Tại Trụ sở Công an xã.
Gặp Nghị, ông Công Mái hỏi:
- Đã có tung tích gì của Ling Ling chưa?
Nghị lắc đầu:
- Em đoán là con bé đang bỏ đi đâu chơi chưa về. Huyện có gọi điện về nói là tình hình an ninh trật tự vài ngày qua bình thường không có biến động lớn. Như vậy là không có án. Còn việc nó đi đâu, đã xảy ra chuyện gì chưa thì em và tổ công tác vẫn đang lần. Mối cuối cùng là Mãnh nhưng Mãnh vô can. Em đã hỏi Tư Diệc rồi. Chị ta đỏ mặt gật đầu vì có dan díu với anh ta đêm ấy. Nhàm quá. Cái quán Cây ổi còng này càng ngày càng phức tạp anh ạ.
- Thì tôi có nói là nó đơn giản đâu.
Nghị nhăn trán. Nỗi ám ảnh về cái quán giải khát không có những sinh hoạt đàng hoàng này lại day dứt anh:
- Em nghe nói chỗ này đang có dấu hiệu buôn phấn bán hương...
- Tôi cũng có nghe nói chuyện này. Có điều họ mới chỉ lại qua chốc lát rồi đưa biến nhau đi đâu không ai biết. Trai gái tìm hiểu nhau đã đành. Đằng này toàn những loại băm, có nơi có chốn cả.
Nghị gật đầu:
- Đúng như bác nói. Em cũng đã cho anh em đi trinh sát. Hiện tượng có. Nhiều người tận làng bên đưa nhau đến đây hẹn hò rồi hôn hít nơi vườn ổi sau đó thì lên xe đi với nhau. Rồi đến đâu nữa? Địa bàn thì rộng. Có bờ sông, bãi ngô, bãi rậm. Chỗ của làng này, chỗ của làng khác. Họ đưa nhau đi làm gì sao mà biết được. Đẹp thì không đẹp rồi nhưng can thiệp thế nào cho phải lẽ em đang tìm phương án...
- Phương án gì thì phương án cũng phải đúng pháp luật. Chú nhớ kỹ cho anh điều đó. Họ là người làng nhưng cũng là người nước. Thiên hạ nữa. Nước có luật nước, làng có lệ làng. Lệ làng gì thì lệ làng nhưng cũng phải tuân theo luật nước. Ai cấm được người ta ngồi với nhau. Kể cả nằm với trai như cô Diệc nữa. Trai chưa vợ gái chưa chồng mà. Hợp lý quá chứ lị. Đẹp thì không đẹp, nhưng thế nào là xấu thì phải có cách giải thích.
- Không dễ! Phải không thưa bác?
Ông Công Mái lắc đầu cười tủm:
- Đúng là thế đấy chú Nghị ạ. Khó chưa? Hoàn cảnh của cô Diệc xét cho cùng cũng là đáng thương.
Nghị tiếp lời ông Công Mái ngay:
- Đáng giận nữa. Mang ô uế về làng về xóm. Góp ý nhẹ nhiều lần rồi không chịu nghe. Loại này là ưa nặng bác ạ.
Ông Công Mái thở dài:
- Có cớ phạm pháp tôi ủng hộ các chú ngay. Đằng này quán giải khát của cô ta giở giăng giở đèn. Cứ chấp chới giữa phạm pháp và không. Giỏi là giỏi biến báo ở điểm này. Không biết cô ta học ở đâu được cái cách quái gở ấy. Chuyện trai gái nhăng nhít hẳn hoi vậy mà...?
Ông Công Mái nhìn Nghị với cái nhìn trách nhiệm của người biết lo và muốn cùng Trưởng Công an xã lo.
Nghị chắc giọng:
- Bác yên tâm. Giỏi mấy thì giỏi cũng có lúc sơ hở. Đi đêm mãi rồi cũng có ngày gặp ma.
