“Tôi đã có những ngày tăm tối nhất trong cuộc đời tại La Masia.”
- Andrés
Nghe có vẻ mâu thuẫn nhưng đó là sự thật. Cảm giác tồi tệ của những ngày tháng đó vẫn luôn ở trong tâm trí tôi như thể nó mới xảy ra ngày hôm qua vậy. Tôi cảm thấy mình như bị bỏ rơi, cảm thấy mất mát một cái gì đó, tưởng như tâm hồn của tôi đã bị xé nát. Đó là một trong những khoảnh khắc khó khăn nhất cuộc đời tôi. Tôi muốn tới La Masia. Tôi biết đó là điều tốt nhất cho tôi và cho tương lai của tôi. Nhưng tôi đã phải trải qua những trải nghiệm cay đắng khi sống xa gia đình. Tôi không thể gặp họ mỗi ngày, cũng không thể cảm nhận thấy sự tồn tại của họ. Điều đó thật sự rất khó khăn. Tới La Masia là quyết định của tôi nhưng nó thực sự rất khó khăn.
***
Sự bình thản trên khuôn mặt Andrés đột nhiên biến mất bởi những ký ức về đêm đầu tiên tại La Masia vào tháng 9 năm 1996. Andrés đã tới đó một cách đột ngột, không hề có dự định; khi ấy, anh đã hỏi José Antonio: “Bố có thể gọi cho họ bây giờ không?”
“Vài ngày sau khi nhận được đề nghị của Barcelona, tôi đã đưa ra quyết định. Tôi sợ rằng đã quá muộn để được tới La Masia nhưng ông Tort nói họ sẽ đợi chúng tôi dù là năm đó hay năm sau nữa. Chúng tôi đã kịp tham gia trong năm đó. Không có ai trong gia đình khuyên tôi tới Barcelona, kể cả bố tôi. Tôi nhớ ngày đầu tiên tới đó là 16 tháng 9, khi trường học sắp khai giảng và khóa huấn luyện bóng đá cũng sắp bắt đầu. Đó là một quyết định muộn màng nhưng đúng đắn.”
Có thể đó là quyết định đúng đắn nhưng sẽ chẳng dễ dàng chút nào cho cả Andrés và gia đình của anh.
José Antonio: “Sao bây giờ con lại muốn tới đó? Sao lại là bây giờ?”
Andrés: “Con đã thay đổi ý định. Giờ con đang rất tỉnh táo. Con đã nghĩ rất nhiều về điều này và con nghĩ chúng ta nên tới đó.”
José Antonio: “Khi thằng bé nói nó muốn đi ngay lúc đó, tôi tự hỏi bản thân mình, tại sao lúc này thằng bé lại quyết định đi.”
Andrés: “Vì con biết bố muốn con tới đó. Sau tất cả những gì bố đã làm cho con, con không thể để lỡ cơ hội này được.”
Một mặt, José Antonio cảm thấy vui mừng nhưng ông cũng không khỏi lo lắng. “Tôi là người muốn thằng bé đi để nó được phát triển nhưng tôi cũng là người phải chịu nhiều áp lực nhất.”
Quyết định của Andrés thật chẳng dễ dàng chút nào cho những người nhà ở Albacete và cho chính cậu khi ở Barcelona. Andrés: “Tôi không muốn xúc phạm hay đụng chạm tới bất cứ ai nhưng tôi muốn mọi người biết ở Albacete đã xảy ra những chuyện gì ngay trước khi tôi tới Barcelona. Tôi không để bụng. Tôi luôn biết ơn những người đã giúp tôi đến được nơi tôi thuộc về nhưng có những người có thái độ khiến tôi không vừa lòng. Tôi có cảm giác những người trong câu lạc bộ muốn biến tôi và đặc biệt là gia đình tôi trở thành những kẻ xấu xa. Họ đã nói những điều ngớ ngẩn gây hiểu lầm. Tôi đã phải đợi hai tuần mà không thể chơi cho Barça vì thủ tục giấy tờ không hoàn thành. Thực sự, tôi không có chút ác ý nào với họ và tới một thời điểm, tôi đã hiểu được sự thất vọng của họ khi một trong những cầu thủ nhí rời khỏi. Nhưng họ không cần thiết phải làm hại bất cứ ai. Tôi chỉ làm những gì tôi cho là điều tốt nhất cho mình mà 99% những người trong tình cảnh của tôi sẽ làm vậy.”
