhiệt tâm đang nóng lòng khám phá điều mới mẻ. hãy xem bạn có thể nhìn ra “khu rừng ý thức” của mình qua những mô tả bằng lời và bằng khái niệm của tôi không nhé!
Mỗi khi bạn nhìn lại mình qua những lời được mô tả ở đây, hãy tìm cách ghi chú cẩn thận. Có lẽ nên đánh dấu ở bên lề sách. Nếu bạn không thể nhìn ra điều được mô tả, có lẽ nên đánh một dấu chấm hỏi (?) để bạn có thể quay lại giải quyết sau, rồi sau đó tiếp tục. Nhưng nếu có điều gì đó không rõ ràng, trước khi tiếp tục, vui lòng dành ra vài phút để xem bạn có cảm thấy bất kỳ cảm giác chối bỏ nào đối với những điều tôi đang mô tả không. Nếu có, không phải là bạn không thể nhìn ra điều tôi mô tả, mà dường như bạn không muốn nhìn ra nó. Bạn cũng có thể nhận thấy sự chối bỏ hiện hữu đồng nghĩa với cái tôi giả tạo đang hoạt động. Nó đang khép chặt cánh cửa ý thức để đảm bảo bạn không khám phá ra sự thật mới mẻ - vì khi đó, nó không còn được cần đến nữa. hãy nhận ra sự kháng cự, mỉm cười đầy hiểu biết với nó và tiếp tục tiến bước. Cuối cùng, tôi đề nghị bạn đừng tiếp tục đọc nếu bạn cảm thấy mệt mỏi theo bất kỳ cách nào. hãy chờ đợi cho đến khi bạn trở nên tươi mới và tập trung trở lại.
Chúng ta cùng bắt đầu với định nghĩa và mô tả về người bạn xưa cũ của mình - cái tôi giả tạo. hãy dành ra một lúc để suy ngẫm, gác qua một bên bất kỳ định nghĩa nào bạn đã đọc hay bắt gặp trong quá khứ. hoặc bạn đóng sách lại trong một vài giây, hoặc tìm ra một trang giấy trống đâu đó đằng sau quyển sách và viết xuống lời định nghĩa, lời mô tả của bạn về cái tôi giả tạo. Bạn đang bước vào thế giới của tâm trạng, của tính khí, của lề thói cũ, hướng vào nội tâm trong khi bạn vẫn đang nhìn ra bên ngoài… để nói chuyện. Bạn sẽ định nghĩa thế nào về cái tôi - hãy viết xuống. Không có câu trả lời đúng, chỉ là câu trả lời của bạn thôi.
Sau khi kết thúc suy ngẫm và viết ra ý tưởng, hãy quay trở lại trang sách này.
Định nghĩa và Mô tả về CÁI TÔI GIẢ TẠO
Những khái niệm như niềm tin, suy nghĩ, cảm xúc, giá trị, lòng quý trọng, hình ảnh, nhìn nhận bản thân, ngay cả đến nhân cách, đều là số ít trong số những bộ phận cấu thành mà người ta tin chúng hình thành nên cái tôi. Cái tôi thường được xem là “động lực” của cuộc đời và dĩ nhiên đây là từ gây liên tưởng đến “bản thân” nhiều nhất. Đây là định nghĩa và lời mô tả mà tôi ưa thích. Nó không mang tính bất di bất dịch, nếu nó không có tác dụng đối với bạn, hãy bỏ qua! Qua định nghĩa này, tôi cũng mô tả cái tôi được hình thành như thế nào trong ý thức con người.
Cái tôi là sự gắn kết vào hình ảnh sai lệch về “bản thân” hoặc niềm tin về “bản thân”.
Và sau đó, triển khai ra một chút
CÁI TÔI là “bản thân” (nhân vật “Tôi” nói “Tôi là”) gắn kết mình với hình ảnh hoặc với niềm tin mà Tôi lầm tưởng chúng là con người tôi.
Lúc này, nếu bạn “tự nhận thức” về điều mà bạn trở nên gắn kết với chúng, bạn cũng sẽ “lưu ý” đến 3 điều:
1. sự gắn kết “diễn ra” trong ý thức của bạn.
2. bạn đánh mất ý thức về “nhân dạng” thật của mình trong “hình ảnh” của đối tượng gắn kết do bạn tạo ra trên màn hình tâm trí.
3. “hình ảnh” đó có thể là một vật thể, ý tưởng, ký ức hay niềm tin.
Do đó
CÁI TÔI là bản thân (“Tôi”) gắn kết và ĐỒNG HÓA với hình ảnh vốn không phải là con người tôi
Việc này hoàn toàn diễn ra bên trong ý thức, trong nội tại bản thân, trên màn hình tâm trí. Tâm trí ở trong bạn, trong ý thức, nhưng “Tôi” không phải là tâm trí. Chúng ta rơi vào sự nhầm lẫn này hàng trăm lần mỗi ngày nhưng không nhận ra. Chẳng hạn như, trong khi đang lái chiếc BMW, bạn nhìn thấy một mẫu xe mới chạy đến. Bạn tự nhủ “Được rồi! Mình sẽ tậu được một chiếc như thế”. Sau ba tuần, bạn ngồi chễm chệ trong chiếc BMW mới cáu cạnh. Bạn “cưỡi” xe xuống phố, chạy vụt qua những người bạn quen. Ánh mắt và nụ cười hả hê trên gương mặt bạn đã thay cho lời nói:“Ê, trông tớ đây, đừng nhìn tớ làm chi, nhìn vào chiếc xe này đi!”. Trong khoảnh khắc ấy, bạn muốn họ nhìn vào chiếc xe nhưng có thêm bạn ngồi trong đó. Bạn muốn họ xem bạn như chiếc xe, chiếc xe là biểu tượng cho bạn. hình ảnh bạn đang muốn phóng chiếu lên tâm trí họ về bản thân bạn là hình ảnh chiếc BMW. Lúc đó, bạn không chỉ “gắn kết” với chiếc xe, mà “nhân dạng” bản thân cũng được gửi gắm hết vào chiếc xe.
Sự gắn kết này dễ dàng được chứng minh khi một “kẻ phá bĩnh” lân la đến chiếc BMW mới cáu của bạn và dùng đồng xu cào xước lớp sơn, bạn cảm thấy thế nào? Buồn một chút? giận một chút? Bạn nhận ra hành vi của họ khơi mào cho cơn thịnh nộ. Bạn đang vui vẻ, thoải mái hay đau đớn? Bạn đang đau đớn. Nhưng ai tạo ra nỗi đau của bạn, cơn giận của bạn? Là chính bạn. Không phải “kẻ phá bĩnh” kia tạo ra nỗi khổ của bạn từ hành động của hắn ta, mà chính bạn. Người ấy chỉ làm cái việc cào trầy xước chiếc xe một chút với đồng xu. Vậy, từ quan điểm hữu lý, anh ta cào vào chiếc xe của bạn và bạn cảm thấy đau đớn, nghĩa là BẠN NghĨ BẠN LÀ ChiẾC XE! Như vậy, bạn đang chìm trong ảo tưởng mê mờ rằng bạn là chiếc xe. hiển nhiên, trong lúc đó bạn không “nhận ra” bạn đang đồng hóa mình với chiếc xe. Bạn chỉ biết nóng giận lên thôi.
Tất cả chúng ta đều phạm cùng một sai lầm này trong ý thức nhiều lần mỗi ngày với những vật thể, con người, ý tưởng, niềm tin… khác nhau. Đây là lý do tại sao định nghĩa đơn giản nhất về cái tôi đó là Cái tôi là “sự lầm lẫn”.
Chúng ta lầm bản thân mình với điều gì đó không phải là ta.
Để nhìn ra chính xác chúng ta làm điều này như thế nào, chúng ta cần đi đến nơi ta thực hiện - nó ở ngay trong ý thức của chúng ta. Ý thức chỉ đơn giản là năng lượng của bản thân và - trong trường năng lượng ý thức - có một bộ phận được biết đến là tâm trí. Mọi người đều có một tâm trí. Tâm trí giống như chiếc màn hình, là không gian sáng tạo của bạn. Bạn có thể đưa bất cứ điều gì lên màn hình tâm trí - suy nghĩ, hình ảnh, ý tưởng, quan niệm, biểu tượng, ký ức - vào bất cứ lúc nào.
Là chủ nhân đầy kiêu hãnh bên chiếc BMW mới cứng, bạn đứng nhìn ngắm chiếc xe của mình đang đậu trên đường. Bạn ghi nhận hình ảnh chiếc xe thông qua đôi mắt, và đưa hình ảnh ấy lên màn hình tâm trí. Chẳng thành vấn đề khi bạn phải suy nghĩ về chiếc xe, đổ xăng cho nó, chùi rửa cho nó… Nhưng nhầm lẫn bắt đầu khi “bạn” rời khỏi trung tâm của ý thức, và đi vào tâm trí. Không chỉ có thế, “bạn” đi vào hình ảnh chiếc xe trong màn hình tâm trí. Bạn đánh mất ý thức về “Tôi” - ý thức về “bản thân” - qua hình ảnh chiếc xe. Đây được gọi là “gắn kết” với hình ảnh.
Tiếp sau đó xuất hiện hình ảnh gã phá bĩnh cào trầy chiếc xe mới của bạn, bạn cảm thấy thế nào? Quá tức giận, quá đau khổ ư? Tại sao? Bạn không chỉ gắn kết vào chiếc xe, mà còn đồng hóa mình với nó. Vì vậy, khi kẻ phá bĩnh kia chạm vào chiếc xe “ngoài kia”, thì như thể là hắn ta chạm vào bạn. hiển nhiên là vô lý! Bạn không phải là chiếc xe và hắn ta không chạm vào bạn. Nhưng phản ứng đầy giận dữ của bạn cho thấy bạn nghĩ bạn là chiếc xe.
