Một trong những yếu tố có ảnh hưởng đến việc định hình con người bạn muốn trở thành lại là một trong những điều ít được hiểu rõ nhất. Đó là sự kết giao của bạn với người khác – những người mà bạn cho phép bước vào trong cuộc sống của mình. Bạn đã bao giờ nghĩ về cách mà những người khác định hình cuộc sống của mình như thế nào chưa? Tôi chưa từng có ý niệm gì về việc này cho đến khi nghe ông Shoaff nói: “Jim, đừng bao giờ đánh giá thấp sức mạnh của sự ảnh hưởng”.
Dĩ nhiên là ông ấy đúng. Ảnh hưởng của những người ở xung quanh chúng ta rất mạnh mẽ, rất tinh vi, và tiến triển dần dần, đến nỗi chúng ta thậm chí thường không nhận thấy.
Hãy nghĩ về điều này. Nếu xung quanh bạn là những người chi tiêu hết mọi thu nhập của họ thì có nhiều khả năng bạn sẽ trở thành một người chi tiêu không cân nhắc. Nếu xung quanh bạn là những người thích đi xem đấu vật hơn là đi nghe hòa nhạc, bạn sẽ có xu hướng giống như họ. Đây chính là sức ảnh hưởng của áp lực đồng hội đồng thuyền.
Sức ảnh hưởng này thậm chí còn gây tác động sâu xa hơn. Nếu xung quanh bạn là những người cho rằng sự lừa dối ở một mức độ nào đó là chấp nhận được, bạn cũng có thể bị thuyết phục rằng bớt xén một ít cũng không sao. Những người này có thể thật sự đẩy dần bạn đi chệch hướng khỏi hành trình của bạn, cho đến một ngày, mười năm sau, bạn thức dậy và tự hỏi: “Làm sao mình lại đến mức này?”.
Và đó là giây phút chẳng sung sướng gì…
Để tránh việc bạn tiêu phí thời gian khi đồng hành với đám đông lầm lạc, bạn cần hỏi chính mình ba câu hỏi nền tảng sau:
1. Tôi tiêu tốn thời gian của mình với ai?
2. Họ đang làm gì với tôi?
3. Sự kết giao này có phù hợp với tôi không?
Đừng bỏ qua những câu hỏi này. Hãy xem xét thời gian mà bạn trải qua cùng với các mối quan hệ chính yếu của mình. Những khoảng thời gian đó được dành cho những hoạt động tích cực và mang tính xây dựng hay tiêu cực và làm tổn hại?
Bạn không chắc về câu trả lời? Vậy hãy nghĩ về những điều sau:
Họ đã khiến bạn làm gì?
Họ đã khiến bạn nghe gì?
Họ đã khiến bạn đọc gì?
Họ đã khiến bạn đi đâu?
Họ đã khiến bạn nghĩ gì?
Họ đã khiến bạn nói năng như thế nào?
Họ đã khiến bạn cảm thấy như thế nào?
Họ đã khiến bạn nói gì?
Cuối cùng, sau khi bạn đã thật sự suy nghiệm về những điều này, hãy tự hỏi mình câu hỏi cuối cùng: Những mối kết giao hiện thời của tôi có giúp tôi phát triển theo hướng mà tôi đã chọn thông qua việc thiết lập mục tiêu không? Nếu bạn đủ may mắn để trả lời “Có” cho câu hỏi này, tôi mừng cho bạn. Nhưng nếu bạn không chắc lắm, đã đến lúc bạn cần đánh giá những mối quan hệ của mình với một vài nhân tố chính có ảnh hưởng trong cuộc sống của bạn.
Thường người ta dễ dàng bỏ qua câu hỏi về sự ảnh hưởng này. Anh chàng đó nói: “Tôi sống ở đây, nhưng chuyện này không hệ trọng lắm đâu. Quanh tôi là những người như vậy nhưng họ không gây phiền toái gì cho tôi”. Ừm, anh ta sai rồi. Mọi chuyện đều hệ trọng.
Quyển sách này khác với nhiều quyển sách khác bởi nó đề cập đến khía cạnh thực tế, không phải là những suy nghĩ viển vông. Thật ra, một trong những mục đích chính của quyển sách này là để khiến bạn nói rằng: “Những ngày đùa bỡn với chính mình đã qua rồi. Tôi thật sự muốn biết mình đã trở thành gì và đang trở thành gì. Tôi muốn biết những điểm mạnh và điểm yếu của mình là gì; điều gì điều khiển được mình; điều gì đang ảnh hưởng đến mình; điều gì mình cho phép ảnh hưởng đến cuộc sống của mình”.
