Chuyện người ta thì vậy nhưng chuyện nhà vẫn rối như mớ canh hẹ. Ông Công Mái muốn cùng với Phượng con gái mình gỡ rối mà nó không nghe. Đối tượng của ông vẫn im lặng tuyệt đối.
Với Nghị là chuyện đã qua nhưng hình như chúng chẳng thể quên. Thỉnh thoảng chúng có gặp nhau, có trò chuyện với nhau tự nhiên như thể là trước kia chưa có gì với nhau.
Bây giờ là khách khí vậy. Ai cũng muốn tránh con đường mình đã đi qua nhưng tránh sao được nỗi nhớ của cha mẹ. Cả Nghị lẫn Phượng. Cũng có thể chúng nó giả vờ quên. Ông Công Mái thì thực lòng không muốn quên chuyện ấy. Thâm tâm là ông tiếc. Tiếc như mình để mất vật gì quý lắm.
Nhưng cũng là một câu chuyện dài. Chỉ biết khi ông Công Mái hỏi về tình cảm của Phượng với Nghị thì Phượng chỉ nói với bố một câu ngắn gọn:
- Chúng con thôi nhau rồi.
Ông Công Mái ngạc nhiên:
- Sao lại thôi.
Phượng ấp úng:
- Anh ấy còn bận phấn đấu.
Ông Công Mái chau mày:
- Không có chuyện lạ ấy.
Phượng khổ sở:
- Thật mà bố.
Ông Công Mái nhận xét:
- Nghị được đấy chứ con?
Phượng phân bua:
- Con có bảo là anh ấy không được đâu. Mà chúng con vẫn chỉ đang là bạn của nhau như hồi còn đi học ở trường làng ý.
- Thật sao? Vậy mà bố cứ tưởng...
Hai bố con im lặng lúc lâu bên nhau. Mãi sau Phượng chấm nước mắt ngước nhìn bố nói:
- Anh ấy muốn thế mà. Còn con thì đã lớn...
Sao đó ông Công Mái có tìm cách hỏi lại Nghị, Nghị chỉ gãi đầu nhăn mặt:
- Tại cháu... à em cả. Em nhát quá lại cứ nghĩ...
Ông Công Mái vỗ vai Nghị:
- Nghĩ cái gì. Chú chỉ được nghĩ cái hỏng việc thôi. Chuyện tình yêu nó cũng như chuyện chiến đấu ấy. Chỉ có xông lên. Làm quân báo giỏi thế mà săn đuổi tình yêu thì nhát như thỏ.
- Quả có vậy. Khi biết rút ra kinh nghiệm thì Phượng đã có chồng rồi.
*
Bây giờ thì Phượng đang đứng trước mặt hai người.
- Con tìm bố chắc là có chuyện.
- Vâng ạ...
Phượng nhìn Nghị nói:
- Mẹ con em có chuyện đề xuất với anh trước. Với tư cách Trưởng Công an xã đề nghị đồng chí xem xét giúp chuyện đồng chí Công Mái bị tật say thuốc lào, gia đình góp ý mãi nhưng chưa chịu sửa. Ngay vừa tối qua thôi, tí nữa ngài Đại tá ngã vỡ đầu ở sân vì ngấm thuốc...
Ông Công Mái vuốt tóc đánh trống lảng:
- Có việc gì thì nói đi để bố với chú còn làm việc?
- Mẹ dặn con đấy không phải con tự nghĩ ra đâu. Anh Nghị gắng giúp mẹ con em nhé. Mẹ con em xin có lời cảm ơn anh trước.
Ông Công Mái lắc đầu cười:
- Hầy hầy... cái con này. Con cái lớn tướng rồi mà cứ như trẻ con ấy. Nào có gì thì nói đi...
Nghị chỉ biết nghe và ngồi im. Ông Công Mái lừ mắt nhìn con gái vẻ sốt ruột thúc giục. Cái chuyện say thuốc lào của ông chỉ là cái cớ thêm chuyện. Có lẽ phải có cái gì đó Phượng mới hớt hải đi tìm bố như thế này.
