Ăn dặm chiếm một phần lớn trong thực hành dinh dưỡng trong 1000 ngày đầu tiên. Các chất dinh dưỡng được cung cấp trong khi ăn dặm là nguồn dinh dưỡng duy nhất cho trẻ phát triển. Giai đoạn sơ sinh cũng là thời kỳ phát triển và tăng trưởng trí não đáng kể, chủ yếu được thúc đẩy bởi sự nuôi dưỡng mà em bé nhận được. Trong thời gian này, não đang phát triển các chức năng vận động như thăng bằng, phối hợp và tư thế. Đây cũng là thời điểm quan trọng cho các kết nối hồi hải mã-trước trán, cho phép đứa trẻ tạo và lấy lại ký ức.
Trong 1000 ngày đầu tiên, áp dụng một chế độ ăn uống lành mạnh, đa dạng sẽ cải thiện thói quen ăn uống suốt đời con. Ăn dặm là một giai đoạn rất thú vị của hành trình 1000 ngày đầu tiên. Đây là thời điểm quan trọng để cung cấp cho em bé của bạn nhiều loại thực phẩm lành mạnh. Càng cho bé thử càng nhiều hương vị mới thì bé càng đỡ kén ăn và thích thú với việc ăn uống.
1. Chọn phương pháp ăn dặm nào?
Bạn không bao giờ nên chỉ chọn một phương pháp và chỉ cố định dùng một phương pháp cho con.
Ăn dặm kiểu bé tự chỉ huy là một cách ăn được phát hiện ra khi các cha mẹ nuôi 3, 4 đứa con và quá bận rộn nên bé út bị bỏ lơ. Một hai em bé đầu tiên đều được chăm sóc cẩn thận, đút bằng thìa nhưng đến bé thứ 3, thứ 4 thì cha mẹ quá tải và em bé thường tự chụp lấy bất cứ thứ gì trên bàn ăn và tự ăn. Lâu dần họ thấy thức ăn để nguyên bé cũng tự ăn được và sau đó được khái quát hóa lên thành phương pháp.
Ăn dặm kiểu Nhật là một tập hợp các món ăn được nấu theo kiểu của người Nhật được các mom có thời gian sống ở bên Nhật chia sẻ tạo thành một trào lưu.
Ăn dặm truyền thống của chúng ta thường được biết đến với duy nhất hai món là bột và cháo. Cháo không xấu nhưng ăn trong một thời gian dài thì lại có nguy cơ suy dinh dưỡng. Món cháo có phần lớn là nước thường nghèo nàn chất dinh dưỡng và năng lượng.
Ăn dặm bổ não không phải là CÁCH CHO CON ĂN giống ăn dặm tự chỉ huy, nó là một loạt các nguyên tắc ăn uống mà bạn có thể nấu theo cách của người Nhật, theo cách của người Trung quốc, người Mỹ, người Ý, người Tây ban nha… và không giới hạn tại một hai món ăn.
Mục tiêu quan trọng nhất trong khi ăn dặm là các con được ăn NO và ĐỦ CHẤT. Tôi rất không tán thành các mẹ mù quáng theo ăn dặm tự chỉ huy và cho con nhịn đói tới khi con bốc cho bất kỳ thứ gì vào mồm. Tôi đã được nghe không biết bao nhiêu trường hợp những em bé này phải tới phòng khám dinh dưỡng vì gầy còm và thiếu chất. Chất béo là chất dễ bị bỏ qua nhất trong những thực đơn kiểu này.
Trước 6 tháng, hệ tiêu hóa của bé còn không thể tiêu hóa được tinh bột, điều gì làm bạn tin rằng ngay sau 6 tháng bé có thể tiêu hóa hiệu quả tất cả các loại thực phẩm nguyên cục?
Phương pháp ăn dặm bổ não (ADBN) không bó buộc việc bạn cho con ăn đút hay cho con ăn bốc. Điều quan trọng khi ăn dặm là cần quan sát sự phát triển của con mình và tạo ra những cơ hội để con học và phát triển. Khi mới tập ăn, hãy giúp đút cho con. Khi con muốn cầm bốc, hãy làm thêm một vài miếng để con bốc. Khi con có hứng thú với thìa, hãy chuẩn bị vài chiếc thìa, xúc sẵn thức ăn và để con tự đưa vào miệng. Khi lớn hơn, bé muốn được ăn giống như ba mẹ, hãy tạo điều kiện và khuyến khích con. Mẹ nên theo dõi con và biến tấu theo từng giai đoạn cho phù hợp, không nhất thiết phải lựa chọn chỉ một cách ăn.
2. Sắm những gì để chuẩn bị cho con ăn dặm?
Đây là những thứ bạn cần để cho con ăn dặm:
Những chiếc bát sứ nhỏ xinh xắn hoặc hình thù ngộ nghĩnh chỉ phù hợp 1-2 tháng đầu, khi bé lớn sức ăn nhiều thì bát không còn dùng được nữa. Và thực ra những chiếc bát ấy chắc chỉ để phục vụ nhu cầu của mẹ thôi, chứ em bé hoàn toàn có thể ăn bằng bát bình thường.
Fun Fact: Bệnh đau dạ dày do khuẩn HP gây ra có thể lây qua đường nước bọt. Rất nhiều các loại bệnh khác cũng đều dễ lây nhiễm qua đường nước bọt. Vì thế, bạn sẽ không muốn bất kỳ ai nhai, bón cơm, cắn giùm, dùng chung thìa đũa, thơm bé hay tiếp xúc trực tiếp với miệng bé đâu.
