Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh, Chỉ huy trưởng Mặt trận đã trực tiếp ra lệnh nổ súng mở màn Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ vào lúc 13 giờ 10 phút ngày 13 tháng 3 năm 1954, sớm hơn dự định theo kế hoạch chiến dịch đã được thay đổi theo phương án “đánh chắc, tiến chắc”.
Đúng ra, ta định giữ bí mật hỏa lực trọng pháo 105 ly đến giờ G - 17 giờ 5 phút chiều ngày 13-3-1954, nhưng đêm 12 rạng sáng 13-3 các đơn vị thuộc Đại đoàn 312 tiến vào đào trận địa để tiến công cứ điểm Him Lam. Do địch phát hiện được nên trưa hôm đó Đờ Cát điều một đại đội lê dương cùng hai xe tăng nống ra đánh vào vị trí xuất phát xung phong của bộ đội ta. Để bảo vệ trận địa xuất kích và thử súng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Chỉ huy trưởng chiến dịch đã trực tiếp ra lệnh cho Đại đội 806 trọng pháo 105 ly nổ súng bắn 20 phát đạn vào Him Lam, cửa ngõ thép của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Tiếng đại bác gầm vang, phát lệnh mở màn chiến dịch, trừ hai phát đầu bắn thử để hiệu chỉnh pháo, 18 phát sau đều rơi trúng mục tiêu, phá nát nhiều công sự và hầm hào. Thiếu tá Pê-gô - tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 3 trung đoàn 13 cùng ba sĩ quan địch trúng đạn chết trong hầm chỉ huy. Bọn bộ binh, xe tăng địch đánh ra buộc phải quay đầu tháo chạy, trận địa xuất phát xung phong của ta được giữ vững.
Đến 17 giờ 5 phút cùng ngày 13-3-1954, bắt đầu đợt tập kích hỏa lực của tất cả các cỡ pháo của ta trên khắp các mặt trận, đồng loạt nổ súng vào tập đoàn cứ điểm. Đại đội 806 tiếp tục giội bão lửa lên cứ điểm Him Lam chi viện cho bộ binh tiến công. Sau nhiều giờ chiến đấu quyết liệt, cụm cứ điểm trung tâm đề kháng mạnh bậc nhất của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị tiêu diệt.
Để có được chiến thắng Him Lam, trận đánh mở màn chiến dịch, trận đọ pháo diễn ra đêm 13-3-1954 làm rung chuyển núi rừng Tây Bắc, pháo binh ta đã tiêu diệt, tiêu hao lực lượng pháo của tên quan năm pháo binh Pi-rốt, với 6.000 quả đạn đại bác, bằng một phần tư số đạn pháo của quân Pháp ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và đau hơn nữa là 12 khẩu pháo lớn của chúng ở Mường Thanh đã bị pháo binh ta quật cho tan nát… Không dễ gì bổ sung ngay được số lượng lớn đạn và pháo đã mất, cho nên chỉ sau ba ngày mở màn chiến dịch, bất ngờ trước đòn phủ đầu hỏa lực mãnh liệt của pháo binh ta, Pi-rốt - phó chỉ huy kiêm tư lệnh pháo binh của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã phải dùng lựu đạn tự sát tại vị trí chỉ huy pháo binh tập đoàn cứ điểm.
Sơ kết đợt 1 chiến dịch, Bộ chỉ huy Mặt trận quyết định trao tặng lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho Đại đoàn công pháo 351. Đại đội 806, đơn vị bắn pháo mở màn chiến dịch vinh dự được đại đoàn biểu dương và trao lá cờ này.
Tiền thân của Đại đội 806 là Đại đội 119, Đạiđội pháo binh ra đời từ đầu năm 1952, được trang bị hoàn toàn bằng pháo chiến lợi phẩm. Hai khẩu lựu đạn 105 ly thu được của địch trong chiến dịch Biên Giới năm 1950, cất giấu trong hang ẩm ướt, trước khi sử dụng phải kiểm tra, sửa chữa, hiệu chỉnh, tổ chức bắn thử. Đại đội 119 là Đại đội lựu pháo 105 ly đầu tiên của Quân đội ta tham gia Chiến dịch Hòa Bình. Sau chiến thắng Hòa Bình, cuối năm 1952, Đại đội được trang bị thêm hai khẩu lựu pháo 105 ly, chiến lợi phẩm thu được trong chiến dịch Tây Bắc.