Vì vậy, nếu không muốn chịu đựng đớn đau, nếu không muốn nóng giận, thật đơn giản là bạn đừng gắn kết với chiếc xe nữa. Đừng đánh mất ý thức về bản thân qua hình ảnh chiếc xe trên màn hình tâm trí. Nói cách khác, hãy giữ mình tách ra và có thái độ khách quan, nghĩa là nếu chiếc xe bị trầy xước hay bị hủy hoại theo cách nào đó, chuyện đó vẫn không làm bạn phải nổi giận, phải phản ứng nóng vội và gây ra nỗi đau cảm xúc cho mình. Bạn thấy như vậy có đúng không?
Về lý thuyết nghe có vẻ đơn giản, nhưng trên thực tế chắc chắn là không. Trong khi tất cả chúng ta đều học cách “gắn kết” vào nhiều điều, như con cái chẳng hạn, chúng ta không nhận ra mình đang làm vậy. Không ai chỉ bảo ta biết những kết quả của sự gắn kết ở cấp độ tinh thần và cảm xúc sẽ là gì. Không ai giải thích cho ta hiểu cơ chế của ý thức. Mặc dù ban đầu không dễ để “nhìn” ra tiến trình gắn kết diễn ra trong nội tâm. Nhầm lẫn mình với các loại hình ảnh là nguyên nhân gốc rễ gây ra TẤT CẢ đớn đau tinh thần/cảm xúc mỗi ngày của chúng ta. Nếu có thể nhìn ra cơ chế này, nếu có thể nhận ra bạn đang làm gì trong ý thức của mình khi bạn “gắn kết”, nếu có thể thấy được “sai lầm” này, bạn đang bước đầu phục hồi lại tự do thật sự và theo đó là niềm hạnh phúc đích thực cho cuộc đời bạn. Tại sao? Vì gốc rễ cho MỌi bất hạnh, khổ đau, xuất phát từ cùng một lỗi lầm chúng ta mắc phải (nghĩa là gắn kết với những hình ảnh khác nhau) trong ý thức của ta. Chúng ta đánh đổi sự tự do, thảnh thơi của mình để lấy nỗi khổ đau ngay khoảnh khắc ta gán ghép bản thân với điều gì đó.
Chỉ khi bạn dành thời gian để dừng lại và xem xét, không chỉ đọc thôi mà dừng lại, suy ngẫm, nhận thức bạn đang làm gì trong ý thức của mình, bạn mới thấy rõ bạn nhầm lẫn bản thân với điều gì đó không phải là bạn thường xuyên như thế nào. Khi bạn hướng sự chú ý của mình ra ngoài thế giới và chuyên chú vào cách tạo ra thế giới “ngoài kia” bằng hình ảnh “trong này” - trên màn hình tâm trí - bạn bắt đầu nhận biết về thói quen gắn kết. Bằng cách đó, bạn có thể giải thoát cho mình được tự do.
Nỗi khổ đau - Điều vốn không tự nhiên đã trở nên tự nhiên
Câu lý luận thường xuyên là “Dĩ nhiên phải nổi giận, phải đau, phải phản ứng trước hành vi gây thiệt hại đến tài sản, là chiếc xe của tôi chứ?”.
Khi bạn cảm thấy bất kỳ nỗi khổ đau nào, dù lớn hay nhỏ, thì đều nghĩa là có điều gì đó “không tự nhiên” đang diễn ra, điều gì đó mất cân bằng, mất hài hòa trong bản thân bạn, trong ý thức của bạn. Chỉ có bạn mới có thể sửa đổi, vì chỉ có bạn tạo ra nó. Nhưng ngay khi bạn nhận thấy mình tức giận hoặc sợ hãi, điều cuối cùng bạn có thể thấy và nhận ra: BẠN là người tạo ra cơn giận hay nỗi sợ của mình vì BẠN đã gắn kết bản thân và đồng hóa bản thân với điều không phải là bạn.
Có lẽ bạn đang nghĩ “Nhưng cảm thấy đau khổ khi những chuyện như thế xảy ra trong cuộc đời là điều tự nhiên và bình thường chứ sao?”. Đó là một niềm tin phổ biến mà nhiều người gắn kết với nó trong thế giới ngày nay. Nhưng nếu chúng ta nói rằng nỗi đau tinh thần và cảm xúc là bình thường, cụm từ tương đương ở cấp độ thể chất sẽ là “cảm thấy bình thường khi bị vật nhọn cắm vào chân”. Bạn thấy không, đó là điều hoàn toàn không bình thường.
Có lẽ bạn chưa nhận ra rằng bạn có sức mạnh để lựa chọn cách bạn muốn cảm thấy ra sao khi phản ứng trước bất kỳ tình huống nào. Nếu vậy, nghĩa là bạn hoàn toàn chưa nhận ra bạn chịu trách nhiệm hoàn toàn cho mọi cảm xúc (tức giận, đau khổ…) của bạn. Nói cách khác, bạn vẫn “tin” chính kẻ phá bĩnh với đồng xu đáng ghét đã gây ra cơn giận, nỗi đau này trong bạn. hoàn toàn là do bạn, vì đó là cách ứng phó của bạn, và chỉ mỗi bạn chịu trách nhiệm cho cách ứng phó của mình.
Có thể bạn đang nghĩ chiếc xe đối với mình không phải là vấn đề, mà là thời gian và số tiền mình bỏ ra để mua chiếc xe ấy. Nếu vậy, cái bạn gắn kết không phải là hình ảnh chiếc xe, mà là số tiền bạn bỏ ra và khoảng thời gian để kiếm được số tiền ấy. Cơ chế này cũng chẳng khác gì mấy. Bạn không đang gắn kết với hình ảnh chiếc xe, mà bạn đang gắn kết vào đồng hóa với đối tượng khác, là tiền và thời gian…
Có thể bạn vẫn nghĩ chiếc xe, tiền bạc hay thời gian đã đầu tư vào chiếc xe vẫn không phải là vấn đề, bạn đang phiền muộn vì phải mất thời gian để đưa chiếc xe đi sửa. Mà bạn lại đang gắn kết và đồng hóa với hình ảnh cần sử dụng quỹ thời gian của mình để làm điều gì đó khác. giờ, sự cố trầy xước này khiến bạn phải làm cái điều bạn không mong muốn. Bạn cảm thấy như bị “mất mát”, bị từ chối được phép làm những gì muốn làm. Khổ đau thì tương tự nhưng hình ảnh bạn gắn kết lại khác nhau. Nếu bạn không gắn kết với việc làm điều gì đó khác bằng quỹ thời gian này của bạn; nếu bạn để mình tách ra, bạn sẽ linh hoạt và thảnh thơi, tự do xuôi theo dòng chảy cuộc đời, đón nhận những gì cuộc đời mang đến cho bạn trên đường đi. Trong trường hợp này, bạn sẽ “chuyển công tắc ý thức”, dành thời gian và sự chú ý cho việc sửa xe mà không phàn nàn, ca thán để rồi chịu đựng đau khổ. Cuối cùng, bạn hiểu rằng “điều gì phải xảy ra thì sẽ xảy ra”, đó là điều tự nhiên của cuộc sống trên hành tinh này!
Hoặc có lẽ không phải do chiếc xe, tiền bạc hay thời gian là vấn đề, mà đây là chuyện liên quan đến “sự tôn trọng”. Bạn tin rằng ai đó đã thể hiện sự thiếu tôn trọng đối với bạn, và có lẽ với cả xã hội, qua việc làm hư hại chiếc xe của bạn. hình ảnh bạn gắn kết là “bạn là một con người đầy tự trọng” và “người khác nên tôn trọng bạn”. Nhưng nếu bạn buông bỏ hình ảnh mình phải được tôn trọng, nếu bạn không còn “mong cầu” sự tôn trọng từ người khác để củng cố lòng tự trọng của bạn, thì bạn sẽ không còn khổ đau nào. Khi đó, nếu người ta không tôn trọng bạn, bạn vẫn có thể tiếp tục tiến bước dễ dàng, không mất đi bình an, sức mạnh hoặc niềm hạnh phúc trong bạn. Còn nếu bạn thèm khát được thừa nhận và được tôn trọng từ người khác thì thật sự điều đó không phải do “bạn” cần, mà chính cái tôi giả tạo kia cần.
Giờ đây, có thể bạn thầm nghĩ tôi đang bảo bạn nên cam chịu khi người nào đó hủy hoại tài sản của bạn hay khi họ làm và nói điều gì đó chướng tai gai mắt. Tuy nhiên, “tách ra” không mang nghĩa như vậy. Chúng ta hãy nói đến chiếc xe giờ đã bị trầy xước, bạn sẽ phản ứng như thế nào? Bạn có quyền lựa chọn. Nếu kẻ phá bĩnh vẫn còn đó, bạn có thể nói “Tôi chấp thuận việc anh sẽ chi trả cho hành động gây tổn hại mà anh đã thực hiện”. hoặc bạn có thể gọi cảnh sát khi kẻ đó có hành vi vi phạm luật pháp. Nhưng thông thường với những vụ việc như vậy, kẻ phá bĩnh làm trầy xước xe xong rồi bỏ chạy.
Vậy, lựa chọn của bạn là gì: a) bạn có thể tự trả tiền để xóa bỏ vết trầy xước, b) bạn có thể lấy tiền bảo hiểm để thanh toán cho việc sửa xe, c) bạn có thể để mặc vết xước ở đó và tiếp tục sử dụng xe, d) bạn có thể bán chiếc xe trầy xước ấy đi.
