Ông Tống Thệp ngồi tựa vào xa lông ngủ thiếp đi sau những cơn vật vã. Một cuộc hành xác tự thân của người đa sự, liều lĩnh nhưng lại cả nghĩ.
Cả ba điều ấy giờ như quan toà hiện ra hỏi tội. Ông Tống Thệp đã như là bị can khi gặp ông Cảu Sộ. Còn giờ khi người thông báo chuyện ấy đi rồi thì ông đang như là một bị cáo...
Một đêm địa ngục khủng khiếp với một người từng quyền hành oai vệ, từng tin vào vận mệnh của mình. Hơn hết là kẻ có quá nhiều gửi gắm và hy vọng vào các quan hệ có tính an toàn mang giá trị hàng rào bảo vệ.
Làm sao có sự vĩnh hằng cho những mưu toan, thủ đoạn.
Hàng rào nào bảo vệ được những lối quẩn, đường quanh của những manh tâm.
Đời là vậy.
Ai cũng có chỗ yếu, điểm yếu của mình.
Mạnh mồm chưa hẳn đã mạnh chân tay. Đầy túi chưa chắc không có ngày chết đói, chết khát.
Luật đời như vị thần công lý, công tâm.
Kẻ không sống bằng chính mình luôn là kẻ lo cho mình nhất.
Ông Tống Thệp lúc này đang là loại người ấy.
Những bổng lộc phù du do cách sống thớ lợ mà có rồi cũng có ngày nó biến mình thành kiếp phù du. Với ông Tống Thệp lúc này điều đó đang là sự hăm doạ nếu chưa muốn nói là đe doạ.
Ai đó bảo thằng ăn cắp công khai chỉ là kẻ bần cùng, còn kẻ lưu manh từ tâm địa mới là đứa lưu manh thực sự.
Một bước lên voi cũng có thể một bước xuống chó. Gót chân A-sin khi đã lộ thì giấu cách mấy cũng không sao có thể xí xoá được vết tích.
Không phải bỗng dưng mà ông Cảu Sộ lại báo động với ông Tống Thệp những câu úp mở đến lạnh người như vậy.
Xưa nay với họ là chén chú chén anh, kẻ nâng người đỡ. Kẻ trên bờ người dưới bến. Từng nóng có nhau giờ gặp cơn lạnh liệu có rời nhau?
Không làm sao mà biết trước được. Ông Tống Thệp quá hiểu điều đó. Với ông Cảu Sộ dù như con chấy cắn đôi vẫn không ngoài cái thông lệ sống chết mặc bay mà nhiều kẻ thực thi cho cách sống hiện nay của mình.
May mà ông ấy còn có đôi lời báo cho biết cùng những chắn trước chặn sau. Ông Tống Thệp biết là ông Cảu Sộ đang dựng hàng rào không phải bảo vệ cho Tống Thệp mà là cho chính ông ta.
Đây là cách rút lui chiến lược khôn ngoan của kẻ khi vui thì vỗ tay vào không đến nỗi hiếm trong nhiều cung cách làm ăn hiện nay.
Những điều trao đổi nhắn nhe lúc ấy lại hiện ra trong đầu Tống Thệp cùng những ảnh hình của hai người.
Ông Cảu Sộ lạnh lùng:
- Tôi thông báo vậy cũng là nhắc luôn chú để chú biết. Mọi việc anh em mình đã từng có với nhau cũng chỉ anh em mình biết với nhau thôi. Nếu không may có mệnh hệ gì thì cắn răng mà chịu. Chúng ta tự chịu trách nhiệm trước mình. Luật rồi. Đừng có rút dây mà động rừng. Nếu rừng động cả là không còn cái để nuôi nhau đâu. Tôi tin rằng chú hiểu điều này?
- Anh nghĩ em là người thế nào mà nói vậy?
Ông Cảu Sộ cười nhạt:
- Nhân đây tôi cũng nói thêm với chú, thương thì thương lắm nhưng có những điều dẫu thương đến mấy cũng đành chịu. Tôi đã từng nói với chú. Cái gì cũng nên lấy sự cẩn tắc làm đầu. Nhưng rồi vì quá mải việc mình mà chú quên mất việc người. Giờ cơ sự đã đến trước cửa rồi...