Phượng trở lại vẻ nghiêm trang:
- Chú Tống Thệp gọi điện cho bố. Con nói bố ra Công an xã họp. Chú ấy hỏi họp về việc gì con nói cháu không biết...
- Chú ấy có nhắn gì nữa không?
- Dạ không. Chú ấy có nói, dù bận việc gì thì chậm lắm đến trưa nay bố cho chú ấy được nói chuyện. Chú ấy bảo lúc nào bố về bố, nháy máy ngay cho chú ấy chú ấy sẽ gọi lại. Chú ấy còn đọc cho con ghi cả số máy gia đình ở trên phố nữa.
- Bố hiểu rồi... Thôi con về đi...
Phượng gật đầu chào Nghị:
- Em chào anh. Bố em có cái tật cứ hút thuốc là hay bị say. Anh cảnh giác giúp em nhé. Con chào bố, em chào anh.
Ông Công Mái hỏi Nghị:
- Chú có biết ông Tống Thệp định nói với tôi về chuyện gì không?
- Chắc là chuyện cái khẩu hiệu.
- Đúng. Chắc thím ấy đã kể hết với chồng. Việc làng đã lên tới phố rồi. Cấp dưới đã cất tiếng chẳng mấy chốc cấp trên sẽ rõ hết chuyện. Anh em mình phải vào cuộc thôi. Chú là Trưởng chú cho ý kiến chỉ đạo?
- Em muốn được nghe kinh nghiệm xử lí của anh trước những vụ việc như thế này? Đây vừa tình lại vừa lý. Làng Phẩm mình quay đi đâu cũng xóm giềng họ mạc anh em cả.
Nghị nghiêm túc, chân thành. Hai người lúc này như trong cuộc họp...
- Tôi nói đây là chuyện lạ ở làng mình vì lẽ này. Xưa nay dân làng Phẩm mình có đả đảo thật nhưng là đả đảo bọn thực dân phong kiến hồi Khởi nghĩa tháng Tám, đả đảo địa chủ cường hào thời cải cách, đả đảo đế quốc tay sai lúc đấu tranh thống nhất đất nước.Ta mới chỉ đả đảo có thế. Đúng quá, có lý quá cái hình thức đả đảo ấy. Đả đảo là phải tiêu diệt, phải chiến thắng. Còn bây giờ lại là đả đảo tham nhũng. Đã có ai làm như mình. Đã có nơi nào xảy ra cái chuyện như mình. Lạ là ở chỗ này. Cấp trên đã cho phép dùng hai chữ đả đảo chưa? Mà mình làm việc bao giờ cũng có định hướng, có chỉ đạo. Tôi lo là mình đang chạy trước đèn.
- Em nghĩ là được. Bác Hồ còn gọi bọn tham nhũng là bọn nội xâm cơ mà. Thậm chí có lúc Cụ còn nói giặc nội xâm nguy hiểm hơn giặc ngoại xâm. Đã là giặc thì dùng từ đả đảo có gì là nặng ạ?
- Vẫn biết vậy nhưng cái gì cũng có tổ chức của nó. Mình tự phát tiên phong làm sao được. Nhỡ cái...
- Về chuyện này bác cho phép em được quyết. Với bọn tham nhũng đả đảo là đúng. Thời đánh Pháp, Bác Hồ còn cho phép xử bắn kẻ ăn chơi trác táng kia. Cách đây hơn nửa thế kỷ rồi cha ông còn mạnh tay như vậy thì bây giờ...
- Biết vậy. Biết từ lâu rồi chứ. Nhưng...
Nghị cười. Nụ cười của những giây phút hiểu những điều không muốn hiểu của chính mình nhưng lại phù hợp với cuộc sống.
- Ta hoãn bàn đến cái nên, hay chưa nên của cái khẩu hiệu này đã. Anh góp ý cho bọn em xem nên xử lý việc này như thế nào. Theo em nghĩ không hẳn không có lửa mà có khói. Chuyện về nhân vật này âm ỉ có từ lâu rồi. Có điều nó vẫn đang nằm trong tầm ngắm của pháp luật, của chuyên án. Em nói vậy là có căn cứ. Riêng anh, em mới dám nói thẳng chuyện này như thế...
