Ông Công Mái bò ra trên mặt chiếc bàn rộng trong nhà Văn hoá xã.
Trước mặt ông là một đống bài vở chép tay khổ giấy A4. Từ mục kỉnh ông nhìn và xem từng bài một. Ông không đọc hết cả bài mà chỉ nhẩm đôi ba câu thôi sau đó để sang một bên.
Ông Công Mái đang đọc và tìm. Đó là những bài báo tường của người dân làng Phẩm theo sự phát động chung của xã, của xóm viết nên. Tờ báo tường có tên là “Thôn Phẩm Ca”. Các bài báo để rời. Chữ trên mỗi bài báo là chữ viết tay của từng tác giả. Nội dung các bài báo thật phong phú.
Từ đôi tay cầm tờ giấy lên cùng cái miệng đọc của mình ông Công Mái thỉnh thoảng lại chậm rãi cất tiếng:
Quê ta hạnh phúc trên đường...
Phẩm Thôn lúa tốt bời bời
Bởi chưng lúa tốt do người rắc phân
Con đường tập thể bón chăm
Phẩm Thôn hạnh phúc muôn năm trên đường
Hừ hừ... Phẩm Thôn hạnh phúc muôn năm trên đường...
Lại tiếp tục bài báo nữa lên tay.
Ông Công Mái khó khăn trong việc đọc.
Chữ người viết khó xem:
- Chị em bà dám... không... Chị em ba đảm...
Một là chồng khoẻ dạy con.
Hai là không được sòn sòn năm đôi
Ba là phải gắng bằng hai.
Việc nhà việc nước toàn tài mới ngoan.
Hay... toàn tài mới ngoan. Thơ thì tạm tạm nhưng chữ xấu bỏ sừ...
Ông Công Mái dừng tay vớ cái điếu cày bên cạnh.
Ông tìm chỗ góc tường rải tờ báo cũ rồi ngồi phệt lên.
Thế ngồi vững chãi rồi ông mới vê thuốc cho vào nõ. Ông nói với mình mà như nói với mọi người:
- Đây là kiểu phòng chống nạn say thuốc lào. Thế ngồi thế này là thế dựa tường bất ngã.
Que diêm được bật.
Hơi thuốc lào đồng áng lảnh lên bất ngờ trong tiếng rít rồi lả xuống theo nhịp thở khói và cuối cùng là nét mặt chân quê ngây ngất ngồi tựa vào tường của ông Đại tá về hưu Công Mái. Ông giống như dây sách cũ để quên ở góc tường...
- Ông ơi... Cụ Bao Công ơi...
Cô gái trông coi nhà văn hoá gọi toáng lên khi không nhìn thấy ông Công Mái đọc báo ở bàn. Cô đặt vội đặt túm ngô luộc cả bẹ lên mặt bàn rồi chạy ra ngoài cửa, đến chỗ nọ, ngó chỗ kia.
Vẫn cái giọng hồn nhiên lanh lảnh của gái mới lớn, cô gọi:
- Ông Bao Công ơi... Ông Công Mái ơi... ông ở đâu... ông ở đâu?
Ông Công Mái từ chỗ hút thuốc luống cuống đứng dậy. Giọng ông vẫn còn mùi thuốc lào:
- Bác đây. Bác đây cơ mà...
Ông Công Mái đang đứng trước cửa nhà văn hoá. Cô gái quay lại toét miệng cười:
- Thế mà cháu cứ tưởng ông đi đâu.
- Đi đâu đâu. Say thuốc quá cháu gọi biết mà không thưa ngay được.
- Thật a? Bố cháu cũng vậy. Có hôm say cứ lảo đảo như lên đồng ấy, trông buồn cười quá kia ông ạ...
- Trót nghiện rồi chúng mày thông cảm cho chúng tao.
- Cháu mua ngô luộc cho ông đấy. Ngô ngoài bãi vừa bẻ xong ngọt lắm. Ông ăn ngay đi. Ngô đang còn nóng cháu để trên bàn kia kìa.
- Bác thấy rồi. Cám ơn cháu...
Ông Công Mái cười vỗ nhè nhẹ tay lên đầu cô gái. Nụ cười của ông trông hiền quá. Không biết ông Bao Công mặt nghiêm như sắt ở bên Tàu có bao giờ cười hiền như thế. Cô bé nhìn ông Công Mái nghĩ...