Ông Công Mái thở dài:
- Đánh thì dễ nhưng bảo ban được mới là chuyện nên làm. Với Tư Diệc tôi vẫn nghiêng về phương án thuyết phục. Hoàn cảnh cô ấy như thế giờ mà vấp ngã nữa chỉ có xuống vực. Tôi vẫn thấm thía câu dạy của đạo Phật: Cứu một người phúc đẳng hà sa. Loại người này giờ vì tiền mà không biết sợ cũng là vì trường đời của người ta còn nông cạn. Khối kẻ kinh nghiệm sống đầy mình còn ham hố nữa là Tư Diệc. Việc Cây ổi còng chú để tôi tìm cách nắn. Khi nào không còn cách khác nữa tôi sẽ báo cáo với chú. Giờ ta sang chuyện đang nóng đi. Mải lo chuyện nhà Tư Diệc mà quên mất nhà Tống Thệp là hỏng. Đang thời sự nóng của làng Phẩm mình...
Nghị lấy tay đập nhẹ xuống mặt bàn:
- Khuấy mất. Xin lỗi bác. Đang chuyện nọ, quàng chuyện kia.
Ông Công Mái lắc đầu:
- Có lỗi gì mà phải xin. Chuyện nào không là chuyện. Có điều chuyện gì làm trước, chuyện gì làm sau thôi.
Nghị bóp cục tay:
- Đã dữ dội, đang dữ dội. Có khi còn dữ dội hơn. Chắc là thế. Không phải giậu đổ thìm bìm leo mà là đá lăn núi lở. Sau chuyện này bà Tống Thệp ngày càng khủng khiếp hơn. Nhất là sau khi gọi điện lên thành phố cho ông Tống Thệp và bất ngờ phát hiện ra chồng có bồ nhí bà ấy cứ như bị lửa đốt.
Ông Công Mái giật mình:
- Có chuyện đó thật sao?
- Anh chưa tin phải không?
Ông Công Mái bần thần:
- Tôi cứ nghĩ...
Nghị cười nhẹ:
- Anh cứ tưởng ai cũng như anh phải không? Anh cứ tưởng những người như ông Tống Thệp bây giờ không dám làm chuyện ấy à? Nhầm đấy ngài đại tá ạ. Ngày nay chuyện ấy không còn cá biệt nữa. Em nghe nói có sếp còn đi bia ôm ngay cả trong ngày đi cứu trợ đồng bào hoạn nạn cơ.
- Chuyện ấy có báo gần xa đã ám chỉ rồi. Tôi muốn nói đến ông Tống Thệp của làng mình kia. Việc chú kể nghe cứ như của ai...
Câu nói của ông Công Mái vẻ như thật, lại vẻ như đùa.
Nghị bất chợt như trông thấy gì rồi vội chỉ tay ra ngoài:
- Bà Tống Thệp rên từ trong nhà ra tận ngoài ngõ. Bà ấy như muốn phát điên, phát rồ. Kia kìa, anh xem...
Trên đường làng, từ xa bà Tống Thệp mặt mũi hốc hác đang đi lại.
Bà ta xơ xác như tàu chuối khô bị gió tướp.
Hình ảnh này thật trái ngược với một mệnh phụ lúc bình thường khác, cho dù chỉ là sự chắp vá giữa quê và tỉnh.
Chẳng ai ngờ có lúc bà Tống Thệp lại không phải là bà Tống Thệp như lúc này.
Người lớn trong làng thập thò nơi cửa nhìn ra rồi nhìn nhau.
Léo nhéo lũ trẻ con chạy theo sau như thói quen trêu trọc và tò mò trước kẻ dở người mà chúng thường có.
Tiếng của bà Tống Thệp toé lên át hẳn cả tiếng bọn trẻ:
- Chồng mất đằng chồng con đi đằng con. Tống Thệp ơi là Tống Thệp ơi. Cái đồ lừa vợ dối con. Cái quân giăng hoa đĩ thoã. Tuổi bằng cha bằng chú nó rồi. Bà mà bắt được cái con giặc non kia thì bà rạch mặt, xé xác mày ra. Trời ơi là trời. Trời có mắt hay không?
- Thím Thệp. Thím Thệp!
