Đoàn cựu chiến binh chiến sĩ Điện Biên của Bộ Tư lệnh Pháo binh thăm lại chiến trường xưa nhân kỷ niệm 45 năm Ngày chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7-5-1954 - 7-5-2004). Không khí Điện Biên vẫn thế, đêm cuối xuân đầu hè ở thung lũng Mường Thanh trời vẫn se lạnh. Nằm bên nhau, tôi rất xúc động lắng nghe những lời tâm sự của Anh hùng Phùng Văn Khầu về cuộc đời anh, về mong ước được gặp Bác Hồ, về ký ức Điện Biên và kỷ niệm sâu sắc những lần anh được gặp Bác. Anh nói những kỷ niệm đã hằn sâu trong anh, luôn là động lực, là sức mạnh giúp anh vượt lên để chiến thắng mọi khó khăn gian khổ hy sinh, song những chuyện công tác, chiến đấu thì sách báo, truyền hình đã nói nhiều rồi, nay nhân thăm lại chiến trường xưa anh chỉ tâm sự những lần anh được gặp Bác nhất là lần cuối lúc Bác đi xa, chuyện trước đây chưa được phép nói.
Anh kể:
“Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, với thành tích chiến đấu 36 ngày đêm trên đồi E1, ngày 31 tháng 8 năm 1955, tôi được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Trong lễ tuyên dương, lần đầu gặp Bác, tôi xúc động nước mắt cứ tuôn trào khi được Bác Hồ trực tiếp gắn huy hiệu Anh hùng và ôm hôn. Ước mong được gặp Bác Hồ đã là sự thật mà cứ ngỡ như trong mơ. Bác lại căn dặn: “Các chú không được tự kiêu, tự mãn, phải luôn luôn khiêm tốn, học hỏi...”. Lời dặn của Bác đã chỉ cho tôi đi suốt cả cuộc đời.
Lần thứ hai được gặp Bác khi tôi có vinh dự được Thanh niên quân đội cử tham gia đoàn đại biểu Thanh niên - Sinh viên Việt Nam đi dự Đại hội Liên hoan Thanh niên - Sinh viên thế giới lần thứ 15 tại Vác-sa-va, thủ đô Ba Lan. Đồng thời lúc này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm 12 nước xã hội chủ nghĩa anh em. Trước ngày lên đường Bác đến thăm và ân cần căn dặn: “Chiến thắng Điện Biên Phủ của nhân dân ta có nhiều nguyên nhân, một trong những nguyên nhân quan trọng là có sự giúp đỡ ủng hộ của nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa anh em. Bác thay mặt Đảng, Chính phủ và nhân dân ta đi cảm ơn bạn bè thế giới, cảm ơn nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa anh em, còn các cô chú đi sang thế giới với nhiệm vụ cảm ơn thanh niên - sinh viên yêu chuộng hòa bình thế giới, nhất là thanh niên - sinh viên các nước xã hội chủ nghĩa anh em và thanh niên - sinh viên Pháp”. Chính nhờ chuyến đi này tôi và cô Hà Thị Cay (đại biểu trong đoàn) đồng cảnh ngộ, nên duyên vợ chồng và là gia đình hạnh phúc của chúng tôi hôm nay. Cũng thật kỳ lạ, dù bận trăm công nghìn việc, việc của Đảng, của dân, của nước mà Bác vẫn nhớ đến gia đình tôi. Một lần đến cơ quan vợ tôi (Khu giao tế Việt Bắc), Bác xuống thăm và ân cần căn dặn: “Cô là chiến sĩ thi đua, việc nhà dù có vất vả cũng phải cố gắng, gương mẫu công tác, cả việc trông nom gia đình, nuôi con khỏe, dạy con ngoan để chú Khầu yên tâm chiến đấu”.
Lần cuối cùng tôi được gặp Bác trong hoàn cảnh thật đặc biệt, giữa thời điểm chiến tranh khốc liệt năm 1969, đang chiến đấu ở chiến trường miền Nam, tôi được lệnh trở ra hậu phương miền Bắc để được gặp Bác, quả là một diễm phúc lớn đối với tôi. Mừng vui đến tột độ, nhưng rồi đau đớn cũng là tột cùng, bởi vì đó cũng là lần cuối cùng được gặp Bác, vào những giây phút cuối cùng của Bác Hồ vô cùng kính yêu, trước lúc Bác đi xa!