- Ông tìm cái gì trong mấy cái bài báo tường cũ ấy thế?
- Bác có việc...
- Cháu có gì giúp được không?
Ông Công Mái lắc đầu:
- Tự bác lo được. Mày thương bác ra quán nước bà Tũm mua về đây cho bác cốc nước chè tươi.
- Dạ được. Cháu đi ngay.
- Tiền đây con.
- Khỏi cần. Hôm nay con chiêu đãi ông Bao Công. Sáng nay con vừa bán cho đồng nát được mấy cân giấy mọt xong...
Cô bé chạy vút đi như con thoi.
Tội cho nó. Ngoan nết, xinh gái nhưng bị cái anh học dốt nó quấy rầy nên hai lần thi đại học đều rớt cả hai.
Nhìn cô bé, ông Công Mái lại thương cho phận mình.
Hai vợ chồng sống với nhau đằm thắm là thế mà lại chỉ có nhõn một mụn con gái. Ông thèm có một đứa nữa cho ấm cửa ấm nhà mà cố mãi cũng chả được cho dù chỉ là một mụn con gái nữa như cô bé này.
Mà cô bé tên là gì ấy nhỉ? Thôi chết.
Có cái tên của nó để gọi cho thêm phần thân tình mà ông quên mất. Nói gì thì nói đã biết nhau mà cái tên không biết thì làm sao có thể nói là biết được.
Vừa nghĩ tới cô gái đã ào về:
- Ông ơi... nước của ông đây. Bà cụ Tũm vừa hãm ấm mới xong. Nóng sốt tươi xanh. Số ông hên quá. Trả tiền thế nào bà cụ cũng không lấy. Mày mua cho ông Bao Công chứ gì? Dạ phải. Thế thì cứ nói là con mụ Tũm, mụ Tũm xóm Chợ nó biếu. Mày mang thêm cả mấy điếu Vi-na nữa này. Uống nước chè tươi hãm mà không có anh Vi-na đưa thơm thì sao gọi là ông đại tá được.
- Cháu không mang thuốc lá về đấy chứ?
- Đời nào ạ. Cháu nói là ông chỉ nghiền thuốc lào thôi.
- Nước ngon quá.
Ông Công Mái cầm cốc nước lên tay uống từng ngụm nhỏ, mắt nhìn cô bé như đang tìm cách nói một câu nào đấy:
- Cháu gái này... bác vô tâm quá... suốt từ sáng đến giờ... có mỗi tên của cháu mà bác vẫn chưa biết.
Cô bé tít mắt cười:
- Có gì là quan trọng đâu ạ. Bác cứ gọi cháu là cái bé gái. Bác vào ăn ngô đi cho nó nóng. No bụng rồi bác hãy uống nước tiếp không say chè đấy. Giờ cháu xin phép về trước đây. Xong việc bác cứ gửi chìa khóa ở chỗ bảo vệ cho cháu nhá.
Cô bé lại vút đi.
Chỉ lát sau cô bé quay lại. Nó đứng xa nói vọng vào:
- Bác Công Mái ơi... Cháu là cái Trang. Trang con nhà Đoan xóm Giữa ý ạ.
*
Quán giải khát Cây ổi còng...
Tư Diệc ngồi trước mặt Trưởng Công an xã. Bàn nước có bao thuốc Vi-na đã bóc và ly cà phê đang bốc khói.
Nghị như thói quen đặt cuốn sổ tay trước mặt và cây bút thì luôn luôn cầm trên tay...
Tư Diệc:
- Anh mời nước!
- Chị cho xin ấm nước chè được không?
- Trưởng Công an xã chê cà phê của em à? Anh cứ uống đi xem thứ “Ba trong một” này nó có thơm hơn nước chè không?
- Khổ quá. Chị Diệc hiểu nhầm ý thích của tôi rồi. Đâu phải tôi chê cà phê. Có điều từ ngày còn trong quân ngũ kia. Cứ hôm nào có tí cà phê vào người thì rõ ràng hôm ấy mất ngủ.
- Thế còn thuốc lá của em ạ?
Nghị lắc đầu:
- Cũng không. Nhạt lắm. Chị bảo em nào kiếm cho tôi “khẩu bazôca”.
- Chết! Súng à?