- Theo chú, chuyện vẽ lên tường nhà người ta, rồi treo lên cây trong vườn nhà người ta cái khẩu hiệu ấy thì đúng hay là sai?
- Bây giờ là sai nhưng sợ sau này...
- Có thể đúng chứ gì. Pháp luật đâu cần cái dấu nối cảm tính ấy. Việc này phải dùng lý trí mà xử Nghị ạ.
- Em vẫn băn khoăn. Mọi người có quyền đả đảo tham nhũng chứ ạ.
- Đúng. Nhưng sao lại cứ nhè vào tường nhà người ta, vườn cây nhà người ta mà đả đảo. Việc nọ kia của pháp luật vẫn đang trước mắt. Hiện đối tượng vẫn vô can. Nghi vấn vẫn đang còn là nghi vấn
- Nhưng...
- Cái ấy vẫn đang chờ hồi sau phân giải. Trước mắt chúng ta phải làm chuyện này. Có làm được như vậy thì pháp luật cho dù là ở một làng quê mới có tính giá trị, tính tích cực của nó.
- Em cũng đã nghĩ đến chuyện ấy nhưng khó. Người ném đá vẫn giấu tay. Dân làng thì đa phần tán thưởng việc này. Họ biểu quyết ngấm ngầm. Mình bây giờ đang là thiểu số anh ạ. Làm găng, làm không thấu đáo có khi mình lại càng thiểu số hơn.
- Một thiểu số đúng. Ta càng phải làm. Có làm ra việc này ta mới nói được là mình đúng. Chân lí có thể trìu tượng nhưng luật pháp là cụ thể. Chú nghe anh nên bí mật bắt tay vào việc điều tra này khi ta còn e ngại chuyện luật làng phép nước...
- Anh em trong đơn vị không hẳn ai cũng sẵn sàng. Có cậu còn nói với tội ấy chưa đem đi dựa cột là muộn. Dân tình, báo cáo thực với anh là rất hả hê về chuyện viết vẽ khẩu hiệu này...
Ông Công Mái trầm ngâm. Khuôn mặt ông không còn rắn đanh nữa. Tự nhiên trong óc ông loé lên một ý hay mà khi xưa làm trinh sát hình sự ông có được. Thường những lúc có điều gì đó bí bẫn, nan giải trong phá án cứ tưởng sắp bước vào ngõ cụt nó lại loé ra...
- Cũng có lý. Làm gì mà chưa được lòng dân đồng tình, đồng hành thì ta chớ nên vội vàng.
- Em cũng nghĩ vậy. Mình sống với dân kia mà.
- Chú Nghị này. Tôi chợt loé lên một cách làm, không ai biết, không ảnh hưởng đến ai. Và chỉ mình tôi thực hiện thôi...
- Anh?
- Đúng.
- Em lo...
- Tuổi tác chứ gì?
- Vâng.
- Yên tâm đi. Nhẹ nhàng thôi nhưng chắc là hiệu quả. Hàng chục năm làm lính trinh sát hình sự rồi. Cả chỉ đạo lính trinh sát nữa. Nghiệp vụ là từ thực tế. Vụ này khó mà lại dễ. Cậu tin tớ không?
- Câu ấy anh còn phải hỏi em!
- Cho phép anh “giữ bí mật” được không?
Nghị cười:
- Em cũng biết. Em sẽ giữ bí mật cái biết của mình. Anh cho phép em chứ. Em tin là anh sẽ rất chóng thành công. Anh làm dễ hơn bọn em. Bọn em mà ra tay rất có thể bị lộ.
- Mày lại đùa anh nữa.
Nghị nắm chặt tay ông Công Mái:
- Xin mời ngài Đại tá thực hiện chuyên án.
Lát sau ông Công Mái vơ cái điếu vào tay:
- Giờ anh xin phép chú, anh về. Mà... trước khi về cho anh xin phép bắn một hơi đã. Nhỡ có say đỡ anh nhá...
