Thomas đang nhìn một con ong vò vẽ giãy chết trên bậu cửa sổ thì Goering tới tìm nó. Ánh mặt trời thiêu đốt qua các khung cửa sổ, một vạch màu vàng sáng như đường lên thiên đàng nung nóng không khí qua lớp kính đã bị trọng lực làm cong vênh và bị thời gian hai trăm năm nhuộm vàng. Chú ong đang vật vã tìm cách úp bụng xuống, hai sợi râu run rẩy, thân thể nhỏ xíu rúm ró lại, chính hình thể cần thiết của chúng lại là cái bẫy giết chúng.
Cuối mùa ong vò vẽ.
Tất cả bọn chúng đều chết, theo lẽ tự nhiên. Vào thời điểm này trong năm, khi các cơn mưa đổ xuống, là lúc loài ong vò vẽ tìm đường vào mọi căn phòng ở mặt trước của dinh thự cổ này qua những khung cửa sổ đã mục ruỗng, đục khoét bên dưới lớp đá và các mạch xây, tìm đường chui vào bên trong để chết.
Thomas theo dõi con bọ vật lộn và tự hỏi liệu chúng có biết mình sắp chết hay không. Có lẽ chúng hiểu được điều chẳng thể tránh khỏi và chọn cách cuộn mình chết khô ở đây chứ không chịu chết đuối. Hay có lẽ quá trình tiến hóa đã cho chúng một thứ ảo tưởng xa xỉ, đến mức chúng thật sự tin rằng mình có thể trốn thoát nơi này.
Thomas nhìn con ong co thắt như một đứa bé bị đau bụng, rúm người lại nhưng vẫn vật vã hy vọng tới tương lai. Nó muốn đứng lên, bước qua bên ấy và dùng một chiếc thước kẻ để lật con ong sang một bên, cho nó một hai phút ảo tưởng nữa, một cảm giác chiến thắng cuối cùng trước khi chết. Nhưng Beany đang trông coi giờ đọc sách, những cẳng tay cẳng chân khẳng khiu lòng khòng quanh thân thể dài ngoằng và gầy nhẳng của ông thầy, đảm bảo là tất cả bọn học sinh phải chúi mặt vào trang sách. Bọn họ chỉ có thể kiểm soát bạn đến thế mà thôi. Buộc bạn phải quay mặt về phía nhà nguyện, nhìn vào trang sách, nhìn vào thằng bé to bự giận dữ đang chạy sầm sập về phía bạn từ chỗ sân rugby1. Nhưng họ không thể kiểm soát ý nghĩ của bạn. Trừ khi bạn chia sẻ nó với ai đó và kẻ ấy đi báo cáo.
1 Một môn bóng đá ở Anh.
Beany, một người đàn ông đã ngoài ba mươi nhưng vẫn còn rất trẻ con, dưỡn dẹo đi giữa các dãy bàn trong thư viện. Anh ta gật đầu với những học sinh yêu thích, bật ngón tay với những đứa không chú tâm, khiến chúng phải giả vờ đọc quyển sách mà chúng đã chọn. Giờ đọc mà. Người ta ghi ở trong cuốn giới thiệu về trường rằng giờ đọc này sẽ gây dựng được một ham muốn tự học kéo dài suốt đời. Thiếu nhân viên. Giờ đọc sách sẽ tiêu được một quãng thời gian nhỏ bé trong cả một chuỗi giờ học liên miên của bọn chúng. Họ chỉ cho phép học sinh xem ti vi mỗi tuần một lần, mà lại là xem trong đại sảnh với một trăm cậu bé khác và ti vi bị chỉnh sang những kênh ẽo ợt chết tiệt mà chẳng ai buồn xem, X Factor hay đại loại như thế.
Thomas thích căn phòng này. Thư viện được bố trí trong một phòng mà trước kia hẳn là nơi tiếp khách. Trần nhà cao tới mức các giá sách cao bảy feet còn chưa chạm được tới khoảng giữa các bức tường. Hai cửa sổ kính trượt khổng lồ nhìn ra ngoài bãi cỏ về phía dòng suối và những ngọn đồi nhấp nhô ở Perthshire. Cả một tầm nhìn rộng lớn. Nó thích tưởng tượng rằng mình sở hữu tòa nhà này, rằng đây là phòng tiếp khách của nó, rằng tất cả những kẻ khác sẽ cút xéo khỏi đây và nó có thể trả lại công bằng cho gờ tường, sửa các cửa sổ và được ở một mình.