3. Bắt đầu cho con ăn dặm như thế nào?
Khi bắt đầu cho con ăn dặm, các mẹ thường rất bối rối và không biết bắt đầu từ đâu. Nhưng thực ra không có nhiều quy tắc đến thế đâu. Bạn chỉ cần nhớ vài điểm này thôi:
THỜI ĐIỂM BẮT ĐẦU ĂN DẶM
Bộ Y tế khuyến cáo rằng nên bắt đầu cho trẻ ăn dặm từ khoảng 6 tháng tuổi (180 ngày sau khi sinh). Thời điểm chính xác phải do con bạn quyết định, nhưng bạn không nên cho ăn dặm trước 4 tháng (17 tuần) tuổi và không nên bắt đầu muộn hơn 6 tháng (26 tuần). Trước 6 tháng, hệ tiêu hóa của bé hầu như không thể tiêu hóa được thứ gì hiệu quả ngoài sữa mẹ và chỉ có sữa mẹ mới có thể đảm bảo cho bé đủ năng lượng để phát triển với tốc độ đó.
Với những bé sinh non, thời gian bắt đầu ăn dặm được tính từ ngày dự sinh của bé.
CHẤP NHẬN HƯƠNG VỊ MỚI
Tại một hội nghị của các bác sĩ dinh dưỡng, một tiến sĩ của đại học Harvard hỏi tất cả mọi người: “Ở đây đều là các bác sĩ, vậy có ai trong anh chị còn sợ ăn thức ăn mới không?” Tất cả hội trường đồng thanh “Không!” “Rất tốt, vậy có ai giúp tôi ăn thử món này không?” -Vị Tiến sĩ nói rồi lấy ra một con giun đất, giơ lên và chờ đợi. Không một cánh tay giơ lên. Tất cả đều nhìn con giun ái ngại. Ông liền nhấc con giun và cho vào miệng ăn ngon lành. Sau đó, ông nói: “Bạn hãy nhớ cảm giác này khi giới thiệu món ăn dặm mới cho trẻ nhé. Theo thống kê, phải cần tới 8-15 lần sau khi đứa trẻ nhìn thấy cha mẹ chúng ăn một món, chúng mới bắt đầu muốn nếm thử và chấp nhận món đó.”
Các mẹ cần hiểu rằng đối với em bé, tất cả các đồ ăn có vị và kết cấu rất khó chịu so với thức ăn tuyệt vời nhất của bé là sữa mẹ. Vì thế, khi được cho ăn món mới, bé sẽ dè chừng, nhìn ngó, sờ nắm, bóp nát, ngửi thử, nếm thử chán chê rồi mới chấp nhận món đó. Rất nhiều các mẹ ở VN cho con ăn một món gì đó, bé lắc đầu không ăn một hai lần và mẹ kết luận là “con em không thích ăn thịt”. Từ đó trở đi mẹ không cho con ăn món đó nữa và kết cục là rất nhiều bé chỉ ăn cơm với xì dầu.
Đừng kết luận bé biếng ăn quá sớm. Nghiên cứu cho thấy trẻ sơ sinh có thể cần thử một loại thức ăn mới từ 8 đến 15 lần trước khi trẻ chấp nhận, nghĩa là, bạn sẽ cần vứt đi 15 cái đùi gà trước khi bé có thể cầm cái đùi gà ăn ngon lành, vì vậy đừng bỏ cuộc! Hãy nhớ rằng ngay từ đầu quá trình ăn dặm, trẻ sơ sinh có nhiều khả năng chấp nhận các hương vị mới vì vậy cho ăn đa dạng là chìa khóa.
ĐỘ THÔ PHÙ HỢP:
Cho bé ăn từ lỏng đến đặc. Thức ăn của bé trong cả 6 tháng đầu đời đều là sữa mẹ, nên việc bắt đầu với một loại thức ăn có kết cấu lỏng, mịn tương tự sữa mẹ sẽ làm bé bớt khó khăn khi bắt đầu. Bột loãng là một lựa chọn tuyệt vời để bắt đầu. Nhưng chỉ nên cho bé ăn trong 2-3 ngày. Sau đó cần tăng độ đặc và độ đậm năng lượng bằng cách thêm dầu mỡ. Cứ 3 tháng, bạn sẽ cần điều chỉnh thô hơn một chút.
THỰC PHẨM GÂY DỊ ỨNG
Có 8 loại thực phẩm dễ gây dị ứng là: Sữa, trứng, cá, hải sản có vỏ (tôm, cua, ốc hến…), các loại hạt (lạc, óc chó, hồ đào, hạnh nhân…), Đậu nành, Lúa mì, đậu phộng. Không có nghiên cứu nào tới nay cho thấy việc lùi thời gian cho trẻ ăn những món này sẽ làm bớt nguy cơ gây dị ứng. Dị ứng là bệnh di truyền. Nếu trong gia đình: ba, mẹ , ông, bà hai bên có người bị dị ứng, hoặc nếu thấy bé bị chàm sữa thì bé sẽ có nguy cơ dị ứng cao hơn bình thường. Bạn sẽ cần thử một cách cẩn thận những món trên đây, mỗi lần 1 món, thử vào buổi sáng để nếu bé có biểu hiện dị ứng sẽ dễ theo dõi hơn và xem bé có phản ứng với món nào.
Nếu phát hiện bé dị ứng với món đó thì không cho bé ăn nữa. Khoa học hiện đại cũng nói rằng dị ứng phụ thuộc vào số lượng. Nghĩa là ở số lượng này thì em bé có các biểu hiện dị ứng còn ở một mức khác thì cơ thể không bị dị ứng. Vì vậy, với những em bé bị dị ứng nhiều loại thực phẩm, việc tìm ra lượng gây dị ứng là quan trọng.
