Đã cận ngày Tết Giáp Ngọ năm 1954, bỗng xã thông báo có đợt tuyển quân bổ sung. Tôi và một số bạn bè cùng trang lứa xung phong khám tuyển và trúng tuyển. Có lẽ vì yêu cầu giữ bí mật, hội đồng tuyển quân và cán bộ đơn vị về nhận quân không phổ biến trực tiếp, cụ thể cho chúng tôi là đợt tuyển quân gấp lần này là tuyển bổ sung cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, kể cả dùng mật danh là Chiến dịch “Trần Đình”. Tuy vậy, qua thực tế và bằng việc chấp hành thực hiện mệnh lệnh “bí mật” của cán bộ chỉ huy, chúng tôi cũng phán đoán được phần nào với cảm nhận là mình có may mắn trúng tuyển vào đợt bổ sung quân số cho các đơn vị đang chiến đấu ở mặt trận, ở một chiến dịch lớn rất quan trọng.
Được một ngày về gia đình chuẩn bị đồ dùng cá nhân, chia tay với người thân và gia đình, trước lúc lên đường mới được thông báo đợt nhập ngũ này không có thời gian huấn luyện tân binh như các đợt trước và đúng như thông báo là tuyển quân gấp bổ sung cho Chiến dịch Điện Biên Phủ. Vừa hành quân vừa tổ chức biên chế, vừa học nội quy, điều lệnh và lời thề danh dự, học đan mũ nan và làm vòng ngụy trang. Vừa hành quân vừa làm nhiệm vụ bốc xếp, vận chuyển hàng từ kho trạm này đến kho trạm tiếp theo. Xuất phát từ Vĩnh Lộc qua Thành Nhà Hồ, ngược Cẩm Thuỷ, vượt đại ngàn rừng nguyên sinh Cúc Phương, sang đất Hoà Bình, xuôi dốc Cun, đến ngã ba Mãn Đức (chỗ gặp đường 6), ngoặt lên Mai Châu, Mộc Châu vào đường 41 đi Chiềng Đông, Cò Nòi (ngã ba Tạ Khoa), lên Hát Lót, Sơn La. Tại đây được dừng nghỉ một ngày để chuẩn bị và lấy sức vượt đèo Sơn La sang Thuận Châu, vượt tiếp đèo Pha Đin (dài 32 ki-lô-mét), một trọng điểm địch đánh phá ác liệt, để lên Tuần Giáo… vào Điện Biên.
Tất nhiên, những tên địa danh nói trên mãi sau này tôi mới biết nhưng viết ra đây để nhớ lại một chặng đường hành quân cấp tốc gần 500 cây số, vừa đi vừa làm nhiệm vụ, vừa đi vừa học “làm lính”, ròng rã mất hơn một tháng. Đó mới là thử thách ban đầu, nhưng là thử thách khắc nghiệt đối với chúng tôi, những thanh niên non trẻ mới vào lính, chưa một ngày được huấn luyện tân binh. Đó không chỉ là thử thách về sức khoẻ, mà còn là thử thách về tinh thần, ý chí, nghị lực và sức chịu đựng của mỗi người. Thực tế mới sau một tuần hành quân, đội ngũ thu dung (do sức khoẻ yếu, hoặc bàn chân, bả vai bị phồng rộp, bị chuột rút… phải dừng lại đi theo sau đơn vị), đã tụt lại hơn mười người, thậm chí có người phải gửi lại binh trạm để giải quyết cho về địa phương, trong đó có hai người anh họ tôi vì bị sốt cao và thể lực không đảm bảo ra mặt trận lúc này.
Đến Tuần Giáo ngày hôm trước, hôm sau chiến dịch mở màn, không khí chiến trường vô cùng sôi động, căng thẳng và quyết liệt. Đại diện các đơn vị nhận quân bổ sung của Thanh Hoá tại một binh trạm ở Tuần Giáo trên đường vào Điện Biên. Tôi cùng một số anh em tân binh xã Vĩnh Hùng và xã bạn của huyện Vĩnh Lộc được bổ sung vào đội Vận tải của Đại đội 10, Cục Vận tải, Tổng cục Cung cấp. Lúc này đội Vận tải thuộc Binh trạm Việt Bắc quản lý điều hành phục vụ chiến dịch. Chúng tôi lại được chia nhỏ, phân tán thành từng tiểu đội vào từng đội xe ô tô (Mô-nô-tô-va) vận tải phục vụ chiến dịch.
Sau khi nhận quân bổ sung, đoàn xe vận tải đi tiếp cung đoạn cuối vào giao hàng tại kho trạm trong rừng, cách Điện Biên hơn 20 ki-lô-mét (khu rừng Nà Tấu hoặc Mường Phăng), rồi quay ra trong đêm tiếp tục hành quân về hậu cứ. Đường ra, ngược trở lại Tuần Giáo, vượt đèo Pha Đin về Thuận Châu, Sơn La ra đến ngã ba Cò Nòi, không theo đường 6 xuống Mộc Châu như đường chúng tôi vừa hành quân lên mà rẽ trái đi về bến phà Tạ Khoa (cùng với ngã ba Cò Nòi, đèo Lũng Lô, Pha Đin, bến phà Tạ Khoa là mục tiêu trọng điểm đánh phá ác liệt của địch chặn đường tiếp tế cho chiến dịch), vượt sông Hồng về Yên Bái, Tuyên Quang, sang Phú Thọ, về Đại Từ - Thái Nguyên, căn cứ đóng quân của đơn vị. Từ đây, lại chuẩn bị tổ chức “hàng”, tiếp tục quay vòng, tiếp viện cho chiến dịch, liên tục, khẩn trương, căng thẳng, không một ngày đêm ngưng nghỉ kể từ khi mở màn chiến dịch cho đến ngày chiến thắng.
