Đinh Hùng Dũng đang chăm chú bên cái bẫy chuột.
Dáng ông ngồi thoải mái trên cái chiếu đã cũ trải nền hè, chân buông thõng xuống sân.
Bạn với ông Dũng là chiếc ấm ủ, mấy cái chén uống nước chè và cái điếu cày đã lên màu nâu bóng. Mải việc nhưng miệng ông vẫn lẩm nhẩm điều gì đó.
Ông đang vừa làm bẫy vừa sáng tác thơ...
Cái con chuột này
Cái con chuột này
Mồm nhọn như gai
Tai quắt
Lưng gù
Lưng gù tai quắt
Cái con chuột đồng
Cái con chuột nhắt
Cống cống
Hang hang
Lũ lũ đàn đàn
Tay này ông quây
Bẫy kia ông bắt
Ông băm ông chặt
Chết cha bay đi lũ đào lũ khoét
Chết cha bay bọn dịch hạch hại người...
Đinh Hùng Dũng gật gù.
Ông nhìn ngắm chiếc bẫy trước mặt. Tay ông nắn nót lại dáng bẫy, giương lên rồi bật mở. Ông làm đi, làm lại nhiều lần. Những động tác này là cách thử, cách xem lại độ nhậy của khung, của lẫy. Cái bẫy như là nhân vật chính trong cuộc biểu diễn tập dượt săn chuột của nhà thơ làng Phẩm được phù hoạ bởi những câu văn vần sang sảng đầy tính chiến đấu.
Động tác thiện nghệ của kẻ săn lành nghề bên cái bẫy chuột thủ công khi giương khung sắt và gạy gạy chỗ cài mồi. Mục tiêu làm bẫy của ông là một phát chết tươi đối tượng mà ông căm ghét. Ông gọi đây là đòn đánh giập mặt kẻ phá hoại.
Phải nói là cái bẫy sau lần cải tiến thêm này của ông Đinh Hùng Dũng rất mạnh và rất nhạy. Người cải tiến bẫy đã rất kỳ khu trong tính toán để khi con vật chỉ hơi động nhẹ một tí bẫy đã sập. Đây là cái nháy mắt của người thạo nghề đã nâng sự săn bắt lên thành kỹ nghệ bẫy.
Ông Đinh Hùng Dũng lại nhìn ngắm nữa rồi tiếp tục thử đi thử lại thêm. Một chút gì đó chưa ưng ông lại sửa tiếp. Sau đó vẫn cái động tác bật mở thử đi, thử lại ấy nhìn thật vui mắt nhưng sốt ruột. Phải nói đứng về mặt làm bẫy diệt chuột Ông Đinh Hùng Dũng là người cẩn thận. Quá ư cẩn thận.
Rồi ông mắc mồi và lại... thử nữa!
Không biết vì cảm xúc thơ hay vô ý trong nghĩ ngợi mà cái sự rung động của cái lẫy bẫy chuột đã khiến ông thi sĩ làng Phẩm giật thót người.
Cái bẫy chuột sau lần cải tiến hiệu quả này đã bất ngờ bập vào ngón tay nhà thơ Đinh Hùng Dũng khi ông chưa kịp rụt tay ra.
Đau quá.
Điếng lên tận óc.
Ông Dũng chuột xuýt xoa về sự vô ý và chủ quan của mình.
Chả trách con chuột nó chết ngay đứ đự khi sập bẫy là phải.
Cái bẫy chuột này
Bẫy chuột này
Bẫy mà không khéo bẫy phải tay
Cái bẫy chuột này
Bẫy chuột này
Chàng Đinh Hùng Dũng thế mà hay
Nện cho tham nhũng đòn ngang mặt
Hể hả bao nhiêu
Nỗi ức này...
Ông Đinh Hùng Dũng xoa xoa chỗ tay đau và lại đọc thơ.
Những câu thơ tức cảnh ông vừa ứng tác...
Ông Công Mái đã vào dến cổng nhà ông Đinh Hùng Dũng mà ông vẫn không hề hay biết. Ông lấy ngón tay gõ gõ vào cánh cổng gỗ làm hiệu cho chủ nhân biết rồi mới đánh tiếng:
- Chào chú Đinh Hùng Dũng.
Ông Đinh Hùng Dũng ngẩng vội lên nhận mặt khách rồi nghe tiếp lời khách:
-Thơ hay lắm. Mới sáng tác hả?
Ông Dũng cười:
-Tức cảnh sinh tình mà. Bác đến chơi.
