Ngày còn công tác ông Công Mái rất ít khi về làng. Công việc nhiều cũng có. Ngài ngại chuyện trầm trồ thêu dệt cũng có. Ai vênh vác chứ như ông Công Mái thì lúc nào cũng như lúc nào. Mặc sắc phục cũng như không mặc. Có gì là ghê gớm đâu khi mà ra đường các vị có hàm như ông bên Công an, nhất là bên quân đội thì đếm không xuể.
Ông và một số người như ông có là ít đi nữa thì cũng là gì so với số đông đâu. Làm nhỏ, làm to hay là gì gì đi nữa cũng chỉ là người của một giai đoạn, của một thời. Bà con làng xóm mới là mãi mãi. Cũng chính vì thế mà mỗi lần về quê khi anh em họ hàng xúm đến hỏi ông Công Mái chỉ cười trừ. Có người bảo ông dại. Nhiều chức nhiều quyền thế không biết khoe chỉ có thiệt. Mặc áo gấm hẳn hoi thì việc quái gì cứ phải đi đêm. Ruột thịt mỗi người một lời, một ý. Toàn là ý kiến của các bậc bề trên của ông Công Mái cả nhưng lời lẽ xem ra cũng dè dặt giữ ý trước người làm to. Tịnh không một người lớp dưới dám hỏi cho dù về mặt cốt nhục rất gần gũi. Họ nể và họ sợ nên cứ từ xa mà đứng nhìn. Chuyện đối đáp qua lại của anh em nhà ông Công Mái ở sân nhà thờ họ một lần có lễ trọng là thế này. Các buổi gặp gỡ khác chắc cũng là thế.
“Quần áo Công an đâu chú không mặc lại đi mặc sơ- vin thế này...?”
“Em về làng kia mà bác...”
“Chính thế. Về làng mình kia mà. Cả họ nhà ta mới có chú làm đến Đại tá mà lại là Đại tá Công an hẳn hoi. Chú không mặc thì ai mặc!”
“Mặc vào để doạ ai, nát ai ạ?”
“Phải mặc vào chứ. Mặc vào cho cả làng biết cái anh du kích đeo súng gỗ ngày xưa bây giờ đã là ông bốn sao hai vạch bên ngành An ninh hẳn hoi. Súng ống hiện đại lại gài ở bên trong bí mật lắm nhé. Người hoạt động ngành tình báo kia mà. Oách lắm chứ. Công Mái hôm nay đã khác Công Mái ngày xưa nhiều...”
“Sao khác được ạ. Công Mái lúc nào cũng là Công Mái. Em lúc nào cũng là em của các bác. Tá uý là ở chỗ làm việc. Nơi này tá uý với ai ạ...”
“Thì ít ra chú cũng phải mặc vào cho chúng tôi có chỗ mà tự hào, có chỗ mà nói chuyện chứ...”
“Em được nguyên vẹn như thế này về với họ hàng làng xóm thế là quý rồi. Chỉ lo nhỡ không may có tai biến gì họ hàng vợ con lại không nhận ra...”
“Nói dại nào. Đàng hoàng là đồng chí Đại tá Công an hẳn hoi thì phải mũ áo cho lẫm liệt...”
“Hì hì... Em sắp đến tuổi về làm anh cu Công Mái như ngày trước rồi. Các bác cứ bắt em thế em làm sao làm được. Mình phải luôn là mình mới đúng. Em lúc nào cũng chỉ muốn là thằng Công chồng cô Mái thôi...”
“Thế trước đây không phải là chú, chú là đứa khác?”
“Em đâu có nói thế. Chỉ là...”
“Loanh quanh mãi. Lần sau về là phải diện bộ quần áo cấp tá vào cho cả họ mừng đấy. Lần sau chú về thể nào họ cũng đón cả thợ ảnh với thợ quay ca- mê- ra về quay nữa. Thiên hạ chơi sang mình cũng phải biết chơi sang. Thử hỏi cả cái xứ kẻ Phẩm này đã có họ nào có người làm đến đại tá Công an chưa? Tôi nói có đúng không các vị. Còn chú nữa, chú thấy thế nào?”