Sữa mẹ cũng là nguồn thực phẩm chính cho bé, vì thế, khi em bé bị dị ứng hoặc bị chàm sữa, mẹ cũng cần xem lại chế độ ăn của mình: không ăn các món dễ gây kích thích như chua, cay, cà phê, rượu bia...
Rất nhiều các bà mẹ có một trình tự thử các món cho con, căn xem tháng nào con được ăn món gì. Ví dụ như lòng đỏ trứng trước 9 tháng, sau đó tới lòng trắng trứng sau 9 tháng, 7 tháng ăn cá... Điều này hoàn toàn không có cơ sở khoa học. Nếu gia đình bạn không có tiền sử dị ứng thì bạn có thể không cần phải giới hạn con như thế. Cả Unicef và WHO đều nói rằng, em bé có thể ăn tất cả mọi thứ từ khi bắt đầu ăn dặm ngoại trừ mật ong. Hãy truy cập website chính thức của 2 tổ chức này và tự kiểm tra thông tin ấy.
Ngoài ra, chúng ta nên hạn chế muối, đường và không uống sữa bò ít nhất tới năm bé 1 tuổi. Sữa bò có thể dùng để nấu nướng, nhưng không nên uống với số lượng lớn. Sau 1 tuổi, bé có thể sử dụng sữa tươi không đường. Mật ong cũng có thể bắt đầu sử dụng sau 1 tuổi.
Mật ong Trong mật ong chứa bào tử clostridium botulinum, chất gây ngộ độc botulism. Hệ tiêu hóa trưởng thành của người lớn có thể vô hiệu hóa được những bào tử này nhưng hệ tiêu hóa non nớt của bé thì chưa đủ sức chống chọi. Vì thế tuyệt đối không cho bé dưới 1 tuổi dùng mật ong. Ngoài mật ong, bé có thể ăn được tất cả mọi thực phẩm khác ngay từ khi bắt đầu.
CHO ĂN GÌ TRƯỚC, ĂN GÌ SAU?
Tổ chức y tế thế giới WHO cho rằng các loại thịt nên là thức ăn dặm đầu tiên cho các bé. Lý do là vì tới 6 tháng, nguồn dự trữ sắt trong cơ thể bé đã cạn kiệt và bé cần bổ sung từ thức ăn dặm. Ở nước ta, thịt gà, thịt bò, thịt heo là những nguồn bổ sung sắt tuyệt vời.
Ở các nước phương Tây, thứ tự các món cho con ăn thường là ngũ cốc, trái cây, rau và thịt. Nguyên nhân là do ngũ cốc của họ hầu hết đều đã được tăng cường sắt và kẽm. Nghĩa là nhà sản xuất cần bổ sung thêm sắt và kẽm vào khi họ sản xuất bột ăn dặm cho trẻ em. Nhưng ở Việt Nam, chúng ta không có quy định này, các hãng bột ăn dặm ngũ cốc đều không có tăng cường sắt, hoặc nếu có tăng cường sắt thì cũng không có kẽm, trong khi nhu cầu về sắt của trẻ 6 tháng tuổi là rất lớn, vả lại, sự hấp thụ sắt trong ngũ cốc là khá thấp, không hiệu quả bằng thịt.
CHO ĂN THỊT CÁ TRƯỚC VÌ LÚC NÀY TRẺ ĐANG RẤT CẦN NGUỒN BỔ SUNG SẮT VÀ KẼM
Thức ăn từ thịt động vật thường được coi là nguồn cung cấp cả sắt và kẽm tốt với khả năng hấp thụ vào cơ thể hiệu quả hơn. Các nhà khoa học cho rằng, cuộc cách mạng nông nghiệp với việc thuần hóa các giống lương thực là một bước nhảy lùi trong lịch sử tiến hóa. Trong lịch sử loài người, trẻ nhỏ thường được cho bú sữa mẹ, sau đó ăn các thực phẩm nguồn động vật khác vì lúc đó chúng ta sống dựa vào săn bắt và đánh cá làm phương tiện kiếm thức ăn chính. Do vậy, bản chất loài người tiến hóa với chế độ ăn dặm nguồn thịt cá nhiều hơn. Ngược lại, cách mạng nông nghiệp tạo ra thói quen ăn nhiều ngũ cốc hơn thịt cá. Khi có quá nhiều ngũ cốc, mọi người dựng lên các chiến dịch marketing tuyên truyền và cố bán chúng. Điều đó làm cho chế độ ăn dặm ngày nay chủ yếu dựa trên ngũ cốc. Điều này có nghĩa là thức ăn không chỉ có nồng độ sắt và kẽm ít hơn mà trong ngũ cốc còn có chứa nhiều chất ức chế hấp thu, chẳng hạn như phytates và polyphenol (một số chất có trong thực vật, gây ức chế hấp thụ).
Tiêu thụ thịt cũng làm tăng lượng protein, do đó sẽ giúp bé tăng cân tốt ngay khi bắt đầu hành trình ăn dặm. Trẻ uống sữa công thức thường cũng sẽ tăng cân nhanh chóng, do hàm lượng protein cao có trong sữa. Tăng chất béo trong thời kỳ sơ sinh gây ra nguy cơ béo phì cao hơn ở tuổi đi học. Ăn thịt cũng cung cấp dồi dào protein nhưng không có tác dụng tăng cân nhanh như uống sữa. Điều này là do cấu tạo protein ở thịt và protein ở sữa là khác nhau.