Bạn luôn có lựa chọn. Tại sao bạn không thể “sáng tạo ra” những biện pháp khả thi? Vì ý thức của bạn chất chứa đầy cảm xúc giận dữ. Và bạn không thể sáng tạo khi bạn đang chìm trong nỗi sợ hãi hay tức giận. Cảm xúc tiêu cực có tính hủy hoại bản thân, vì nó giết chết khả năng sáng tạo của bạn. May mắn thay, nó chỉ là tạm thời, vì mọi cảm xúc đều phải qua đi. Tách ra không có nghĩa là bạn không quan tâm đến chiếc xe, hoặc bạn không đếm xỉa đến giá trị của chiếc xe. Chúng ta nhận thấy gắn kết khác với quan tâm; gắn kết thường bị lầm lẫn với sự trân trọng, nhận biết được giá trị, song không thể “gán giá trị” cho bất kỳ điều gì chừng nào bạn còn gắn kết, dính chặt vào nó.
Chiếc xe bị trầy xước chỉ là một ví dụ điển hình. Với nhiều người, vết xước cỏn con kia chẳng bao giờ là vấn đề. Đối với họ, có thể là những chuyện khác, đối tượng khác, như là tấm thảm mới chẳng hạn. Bạn vừa mới mua một tấm thảm và cảm thấy quá hạnh phúc với tấm thảm mới tinh. Nhưng chỉ không lâu sau khi những vị khách dùng cơm tối đến, tất cả ngồi quây quần trong phòng khách, và rồi cà phê tràn ra mép tách, từng giọt “đắng” chảy xuống tấm thảm! Bạn khóc thầm với nỗi đau đớn “Ôi, tấm thảm mới của tôi!”. Trong lúc đó, bạn xem mình là tấm thảm. Bạn quên đi một trong những công thức quan trọng nhất của cuộc đời: tấm thảm + trọng lực + cà phê = vết ố; xe hơi + người quá khích + lề đậu xe bên đường = những chiếc xe hơi bị va quệt trầy xước. Dựa trên phép tính ấy, ta nhận thấy tấm thảm được thiết kế là để đón bắt cà phê chảy xuống và chiếc xe được thiết kế là để bị trầy xước vào lúc đó. Cuộc đời là thế!
Đi đến cực điểm
Chuyện gì xảy ra nếu như chúng ta đưa điều này lên đến cực điểm của nó: chuyện gì xảy ra nếu con của bạn bị làm hại? Chắc chắn chúng ta không thể thờ ơ trong chuyện này. Bạn không thể tách rời khi chuyện ấy xảy ra. Nếu khi đó mà bạn bình tĩnh thì có phải là bạn không quan tâm hay không? Đó là câu hỏi thường có trong bất kỳ cuộc hội thảo nào.
Câu trả lời là như nhau, vì cơ chế vận hành trong ý thức là như nhau. Khó hơn hết là việc nhìn ra và thực hành, áp dụng, vì mối ràng buộc, gắn kết sâu xa nhất mà chúng ta hình thành là gắn kết với gia đình của mình. giả như con của bạn bị người khác hành hung, bạn cảm thấy thế nào? hầu hết mọi người sẽ cảm thấy thế nào? Xen lẫn giữa nỗi buồn là cảm xúc giận dữ và tổn thương, trong đó cơn giận tồn tại lâu hơn hai cảm xúc kia và ngày càng leo thang, như thể là bạn cũng đang gánh chịu đớn đau. Nhưng lúc đó, đứa trẻ cần gì? Nó cần sự thấu cảm, quan tâm, tình yêu thương, sự hỗ trợ và tinh thần rõ ràng, sáng suốt của bạn để đưa ra quyết định nhanh chóng và quan trọng như “Đi bệnh viện ngay thôi!”.
Nhưng nếu bạn đang cảm thấy đớn đau, bạn không thể quan tâm, hỗ trợ, đưa ra quyết định sáng suốt… Thật ra lúc ấy bạn mới là người cần được quan tâm, hỗ trợ, bởi vì bản thân bạn đang khổ sở. Người nào chìm trong đau khổ thì không thể giúp đỡ người khác thoát khỏi đau khổ một cách hiệu quả được. hơn nữa bạn cũng không thể băng bó vết thương trong tâm trạng bất ổn như vậy.
Đây KHÔNG phải là lý thuyết suông
Không thể giao phó những đề tài về tình yêu thương, cái tôi và cảm xúc cho các chuyên gia, vì trong những lĩnh vực này không cần đến chuyên gia. Tình yêu thương không phải là một đề tài mà hàn lâm có thể nghiên cứu trong Học viện - nơi tập hợp những người mà chúng ta xem là có thẩm quyền và tin tưởng vào học thức của họ. Chúng ta nghĩ rằng mình cần được họ giáo dục. Nhưng những người được xem là bình thường như người nội trợ hay thợ máy… đang thực hành thiền định và khám phá tâm linh trong nhiều năm dường như có sự thấu hiểu rõ ràng về tình yêu thương hơn là nhiều giáo sư viện sĩ. Người tìm kiếm nghiêm túc, nỗ lực để hiểu tại sao họ chịu khổ sở quá nhiều lại thấu hiểu rõ ràng sự hình thành và cơ chế vận hành của cái tôi tốt hơn các nhà tham vấn tâm lý với bằng cấp cử nhân. Cuối cùng, người duy nhất am hiểu về đề tài yêu thương, cái tôi và cảm xúc là chính bạn. Phòng thí nghiệm mà bạn thực hiện cuộc nghiên cứu là chính bạn. Phương pháp luận là thiền định, việc suy niệm và suy ngẫm trong tĩnh lặng dựa trên những gì đang diễn ra… trong bạn!
Với nhiều người, “tách ra” là một từ mang ý nghĩa lạnh lùng, vô cảm, xa cách và không có tình thương, nhưng tách ra không mang nghĩa như thế. Tách ra nghĩa là bạn không cảm thấy khổ sở, đớn đau khi người khác đau khổ; nghĩa là bạn không đồng hóa mình với đau khổ của người khác; nghĩa là bạn không rơi vào tình trạng rối loạn cảm xúc cùng với họ; bạn có thể giữ điềm tĩnh, mạnh mẽ và hoàn toàn có thể nhìn thấy và đưa ra cách ứng phó thích hợp nhất cho nỗi đau của người khác, và để đáp ứng nhu cầu của họ trong lúc đó. Khi bạn “phản ứng lại” một cách đầy cảm xúc trước nỗi đau của người khác, nghĩa là bạn đang gắn kết và đồng hóa với hình ảnh đau đớn của họ, bạn đang tạo ra hình ảnh ấy trong tâm trí mình, bạn đang lầm tưởng chính mình ngập chìm trong nỗi đau của họ! Song, đây chỉ là trò đùa của cái tôi giả tạo.
Trong khi chúng ta học cách trở nên dễ dàng gắn kết vào những sự vật xung quanh như địa vị, quyền lực, lương bổng, đặc quyền, những người khác cùng nỗi đau của họ, thực tế tất cả đối tượng gắn kết ấy đều không ở ngoài bản thân. Chúng là hình ảnh hoặc quan niệm do chúng ta tạo ra trên màn hình tâm trí của mình.
Chúng ta cũng dễ dàng gắn kết và đồng hóa với nhiều điều như ý tưởng, ký ức và thông thường là niềm tin của ta. Đã bao giờ bạn tranh cãi chưa? Khi bạn tranh cãi, nghĩa là bạn có quan điểm riêng và trọng tâm cốt lõi của quan điểm này là niềm tin bạn đang nắm giữ. Khi lắng nghe quan điểm đối nghịch của người khác, bạn xem niềm tin của họ là mối đe dọa không chỉ đối với niềm tin của bạn, mà còn đối với cá nhân bạn. Tại sao? Bởi vì bạn không chỉ gắn kết với niềm tin, bạn đồng hóa mình với nó. Trong lúc ấy, như thể bạn là niềm tin đó. Cuộc tranh cãi nảy sinh có thể chuyển thành cuộc đối đầu nảy lửa. Nóng nảy là dấu hiệu cho biết bạn đang chịu đau đớn. Nóng nảy là dấu hiệu của cảm xúc, thường thể hiện dưới dạng tức giận. Nhưng bạn có phải là niềm tin của mình không? Đó có phải là bạn không? Bạn có thể thay đổi niềm tin của mình không? Dĩ nhiên bạn có thể. Vậy thì ai tạo ra sự thay đổi? Chính bạn. Có bạn, niềm tin của bạn mới tồn tại. Vậy bạn không phải là niềm tin mình nắm giữ.
Cách thức hữu hiệu để làm nguôi ngoai bản thân và người khác trước khi cuộc tranh cãi bùng nổ chỉ đơn giản là nói: “Thật thú vị, tôi có thể thấy tại sao bạn tin điều đó. Về cá nhân thì tôi không tin, tôi có một quan điểm khác. Nhưng hãy cho tôi biết thêm về quan điểm của bạn trong chuyện này”. Lúc này, bạn tách ra và ngưng đồng hóa với niềm tin của bạn. Cơn nóng nảy qua đi, sự chối bỏ của bạn trước niềm tin của người kia biến mất và sự giao tiếp bình thường được thiết lập lại. Cách này lúc nào cũng hiệu quả. Bạn chỉ cần tách mình ra khỏi niềm tin bạn đang tạo ra và đang nuôi dưỡng trong tâm trí. Dĩ nhiên, trừ khi bạn là người thích khơi dậy cuộc tranh cãi, để bạn có cớ nóng giận (dâng tràn cảm xúc) nhằm thỏa mãn chứng nghiện cảm xúc của mình. Chúng ta sẽ cùng phân tích rõ ý này sau.
Tìm hiểu về cái tôi và việc bạn đã tạo ra nó như thế nào cho phép bạn hiểu nguyên nhân vì sao người ta làm vậy, tại sao họ hành xử theo cách như vậy, tại sao bạn cư xử theo cách như thế.
Ở đâu có CÁI TÔI, ở đó có GẮN KẾT
Ở đâu có GẮN KẾT, ở đó có sự CHỐNG ĐỐI
Ở đâu có sự CHỐNG ĐỐI, ở đó có SỢ HÃI
Vậy, để kết thúc vòng lẩn quẩn này, hãy biết dù ở đâu hay lúc nào có SỢ HÃI, thì CÁI TÔI đang hiện hữu.
