"Nói” về tình yêu chính là nói về con người thật sự của bạn. “Sống” yêu thương nghĩa là là chính mình.
“Hành động” yêu thương là bộc lộ, thể hiện con người thật sự của bạn sao cho phù hợp với tình huống, hoàn cảnh bạn đang hiện diện trong đó và cũng tùy theo đối tượng bạn gặp. Không có nhiều “kiểu” yêu thương, chỉ có một tình yêu thương duy nhất, nhưng tình yêu thương lại mang nhiều hình thái biểu hiện khác nhau khi tình thương đi vào trong ta và đi ra ngoài thế giới.
Lòng trắc ẩn, sự quan tâm, tôn trọng, tha thứ chỉ là một vài điển hình trong vô số những cách thức giúp ta cảm nhận, nhìn thấy và hiểu biết ánh sáng của tình thương.
Tôi chưa từng biết điều này vì đâu có ai dạy cho tôi. Và đa số mọi người dường như cũng không nhận thức được. Có lẽ đây là lý do tại sao thế giới ngày nay đầy rẫy những mối quan hệ trắc trở, mâu thuẫn và có quá nhiều người bất hạnh. Nó cũng lý giải tại sao định nghĩa đơn giản nhất về “stress” chính là sự thiếu vắng tình yêu thương trong mối quan hệ, và tại sao cuộc sống trở thành một trải nghiệm khốn khổ không chỉ với những người “chẳng có gì”, mà còn cả với những ai trông bề ngoài “có đủ thứ”. Không thể có hạnh phúc khi không có tình yêu thương. Tình thương không tồn tại “vì” sự vật, sự việc nào hoặc thuộc sở hữu của riêng ai.
Quả thật… tình yêu thương luôn hiện hữu!
Giá như tôi biết được điều này khi tôi còn bé. giá như quãng thời gian ở trường cho tôi hiểu một chút ý nghĩa của tình yêu thương. giá như những người thân sinh đầy trách nhiệm, tận tụy, ân cần, chu đáo và chăm chỉ của tôi có thể truyền đạt cho tôi một vài điều thông thái về trọng tâm của cuộc đời. Ôi, giá như…! Nhưng mọi sự đã không như vậy. họ không thể chỉ bảo tôi những điều quý giá ấy vì như đa số mọi người, họ cũng không nhận biết được ý nghĩa thật sự của yêu thương là gì.
Vì vậy, giờ đây chúng ta cùng thực hiện chuyến hành trình khám phá thú vị qua một quyển sách với đề tài về tình yêu thương. Nhưng xin đừng kỳ vọng quyển sách này sẽ cung cấp cho bạn những bí quyết để nuôi dưỡng mối quan hệ lứa đôi, hay một luận thuyết về cách làm thế nào để tìm thấy một người tình hoàn hảo, hoặc làm thế nào để chinh phục trái tim “người ấy”. Đặt tình yêu thương dừng lại ở cấp độ như vậy chỉ nuôi dưỡng thêm những hiểu biết hạn hẹp của chúng ta về tình yêu. Còn hơn thế nữa, qua đây, ta sẽ hiểu lý do tại sao yêu thương thường xuyên vắng bóng, bị tránh né hoặc bị hiểu sai cả ở phạm vi nhỏ hẹp là mối quan hệ cá nhân và phạm vi rộng lớn hơn như cuộc đời.
Qua tiến trình này, chúng ta có thể “lượm nhặt” được một chút sự thật về tình yêu thương khi nhận ra những gì chúng ta từng nghĩ đó là yêu thương nay lại là điều gì đó hoàn toàn khác. Song, chỉ có một thách thức nho nhỏ về ngôn từ. Ngôn từ không thể chuyển tải hết ý nghĩa hàm chứa, cản trở ta hiểu biết rõ về yêu thương. Ngôn từ thiếu sự tỏ tường, không sáng nghĩa rõ ý càng khiến cho trái tim bị che khuất. Đồng thời, ngôn ngữ của con người thường có tính đối ngẫu. Tuy nhiên, tình yêu thương vượt lên mọi sự đối lập. Mà hơn hết, không tồn tại sự đối lập, trái ngược trong tình yêu thương, dù ở cấp độ nào. Yêu thương giống như mạng lưới vô hình kết nối vạn vật và mọi người. Khi sự vật, con người và ngay cả tâm trí chúng ta bị tách biệt và rời rạc với nhau, thì ánh sáng của tình thương vẫn mãi mãi hiện hữu. Ngôn từ không thể trực tiếp mang yêu thương đến với ta, vì lẽ đó, tất cả những bài viết, sách vở đề cập đến tình yêu thương chỉ có thể dẫn lối, chỉ hướng để ta nhìn thấy, nhận ra và dần dà bản thân cũng tự hiểu về yêu thương.