Thịt, cá là một nguồn protein và vi chất dinh dưỡng quan trọng, đặc biệt là với trẻ bú mẹ. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã nhấn mạnh về vấn đề này, đặc biệt là ở những nơi không có sẵn các loại thực phẩm bổ sung tăng cường: “Nên ăn thịt, gia cầm, cá hoặc trứng hàng ngày hoặc càng thường xuyên càng tốt”. Các khuyến nghị mới về cho ăn dặm của Ủy ban Dinh dưỡng của Hiệp hội Tiêu hóa, Gan mật và Dinh dưỡng Nhi khoa Châu Âu (ESPGHAN) cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của thịt đỏ, đặc biệt là từ 6 đến 12 tháng, chủ yếu do hàm lượng sắt và kẽm cao. Quan niệm cho trẻ ăn dặm bắt đầu bằng bột đã không còn phù hợp.
BAO NHIÊU LÀ ĐỦ?
Trẻ sơ sinh rất giỏi trong việc điều chỉnh lượng thức ăn và đồ uống của mình và con biết từ chối khi nào mình đã ăn đủ. Nếu con không ăn hết thức ăn bạn đã chuẩn bị, đừng ép con ăn. Đây gọi là cho ăn theo nhu cầu.
Mẹ nên cân đong mỗi bữa cơm của con và áng chừng con ăn được bao nhiêu phần trăm trong số đó.
Ăn bao nhiêu là đủ?
Tuy rằng đây là lượng đồ ăn khuyến nghị mà trung bình các trẻ có thể ăn, nhưng ăn bao nhiêu là tùy thuộc vào con bạn. Nếu bé vẫn tăng cân, tăng chiều cao tốt thì không cần ép bé ăn.
4. Nguyên tắc nấu ăn giai đoạn 6-12 tháng
Tháng thứ 6, tròn 180 ngày sau khi sinh, mẹ bắt đầu cho bé ăn dặm. Những tuần đầu tiên chỉ bắt đầu bằng 1 bữa. Tới tuần thứ 4 trở đi cho bé ăn 2 bữa chính một ngày. Dần dần, tăng tới 2 bữa chính và 1 bữa phụ.
Luôn cho trẻ ăn đa dạng, nhiều loại thức ăn, nhiều mùi vị. Đây là lúc bé dễ chấp nhận hương vị mới nhất. Những trẻ được cho ăn nhiều trái cây và rau khi 6 tháng tuổi sẽ có nhiều khả năng ăn nhiều trái cây và rau khi lên 7 tuổi hơn những trẻ có chế độ ăn dặm nghèo nàn. Phòng bệnh hơn chữa bệnh, vì vậy bây giờ chính là lúc để tránh tạo nên một thanh niên kén ăn.
Hương vị của một loại thức ăn mới có thể làm bé ngạc nhiên. Hãy cho bé thời gian để làm quen với những thức ăn và hương vị mới này. Hãy kiên nhẫn và đừng ép bé ăn. Để ý các dấu hiệu cho thấy trẻ đã no và sau đó ngừng cho trẻ bú.
Năng lượng:
Bé 6 - 8 tháng cần cung cấp 237 kcal/ngày để đạt mức tăng trưởng:
Cân nặng > 300g/ tháng
Chiều cao >2cm/ tháng
Bé 9 - 12 tháng cần cung cấp 321kcal/ngày để đạt mức tăng trưởng:
Cân nặng > 200g/tháng
Chiều cao> 2cm/ tháng
- Tỉ lệ Protein:lipid:glucid vàng ở trẻ nhỏ là 15% - 45% - 40% ( gọi tắt là tỉ lệ P:L:G). Trong đó nguồn chất béo và đạm động vật chiếm 70% trên tổng số. Các chất béo và đạm nguồn động vật gần với con người hơn và dễ hấp thụ hơn nguồn từ thực vật. Đạm từ động vật là thịt cá trứng sữa bò, đạm từ thực vật đến từ các loại đậu đỗ. Sữa hạt cũng là nguồn cung đạm thực vật. Chất béo nguồn động vật tốt nhất là dầu gan cá, trứng, phô mai… chất béo nguồn thực vật chính là các loại dầu hạt óc chó, hạt lanh, dầu ô liu...
- Chất đạm cần 18 - 20g.
- Chất béo: 5 - 10 ml dầu ăn mỗi bữa.
- Nhu cầu sữa: 600ml. Trẻ dưới 1 tuổi không được uống sữa bò.
- Số bữa ăn: 2 - 3 bữa/ngày, mỗi bữa ít nhất ¾ bát, và trái cây cho bữa phụ.
- Các vitamin cần thiết: Vitamin A, Vitamin B6, Vitamin B12, Calcium,Vitamin C, Vitamin D, Sắt, I ốt, Đạm, Kẽm, Choline, Đồng, Vitamin K, chất béo tốt, Selen
- Không sử dụng muối, đường
- Thức ăn cần mềm, mịn, dễ nuốt.
Trước 6 tháng, bé chỉ cần 1 thứ duy nhất là sữa mẹ. Nhưng từ khi bắt đầu ăn dặm, bé sẽ bắt đầu cần uống thêm nước. Trẻ em ở tuổi này chưa biết đòi uống nước khi khát nên bạn cần chủ động cho bé uống nước đấy. Khoảng thời gian từ 6 tháng tới 1 tuổi cũng là khoảng thời gian sữa mẹ đóng vai trò cung cấp năng lượng chính. Mẹ không cần quá áp lực việc phải cho bé ăn nhiều. Ưu tiên lớn nhất trong giai đoạn này là đa dạng. Các công thức ăn dặm bổ não là công thức chung được tính toán cho đại đa số các bé, nhưng sự phát triển của mỗi bé mỗi khác. Vì thế, mẹ cần luôn bám sát sự phát triển của con để điều chỉnh lại công thức sao cho phù hợp với tình trạng cá nhân bé.