Sửa chữa sai lầm
Tất cả nỗi sợ đều do cái tôi giả tạo mà ra. Vì vậy, nếu tất cả căng thẳng (stress) là nỗi sợ được ngụy trang và mọi cái tôi chỉ là sự nhầm lẫn (nhân dạng nhầm), nếu bạn muốn thoát khỏi stress, những gì bạn cần làm là sửa sai lỗi lầm này. Có thể vào lúc nào đó bạn sẽ thắc mắc (nếu bạn chưa thắc mắc trước đó): “Vậy tôi nên gắn kết và đồng hóa với hình ảnh nào?”. Nếu cái tôi là sự gắn kết vào hình ảnh sai, vậy hình ảnh nào là đúng?
Thực tế, không có “hình ảnh đúng”, vì bạn không phải là hình ảnh. Chúng ta không phải là hình ảnh, chúng ta là những thực thể có ý thức - là ý thức, và ý thức thì không có hình ảnh. Thực thể có ý thức - bản thân - là người sáng tạo và phóng chiếu hình ảnh. hình ảnh là bức tranh/ý tưởng trên màn hình tâm trí, còn bạn không phải là hình ảnh/ý tưởng ấy. Thoạt nghe điều này dường như đi ngược lại với những gì chúng ta đã học được. Đó là lý do tại sao cách phục hồi sức mạnh nội tâm, niềm bình an và hạnh phúc của bạn không được dựa trên điều gì đó mới mẻ mà bằng cách đừng học lại những điều cố hữu. Bản thể thật sự - con người nội tâm - thì không có hình ảnh. Buông bỏ mọi gắn kết khỏi bất kỳ hình ảnh nào, bạn sẽ lại là chính mình. hãy ngưng đồng hóa bản thân với điều gì đó không là bạn, rồi bạn sẽ lại khám phá ra chính mình là tình yêu thương. Đây là mục đích của thiền định - nhìn ra và buông bỏ tất cả hình ảnh bạn đang đánh mất mình trong đó nhằm phục hồi lại nhận thức thuần khiết về bản thân!
Chừng nào năng lượng của bạn, ánh sáng của bạn bị bẫy nhốt vào “điều” gì đó trong tâm trí, thì bạn không thể nối kết chính xác, đầy yêu thương với người khác, bạn không thể tuôn tràn yêu thương cho mọi người. Yêu thương là sự nối kết, liên kết. Tình yêu thương tuôn chảy ra bên ngoài, nối kết với con người, cũng như với cả thế giới. Khi tình yêu thương tuôn chảy và nối kết chính xác, nghĩa là bản thân không còn bận rộn gắn kết với hay đồng hóa với điều không phải là bạn – nhân vật “Tôi” đang nói “Tôi là”!
Thông hiểu người khác
Thật khó để nhìn ra người ta gắn kết vào điều gì bởi sự gắn kết luôn diễn ra bên trong ý thức của họ. Thông thường khó mà nhìn ra bản chất thật của nỗi sợ hãi mà con người mang theo vì chúng ta tài giỏi trong việc che đậy nỗi sợ của mình. Song bạn không thể che đậy hành vi, vốn luôn thể hiện dưới dạng chống đối.
Những dấu hiệu và triệu chứng cho biết sự hiện diện của Gắn kết và Cái tôi
Vậy người ta thường làm những gì khi họ sợ, khi họ bị ảnh hưởng bởi nỗi sợ, khi họ gắn kết và đồng hóa với điều không là họ? Những kiểu hành vi chống đối nào bạn sẽ bắt gặp trong một ngày bình thường của mình? Sau đây là danh sách giản lược các kiểu hành vi chống đối:
Phê bình, Phàn nàn, Đổ lỗi/Trách cứ, Ưa thích, Không ưa thích, Phản đối/Chê bai, Sở hữu, Đố kỵ, ham muốn, Phóng chiếu, Cạnh tranh, Kiểm soát, hạ mình, Sửa sai, Nghi ngờ, Phòng thủ, Phán xét,Tự giới hạn bản thân, Chia rẽ, Đào thoát, Tránh né, Phủ nhận, Dối trá, Lo lắng
Bằng trải nghiệm cá nhân về hành vi cư xử, bạn có thể lần tìm nguồn gốc khai sinh ra chúng trong ý thức của bạn. Bạn sẽ thấy mình đang gắn kết và đánh mất mình vào những hình ảnh/ý tưởng/niềm tin nào trên màn hình tâm trí.
Chúng ta hãy chọn ra hai hành vi cụ thể và đóng vai thám tử để tìm hiểu về hành vi, xem chúng đang diễn ra như thế nào và tại sao như vậy, và nguyên nhân gốc rễ nào (hình ảnh/ý tưởng/niềm tin nào chúng ta đã đồng hóa với chúng) gây ra những kiểu hành vi ấy.
1. PHÊ BÌNH
Ví dụ
“Ý kiến đó của bạn à? Xoàng thế! Chẳng có gì hay ho khi nghĩ như vậy. Tôi đảm bảo là không được.”
Nỗi sợ thật sự
Tôi nghĩ ý kiến của tôi hay hơn. Tôi sợ ý kiến của bạn sẽ được chấp thuận, nên tôi mới phê bình (công kích) như vậy.
Sự đồng hóa/Gắn kết
Do đồng hóa và gắn kết với hìNh ẢNh ý kiến của mình nên tôi nhận thấy ý kiến của bạn là mối đe dọa cho ý tưởng của tôi. Tôi thấy ý kiến của bạn là một đòn tấn công tôi. Tôi phải phê bình ý kiến ấy. Đó là cách thức tôi ra sức bảo vệ cho ý kiến của mình, nghĩa là bảo vệ cho bản thân tôi.
Đôi khi ai đó chợt nảy ra một ý tưởng mới và nói: “Này, tôi có một ý tưởng tuyệt vời đây. Tôi sẽ giao nó cho bạn, hãy thoải mái sử dụng, còn nếu bạn không muốn dùng nó thì cũng không sao. Tôi vẫn sống thoải mái hết cuộc đời mình và tạo ra thêm một vài ý tưởng nữa”. Những người này khá tách rời khỏi ý tưởng của họ. Trong khi nhiều người khác lại có thái độ và truyền tải sóng năng lượng hoàn toàn khác. họ khăng khăng đòi: “Ý tưởng CỦA TÔI là hay nhất, và nó phải được trọng dụng”. Khi nhận thấy người khác không thừa nhận như vậy, họ trở nên cáu giận và buồn lòng. họ đau khổ và rơi vào bế tắc.
2. SỞ HỮU
Ví dụ
“Tôi không thích cái kiểu bạn cười đùa và vui vẻ ra mặt với người kia ở buổi tiệc tối hôm qua. Bạn ở bên người ấy tới 22 phút 18 giây… phải không? Bạn thích người ấy chứ gì? Bạn sẽ lại gặp người ấy chứ? Bạn sẽ không bỏ rơi tôi đấy chứ? Làm ơn đừng bỏ rơi tôi!”
Nỗi sợ thật sự
Tôi sợ bạn không còn thích tôi như trước nữa. Không chừng bạn còn bỏ rơi tôi.
Sự đồng hóa/Gắn kết
Đồng hóa và gắn kết với hìNh ẢNh của người kia. Sự gắn kết sâu xa nhất của chúng ta thường là gắn kết với người khác, nó thường bị nhầm lẫn với tình yêu thương. Bạn có bao giờ gặp phải người nào đó cố gắng sở hữu bạn chưa? Dường như bạn cũng cảm nhận được sự gắn kết, ý muốn chiếm hữu của họ. Điều đầu tiên chúng ta hay làm là gạt họ đi, hoặc né tránh gặp gỡ (trừ khi chúng ta có nhu cầu muốn có sự gắn kết ấy của họ, nghĩa là chúng ta cũng gắn kết với họ! Đó là sự sở hữu qua lại giữa ta và họ!).
Đến đây, sẽ nảy ra thắc mắc về những mối quan hệ gần gũi trong gia đình, đặc biệt là mối quan hệ với con cái. Người ta thấy khó chấp nhận ý tưởng tách rời là lành mạnh. Câu hỏi thường gặp là: “Nói như vậy có nghĩa là tôi không nên phản ứng, không nên để mình dâng trào cảm xúc nào cả hay không nên cáu kỉnh khi có chuyện gì đó xảy ra với con của tôi? Tôi nghĩ rằng việc buồn phiền và thể hiện nỗi buồn khi con cái tổn hại là điều cần thiết và tự nhiên nhất chứ?”.
Chúng ta đều hiểu là khi bố mẹ rối bời và đau khổ thì sẽ không thể giúp con, không thể quan tâm, thấu hiểu con cũng như không thể hiện tình thương thật sự được. Bản thân họ cũng không thể đưa ra quyết định rõ ràng. Vào những lúc như vậy, bố mẹ phải tỉnh táo, tách mình ra khỏi sự việc, thì mới có thể giúp ích cho con. (Thỉnh thoảng xảy ra trường hợp đứa con đã tách ra khỏi nỗi đau đớn của nó và nó bắt đầu thấu hiểu nỗi đau của bố mẹ!). Lý giải điều này ở mức độ sâu sắc hơn, đa chiều hơn lại là một thách thức lớn. Để xem nó hợp với bạn ở mức độ nào. Luôn nhớ rằng mục đích phân tích ngọn ngành về sự gắn kết nhằm giúp chúng ta thấy mình luôn là người có quyền lựa chọn cách ứng phó trước mỗi sự việc xảy ra. Chúng ta đang tìm ra lựa chọn tốt nhất bằng cách nhận ra cách chúng được hình thành ra sao, và cái tôi giả tạo hay sự gắn kết đã can thiệp và phá bĩnh đối với những lựa chọn của chúng ta như thế nào.