- Bà này đùa dai. Điếu cày ý mà?
Tư Diệc nói với cô bé giúp việc:
- Em... sang hàng xóm mượn cho chị cái điếu cày để sếp Nghị dùng.
- Vâng ạ.
- Hãm luôn cho chị cả ấm chè Thái nữa.
- Dạ...
Nghị động đậy cuốn sổ và bút:
- Giờ thì ta vào việc chị Diệc nhỉ...
- Xin anh cứ hỏi.
Nghị nhìn bao thuốc lá.
Cơn thèm dâng lên.
Thực tình là anh nghiện thuốc lá chứ không phải thuốc lào. Phải giữ ý với Tư Diệc nên Nghị nói thác sang là nghiện thuốc lào. Cho nên lúc này dù thèm mấy anh cũng chỉ biết lấy tay cầm bao thuốc nhấc lên đặt xuống như một động tác vô tình, vô cảm của một người không nghiện:
- Hôm qua...
- Tối qua chứ ạ.
- Vâng.
Chưa đợi Nghị hỏi tiếp Tư Diệc đã nói ngay:
- Ling Ling đến cửa hàng em lúc mười giờ hơn, giờ kém gì đó.
- Chị nói cụ thể về thời gian được không?
- Bố ai mà nhớ được... ấy chết xin lỗi... anh thông cảm...! Là người tự do suốt ngày nên có mấy khi em quan tâm đến thời gian đâu. Nhưng Ling Ling, cái Bệp ấy với bạn trai của nó thì em nhớ. Con bé diện. Nước hoa thơm phức. Hoa ngoại hẳn hoi. Bố làm to lắm mà. Thằng kia thì bụi hơn. Thằng Mãnh làng mình thường nay đây mai đó làm ăn ấy chắc các anh quá biết...
- Thằng Mãnh bụi?
- Chả ông Mãnh ấy thì ông Mãnh nào...
- Đúng chứ?
- Anh hỏi hay nhỉ. Nói chuyện với Công an chứ có phải nơi đùa cợt đâu mà em nói dối. Không tin anh cứ thử hỏi mấy con bé giúp việc xem.
Nghị gập vội quyển sổ đứng dậy:
- Cảm ơn chị. Tôi phải đi ngay...
- Kìa anh... nước đang pha.
- Chị cho khi khác...
- Mấy khi rồng đến nhà tôm.
- Không đến nỗi thế đâu chị Tư Diệc ạ...
- Thì em bảo đã...
- Còn gì nữa thế này?
- Anh cầm bao thuốc đi mời các anh hút.
- Đã nói là bọn tôi không nghiện mà.
- Sao mà liêm khiết thế. Có ai đóng thuế việc cầm bao thuốc đâu của anh đâu mà anh ngại. Em còn định biếu các anh mấy lạng chè nữa kia. Nào nhanh lên mấy em.
Một cô gái giúp việc cầm túi chè búp chạy ra.
Nghị xua ta từ chối.
Anh đi nhanh ra chỗ để xe.
Tiếng máy nổ.
Con xe vù đi rất vội...
*
Ông Công Mái lại lần theo từng tờ báo tường...
Vẫn cách điểm báo theo giọng đọc vui vui của ông:
- Chuyện anh nát rượu uống nhầm phải nước lã.
Có một anh tên x, tên y
Miệng một tấc bụng mấy ly
Say trò ti tỉ tỉ ti...
Một hôm uống hết tì tì chai ba
Chưa no... liền một la là
Hét con đi chợ mua ta đồng riều (rượu)
Không thì rụng bát đổ niêu
Không thì múa gậy vung chèo nện cho
Thế rồi...
Chị vợ tức mình vác chai ra chum lấy đầy nước lã vào.
“Nhà em ơi... nào nào... rượu đây, rượu đây”.
“Con bé đâu...?”
“Nó còn bận học”
“Tôi đâu có nhờ cô?”
“Vợ đi mua về cho chồng không ngon hơn à?”
“Hay hay! Mẹ mày biết tôn trọng rượu đấy. Nào đưa anh...! Chà chà... ngon ngon...! Rượu mình mua có đá à? Mát quá...! Mát! Ngon ngon... ngon”.
Và... khì khì... khò khò.
Giỏi. Lão Hớm giò chả thế mà hóm. Làng Phẩm nhân, làng Phẩm tài...