TUẦN 1
Trong 3 ngày đầu tiên, mẹ sẽ cho bé ăn thức ăn thật loãng, chỉ đặc hơn sữa mẹ một chút. Sau 3 ngày, chúng ta sẽ tăng dần độ đặc lên và cho đầy đủ 5/8 nhóm thực phẩm. Nghĩa là có thịt, có dầu mỡ, có rau củ… Sau khi rửa tay, hãy bắt đầu bằng cách cho trẻ ăn hai đến ba thìa thức ăn mềm, hai lần một ngày. Ở độ tuổi này, dạ dày của bé còn nhỏ nên mỗi bữa trẻ chỉ ăn được một lượng nhỏ.
TUẦN 2+3
Trong những tuần này em bé sẽ được tăng dần độ đặc. Mục tiêu của thời gian này vẫn là làm quen với đồ ăn chứ không nặng về cung cấp năng lượng. Mỗi bữa ăn vẫn cần đảm bảo các nguyên tắc của ăn dặm bổ não và bao gồm tối thiểu 5/8 nhóm thực phẩm.
TUẦN 4
Bắt đầu tăng lên 2 bữa chính một ngày, con bạn vẫn cần sữa mẹ như là nguồn dinh dưỡng chính và đừng kỳ vọng bé ăn được nhiều trong tháng đầu tiên.
CÔNG THỨC
MỖI MÓN ĂN BỔ NÃO
Thời gian này, các món ăn hầu hết là hấp chín và xay nhuyễn. Pha loãng bằng cách thêm sữa mẹ vào. Hoặc làm đặc bằng cách thêm 1 thìa sữa bột công thức cho con. Trong suốt khoảng từ 6 -12 tháng, ưu tiên thực phẩm có chứa sắt như trứng, thịt đỏ, cá, các loại đậu.
Nước Dashi, nước hầm xương, nước hầm thịt đều không có nhiều giá trị dinh dưỡng. Bạn không thể cho con chỉ ăn bột pha với nước dashi đâu. Hãy nhớ cấu trúc một món ăn bổ não của chúng ta và làm theo 8 bước ăn dặm bổ não nhé.
Công thức mỗi bữa ăn bổ não cho bé 6-8 tháng:
20g thịt + 20g tinh bột + 5ml chất béo +20g rau củ
Ngày 2 bữa
Bí đỏ nghiền và đu đủ nghiền:
Hấp chín bí đỏ và đu đủ. Cho vào máy xay sinh tố nghiền mịn.
Đổ ra chén và điều chỉnh độ đặc bằng cách thêm sữa mẹ.
Thịt heo nghiền.
Một trong những nguyên tắc của ăn dặm bổ não là cho bé ăn thịt trong các bữa ăn và trong cả những bữa ăn đầu tiên. Tổ chức y tế thế giới WHO khuyến cáo rằng thịt là thức ăn dặm đầu tiên tuyệt vời vì chúng là nguồn bổ sung sắt và kẽm tuyệt vời.
Để các bé có thể ăn được và phù hợp với hệ tiêu hóa giai đoạn này, các món thịt chế biến như sau:
› Trong 1 chảo nhỏ, cho 100g thịt heo bằm và một chút nước. Lấy thìa dằm tơi thịt ra và xào chín.
› Khi thịt đã chín, cho vào máy xay sinh tố, thêm 1 chút nước nữa và xay thật nhuyễn. Thêm nước sẽ dễ xay nhuyễn hơn và càng nhiều thì càng dễ xay nhuyễn.
› Xay khoảng 2 phút thịt đã nhuyễn bạn có thể cho ra bát sạch và xúc cho bé ăn.
› Làm giống vậy với thịt bò, thịt gà hoặc cá.
› Bạn cũng có để cho vào khay đá và đông lạnh. Mỗi bữa lấy ra 2 viên (tương ứng 20g) trộn cùng thức ăn cho bé.
Thịt bò, cà rốt và khoai tây
Món ăn này mềm mịn, thơm, béo và rất bổ dưỡng. Chất béo động vật trong cá, sữa nấu và chất béo thực vật trong dầu hạt lanh nguyên chất là một kết hợp hoàn hảo cho sự phát triển trí não của con. Hãy nhớ kiểm tra thật kỹ để không còn bất cứ mẩu xương nào trong cá nhé.
Nguyên liệu:
› 1 miếng cá basa phi lê
› 1 củ khoai tây
› Một nửa quả lê, chọn loại ngọt.
› 1 nhánh cỏ xạ hương
› 2 lá nguyệt quế
› 50ml sữa mẹ hoặc sữa cooking cream
› 1 muỗng canh dầu hạt lanh nguyên chất.
Cách làm:
› Đậu đen hoặc đậu đỏ nấu chín, bỏ ra ráo nước.
› Lê gọt vỏ bỏ hạt, xắt từng miếng nhỏ.
› Trải 1 lớp giấy nến, Khoai tây thái lát mỏng xếp thành một lớp lót bên dưới. Sau đó xếp miếng cá lên. Để lê và các loại lá thơm lên. Cuối cùng rắc lên một chút dầu ô liu trên mặt.
› Nướng 15 phút trong nhiệt độ 180 C tới khi cá chín.
› Bỏ cỏ xạ hương, lá nguyệt quế đi, lấy cá, lê và khoai tây cho vào máy xay sinh tố, cho thêm sữa mẹ hoặc cooking cream vào xay nhuyễn.
› Thêm 1 thìa nhỏ dầu mỡ bổ não trước khi cho bé ăn.
Thịt heo, súp lơ trắng và khoai lang
Giàu vitamin C và folate, sắt. Tuyệt vời cho bé phát triển não bộ.