Khi cha mẹ đau buồn vì có điều gì đó xảy ra với con mình, liệu có phải là do họ tin đó là “con CỦA TÔi” không? Nói cách khác, có “đúng” khi cha mẹ nói: “Đây là con CỦA TÔI”, hàm ý rằng cha mẹ sở hữu đứa con? Con cái là những cá thể riêng biệt và có tính cách riêng. Chúng cũng đang sống cuộc đời của riêng chúng. Cha mẹ chắc chắn có thiên chức là trở thành người dẫn dắt, người định hướng, huấn luyện viên, người thầy, người bạn, nhà cố vấn bên cạnh vai trò làm cha làm mẹ. họ có cơ hội sáng tạo và giữ nhiều vai trò trong mối quan hệ với con cái; khi họ diễn những phần vai bằng tình yêu thương, họ đang dạy cho con mình cũng làm như vậy.
Tuy nhiên, dường như các bậc phụ huynh thường khó nhận ra điều đó. Có thể hiểu rằng do gắn kết (“Con CỦA TÔI” nên làm y như những gì tôi bảo nó!), nhiều cha mẹ có xu hướng đóng duy nhất một vai trò - là “người kiểm soát” - trong mối quan hệ giữa họ với con. Ngay khi đứa con không làm theo điều đáng lẽ phải làm, một số phụ huynh tỏ ra cáu gắt, thất vọng và thậm chí là tức giận, từ đó họ dạy cho con trẻ 7 bài học vô ích: 1) người lớn kiểm soát người nhỏ hơn, 2) cách nổi giận, 3) giận người khác là tốt, 4) việc mang nỗi đau cảm xúc là điều thật tự nhiên và bình thường, 5) niềm hạnh phúc của cha mẹ phụ thuộc vào con cái, 6) sự gắn kết dưới dạng cố gắng sở hữu người khác là việc làm lành mạnh, 7) phục tùng, chiều theo ý muốn của người khác sẽ mang lại bình yên và giữ hòa khí.
Một lần nữa, lỗi lầm thường xảy ra nhất trong lĩnh vực này là sự pha trộn các ý nghĩa với nhau. Tách rời không có nghĩa là chúng ta không thèm quan tâm, không trao yêu thương. Thật ra, ta chỉ có thể gửi trao sự quan tâm (yêu thương) khi giữ thái độ khách quan, độc lập trước con người và hoàn cảnh. Đây là lý do vì sao các bác sĩ, y tá và cảnh sát được huấn luyện rằng phải giữ mình tách rời như là một phần yêu cầu trong công việc của họ. Nếu không, họ sẽ thấy khó khăn trong việc không để mình bị tác động về cảm xúc khi đối mặt với nhiều tình huống công việc hàng ngày.
Tách ra không có nghĩa là bạn không quan tâm đến con cái. Nó mang ý nghĩa là bạn không nói chúng là “CỦA TÔi”. Sự độc đáo và riêng biệt của con cái hoàn toàn được tôn trọng. Bạn biết mình không sở hữu hay chiếm hữu chúng. Bạn biết bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra với chúng, bất kể chúng cảm thấy thế nào; nhưng điều đó không xảy ra với bạn. Từ trong tâm trí, bạn không đánh mất mình qua hình ảnh của chúng, hoặc chìm trong hình ảnh khổ đau của chúng.
giả sử bạn và tôi đều ở trong một phòng vào lúc này, chắc chắn bạn sẽ chặc lưỡi: “Thật không dễ”, tôi sẽ đáp lại: “Bạn hoàn toàn đúng, quả là không dễ, nó đi ngược lại những gì chúng ta từng được dạy bảo, và chắc chắn đi ngược lại với cách mà các phương tiện truyền thông mô tả về các mối quan hệ”. Dù hầu hết các bộ phim, vở kịch đều được sản xuất dựa vào những hình thức biểu hiện khác nhau của nỗi đau cảm xúc - trong đó, sự gắn kết lan tràn rộng khắp và cái tôi được thừa nhận là hiển nhiên -, đôi khi cũng có một “hướng” ứng phó khác với những biến cố cá nhân như “Vì con… mình phải mạnh mẽ lên”. Về cơ bản, đây là sự tách rời cảm xúc và thoát khỏi nỗi sầu khổ, đa cảm.
Và giờ đây đến lượt bạn. Chỉ đọc thôi sẽ không đánh thức được nhận thức rõ ràng và liên tục về tiến trình nội tâm này. Cách nhận thức hiệu quả nhất là hồi tưởng lại quá khứ, chọn lấy một sự kiện, quan sát những gì đã xảy ra, lần theo dấu vết đã sinh ra những kiểu phản ứng tiêu cực của bạn. Từ đó bạn sẽ biết điều gì đã trở thành thói quen, tiến đến phá bỏ thói quen và có cách ứng phó khác vào lần sau. Tôi đề nghị bạn hãy chọn lấy 3 kiểu hành vi (3, 4 và 5 - Phàn nàn, Đổ lỗi/Trách cứ và Tự giới hạn bản thân) và truy tìm nguyên nhân như chúng ta đã thực hiện qua 2 ví dụ trước (Phê bình và Sở hữu). hãy rút ra bài học kinh nghiệm cho bạn và đưa ra ví dụ khi nào bạn đã cư xử theo những cách này, và sau đó lần theo dấu vết dẫn đến cái tôi, nghĩa là đến với hình ảnh bạn gắn kết, đồng hóa trong tâm trí mình, trước khi hành vi diễn ra.
hãy đóng sách lại và lấy một tờ giấy, kẻ ô, chọn mỗi hành vi và đưa ra ví dụ từ trải nghiệm của bạn. Bạn tự hỏi mình nỗi sợ hãi ở đây là gì, hình ảnh nào bạn đã gắn kết hoặc đồng hóa với nó trong tâm trí.
Hành vi
Ví dụ
Nỗi sợ đặc thù
Đồng hóa/ Gắn kết (với hình ảnh trong tâm trí)
1. Phê bình “Tôi nghĩ ý tưởng của bạn không hay lắm và sẽ chẳng bao giờ phát huy tác dụng đâu.” Tôi nghĩ ý tưởng của tôi tốt hơn và tôi sợ ý tưởng của bạn sẽ được chấp nhận. Gắn kết và đồng hóa với HÌNH ẢNH về ý tưởng của tôi.
2. Sở hữu “Tôi không thích cái kiểu bạn cười đùa và vui vẻ ra mặt với người kia ở buổi tiệc tối hôm qua.” Tôi sợ bạn không còn thích tôi nhiều nữa, hoặc thậm chí là rời xa tôi. Đồng hóa và gắn kết với HÌNH ẢNH về người đã khuất/đã ra đi, giờ đây tôi cảm tưởng như một phần trong tôi cũng chết theo/ đi xa cùng họ.
3. Phàn nàn
4. Đổ lỗi/ Trách cứ
5. Tự giới hạn bản thân
Bạn có thể làm lại 2 ví dụ về kiểu hành vi Chỉ trích và
Sở hữu nếu thấy cần.
Ban đầu, nhiều người thấy bài tập về nhận thức này có phần thách đố và đôi khi khó thực hiện. Song, như bất kỳ công việc nào khác, chỉ cần thực hành thì sẽ thành công. Mọi sự trở nên dễ dàng hơn khi bạn nhận ra mình đang làm gì trong ý thức - nơi khởi sinh sự gắn kết/lệ thuộc, nỗi sợ và hành động. Khi bạn thấy rằng mọi nỗi sợ hãi đều xuất phát từ bên trong bản thân và chúng hoàn toàn do bạn tạo ra, thì một hướng lựa chọn mới bất ngờ mở ra cho bạn. Bạn có thể lựa chọn không gắn kết, không tạo ra sự sợ hãi, giữ can đảm, nghĩa là không còn cái tôi giả tạo/cao ngạo. hãy dành ra 5 phút mỗi ngày để suy ngẫm về một phản ứng đặc thù của ngày hôm ấy, bạn sẽ nhanh chóng nhìn ra chính xác tại sao nỗi sợ lại tăng lên.
Giờ, chúng ta hãy cùng khám phá một số ví dụ về 3 kiểu hành vi kia.
PHÀN NÀN
Ví dụ
Bạn bước vào một nhà hàng. Bạn gọi một bát xúp. Người phục vụ mang ra cho bạn một bát xúp nguội ngắt. Bạn bắt đầu phàn nàn với những người cùng bàn: “Ôi trời, bát xúp nguội ngắt thế này. Ai mà ăn được. Sao họ dám bưng cho mình bát xúp này với giá cắt cổ như thế? Bực mình quá đi!”. Bạn tức giận và tất yếu sẽ cảm thấy đau khổ. Mà ai tạo ra nỗi khổ này? Chính bạn đấy thôi!
Nỗi sợ thật sự
Nỗi sợ bạn tạo ra cũng đơn giản. Bạn nghĩ mình sẽ phải ăn bát xúp nguội lạnh ấy hoặc bạn xem đây như là dấu hiệu cho thấy người khác thiếu tôn trọng bạn và sợ vụ việc này có thể sẽ tiếp diễn.
Sự đồng hóa/Gắn kết
Trong tâm trí bạn là hình ảnh một bát xúp nóng hổi. Bạn đã định dạng như thế và kỳ vọng mình phải được tiếp đón như thế. Bạn đã gắn kết và đồng hóa với hình ảnh ấy.