Trần nhà được làm theo lối giả phong cách Adam2. Lớp vữa trát gờ tường đã được sơn lại trong kỳ nghỉ hè, nhiều màu lòe loẹt được phết lên lá và quả nho. Đúng phong cách của viên quản lý tòa nhà, ông ta đã cho sơn sai bét cả: Quả nho thì màu xanh còn những chiếc lá cuộn quanh chúng lại màu vàng. Thomas tưởng tượng rằng họ đã mắc sai lầm ngay từ lúc bắt đầu với những quả nho và chỉ nhận ra sai lầm của mình khi mang thùng sơn vàng ra. Dường như ngoài nó ra, chẳng ai để ý đến điều đó cả.
2 Robert Adam là kiến trúc sư nổi tiếng người Scotland thế kỷ 18.
Căn phòng rất yên lặng, ngoại trừ tiếng lật sách và tiếng nhấp nhổm của tụi con trai, tiếng lột áo khoác và những tiếng khụt khịt bí mật. Bọn trẻ nghịch ngợm với những trang giấy. Beany thì thào “thôi ngay” và tất cả mọi người nhìn lên để thấy Donald McDonald đang cười toe toét. Cậu ta lại đang cọ móng tay bằng mép sách.
Đột nhiên, cánh cửa to đùng màu đen dẫn vào phòng tiếp khách mở ra, không phải theo cách lặng lẽ, hé cửa cẩn thận, lo làm mọi người bị gián đoạn giống như cánh cửa thư viện mọi khi, mà là mở toang ra khiến nó nẩy bật trên bản lề. Hermann Goering lấy lòng bàn tay chặn đứng cánh cửa đang bật trở lại, khiến nó ngừng ngay tắp lự. Ông ta chiếm hết cả lối vào. Mọi thứ về Goering đều to lớn và vuông vức, từ hai bờ vai tuyển thủ rugby khổng lồ cho đến cái đầu hình thù kỳ lạ của ông ta. Đôi mắt đen cương quyết quét khắp lượt căn phòng rồi ngừng ở chỗ Thomas.
“Anderson”, ông ta gọi rồi lùi lại, nhìn thẳng vào Thomas, ra lệnh cho nó đi tới.
Thomas ngừng thở. Nó lúng túng với chiếc áo khoác, dúi vào trong cặp, cố nhồi nhét đến mức hai cánh tay áo lòi ra ngoài y như sợi mỳ ý chọc ra khỏi nồi luộc. Nó quay sang mấy cuốn sách của mình nhưng Goering lại gọi, lần này còn lớn tiếng hơn:
“Mặc kệ nó”.
“Vâng, thưa thầy Cooper.”
Thomas đỏ mặt, không phải vì xấu hổ mà chỉ là một phản ứng hốt hoảng. Mọi người thường không ghét nó như ghét những anh chàng khác, cho dù họ có mọi lý do để làm vậy. Chính vì bố nó mà ba học sinh cùng khóa với nó đã bị buộc phải thôi học. Bằng cách nào đó, việc ông già nó suốt ngày bị lên báo đã mang lại tác dụng phụ, và nó lại trở thành một kiểu thần tượng.
“Anderson.” Giọng ông ta lần này càng sẵng hơn và Thomas nhảy dựng lên.
Bọn trẻ gọi ông ta là Goering3 bởi vì ông ta là cánh tay phải của thầy Doyle. Goering chẳng tự mình làm gì bao giờ. Goering ở đây là để đưa nó tới văn phòng thầy Doyle.
3 Nhại tên của Hermann Goering, nhân vật quyền lực số hai ở Đức Quốc xã sau Hitler.
Nhận ra mình đang đỏ mặt, bị theo dõi và nhìn như một thằng ngốc, Thomas liền đứng thẳng dậy, nhìn quanh bạn cùng lớp và cảm thấy tức giận với bọn chúng. Kệ xác chúng mày, nó nghĩ, cứ để chúng mày nghe chuyện của ông, ông cóc thèm để ý. Đây là chuyện giữa nó và bố nó, chẳng liên quan gì đến bọn chúng. Thậm chí nó còn không buồn bỏ áo vào quần. Sau khi thả bịch chiếc cặp xuống khiến sách vở và tài liệu rơi hết ra ngoài, nó đi bộ đến chỗ Goering mà không buồn nhìn vào mắt Beany hay xin phép gì cả. Nó cứ thế mà đi.