Ông Công Mái ngắm nghía cái bẫy chuột hỏi:
- Có sáng kiến gì làm bẫy chuột mới đây?
Ông Đinh Hùng Dũng phân trần:
- Bác. Em đang cải tiến độ nhậy của nó. Nhậy quá, không ngờ nó lại sập đúng vào ngón tay mình. Đau ra phết anh ạ. Chả trách bọn chuột gặp bẫy em cứ đứ đự như rắn bị đập gậy.
- Cái khoản này thì cả làng Phẩm phục chú rồi. Nếu mà thành lập nhà máy làm bẫy chuột có khi chú được cử làm giám đốc mất.
Ông Dũng lảng sang chuyện khác:
- Bác ngồi chơi xơi nước...
- Cứ làm tiếp đi. Tôi vừa uống nước ở nhà xong.
Ông Dũng rót nước ra hai cái chén vại. Màu nước thẫm màu cà phê lên khói thơm ngát mùi lá:
- Mời bác xơi nước. Vối nhà em mới ủ đấy. Bên bác chắc dùng anh chè hãm? Uống anh chè hãm cũng hay, thơm lá tươi lại có vị chát của chè.
- Có hôm uống cả vối nữa. Lá vối hay chứ chú. Nó đậm và ấm. Uống anh này vào ngày rét càng tuyệt. Nhưng phải là uống nóng. Ngày hè tất nhiên là uống nguội rồi. Có viên đá sạch cho vào càng ngon. Nhà mình uống cả hai thứ. Tuỳ bà xã cho uống gì mình uống nấy. Chú uống nước. Chà... thơm...
Ông Đinh Hùng Dũng ngước mắt nhìn ông Công Mái. Cái nhìn như biết nói của người biết nhau, hiểu nhau:
- Bác sang em giờ này chắc có điều gì dạy bảo?
Ông Công Mái lúng túng trước cách hỏi này:
- Không dám. Tiện ghé qua...
Ông Đinh Hùng Dũng xoà cười:
- Em biết tính bác? Không có việc là rồng không tới nhà tôm đâu.
Ông Công Mái ý tứ:
- Lại phê bình anh rồi.
Ông Dũng nét mặt nghiêm túc:
- Em nói vui với anh ý mà. Hưu quan rồi mà vẫn trăm công nghìn việc. Được như bác là quý và hiếm lắm.
Ông Công Mái cười phá ra:
- Ha ha... Chú chỉ được cái nhắc đúng. Càng già càng tham...
- Ham thì đúng hơn.
- Ham với tham thì có gì khác nhau.
Đinh Hùng Dũng đập tay xuống chiếu:
- Cũng vần “am” cả nhưng “am” của bác nó khác. “Am” đây là “am” nhân đức, “am” công bằng, “am” việc tốt cho mọi người.
Ông Công Mái lắc lắc đầu:
- Không dám! Không dám! Mái Công này chỉ muốn bằng mọi người thôi. Chú Đinh Hùng Dũng khen tôi quá.
Đinh Hùng Dũng bỗng nghiêm chỉnh lại:
- Vòng vo tam quốc mãi. Lính tráng gì mà cứ như con kiến leo quanh. Em muốn nói là chuyện của anh và em ấy. Em biết. Đã để anh phải cất công sang đây chắc là phải có việc gì đó khẩn cấp lắm.
Phút lặng giữa hai người...
Ông Công Mái nói:
- Cũng chả có việc gì ghê gớm lắm đâu. Chả là...! Phải xin lỗi chú trước. Tôi quan liêu quá. Sống cạnh nhà thơ mà không biết...
Ông Đinh Hùng Dũng có một chút thót người:
- Bác cứ đùa em?
- Tôi nói thật đấy...
- Em chỉ là Dũng săn, Dũng chuột thôi...
Ông Công Mái khá khá cười to:
- Còn “Thằng còng thằng ngay” là Dũng nào...?
Ông Đinh Hùng Dũng lúng túng:
- Bác...!
- Hay... thấm thía... dũng cảm...
Ông Công Mái dừng lời rồi hắng giọng như lấy đà đọc những câu thơ của Đinh Hùng Dũng mà ông đã nhập tâm được ngay từ lúc đọc nó ở nhà văn hoá xã. Cái hay chả cứ phải gáy to gáy nhỏ gì chỉ là trang giấy học sinh rọc vụng cùng những câu thơ rút ruột...
Có trăm thằng còng nuôi một thằng ngay
Thằng ngay lại còng
Thằng còng thì thẳng!
Ông Đinh Hùng Dũng gãi gáy:
- Mấy câu báo tường của xóm ý mà bác. Chấp làm gì.