Nguyên liệu:
› Thịt nạc heo: 30g (để nguyên miếng hấp, sau khi chín thì thái hạt lựu để xay)
› 50g súp lơ trắng (chỉ lấy phần hoa)
› 100g khoai lang, gọt vỏ và xắt hạt lựu.
› 10ml dầu/mỡ
› 100ml sữa mẹ hoặc sữa công thức
Cách làm:
› Hấp thịt nạc, khoai lang, và súp lơ tới khi chín khoảng 8-10 phút. Để bớt nguội, sau đó xay cùng dầu ăn và sữa.
› Ở những bữa đầu tiên, mẹ hãy thêm sữa mẹ để điều chỉnh cho thức ăn hơi loãng, mỗi bữa cho bé ăn khoảng 30ml, nếu bé ăn hết, lần sau hãy thêm 15ml nữa. Vitamin C trong bông cải trắng sẽ tăng hấp thụ sắt trong thịt.
Súp khoai tây và đậu hà lan
Dầu/mỡ là nguồn cung cấp các chất béo tốt cho não bộ của bé phát triển. Thêm dầu ăn vào sau khi hoàn thành nấu nướng sẽ bảo vệ được các mạch nối đôi quý giá trong chất béo. Đậu Hà lan cũng là nguồn bổ sung sắt tuyệt vời cho bé trong giai đoạn này.
Nguyên liệu:
› 30g thịt ức gà rửa sạch
› 50g khoai tây gọt vỏ, xắt làm 4
› 60g súp lơ xanh rửa sạch ( chỉ lấy phần hoa)
› 50g đậu Hà lan
› 10ml dầu/mỡ
› Sữa mẹ/ sữa công thức
Cách làm:
› Làm sạch thịt, cho vào luộc chín bên dưới. Xửng hấp bên trên cho khoai tây, súp lơ, đậu hà lan, để riêng từng loại. Hấp tới chín mềm.
› Trong 1 bát sạch, nghiền nhuyễn khoai tây cùng dầu/mỡ
› Thịt gà thái hạt lựu, cho vào xay cùng đậu và súp lơ. Thêm sữa để điều chỉnh độ thô phù hợp sau đó trộn thêm khoai tây vào.
Súp lơ trắng, phô mai và khoai tây.
Đây là một món ăn giàu canxi, vitamin C và sắt. Vitamin C khi kết hợp với sắt sẽ tăng hấp thụ lên 5 lần. Khoai tây còn là nguồn bổ sung vitamin D quan trọng nữa. Món ăn này đã có đủ chất béo nên chúng ta không cần thêm dầu mỡ.
Nguyên liệu:
› 50g ức gà
› 100g khoai tây xắt hạt lựu
› 100g bông cải trắng ( chỉ dùng phần hoa)
› 40g phô mai cheddar bào sợi
› 100ml sữa mẹ/ sữa công thức
Cách làm:
› Luộc thịt gà cho chín mềm
› Hấp khoai tây, súp lơ tới khi chín mềm.
› Xay tất cả các nguyên liệu tới khi thật mịn và để nguội trước khi cho bé ăn.
Bí ngô, thịt heo, lê
Món này có vị ngọt của lê và nhiều beta-carotene tốt cho mắt của bé. Những món ăn đầu tiên hơi lỏng, mịn và có vị ngọt tự nhiên sẽ giúp bé dễ chấp nhận hơn.
Nguyên liệu:
› 30g cà rốt gọt vỏ, cắt hạt lựu
› 50g bí đỏ, gọt vỏ, cắt hạt lựu
› 40g thịt nạc vai heo
› 50g lê gọt vỏ, cắt hạt lựu
› 10ml dầu ăn
Cách làm:
› Thịt làm sạch, luộc chín. Sau đó thái hạt lựu
› Cà rốt, lê, bí đỏ cho hấp chung nồi trong 10p, khi tất cả chín mềm, cho vào xay cùng thịt và dầu ăn tới thật mịn.
› Thêm sữa mẹ/sữa công thức để điều chỉnh độ đặc phù hợp với bé.
Mỳ ý sốt trứng và bí ngòi
Nguyên liệu:
› Một phần ba quả bí ngòi
› 2 thìa nui hoặc mì dễ thương
› 2 lòng đỏ trứng khuấy đều sẵn.
› 2 thìa dầu ô hạnh nhân
› 1 thìa phô mai parmesan
Cách làm:
› Bí ngòi bào nhuyễn
› Trong một nồi nhỏ, cho một chút nước hầm rau củ hoặc nước luộc thịt đun sôi làm nước dùng cho mì. Khi nước luộc rau sôi, cho phần cùi bí ngòi vào và để trong 3 phút.
› Thêm mỳ hoặc nui hình dáng dễ thương vào luộc chín, thông thường thì khoảng 8-10 phút. Để lửa nhỏ và điều chỉnh ít nước.
› Khi mì đã chín, bạn có thể tắt bếp và cho ngay lòng đỏ trứng vào khuấy đều trong 1 phút bạn sẽ được hỗn hợp kem sệt sệt. Sức nóng của súp sẽ làm chín trứng. Để nguội, cho vào máy xay nhuyễn.
› Thêm dầu mỡ bổ não và pho mát Parmesan để tăng hương vị.
Bánh pie bí ngô
Món ăn này cung cấp vitamin A, sắt, đồng, magie và chất xơ tốt; sẽ giúp bé phát triển xương và ngủ ngon hơn vào ban đêm. Bột quế sẽ làm món ăn như một chiếc bánh Pie trong giáng sinh vậy.