Vậy bạn hãy nhìn lại một lần và nhìn lại thêm lần nữa. Mọi chuyện đều đáng để nhìn lại, nhất là những gì có khả năng điều khiển bạn.
Có lẽ bạn đã nghe câu chuyện về chim én nhỏ...
Nó che một bên mắt bằng cánh của mình và đang khóc rấm rứt. Một con cú bay ngang qua và hỏi: “Chú chim bé nhỏ, có chuyện gì vậy?”. Chim én bỏ cánh ra và cho thấy một hốc mắt bị thương, nơi trước đây có con mắt. “Ồ, ta hiểu rồi, chú khóc vì con quạ đã khoét mắt chú!”, con cú kêu lên, mắt chớp chớp. “Không”, chim én buồn bã đáp, “tôi khóc không phải vì bị con quạ khoét mắt, mà vì tôi đã để hắn làm điều đó”.
Có ai đang khoét đi tầm nhìn của bạn không? Có ai đang cố che mắt bạn, khiến bạn không thể nhìn thấy những giấc mơ của mình không? Này bạn, chúng ta thường dễ dàng để cho những thứ gây ảnh hưởng định hình cuộc đời mình, đặc biệt là những ảnh hưởng tiêu cực. Chúng ta thường dễ dàng để cho những mối quan hệ quyết định hướng đi của mình, để cho mình bị thuyết phục và bị điều khiển, để cho những đợt thủy triều tràn qua chúng ta và để cho những áp lực định hình chúng ta. Câu hỏi đặt ra là: Đây có phải là điều bạn muốn?
Bạn đang trở thành, đang đạt được, và đang làm chủ những gì bạn muốn, hay bạn đang để cho kẻ khác đánh cắp những ước mơ của mình?
NGỪNG KẾT GIAO
Nếu sau khi phân tích những mối quan hệ hiện có, bạn phát hiện một ít cỏ dại trong khu vườn kết giao của mình thì có một vài điều bạn có thể làm.
Trước tiên, bạn có thể tách mình khỏi những người có nguy cơ làm tổn hại tình trạng an ổn của bạn. Tôi công nhận đây là một việc “khó nhằn”, đặc biệt nếu đó là một thành viên trong gia đình. Nhưng nếu đó là một người luôn tìm thấy niềm vui bất tận trong việc khoét mất những ước mơ, mục tiêu hay niềm tin của bạn, hãy từ bỏ ảnh hưởng của người đó. Nên nhớ, đây có thể là lựa chọn mà nhờ vậy bạn cứu được chất lượng cuộc sống của mình.
Tất nhiên là cuộc sống hiếm khi đơn giản như vậy. Thỉnh thoảng chúng ta nhận ra chính mình đang dành thời gian cho những người chẳng có gì hay ho – một đồng nghiệp, một chỗ quen biết qua công việc hay những người khác. Trong những tình huống mà bạn không thể dứt khoát tự mình ngừng kết giao thì hãy cố gắng giữ mối quan hệ ở mức hạn chế.
Cũng có những tình huống mà những mối quan hệ hời hợt theo kiểu “cho vui” có thể gây ra những tác động tiêu cực về lâu dài đến cuộc sống của chúng ta. Nếu bạn dành hai tối mỗi tuần uống vài ly với những người bạn kiểu đó thì cuộc sống của bạn có nguy cơ dần đi đến tình trạng mất cân bằng. Hậu quả sau năm, mười, hay hai mươi năm nữa có thể sẽ đến mức hủy hoại.
Tiếp tục cuộc sống tầm thường là chuyện rất dễ dàng. Bạn chỉ cần dùng thời gian chính yếu để làm những việc thứ yếu và cho những người thứ yếu. Những người khôn ngoan luôn cân nhắc tầm quan trọng của một việc trước khi hành động. Họ biết điều gì là chính yếu và điều gì là thứ yếu. Họ thường không lẫn lộn những điều này.
Dĩ nhiên, những người khôn ngoan vẫn có bạn bè ở mức xã giao. Sự khác biệt là họ chỉ dành cho những người bạn này những khoảng thời gian thư giãn, tương đối không quan trọng, thay vì dành rất nhiều thời gian. Họ đơn giản là không phung phí thời gian vào những quan hệ bạn bè “không có cũng chẳng sao” hay tình cờ gặp nơi quán xá.