Đó là vào năm 1969, tôi là Phó Chính ủy Trung đoàn 675B (nay là Lữ đoàn 386 anh hùng) đang cùng đơn vị chiến đấu quyết liệt với địch ở chiến trường Trị Thiên - Huế, vùng A Voi, A Lưới, động Cô Tiên... thì đột nhiên, đơn vị nhận được điện thoại của đồng chí Phạm Ngọc Mậu - Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị: “Cho đồng chí Phùng Văn Khầu ra ngay Hà Nội nhận nhiệm vụ mới. Các đồng chí Trung đoàn 675B liên hệ với Binh trạm 34, để đồng chí Bế Chu Long sắp xếp cho đồng chí Phùng Văn Khầu ra Hà Nội theo đường giao liên cơ giới. Đúng sáng ngày 28-8-1969, có mặt tại nhà khách 34 Lý Nam Đế, Hà Nội”.
Bàn giao công việc, khẩn cấp lên đường, lúc này vì chưa biết Chủ tịch Hồ Chí Minh ốm nặng nên suốt dọc đường đi tôi cảm thấy vui và thoải mái vì được hít thở bầu không khí dễ chịu hơn so với ở chiến trường luôn căng thẳng ác liệt, nhất là khi vượt qua ngầm sông Bến Hải ra Bắc về hậu phương lớn. Tuy vậy tôi cũng linh cảm thấy có điều gì đó khác thường và cứ băn khoăn suy đoán: Tại sao mình lại phải rời khỏi chiến trường? Nhiệm vụ mới là nhiệm vụ gì? Tại sao lại điều mình ra lúc này...? Tôi cứ suy nghĩ miên man trên đường, cho đến ngày 25-8-1969, sau 10 ngày đêm trên xe rung lắc, cuốn trong bụi lầm đất đỏ trên đường Trường Sơn, người đau ê ẩm xóc đến lộn ruột, tôi đã có mặt tại Nhà khách 34 Lý Nam Đế, Hà Nội chờ đón nhiệm vụ mới.
Sáng 27-8, Cục Cán bộ đưa tôi đến Quân y Viện 108 để kiểm tra toàn bộ sức khỏe, và chiều hôm ấy đồng chí Phạm Ngọc Mậu gặp tôi. Sau khi hỏi thăm sức khỏe và tình hình chiến đấu của đơn vị, đồng chí thông báo cho tôi: “Đồng chí Khầu vinh dự được Đảng, Nhà nước mời tham gia Chủ tịch đoàn Lễ mít tinh kỷ niệm Ngày Quốc khánh mùng 2 tháng 9 tại Hội trường Ba Đình”.
Thật là một vinh dự quá sức tưởng tượng của tôi, tim tôi đập rộn lên, nhưng xúc động vì niềm vui và hạnh phúc chưa dứt, thì đồng chí Phạm Ngọc Mậu lại thông báo tiếp: “Chiều 30-8 đồng chí chuẩn bị cùng đoàn Chủ tịch vào thăm Bác, Bác đang ốm nặng, phải bình tĩnh, xác định cho tốt”. Nghe thông báo vậy, cổ họng tôi như bị nghẹn, ngực tôi bị thắt lại, tôi bối rối lo lắng. Đúng 14 giờ ngày 30-8, xe ô tô của Tổng cục Chính trị đến Nhà khách 34 Lý Nam Đế đón tôi đến phòng tiếp đón tại Phủ Chủ tịch. Đầu tiên tôi được gặp các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp. Đại tướng bắt tay, thăm hỏi và ân cần động viên tôi.
Đúng 14 giờ 30 phút, tất cả các đồng chí trong đoàn Chủ tịch cuộc mít tinh đã có mặt đầy đủ. Đại tướng đứng lên nói: “Theo yêu cầu của các bác sĩ, chúng ta vào thăm Bác, không được nói chuyện để Bác nằm nghỉ”.