“Dạ... em xin chấp hành chỉ thị của các bác... nhưng là cái khác kia. Còn cái việc này em xin các ông anh đại xá cho cái thằng Công Mái này...”
“Sao... lại chối. Chú nên vì cả họ mình mà làm. Chú phải biết rằng trước khi chú là người của đất nước thì chú đã là người của làng Phẩm. Cụ thể hơn là người của cái họ này. Chi tiết hơn nữa là người chung cụ nội với tôi...”
“Dạ... em hiểu chứ ạ!...”
“Chú Công Mái...?”
“Bác dạy gì em ạ?”
“Không dám. Ai dám dạy ngài đại tá. Nhưng ruột thịt nói phải biết nghe lời chúng tôi chứ. Hơn nữa chúng tôi lại là bề trên của chú...”
“Công Mái tôi xin chấp hành lệnh của tiểu đội trưởng dân quân xã...”
“Mày lại giễu anh...”
“Chân thành. Không tin hôm nào về thăm lại làng bác sẽ biết. Nhưng cũng phải xin cho em có ý kiến thêm một tí. Chả là có chút khó khăn. Để các bác tự hào một cách trọn vẹn vì em thì em chẳng thể không nói...”
“Sao?”
“Có một khó khăn. Lại là khó khăn quan trọng nữa...”
“Chú cứ nói...”
“Dạ thưa, thế này. Chả là em sắp đến tuổi về hưu. Lon đại tá thì vẫn được giữ nguyên. Còn cái chuyện em được ăn lương tướng thì biết thể hiện bằng cách gì để cho mấy cháu có thể quay phim chụp ảnh được ạ?”
Ông Công Mái nhìn khắp lượt họ hàng ruột thịt. Mọi người ngớ ra trong tiếng cười xoà của ông. Và rồi chính họ cũng ngả nghiêng vào nhau, xõa ra mà cười cho cái lối tính toan về niềm tự hào, kiêu hãnh của dòng họ mình trước một ông Đại tá sắp được ăn lương tướng nhưng không chịu mặc sắc phục về làng.
Ngài Đại tá Công an của làng Phẩm là thế đấy. Ông chẳng bao giờ chịu phô mình trước dân làng. Với mọi người trong họ cũng như ngoài làng ông lúc nào cũng củ mỉ, cù mì như củ khoai, khúc sắn.
Câu cửa miệng quen thuộc dù là ở đâu, nơi làng xóm hay chốn công sở của ông Công Mái bao giờ cũng là “Quan nhất thời dân vạn đại”.
Ông Công Mái còn làm thơ tự vịnh mình nữa:
Trai làng Phẩm trở về làng Phẩm
Như cây ngô cây lúa trên đồng
Đại tá về làm ông chân lấm
Thề trọn đời gắn đất quê hương.
Hôm ông Công Mái về nghỉ, cơ quan cho hẳn một chuyến xe con, loại xe Nhật sang trọng, ông chối đây đẩy, mãi sau thủ trưởng cấp trên nói như ra lệnh ông mới bằng lòng.
Chiếc xe oai vệ đó chỉ đưa được ông đến chỗ đường cái nhựa có lối sỏi nhẵn mịn dẫn về làng Phẩm là ông nhất quyết đòi xuống.
Cậu lái xe trẻ càu nhàu một cách cung kính:
- Bố làm thế là chết con.
Ông Công Mái thân tình:
- Mày cứ nói đây là nguyện vọng của tao.
- Ai người ta tin con cơ chứ?
- Có gì mà không tin...
Cậu lái xe giãi bày:
- Thôi ạ! Có phải ai cũng như bố đâu. Anh em lại bảo con ngại, con lười, con tìm cách đẩy bố xuống đường.