Khi gia đình Iniesta đến La Masia, cha mẹ anh đã nói chuyện với Señor Farrés, người phụ trách nơi cư trú. Andrés đi vòng quanh hành lang của tòa nhà biểu tượng chứa đựng những giấc mơ thời thơ ấu. Anh sẽ không thực hiện hành trình này một mình.
Andrés: “Tôi nhớ José, thủ thành của đội U17 vào thời điểm đó. Cậu ấy có đôi chân khổng lồ và tôi nghĩ có lẽ mình chỉ cao đến eo của cậu ấy. Cậu ấy dắt tôi đi thăm La Masia, tới từng ngóc nghách để tôi có thể làm quen với nó. ‘Chỗ này là khu ký túc xá; đây là một khu ký túc xá khác, còn đây là thư viện, Andrés.’ Cậu ấy nói liên hồi còn tôi thì không thể ngừng khóc. Tôi cứ khóc mãi. Tôi đứng ở đó nhưng tâm trí lại đang ở quê nhà, bên gia đình mình.”
Bố mẹ cậu bé vẫn đứng dưới cánh cửa của học viện La Masia, họ đang nói chuyện với Señor Farrés trong khi cậu cứ đi lên đi xuống cầu thang. “José đã dẫn tôi đi xem xung quanh tòa nhà như thể nó thực sự rất quan trọng với tôi vậy”, Andrés nhớ lại những giây phút đầu tiên của mình trong ngôi nhà mới.
José Bermúdez, anh chàng thủ môn cao lớn, vòng tay qua vai, an ủi cậu nhóc tân binh: “Thôi nào, Andrés”. Tới giờ, José vẫn còn nhớ như in hình ảnh ấy. “Cậu ấy nhợt nhạt, nhỏ con và trông rất buồn bã. Tôi có cảm giác như cậu ấy nghĩ mình đang bị bỏ rơi vậy. Tôi vẫn còn nhớ khoảnh khắc đó rất rõ ràng và tôi cũng không ngạc nhiên khi cậu ấy còn không nhớ nổi họ của tôi.”
“Cậu ấy trông rất yếu, nhỏ xíu và chắc chỉ cao tới eo của tôi. Nhưng Jorge (Troiteiro) thậm chí còn nhỏ hơn cả Andrés. Cả ba chúng tôi đã gặp nhau ở sảnh. Tôi 17 tuổi còn hai người kia đều mới 12 tuổi. Điều đó thực sự khó khăn, kể cả với tôi. Hãy tưởng tượng xem nó tồi tệ thế nào đối với Andrés. Cậu ấy đã trải qua một quãng thời gian cô đơn. Andrés rất nhút nhát, Jorge thì hướng ngoại hơn nhiều. Cậu bé nói nhiều hơn và luôn là người bắt chuyện trước. Tôi đã rất quý Andrés ngay từ lần gặp đầu. Cậu ấy rất lịch sự và biết cách ăn nói lễ phép, cũng rất tinh tế và nhạy cảm nữa.”
***
Cha của Andrés, José Antonio nói, “Chúng tôi đã phải để Andrés lại đó để quay về khách sạn. Thằng bé ở rất gần - có lẽ chỉ cách chỗ chúng tôi 200 hoặc 300 mét - nhưng cảm giác lại thật xa.” Con phố Maternity là khoảng cách duy nhất giữa Andrés với cha mẹ và ông ngoại. José dẫn Andrés lên cầu thang, tới chiếc giường tầng của cậu cùng với Jorge Troiteiro và trở về khách sạn. Gia đình Iniesta-Luján đã phải trải qua một đêm âu sầu.
Cánh cổng La Masia đã khép lại, gia đình của Andrés cũng đã tới khách sạn Rallye. Họ không nói gì với nhau. Cả ba người đều im lặng. José Antonio không thể ở yên trong phòng. Ông cảm thấy áp lực. Ông bước vào thang máy, đi xuống quán ăn tự phục vụ của khách sạn và tìm thấy ông của Andrés.