Đó là cuộc đời của bạn. Bạn có thể dành thời gian của mình cho bất kỳ ai và theo bất kỳ cách nào bạn muốn. Nhưng tôi không nghĩ rằng bạn đầu tư vào quyển sách này chỉ để tôi giải khuây cho bạn. Bạn phải xem xét và đánh giá lại những ưu tiên và giá trị của mình, trong đó có những mối kết giao của bạn. Thời gian của bạn trên trái đất này quá ngắn để dùng nó một cách thiếu khôn ngoan.
MỞ RỘNG SỰ KẾT GIAO
Từ việc ngừng kết giao, chúng ta hãy chuyển sang một chủ đề vui vẻ hơn: mở rộng quan hệ. Đây là quy luật để mở rộng quan hệ: Dành nhiều thời gian hơn cho những người phù hợp. Ai là những người phù hợp? Điều đó tùy thuộc vào mục đích và mục tiêu của bạn. Nhìn chung, hãy tìm kiếm những người có thực chất và có văn hóa – những người dùng thời gian chiêm nghiệm về ý nghĩa của cuộc sống và những người thực hiện được những điều lớn lao nhờ tính kỷ luật và quyết tâm.
Đó là lời khuyên ông Shoaff đã dành cho tôi không lâu sau khi chúng tôi gặp nhau. Ông ấy nói: “Nếu cậu thật tâm muốn thành công, cậu phải có cơ hội gặp gỡ những người phù hợp”. Và rồi với cái nhìn trầm ngâm pha chút giễu cợt, ông ấy nói thêm: “Dĩ nhiên, trong tình cảnh hiện thời của mình, cậu sẽ phải bày mưu tính kế để làm điều đó”. Và quả đúng như vậy! Tôi đã phải nghĩ đủ cách để có cơ hội gặp gỡ những người phù hợp.
Trong những ngày đầu ấy, những khi được mời đến một nơi để thuyết trình về bán hàng, tôi thường đậu chiếc xe già nua sắp rời ra từng mảnh của tôi cách đó vài dãy nhà. Lần nào tôi cũng được hỏi đúng một câu: “À, Jim, anh tới đây bằng gì vậy?”, và câu trả lời của tôi luôn là: “À, có người chở tôi đến đây”. Dĩ nhiên, người chở tôi đến là chính tôi, bằng “quả bom” kêu ầm ĩ của mình.
Bạn không nhất thiết phải vượt qua nhiều trở ngại mới kết giao được với những người thành đạt. Chỉ cần gắn kết với cộng đồng của mình. Tôi có một người bạn khởi nghiệp bằng công việc bán hàng. Sau đó, cô ấy tham gia vào phòng thương mại của thành phố, hoạt động tích cực trong một số ủy ban và đến một lúc, cô ấy nhận ra chính mình được mời chơi quần vợt với một vài người có tầm ảnh hưởng lớn hơn trong thành phố. Bạn thấy đó, xây dựng những mối quan hệ mới không phải là một việc quá khó.
Ngoài ra, như chúng ta đã thảo luận trong chương trước, hãy đầu tư vào việc đáp ứng nhu cầu thưởng thức món ngon của những người khá giả. Mời một người giàu có dùng bữa. Không thể nói trước là bạn sẽ học được điều gì trong một hay hai giờ với những câu chuyện hướng đến sự giàu có.
Để mở rộng các mối quan hệ, hãy nhìn lại những ưu tiên trong cuộc sống của mình. Như vậy được gọi là kết giao có chủ đích. Ví dụ, để giúp cho kế hoạch thành công của bạn, hãy tìm đến một vài người thành công; kết giao với một vài người khỏe mạnh để bạn có cảm hứng lên kế hoạch cho chế độ dinh dưỡng và tập thể dục của mình; tìm ra ai đó biết cách sống để dạy bạn những bí quyết của một phong cách sống đáng tưởng thưởng. Và cũng đừng e ngại trong việc vun đắp tình bạn với những người này. Hầu hết những người thành công đều rất thích chia sẻ hiểu biết của họ với người khác. (Có lẽ đó là nguyên nhân tại sao họ thành công như vậy.)