Ông Công Mái cười thành tiếng:
- Mày nói như tao là ngố không bằng.
- Thế thì bố phải nghe con.
- Nhưng đây là theo sự chỉ đạo tự nguyện của chú Công cơ mà.
Cậu lái xe lắc đầu khổ sở:
- Chú Công ơi, chú thông cảm cho cháu. Cháu còn có người to hơn chú chỉ đạo cháu nữa kia. Để chú phải đi bộ hàng mấy cây số từ đây về làng là cháu dễ bị kỷ luật như chơi...
Ông Công Mái mách nước cho cậu lái xe:
- Cháu cứ nói là đường xấu xe không vào được.
- Khổ quá. Cụ không hiểu là loại xe này đi được trong mọi hoàn cảnh à? Cụ mà bỏ xe xuống đi bộ là con cho xe bò theo cụ đấy.
- Chớ chớ...
- Con cứ đấy...
- Thôi thế này vậy. Mày đi cùng chú. Đi bộ thôi. Con mang chiếc xe ra chỗ cái quán có cây muỗm kia kìa con gửi cho chú. Xe Công an người ta không dám đụng vào đâu, đừng ngại.
- Sao phải thế ạ?
- Lệnh đấy. Lý do nói sau. Nhanh lên. Cho hành lí của chú xuống rồi quay về đây mang giúp chú. Hôm nay chú sẽ bảo cô ấy chiêu đãi thằng cháu một bữa thịt chó luộc làng Phẩm ăn ngon quên chết.
Cậu lái xe phải làm theo ý ông Công Mái tuy trong bụng vẫn ăm ắp nỗi bực dọc, khó chịu. Thậm chí cậu ta còn nghĩ dại về ông là chưa kịp lĩnh sổ hưu chính thức mà đã đã giở chứng.
“Ai cấm được lính nghĩ về thủ trưởng của mình thế nào. Nghĩ tốt thì được nhờ, nghĩ dở thì phải chịu”.
Ông Công Mái đọc được nét bi hài ở cái khuôn mặt trẻ trung ấy. Cho dù cậu ta có cho mình là điên dại đi nữa thì ông vẫn phải làm theo cái ý của mình. Mà cái ý của ông lại trùng với cái lý của làng.
Đất lề quê thói. Đi đâu thì đi, sống ở đâu thì sống ông luôn luôn phải dựa vào câu ấy để nuôi mình trong công việc chung cũng như công việc riêng. Trong cơ quan ông có đồng đội. Về với dân ông có lòng người. Không có gì là thiệt cả khi ta được ở giữa mọi người.
Cậu lái xe đi bộ quay trở lại ông Công Mái đã rút sẵn điếu thuốc ra khỏi bao vui vẻ nói với người mà ông hay gọi là cháu:
- Mời cu cháu điếu thuốc lá thơm mừng cho chú hạ cánh an toàn.
- Cháu xin chú...
- Cầm luôn cả bao cho tiện.
- Cháu cám ơn chú.
Nhìn cậu lái xe trẻ hút điếu thuốc một cách ngon lành bên đống đồ đạc sắp phải mang vác ông biết là nó đã nguội cơn bực tức rồi. Đến lúc này ông mới bá vai người lính trẻ trầm giọng nói:
- Chắc cu cháu bực ông chú lắm thì phải?
- Dạ... không ạ!
- Mày... lại còn giấu...
Cậu lái xe xúc động:
- Lâu rồi con coi cụ như cha con ở nhà.
- Chú biết chứ. Phải xa chúng mày tao nhớ lắm. Nhưng cơ quan của Nhà nước đâu phải là cái giường cái ghế của nhà mình mà tìm cách ngơi nghỉ cho đến hết đời. Ai cũng đến lúc phải về. Đến tuổi là phải về. Nên về...
Ngừng lời chốc lát ông Công Mái nói tiếp:
- Ngày chú ra đi là con dân của làng Phẩm, ngày chú trở về cũng phải là con dân của làng Phẩm.