Với bản tính tò mò và tha thiết muốn biết, Beany đi theo nó ra ngoài nhưng bị Goering chặn ở cửa:
“Không được”, ông ta nói kiên quyết, “chỉ mình Anderson thôi”. Rồi ông ta duyên dáng nhún một bên gối nung núc thịt xuống, đá cánh cửa đóng lại giữa Thomas và các bạn học của nó, nghe tiếng hệ thống cửa khóa bằng đồng kêu cách một tiếng rồi mới đứng thẳng lên và nhìn vào mắt Thomas.
Cho đến gần đây, Thomas vẫn không nghĩ Goering biết tên nó. Giờ thì có lẽ tất cả giáo viên đều biết nó rồi. Có khi họ còn đọc to mẩu báo lên cho nhau nghe trong phòng giáo viên và tận hưởng sự xui xẻo của đám học trò cũng nên.
“Thomas, thầy Doyle muốn gặp em trong văn phòng.”
Muốn gặp. Không phải là Chuyển. Không phải là Nhận. Thomas không thể hiểu thế có nghĩa là gì. Goering tỏ ra tôn trọng người khác là chuyện bất thường đến mức khiến nó cảm thấy mọi việc thật tồi tệ. Họ đã tìm được chiếc ô tô. Họ đang giận dữ. Nó và Squeak sẽ bị đưa đi.
Cửa thư viện mở ra sảnh trung tâm, một ban công hình ô van nằm bên trên và được lợp bằng mái kính cũng có hình ô van. Trời đang lạnh cóng. Bên dưới, ở chân cầu thang bằng đá là cánh cửa trước mở thông thống và hai cửa lớn khác, thông hơi lạnh ở hai đầu đại sảnh, thế nhưng Thomas vẫn vã mồ hôi. Nắm chặt tay, nó tự bảo mình sẽ thả ra khi nào thấy tay tê cứng. Đó cũng là một điều để suy nghĩ, một điều khác với những rắc rối hiện tại của nó và việc tưởng tượng gương mặt thầy Doyle sẽ thế nào khi nó bước vào văn phòng cũng như ai sẽ ở cùng ông ta. Squeak, có thể là cảnh sát nữa. Mẹ kiếp. Không phải là vú Mary. Làm ơn đừng là Mary.
Cooper chỉ vào bụng Thomas và nhếch miệng cười:
“Em nên bỏ áo vào quần. Không muốn gặp rắc rối chứ”.
Trong giây lát, Thomas nhìn đăm đăm vào ông ta, cảm thấy lúng túng. Nó cố gắng thả nắm tay ra và nhét áo sơ mi vào trong quần, nhét luôn cả đuôi cà vạt của mình vào. Phong cách của bọn trẻ ở đây là không cài sơ mi ở đằng trước, cà vạt buộc lỏng lẻo theo kiểu đối phó, nhưng Goering lại lịch sự bảo nó sửa sang lại thay vì giảng giải một bài về những trách nhiệm của người văn minh và chuyện làm gương cho bọn trẻ ít tuổi hơn. Ông ta đang tỏ ra tốt bụng bất bình thường, cố làm dịu vẻ mặt và nở nụ cười. Thật là kỳ quặc.
Trước khi Thomas có cơ hội nhìn lên để đọc nét mặt Goering lần nữa thì ông ta đã quay lưng lại và dẫn đường đi qua một loạt cửa thông gió đến hành lang nhà nguyện, từ đó dẫn tới văn phòng thầy Doyle.
Thomas đi theo ông ta, để ý thấy mình đang bước đi thõng lưng một cách ngu ngốc đúng như bọn trẻ vẫn trêu nó. Tưởng tượng đến chuyện thầy Doyle sắp gặp mình, nó nhận thức được từng khiếm khuyết cùng khía cạnh rắc rối bắt nguồn từ phong cách và bề ngoài của mình.