Ông Tống Thệp giơ hai tay ra trước mặt:
- Quả tình...!
Ông Cảu Sộ khép mắt, giọng nhỏ, cảm thông:
- Chú chắc thấm hơn tôi. Nhưng việc nói vẫn cứ phải nói Tống Thệp ạ. Chú biết tính Cảu Sộ mà. Chân tình với bạn đến giây phút cuối. Chú được biết trước như thế này rồi, tôi tin chú sẽ có phương án trù liệu. Còn tôi...
Ông Cảu Sộ lắc đầu giơ ra trước mặt Tống Thệp đôi bàn tay trắng.
Đúng thế.
Ông Cảu Sộ là vậy.
Cưa đứt đục suốt. Lạnh lùng với cả chính máu thịt của mình thì sao có thể gọi là sống chết có nhau với đồng đội chiến hữu được.
Cũng giống nhau cả thôi.
Ông Tống Thệp đã từng thế với người khác.
Chao ôi là cuộc đời. Ăn mặn đã đến ngày chết khát.
“Tống Thệp ơi là Tống Thệp ơi...”
Thế này là muộn chăng.
Liệu có còn muộn hơn nữa được không?
Như chiếc áo nhàu vắt vào thành ghế, thân thể ông Tống Thệp lại oằn lên cơn ác mộng tái hiện lại cuộc đối thoại buổi tối vừa xảy ra giữa ông với ông Cảu Sộ.
Cuộc đối thoại nhát gừng, chậm rãi, nhỏ nhẹ mà sao mỗi lời từ họ phát ra nặng và sắc như những nhát chém.
“Chú phải sẵn sàng với cả những phương án xấu nhất!”
“Em luôn luôn chu đáo với bề trên. Nếu cần gì thêm anh cứ dạy bảo. Kể cả chuyện phải bán nhà bán cửa. Phòng lửa hơn chữa lửa.”
“Biết vậy. Nhưng chú không nghe câu bỏ của chạy lấy người à?”
“Nỡ nào lại thế ạ?”
“Vẫn có cả đấy. Thời kinh tế thị trường mà...”
“Xin thề với anh là chưa bao giờ em ăn một mình trừ cái chuyện dấm dúi với con nhỏ Thẽo này...”
“Ai cũng biết vậy nhưng ra toà sẽ mình chú chịu. Chú tố cáo họ chắc. Liệu hồn đấy. Khối kẻ biết ăn ngập miệng lại còn biết cả thù dai nữa. Đời người còn dài, nhưng nghĩa người với nhau chưa hẳn đã vậy. Cả tôi nữa. Liệu chú có dám nói rằng tôi đã đưa cái nọ cái kia cho ông Cảu Sộ không?”
“Với anh em đâu dám ạ. Em luôn luôn là đứa có trước có sau.”
“Dẫu chú có nói về tôi, xin lỗi nhé, tôi cũng chối. Căn cứ đâu mà chú tố cáo tôi nào. Người đời sẽ cho chú là kẻ đổ vạ. Còn với người khác thì sao? Thách đấy. Mà bằng chứng đâu nào? Có thằng nào nó kí nhận với chú không?”
“Chưa bao giờ có chuyện đó.”
“Phải nói là không bao giờ dám mới đúng. Cứ thử kí xem có khi mất cần câu cơm ngay. Sợ mà vẫn là không sợ. Ăn của đút không biên nhận ngon vô cùng mà. Nhưng họ cũng mất đấy chứ. Họ phải chia sẻ. Chú cũng đã có phần”.
“Luật chơi mà anh. Em hiểu”.
“Vậy đấy. Lộc lá chung chia, tội chịu riêng mình. Khẩu thiệt vô bằng. Quốc tế có vào cũng chịu. Sổ sách không vào, máy móc không ghi, số số gối nhau y sì vậy mà vẫn thâm hụt, vẫn mất mát, vẫn phải bù chi... lạ chưa nào, giỏi chưa nào? Thằng biết cùng lắm chỉ nói mồm, thế giới là khoa học cả ai người ta tin?”