Ngưng lời chốc lát ông Công Mái chầm chậm nói tiếp:
- Để chú kể cho cháu nghe câu chuyện này của làng chú...
Mặt ông Công Mái tự nhiên nghiêm trang lại. Giọng ông có vẻ ấm trầm hơn. Tiếng ông như muốn lắng xuống. Câu chuyện của ông kể có vẻ rất xa xăm mà lại như gần gũi. Gương mặt người lính trẻ công an mang quân hàm trung uý như bị hút vào câu chuyện của ông... Đây là chuyện ngày xưa của dân kẻ Phẩm. Căn cớ nó là thế này... Làng Phẩm ngày xưa có một hôm được lệnh của huyện quan sức là phải chuẩn bị cờ trống đón rước quan Thượng trên tỉnh về thăm quê. Lệnh như vậy là nghiêm và quan trọng lắm. Chức dịch làng Phẩm rối rít việc chuẩn bị đón quan. Cổng chào bằng lá dừa được dựng lên ở phía đường quan về làng. Trẻ con được huy động ra quét ngõ. Phân lợn, phân chó bậy bạ đây đó được dọn sạch.
Cờ hội giữa sân đình được dựng lên. Cả làng nhộn nhịp như vào đám... Chỗ cổng chào thì...
- Cho thêm lá dừa vào. Chỗ cổng nhỏ hai bên ấy phải xén tỉa cho cẩn thận...
- Ông ơi... Chỉ quan ông về hay cả quan bà ạ?
- Tao có là quan đâu mà tao biết.
- Cái bà cụ Thĩm thế mà sướng. Quanh năm cúi mặt với ao rau muống mà có con làm đến quan Thượng...
- Bà cụ cũng lạ. Nghe nói quan ngài xin được đón cụ lên tỉnh lên phủ mà cụ bảo tao tương cà mắm muối quen rồi. Mày làm quan chứ mẹ có làm quan đâu mà mẹ đi. Quan nói mẹ vất vả nuôi con giờ đến lúc hưởng lộc. Bà cụ chửi yêu quan, cái con mẹ anh, tôi nuôi con làm quan để giúp dân chứ có phải để kiếm lợi từ quan đâu. Mẹ quan thế mới là mẹ chứ...
- Đúng là dại...
- Dại chán ra đấy. Bà cụ khôn thì có. Của nả ăn mãi rồi cũng hết. Mà già rồi thì ăn được bao nhiêu. Phúc đức thì để đến muôn đời cũng chả bao giờ cạn.
Trong đám trẻ dọn phân rơi, phân vãi thì...
- Đám cứt chó này là cứt chó của nhà cu Chít nhá. Ông đếch dọn cho mày đâu.
- Không phải. Con Mực nhà tao ốm, bị xích mấy hôm nay rồi. Đây đích thị là đống cứt chó của con Vàng nhà ông Lý trưởng. Sớm nay nó ị tao nhìn thấy mà...
- Ôi thế thì phải dọn thôi. Chả nhẽ bắt ông ấy ra dọn...
- Ông ấy có dọn khối ra đấy. Bố tao bảo chỉ có dân là phải dọn thôi. Các quan mình là hay yếu bụng mà...
Trong sân Văn Chỉ mấy anh chàng tuần đinh đang vuốt vuốt lại cái võng đào đã cũ chuyên dùng đi đón quan xưa nay của làng, tán vui...
- Cứ mang cái chõng tre ra buộc thêm cáng vào khiêng ngài có khi lại mát lưng hơn dính thân vào cái võng gai nhiều.
- Chả cần phải nhiêu khê như thế. Cứ mỗi đứa ghé vai cõng ngài một quãng có khi lại đỡ tốn võng, tốn cáng...
- Lèo ồi...
Có tiếng người từ ngoài sân Văn Chỉ đi vào:
- Không phải võng cáng gì cả.
- Chúng con lạy cụ ạ.