Họ đi từ đại sảnh lạnh cóng, xuyên hành lang tới phòng y tế và phòng nhạc, băng qua cánh cổng hành lang nhà nguyện, một khu vực tối hù không được phép chạy nhảy hay nói chuyện. Hành lang này rất dài và không có cửa sổ, tỏa ra một mùi giống như hương trầm để lâu trong Lễ Tạ ơn. Cánh cửa duy nhất ra khỏi hành lang dẫn tới một cái lô bên trên nhà nguyện, hiếm khi người ta dùng đến lô này vì sợ bọn con trai ngu ngốc ném nhau qua lan can nên chỉ dành cho phụ huynh mỗi khi họ tham dự những ngày lễ bắt buộc4.
4 Ngày diễn ra lễ Misa bắt buộc theo Công giáo.
Bước chân của thầy Cooper rất lặng lẽ, nhịp nhàng. Tiếng đế giày da của Thomas thì lê quèn quẹt và nó thường phải tăng tốc cho kịp. Ở đầu bên kia, qua một cánh cửa đôi gắn vào cửa vòm là văn phòng thầy Doyle.
Goering gõ cửa, nghe tiếng mời vào và mở ra vừa kịp lúc Thomas đến nơi và bị kéo thẳng vào đứng trên tấm thảm trải bằng nhựa. Thomas e dè, ngạc nhiên khi thấy trong văn phòng chỉ có mình thầy Doyle và nó. Thầy Doyle đứng lên để gặp nó. Khuôn mặt ông ta không thể đọc nổi: Là khó chịu hay là căm ghét.
“Mời em ngồi, Anderson.”
Hết sức thận trọng tìm kiếm manh mối, Thomas ngồi xuống chiếc ghế đệm một cách không thoải mái. Nó thấy lo lắng khi thầy Doyle lại bước khỏi chỗ bàn làm việc, đi vòng ra sau nó, rồi thả mình xuống một chiếc ghế bên cạnh. Thầy Doyle gầy gò, dẻo dai, gương mặt ti tiện. Goering không ngồi mà đứng sau cái bàn, hai tay vòng ra sau lưng.
Thầy Doyle vươn người tới và hạ giọng. Thomas nghe thấy ông ta nói như là đang đứng từ bên kia hầm: “Nhà em đã xảy ra chuyện gì đó, và mẹ em yêu cầu đích thân chúng tôi thông báo với em. Chúng tôi rất tiếc. Bố em đã mất. Đó là một vụ tự sát rất bi thảm. Em có sao không? Thomas, em có sao không?”.
Nhưng Thomas bị mắc kẹt trong tình trạng tai ù và mắt mờ, hai mí mắt khép hờ để ngăn ánh sáng từ ngoài chiếu vào. Cuối mùa ong. Đàn vò vẽ chui rúc vào trong để tránh mưa và lạnh, cái chết của chúng bị lũ nam sinh chán học lạnh lùng theo dõi. Bọn chúng chăm chú nhìn lũ ong quằn quại trước lúc chết.
Một vụ treo cổ. Lòng cảm thông đột ngột dâng lên làm Thomas bừng tỉnh khi tưởng tượng ra cơ thể bố mình nằm trong gara và cơn giá lạnh mà ông phải chịu đựng.
“Ông ấy đã chết chưa?”
Thầy Doyle và Hermann Goering nhìn nhau.
Thầy Doyle nói:
“Tôi e là vậy”.
Thomas gật đầu lia lịa, nhiều đến mức cứ như đang xác nhận những lời thầy Doyle nói: “Vâng, thầy nói đúng, vâng, vâng, rất đúng”. Dường như nó không thể ngừng gật đầu và nhìn chiếc bàn đang lao sầm vào mặt mình, những chân bàn gỗ sồi, sổ nháp và những chiếc bút trong ống đựng bút của nhà trường lẫn chiếc điện thoại.
“Đáng lẽ bà ấy có thể gọi điện...?”
“Mẹ em à?”, thầy Doyle hỏi.
Thomas không trả lời.
“Mẹ em nghĩ tốt hơn là nhờ một người ở ngay đây thông báo với em, còn hơn là tự bà nói trên điện thoại, từ nhà...” Ông ta lại dùng đến cái giọng đó, bảo các cậu bé đừng có hỗn hay cật vấn ông và chỉ việc im miệng, nếu không, ai đó sẽ gặp rắc rối. Bà ấy làm thế là sai, tất cả mọi người đều biết như vậy thật xấu xa, nhưng các giáo viên không được phép bình phẩm về phụ huynh. Đó là tôn chỉ của nơi này, làm công việc của bậc phụ mẫu mà bà mẹ Thomas thậm chí không buồn động đến.