Đối với tôi, có lẽ chỉ huy đơn vị thấy có trình độ văn hoá khá hơn cả, nên ngoài nhiệm vụ chung là bốc xếp “hàng” lên xuống và theo xe vận chuyển, trông coi bảo vệ “hàng”, giúp tổ lái xe khi cần thiết, còn giao thêm cho tôi công việc “sổ sách” ghi chép nhận và giao hàng tại các kho, trạm, các binh trạm. Sau nhiều đợt thử thách, nhất là những lần vượt trọng điểm, khi có xe bị máy bay địch đánh phá bốc cháy, thấy tôi bình tĩnh, can đảm cùng anh em mưu trí cứu “hàng”, lại nhanh nhẹn tháo vát, công việc ghi chép lại cẩn thận, lại có những phát hiện nhanh nhạy, phản ảnh kịp thời cho đơn vị nên chỉ huy Đại đội gọi tôi, đả thông giải thích, giao cho tôi nhiệm vụ làm “thư ký” cho chỉ huy đội vận tải. Nói đúng hơn là thay đổi công việc thôi bốc xếp “hàng”, tập trung công việc quản lý sổ sách, ghi chép, theo dõi, thống kê phân loại “hàng” tiếp tế phục vụ chiến dịch.
Thoạt đầu, tôi cứ tưởng rằng vì thương tôi sức vóc nhỏ bé, học trò, chưa từng quen với lao động nặng nhọc giữa nơi chiến trường gian khổ ác liệt, nên thủ trưởng mới thay đổi công tác cho mình. Nhưng qua thực tế mới biết mình đã tưởng nhầm! Công việc làm “thư ký” này không nhẹ nhàng, đơn giản chút nào. Nếu trước đây lao động bốc xếp “hàng” lên xuống, dù căng thẳng vất vả đến mấy, nhưng xong việc, an toàn là được nghỉ ngơi thoải mái, bây giờ áp lực công việc liên tục căng thẳng, bám xe bám “hàng”, theo dõi nhập xuất, vận chuyển, bàn giao bảo đảm đủ số lượng, chất lượng và chủng loại đến các kho, trạm, các đơn vị không kể đến những hiểm nguy luôn rình rập trên đường do không quân địch săn lùng. Đặc biệt là phải chịu khó, nhanh chóng tìm hiểu, học hỏi các đồng chí thủ kho, các chiến sĩ trực tiếp nhận “hàng”, để nhận biết, phân biệt tên gọi các mặt “hàng” được chính xác, để ghi chép không nhầm lẫn, bởi các hàng lương thực, thực phẩm, hàng quân trang, quân dụng thì còn dễ nhưng với các hàng quân giới, quân khí có rất nhiều kích cỡ chủng loại, nhất là các loại đạn súng pháo cỡ lớn, lô, liều… rất dễ nhầm lẫn nếu không thận trọng ghi chép trong khi giao nhận...
Ngày 7-5-1954, cảm nhận mỗi người có thể khác nhau, nhưng phải nói rằng cả núi rừng Tây Bắc tràn ngập niềm vui hạnh phúc trong chiến thắng. Tuy không được trực tiếp tham gia chiến đấu trong trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên, nhưng sau chiến thắng, Đại đội 10 chúng tôi được lệnh thu và tham gia với các đơn vị làm nhiệm vụ “thu dọn chiến trường”, vì thế chúng tôi cũng trực tiếp “mắt thấy tay sờ”, chứng kiến hình ảnh chiến trường Điện Biên còn nồng nặc mùi thuốc súng. Khắp cánh đồng thung lũng Mường Thanh rộng lớn chằng chịt giao thông hào, loang lổ hố bom, hố đạn chỉ thấy một màu đất đỏ, có những đoạn hào bị lấp, bốc mùi hôi thối, mùi cồn thuốc tanh tưởi đến buồn nôn, ngổn ngang vỏ đạn, đồ hộp, bình toong, ca men, quần áo, vải dù, thùng hàng, mảnh vỡ… ngập ngụa trong bùn đất. Dòng sông Nậm Rốm đục ngầu như có máu, sau trận mưa lớn, dâng đầy, kéo theo bao rác rưởi của chiến trường, réo sôi sùng sục dưới chân cầu Mường Thanh. Hàng “núi” dây thép gai bùng nhùng, nhọn sắc ở khắp các ngọn đồi cứ điểm, cụm cứ điểm. Xác máy bay vỡ tung, gãy cánh quạt, những khẩu pháo hạng nặng 105, 155 ly lật càng, nằm nghiêng ngửa, bánh pháo cháy đen ở khắp các trận địa, chưa kể không thể tính hết được bao nhiêu bom đạn, chất nổ chưa nổ hoặc nổ chậm, rải rác khắp nơi trên mặt hoặc trong lòng đất mà khi thu dọn chiến trường, chúng ta phải trả giá không chỉ bằng mồ hôi mà cả máu xương của bộ đội và nhân dân, mới có màu xanh no ấm của Điện Biên hôm nay.
Từ ấy, ký ức Điện Biên đã hằn sâu trong tôi, mang theo trên suốt chặng đường trường chinh tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và bảo vệ Tổ quốc, cho đến hôm nay và chắc sẽ đi đến hết cuộc đời.