Người thành công luôn tìm kiếm những người mà họ khâm phục. Họ hiểu rằng bản thân có thể có được niềm cảm hứng và tri thức từ kiểu kết giao chính đáng này. Tôi cũng không phải là ngoại lệ đối với quy tắc này. Tôi cũng có một mối quan hệ như thế, một người mà tôi thích dành thời gian tiếp xúc càng nhiều càng tốt. Anh ấy là một người thích làm chuyện lớn, một triệu phú, một người đi nhiều hiểu rộng và là một doanh nhân. Anh ấy cũng là một người có triết lý sống.
Bạn tôi có nhiều kỹ năng nhưng có hai tài năng khó lý giải:
Thứ nhất, anh ấy có khả năng tiếp thu các sự kiện xảy ra trong một ngày một cách chi tiết đến mức độ từng phút. Không chỉ một ngày, anh ấy có thể ghi nhớ mọi ngày trong cuộc sống của mình từ lúc trưởng thành. Anh ấy có khả năng nhớ mọi quyển sách mình đã đọc, nhớ mọi điều đã học. Nếu tôi được chọn giữa việc tự mình đi nước ngoài hay để anh ấy đi rồi tường thuật chuyến đi của mình cho tôi thì tôi gần như chắc chắn là sẽ chọn để anh ấy đi. Tại sao ư? Vì anh ấy không bỏ qua bất cứ điều gì quan trọng. Như miếng bọt biển, anh ấy hấp thu mọi sự kiện.
Tài năng thứ hai của anh ấy là khả năng diễn đạt. Khi trở về sau một chuyến đi, anh ấy mô tả sống động từng chi tiết những âm thanh và màu sắc của vùng đất đó, phong tục và những mối quan tâm của cư dân ở đó, những trải nghiệm nho nhỏ cũng như những sự kiện đáng kể trong hành trình của mình. Anh ấy có thể chuyển tải những điều đã thấy, đã tiếp xúc và cảm nhận vào những ngôn từ sống động và đầy hào hứng.
Khi anh ấy tường thuật một chuyến đi, người nghe có thể cảm nhận được âm thanh ầm ào của dòng thác đổ, cơn gió phương bắc mát lạnh, màu sắc và mùi vị của những thành phố và vùng thôn quê. Anh ấy khiến cho những ai vinh hạnh được biết anh ấy cảm thấy như nhận được một món quà!
Một người có thể nhận được giá trị gì từ một sự kết giao độc đáo như thế? Tôi không biết, nhưng tôi có thể chắc chắn rằng từ mối quan hệ của chúng tôi, tôi đã mở mang kiến thức, nhận thức, kỹ năng, khả năng kinh doanh và phong cách sống của mình hơn bội phần.
Bạn nên đi đâu để tận hưởng bữa tiệc tri thức của mình? Đáng tiếc cho những người chỉ có nhà hàng ưa thích mà không có một người suy tư sâu sắc mà họ ưa thích. Họ chỉ chăm sóc, nuôi nấng cơ thể mình nhưng lại không nuôi dưỡng trí não và tâm hồn mình.
Hiện nay, nhờ Gutenberg1, Marconi2 và những người tiên phong khác trong lĩnh vực lưu trữ thông tin, chúng ta có thể kết giao khắp bốn biển năm châu và xuyên thế kỷ. Có thể bạn không gặp được một người nào đó nhưng vẫn có thể đọc được những phát ngôn hay lắng nghe giọng nói được ghi âm của họ. Winston Churchill, Aristotle và Abraham Lincoln tuy không còn sống nhưng những lời họ nói vẫn khiến chúng ta thán phục, vẫn truyền cảm hứng và dẫn dắt chúng ta.
Chú thích:
1 Johannes Gutenberg (1400-1468), một thợ kim hoàn người Đức, là người đã phát minh và giới thiệu kỹ thuật in ép đến châu Âu.
2 Guglielmo Marconi (1874-1937), một kỹ sư điện người Ý, là người đã phát minh ra kỹ thuật điện báo không dây bằng tín hiệu radio.
* * *
Sự kết giao – một trong bảy chiến lược để sống sung túc và hạnh phúc. Hãy ngăn cỏ dại của ảnh hưởng tiêu cực “mọc lên” trong khu vườn cuộc sống của bạn. Thay vào đó, hãy “gieo trồng” những hạt giống của ảnh hưởng tích cực. Bạn sẽ không hình dung được mình sẽ thu hoạch được nhiều “hoa trái” đến đâu từ “vụ mùa” này.