Cả đoàn đi trong im lặng, hồi hộp, lo lắng. Vừa vào đến cửa phòng tôi đã bàng hoàng, choáng váng. Bác nằm yên thiếp đi trên giường bệnh, trên ngực và mũi Bác lòng vòng những ống xông dẫn thở ôxy. Tim tôi bỗng thắt lại, không còn có thể trấn tĩnh được nữa, tôi òa khóc to và kêu lên “Bác ơi” trong nghẹn ngào nức nở. Đồng chí Vũ Quang vội đỡ và dắt tôi ra phòng cấp cứu tiêm thuốc trợ tim và để tôi trấn tĩnh lại.
Sáng 2-9-1969, tại Hội trường Ba Đình đã tiến hành trọng thể Lễ mít tinh kỷ niệm Quốc khánh. Buổi lễ đang còn tiến hành thì Đoàn Chủ tịch nhận được tin: Bác đã qua đời. Đó là vào 9 giờ 47 phút ngày 2-9 như hiện nay chúng ta đã biết. Lúc đó không một ai kìm được nước mắt nhưng tất cả đều phải cố trấn tĩnh để không làm ảnh hưởng đến cuộc mít tinh, đặc biệt là không để ảnh hưởng đến quần chúng nhân dân, đến sự trang nghiêm của buổi lễ.
Trong những ngày cử hành trọng thể lễ tang Bác, tôi và một số Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân có vinh dự được đứng túc trực bên linh cữu Bác. Thay nhau hai người một đợt, tôi và đồng chí nữ Anh hùng Nguyễn Thị Chiên cùng đứng túc trực. Tôi đứng bên phải, đồng chí Chiên đứng bên trái chếch phía đầu linh cữu. Vì quá xúc động, đồng chí Chiên vừa đứng được 10 phút đã bị ngất phải đưa đi cấp cứu. Đồng chí Nguyễn Văn Ty (Anh hùng Mười trong Chiến dịch Điện Biên Phủ) vào túc trực thay.
Đó là những ngày khắp cả nước tràn đầy xúc động và đau thương, không có lời lẽ nào tả xiết. Trong nỗi đau chung của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, tôi còn có một nỗi đau riêng, cuộc đời tôi, cuộc đời của một thanh niên, một người dân tộc thiểu số, mù chữ và nghèo khổ, đã được Đảng, Bác Hồ cứu sống, sinh ra lần thứ hai.
Tấm lòng yêu thương bao la của Bác dành cho tất cả mọi người. Gia đình tôi, vợ con tôi được vinh dự nhận trực tiếp từ Bác sự ân cần, chăm lo, dạy dỗ chu đáo tận tình, mà đời tôi lúc nào cũng luôn canh cánh chưa đền đáp được. Sau lễ tang Bác, ngày 20-9, tôi trở lại chiến trường với đơn vị chiến đấu, chuyển qua làm Phó Chính ủy Trung đoàn Pháo binh 45 Tất Thắng (Đoàn 5 Pháo binh Bắc Quảng Trị). Nén đau thương, cùng đơn vị quyết tâm chiến đấu đến ngày toàn thắng, với niềm vui tự hào là đã được góp phần nhỏ bé của mình vào việc thực hiện trọn vẹn lời Di chúc của Bác: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”.
Kỷ niệm 65 năm chiến thắng Điện Biên lịch sử, 129 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng Phùng Văn Khầu đã bước vào tuổi “Bát thậptứ niên”. Điều mừng vui hạnh phúc lớn nhất đối với anh là đã thực hiện được lời hứa với Bác Hồ kính yêu, giữ trọn niềm tin, không ngừng phấn đấu học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người, gìn giữ và phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, xứng đáng với danh hiệu cao quý được nhân dân, Tổ quốc tôn vinh: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Với tôi mỗi lần nhắc tới Anh hùng Phùng Văn Khầu là hình ảnh Bác Hồ, hình ảnh Điện Biên Phủ hiện về cùng với tiếng vọng bên tai nhịp hò kéo pháo và âm vang mãi bài ca bất diệt “Giải phóng Điện Biên, bộ đội ta tiến quân trở về, giữa mùa hoa nở...”.