Một lần nữa, tôi không đề nghị bạn phải yên lặng cam chịu tất cả mọi chuyện. Vậy, bạn nên làm gì? Bạn yêu cầu người bồi bàn “Xin lỗi, bát xúp này hơi nguội rồi. Anh có thể hâm nóng lại giùm tôi không? Cảm ơn anh”. Đây không phải là lời phàn nàn, đây là sự phản hồi và đưa ra đề nghị. Làm như vậy, bạn không cảm thấy đau khổ. Bạn có thể chờ bát xúp được hâm nóng bởi bạn không gắn kết và đồng hóa với hình ảnh bát xúp phải nóng hổi. Bạn tách mình ra khỏi tình huống này và chấp nhận thỉnh thoảng người ta phục vụ bạn như vậy cũng là bình thường!
Có thể bạn đang nghĩ: “Thôi nào! Chắc chắn trong trường hợp này tôi phải phàn nàn chứ. Mà sự việc này quá nhỏ, có cáu giận cũng có phải là chuyện gì to tát đâu?”. Đừng quên bạn là người phải chịu đau đớn về cảm xúc khi bạn phàn nàn, và nỗi đau này là do bạn tạo ra cho mình. Nói đúng hơn, cái tôi đã làm công việc ấy. Liệu bạn có tự gây đau khổ cho mình nếu bạn biết bạn có quyền lựa chọn khác đi? Dù bạn có thể nghĩ hi hữu lắm mới có chuyện như vậy xảy ra, thì bực mình một tí cũng không sao, nhưng bạn đừng quên rằng những nỗi đau nghiêm trọng trong đời đều khởi phát từ những nỗi đau vụn vặt hàng ngày mà ra. Tất cả đều là do bạn không nhận ra mình tự gây đau khổ cho mình.
ĐỔ LỖI/ TRÁCH CỨ
Ví dụ
Bạn trách móc người khác vì trễ hạn: “Bản báo cáo chưa xong là lỗi của họ”.
Nỗi sợ thật sự
Người khác có thể nghĩ rằng bạn có lỗi trong chuyện làm bản báo cáo chậm trễ.
Đồng hóa/Gắn kết
Bạn gắn kết và đồng hóa với hình ảnh bản thân bạn là “Người hoàn hảo”, người chưa bao giờ làm sai hay làm trễ nải điều gì.
Ở hầu hết các cơ quan, tổ chức đều có những hành vi khiển trách, đổ lỗi. Nhưng cũng có khi một ai đó giơ tay nhận lỗi: “Vâng, đó là do tôi, tôi sẽ chịu trách nhiệm cho việc làm ấy”. Ngược lại với cái tôi là sự khiêm tốn. họ đã khiêm tốn nhận lỗi và trung thực, vì vậy chúng ta tôn trọng họ vì sự trung thực ấy. Chính hành vi của họ đã khiến người ta phải tôn trọng, kính nể.
Từ những ví dụ trên cho thấy không hề có câu trả lời chung nào. Có những khi nỗi sợ và sự gắn kết lại lộ diện dưới kiểu hành vi “kháng cự”. Ở trường hợp Phàn nàn, có thể bát xúp nguội lạnh được hiểu như là dấu hiệu của sự thiếu tôn trọng, vì vậy hình ảnh chúng ta tạo ra và đồng hóa với nó là “Tôi là người rất được tôn trọng, vị nể”. Còn trường hợp Đổ lỗi lại là nỗi lo sợ có thể bị mất việc hoặc không được tăng lương. Ở đây ta gắn kết, đồng hóa mình với hình ảnh là “mình sẽ được tăng lương” hoặc “vị trí công việc đang có”.
Trò “Đổ lỗi, khiển trách” thường là một trong những trò ưa thích ở thế giới thu nhỏ là nơi làm việc và thế giới rộng lớn hơn là phạm vi quốc gia. Thôi không đổ lỗi, khiển trách người khác là một chuyện, nhưng rồi bạn làm gì khi người ta đổ lỗi, khiển trách bạn? Trước hết, bạn hãy hiểu nếu họ đổ lỗi, khiển trách bạn, là họ đang gắn kết, nhận dạng sai và họ đang hoảng sợ. Điều gì đã xảy ra giờ cũng đã thuộc về quá khứ, không thay đổi được nữa, nhưng bạn có thể giúp họ chuyển hướng tập trung chú ý vào tương lai. hãy lưu ý, nếu bạn chuyển sang phòng thủ trước lời khiển trách, đổ lỗi của họ, chính bạn đang tạo ra nỗi sợ. Khi đó, hãy tìm ra điều gắn kết ẩn sau hành động phòng vệ của bạn, thường đối tượng gắn kết ở đây liên quan đến thanh danh của bạn trong mắt người khác hoặc bạn gắn kết với công việc của mình. Cuối cùng, không ai đáng bị khiển trách hay bị đổ lỗi, mà tất cả chúng ta đều có trách nhiệm.
TỰ GIỚI HẠN BẢN THÂN
Ví dụ
Tôi không thể học lái xe.
Nỗi sợ đặc thù
Bạn sợ mình thành công (không phải sợ thất bại).
Đồng hóa/Gắn kết
gắn kết và đồng hóa với hình ảnh tôi kém cỏi, thiếu khả năng.
Tự giới hạn mình thường bắt đầu với những lời như
“Tôi không thể” hoặc “Tôi không có khả năng, không có năng lực”. Đôi khi nó xuất phát từ nỗi sợ bị thất bại, nhưng thường là nỗi sợ thành công.
Ví dụ như, hồi 8 tuổi, tôi bị ngã chấn thương chân khi đi trượt tuyết. Tôi đi đến kết luận là tôi không thể trượt tuyết. Tôi tạo ra hình ảnh tiêu cực về bản thân: “Tôi không có khả năng trượt tuyết” và tôi gắn kết, đồng hóa với hình ảnh ấy. Ba mươi năm sau, trong một lần nghỉ lễ, một số người bạn rủ tôi cùng họ đi trượt tuyết, tôi đáp lại: “Tôi không thể trượt tuyết, cảm ơn nhưng không, tôi sẽ không đi cùng các bạn”. Nỗi sợ ở đây không phải là thất bại mà là sợ phải thành công. Lúc này tôi quen và thấy thoải mái với hình ảnh là “người không biết trượt tuyết”, nếu đi trượt tuyết, tôi sẽ phải nỗ lực để phá bỏ vùng thoải mái này. Bạn đang nhắc tôi rằng tôi của ngày hôm nay giỏi hơn, tốt hơn hơn tôi của ngày hôm qua. Nhưng không, tôi đã gắn kết với hình ảnh về tôi “nhỏ nhoi, kém cỏi” và tôi thích trú ngụ trong cái vùng thoải mái “nhỏ nhoi, kém cỏi” ấy do mình tạo ra. Ngay cả tôi còn chuẩn bị để sẵn sàng chấp nhận mình là người yếu đuối, thất bại trước người khác thay vì phải phá bỏ hình ảnh bản thân là người kém cỏi, thiếu năng lực.
Đây thật sự là một bài tập tuyệt vời để làm. hãy tự pha cho mình một tách cà phê sữa cappuccino, tìm một góc tĩnh lặng, lướt qua tất cả “những hành vi kháng cự” trong danh sách, tìm ra những ví dụ từ bản thân mình cho mỗi kiểu hành vi, và lần theo chúng để quay lại nơi khởi nguồn dẫn dắt đến hành vi - vốn luôn là cái tôi giả tạo.
Bạn sẽ nhanh chóng hiểu và phân định được khi nào và tại sao người ta hoảng sợ. LuÔN LuÔN là do họ gắn kết vào hình ảnh trong tâm trí. LuÔN LuÔN là vậy bởi vì họ đang đồng dạng mình với hình ảnh ấy. Bạn sẽ thấy rõ tiến trình này ở bản thân, bạn dần dần nhận ra nguyên nhân gốc rễ cho nhiều loại cảm xúc và hành vi mà bạn không muốn cảm nhận và thực hiện! Sau đó bạn có thể đưa ra cách ứng phó khác hơn. Khi thực hiện lựa chọn, bạn đang củng cố sức mạnh bản thân một cách hiệu quả để chuyển từ “phản ứng” (nóng vội, tiêu cực) sang “ứng phó” (điềm tĩnh, tích cực, sáng suốt).
Tìm thấy nguyên nhân của căn bệnh, bạn có thể tiệt trừ nó vĩnh viễn, nhưng nếu chỉ loay hoay giải quyết triệu chứng căn bệnh, nó sẽ tìm cách bùng phát trở lại. Cái tôi giả tạo là gốc rễ cho TẤT CẢ những đớn đau tinh thần/ cảm xúc ở khắp nơi, trong mọi khoảnh khắc, vào MỌi lúc. Chính căn bệnh(*) trong ý thức, sau đó nó tìm đường đi vào suy nghĩ, cảm xúc, lời nói và hành động, tiếp đến là gây ra bệnh tật cho cơ thể. (Một số người sẽ tranh cãi rằng tất cả bệnh tật thể chất đều có nguồn gốc từ cái tôi giả tạo). Nhưng cái tôi chỉ là một sự nhầm lẫn theo thói quen. Cũng như bao thói quen khác, nó có thể thay đổi được. Như bất kỳ sai lầm có thể tái diễn nào, nó có thể được chỉnh sửa cho đúng.
(*) Ở đây, tác giả có dụng ý chơi chữ khi sử dụng từ dis-ease, có thể cắt nghĩa như sau: dis nghĩa là không, ease nghĩa là dễ dàng, dis-ease nghĩa là không dễ dàng, thoải mái, nói cách khác, theo ý tác giả mọi bệnh tật đều xuất phát từ những bất an về tinh thần.