Nguyên liệu:
› 50g thịt bò
› 100g bí đỏ
› 30g nước cốt dừa
› 100g táo, chọn loại ngọt, bở
› 50g khoai lang ( bạn có thể thay đổi khoai màu tím/ vàng/ trắng mỗi lần nấu để con được cung cấp các vitamin khác nhau)
› 5g hạt lanh hoặc hạt chia hoặc hạt vừng
› 1 thìa dầu ăn
› Một chút xíu bột quế, 5g gừng băm nhỏ.
Cách làm:
› Luộc thịt bò chín mềm, cắt nhỏ, chuẩn bị xay.
› Bí đỏ, táo, khoai lang bỏ vỏ, xắt hạt lựu và hấp 10p tới chín mềm.
› Khi nguyên liệu nguội bớt, cho tất cả vào cùng với hạt lanh, xay chung với dầu ăn và gừng băm nhỏ. Sau đó thêm 1 chút xíu bột quế và nếm thử.
› Dùng sữa mẹ để điều chỉnh nếu hỗn hợp quá đặc hoặc thêm sữa công thức nếu bị loãng. Tới khi đạt được độ đặc phù hợp. Ở 6 tháng tuổi, em bé sẽ chỉ ăn đặc hơn sữa mẹ một chút xíu thôi nhé.
Cá hồi và bông cải xanh
Nguyên liệu:
› 40g cá hồi phi lê, bỏ xương bỏ da.
› Cà rốt 10g
› Đậu xanh 20g , ngâm nước nóng trong 30p
› Khoai tây 40g cắt hạt lựu
› Rau chân vịt 40g
› Dầu óc chó 10ml
Cách làm:
› Cá hồi rửa sạch, cho vô chén nhỏ cùng 1 chút nước, bọc màng bọc thực phẩm và cho vào lò vi sóng 1 phút. Kiểm tra cá đã chín hết và không còn sót xương.
› Trong một nồi nhỏ, hấp chín đậu xanh, khoai tây, cà rốt tới khi tất cả đều chín mềm. Trước khi nguyên liệu chín hết khoảng 2 phút thì cho rau chân vịt vào.
› Khi nguyên liệu chín hết thì cho vào máy xay, xay nhuyễn cùng cá.
› Cho ra chén, thêm dầu óc chó và cho bé ăn.
Cá hồi, rau cải nướng với đào
Rau cải chip là loại rau rất giàu canxi, khi kết hợp với cá hồi chúng cung cấp 7 trên số 16 chất dinh dưỡng cần thiết nhất cho bé trong 1000 ngày đầu tiên của cuộc đời.
Nguyên liệu:
› 100g cá hồi phi lê
› 1 cây rau cải chíp
› 1 quả đào để tăng vị ngọt và mịn
› 30g đậu hà lan
› nửa củ khoai tây.
› Dầu ô liu
Cách làm:
› Làm sạch tất cả các nguyên liệu , cắt khúc và cho lên khay nướng 175°C trong 15 phút, tới khi cá đã chín đều. Sau đó cho vào máy xay cùng dầu ô liu. Xay tới khi đạt được độ mịn mà bé thích.
› Thêm 1 thìa nhỏ dầu mỡ bổ não, trộn đều và cho bé dùng ấm.
› Món ăn này có thể trữ trong tủ động tới 3 tháng. Nhưng hãy cho con ăn trong 1 tháng thôi để có thể cảm nhận được vị thơm của rau củ nhé.
Từ 9-12 tháng tuổi, con bạn có thể ăn nửa chén thức ăn, ba đến bốn lần một ngày, cộng với một bữa ăn nhẹ lành mạnh. Bây giờ bạn có thể bắt đầu cắt thức ăn mềm thành những miếng nhỏ thay vì nghiền nhỏ. Bé thậm chí có thể bắt đầu tự xúc thức ăn bằng tay của mình. Tiếp tục cho trẻ bú bất cứ khi nào trẻ đói.
Ăn nhiều loại thực phẩm mỗi ngày giúp bé có cơ hội tốt nhất để nhận được tất cả các chất dinh dưỡng cần thiết.
Công thức mỗi bữa ăn bổ não cho bé 9-12 tháng:
30g thịt + 25g tinh bột + 5ml chất béo +20g rau củ
Ngày 3 bữa
Nếu em bé của bạn từ chối một thức ăn mới hoặc phun ra, đừng ép con. Hãy thử lại sau một vài ngày. Bạn cũng có thể thử trộn với thức ăn khác mà bé thích hoặc vắt một ít sữa mẹ lên trên. Đây là một số gợi ý nấu nướng. Bạn có thể tìm thấy nhiều hơn tại đây: https://mammy.vn/chuyen-muc/cong-thuc/
Trứng bác cà chua
Trứng được coi là nguồn cung cấp protein “hoàn chỉnh” nhất vì chúng chứa tất cả 9 loại axit amin thiết yếu- những yếu tố cơ bản cho sự phát triển của trẻ. Chúng là nguồn giàu selen, vitamin D, B6, B12 và các khoáng chất như kẽm, sắt và đồng. Cà chua mang lại vitamin C và A rất tốt cho hệ thống miễn dịch của trẻ và húng quế cũng rất giàu vitamin. Món trứng bác cà chua bạn có thể cho bé ăn với bánh mì nguyên hạt là nguồn cung cấp chất xơ dồi dào. Trứng là thực phẩm vô cùng tốt cho não bộ của bé.
Nguyên liệu:
› ½ muỗng canh bơ
› 2 quả cà chua nhỏ tươi, mọng, ngọt thái nhỏ
› 2 quả trứng
› Húng quế tươi hoặc các loại rau thơm gia vị khác.
Cách làm:
› Đun chảy bơ trong chảo, đảo đều để bơ tráng quanh chảo.