- Không dám. Tôi có lời chào các ông Trương, cậu Trương. Chư vị đi làm việc làng đi thôi. Thằng Ba nhà tôi nó về từ tối hôm qua rồi. Hai thầy trò đi xe ngựa xuống chỗ đường cái quan rồi đi tắt về làng.
Bà cụ xua tay như có ý bảo mọi người thôi làm việc này và nói tiếp:
- Gớm đã mệnh hệ gì đâu. Mới nhức đầu sổ mũi tí tẹo mà đã vội xin nghỉ việc nước về hầu mẹ. Lại làm phiền đến làng đến xóm nữa. Chỉ chiều nay cho ăn xong bữa cơm là tôi đuổi nó đi thôi...
Cũng lúc ấy ở trên đường cái quan chỗ rẽ về làng Phẩm bà quan Thượng vì bận trong nom cửa hàng ở phố hôm nay mới về thăm mẹ chồng ốm được. Bà đứng đó như chờ. Xe ngựa chỉ chở bà quan đến được đấy.
- Nhỏ...
- Bà dạy gì con ạ.
- Mày đã nhắn tuần đinh ra võng bà về chưa?
- Bẩm bà... con đã nói từ lúc nãy kia ạ.
- Vậy mà chưa thấy. Sao mà lâu thế!
- Có ngay đây ạ..
Hai tay tuần đinh khiêng võng hớt hải từ xa chạy tới.
Họ vừa thở vừa nói...
Bà Thượng chau mày mắng:
- Gì mà chậm như rùa thế?
- Bẩm bà... Bà tha tội...
Bà thượng vừa ghé đít vào võng thì giật mình bởi một tiếng quen quen từ đâu vang vang:
- Khoan...
- Ơ...
Một người từ đám bụi rậm ven đường đi lên.
Bà Thượng giật mình khi nhìn thấy chồng.
Ông Thượng nhẹ nhàng bảo vợ:
- Mợ xuống võng đi, rồi theo tôi đi bộ về làng. Trước đây các cụ mình chưa có lệ này bao giờ. Mấy anh lý dịch làng này hỏng quá. Đã bảo các cụ dạy rồi mà vẫn tự tiện làm. Các anh không coi ai ra gì à? Ô hay... mấy chú tuần đinh này...
- Bẩm quan...
- Nghe tôi hay là nghe vợ tôi nào. Mình là người làng với nhau cả. Ta cùng đi bộ về thôi mợ. Bà sáng nay còn nhắc con vợ thằng Ba đấy...
Thế là quan ông quan bà bên nhau đi bộ về làng Phẩm. Lẽo đẽo theo sau là mấy anh lý dịch trong làng mặt cúi gầm lúi húi bước.
Ông Công Mái dừng lời nhưng tay vẫn để trên vai người chiến sĩ trẻ:
- Đấy... chuyện có thật của làng Phẩm chú được nghe ông mình kể lại đấy. Cháu nghĩ xem...
Mặt cậu lái xe rạng ra:
-Thôi bố... Con hiểu rồi. Ta về làng đi. Bố để cái va ly kia con xách cho. Bố đeo giúp con cái ba lô cóc này...
Chuyến hưu quan về lại làng Phẩm của ông Công Mái là vậy đấy.
Nhưng chưa phải đã hết đâu.
Nghe nói mấy ông anh trong họ còn huy động con cháu quần là áo lượt ôm hoa ra tận cổng làng đón nhưng đón hụt. Giống ông quan Thượng xưa, thầy trò ông Công Mái cũng tìm lối tắt qua ruộng đi về làng.
Người như vậy làm sao Nghị không tin, không yêu cho được!
*
- Công an xã ơi là Công an xã ơi...
Bà Tống Thệp hớt hải từ ngoài đường chạy vào trụ sở giọng la lối:
- Chú Nghị đây rồi... Báo chú... Con bé cháu Bệp nhà tôi, cái con Ling Ling ấy nó... nó... mất tích rồi...! Giời cao đất dày ơi!