“Tôi cứ nghĩ mình sắp chết. Tôi không thể thở nổi. Thật khủng khiếp. Tôi đã thấp thỏm cả đêm hôm đó. Chúng tôi đã thu xếp xong hành lý để quay về nhà nhưng tôi không thể đi mà không có cậu con trai bé bỏng của mình. Nếu không có mẹ nó ở đó, tôi đã đưa thằng bé về nhà rồi. Mẹ của Andrés là người phụ nữ cao cả nhất. Bà ấy luôn nói với tôi rằng nếu thằng bé đi xa mà vẫn không thành công, chúng ta sẽ không được gặp nó trong sáu hoặc bảy năm nhưng nếu thằng bé đi xa và thành công thì quãng thời gian ấy cũng vẫn vậy. Đó là điều không thể thay đổi.” Mari không được gặp Andrés. José Antonio không được gặp con trai. Maribel, em gái Andrés cũng không được gặp anh trai mình. Còn Andrés thì không được gặp tất cả bọn họ.
“Con sẽ quay lại La Masia và đưa nó về. Con không thể chịu đựng được nữa”, José Antonio nói với bố vợ, tin rằng sẽ tìm được đồng minh hoàn hảo và họ sẽ cùng nhau hạ gục ý chí của Mari. Ông ngoại của Andrés đồng ý với José Antonio. Mari vẫn không hề hay biết kế hoạch của hai người đàn ông. Nhưng sớm hay muộn thì bà cũng sẽ phát hiện ra.
“Mari, anh sẽ đưa con về! Anh sẽ đến La Masia ngay bây giờ và anh sẽ đưa con ra khỏi đó! Và chúng ta sẽ về nhà!” Giọng nói khàn khàn của José Antonio vang lên trong căn phòng khách sạn chỉ cách sân vận động Camp Nou có 50 mét. Nhưng Mari, người mẹ mạnh mẽ và kiên cường, đã can thiệp. Bà không nói nhiều - như tất cả thành viên trong gia đình Luján - nhưng thật rõ ràng và có chính kiến; bà sẵn sàng thuyết phục bất cứ ai, ngay cả khi người đó là chồng của mình.
“Nếu anh đưa con về thì anh thật ích kỷ”, Mari thuyết phục người chồng gần như đang quẫn trí. “Anh không nghĩ cho con sao, José Antonio? Anh phải suy nghĩ cho con chứ. Ít nhất thằng bé cũng cần một cơ hội để thử sức. Chúng ta đã phải trải qua một chặng đường dài nhưng lại không để cho con thử sao?”
Khi Mari yếu lòng nhất, bà phải tự vực mình mạnh mẽ, hoặc ít nhất cũng không chùn bước như bố của Andrés. Họ đã đi một quãng đường dài, phải chống lại trở ngại đầu tiên để tiếp tục tiến lên. Trong khi đó, con trai bé bỏng của họ cũng không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải chịu đựng sự cô đơn trong một góc nhỏ ở Barcelona, dưới chân ngôi đền bóng đá vĩ đại Camp Nou.
***
Andrés: “Tôi không thể ngừng khóc trong bữa tối đầu tiên tại La Masia. Đương nhiên là tôi chẳng chịu ăn gì cả.”
Ở bên kia đường, bố của Andrés cũng không nuốt nổi bữa tối; đương nhiên, cả mẹ và ông ngoại cậu bé cũng vậy. Mari không để một giọt nước mắt nào tuôn ra trong đêm hôm đó, bà nén nó lại và giữ nỗi đau ấy trong lòng. Gia đình vô danh mê bóng đá đến từ Albacete tối hôm đó ở Barcelona đã không ăn, không ngủ.
“Tôi không biết đêm tồi tệ nhất là đêm đầu tiên hay tối hôm sau đó. Tôi biết bố mẹ tôi đang ở rất gần. Tôi biết họ chỉ cách đó vài trăm mét nhưng sớm hay muộn họ cũng sẽ về nhà. Họ phải trở lại làm việc. Họ không thể ở lại với tôi.”
Cậu bé Andrés biết đó chỉ là vấn đề thời gian. Gia đình cậu sẽ để cậu ở lại Barcelona.
Andrés: “Sáng hôm sau, tôi phải đi học. Họ đang đợi tôi ở cửa vào La Masia cùng với Jorge Troiteiro, bạn cùng lớp mới của tôi tới từ Mérida. Cậu ấy cũng bằng tuổi tôi.”