Ông Công Mái từ Trụ sở Công an xã chạy ra ngay sát đường vẫy tay gọi bà Tống Thệp đến gần.
- Cớ làm sao mà khổ thế này?
Gặp ông Công Mái như có thêm chỗ bấu víu, bà Tống Thệp rầu rĩ như người tố khổ được động viên:
- May quá bác đây rồi. Ai cũng như bác thì làm sao vợ con đến nỗi hoá điên hoá dại thế này. Ông Bao Công ơi là ông Bao Công ơi, ông làm ơn làm phúc ông cứu mẹ con nhà em với.
Bà Tống Thệp chới với đôi tay về phía ông Công Mái rồi quay mặt ra bốn phía gào tiếp. Tiếng gào của bà như muốn cho tất cả mọi người cùng nghe:
- Ông ra tay ông trừ khử cái bọn phản động ấy giúp em. Ông lôi cổ giúp em cái lão hư đốn ấy về đây để em cho nó một trận. Nó dỗ ngon dỗ ngọt em. Nó lừa em. Rằng bà phải ở nhà trông nom hương hoả, thờ cúng tổ tiên cho tôi. Rằng vài ba năm nữa đến tuổi hưu tôi sẽ về ở hẳn với bà và hai con. Mình đều già rồi lấy cái ân, cái nghĩa làm trọng. Chính vì thế tôi mới ở nhà đấy chứ. Rồi thì...
Bà Tống Thệp ngừng lời lấy hơi và nói tiếp:
- Bác nghe xem... lão còn bảo em thế này... bà ơi bà có tuổi rồi nên đi chùa lấy phúc lấy đức cho chồng con. Bác ơi, trong lúc em quy y niệm Phật thì nó rước gái về nhà. Tủi hổ ô uế quá. Nhà mà như thế thì thằng bé đi học bên Tây đến ngày nó về làm sao cháu dám đến ở. Cứ xưng xưng lên là mua nhà để dành cho con trai. Mua nhà để chứa gái thì có...
Ông Công Mái mấy lần ra tay làm hiệu muốn ngắt lời bà Tống Thệp nhưng không được. Giọng bà ta cứ xoắn lên xoắn xuống như muốn chằng néo người nghe vào với hoàn cảnh của mình.
Cảnh ngộ này khiến ông Công Mái động lòng. Mặt ông như muốn nheo hết cả lại khi nghe bà Tống Thệp nói.
Giận quá người phụ nữ vốn lắm tiền lắm lời nhưng đang bất hạnh này chỉ muốn xả ra đến cạn kiệt tâm can mình.
Nhưng chẳng thể để bà ấy bắn tiểu liên cực nhanh mãi vào hai anh em được. Nghị đã phải chạy ra và to tiếng:
- Chị có định để cho chúng tôi làm việc nữa không nào?
- A a... chú đuổi tôi đấy à...?
- Chị hỏi chị ấy.
Ông Công Mái từ tốn nói:
- Lu loa lên lúc này là không có lợi đâu. Nói đủ để mọi người nghe mọi người hiểu là đựơc rồi. Cứ oang oang lên thế kia khác nào cởi áo cho người xem lưng. Thím phải thấm cái câu của các cụ dạy chứ. Xấu chàng thì hổ ai nào?
Dừng một lát cho câu nói trên đủ ngấm ông Công Mái lại nói tiếp:
- Nghe tôi về nhà mà nghỉ cho tĩnh tâm đã. Chuyện đâu rồi có đó. Con bé cháu nó đi chơi ở đâu thôi. Chắc gì cháu nó đã là mất tích. Tuổi trẻ mải chơi quên cả lời bố mẹ dặn mà. Còn cái chuyện viết khẩu hiệu kia xã sẽ xem xét và có cách xử lý.Chúng tôi nói là chúng tôi làm. Thím cứ yên tâm...