Ông Công Mái đọc thơ của ông Đinh Hùng Dũng mà như đọc lời của chính mình. Cách đọc thơ này lại mang cả cái ngụ ý xa xôi gì đó nữa với tác giả của nó.
Sắc mặt ông Đinh Hùng Dũng hơi thay đổi.
Một thoáng nhận ra, một chút ngại ngùng trong đôi mắt của anh thợ săn chuột và người làm thơ làng Phẩm trước một bậc cao niên hơn mình, một người mà ông quý mến như anh và kính trọng như thầy bởi phẩm hạnh và đức độ.
Ông Đinh Hùng Dũng thường nghĩ, cán bộ ai cũng như ông Công Mái thì dân sẽ đỡ vất vả, đỡ khổ đi rất nhiều.
Ông Công Mái là mẫu người chỉ sợ phải làm việc không tốt cho người khác. Chỉ lo mình có gì đó không phải với mọi người.
Còn lúc này đây Đinh Hùng Dũng biết mình sẽ phải nhận đòn của ông anh nhưng không vì thế mà ông ngại.
Cái muốn biết vì sao ông Công Mái đến thăm do tinh ý ông Đinh Hùng Dũng đã biết. Khi đã biết rồi nên Đinh Hùng Dũng như chiếc ghế vừa bị đẩy nghiêng giờ đang lấy lại độ phẳng bằng sự chủ động của mình...
Đinh Hùng Dũng trở lại là anh lính đặc công gan lì và linh lợi thuở đánh giặc và anh cán bộ hành chính ăn ngay nói thẳng ngày nào:
- Bác biết cả rồi phải không?
- Nét chữ của chú có trộn cũng chẳng lẫn. Tôi đã được xem cái bảng của chú treo vào vườn nhà bà Tống Thệp. Đúng là Dũng đặc công...
- Tin đồn về bác quả không sai. Lính hình sự xịn.
Ông Công Mái khiêm tốn:
- Đâu có. Tôi cũng chỉ gia công thôi. Đi bộ đội mãi mới chuyển ngành...
- Vậy mà bác tài thế?
Ông Công Mái bật cười:
- Tài cái con khỉ. Cái chữ của chú lồ lộ ra thế chỉ cần mất công một tí là ra ngay chứ có khó khăn, hóc hiểm gì đâu.
Ông Đinh Hùng Dũng gật gù:
- Em cứ nghĩ kín mà lại hở...
Ông Công Mái gật đầu.
Ông nhìn ông Dũng. Cái nhìn đồng đội pha chút trách cứ.
“Mục đích thì không sai nhưng hình thức lại có gì phạm pháp”!
Cái khẩu hiệu Đả đảo bọn tham nhũng ấy làm sao có thể sai được khi mà hôm nay có kẻ còn tham nhũng đến cả xương máu bạn bè, đồng chí, đồng đội. Có kẻ còn lấy đó là mục đích sống trong cái vỏ ngoài liêm khiết, đạo đức. Chúng là một lũ người giả dối tàn nhẫn mà có lúc nhân dân phải gật đầu cung phụng.
Đáng buồn là...
Ông Công Mái không nghĩ được tiếp nữa vì ông Đinh Hùng Dũng đã không hắng giọng như thói quen mà liên tiếp ra lời. Ông tranh luận và phản pháo trước bằng cách nhắm thẳng vào đối tượng:
- Bác đã rõ rồi em không phải chối quanh và thanh minh nữa. Dám làm dám chịu. Đinh Hùng Dũng xưa nay vẫn thế. Chắc Công Mái cũng vậy?
Ông Công Mái gật đầu cười tủm rồi đưa mắt nhìn như có ý muốn nghe Đinh Hùng Dũng nói tiếp:
- Với gia đình Tống Thệp ấy...? Có khi bác còn hiểu họ sâu hơn em. Nhà ấy lấy tiền đâu ra mà xây. Biệt thự trên phố, một cái ở, một cái cho thuê là từ nguồn nào đưa đến. Lương cán bộ cóp nhặt mà thành ư? Còn lâu nhá. Ngay bác là đại tá lương to đuỳnh như thế thử hỏi là có đủ để xây toà ngang dãy dọc.Trong thần thoại cũng không có. Vậy mà gia đình họ tiền của đập ngay trước mắt. Còn hàng tỷ đồng cho thằng con đi học ở Tây, hàng trăm triệu đồng cho con bồ nhỏ ở phố... tiền ấy lấy đâu ra? Hay là họ có của chìm của nổi mẹ cha để lại. Xin lỗi nhé. Cũng bần cố nông như anh em mình cả thôi. Vậy mà... vẫn cứ tồn tại vẫn cứ hơn hớn cười...