Không ai kể về những gì họ phải trải qua đêm hôm trước. Họ đều chào nhau như thể chẳng có gì xảy ra, như thể họ vẫn đang ở nhà và Andrés chỉ học tại ngôi trường làng mà thôi. Họ đang ở Barcelona nhưng họ muốn giả vờ như mọi chuyện vẫn như ở Fuentealbilla vậy.
“Chúng tôi vào lớp và gia đình vẫn hôn tạm biệt tôi.”
Andrés và Jorge tự đi học và điều đó đã trở thành một thói quen trong nhiều năm tiếp theo. Nhưng Andrés đã không kịp chuẩn bị cho những điều sẽ xảy ra vào cuối buổi học đầu tiên đó.
“Tôi nghĩ rằng lúc tan học buổi chiều, họ sẽ ở đó chờ tôi. Nhưng khi tôi đến thì không còn ai cả.” Không có bố José Antonio, không có mẹ Mari, và không có ông ngoại. Ngoài Jorge đang đứng bên cạnh, Andrés hoàn toàn cô độc.
“Bây giờ nhìn lại, tôi nghĩ đó là một quyết định hoàn toàn đúng đắn. Họ đã tự giải cứu khỏi giây phút chia ly tồi tệ ấy.”
“Bây giờ có thể tôi cảm thấy hoàn toàn ổn nhưng vào lúc đó thì không. Bây giờ tôi có thể hiểu lý do họ làm vậy nhưng vào lúc đó tôi cảm thấy bơ vơ, như thể mình bị bỏ rơi vậy.”
***
“Nghe có vẻ như tôi đang nói dối vì tôi chỉ tới La Masia trước Andrés có một tuần nhưng tôi thực sự đã quen với điều ấy”, Jorge Troiteiro, bạn cùng trường Luis Vives với Andrés ở Barcelona nói. “Sự thay đổi ấy có ý nghĩa to lớn đối với chúng tôi. Sau một đêm, chúng tôi không còn là trẻ con nữa. Khi tôi mới 10 hoặc 11 tuổi, lúc ở nhà, gia đình luôn lo liệu mọi thứ cho tôi và tôi nghĩ Andrés cũng vậy. Bố mẹ mặc quần áo cho tôi, đưa tôi đến trường, họ đưa tôi đi khắp mọi nơi và làm rất nhiều điều cho tôi.”
“Ở La Masia, chúng tôi sẽ tan trường mà chẳng có ai chờ đợi cả. Không một ai. Chúng tôi mới 12 tuổi. Chúng tôi đã phải trưởng thành thật nhanh và không phải cậu bé nào cũng sẵn sàng cho điều ấy. Chúng tôi phải học cách hòa nhập với một đại gia đình - gia đình La Masia - mà trước đó chúng tôi còn không biết nó tồn tại. Đột nhiên, tôi lại có những người anh em mới và bởi vì chúng tôi nhỏ nhất, họ đã giúp chúng tôi trong tất cả mọi việc. Họ chăm sóc chúng tôi, nhưng…”, Troiteiro bỏ dở câu nói khi ký ức về những ngày tháng cô độc ùa về, khi mà chỉ Andrés mới có thể giúp anh cảm thấy ổn hơn. Đối với Andrés, mỗi lần không thấy ai chờ đợi sau giờ tan học, cậu bé đều biết thế giới mà mình đang bước vào sẽ cô đơn như thế nào.
Có lẽ trên chiếc xe chạy từ Fuentealbilla đến Barcelona, khi ba thế hệ gia đình - ba người lớn và một đứa trẻ - ngồi trong im lặng, họ đều biết rằng sự thích nghi là rất cần thiết khi họ đang bước vào một thế giới mới.
Andrés: “Tôi còn nhớ khi chúng tôi ăn xong ở Tortosa, thực ra là chẳng ai ăn gì cả. Nó giống như khi bạn biết cái kết đang tiến đến gần hơn.” Họ đều xem đó là sự kết thúc. “Chúng tôi biết không còn đường lui nữa. Khi chúng tôi ăn xong thì đã tới Catalonia rồi. Chúng tôi thực sự không thể quay đầu lại nữa. Tất cả gia đình tôi đều chỉ có thể nói điều gì đó vô nghĩa hoặc là bắt đầu một cuộc trò chuyện không đầu không cuối. Không ai có thể chịu được nỗi đau mà chúng tôi sắp trải qua. Nhưng chúng tôi phải chịu đựng được.”