“Bà... ông ấy chết rồi à?”
“Chúng tôi phải nói với em trước khi em lên đường về nhà vì các báo đã biết chuyện và họ sẽ đưa tin từ tối nay. Mẹ em đã cử máy bay của bố em đến...”
“Cái nào?”
Thầy Doyle không quen bị ngắt lời:
“Cái nào gì?”.
Nhưng Thomas đang giận đến mức không ngăn nổi mình:
“Cái máy bay nào? Chiếc Piper phải không?”.
Goering chen vào:
“Chúng tôi không biết mẹ em cử chiếc máy bay nào của bố em tới nhưng nó sẽ đến đường băng trong một tiếng nữa. Chúng tôi muốn em về phòng mình và dọn đồ”.
Vài giọt nước mắt rỉ xuống làm mắt Thomas nhức nhối.
“Đó là chiếc Piper. Bà ấy đã cử chiếc Piper tới”.
“Thomas.” Giọng nói sắc nhọn của Goering đã chứng tỏ ông ta chẳng còn chút cảm thông nào dành cho nó. “Chuyện mẹ em cử chiếc nào tới không quan trọng...”
Đột nhiên Thomas chùi hết nước mắt trên mặt. Nó đứng dậy và nhìn thẳng vào hai người đàn ông.
“Bố em đã tới học ở đây”, nó cất tiếng, nhìn xuống họ, không nói ra điều mình thực sự nghĩ: Hồi bố tôi đi học ở đây thì các giáo hữu còn điều hành ngôi trường này, các thầy dòng dạy ở trường này chứ không phải lũ giáo viên chết tiệt, những kẻ không thể kiếm nổi một việc làm khác trong ngành nghề nào đó thực sự tạo ra của cải vật chất. “Các thầy là giáo viên của ông ấy.” Và bố tôi đã trả tiền cho phần cơi nới chết tiệt trên khu hành lang lớp sáu cùng phòng máy tính, trong khi các người không thể làm thế vì các người chỉ là lũ giáo viên chết tiệt, thế nên đừng có nhìn tôi như là một đứa trẻ buồn bã và mất phương hướng chết tiệt, kẻ có một bà mẹ khốn nạn không buồn gọi điện, rồi lại còn gửi chiếc Piper khốn kiếp đến nữa. “Ella?”
“Em gái Ella của em à?” Thầy Doyle đứng lên để gặp nó.
“Ella thì sao? Nó đã biết chưa?”
“Tôi tin là hiện giờ Ella cũng đang trên đường về nhà.”
“Trên chiếc ATR-42”, Thomas nói, “em tin là nó đang trên đường về nhà bằng chiếc ATR-42”.
Thầy Doyle vươn tay ra và làm một việc Thomas chưa bao giờ trông thấy. Ông ta đặt bàn tay lên vai nó. Cảm giác ấm áp tới mức làm da nó ngứa ngáy. Khiến nó thấy sợ. Thomas tưởng thầy Doyle sẽ đẩy nó ngồi xuống và chạm vào nó, sỉ nhục nó. Nó co rúm người, rùng mình bật khỏi bàn tay ông ta. Nó nhìn vào thầy Doyle. Trên mặt ông ta là một cái nhìn tử tế, buồn bã, có vẻ ông ta thấy bối rối vì bị Thomas né tránh.
“Xin lỗi.” Thomas lại nghĩ sai rồi. Đột nhiên nó không tin vào mình nữa. “Em xin lỗi, xin lỗi.”
“Đừng lo”, thầy Doyle nói, thả tay xuống.
Thomas mải miết nhìn xuống thảm. Nó đã cố làm cho bố nhìn vào mình, thực sự trông thấy mình, nhưng Lars lại hiếm khi nhìn vào mắt ai. Nó phải nhìn vào các quyển sách giới thiệu công ty để trông thấy đôi mắt bố. Bố nó chỉ nói chuyện với nó khi cả hai đều đang đứng, ông thường nhìn qua đỉnh đầu nó và ra các tuyên bố, không phải là đối thoại: Mày thật ngu ngốc; Thương trường là chiến trường; Đa dạng các khoản đặt cược của mày; Đừng bao giờ tỏ ra yếu đuối. Thomas đã cố với tới ông, vượt qua mẹ và Ella, thông qua Mary, nhưng không có cách nào hiệu quả. Không có cách nào.