Ông Công Mái bình thản:
- Đấy là chưa đến lúc thôi...
Ông Đinh Hùng Dũng nhìn ông Công Mái:
- Bao giờ mới là đến lúc?
Ông Công Mái vẻ bình tĩnh:
- Các nhà thơ là hay sốt ruột...
Ông Đinh Hùng Dũng hơi có vẻ khó chịu:
- Xin lỗi anh Công Mái nhá, thằng này chỉ là Dũng chuột, Dũng săn thôi. Võ sĩ đặc công đánh thẳng. Không đả đảo tham nhũng vào lúc này thì còn đả đảo vào lúc nào nữa. Bực mỗi điều là dưới biết mà trên chưa biết...
Ông Công Mái nghiêm nét mặt:
- Chú dám chắc thế à?
- Em nghĩ vậy.
Ông Công Mái chân thành:
- Không được. Anh em mình đều là cốt cán, đều là những người tốt. Ta không được nói oan cho trên.
- Bác như nghị quyết ấy.
- Chú làm tôi tự ái đấy chú Đinh Hùng Dũng ạ.
Ông Đinh Hùng Dũng đặt tay vào ngực trái mình:
- Em nghĩ là em không làm sai.
Ông Công Mái đặt bàn tay mình lên bàn tay của Đinh Hùng Dũng:
- Nội dung thì đúng nhưng cách thực hiện chưa phải lúc. Chú nên nhớ là khi cơ quan điều tra chưa có kết luận thì người ta vẫn chưa có tội.
- Đấy là về mặt luật.
- Cuộc sống này có gì ngoài luật đâu.
Ông Đinh Hùng Dũng lắc đầu:
- Bác nhầm. Có đấy. Nhiều nữa là đằng khác. Tỷ dụ như nhà Tống Thệp chẳng hạn. Dư luận xấu về họ nếu thu lại đem chất đống có khi bằng cái nhà mấy tầng. Việc này có thâm niên rồi. Lâu đến mức người có tính mát cũng phải sốt ruột. Ai cũng bảo là sẽ thế này, sẽ thế nọ. Sao mà cái sẽ của họ lâu thế? Liệu cái câu đợi được vạ má đã sưng của ngày xưa còn đúng với ngày nay không. Anh là người từng tham gia đánh nhiều vụ án lớn nhỏ, em hỏi anh đấy?
Ông Công Mái đứng lên nhìn thẳng vào mặt ông Hùng Dũng, cái nhìn vừa vị tha vừa nghiêm khắc:
- Tôi biết chứ. Đợi được vạ má đã sưng thì còn gì giá trị của luật nữa. Phép nước bao giờ cũng nghiêm...
- Cái quan trọng là người thực thi phải nghiêm.
Ông Đinh Hùng Dũng đáp lại.
Ông Công Mái trả lời ngay:
- Rất đúng. Nhưng cũng không phải vì thế mà vứt khẩu hiệu đả đảo vào nhà người ta khi cơ quan điều tra chưa có kết luận. Chú có biết trong chiến đấu để súng cướp cò hay nổ đạn trước lệnh bị tội gì không? Không ngờ người có thâm niên đánh giặc lại có hàng thúng chữ trong bụng mà lại hành xử thiếu chín chắn như thế. Cũng khẩu hiệu ấy chú viết ở bảng thông tin xã, ở tường đình, tường chùa, tường quán ai dám bàn. Cho nên tôi nói việc làm là đúng nhưng chưa phải lúc, phải nơi là thế. Tôi nói vậy chú thấy thế nào?
Ông nhà thơ đặc công Đinh Hùng Dũng chỉ biết há hốc mồm nhìn ông Đại tá Công an về hưu mà chịu trận trước câu hỏi này. Đi trận nhiều rồi ông Đinh Hùng Dũng biết cái nguy hại của súng cướp cò. Tuy vậy ông vẫn ức. Cho dù cái ức có là bản năng đi nữa thì suy cho cùng ông sai ở chỗ nào nào?
- Lương tâm nó xúi em làm việc ấy anh Công Mái ạ!
Ông Công Mái lắc đầu:
- Chả nhẽ lương tâm tôi khác lương tâm chú? Mình có cái chung ấy đấy Đinh Hùng Dũng ạ. Chỉ tiếc là phương pháp khác nhau.