“Tôi không ăn trưa ở Tortosa, cũng chẳng ăn tối ở La Masia.”
Đứng trên quan điểm một người làm cha, nhìn lại mọi việc đã xảy ra, Andrés biết ơn những gì gia đình anh phải chịu đựng ngày hôm đó. “Trước đây, tôi chỉ nghĩ về cảm nhận của tôi, những gì tôi đã trải qua hay những gì tôi cảm thấy khi ở La Masia. Tôi cứ nghĩ tôi biết những gì bố mẹ và ông nội của tôi đã trải qua nhưng đến khi trở thành một người cha, tôi mới thực sự hiểu điều ấy kinh khủng thế nào. Tôi không thể hiểu được nỗi đau của họ cũng như những gì em gái tôi đã chịu đựng. Là một người cha, tôi biết cảm giác sẽ tồi tệ thế nào nếu một ngày tôi không thể thấy Valeria, Paolo Andrea, hay Anna. Dù bây giờ với công nghệ hiện đại, bạn có thể thấy những người thân yêu của mình từ bất cứ nơi nào trên thế giới vào bất cứ lúc nào nhưng không được chạm vào những đứa con của tôi chỉ trong một ngày ư? Giờ tôi có thể tưởng tượng được bố mẹ tôi cảm thấy thế nào khi phải để tôi lại La Masia. Ngay cả bây giờ, tôi thực sự không muốn nghĩ về nó.”
Họ biết kể từ đó, mỗi tháng, gia đình sẽ chỉ có thể gặp mặt một lần. Cuộc đời của cậu bé Iniesta 12 tuổi đã thay đổi hoàn toàn. “Phải mất vài tuần, thậm chí là vài tháng, tôi mới có thể làm quen với điều ấy.”
“Tôi trở nên chán ăn. Tôi không muốn nói chuyện với gia đình qua điện thoại, bởi nếu nghe thấy giọng họ, tôi sẽ khóc. Nhưng cuối cùng tôi cũng làm quen được với mọi thứ vì tôi hiểu rằng tại sao tôi lại tới đây và tôi đang cố gắng vì điều gì. Tôi đã muốn tới đó cũng nhiều như tôi muốn về nhà vậy. Tôi phải ở lại, tôi phải thành công ở La Masia và trở thành cầu thủ của Barça.”
Bền bỉ chính là đặc tính của gia đình Luján. Mẹ anh đã rất kiên cường vào cái đêm José Antonio đe dọa phá tan cánh cửa học viện ưu tú của Barça để đưa con trai mình về. Và con trai của bà cũng rất cứng rắn khi nén được nước mắt vào những ngày đầu lạc lõng trong hành lang La Masia de Can Planas 300 năm tuổi.
“Được gặp cha mẹ là niềm an ủi nhỏ dành cho tôi. Họ luôn tới vào thứ Sáu, sau khi em gái tôi tan học. Họ sẽ đến Barcelona vào khoảng tám hoặc chín giờ tối. Tất nhiên, lúc đó, tôi đã sẵn sàng để gặp họ. Tôi sẽ chờ ở cửa để chúng tôi có thể đi thẳng ra ngoài mà không chậm trễ phút giây nào. Chúng tôi sẽ ăn tối ở quán bar bên cạnh khách sạn và sau đó tất cả sẽ cùng trèo lên chiếc giường trong phòng khách sạn mà ngủ cùng nhau. Chúng tôi làm mọi thứ cùng nhau. Đó là một kỷ niệm tuyệt vời!”
“Vào thứ Bảy, sau trận đấu, chúng tôi sẽ có buổi chiều rảnh rỗi. Chúng tôi đến rạp chiếu phim hoặc đi dạo ở Barcelona nhưng rồi nỗi buồn trong tôi bắt đầu trỗi dậy khi trời mỗi lúc một tối và thời khắc chia tay đến gần. Không có cách nào để ngăn chặn nó. Thời gian trôi qua nhanh chóng và tôi không có cách nào để kiểm soát. Ban đầu, họ đến một tháng một lần, sau đó là mười lăm ngày một lần.”