- Này anh
Ông Công Mái định bật diêm mồi lửa vào thuốc làm một hơi, thấy Nghị nháy nháy mắt có ý nhắc tới câu nói lúc nãy của Phượng ông vội dựa chiếc điếu trở lại góc tường thở dài rồi cắm cúi đi ra ngoài. Lúc này mà ông rít thuốc vào cũng dễ say lắm. Nghị nhìn theo ông Công Mái khi bóng ông lẳng lặng trên đường. Cái nhìn nhiều rung cảm của một đàn em trước một đàn anh kính trọng...
“Cậu tin tớ không?”
Hăng hái mấy vẫn có dấu hiệu của tuổi già. Lần nào cũng vậy, nhận việc gì hay bàn bạc việc gì ông Công Mái cũng hay hỏi câu ấy. Nghe lần đầu là được. Lần hai cũng là được. Nhưng đến lần ba đã thế nào. Còn lần bốn, lần năm, lần vân vân nữa thì câu nói ấy như là sự thừa thãi, phung phí trong tính quá cẩn thận của người già. Với ông Công Mái thì chuyện này có cái gì đó như là bệnh nghề nghiệp gần như mãn tính nữa. Tuy vậy Nghị không lấy làm phiền lòng vì cách nói nhấn nhá này của ông. Anh đã thuộc tính ấy của ông Công Mái như thuộc tính nết người thân trong gia đình của mình.
“Cậu tin tớ không?”
Ông Công Mái hay nói với Trưởng công an xã câu ấy mỗi lần nhận một nhiệm vụ nào đấy. Lúc nói giọng ông vui tếu nhưng rất thật. Ông Công Mái là người biết tôn trọng tổ chức và không công thần. Là đại tá công an về hưu sau ba, bốn chục năm công tác xa nhà ông vẫn giữ nguyên tiếng quê. Ai đó không phải dân làng Phẩm nếu không biết ông từng như thế dễ nhầm ông là người còn nguyên gốc làng Phẩm chứ chưa hề đây đó, từng trải.
Người nguyên bản, phẩm chất cũng nguyên bản. Nghị luôn luôn nghĩ về ông Công Mái như thế. Cho nên mỗi khi được nghe ông hỏi câu ấy anh chỉ cười hiền. Mắt Nghị sáng lên nhìn ông Công Mái với một cái nhìn thân thuộc và hết sức trân trọng. Tin chứ! Không tin sao được trước con người nhiệt tình và dày dạn này. Tuy là Trưởng Công an xã thật nhưng lâu nay Nghị rất phục ngài Đại tá Công an mới về hưu này. Với Công Mái tuổi tác ông có nghỉ thì nghỉ nhưng trí tuệ và kinh nghiệm ông không nghỉ. Đây là con người tận tâm với dân với nước bằng tất cả khả năng và nhiệt tình của mình. Có cái ông hoàn hảo, cũng có cái chưa thật hoàn hảo nhưng luôn luôn là ông: Chân chất, mộc mạc trong phẩm hạnh, cẩn thận đến kỹ lưỡng và chắc chắn đến sốt ruột trong công việc. Cũng nhân từ nữa. Nhân từ đến mức mềm lòng như một người đa cảm dù là Công an đòi hỏi rất nhiều ở lý trí. Khi ông Công Mái cầm súng vượt Trường Sơn vào những ngày đầu Nghị đang là học sinh cấp ba. Cậu học sinh lớp Tám nhìn anh Công sĩ quan quân đội oai phong lẫm liệt trong bộ quân phục màu xanh Tô Châu về làng thăm gia đình trước khi vào chiến trường mà trong lòng cuộn lên những khao khát. Tuổi nhỏ của Nghị thích được đeo súng gỗ đánh trận giả, bắt tù binh. Đi học, lúc rỗi rãi Nghị hay lấy giấy ra cùng với cây chì xanh đỏ vẽ xe tăng, tàu bò. Anh bộ đội của Nghị là người đội mũ lưỡi trai có ngôi sao đỏ và đi giày ống trông hệt như Hồng quân Liên xô trong những phim đánh nhau với phát xít Đức thỉnh thoảng vẫn được đội chiếu bóng huyện mang về chiếu ở sân đình của làng. Bọn trẻ con trên thế giới thế nào không biết chứ những bạn cùng lứa của Nghị ngày ấy ở miền Bắc Việt Nam chả có khoái gì hơn cái khoái được xung phong đi bộ đội, được cầm súng đánh giặc cứu nước. Phải chăng sinh ở miền đất có quá nhiều chiến tranh mà trẻ con ngay từ lúc còn bé đã mơ đến ngày ra trận. Trong sáng và hồn nhiên. Khao khát đến cháy bỏng nữa. Những mong muốn thật như đếm. Cha anh đã tiếp nhau đi đánh giặc lẽ nào cháu con không nối bước. Ngày ấy được cầm súng là nguyện vọng đầu tiên của rất nhiều trai tráng. Làng Phẩm của Nghị ngày ấy oai nhất là anh bộ đội trong đó có anh Công. Rồi anh Công lấy vợ ghép thêm tên vợ vào mình thành anh Công Mái. Anh Công Mái niềm tự hào của rất nhiều bọn trẻ con làng Phẩm trong đó có Nghị.