“Em phải làm gì bây giờ?”
“Dám làm dám chịu...”
Ông Tống Thệp vùng vẫy trên xa lông.
“Tôi là vật hiến tế của các người à?”
“Tôi là vật hiến tế của các người à?”
“Tôi là vật hiến tế của các người à?”
Câu thét gọi hay lời ú ớ.
Ba lần cái ngọng nghịu như thế phát ra từ miệng méo của ông Tống Thệp. Tội nghiệp cho kẻ quyền hành khi gặp chuyện.
Ông ta lại tự hành mình trong ác mộng. Thường thường ác mộng chỉ có với kẻ ác chứ làm sao nó có đường đến với những người lương thiện được.
Làm sao Tống Thệp có được giấc ngon như trước đây cho dù đã thiếp ngủ...
*
Mi Viên dậy từ lúc nào.
Cô ta nheo nheo mắt nhìn anh bồ già đang trong cơn mộng mị. Mi Viên nghĩ vậy nhưng thực ra là Tống Thệp mê sảng.
Cả mộng mị lúc này ông Tống Thệp cũng không thể có. Mộng mị còn có điều tốt đẹp còn mê sảng chỉ rặt những sợ hãi.
Loại như Thẽo chỉ biết đổi thân xác lấy cái ăn, cái mặc, cái ở thì chẳng hiểu nổi điềm hung ông Tống Thệp đang phải chịu.
Mi Viên chỉ đoán mò rằng Tống Thệp đang có chuyện gì đó phiền muộn ở nhà do điện của mụ vợ già gọi lên.
Đời sống riêng của cô ta bị xâm phạm.
Tính ích kỷ của đàn bà khiến Mi Viên thấy bực bõ, khó chịu. Một sự hậm hực vô lối của kẻ ăn nhờ, ở đợ nhưng nào cô ta có biết.
Đàn bà khi đã xỏ sẹo được đàn ông họ nghĩ mình sẽ là tất cả.
Giờ lại nhìn thấy cái đống thịt nhão đang như một thây ma của ông Tống Thệp nằm vắt trên xa lông cô ta chỉ biết bĩu môi, cười khẩy...
Có điện thoại...
Mi Viên uể oải đứng lên...
Một cuộc hỏi đáp qua máy:
- Ai gọi điện thế ạ?
- Mày là đứa nào?
Mi Viên vặc lại:
- Mày cũng là đứa nào?
- A... giỏi... giỏi quá... Đứa nào đang ở trong nhà tao thế...?
Giọng Mi Viên chùng xuống:
- Tôi là người nhà ông Tống Thệp. Bà là ai? Bà cần gì mà gọi vào lúc sáng sớm thế này chứ?
- Tao là ai ư? Vợ Tống Thệp đây con lạc loài, con chết đâm chết chém, con bán thân nuôi miệng kia ạ.
Mi Viên thừ người.
Giọng bà Tống Thệp nống lên trong máy:
- Giỏi quá là giỏi thôi lũ trai trên gái dưới này.
Mi Viên luống cuống:
- Dạ... dạ... cháu... cháu...
- Giời ơi... bảo lão Tống Thệp ra đây. Giời cao đất dày ơi. Con gái thì mất tích, bố đưa đĩ vào nhà...
Mi Viên đanh đá:
- Này này bà ăn nói cho cẩn thận nhá...
- Tao thì đập cả cái máy vào mặt mày bây giờ...
Mi Viên cũng không vừa:
- Đập đi. Gái này thách đấy.
Nghe tiếng nói to của Mi Viên ông Tống Thệp giật mình:
- Gì thế...?
Mi Viên đặt mạnh máy điện thoại lên mặt bàn:
- Yêu tinh gọi.
Ông Tống Thệp chồm người lên cầm máy:
- A lô...