Năm 1953, Đại đội 119 được sáp nhập vào Trung đoàn trọng pháo cơ giới 45 (Tất Thắng) vừa từ Trung Quốc về nước, và chuyển tên thành Đại đội 806 của Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 45, tiếp tục chỉnh huấn, chuẩn bị cho cuối năm đi Chiến dịch “Trần Đình”.
Trên đường đi chiến dịch, cán bộ, chiến sĩ đại đội sôi nổi hạ quyết tâm chiến đấu. Những khẩu hiệu được viết trên lá chắn pháo, trên mũ: “Đã chiến thắng Hòa Bình, nhất định chiến thắng Trần Đình”.
Một sự trùng hợp ngẫu nhiên hay là một định mệnh đối với quân địch: Trong Chiến dịch Hòa Bình năm 1952, Đại đội 119 bắn vào Đồn Pheo để tiêu diệt một tiểu đoàn của bán lữ đoàn lê dương 13 địch. Lần này Đại đội 806 chi viện cho bộ binh tiến công tiêu diệt cứ điểm Him Lam cũng do tiểu đoàn của bán lữ đoàn lê dương 13 chiếm đóng. Cả hai lần, đại đội đều phải đối mặt với quân của bán lữ đoàn lê dương 13 - đơn vị thiện chiến của quân Pháp, và đều sử dụng pháo địch đánh địch. Chỉ khác là năm 1952 ở Hòa Bình, đại đội mới có hai khẩu 105 ly, còn nay trong Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, khi về với Trung đoàn 45, Đại đội đã có thêm hai khẩu 105 ly chiến lợi phẩm nữa và đã chi viện cho bộ binh tiêu diệt, xóa phiên hiệu tiểu đoàn của bán lữ đoàn lê dương 13 của địch ở cứ điểm Him Lam.
Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đại đội 806 trong đội hình của Trung đoàn 45 pháo binh, cụm pháo chủ lực của mặt trận, mang danh hiệu Đoàn 5 pháo binh Quân giải phóng Bắc Quảng Trị, Đại đội đã liên tục tham gia các chiến dịch lớn, các trận đánh quyết chiến chiến lược lịch sử: Chiến dịch hè thu 1967, Chiến dịch Tết Mậu Thân 1968 - Mặt trận Khe Sanh - Hướng Hóa. Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào 1971, Chiến dịch giải phóng Quảng Trị 1972 và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử Xuân 1975.
Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, khó khăn, gian khổ, ác liệt, hy sinh gấp nhiều lần so với thời chống thực dân Pháp, nhưng Đại đội 806 đã mang theo tinh thần và khí phách Điện Biên vào trận nên đã vượt qua tất cả, lập nhiều chiến công xuất sắc.
Lại một sự trùng hợp ngẫu nhiên hay là sự “ưu ái có cơ duyên đặc biệt, Đại đội 806, đơn vị có vinh dự bắn pháo mở màn chiến dịch và chiến đấu hiệp đồng binh chủng với Đại đoàn 312 lập nên chiến công anh hùng ở Điện Biên Phủ, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, lại được giao trọng trách bắn những loạt pháo tầm xa (130 ly) vào sào huyệt cuối cùng của địch, Bộ tổng tham mưu ngụy và lại cùng sát cánh với Sư đoàn 312 hiệp đồng chiến đấu thắng lợi góp phần kết thúc chiến dịch, giành thắng lợi hoàn toàn trong sự nghiệp chống ngoại xâm của dân tộc, giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc.
Đại đội 806, xứng đáng và tự hào được Đảng và Nhà nước tuyên dương danh hiệu: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (tháng 10 năm 1976) xứng đáng là đơn vị của Trung đoàn 45B anh hùng (được Chủ tịch Hồ Chí Minh khen tặng danh hiệu “Trung đoàn Tất Thắng”, nay là Lữ đoàn 45 Pháo binh, đơn vị được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân lần thứ hai trong thời kỳ đổi mới), bởi lữ đoàn đã luôn chú trọng gìn giữ và phát huy truyền thống dũng cảm sáng tạo trong chiến đấu, trong xây dựng đơn vị, tiếp tục là lá cờ đầu trong phong trào thi đua quyết thắng của bộ đội pháo binh anh hùng.