“Ông ấy... chết khi nào?”
“Bố em à?”
“Hôm nay à?”
“Ngày hôm qua. Vào giờ ăn trưa.”
Giờ ăn trưa ngày hôm qua, khi Thomas đang ở trong nhà ăn, thưởng thức bánh mỳ gối trắng tẩm si rô vàng, uống một bình trà nâu và nhìn qua vành cốc để tìm Squeak, giữ ánh nhìn thật lâu để cậu ta biết phải tới phòng nó sau bữa trưa. Nó đã hỏi Squeak sao cậu ta lại có một chiếc ô tô. Nó tưởng mình hiểu Squeak nhưng không phải. Bọn chúng đã ăn món súp cà rốt. Những cục cà rốt vụn còn sót lại ở đáy đĩa.
“Thầy Cooper sẽ đưa em về phòng và giúp em xếp đồ.”
Thomas đứng thẳng dậy và nhớ ra cách cư xử:
“Cảm ơn. Cả hai thầy. Vì đã báo cho em biết. Hẳn chuyện đó chẳng dễ dàng gì”.
Họ thích câu đó lắm, không phải vì đến giờ phút nguy hiểm nó đã nhớ được phải cư xử đàng hoàng như thế nào mà vì nó đang làm cho nhiệm vụ của họ dễ dàng hơn. Thầy Doyle mỉm cười tử tế.
Goering gật đầu và mím môi lại cảm thông. Họ đứng trong im lặng một lát, chiếc đồng hồ treo tường khẽ kêu tích tắc, đếm những giây phút của họ trên mặt đất này, rồi thầy Doyle đổi chân trụ. Ông ta đi về phía cửa và Thomas xoay người theo. Thầy Doyle dừng trước mặt nó.
“Thomas”, ông ta dè dặt nói và Thomas cảm thấy ông ta đang nói một cách ngẫu hứng. “Chúng tôi rất tiếc vì những rắc rối gần đây của em. Chúng tôi biết mọi chuyện với em khó khăn như thế nào nhưng hãy yên tâm, bất kể có chuyện gì xảy ra đi nữa thì em cũng sẽ hoàn thành sự nghiệp học hành ở trường này. Chúng tôi có nhiều khoản trợ cấp và đang hỏi thăm để tìm nguồn thay thế tài chính để em có thể ở lại đây.”
Goering gần như định nói gì đó. Một bên lông mày của ông ta nhướng lên chút đỉnh. Thầy Doyle nghiến răng và nhìn xuyên qua Thomas. Tất cả cùng đang nghĩ về một việc.
“Thầy thật là tử tế, thầy Doyle”, Thomas thận trọng nói, “nhưng em nghĩ như thế thật không phải, việc kinh doanh đổ bể của bố em đã khiến cho mấy bạn ở đây phải rời khỏi trường. Như thế thật không... công bằng”.
Goering đồng tình với nó, Thomas có thể nhìn thấy điều đó. Thầy Doyle chấp nhận câu từ chối một cách lịch thiệp:
“Chúng tôi không trách những đứa con trai vì tội lỗi của các ông bố, Thomas ạ. Chúa tha lỗi. Tư cách của em ở đây rất gương mẫu”.
Thomas nhìn ông ta. Thầy Doyle tin như thế. Ông ta thực sự tin rằng mình hiểu. Thomas mở miệng định nói nhưng lại bật khóc. Nó lấy tay bịt chặt miệng nhưng âm thanh ấy như một tiếng thét, một tiếng sủa, một tiếng rú. Nó ấn ngón tay vào hai má, thật mạnh, ép tất cả chui vào hết trong khi miệng nó phì phì nước bọt và bắn ra những tiếng thét nhỏ. Nó nín thở và ngăn chúng lại.
Họ đứng bất động cho đến khi mọi chuyện qua đi. Thomas cẩn trọng bỏ tay ra.
“Xin lỗi”, nó nói, “về...”.
Thầy Doyle nghiêng đầu cảm thông nhưng Goering đã bước tới:
“Chúng ta nên đi thu dọn”.
Thomas bước chân về phía cửa, chui trở lại ánh sáng mờ mịt trong hành lang nhà nguyện và về với một thế giới đã mãi mãi thay đổi.