Bà Tống Thệp có vẻ biết nghe lời ông Bao Công:
- Em trăm sự nhờ xã, nhờ bác. Còn cái lão kia ấy à, bất nhân bất nghĩa rồi. Mới tí quyền tí chức mà đã quên vợ quên con. Vừa mới cầm điện thoại lên gọi đã thấy léo nhéo tiếng con đĩ, bác nghĩ có uất không?...
Ông Công Mái nói lời đấu dịu:
- Biết rồi. Cả chuyện ấy nữa chú thím sẽ giải quyết sau. Giờ đã biết đầu cua tai nheo ra làm sao mà đã làm ầm lên. Mới chỉ nghe qua điện thoại mà. Phải ba mặt một lời đã. Không khéo mất cả chì lẫn chài đấy. Làm sao mà quên vợ quên con được. Quên vợ quên con thì sống với ai? Nghe tôi về nghỉ đi...
- Em bây giờ như thế này mà bác bảo nghỉ được?
Giọng ông Công Mái vẫn dìu dịu:
- Cũng đành vậy thôi. Không làm gì khác hơn được bây giờ đâu? Thím nghe anh. Uống cốc nước lọc này cho nó dịu người rồi tìm chỗ mát mà nghỉ. Việc này phải mọi người ra tay mới giúp được. Mình thím thì chỉ tự mình làm khổ mình thôi.
Bà Tống Thệp lại rên lên:
- Ai cũng chỉ thấy khuyên. Lúc nào cũng chỉ bàn với bạc. Cái tôi cần bây giờ là chồng là con kia. Giời ơi là giời. Kiếp trước tôi ăn ở ra sao mà kiếp này chịu quả báo thế này?
Nghị quá sốt ruột:
- Chị còn rên rỉ nữa thì chìa khoá đây giữ Trụ sở hộ em. Ta đi thôi bác. Việc trực an ninh trật tự đã có bà Tống Thệp lo giúp rồi.
Nghị làm như thật.
Anh lấy khoá và chìa khoá ra đặt trước mặt bà Tống Thệp rồi kéo tay ông Công Mái đi.
Bà Tống Thệp giãy lên:
- Ô này chú Nghị. Các người làm thật đấy à? Tôi thèm vào. Nhà của các người chứ nhà của tôi đâu. Này này quay lại...
Ông Công Mái quay lại còn Nghị vẫn cắm cúi bước.
Bà Tống Thệp cười ngượng trước cái nhìn như ý nói của ông Công Mái: Thím nghe anh nên về nhà nghỉ đi, mọi việc có xã lo, mọi người lo, đừng ở đây mà làm rối việc lên nữa.
Bà Tống Thệp cầm cả khoá và chìa đặt vào tay ông Công Mái:
- Em trả tận tay bác nhá. Lúc nữa cái nhà chú Nghị có quay lại bác nói giúp hộ em. Chấp gì cái người đang ngồi trên lửa này mà chưa chi chú ấy đã đùng đùng đưa chìa khoá cho người ta.
Ông Công Mái cười mỉm:
- Thím đùng đùng hay chú Nghị chú ấy đùng đùng?
Ông Công Mái hỏi lại. Bà Tống Thệp chỉ biết giương to đôi mắt nhìn ông Bao Công làng với chùm chìa khoá giơ trước mặt.
Ông Công Mái nhận lại chùm chìa khoá, cười chậm rãi:
- Vâng. Tôi nhận. Tôi lại trả nó về chỗ cũ đây thím yên tâm chưa nào?
Bà Tống Thệp bình tĩnh lại, giọng năn nỉ:
- Có tin gì mới về cháu, bác tin ngay cho em một câu. Bác giúp em. Tin ngay tức thì bác nhá. Giờ mà có về thì cũng khác nào ở trong cái lò gạch đang nung. Khổ cho cái thân em quá bác ơi. Em ăn hiền ở lành ra làm vậy. Giời cao đất dày ơi. Trời có quở thì quở cái đứa nó gây ra ấy. Tống Thệp ơi là Tống Thệp...
Ông Công Mái chau mày:
- Đã nói là không kêu rên nữa mà...