*
Sau này khi hoà bình lập lại, hai miền Thống Nhất, anh Công Mái lại có một cái oai khác của một người trai làng Phẩm thành đạt. Chả biết anh học công an từ bao giờ mà khi anh về làng bỗng nhiên từ anh bộ đội chuyển qua Công an với bộ cảnh phục màu vàng, chưa đeo quân hàm nhưng nghe nói là làm đến cấp gì to lắm. Người tự hào về anh nhiều. Cũng có kẻ lấm lét nhìn. Trẻ lứa sau của Nghị thì truyền nhau rằng kẻ Phẩm mình đã có người được làm Công an. Mà đã làm được Công an thì phải nói là có giỏi giang lắm mới làm được. Một vài năm sau Nghị đi nghĩa vụ làm anh lính quân báo có tham gia chiến đấu ở chiến trường rồi được cấp trên cho đi học làm sĩ quan. Lúc này làng xóm cũng trầm trồ nhưng không bàn bạc nhiều như việc ông Công Mái được làm Công an. Vẻ như sau chiến tranh, trong con mắt của người làng lúc ấy anh Công an có gì đó sang hơn anh bộ đội, oai hơn anh bộ đội. Thời bình mà. Người đánh giặc giờ phần nhiều là ở thao trường, trong doanh trại. Xã hội không còn súng đạn nữa nên nhiều việc hơi tí là gọi đến công an. Mà đã có anh công an vào cuộc mọi chuyện lại như chưa có gì xảy ra.
“Tài đến thế là cùng, các anh Công an ấy!”
Có chuyện tưởng đổ máu đến nơi nhưng khi họ đến hai bên đang hùng hổ như muốn ăn sống nuốt tươi nhau bỗng nhiên lành lại như chưa hề có chuyện. Có thằng kẻ cắp chỉ ăn cắp của bà đi chợ mấy đồng bạc lẻ khi Công an bắt được lễ như tế sao. Lại có tên buôn lậu trông thấy Công an bỏ chạy đến rơi vãi hết cả hàng ra bên đường. Tóm lại cứ hễ ai lơ mơ làm trái, làm xấu khi nói đến Công an là mặt mũi họ nhớn nhác như đứa mất hồn. Loại ấy làm sao có thể đàng hoàng được. Cứ có công an đến là chúng hết đường làm bậy. Đấy Công an trong mắt người dân làng Phẩm là thế.
Gần gũi và thiết thực.
Rất cần thiết nữa.
Công an lại càng quan trọng hơn thế khi cả làng kháo nhau ông Công Mái đeo quân hàm nọ quân hàm kia của cấp tá. Rất nhiều người khoe với nhau rằng đã được nhìn thấy ông Công Mái đeo lon hẳn hoi nhưng là ở trên ti vi trong một buổi giao lưu về phòng chống tội phạm của toàn quốc hẳn hoi. Ai cũng tấm tắc tự hào rằng kẻ Phẩm của mình đã có người vào hạng tầm cỡ Quốc gia trong ngạch An ninh Cảnh sát. Người làng Phẩm không còn cảnh nhiều lúc phải cúi mặt nữa mà đã mở mày mở mặt với thiên hạ vì đã có người ngang hàng hoặc xấp xỉ người thiên hạ.