- Chị bình tĩnh đã nào. Đây... mời chị ngồi, uống hớp nước mát đã rồi đầu đuôi kể cho em nghe...
- Bình tĩnh là làm sao? Giời cao đất dày ơi...! Chú không ra tay giúp chị thì mẹ con nhà chị chỉ có bán xới đi khỏi đất này mà thôi...
- Chị không nói em làm sao biết để xử lý.
- Giời ơi là giời. Tối qua đang yên đang lành nó đốc chứng lên nói là đi gặp bạn bè. Chờ con đến đỏ cả hai con mắt. Mười một giờ không thấy. Mười hai giờ vẫn cứ im ỉm. Một hai giờ sáng lang thang ngoài ngõ ngóng con. Điện thoại di động gọi mãi không có ai nghe.
Bà Tống Thệp ngừng lời nuốt nước miếng rồi tiếp:
- Cả đêm qua thề có bóng đọi tôi không nhắm mắt được lấy một phút, một giây. Sáng sớm nay lại cháy ruột cháy gan chờ con. Tôi không dám gọi điện cho ông ấy sợ ông ấy lo. Giờ chỉ còn mỗi chú.
Bà Tống Thệp lại dừng lời. Và lại tiếp:
- Giời ơi là giời. Vợ chồng tôi ăn ở phúc đức làm vậy bỗng dưng bọn phản động nó đổ tiếng xấu vào nhà. Bây giờ lại đến chuyện con bé nó mất tích. Chú xem có phải lại là cái lũ phản động ấy nó gây ra cho nhà tôi không...
Bà Tống Thệp liên hồi. Nói rồi nghỉ. Nghỉ rồi lại nói...
Nghị bỗng nhiên bật cười. Nụ cười hồn nhiên nhưng vô ý của anh khiến bà Tống Thệp nổi cơn bực:
- Ô hay... sao chú lại cười. Chuyện đến thế mà còn cười được à? Chú có phải là công an xã nữa không hay chú là ông tượng gỗ...
Nghị vẫn cười:
- Em xin lỗi chị... Không cười sao được khi mà ai chị cũng quy là bọn phản động. Cháu nó đi chơi qua đêm chưa về chứ không phải là không về...
- Chú dựa vào đâu mà chú nói vậy?
- Em cũng hỏi lại chị câu ấy đấy?
Mặt bà Tống Thệp nghệt ra.
Lát sau bà trợn mắt:
- Trả lời được tôi đến đây để làm gì?
Nghị nghiêm chỉnh:
- Vậy thì chị phải cung cấp cho em những thứ em cần thì may ra mới biết được tung tích của cháu mà tìm chứ! Từ nãy đến giờ chị toàn một câu cháu mất tích, cháu mất tích rồi quay ra mắng em...
-Thì chị xin. Rối ruột quá nên... hì... chú thông cảm...
Nghị đẩy cốc nước lọc đến trước mặt bà Tống Thệp:
- Chị uống nước đi rồi bình tình trả lời những câu em hỏi đây. Gì thì cũng phải có đầu có cuối, có ngọn có ngành. Nghiệp vụ điều tra lành nghề như cụ Công Mái cũng phải nói là muốn điều tra cái gì cũng phải bắt đầu từ các chi tiết, tình tiết chị hiểu không.
- Chú có cục đá nào không?
- Trụ sở của bọn em chưa được trang bị tủ lạnh chị ạ.
- Khổ! Chả ở gần nhà chị mỗi hôm chị cho mấy cục là uống nhòe. Chị mời chú xơi nước.
- Chị tự nhiên...
- Rồi! Giờ thì chú hỏi đi.
Nghị lấy sổ tay, bút. Bà Tống Thệp lấy lại tư thế ngồi trước bàn làm việc của Công an xã. Hai người kẻ hỏi kẻ trả lời. Từ ngoài đường nhìn vào trông họ sinh động như hai Công an viên đang bàn chuyện...