- Em muốn nín mà không nín được. Cổ em như có miếng cơm mắc nghẹn trong họng ấy bác ạ. Càng nín lại càng nghẹn. Ling Ling ơi là Ling Ling ơi...! Ba hồn chín vía con, con ở đâu thì về với mẹ...
Ông Công Mái giậm chân:
- Dại mồm dại miệng nào. Nó đã làm sao đâu mà gọi vía.
Bà Tống Thệp năn nỉ:
- Nhưng bác phải giúp em kia.
Ông Công Mái gật gật đầu nhiều lần:
- Tôi không giúp thím thì giúp ai. Từ hôm qua đến hôm nay anh em tôi có khác gì thím. Mấy cậu trong công an xã còn chạy đôn chạy đáo không kịp ăn cơm trưa nữa kia kìa. Hay là thím để tôi triệu tập họ về nghe thím rên rỉ cho thím thoả lòng.
Bà Tống Thệp chắp tay vái ông Công Mái:
- Thôi thôi bác. Em xin. Em cắn rơm cắn cỏ em nhờ mọi người.
Ông Công Mái trừng mắt nhìn bà Tống Thệp rồi vội vàng quay đi. Ông để lại đằng sau mình cái bàn tay xua xua.
Lát sau ông Công Mái quay lại đỡ bà Tống Thệp lên và nói:
- Giời ạ. Ai bảo thím lễ tôi. Nghe anh về đi. Rồi đâu sẽ vào đấy mà. Trắng sẽ ra trắng đen sẽ ra đen, lòng thành sẽ được chứng giám. Lễ phải tìm đúng nơi mà lễ chứ sao lại lễ tôi. Thím có lẩn thẩn không thế? Nào có thôi đi không. Dân làng người ta nhìn thấy người ta cười cho...
Bà Tống Thệp nói như mếu:
- Em... em xin nhận khuyết điểm. Bác ơi, bác thông cảm cho em nhá...
- Rồi, rồi. Được chưa?
- Em về...
Bà Tống Thệp bước lùi.
- Đi cho cẩn thận đấy.
Bà Tống Thệp quay người bước đi:
- Vâng...!
Bà Tống Thệp hạ nhiệt dần trước lời nói phải của ngài Bao Công.
Ông Công Mái như lính cứu hoả đã bước đầu dập được ngọn lửa hoang muốn bùng cháy ở một tâm trạng đang rối bời!
*
Còn một ngọn lửa nữa đang âm ỉ muốn bùng hoả hoạn. Ông Công Mái đang muốn giúp Nghị dập tắt ngọn lửa này trước khi pháp luật phải ra tay. Âu đấy cũng là nhiệm vụ của lương tâm, của người cùng làng, cùng xóm với nhau trước khi phải dùng tới phương sách cuối cùng là luật pháp.
“Công Mái ơi... cứu một người phúc đẳng hà sa...”
Ông Công Mái lẩm nhẩm trong đầu câu ấy khi hướng bước chân mình về phía quán Cây ổi còng của Tư Diệc!
Từ xa, ông Công Mái đã thấy người xúm xít trước cửa quán hàng Cây ổi còng nhà Tư Diệc. Thật không ngờ. Sự việc diễn ra ngoài dự tính của ông.
Tiếng đàn ông, đàn bà đang toáng toàng.
Một thứ âm thanh cãi cọ ồn ã như chợ vỡ.
Hình như Cây ổi còng đang có chuyện.
Có chuyện thật!
Khi ông Công Mái vừa tới nơi thì mọi người ồn lên:
- Ông Công Mái đến rồi...
- Eo ôi, sao mà thiêng thế.
Có người nói vui giả giọng phim Trung Quốc:
- Mọi người ơi, Bao Công đã vi hành đến... oa oa oa...
Ông Công Mái hỏi một người đứng gần:
- Có chuyện gì thế cô?
Một người hốt hoảng:
- Đánh nhau to rồi cụ ơi.
Một người khác nhấn nhá kiểu diễn tuồng:
- Cây ổi còng đại náo. Chính thất nhập cung. Mợ bé hồn xiêu phách lạc. Các quý tử giúp mẹ ra tay...