Thêm cà chua vào nấu cho đến khi chúng chín mềm, khoảng 5 phút.
› Đập trứng vào bát và đánh nhẹ bằng đũa.
› Vặn lửa nhỏ và cho trứng vào chảo. Dùng đũa nhẹ nhàng trộn trứng và chà chua rồi khuấy cẩn thận và liên tục để trứng không tạo thành khối. Vặn lửa nhỏ nhất có thể. Trứng của bạn nấu càng chậm chúng sẽ càng mịn hơn.
› Khi trứng đã đạt đến độ sệt mong muốn, tắt bếp và thêm các loại rau thơm đã cắt nhỏ vào. Húng quế là ngon nhất với cà chua. Một em bé sẽ ăn khoảng nửa quả trứng còn lại là của bạn nhé.
Cháo yến mạch:
Mẹ nên chọn mua loại yến mạch nhập khẩu Mỹ và chú ý đến loại mà nhà sản xuất đã tăng cường sắt và kẽm nhé. Yến mạch có hàm lượng protein cao, chứa nhiều magie, sắt và kẽm sẽ giúp hỗ trợ hệ thống miễn dịch của trẻ. Ngoài ra, yến mạch giàu chất xơ nên tinh bột trong yến mạch đốt cháy chậm, vì thế nó cung cấp một nguồn năng lượng ổn định cho cơ thể và não bộ của con bạn.
Cháo yến mạch là một món cơ bản, bạn có thể biến tấu nó bằng cách kết hợp với phô mai hoặc bất kỳ loại hoa quả nghiền nào.
Nguyên liệu:
› 30g yến mạch cán
› 200ml nước hoặc sữa tươi không đường.
› 20g quả nghiền, trái cây thái nhỏ hoặc các loại hạt nghiền
› 10g bơ
Cách làm:
› Cho yến mạch và nước vào nồi và đun sôi. Khi bắt đầu sôi thì ta vặn lửa thật nhỏ và đậy nắp nồi.
› Nấu trong 5 phút cho đến khi yến mạch mềm và nở ra gần hết nước. Bạn có thể cho thêm nước nếu muốn cháo thật mịn và loãng hoặc cho ít nước hơn nếu muốn cháo đặc và sánh.
› Trước khi hoàn thành 2 phút cho trái cây vào, khuấy đều. thêm bơ vào và cho bé ăn ấm.
Cà rốt, táo, gừng
Đừng lo về gừng, nó siêu thơm nếu bạn làm nó đúng cách và em bé của bạn sẽ thấy rất thú vị với vị lạ này. Gừng hỗ trợ tiêu hóa, ngăn ngừa táo bón; cà rốt giúp hỗ trợ thị lực và thúc đẩy hệ thống miễn dịch mạnh mẽ. Vitamin C trong táo sẽ giúp hấp thụ sắt trong thịt nhiều hơn. Món ăn này tuyệt vời để bé bắt đầu ăn dặm đấy.
Nguyên liệu:
› 50g cà rốt cắt hạt lựu
› 100g táo bỏ vỏ, cắt hạt lựu
› 5g gừng bào hoặc thái sợi nhỏ
› 50g thịt heo
› 10ml dầu ăn
› 50g khoai tây.
Cách làm:
› Thịt heo làm sạch, luộc chín, sau đó thái hạt lựu để chuẩn bị xay.
› Cà rốt, táo, khoai tây xắt hạt lựu, hấp trong 10p tới chín mềm.
› Cho tất cả vào xay cùng dầu ăn tới khi đạt được độ mịn như ý. Dùng nước hấp rau củ để điều chỉnh độ đặc nếu cần.
Thịt nạc, súp lơ trắng và khoai lang
Giàu vitamin C và folate, sắt. Tuyệt vời cho bé phát triển não bộ:
Nguyên liệu:
› Thịt nạc heo: 30g (để nguyên miếng hấp, sau khi chín thì thái hạt lựu để xay)
› 50g súp lơ trắng ( chỉ lấy phần hoa)
› 100g khoai lang, gọt vỏ và xắt hạt lựu.
› 10ml dầu/mỡ
› 100ml sữa mẹ hoặc sữa công thức
Cách làm:
Hấp thịt nạc, khoai lang, và súp lơ tới khi chín khoảng 8-10 phút. Để bớt nguội, sau đó xay cùng dầu ăn và sữa. Ở những bữa đầu tiên, mẹ hãy thêm sữa mẹ để điều chỉnh cho thức ăn hơi loãng, mỗi bữa cho bé ăn khoảng 30ml, nếu bé ăn hết, lần sau hãy thêm 15ml nữa. Vitamin C trong bông cải trắng sẽ tăng hấp thụ sắt trong thịt.
Bí ngô, thịt heo, lê
Món này có vị ngọt của lê và tốt cho mắt của bé. Những món ăn đầu tiên hơi lỏng, mịn và có vị ngọt tự nhiên sẽ giúp bé dễ chấp nhận hơn.
Nguyên liệu:
› 60g cà rốt gọt vỏ, cắt hạt lựu
› 100g bí đỏ, gọt vỏ, cắt hạt lựu
› 50g thịt nạc vai heo
› 100g lê gọt vỏ, cắt hạt lựu
› 10ml dầu ăn
Cách làm
› Thịt làm sạch, luộc chín. Sau đó thái hạt lựu
› Cà rốt, lê, bí đỏ cho hấp chung nồi trong 10p, khi tất cả chín mềm, bắc ra đợi nguội bớt.
› Cho các nguyên liệu cùng dầu ăn vào xay chung. Dùng sữa mẹ để điều chỉnh độ đặc phù hợp với bé.
Tóm lại
Cho bé ăn dặm lúc 6-12 tháng