Ông Công Mái cầm tờ giấy khác lên đọc rồi lại gật gật đầu.
Hình như có gì đó thú vị lắm. Những lời lẽ của làng quê gần gụi, hóm hỉnh...
Ông cầm tờ giấy đi đi lại lại trong phòng như muốn ngân nga thêm cái phong vị hóm hỉnh của bài báo nữa:
Một rằng say
Hai rằng say
Một chai ba với một mày nằm suông
Thóc ra chợ
Lợn rời chuồng
Cũng vì một cái lỗ mồm thằng say
Ba đồng một mớ trầu cay
Sao em không biết những ngày còn không
Bây giờ trả nợ thay chồng
Hết tiền vác rá chạy rông suốt ngày
Ba đồng một mớ thằng say...
“Dân kẻ Phẩm ghê thật. Mở miệng đã ra thơ, cất lời là thành biếm hoạ. Vui nhất của cái người làm ra bài này lại đề ở dưới những dòng ca dao tên tác giả của nó là Người đã từng say. Tự cười cợt mình bao giờ cũng là liều thuốc giúp mình chóng lành bệnh. Có thật dũng cảm mới dám lôi mình ra để nhạo.”
Ông Công Mái ngẫm nghĩ như vậy và cảm thấy rất trân trọng những trang viết còn nguệch ngoạc này. Chữ khó đọc. Lỗi chính tả thì đìa ra. Hình thức đầy lỗi nhưng nội dung lại chan chứa sự chân thành.
Với ý định riêng khi tìm đọc những bài báo này ông Công Mái không ngờ lại bắt gặp những dòng viết tươi non như cuộc sống đến vậy...
- Đây nữa, “Thằng còng thằng ngay”...! Gì thế này...?
Ông Công Mái ngờ ngợ điều gì nơi nét chữ rồi đăm đăm mắt nhìn...
Ông lẩm bẩm đọc:
Có trăm thằng còng nuôi một thằng ngay
Thằng ngay thì còng
Thằng còng lại thẳng
Có một trăm thằng dầm mưa dãi nắng
Nuôi béo một thằng ăn trắng mặc trơn
Ghét cái lỗ mồm hơn hớn đức nhân
Căm cái bàn tay những lông cùng lỗ
Cái đồ gà tha, quạ mổ
Cái quân phá hại ăn tàn
Một bọn nhũng tham
Đả đảo!
Bài thơ gây cảm tình nhưng dòng chữ viết trên bài báo đã khiến người xem ngờ ngợ.
Tác giả bài báo đề là Thợ săn chuột Đinh Hùng Dũng.
Người này ông Công Mái biết.
Ông Dũng ít tuổi hơn ông Công Mái đến non một giáp nhưng cũng lứa đánh giặc cả. Người làng gọi ông Dũng là Dũng chuột, Dũng săn.
Ông Dũng từng là lính đặc công, chuyển ngành làm cán bộ hành chính về hưu sớm vì cái tội “nói xấu” lãnh đạo, gọi lãnh đạo trực tiếp của mình là “cái thùng không đáy”, “con thò lò, quân sấp ngửa”.
Ông Công Mái còn biết ông Dũng có tài làm thơ nữa.
Và cái bài thơ ông viết đây trong tờ “Thôn Phẩm ca” có gì đó là lạ quen quen khiến ông lưu tâm...
Ông Công Mái nhìn như xói vào những dòng chữ trên bài báo “Thằng còng thằng ngay”. Thỉnh thoảng lông mày ông nhíu lại như nhận ra điều gì rồi lại dãn ra như chưa hề nhận biết.
Khuôn mặt ông Bao Công làng Phẩm như khuôn mặt của biển ngày đợi bão.
Nhận diện ra thủ phạm bao giờ cũng là niềm vui của người điều tra.
Trong việc này khi chữ nghĩa trong bài báo tường dân dã đã giúp ông Công Mái tìm ra tự dạng của người viết khẩu hiệu Đả đảo bọn tham nhũng trên tường nhà bà Tống Thệp đã dẫn ông đến một nỗi khó xử khác.
Nỗi khó xử nhân tình.
Cũng vì vậy mặt ông Công Mái nặng trịch như mây dồn trước mưa chứ không được nhẹ nhõm như mây lụa buổi sớm nắng.