Lại một người nữa ác liệt hơn:
- Đốt mẹ nó đi cho dân nhờ. Cái bãi ị này này. Giải khát gì nó. “Ba trong một” gì nó. Quán nhơ, quán nhuốc thì có. Cứ nghĩ ra đây mà tu tâm tĩnh đức ai ngờ. Các cụ là dân chủ quá trớn lắm cơ.
- Thì cho tôi vào xem nó ra làm sao đã nào?
Ông Công Mái rẽ mọi người đi vào...
Trong quán, Tư Diệc đầu tóc xõa xượi ngồi trên ghế.
Đứng kè kè hai bên là hai chàng thanh niên to khoẻ, một cao một thấp vẻ mặt giận dữ và sẵn sàng.
Mỗi người nắm chặt một cánh tay của Tư Diệc.
Trước họ là một người đàn bà đứng tuổi mặt tím lại đang lấy tay chỉ vào mặt Tư Diệc mà nhiếc móc:
- Lấy gương soi mặt mình xem. Tử tế đứng đắn hay là điêu toa, đĩ bợm. Mày làm hại người làng Phẩm chưa xong lại còn mồi chài người thiên hạ. Chồng con người ta đang yên đang lành mày lại đổ bùa mê thuốc lú cho nó. Có ai đời đi ăn cắp tiền của vợ, xin tiền của con để sang Cây ổi còng này đàn đúm với con đười ươi này không?
Tư Diệc vênh mặt:
- Thôi đừng có mà vu cáo. Ai lấy tiền của ai? Muốn rõ thì đi tìm cái quân đĩ đực kia mà hỏi. Đây có tiền đây không làm đĩ rõ chưa?
Tư Diệc cãi.
Người đàn bà kia nhảy thách lên:
- Bà lấy than bà bôi vào mồm mày bây giờ. Lúc nãy đứa nào chạy từ buồng mày chạy ra. Đứa nào, bà hỏi đấy?
Tư Diệc cãi phứa:
- Chẳng có đứa nào sất...! Buồng tôi ở mà có đứa nào chạy ra chỉ là quân ăn trộm ăn cướp thôi.
Người đàn bà gầm lên:
- A... gái đĩ già họng...
Cơn thịnh nộ lại được đà. Người đàn bà chỉ tay vào hai chàng thanh niên đang nắm tay Tư Diệc hét lên:
- Các con! Điệu cổ con nặc nô này ra Trụ sở Công an xã cho mẹ. Nó mà giãy giụa chống cự cứ trói ngoéo lại tội vạ đâu tao chịu.
Ông Công Mái bước nhanh vào:
- Không phải đi đâu cả. Có tôi đây.
Ông Công Mái tiến đến gần người đàn bà giận dữ trong tiếng ồ lên vẻ tán thưởng của mọi người đang vây quanh.
Người đàn bà ngạc nhiên nhìn rồi sẵng giọng:
- Ông là ai mà can dự vào việc đàn bà của chúng tôi?
Ông Công Mái cười:
- Công an xã đây.
- Không phải. Công an xã là ông Nghị kia. Tôi đã mấy lần gặp rồi.
Ông Công Mái vẫn cười:
- Ông Nghị Trưởng Công an xã đi vắng rồi. Chị là người thiên hạ chị chưa biết tôi đấy thôi. Tôi là quân của anh Nghị đây.
Mọi người nói hùa theo:
- Ông Công Mái đấy.
Có người reo vui:
- Bao Công làng Phẩm đấy bà vãi ơi... .
Có người nói to như muốn giới thiệu:
- Cố vấn cấp cao của Trưởng công an Nghị đấy.
Người đàn bà giận dữ bỗng dịu mặt lại nhìn ông Công Mái vẻ ngờ ngợ.
Ông Công Mái chỉ tay vào hai chàng thanh niên:
- Các cháu buông tay chị Tư Diệc ra. Đây là làng Phẩm chứ không phải nhà của các cháu mà các cháu muốn làm gì thì làm. Cả bà nữa. Việc đến thế này thì phải bình tâm mà cư xử.