“Tôi biết rằng sau bữa trưa ngày Chủ nhật, họ sẽ lại khởi hành để trở về nhà. Họ phải giúp các cậu và ông ngoại tôi ở quán bar. Ở Fuentealbilla, mọi người thường ra ngoài ăn tối vào Chủ nhật và bố mẹ tôi phải quay lại vào lúc bảy hoặc tám giờ, không thể muộn hơn. Điều đó có nghĩa là họ phải rời Barcelona lúc hai hoặc ba giờ chiều. Khi giờ chia tay đến gần, tôi lại cảm thấy tồi tệ, cảm giác như họ đã dành quá ít thời gian cho tôi.”
Và rồi Andrés sẽ lại đếm từng ngày để được gặp họ. “Tôi sẽ gạch từng ngày một trong nhật ký trường học của tôi. Tôi sẽ đếm ngược cho đến Giáng sinh hoặc lễ Phục sinh hoặc dịp nghỉ hè. Tháng nào cũng vậy. Tôi luôn hướng về gia đình và những ngày ở La Masia đã giúp tôi càng trân quý họ hơn trong suốt quãng đời còn lại của mình.”
“Tôi yêu sự liên kết mạnh mẽ của mình với gia đình. Tôi vẫn có thể nhớ rõ mồn một chuyến thăm đầu tiên của bố mẹ tại Barcelona. Họ vẫn tới trên chiếc Ford Orion màu xanh. Họ hứa sẽ đến vào khoảng tám giờ tối nhưng tôi đợi họ từ bảy giờ. Tôi nên đợi họ ở đâu? Ngồi trên tường của con dốc dẫn vào La Masia hay nơi nào khác? Tôi sẽ theo dõi mọi chiếc xe đi qua để xem đó có phải là họ hay không, lòng băn khoăn liệu họ có gặp chuyện gì không may trên đường không? Và sự thật là khi họ chỉ còn cách đó vài cây số, chiếc xe đột nhiên tắt ngúm trên đường cao tốc; họ phải gọi cứu hộ để tới được Barcelona.”
“Không chỉ gây ra đủ rắc rối, sự cố đó đã khiến thời gian gia đình tôi được quây quần rút ngắn lại. Việc sửa chữa chiếc xe ngốn của bố mẹ tôi khoảng 30.000 pesetas và họ đành phải hỏi vay Giám đốc Học viện La Masia, Señor Farrés. Khoản tiết kiệm cả tháng của gia đình đã đổ sông đổ biển trong chuyến thăm đầu tiên đó. Nhưng dù sao cũng thật may mắn vì họ đã đến. Dù sớm hay muộn, chúng tôi vẫn có một cuối tuần tuyệt vời bên cạnh nhau.”
Kỳ nghỉ cuối tuần kết thúc, ai nấy lại quay về với cuộc sống hằng ngày. Bố của Andrés quay trở lại giàn giáo, mẹ lại phục vụ sau quầy bar và cậu bé 12 tuổi quay về La Masia. Trước ánh mắt của bố José Antonio, Andrés vẫn luôn tỏ ra mạnh mẽ. “Con có thể cố gắng trong một năm nhưng nếu ở đây hai năm thì con không rõ nữa. Dù sao con cũng sẽ tìm cách. Chắc chắn con có thể vượt qua quãng thời gian này.”
Cậu bé Iniesta hiểu rằng mình phải vượt qua nỗi sợ hãi từ sâu thẳm tâm hồn và nỗi buồn ấy một mình. Andrés Luján - ông ngoại của Andrés - hiểu những gì mà cháu trai của mình đã phải trải qua để có được ngày hôm nay. “Nước mắt của thằng bé dường như có thể làm tràn con đê bao quanh làng. Không ai muốn trải qua điều đó cả. Quá nhiều nước mắt, quá nhiều nỗi đau…”
Andrés đã phải sống cuộc sống đơn độc, cách xa gia đình từ tuổi 12 cho đến năm 17. Năm năm dài đằng đẵng đầy những đau buồn nhưng không thể so với đêm đầu tiên tại La Masia, cái đêm những viên gạch cũ trong thánh đường La Masia cũng phải xót thương cho cậu bé đến từ La Mancha.