Đây là lý do tại sao tồn tại một mâu thuẫn không thể tránh khỏi trong việc viết về chủ đề yêu thương, đặc biệt với một quyển sách có tựa phụ là “Cuộc hành trình từ cái đầu đến trái tim của tâm hồn”. Sách vở, hoặc chính xác hơn là những câu từ, chính là những ý tưởng và khái niệm sinh ra từ cái đầu đầy lý lẽ và chỉ có thể tồn tại trong đầu dưới dạng ý nghĩ. Trong điều kiện tốt nhất, chúng có thể chỉ lối đến con tim - thế giới nội tâm của nhận thức và cảm nhận - nhưng lời lẽ không bao giờ trực tiếp đến ngay với con tim. giống như từ “nước” chẳng bao giờ làm cho bạn ướt sũng, vì vậy từ “yêu thương” không bao giờ có thể giúp bạn biết, cảm nhận, hay nhận ra bạn chính là yêu thương.
Dù những gì diễn ra trong đầu có thể là sự biểu lộ của con tim, nhưng bạn sẽ phải để cái đầu quay về với con tim. Nghĩa là bạn sẽ phải thoát khỏi việc “suy nghĩ” về tình yêu thương để biết về yêu thương và là yêu thương... một lần nữa.
Đánh mất ý nghĩa thật sự về tình yêu
hãy yêu cầu cả một căn phòng đông người đưa ra định nghĩa về tình yêu thương, và dường như với bao nhiêu người hiện diện trong phòng thì bạn sẽ thu thập được bấy nhiêu ý kiến. Có lẽ yêu thương là một trong những từ được sử dụng thường xuyên nhất, bị lạm dụng nhất và bị sử dụng theo cách sai nhiều nhất. Đây là lý do vì sao trong khi chúng ta có thể dễ dàng “nói về tình yêu”, nhưng lại khó “sống với tình yêu”.
Nguyên nhân chính khiến người ta vẫn còn hiểu mơ hồ về tình yêu và khó sống thật với điều mình biết không chỉ bởi sự khó hiểu về mặt từ ngữ, ý tưởng và khái niệm, mà còn hơn thế nữa, lý do chung đó là sự đánh mất nhân dạng đúng về bản thân và nhận thức thật về bản thân. hoặc chính xác hơn, chúng ta có khuynh hướng đồng hóa mình với điều vốn không phải là mình.
Đối với nhiều người, đây không phải là ý tưởng mới mẻ, dù có thể bạn không nhận ra những khía cạnh tinh tế của thói quen đồng hóa sai lầm này. Còn với những người khác, đây sẽ là hiểu biết mới và có lẽ là cả một phát hiện vĩ đại một khi đã hiểu đầy đủ, tường tận. Cho đến khi bạn nhìn ra và hiểu rõ quá trình bạn đánh mất ý thức về bản thân trong điều gì đó không phải là bạn ra sao, nếu không, bạn sẽ không bao giờ biết về tình yêu thật sự.
Một yếu tố khác góp phần làm cho tình yêu vắng bóng trong cuộc sống thường ngày đó là nền công nghiệp giải trí hiện đại - trong đó, tình yêu đã bị khuất lấp dưới ảo tưởng về cuộc tình lãng mạn và lời ngợi ca, tôn thờ những thành tựu, thành quả vật chất. Từ những câu chuyện thần tiên dành cho thiếu nhi đến những câu chuyện tình lãng mạn trong tiểu thuyết, kết hợp với những màn phô diễn đầy mê hoặc của hollywood về thành công và hạnh phúc, theo đó, ý tưởng về tình yêu đã bị bóp méo và hạn chế.