Điều gì tạo ra sự khác biệt?
hãy lấy trường hợp David làm ví dụ. Anh bước vào phòng họp và bắt đầu chỉ trích mọi người trong nhóm. Anh đã hành xử như thế suốt mấy tuần qua. Bạn là người lãnh đạo nhóm và tất cả những thành viên còn lại trong nhóm đang chán ngấy anh chàng David này, nên họ đến gặp bạn để than phiền về hành động liên tục chỉ trích người khác của David. họ yêu cầu bạn khai trừ David khỏi đội. Vì thế, bạn đến gặp David và nói: “Anh là người thích chỉ trích đến thế sao? Lẽ ra anh không nên làm như vậy. Ngưng ngay chuyện đó đi. Mọi người đã chán ngấy việc làm này của anh rồi”. Lúc đó, bạn có hơi buồn một chút. Nhưng chờ một phút, điều gì thật sự đang diễn ra, bạn đang làm gì vậy? Bạn cũng đang chỉ trích David vì hành động chỉ trích người khác của anh ấy. Bạn đang làm chính xác cái việc mà anh ấy đã làm. Bạn cũng đang chịu đựng nỗi đau đớn.
Tuy nhiên, sự việc giờ đã sáng tỏ hơn. Bạn biết ẩn sau hành vi chỉ trích của David là trạng thái chống đối đồng đội của anh ta. Tại sao? Vì cậu ta sợ. Cậu ta đang lo sợ, đang chìm trong nỗi đau cảm xúc.
Khi cơ thể của bạn bị đau, bạn đi bác sĩ. Bác sĩ tìm hiểu nguyên nhân của cơn đau thể chất và giúp chữa lành cơ thể. David không bị đau ở đâu trên cơ thể, nhưng lại bị đau về mặt tinh thần và cảm xúc. Chúng ta sẽ xử trí thế nào khi ai đó bị đau? Chắc chẳng có ai lên án hay chỉ trích, mà thể hiện lòng trắc ẩn. Vì vậy, bạn hãy có một bước chuyển đổi lớn - có thể áp dụng trong các mối quan hệ - từ lên án, kết tội sang trắc ẩn, nghĩa là từ sợ hãi thành yêu thương.
Trong thế giới ngày nay, mọi người đang phán xét, chỉ trích và kết tội, lên án lẫn nhau. Mâu thuẫn bắt đầu từ những hành vi như thế, kéo theo nhiều khổ đau. Thế giới đang chờ đợi chúng ta thực hiện bước dịch chuyển từ kết tội, lên án sang trắc ẩn, từ cách nhìn và cách phản ứng dựa trên nỗi sợ hãi và tức giận sang cách nhìn và cách ứng phó dựa trên tình yêu thương. Trắc ẩn là một hành động của tình thương. Tại sao rất ít người làm được điều này? Vì rất ít người nhận ra và hiểu rõ nguyên nhân nội tại thật sự thôi thúc ta chỉ trích và lên án người khác. Tại sao khó có được lòng trắc ẩn? Bởi vì rất ít người thật sự hiểu cơ chế hoạt động của cái tôi giả tạo và cách nó bóp méo nhận thức, tầm nhìn, cuối cùng là hành vi của ta. Và chúng ta đã không được dạy bảo cho điều này.
Bây giờ, bạn biết David chỉ trích người khác bởi vì anh ấy đang đau đớn và nỗi đau ấy còn được hiểu là nỗi sợ. Ẩn sau nỗi sợ là sự gắn kết, đồng hóa với một số hình ảnh do chính anh tạo ra trong tâm trí mình. Liệu David có biết đó là gì không? Có lẽ không, vì anh ấy chưa nhận thức rõ về bản thân. Bạn có biết sự gắn kết ấy là gì không? Chắc chắn là không rồi, vì bạn không thể “đi guốc trong bụng” người khác. Vậy bạn có thể làm gì? Làm thế nào để giúp David thoát khỏi nỗi đau do chính anh ấy tạo ra? Bạn có thể “khiến” cho ai đó thay đổi không? Không. Không thể. Vậy bạn làm gì để giúp David đây? Bạn làm được hai điều. Trước hết, hãy đặt những câu hỏi mở để gợi ý cho David giải thích điều gì đang diễn ra trong tâm trí anh, chẳng hạn như: “Có điều gì làm anh buồn bực, lo ngại về nhóm cộng sự chăng? Điều gì làm anh thiếu thoải mái? Anh nghĩ điều gì đang khiến anh trở thành người hay chỉ trích?”. Khi anh ấy thổ lộ những suy nghĩ và cảm xúc của mình, nhận thức về bản thân trở nên rõ ràng và anh ấy bắt đầu thấy phải có trách nhiệm đối với nỗi đau của chính mình và theo đó là hành động của mình. Trong lúc trò chuyện, anh ấy có thể dễ dàng nhận ra mình đang bấu víu, gắn kết vào điều gì, để rồi cho qua đi, nghĩa là tách rời.
Cách thứ hai để bạn giúp được David là trở thành tấm gương, hình mẫu. Đây là cách duy nhất để lãnh đạo trong cuộc đời này. Bạn cần phải trở thành điều bạn muốn người khác trở thành. Đây là bí quyết giúp bạn trở thành nhà lãnh đạo tiềm năng. Nghĩa là bạn không bao giờ cho phép mình chỉ trích bất kỳ ai. Điều đó có dễ dàng không? giờ bạn hiểu rằng nếu bạn chỉ trích, là bạn đang sợ, bạn đang đau khổ vì bạn cứ giữ khư khư (gắn kết) với một hình ảnh nào đó trong tâm trí bạn. Đó chính là cái tôi giả tạo. Đây là lý do tại sao chúng ta phải nhìn cho ra và có một thay đổi ngay trong ý thức của mình trước khi chúng ta có thể có mặt và toàn tâm toàn ý giúp người khác thay đổi.
Phần sau quyển sách này sẽ cung cấp thêm những ví dụ về việc cái tôi giả tạo gây ra nhiều hành vi đặc trưng khác như thế nào.
Ý nghĩa thật sự của việc chuyển hóa
Đã có rất nhiều bài thuyết giảng, nhiều cuốn sách hay về đề tài chuyển hóa bản thân. Nhưng chỉ khi cái tôi giả tạo được chuyển hóa, thì quá trình này mới thật sự diễn ra. Nếu tách từ “chuyển hóa” (transformation), bạn sẽ có 3 từ hoặc 3 ý tưởng nói lên khái niệm chuyển hóa. Trans nghĩa là vượt trội hoặc vượt lên trên; form nghĩa là hình thành hoặc định hình; ation nghĩa là hành động. Còn ego - cái tôi - nghĩa là bản thân bị mắc bẫy trong hình ảnh do chính mình tạo ra về bản thân (trong ý thức) trên màn hình tâm trí. Khi bản thân tự đồng dạng mình với hình ảnh này hay hình ảnh khác, đưa đến hệ lụy là tất cả những suy nghĩ và cảm xúc của bạn cũng được định hình bởi hình ảnh sai lầm về bản thân. Như chúng ta đã biết, những suy nghĩ, cảm xúc và hành vi này dẫn đến những nỗi đau… Luôn là vậy! Sự chuyển hóa bản thân diễn ra khi bản thân đi vượt lên hình ảnh mình đã gắn kết, nghĩa là tách rời khỏi hình ảnh trên màn hình tâm trí, “giũ bỏ sạch” hình ảnh để bản thân không còn bị định hình qua chúng nữa.
Việc này hoàn toàn làm thay đổi chuỗi suy nghĩ/cảm xúc/hành động trong bản thân. Vì vậy, nếu bạn muốn chuyển hóa suy nghĩ của mình, theo đó là chuyển hóa cuộc đời của bạn, không cần phải đánh vật với suy nghĩ và cảm xúc của mình, không cần thay đổi hay phát triển nhân cách của bạn. Tất cả những gì phải làm là tách ra, cho qua đi hình ảnh mà bạn đã gắn kết, đã đồng hóa với nó trong tâm trí mình. Rồi mọi thứ lại tuôn chảy tự do. Nói cách khác, hãy sửa đổi ý thức về nhân dạng bản thân, ngưng đồng dạng với những điều không phải là bạn.
Thực ra, không có những điều như là chuyển hóa “bản thân”, đơn giản là vì bản thân không bao giờ có thể là gì khác ngoài chính nó. Ảo tưởng gia tăng khi bản thân “tin” mình là điều gì đó khác ngoài chính mình. Bản thân bị mắc bẫy trong niềm tin. Nhận ra điều này và vượt lên trên những điều bạn tin mình là vậy, chỉ đơn giản “là mình” lần nữa, thì đó là sự chuyển hóa.
Nghệ thuật buông bỏ
Tóm lại, cái tôi giả tạo gần giống như sự gắn kết. Nếu gắn kết là nguyên nhân gốc rễ gây ra đớn đau về cảm xúc thì việc học cách không gắn kết dường như là giải pháp đương nhiên và là cách hướng đến một lối sống thoát khỏi đau đớn. Nhưng đây không phải là giải pháp tức thời, vì thói quen gắn kết (nhận dạng sai lầm) đã quá tinh vi đến nỗi cần có thời gian để nhận thấy rõ và phá bỏ thói quen này.
Thiền định là phương pháp thực hành cần thiết để nhận ra bạn gắn kết với điều gì và từ khi nào. Bản thân thiền định không phải là mục tiêu. Nếu bạn biến nó thành mục tiêu, bạn sẽ thất vọng và lãng phí nhiều thời gian. Thiền định là một quá trình trau dồi nhận thức bản thân, là quá trình “nhìn ra” và là một cách sống. Trong lúc thiền, bạn biết mình thật sự không gắn kết với một đối tượng nào bên ngoài. Bạn nhận thấy bạn chỉ gắn kết với hình ảnh về đối tượng được tạo ra trên màn hình tâm trí. Tách rời nghĩa là học cách tạo ra hình ảnh của đối tượng nhưng không đánh mất ý thức về bản thân trong hình ảnh của đối tượng.