- Lô lô cái hoa cái nhà ông. Con đĩ nào đang léo nhéo thế...? Chết đến nơi rồi mà còn hú hí được...
Ông Tống Thệp chống chế:
- Chuyện gì thế nói đi. Con bé giúp việc ở ngoài phố tôi vừa bảo về dọn nhà ý mà. Lắm việc quá bà biết không...?
- Biết. Việc đú việc đởn. Ông có đuổi hẳn con đĩ ấy đi rồi về ngay nhà mà đi tìm con gái không...
Ông Tống Thệp hốt hoảng:
- Con Ling Ling bị sao rồi...?
- Sao giăng cái hoa cái nhà ông! Nó mất tích từ tối qua đến giờ chưa thấy tăm hơi mặt mũi đâu cả. Con ơi là con, chồng ơi là chồng...
Ông Tống Thệp dập vội máy.
Mi Viên vẫn đứng cạnh bĩu môi, lừ mắt:
- Số ruột. Cứ làm như chết đến nơi.
Bất ngờ tay ông Tống Thệp vung ra.
Một bên má Mi Viên lạng đi vì cái tát như trời giáng của người tình.
Cô ta ôm má thét lên:
- Đồ thú dữ.
Ông Tống Thệp hung lên:
- Mày nói gì?
Mi Viên không vừa:
- Giận cá chém thớt. Chó chứ không phải người.
Ông Tống Thệp vẫn đang đà giận:
- Chó đấy. Ai khiến cô đôi co với bà ấy. Đã dặn rồi cơ mà...
Mi Viên tấm tức:
- Nhưng ức không chịu được.
Ông Tống Thệp đay giọng:
- Ngu thế. Làm mèo mà không biết giữ cái lỗ miệng...?
Mi Viên đay lại:
- Nói vậy mà nghe được. Ai? Ai nào...?
Ông Tống Thệp thét to:
- Có thôi đi không?
Mi Viên bĩu môi:
- Không đấy.
- Phải biết điều một tý chứ?
Mi Viên không sợ, doạ lại:
- Thằng nào con nào? Muốn đây làm toáng lên không.
Ông Tống Thệp chợt nhận ra dù ở hoàn cảnh nào đánh phụ nữ cũng là đồ tồi cả nên vội vàng nén giận lại ngay và tìm cách dịu lời:
- Thôi thôi... cho anh xin lỗi. Em không thấu cho hoàn cảnh anh trong những lúc như thế này đâu. Gọi điện ngay cho lái xe bảo chuẩn bị đưa anh về quê đây. Rồi em sẽ hiểu. Sống với nhau ngần ấy thời gian, nghĩa tình đến thế mà em cũng không thông cảm cho anh được hay sao. Giúp nhau đi Mi Viên.
Mi Viên vùng vằng:
- Không đấy.
Mi Viên vẫn trong cơn ấm ức. Ông Tống Thệp lại nóng mặt:
- Nhõng nhẽo mãi. Thẽo...?
Mi Viên sẵng giọng:
- Chưa chết ngay đâu mà sợ.
- Giời ơi...
Ông Tống Thệp giậm hai chân xuống nền nhà.
Giá có cái gì nơi tay hoặc gần tay ông có thể cầm lấy và ném cho Mi Viên một cái cho hả.
Khi lên cơn dù cho bất cứ hoàn cảnh nào con người thường xử sự với nhau theo cái gốc gác bản năng của mình. Lúc ấy mọi vỏ bọc đều rơi xuống hết để chỉ còn trơ lại một khối sống hồn nhiên, tự nhiên như chính gốc gác của nó.
Do vậy giữa ông Tống Thệp và Mi Viên có hàng tôm hàng tép với nhau kể cả những phũ phàng anh chị nữa cũng không có gì làm lạ. Rồi bất ngờ ông Tống Thệp tát Mi Viên và có thể ném cả và người cô nữa cũng là chuyện của kẻ đang giận.
Con người đã đến nước khùng thì chuyện sáng suốt chỉ là chốc lát.
May cho Mi Viên là ông Tống Thệp chưa tìm được vật ném thuận tay...