Người đàn bà mềm giọng hơn:
- Nó quyến rũ chồng tôi bác bảo tôi còn bình tâm ở chỗ nào? Tôi việc gì phải cư xử với cái quân làm tan nát nhà người khác. Lành hiền tuỳ chỗ tuỳ nơi chứ bác. Còn cái loại mồi chài quyến rũ này ý à...
Ông Công Mái lại cười:
- Lỗi ông lỗi ả đâu phải lỗi của một người.
Người đàn bà phát khùng:
- Các người chỉ được cái bênh nhau. Đừng có cậy đây là làng Phẩm nhá. Cái gì cũng có pháp luật của nó. Ông là Bao Công ông phải biết chứ?
Đưa mắt nhìn mọi người, giọng ông Công Mái chậm chắc và từ tốn:
- Tôi đã hiểu hết chuyện rồi, biết hết rồi, bà rõ chưa nào. Bây giờ có tất cả mọi người ở đây cho tôi hỏi. Cả bà nữa. Có phải bà trông thấy ông nhà chạy từ buồng cô Tư Diệc ra không nào?
Người đàn bà nói ngay:
- Không thế tôi không phải tốn sức, tốn hơi đứng ở đây. Biết rồi còn hỏi. Giờ bác có giải quyết chuyện này cho mẹ con tôi không?
Ông Công Mái gật đầu:
- Có chứ sao lại không được. Cả hai bên đều có lỗi gây rối trật tự.
Người đàn bà trợn mắt:
- Mẹ con tôi?
Ông Công Mái hỏi lại:
- Từ nãy đến giờ không tiếng của mẹ con bà thì tiếng ai vào đây?
Người đàn bà lúng túng:
- Đâu phải tại tôi.
Ông Công Mái giải thích:
- Tôi có nói nhà cô Tư Diệc vô tội đâu. Giờ thế này. Mọi chuyện cũng đã rõ đầu đuôi cả rồi. Tôi xin mọi người ai về nhà nấy. Việc này tôi xin thay mặt Công an xã giải quyết. Mọi người nghe tôi rồi giải tán đi...
Người làng Phẩm nhìn nhau rồi người trước kẻ sau rút dần khỏi quán Cây ổi còng của Tư Diệc.
Còn lại nhà chức trách và đương sự.
Ông Công Mái nói với hai thanh niên:
- Hai anh em ra ngoài chờ bác rồi đón mẹ về. Còn bà vào đây ngồi với tôi. Cô Tư Diệc cứ ở đấy. Bảo trẻ nó pha cho mỗi người chúng tôi một cốc nước mát uống rồi ta vào chuyện...
Tư Diệc tăm tắp tuân lời.
Người đàn bà giận dữ hình như không còn giận dữ nữa.
Lát sau bà ta đi ra vẻ thảnh thơi hơn.
Còn lại trong quán là ông Công Mái và Tư Diệc.
Đợi bà khách thiên hạ đi khuất ông Công Mái mới nghiêm nét mặt nhìn Tư Diệc. Cái nhìn của người lớn tuổi đầy giận cũng đầy thương kẻ có lỗi:
- Cô đừng làm dân làng Phẩm này phải xấu hổ về mình nhiều thêm nữa. Ai cũng biết người phụ nữ cần có những cái cần. Nhưng cái cần kiểu như thế của cô là không đúng đâu. Cứ dùng dắng mãi kiểu này là sinh hư cho mình và lây nhiễm sang người khác đấy. Tĩnh tâm lại đi biết đâu chả có người nên duyên nên lứa. Hoàn cảnh mình đã cay nghiệt thế rồi đừng làm nó cay nghiệt thêm nữa.
Ông Công Mái đặt tay mình lên bàn tay Tư Diệc thân tình như người trong nhà. Ông thấy thương hơn sau giận:
- Lần sau mà thế nữa là người ta có đốt nhà chúng tôi cũng không kịp đến chữa nữa đâu. May mà hôm nay...
Tư Diệc chỉ biết cúi đầu...