Tình yêu thương cũng không thoát khỏi việc bị thương mại hóa với niềm tin cho rằng tình yêu chỉ có thể được tìm thấy qua thành tựu cá nhân, sản phẩm, hay trong mối quan hệ có chọn lọc, nhưng làm vậy chỉ khiến cho tình yêu trở nên tầm thường, mất đi ý nghĩa cao đẹp, khó hiểu và khó gần gũi, trong khi thực tế, tình yêu vốn là bao la, vô tận và có thể khơi dậy được ngay tức thì. Ý nghĩa về tình yêu bị bóp méo đến lệch lạc làm cho chúng ta hướng ra bên ngoài để tìm kiếm. Nhưng việc tìm kiếm tình yêu “ở ngoài kia” chỉ làm trì hoãn thêm sự khám phá về tình yêu và ngăn chặn tình yêu đi vào cuộc sống chúng ta, thật ra, tình yêu luôn hiện hữu trong trái tim mỗi người - là nơi cuối cùng ta học cách để nhìn thấu vào nó. Trong Phần 1 của quyển sách này, chúng ta sẽ khám phá tại sao chúng ta trở nên hoang mang và rối trí bởi câu chuyện hoang đường được thêu dệt quanh ý tưởng về tình yêu!
Hãy vượt lên giới hạn của ngôn từ
Thật sự chỉ có một rào cản trong việc tái khám phá và nhận ra viên ngọc quý trong chiếc vương miện tâm hồn con người - viên ngọc yêu thương - đó là “bạn đồng hành xa xưa nhất và… thân thương nhất” của mỗi chúng ta, là cái tôi, một cái tôi giả tạo được vun đắp từ những điều giả tạm bên ngoài. Khi đã hiểu về cái tôi này, bạn bắt đầu hiểu thấu hầu hết mọi điều. Tuy nhiên, hiểu biết ấy chỉ có thể đạt được khi bạn biết mình đã tạo ra cái tôi trong bản thân như thế nào.
Nếu chỉ tìm hiểu cái tôi giả tạo về mặt lý thuyết bằng cách nhìn của “chuyên gia”, bạn sẽ bị lúng túng trước những khái niệm. Nhưng nếu bạn có thể nhận biết bạn tạo ra cái tôi như thế nào, bạn sẽ đứng ở ngưỡng cửa dẫn đến tự do đích thực - tự do, thanh thản nội tâm - và niềm hạnh phúc đích thực song hành với sự tự do nội tâm này.
Nếu bạn đã có sẵn một “túi” các khái niệm đã học hỏi, tích cóp được về cái tôi để “giắt lưng”, tôi đề nghị rằng bạn hãy chất chúng lên “khoang chứa tạm thời” và nhét chúng vào “tủ chứa ý thức” của bạn. Những người như Sigmund Freud(*) và Carl Jung(**) để lại cho chúng ta di sản nghiên cứu tuyệt vời, bao gồm khái niệm của họ về cái tôi (ego - tự ngã), siêu ngã (superego) và xung động bản năng (id) v.v. Những tư tưởng của họ làm cơ sở cho nhiều trường phái tâm lý học và tâm thần học. Nhưng bạn không cần phải biết tất cả những điều đó vì có thể chúng sẽ ngăn trở bạn. Khi chúng ta tìm hiểu về cái tôi ở Phần 2, tôi đề nghị rằng bạn đừng tin vào từ ngữ bạn đọc được. Đừng tin, mà hãy hiểu những gì tôi mô tả cho bản thân bạn, trong bản thân bạn, về bản thân bạn. Tôi biết bạn có thể làm vậy – chỉ tùy thuộc vào việc bạn thích thú như thế nào thôi, và bạn sẵn sàng dành cho mình thời gian để suy ngẫm, chiêm nghiệm và thiền định đến đâu. Khi bạn “nhìn ra cho chính mình”, thay vì chỉ tin vào lời người khác, bạn sẽ tự chủ hơn đối với cuộc đời mình. Một lần nữa, bạn lại làm chủ ý thức của mình. Nên là như vậy!