Bước đầu tiên của thiền thường là giữ mình trong trạng thái “quan sát tách rời”. Trong lúc thiền, bạn học cách chỉ quan sát những gì lướt qua màn hình tâm trí. Ban đầu, đừng cố gắng kiểm soát suy nghĩ, chỉ theo dõi, quan sát, chứng kiến những gì xuất hiện trong tâm trí. Sau vài lần thực hành, bạn sẽ có thể làm việc này dễ dàng hơn ở bất cứ nơi nào và bất kỳ lúc nào bạn cần, ví dụ như trong buổi họp (là lúc những cái tôi giả tạo khác đụng chạm nhau), thiền trong lúc lái xe, trong nhà bếp, trên bàn làm việc, trong lúc trò chuyện với người khác.
Khi thực hành thiền, nghĩa là khi bạn trở nên nhận thức rõ ràng hơn về bản thân (không phải là kiểu ý thức cá nhân hoặc chứng ám ảnh về bản thân), bạn bắt đầu nhận ra tại sao bạn lại cảm thấy như vậy, tại sao một cảm xúc tiêu cực nào đó cứ tái diễn trong bạn, tại sao những kiểu phản ứng cụ thể nào đó cứ mãi bùng phát cũng trong tình huống này, cũng với những người này.
Rốt cuộc, nguyên nhân gốc rễ của “những phản ứng” này luôn là sự gắn kết và dẫn đến nhận dạng sai, hiểu vậy giúp bạn dễ dàng buông bỏ, cho qua đi và cho phép hành vi của bạn thay đổi một cách tự nhiên như ý muốn. Bạn sẽ không cần đấu tranh nội tâm để thay đổi hành vi, cảm xúc. Chỉ cần nhìn ra và cho qua đi, mọi thứ sẽ đi theo dòng chảy tự nhiên.
Hiểu vậy, sao bạn vẫn cố bám chặt, gắn kết với những “điều gì” đó ngay ở chặng đầu tiên? Đó đơn giản là vì một niềm tin sai lầm bạn học được trong đời sống, rằng nếu bạn có được hoặc sở hữu, nắm giữ được điều gì đó - ngay cả những thứ không nhìn thấy được – thì những thứ ấy sẽ:
- Giúp hoàn thiện con người bạn
- Làm bạn cảm thấy tốt hơn (hạnh phúc hơn)
- Trao cho bạn thêm uy quyền, sức mạnh đối với người khác
- Dấu hiệu cho thấy bạn thành công trong đời
- Chứng minh bạn là người chiến thắng
- Giúp bạn sống sót
- Củng cố mạnh mẽ giá trị của bản thân
Đây lại là những niềm tin giả tạo mà chúng ta - cả bạn và tôi - đều bám chặt vào, dù mức độ gắn kết có khác nhau. Những ảo tưởng đó nhốt ta vào một cuộc đời tranh giành, gắn kết, và theo đó là khổ đau thường trực.
Sự thật phũ phàng
Để giải thoát bản thân khỏi việc gắn kết và đồng hóa với những gì không phải là “bạn”, nghĩa là để giải thoát bản thân khỏi cái tôi giả tạo, có 7 “sự thật phũ phàng” sau mà chỉ có bạn mới có thể nhận ra cho bản thân:
1. Giúp hoàn thiện con người bạn
Bạn không cần thêm bất kỳ điều gì vào bản thân để hoàn thiện con người bạn. Thật ra, bạn không thể thêm gì cho chính mình. Bạn có thể thêm nhiều thứ cho cơ thể nhưng cho nội tại bản thân thì không.
2. Làm bạn cảm thấy tốt hơn (hạnh phúc hơn)
Bạn không cần phải đạt được điều gì đó để cảm thấy tốt hơn. Thật ra, bạn cần cho qua đi mọi điều để được tự do, và chỉ khi tự do thì bạn mới có thể cảm thấy hạnh phúc, hài lòng, mãn nguyện.
3. Trao cho bạn thêm uy quyền, sức mạnh đối với người khác
Bạn không bao giờ có thể kiểm soát hoặc tạo uy quyền đối với bất kỳ ai, dù đó là một đứa trẻ hay một người trưởng thành, dù họ có lai lịch ra sao đi nữa. Tất cả mọi người đều có sức mạnh, năng lực độc đáo, riêng biệt. Thật ra, bạn chỉ có thể có sức mạnh (kiểm soát) đối với chính thể chất, tâm trí và trí tuệ của mình.
4. Dấu hiệu cho thấy bạn thành công trong đời
Thành công trong đời không phải là sự tranh giành, đạt được, không hẳn ai có nhiều “đồ chơi” nhất là kẻ chiến thắng. Thật ra, thành công là khả năng giữ được trạng thái hài lòng trong mọi tình huống và ứng phó điềm tĩnh, tích cực khi mọi người xung quanh ở trong tình trạng hoảng loạn, sợ hãi. Phải có sức mạnh nội tâm mới làm được như vậy - sức mạnh ấy sẽ không được kích hoạt khi bạn gắn kết vào một điều gì đó hay một ai đó.
5. Chứng minh bạn là người chiến thắng
Người chiến thắng trong cuộc sống không phải là “người đạt được” như nhiều người trong chúng ta đã từng được dạy bảo. Người chiến thắng thật sự là “người trao đi”, nhờ vậy mà nhận được sự tôn trọng và thái độ tin cậy từ người khác. Thật ra, chúng ta được sinh ra là để trao đi, đóng góp, chia sẻ, lan tỏa. Khi làm vậy, cuộc đời sẽ chảy về phía ta.
6. Giúp bạn sống sót
Khi bạn nhận ra mình là một điều gì đó trên cả cái cơ thể vật chất này, bạn là ý thức/tâm hồn/bản thể nội tâm, thì chuyện sống sót/tồn tại không còn là vấn đề vì bạn biết mình không hề chết đi. Thật ra, chỉ có thân thể mới chết, còn bạn thì không!
7. Củng cố mạnh mẽ giá trị của bản thân
Có thể bạn đã biết việc đặt giá trị bản thân vào những điều bên ngoài là một sai lầm tai hại, vì tất cả những thứ ấy có thể, sẽ hoặc bị lấy đi bất cứ lúc nào. Bạn hiểu mình không thể nào kiểm soát những thứ ấy được. Và khi ai đó cứ cố làm như vậy, người ấy sẽ phải chịu một cuộc sống bất an.
Thật ra, giá trị của bạn là vô hạn vì “bạn” - một tâm hồn – thì không có giới hạn. Nhưng để nhìn thấu điều này, bạn cần thoát ra khỏi tất cả mọi đối tượng mà bạn đang bám víu, gắn kết, vì tất cả những cái ấy đều là hữu hạn. hành thiền hàng ngày là phương thức hữu hiệu để bạn cắt bỏ sự bám víu, gắn kết.
Không thể thêm thắt điều gì vào bản thân. Ảo tưởng về sự thêm thắt đó xuất hiện từ khoảnh khắc chúng ta được dạy để tin rằng mình là thân thể, là hình dáng vật chất hữu hình mà ta đang có. Bạn có thể mặc thêm quần áo vào tấm thân này, kê xếp thêm nhiều vật dụng trong nhà, trưng bày thêm nhiều kỷ niệm chương trong tủ, nhưng bạn không thể đắp thêm gì vào con người nội tâm của bạn. Khi bạn nhận ra và sống với ý thức này, bạn đã gần về đến đích. Bạn biết bạn không cần làm gì thêm nữa, thậm chí cũng không cần đọc quyển sách này. Điều bạn cần phải làm là quan sát xem khi nào bạn bị rơi vào cái ảo tưởng cũ kỹ đó, để bạn có thể tự cười mình và buông bỏ nó. Quan sát, theo dõi, nhìn ra, cho qua đi là một phần trong nghệ thuật thiền định. Đó là lý do vì sao thiền không chỉ dừng lại ở việc ngồi yên trong một góc phòng (mặc dù những khoảnh khắc thực hành như thế là cần thiết!), thiền là sự trao dồi, nuôi dưỡng nhận thức bản thân dù ta đang ở đâu. giống như cái cây tăng trưởng tốt khi được chăm sóc tốt, nhận thức bản thân sẽ lớn lên khi bạn duy trì thực hành thiền định.
Bài thực hành thiền:
Hãy ngồi yên trong tĩnh lặng…
Thả lỏng toàn thân và nhìn tập trung vào một điểm trước mặt…
Nhẹ nhàng hướng sự chú ý vào bản thân…
Nhận thức về bản thân…
Hãy để cho bất kỳ suy nghĩ và cảm xúc nào tự đến, rồi tự ra đi…
Bạn đang nhận thức về bản thân mình… Để cho bình yên tràn ngập nội tâm… Bạn biết bạn là bình an…
Đang ở trong trạng thái bình an.
Giải tỏa cảm xúc bị dồn nén bên trong
Một trong những phương pháp mới nhất giúp bản thân thoát khỏi những cảm xúc bị dồn nén bấy lâu là vỗ nhẹ vài lần lên vùng nào đó trên cơ thể. Những lần vỗ nhẹ như vậy có tác dụng giải tỏa năng lượng cảm xúc của quá khứ bị dồn nén trong các cấu trúc và tế bào trên cơ thể. Năng lượng cảm xúc đã bị ức chế sẽ được giải thông, mang lại lợi ích tinh tế cho tâm trí mà bạn có thể không nhận ra. Tuy nhiên, nó chỉ giải quyết năng lượng cảm xúc đã được tạo ra và tích tụ, ít có tác dụng thay đổi nguyên nhân sinh ra năng lượng cảm xúc ấy. Nguyên nhân ấy luôn là sự gắn kết. Bằng cách tách mình ra khỏi ý tưởng, hình ảnh, niềm tin và quan niệm mà ta đã bám chặt vào chúng theo thói quen, ta mới có thể “vỗ” vào sự thật và sự thông tuệ sâu xa hơn trong trái tim ý thức. Chỉ sau đó, chúng ta mới có thể giải quyết được “nguyên nhân” sinh ra cảm xúc, chứ không chỉ dừng lại ở việc chữa lành triệu chứng.