Tự nhiên Đinh Hùng Dũng nổi máu hiệp sĩ:
- Nếu bác đến để dạy dỗ khuyên bảo em những điều đúng, điều phải em xin nghe. Nhưng nếu đồng chí Công Mái bảo đồng chí Đinh Hùng Dũng thu gươm lại là không xong với em đâu. Đã gươm tuốt khỏi vỏ rồi nhất quyết Đinh Hùng Dũng này không cho lại gươm vào bao khi trước mặt vẫn còn bọn ăn cướp đâu...
Ông Công Mái cười.
Nụ cười của ông vẻ như vô tư, không ra đồng cảm cũng không ra phản đối.
Đây là nụ cười không tỏ rõ quan điểm như nhà thơ làng Phẩm nghĩ. Một kiểu cười trừ bớt đi cho những căng thẳng chăng?
Ông Đinh Hùng Dũng nói tiếp:
- Em bộc lộ cảm xúc và quan điểm rồi đấy, thưa ngài đại tá. Ngài nghe được thì xin mời ngài nhâm nhi cùng em tý tửu thuốc ta đàm đạo tiếp chuyện đời. Nhược bằng em có vấn đề cần ra công an trình diện thì cũng xin ngài cho biết để em chuẩn bị...
Ông Công Mái vỗ hai tay vào nhau:
- Chú khủng bố anh đấy à?
Ông Đinh Hùng Dũng cười:
- Không dám...! Không dám...
Ông Công Mái tự lấy chai rượu thuốc của ông Đinh Hùng Dũng để trên tủ xuống rồi cũng chính ông rót cho hai người và nâng một chén về phía chủ nhân:
- Xin chúc mừng tấm lòng của chú?
Ông Đinh Hùng Dũng nhíu mày:
- Còn hành động?
Ông Công Mái lắc đầu kiên quyết:
- Cái này, lúc này chưa thể chúc mừng được. Mọi điều muốn nói với chú tôi đã nói rồi. Chú vui lòng tôi vui lòng theo. Nhược bằng nếu chú buồn bực, chú không bằng lòng anh cũng đành chịu. Việc riêng cũng là việc chung. Anh em mình đều thế cả. Chú vì cái chung mà bộc bạch tâm huyết của mình. Anh cũng vì cái chung mà phải phân trần cùng chú những điều mình băn khoăn, những điều mình cho là chưa hợp.
- Em có tội chứ gì? Bác cứ nói toẹt ra có phải hơn không.
Ông Công Mái vẫn nụ cười hiền:
- Chú mà có tội thì chúng tôi sống với ai? Có điều...
Ông Công Mái nhìn ông Đinh Hùng Dũng như muốn nói tiếp những điều muốn nói qua cái nhìn đầy ắp tâm sự của mình.
Ông Đinh Hùng Dũng cũng có cái nhìn lại như thế.
Những cái nhìn vân vi nhiều ý tứ của những người quá hiểu nhau và đang có điều khó nói với nhau.
Ông Công Mái lảng sang chuyện cái bẫy chuột:
- Chú đã đỡ đau tay chưa, cái ngón bị bẫy sập ấy?
Ông Đinh Hùng Dũng hơi đỏ mặt:
- Vẫn còn âm ỉ...
Chuyện về cái khẩu hiệu viết trên tường nhà Tống Thệp như muốn lãng đi khi hai người chạm chén uống hết chỗ rượu.
Họ lại nhìn nhau...
“Việc nghe như chẳng có gì, lại hợp tình nữa nhưng chưa thật hợp lý.
Nó cũng có thể bị pháp luật rờ đến khi muốn ra tay!
Nhưng cuộc đời có những điều ta cứ nghĩ là nó sai nhưng truy nguyên đến cùng lại chưa hẳn là thế.”
Ông Công Mái đã nghĩ như vậy.
Cái nhìn của ông Công Mái lúc này như muốn nói với ông Đinh Hùng Dũng điều suy nghĩ ấy của mình.
Bài thơ “Thằng còng thằng ngay” thấm thía bao nhiêu thì cái việc vẽ khẩu hiệu lên tường và treo khẩu hiệu lên cây kia nó nông nổi bấy nhiêu nếu không muốn nói là manh động và đầy tính bản năng.
Ông Công Mái sẽ phải nói sao với Nghị Trưởng công an xã về chuyện này khi mà tấm lòng của người viết thì tốt nhưng động cơ thì có điều phải bàn, phải nhắc nhở và phải gì gì nữa khi ta muốn quy kết nó?
Thủ phạm đã tìm ra...
Nhưng thủ phạm lại là người của chính lòng mình.