(*) Sigmund Freud (1856 – 1939): Bác sĩ về thần kinh và tâm lý người Áo. Ông được công nhận là người đặt nền móng và phát triển lĩnh vực nghiên cứu về phân tâm học.
(**) Carl Jung (1875 – 1961): Bác sĩ tâm lý người Thụy Sĩ, một nhà tư tưởng rất có ảnh hưởng và là người sáng lập ra ngành tâm lý học phân tích.
Bản thân, Tôi, Bạn - mỗi người chỉ một
Tôi đang giả định rằng bạn nhận thức được bạn không phải là hình dạng cơ thể của mình, rằng bạn biết (ít nhất về mặt lý thuyết) bạn là sự sống có ý thức đang thổi luồng sinh khí, tiếp sức sống cho cái hình dạng mà bạn trú ngụ trong nó.
Đôi khi, sự sống có ý thức ấy được gọi là tâm hồn, linh hồn hoặc bản thể thật sự. Thậm chí nếu bạn không hoàn toàn nhận ra mình là nguồn năng lượng vô tận không thể sờ chạm được, không nhìn thấy được - đó là nhân vật “Tôi” như khi bạn nói “Tôi là” - ít nhất bạn cũng nắm bắt được ý tưởng này. Khi đã hiểu, bạn cũng có thể nhận ra tựa phụ “Cuộc hành trình từ cái đầu đến trái tim của tâm hồn” ở bìa sách không hoàn toàn chính xác. Chuyến hành trình từ cái đầu đầy lý lẽ đến trái tim của tâm hồn hàm ý rằng cái đầu và trái tim là hai “bộ phận cấu thành” tách biệt nhau, nhưng đều là những khía cạnh thuộc về con người nội tâm của bạn.
Thật ra, cái đầu, trái tim và tâm hồn đều là một, đều là bạn. Cái đầu chỉ mang ý nghĩa là chức năng tư duy, tạo ra suy nghĩ, là những gì bạn “làm” trong ý thức của mình - ý thức cũng là bạn! Còn trái tim ở đây không phải là trái tim sinh học này, mà là trái tim ý thức, cũng là bạn. Một lần nữa, tâm hồn cũng chính là bạn, vì bạn không có tâm hồn, bạn vốn dĩ là tâm hồn! Không có một tâm hồn bí ẩn nào ẩn nấp đâu đó trong cơ thể của bạn. Bạn là tâm hồn! Quên đi bản thân khiến chúng ta suy nghĩ quá nhiều và làm cho nguồn năng lượng không còn tuôn chảy tự nhiên nữa. Dần dà, bạn sẽ nhận thấy rõ cách bạn đã được giáo dục thật tài tình để không còn là bạn thật sự nữa. Bạn đang đọc quyển sách này là do vô thức hay ý thức, bạn cũng đang muốn tìm ra con người thật sự của bạn. Trong Phần 3, chúng ta sẽ liên kết sự tìm hiểu bản thân với sự tìm kiếm niềm hạnh phúc và chúng ta sẽ hiểu tại sao cả hai quá trình đều là một và là như nhau.
Tôi đề nghị bạn hãy dành thời gian để đọc từ từ, chiêm nghiệm nhiều và suy ngẫm thường xuyên những điều bạn đọc được. Rồi bạn sẽ nhận ra tại sao bạn không còn là bạn nữa, tại sao bạn không cảm nhận được con người thật sự của mình, tại sao bạn vẫn còn một chút lẫn lộn về mình và tại sao “thứ được gọi là yêu thương” lại trở nên quá mơ hồ với bạn. Không chỉ mình bạn vướng vào tình trạng này, mà tất cả chúng ta đều như thế.
Nếu có bất kỳ thắc mắc nào về bất kỳ khái niệm nào, vui lòng liên hệ và chia sẻ những điều chưa rõ theo địa chỉ email: [email protected]
Chúc bạn thượng lộ bình an trên hành trình khám phá này!